Categories
2- Thơ Thầy Trò Trịnh Hoài Đức 9b - Thơ Nhiều Tác Giả

THƠ XUÂN CỦA NHÓM VTHX ĐĂNG TRÊN CHICAGO VIỆT BÁO TẾT QUÝ MẸO 2023


325659158_1408754086540111_1373696997512043712_n

Mời bấm vào link dưới, trang 41/144 để đọc :

https://onedrive.live.com/?authkey=%21ALQTvMTXvG1gwVI&cid=8DB236CE7D13AEBE&id=8DB236CE7D13AEBE%2111186&parId=8DB236CE7D13AEBE%21175&o=OneUp

Categories
6 - Trang giải trí Chuyện ngắn

Cuộc phiêu lưu ngày 23 tháng Chạp: Câu chuyện của một chú cá chép hóa rồng


ntdvn_etv-mona-tao-quan-cuoi-ca-chep

Cuộc phiêu lưu ngày 23 tháng Chạp: Câu chuyện của một chú cá chép hóa rồng

Nguyên Phong • 16:30, 13/01/23

Câu chuyện phiêu lưu của một chú cá chép từ ngày lễ cúng Táo quân để lại bao suy ngẫm thú vị về ý nghĩa của sinh mệnh và cuộc sống

(Mến tặng hết thảy những chú cá chép vẫn bơi ngược dòng!)

Trong hồ nước gặp được quý nhân

Bộp!

Một vật lạ từ thành cầu rơi xuống mặt hồ. Nước bắn tóe lên. Cái vật lạ màu cam kia nằm đờ ra trên mặt nước vài giây rồi sau đó cong mình cựa quậy, rồi cái mang phập phồng, vây và đuôi ve vẩy. Hóa ra là một chú cá chép vàng to cỡ bàn tay người lớn với thân hình mảnh dẻ.

Qua cơn choáng váng, chú nhìn ra xung quanh. Và rùng mình. Có những chú cá vàng khác cũng bị ném xuống nước nhưng giờ nằm ngửa bụng ngáp ngáp vì bị va đập mạnh. Có chú mắc mãi trong túi bóng không ra được đành chờ chết.

Thì ra hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, ngày con người cúng Táo quân. Chép vàng bị người ta ném từ trên thành cầu xuống hồ nước, rồi họ lên xe phóng đi. Lẽ ra phóng sinh đúng cách phải là nâng cá bằng hai bàn tay, rồi nhẹ nhàng thả xuống nước cho cá bơi đi. Nhưng cuộc sống nay khác rồi, con người mới vội vàng làm sao.

Nên có nhiều chú cá xấu số đã không tránh khỏi cái chết.

ca-chep-sai-s-1517236492644734922671-1517825423-width640height466-550x330Chép vàng bị người ta ném từ trên thành cầu xuống hồ nước, rồi họ lên xe phóng đi

Một khối đen sì xô đến, có tiếng gọi giật giọng: “Nhanh. Trốn đi. Đứng đây để chờ bị bắt lại à?”

Trước mặt chép vàng là một chú cá chép đen to lớn, khỏe mạnh. Chép vàng nhìn lên bờ, có mấy người cầm vợt đứng gần mép nước, họ chỉ chờ người trên cầu vứt cá xuống sẽ vợt lại đem bán cho người mua phóng sinh. Chần chừ là sẽ bị bắt lại.
Vả lại gần bờ nước bẩn và nhiều rác, không thở được.

Chép vàng búng nước lấy đà, vọt lẹ cùng chép đen.

Bơi đã xa khỏi bờ, chép vàng mới cất lời:

– Chào đằng ấy, tớ tên Chép Vàng. Còn đằng ấy?

– Dĩ nhiên tớ là Chép Đen. Hì hì

– Đằng ấy ở đâu tới?

Chép Đen vểnh râu, có vẻ đắc ý:

– Tớ ở trong cái hồ này thôi. Cũng được thả phóng sinh như đằng ấy, nhưng lâu rồi. Hình như ngày 23 tháng Chạp của hai năm trước.

– Vậy sao đằng ấy vẫn ở đây?

– Thì đi đâu mà chả thế. Chỗ nào sống được thì tớ ở. Trong cái hồ này có đủ thức ăn, dù tớ bị con người lùng bắt suốt, nhưng tớ tránh được.

Chép Vàng thở dài:

– Còn tớ thì phải làm tròn sứ mệnh của mình.

– “Sứ mệnh gì?” Chép Đen hỏi.

– Tớ đưa các vị Táo quân lên chầu Đức Ngọc đế. Họ phải cưỡi lên lưng tớ để thăng thiên.

– Tớ có thấy ai đâu?

– Họ ở không gian khác, đằng ấy hiểu không. Có hai ông và một bà. Nhưng giờ ở trong cái hồ nước tù đọng này thì biết thăng thiên làm sao. Chép Vàng chép miệng, bần thần.

Chép Đen tò mò:

– Vậy thì phải ra đâu mới thăng thiên được?

– Ra sông lớn, nơi dòng nước cuộn chảy từ thượng lưu xuống hạ nguồn, như dòng chảy liên tục của thời gian, cũng là đường đi lên thượng giới.

Chép Đen nháy mắt tinh nghịch:

– Ở hồ này có một lối thông ra sông.

– “Thật không?” Chép Vàng háo hức. “Đằng ấy có thể dẫn tớ ra đó được không?”

– “Được thôi, để tớ dẫn đi”. Chép Đen trả lời.

không khí thơm phức mùi sen, gió hây hẩy thổi khiến cánh hoa rung rinh, càng đưa hương sen đi xa bát ngát.
Hồ nước khá rộng. Nước giữa hồ trong xanh hơn ở gần bờ, làm nền cho sắc đỏ của những bông hoa súng đang nở rộ. (Ảnh: Shutterstock)

Hồ nước khá rộng. Nước giữa hồ trong xanh hơn ở gần bờ, làm nền cho sắc đỏ của những bông hoa súng đang nở rộ. Hai chú cá vừa bơi vừa trò chuyện:

– “Sông đó rộng, nước chảy xiết. Tớ đã có lần ra đến đó rồi lại quay về đây. Nói thật, sức vóc như đằng ấy, chẳng biết sẽ bơi thế nào”. Chép Đen nói và ái ngại nhìn thân hình mảnh dẻ của bạn.

– “Tớ cũng không biết. Nhưng đã là sứ mệnh thì tớ sẽ phải làm. Tớ còn phải bơi ngược dòng ấy chứ”. Chép Vàng cũng không giấu được vẻ lo lắng.

– Để làm gì?

Chép Vàng mơ màng:

– Mẹ tớ kể cho tớ câu chuyện từ tổ tiên xa xưa của họ nhà cá chép. Một con cá chép ngoài nhiệm vụ chở các Táo quân lên chầu Đức Ngọc đế vào ngày 23 tháng Chạp thì cũng phải tìm đường quay về với cội nguồn sinh mệnh của mình.

– “Bằng cách nào?” Chép Đen hỏi.

– Bơi ngược dòng một con sông lớn, rồi vượt thác. Xưa kia tổ tiên cá chép chúng ta đã từng có vị bơi vượt thác Long Môn trên sông Hoàng Hà để hóa rồng và bay lên trời. Đã lâu lắm rồi, từ thời vua Đại Vũ trị thủy.

– Nghe hay nhỉ. Nhưng không biết có thật không?

– “Tớ tin là có thật”, Chép Vàng cả quyết. Ánh mắt nó ngời lên đầy tin tưởng, cứ như linh hồn những cụ tổ oai hùng của loài cá chép đã quay về nhập vào trong nó, lúc ấy thân hình mảnh dẻ của nó toát lên một sức mạnh không ngờ khiến Chép Đen cảm thấy kính nể. Chép Đen nghĩ đến hình ảnh một ngọn thác hùng vĩ, nước đổ sầm sập từ trên cao xuống, một chú cá chép tung mình nhảy lên thật cao hết lần này đến lần khác…

– Được, tớ sẽ đi cùng đằng ấy. Tớ không nghĩ đến hóa rồng, nhưng hẳn sẽ là một chuyến đi thú vị.

Chép Vàng mừng lắm. Nó chưa từng đi đâu ra khỏi ao nuôi cá. Giờ có Chép Đen, một tay tháo vát thế này đi cùng, cơ hội thành công sẽ cao hơn.

So với Chép Vàng trầm lặng mơ mộng, Chép Đen hơi thiếu óc tưởng tượng nhưng giỏi xoay sở, thạo đời, lại hoạt ngôn, đặc biệt là rất nghĩa khí. Trên đường đi, Chép Đen dạy cho Chép Vàng cách kiếm mồi từ phù du trôi ngang dòng nước, từ việc tóm những con tép nhỏ hay thậm chí cả châu chấu, cào cào sa xuống mặt nước. Chép Đen cũng dạy cho Chép Vàng cách tránh những mồi câu, những lưỡi lục của dân câu, những vó, nơm… của vô số những người bắt cá. Chép Đen quả là sự bổ sung tuyệt vời cho Chép Vàng.

“Đằng ấy phải trải nghiệm, va chạm nhiều hơn, đời giờ nhiều cạm bẫy lắm”. Chép Đen thường dặn Chép Vàng như vậy trên đường đi. Và Chép Vàng cũng cố gắng ghi vào lòng những bài học ấy.

Màu nước bắt đầu thay đổi, đôi bạn sắp đi tới lối thông từ hồ ra sông. Chép Đen hào hứng:

– Tớ sẽ thi vượt thác với đằng ấy. Chắc chắn tớ sẽ nhảy lên thật cao, cao hơn đằng ấy cho mà xem.

– Tớ tin là thế, Chép Đen ạ. Đằng ấy sẽ làm tốt hơn tớ.

– “Biết đâu tớ cũng hóa rồng nhỉ”, Chép Đen cười vang trêu chọc. “Lối thông ra sông kia rồi, nước xiết quá, ta lấy đà chuẩn bị nhé. Một, hai… Ối, thả tôi ra, thả tôi ra”.

shutterstock_1234109923-550x330“Biết đâu tớ cũng hóa rồng nhỉ”, Chép Đen cười vang trêu chọc. (Ảnh: Shutterstock)

Chép Đen đã mắc vào một tấm vó, người ta kéo vó lên, Chép Đen vùng vẫy nhưng không thoát ra được. Chép Vàng cuống quýt bơi loanh quanh ở dưới mà không nghĩ ra cách nào để giúp bạn.

– “Trốn đi, trốn đi Chép Vàng, họ bắt đấyyy”… Chép Đen gào to.

– “Tớ không đi đâu, tớ phải cứu đằng ấy”. Chép Vàng bật khóc và bất lực nhìn bạn. Chép Đen đã bị kéo lên cao.

– Đằng ấy không cứu được tớ đâu. Đi và làm tròn sứ mệnh của đằng ấy đi. Hãy vượt thác cả phần của tớ nữa. Đi ngay đi, ở đây nguy hiểm lắm.

Một chiếc lưới được ném vù xuống. Chép Vàng chợt động linh cơ tránh được. Rồi ngoảnh nhìn Chép Đen lần cuối, Chép Vàng gạt nước mắt, phóng ra sông.

Trưởng thành nơi sông lớn

Không ai có thể nhìn thấy nước mắt của một con cá, nhưng ai dám bảo đảm rằng cá không biết khóc? Còn chúng tôi thì biết rằng Chép Vàng đã khóc thảm thiết vì thương bạn. Vả lại, chú còn lo lắng từ nay mất đi sự hỗ trợ của Chép Đen, chú biết xoay sở thế nào nơi sông lớn?

Nhưng rồi Chép Vàng cũng dần bình tĩnh lại. Chú đã bắt đầu chuyến đi một mình, giờ đây chú lại có thêm những kinh nghiệm mà Chép Đen đã dạy chú. Chép Vàng thấy mình cần tự tin hơn.

Phải tiếp tục lên đường.

Ban đầu, nước sông chảy xiết, lại bơi ngược dòng nên chú rất mệt. Cứ bơi một quãng chú lại phải tìm chỗ nghỉ. Thức ăn ở đây cũng khó kiếm hơn, vì nước chảy mạnh nên thức ăn trôi qua rất nhanh, chú phải đớp mồi khẩn trương hơn. Về sau chú cũng biết tìm đến nơi nước lặng hơn một chút, thường là sau những tảng đá lớn ở lòng sông, vừa để kiếm cái ăn, vừa tìm chỗ nghỉ. Dần dần, chú cũng biết kiếm ăn dưới bùn hay bắt con tôm con tép.

ntdvn_hukouwaterfall4-550x330Ban đầu, nước sông chảy xiết, lại bơi ngược dòng nên chú rất mệt. (Ảnh: Wikipedia-CC BY 2.5)

Cuộc sống luôn vận động mạnh khiến thân thể chú cường tráng hơn, mạnh mẽ hơn, đôi râu cũng mọc dài ngạo nghễ. Nếu Chép Đen còn sống mà nhìn thấy chú, chắc sẽ rất tự hào.

Chú cũng gặp nhiều loài cá khác và cả cá chép, nhưng phần lớn họ chỉ bơi xuôi dòng. Đôi khi, chú cũng làm quen với những chú cá chép khác để tìm kiếm bạn đồng hành. Nhưng hầu như ai cũng cười nhạo ý tưởng “viển vông” của chú.

Chú chỉ biết một mực ngược dòng tiến lên.

Đã qua Tết Nguyên Đán, có lẽ các vị Táo quân đã rời lưng chú để thăng thiên chầu Đức Ngọc đế và tâu bày kết quả một năm làm việc ở cõi trần này. Giờ này có lẽ họ đã được tạm nghỉ ngơi, nhưng chú Chép Vàng của chúng ta vẫn hàng ngày phải đối mặt với sóng dữ. Và không chỉ có thế, ở trên sông lớn, Chép Vàng dù ít gặp con người hơn, nhưng kẻ thù trong tự nhiên lại nhiều hơn. Chẳng hạn như con giải, rắn và các loài cá lớn.

Mới hôm qua, chú bị một con giải đớp hụt. Nó nằm im ở lòng sông trông như một tảng đá lớn. Chép Vàng định nép vào đó nghỉ ngơi thì con giải thò cái đầu ra táp. Chép Vàng lanh lẹ né được. Hú hồn. Những con giải – loại baba cực lớn ở vùng này có cái mai to như cái chiếu con và có thể cắn đứt gân chân của trâu mộng.

Một hôm, Chép Vàng lọt vào một vùng nước lặng hơn và nông dần đi. Ở đây, đáy sông ít bùn và cứng hơn, hầu như chỉ có cát và đá. Cá tôm cũng thưa thớt. Chép Vàng cảm thấy lo ngại, chú chưa biết chuyện gì đang xảy ra, bèn tới bắt chuyện với một cụ cá nheo đang sửa soạn lên đường:

– Cụ ơi, cụ sắp đi đâu vậy? Cho cháu hỏi thăm đường ạ.

– Chào anh. Anh muốn đi đâu?

– Cháu muốn lên thượng nguồn cụ ạ.

Cụ cá nheo già, da bạc phếch nheo mắt nhìn Chép Vàng tò mò:

– Anh muốn lên thượng nguồn làm gì? Đi làm sao được. Đã lâu lắm rồi có ai đi lên thượng nguồn được đâu.

– Vì sao vậy hả cụ?

Cụ cá nheo thở dài:

– Anh bơi ngược lên một quãng nữa sẽ gặp một con đập cực lớn, đó là đập thủy điện. Vì cái đập ấy mà nhiều năm nay, tôi không thể đi lên thượng nguồn. Tôi cũng bị chia cắt với gia đình mình. Họ ở lại phía lòng hồ nằm sau cái đập thủy điện này. Trầm tích, phù sa cũng bị giữ lại phía bên ấy. Anh xem, đáy sông ở đây trơ ra toàn sỏi với đá thôi, sống làm sao được. Ăn gì bây giờ? Khi nào có lũ về hay mùa mưa thì còn đỡ. Còn bây giờ nước cạn thế này, chúng tôi phải bơi về xuôi.

ntdvn_1159px-threegorgesdam-china2009-550x330Anh bơi ngược lên một quãng nữa sẽ gặp một con đập cực lớn, đó là đập thủy điện. Vì cái đập ấy mà nhiều năm nay, tôi không thể đi lên thượng nguồn. (Ảnh: Getty Images)

Ngừng lại một lát, cụ cá nheo nhìn chú nói tiếp:

– Mà anh cũng nên về xuôi thôi. Đợi đến mùa lũ rồi quay trở lại. Nhưng kể cả vậy thì làm sao anh vượt qua được con đập cao ngất kia. Thôi, về đi. Muốn vượt qua được phải có thần tích. Thời nay làm gì còn thần tích.

Dứt lời, cụ cá nheo quay lưng, lầm lũi bơi về xuôi.

“Thời nay làm gì còn thần tích”. Câu nói đầy chán nản ấy của cụ cá nheo còn làm chú Chép Vàng hụt hẫng, đau khổ hơn hết thảy những bầm dập trên thân xác cho đến lúc này. Chú đã bắt đầu chuyến đi với lòng tin vào truyền thống xa xưa của họ nhà cá chép, về thần tích hóa rồng. Dọc đường, chú đã gặp được Chép Đen, người bạn duy nhất ủng hộ chú. Nhưng liệu Chép Đen có tin vào chuyện hóa rồng hay không? Chú cũng nhớ đến tiếng cười nhạo của các bạn cá dọc đường, trong đó có không ít đồng loại cá chép của chú. Giờ lại thêm lời này.

Nhưng nghĩ lại, chú sẽ không bỏ cuộc. Mẹ vẫn dạy chú: “Trên đời này không mất thì không được. Được thì phải mất.” Và thần tích sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho một kẻ lười nhác và thiếu lòng tin. Vả lại, đằng nào cũng sẽ chết, thà là chết trong dòng nước xiết vì đã sống một cuộc đời có ý nghĩa còn hơn một cuộc sống vô vị nhạt nhẽo trong bùn lầy của ao tù nước đọng.

Chép Vàng vượt vũ môn

Đêm hôm ấy Chép Vàng nhịn đói đi ngủ. Trong giấc mơ, chú mơ thấy mẹ mình và lời ru êm êm của mẹ, lời ru đưa chú về với những tổ tiên oai hùng xa xưa của họ cá chép – những bậc đã hóa rồng. Chú cũng mơ thấy Chép Đen và bạn có hỏi chú rằng đã vượt thác chưa. Chú mơ thấy cả ba vị Táo quân đang chầu Đức Ngọc đế và họ nói rằng: “thần tích sẽ xảy ra với những kẻ mạnh mẽ có đủ lòng tin.”

Chép Vàng bỗng choàng tỉnh dậy vì trời bắt đầu mưa.
Mưa? Giữa tiết hanh khô tháng Giêng này? Ồ! và mưa ngày càng lớn chứ không phải mưa phùn. Một trận mưa rào cực lớn.

Mưa suốt cả mấy ngày, nước dềnh lên nhanh chóng. Nước mưa cuốn theo thảm mục trên rừng chảy xuống dòng sông, phù du lại nhiều lên. Các loài cá tôm lại quay trở lại. Chép Vàng cũng có thể tiến sát đập thủy điện.

Lúc này, lũ trên thượng nguồn đã đổ về sầm sập. Đập thủy điện mở cửa xả mặt khiến nước đổ xuống như một dòng thác cực lớn. Chép Vàng thầm nghĩ: “Cứ như lời kể, xưa kia vua Đại Vũ phải xẻ núi Long Môn cho nước sông Hoàng Hà thoát đi, đó là thuận theo tự nhiên để trị thủy. Còn ngày nay người ta làm ngược lại, xây những con đập cực kỳ to lớn để chắn nước. Nhưng liệu họ có thể chặn được sức mạnh của thiên nhiên không nhỉ?”

Nhưng giờ chú cũng không nghĩ lâu về việc đó nữa. Chú phải chuẩn bị cho việc vượt thác. Ai biết cơn lũ sẽ còn kéo dài đến lúc nào. Chú không thể bỏ lỡ cơ hội Trời cho này được.

Chép Vàng kiếm mồi thật nhanh và dự trữ dưới khe một tảng đá lớn bên bờ nước. Chú ăn đến no nê và bắt đầu tập nhảy.

Rồi tiến đến gần dòng thác nước đang chảy xuống dữ dội, chú bật nhảy thật cao vào dòng thác. Ngày càng cao hơn. Nhưng con đập cao vút thế kia, chú làm sao nhảy tới?

Chép Vàng không nản, chú quay về chỗ cất thức ăn, ăn một bữa no, nghỉ một lúc rồi quay trở lại chỗ thác nước. “Mình phải nhanh lên”, chú thầm nghĩ.

Chép Vàng liên tục nhảy, hết lần này đến lần khác. Chú vừa nhảy vừa rạch thân mình như một chú cá rô, đè lên dòng nước khổng lồ đang ầm ào đổ xuống. 1000, 1001, 1002… chú thầm đếm. “Mình sẽ không bỏ cuộc đâu. Sẽ nhảy đến khi không còn hơi sức. Cùng lắm thì ta lại được gặp Chép Đen ở dưới âm kia”.

Trong đôi mắt đã mờ dần đi của chú hiện lên hình ảnh tinh nghịch thân thương của Chép Đen và lời trăng trối của bạn: “Hãy vượt thác cả phần của tớ nữa nhé”. Chép Vàng thu hết tàn lực, nhảy lên một cú thật cao…

Quả đúng là:

“Cá thần vùng vẫy vượt qua đăng,
Được nước, nào ai dám rỉ răng?
Cưỡi gió giương vây lên cửa Vũ,
Xông mây rẽ sóng động vừng trăng,
Giếc, rô ngứa vẩy khôn tìm lối,
Trê, chuối theo đuôi dễ mấy thằng!
Gặp hội hoá rồng nơi chót vót
Đã lên, bay bổng tít bao chừng?” (1)

Ở trên Thiên đình, Đức Ngọc đế đang dõi theo chú Chép Vàng, và Ngài đã mỉm cười.

shutterstock_120805945-550x330Từ trong thác nước, một chú rồng vàng cực lớn gầm vang, cuộn mình nhe nanh múa vuốt và bay vượt lên trên đập nước trước sự sững sờ của muôn loài thủy tộc. (Ảnh: Shutterstock)

Từ trong thác nước, một chú rồng vàng cực lớn gầm vang, cuộn mình nhe nanh múa vuốt và bay vượt lên trên đập nước trước sự sững sờ của muôn loài thủy tộc. Chú rồng có thân mình dài và lớn như một cây đại thụ, vàng rực như được dát những chiếc vảy vàng khổng lồ lấp lánh có hình dạng như vảy cá chép; cặp râu dài mềm tung bay oai vệ; cặp mắt sáng rực nhìn thấu cả trần gian và âm giới… cùng đôi sừng dài và bộ vuốt to lớn sắc nhọn. Bên cạnh chú rồng vàng đó là hào quang của một chú cá chép đen quấn quýt như một người hộ vệ trung thành. Cả hai song song bay thẳng lên cửa Nam Thiên nơi thượng giới.

Cửa Trời mở ra, quần tiên hoan hỉ chào đón sinh mệnh đã trở về nguồn cội.

Nguyên Phong
(1): Thơ “Cá chép vượt đăng” (Lý ngư bạt hỗ) của thi hào Nguyễn Khuyến

Categories
9 - Trang thời sự Thế Giới

ÔNG KEVIN MCCARTHY CÓ BÀI DIỄN VĂN ĐẦU TIÊN TRONG TƯ CÁCH CHỦ TỊCH HẠ VIỆN HOA KỲ


ÔNG KEVIN MCCARTHY CÓ BÀI DIỄN VĂN ĐẦU TIÊN TRONG TƯ CÁCH CHỦ TỊCH HẠ VIỆN HOA KỲ

Vote For Speaker Of The House Stretches Into Fourth Day
WASHINGTON, DC – JANUARY 07: U.S. Speaker of the House Kevin McCarthy (R-CA) is sworn-in after being elected as Speaker in the House Chamber at the U.S. Capitol Building on January 07, 2023 in Washington, DC. After four days of voting and 15 ballots McCarthy secured enough votes to become Speaker of the House for the 118th Congress. (Photo by Chip Somodevilla/Getty Images)

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) tuyên thệ nhậm chức sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 07/01/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Caden Pearson – Trong bài diễn văn đầu tiên trước Quốc Hội sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện thứ 55, Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã cam kết buộc chính phủ Tổng thống (TT) Biden chịu trách nhiệm, khắc phục nền kinh tế, và giành chiến thắng trong cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc.

Trong một bài diễn văn dài 20 phút, ông McCarthy đã trình bày các vấn đề chính dành cho Hạ viện do Đảng Cộng Hòa (GOP) kiểm soát tại Quốc hội khóa 118.

Các vấn đề mà ông McCarthy nhấn mạnh bao gồm việc bảo vệ biên giới phía nam, kiểm soát chi tiêu của chính phủ, giảm chi phí năng lượng, tạo công ăn việc làm được trả lương cao, mở đường cho năng lượng do Mỹ sản xuất, và chống lại sự truyền bá hệ tư tưởng “thức tỉnh” của cánh tả trong các trường học.

Về lâu dài, tân Chủ tịch Hạ viện cho biết Quốc hội cũng cần giải quyết khoản nợ ngày càng tăng của Hoa Kỳ và sự trỗi dậy của Đảng Cộng sản Tàu (ĐCST).

“Tối nay, tôi muốn nói chuyện trực tiếp với người dân Mỹ. Với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, trách nhiệm tối cao của tôi không phải là đối với đảng của tôi, hội nghị của tôi, hay thậm chí là với Quốc hội của chúng ta. Trách nhiệm của tôi — trách nhiệm của chúng tôi — là đối với đất nước của chúng ta,” ông McCarthy nói. “Hai tháng trước, quý vị đã bỏ phiếu cho một hướng đi mới cho đất nước của chúng ta. Quý vị đã chấp nhận lời cam kết của chúng tôi đối với Mỹ quốc, và bây giờ chúng tôi sẽ giữ lời cam kết của chúng tôi đối với quý vị.”

Vote For Speaker Of The House Stretches Into Fourth Day
WASHINGTON, DC – JANUARY 07: U.S. Speaker of the House Kevin McCarthy (R-CA) delivers remarks after being elected as Speaker in the House Chamber at the U.S. Capitol Building on January 07, 2023 in Washington, DC. After four days of voting and 15 ballots McCarthy secured enough votes to become Speaker of the House for the 118th Congress. (Photo by Anna Moneymaker/Getty Images)

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) có bài diễn văn sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 07/01/2023. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Kiềm chế các chính sách của tổng thống

Ông McCarthy cho biết cam kết của Hạ viện do GOP kiểm soát đối với người dân Mỹ bao gồm việc làm cho nền kinh tế vững mạnh, tạo điều kiện cho người dân được đổ đầy bình xăng của họ, được sở hữu khả năng chi trả các mặt hàng bách hóa, được chứng kiến tiền lương của họ tăng lên, và cảm thấy an toàn trong các cộng đồng của họ vì cơ quan chấp pháp được tôn trọng và tội phạm bị truy tố.

“Một cam kết cho một chính phủ biết chịu trách nhiệm. Một chính phủ nơi người Mỹ có được câu trả lời mà họ muốn, họ cần, và họ xứng đáng nhận được,” ông nói. “Hệ thống của chúng ta được dựng lập trên cơ sở kiềm chế và đối trọng. Đã đến lúc chúng tôi phải trở thành một lực lượng kiềm chế và có một số đối trọng đối với các chính sách của tổng thống.”

“Không có gì quan trọng hơn việc giúp các gia đình Mỹ có thể sống và tận hưởng cuộc sống mà họ đáng được hưởng,” ông tiếp tục. “Đó là lý do tại sao chúng tôi cam kết ngừng chi tiêu lãng phí của Hoa Thịnh Đốn, giảm giá hàng bách hóa, xăng, xe hơi, nhà ở, và ngăn nợ quốc gia gia tăng.”

Ông McCarthy cam kết cắt giảm gánh nặng pháp lý, giảm chi phí năng lượng cho các gia đình, và “tạo công ăn việc làm được trả lương cao cho người lao động bằng cách giải khai nguồn năng lượng dồi dào, đáng tin cậy do Mỹ sản xuất.”

Tân Chủ tịch Hạ viện lưu ý rằng dự luật đầu tiên của Hạ viện khi Quốc hội quay trở lại làm việc sẽ nhằm mục đích bãi bỏ khoản tài trợ cho 87,000 nhân viên Sở Thuế vụ, khi nói rằng chính phủ nên cố gắng giúp đỡ người dân, chứ không phải “truy đuổi họ.”

Các ủy ban

Hạ viện do GOP kiểm soát cũng sẽ thành lập một ủy ban lưỡng đảng đặc biệt về vấn đề Trung cộng để điều tra cách đưa trở về “hàng trăm ngàn” việc làm đã về tay Trung cộng. “Và sau đó chúng ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế này,” ông McCarthy nói.

“Bây giờ khi nói đến các ủy ban, chúng ta sẽ khiến đầm lầy phải chịu trách nhiệm. Từ việc rút quân khỏi Afghanistan cho đến nguồn gốc của COVID, rồi đến việc vũ khí hóa FBI,” ông tiếp tục. “Hãy để tôi nói rõ rằng, chúng ta sẽ sử dụng sức mạnh của hầu bao và sức mạnh của trát đòi hầu tòa để hoàn thành công việc này.”

Ông nói tiếp: “Đây là điều mà tất cả chúng ta nên đồng ý: Chúng ta sẽ đứng lên và lên tiếng vì trụ cột của nền kinh tế chúng ta — những người nộp thuế cần mẫn.”

Để ghi dấu dịp này, ông McCarthy nói rằng việc ông đắc cử nhậm chức giống như một “khởi đầu mới, một xuất phát điểm mới” trước khi tuyên bố rằng Điện Capitol Hoa Kỳ một lần nữa mở cửa cho công chúng đến thăm và chứng kiến ​​các nhà lập pháp tranh luận về luật.

“Tôi muốn gửi đến tất cả người dân Mỹ một lời mời mang tính cá nhân. Quý vị được chào đón đến chứng kiến cơ quan này làm việc. Những cánh cửa sẽ không còn đóng nữa, mà các cuộc tranh luận sẽ được mở ra để quý vị chứng kiến ​​những gì đang diễn ra trong Hạ viện của Người dân,” ông nói.

Ông McCarthy nói rằng Quốc hội sẽ “nhiệt thành theo đuổi sự thật,” dù là trong các phòng ủy ban hay tại sàn Hạ viện. Sẽ không còn những “cuộc chất vấn đơn phương” trong Quốc hội khóa 118. Thay vào đó, ông cho biết các ý tưởng cạnh tranh sẽ được đưa ra thử nghiệm trước công chúng để những ý tưởng tốt nhất giành chiến thắng.

Ông McCarthy lưu ý thêm rằng không phải lúc nào sự thật cũng được tìm thấy ở Hoa Thịnh Đốn trước khi tuyên bố rằng một trong những phiên điều trần đầu tiên của Quốc hội sẽ được tổ chức ở biên giới phía nam.

“Không còn phải phớt lờ một cuộc khủng hoảng về an toàn và chủ quyền. Chúng ta phải bảo vệ biên giới của chúng ta. Chúng ta phải đưa Mỹ quốc trở lại đúng hướng,” ông nói.

Vote For Speaker Of The House Stretches Into Fourth Day
WASHINGTON, DC – JANUARY 07: U.S. Speaker of the House Kevin McCarthy (R-CA) delivers remarks after being elected as Speaker in the House Chamber at the U.S. Capitol Building on January 07, 2023 in Washington, DC. After four days of voting and 15 ballots McCarthy secured enough votes to become Speaker of the House for the 118th Congress. (Photo by Win McNamee/Getty Images)

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) có bài diễn văn sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 07/01/2023. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Đắc cử sau 15 cuộc bỏ phiếu

Ông McCarthy được bầu sau 15 lần bỏ phiếu bắt đầu từ hôm 03/01, trong một cuộc bầu cử rất sít sao diễn ra sau nửa đêm tại Hạ viện của Quốc hội Hoa Kỳ.

Tổng số 216 phiếu bầu của vị chủ tịch mới đắc cử này đã vượt qua số phiếu của Dân biểu Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York). Ông Jeffries đã nhận được toàn bộ 212 phiếu bầu của tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ có mặt tại Hạ viện, ngoại trừ một người.

Ông McCarthy đã thắng sau khi sáu thành viên phái bảo tồn truyền thống bất đồng ý kiến phản đối ông kể từ cuộc bỏ phiếu đầu tiên đều bỏ phiếu “có mặt.” Điều đó đã làm giảm số lượng thành viên bỏ phiếu xuống còn 428, thu hẹp số phiếu cuối cùng của ông McCarthy từ 218 xuống 216.

Những lời chúc mừng đã nổ ra từ phía Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện khi mọi việc trở nên rõ ràng rằng ông McCarthy rốt cuộc đã đắc cử Chủ tịch Hạ viện.

*

Caden PearsonÔng Caden Pearson là một phóng viên tại Úc. Quý vị có thể liên lạc với ông tại caden.pearson@epochtimes.com.au

Biên dịch: Minh Ngọc (etviet)

(Bản gốc: The Epoch Times)

Đọc thêm… Diễn Đàn Trái Chiều : BÀI 264: NỘI CHIẾN CỘNG HÒA (diendantraichieu.blogspot.com)

Categories
Chuyện ngắn

MẸ CHỒNG – NÀNG DÂU!


unnamed (100)

MẸ CHỒNG – NÀNG DÂU !

– Minh Nguyễn –

“Tao đi từ Nam ra Bắc tao không thấy có đứa con dâu nào như mày.”

“Con đi khắp cái gầm trời này cũng không có người mẹ chồng nào như mẹ.”

“Tao thì làm sao?”

“Thế con thì làm sao?”

“Mày chả làm sao, mày là nhất. Đi ra ruộng thì đi luôn đi. Ban ngày thì mải đi chơi, tối tắt mặt trời đổ lúa vào xay. Làm việc không khoa học chỉ có nghèo suốt đời con ạ.”

“Con nghèo thì mẹ cũng nghèo theo, nên đừng có mà trù ẻo.”

Ngày nào bọn tôi cũng được nghe “dân ca và nhạc cổ truyền” miễn phí từ hai mẹ con nhà bà cụ Thao.

Cụ năm nay tám mươi tuổi rồi, con dâu cụ thì hơn bốn mươi tuổi. Nghe đâu bảo ngày xưa cụ sức yếu, sảy mấy lần mới sinh được chú Tự. Vì là con cầu tự nên bà chiều chú lắm, từ nhỏ tới lớn muốn gì được nấy. Ngày chú Tự cưới cô Tin bà cụ cũng chẳng thích lắm, vì cô Tin học hết cấp một là nghỉ rồi. Nhưng chú Tự kiên quyết nên cụ phải cắn răng tổ chức lễ cưới. Cưới xong cô Tin sinh liền tù tì ba đứa con gái, cụ cứ bĩu môi mãi là đồ không biết đẻ.

Cụ bảo cô Tin, liệu mà sinh thêm thằng cu nối dõi, kẻo lúc bố chúng nó đi gái lại ngồi mà khóc. Con gái là con người ta. Cô Tin nghe thế bực mình bảo, “con gái là con người ta, con dâu đích thực mẹ cha mua về, thế sao mẹ không đối xử tốt với con đi, con nào chả là con, con trai mẹ có ở nhà chăm mẹ đâu, toàn thân con hầu hạ.” Bà cụ hừ một cái rõ dài rồi quay mặt vào tường, chẳng nói gì thêm.

Mỗi ngày đều nghe thấy mẹ chồng con dâu nhà cụ kẻ xướng người tùy, hay hơn cả xem kịch nói trên VTV1 mỗi tối thứ bảy. Hôm nào không thấy hai mẹ con cụ cãi nhau, là thấy xóm hiu hắt hẳn.

Có một sớm, tôi vừa cho kem đánh răng vào miệng, thấy bà cụ nhà bên hậm hực gào toáng lên:

“Tay tao bưng trầu, đầu tao đội lễ, tao rước mày về cái nhà này, chứ không phải con giun cái kiến nó tha mày về mà mày không biết lớn biết bé, đi không thưa về không gửi.”

“Mẹ ngủ ngáy o o, đấm bảy ngày chả hự, con thưa gửi kiểu gì? Mà con đi bừa chứ đi đâu mà thưa với gửi, mẹ bớt bớt cái tính cổ hủ đi.”

“A, tao cổ hủ, mày chê bà già này cổ hủ, để tao gọi chồng mày về xem nó có cho mày một trận không, mày dám chê mẹ nó à?!”

“Mẹ đi mà gọi, con chả ngán. Mẹ chửi xong rồi thì ra ăn bánh quấn đi không nguội.”

“Tao không ăn.”

“Không ăn tận trưa mới có cơm đấy, lát bọn trẻ về nó ăn hết lại chả kêu. Bà Tư bún làm riêng cho mẹ đấy.”

“Hừ, cái con mụ Tư bún chỉ khéo mồm, bán thì đắt, mày chỉ khéo vẽ vời tốn tiền.”

“Thế mẹ có ăn không?”

“Chả ăn thì sao?”

“…”

Tôi cười nuốt cả kem đánh răng.

Cả làng tôi đều biết bà cụ Thao là địa chủ hết thời, ai cũng sợ cụ. Ngày cụ còn trẻ còn khỏe, đanh đá nhất làng, chẳng ai dám động đến cụ. Thế mà không hiểu sao cô Tin chịu được những gần hai mươi năm. Nghe đâu ngày cô Tin mới về làm dâu, làm bà cụ tăng huyết áp mấy lần, cụ còn dọa thắt cổ tự tử. Thế là cô cắt ngay cái màn tuyn, nối thành cái dây dài treo thòng lòng từ nóc nhà xuống, rồi bảo cụ leo lên. Cụ tức quá chửi ầm lên, nói cô muốn giết cụ. Cô phì cười bảo là cụ tự muốn chết, nếu không muốn chết thì xuống bếp ăn cháo cá đi không nguội nó tanh. Cụ chọn cháo cá. Vừa ăn vừa hừ, hừ, hừ.

Chú Tự đi làm xây dựng mãi dưới Quảng Ninh, một năm chẳng về được mấy lần. Bà cụ tuổi già hay ốm, hay nũng, hay giận. Chỉ có cô Tin mới trị được cụ. Mỗi lần hàng xóm nói cô khổ, vớ được mẹ chồng ghê gớm, cô cười hi ha, “người già với trẻ con là một, dỗ dành một tí là ngoan như bống ấy mà.” Ban đầu mọi người nghĩ cô khôn khéo ý tứ, cho là cô ba phải, sau rồi phát hiện ra cô chẳng bao giờ đi nói xấu mẹ chồng ở bất cứ đâu. Thành ra mỗi ngày thấy mẹ con cô “hát tuồng”, ai cũng dỏng tai lên nghe rồi đem đi buôn bán trong những vụ dưa lê ngoài ruộng. Mà bà cụ gắt gỏng là thế, nhưng đi đâu cũng một câu con Tin nhà tôi, hai câu con Tin nhà tôi. Sau hàng xóm cũng quen, lại nghĩ chắc cô Tin và bà cụ kiếp trước là nghiệt duyên, kiếp này phải trả nợ, cả đời dính vào nhau.

Hàng ngày hai người tranh chấp toàn chuyện lông gà vỏ tỏi. Từ việc hát ru con tới việc tắm cho lợn, mà cuối cùng toàn bà cụ thua. Vừa ăn vừa thua, vừa phơi lưng cho con dâu bóp thuốc vừa lầm bầm chửi biết thế ngày xưa tao ép thằng Tự lấy đứa nhiều chữ hơn. Học nhiều nó mới ngoan. Cô Tin cười ha hả, làm gì có ai nhiều chữ bằng mẹ, văn thơ mẹ cả cái chuồng trâu nhà mình chứa không hết.

“Cha tiên sư bố mày…”

Một hôm, cô Tin cuống lên đi tìm bà cụ. Chả là không biết bà cụ nghe ai nói chú Tự có bồ. Thế là cụ bỏ ăn, nằm liệt hai ngày. Cô Tin gọi chú Tự về gấp, chú bảo bận chưa về được. Sáng hôm sau cô đi chợ, về thì không thấy cụ đâu. Cô tìm nhà trên xóm dưới, rồi hoảng hốt chạy ra ao, ra giếng, không thấy bóng người. Cô cuống lên gọi điện thoại, “mẹ anh chết rồi anh có về không hả? Không thấy mẹ anh đâu, anh về ngay còn kịp tìm xác.”

Chú Tự về nhanh như một cơn gió, bốn giờ chiều đã có mặt ở nhà, hàng xóm hỗ trợ tìm cụ từ trưa không nghỉ. Thấy chú về cô khóc toáng lên, đánh chú thùm thụp, miệng liên tục sao giờ anh mới về, không thấy mẹ đâu cả, không thấy mẹ đâu cả. Thiu hết cả bánh giò rồi.

“Mới có từ trưa thiu thế nào được?”

Cả nhà: “…”

Không biết cụ chui từ đâu ra, cả người lấm lem.  Cô Tin nín bặt cả khóc. Cả xóm trắng mắt. Ai nấy đều thở phào. Chưa kịp phào xong thì cụ ngã lăn quay ra đất, mọi người lại tán loạn đưa cụ đi trạm xá cấp cứu. Bác sĩ bảo cụ bị tụt huyết áp do quá đói. Rồi bác sĩ nguýt cô Tin một cái rõ dài, “đúng là một mẹ nuôi được mười con chứ mười con không nuôi nổi một mẹ.”

Cô Tin: “…”

Truyền được nửa chai đường thì bà cụ tỉnh lại, thấy con dâu khóc thút thít cụ xì mặt ra: “mày định khóc bây giờ cho đủ để lúc tao chết mày không khóc nữa phải không?”

Cô Tin: “…”

“Bánh giò có mang theo không?”

Cô Tin: “…”

“Biết ngay mà, chỉ có giả bộ thảo hiền là giỏi.”

Chú Tự, cô Tin: “…”

Có mẹ chồng giỏi ăn nói nó khổ thế đấy.

Cô hỏi cụ, mẹ trốn ở đâu cả ngày mà tìm mãi không thấy. Bà cụ hừ một cái, trốn trên cái hố mối bãi chè sau nhà chứ đâu. Mày cứ động tí là đầu óc lú lẫn, bã đậu.

“…”

Trưa hôm sau bà cụ được về nhà. Sau khi ăn xong bát cháo gà tần thuốc bắc, cụ gõ cái gậy xuống đất, bắt chú Tự quỳ xuống trước bàn thờ ông cụ Thao. Chưa kịp nói gì cụ đã phang túi bụi.

“Con chó có đuôi, con người có ý thức. Vợ anh ở nhà bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, để anh ra ngoài ăn chơi đàng điếm hả?”

“Con không có.”

“Tôi quản anh có hay không hả? Tôi là tôi biết hết, anh chê tôi già mắt kém anh định qua mặt tôi phỏng? Đường đường là thằng đàn ông, văn chương chữ nghĩa bề bề, thần l… nó ám thì mê mặc lòng. Tôi nói anh biết, nhà tôi chỉ có mình con Tin được có tên trong gia phả. Mấy con yêu tinh quạ cái kia đừng hòng bước chân vào. Anh khôn hồn thì biết đường mà về nhà hối lỗi với vợ con. Tôi chỉ có ba đứa cháu, tôi không cần cháu trai, anh thích đi kiếm con hoang con ở thì cút khỏi cái nhà này. Hừ, hừ, hừ.”

Sợ bà cụ tăng huyết áp, cô Tin đuổi chú ra nhà ngoài, tối đó cô ngủ cùng bà. Sáng hôm sau cô bảo chú: “mẹ bảo tay mẹ bưng trầu đầu mẹ đội lễ mẹ rước tôi về, nên nhà này của tôi. Anh cứ chọn đi, bà cụ chả sống được mấy nữa, bà chỉ có mình anh, anh sống sao thì sống.”

Nửa tháng sau người ta thấy chú Tự xách ba lô về, sau đó đi theo mấy ông thợ cả ở làng nhận mấy công trình nhà văn hoa thôn bản.

Còn bà cụ và cô Tin ở nhà vẫn cất bài ca đi cùng năm tháng.

“Thế gian được vợ hỏng chồng. Nhà mày thì hỏng cả ông lẫn bà.”

“Không phải đều là con mẹ à?”

“Tao mà đẻ ra cái loại chúng bay à?”

“Thế chồng con chui ra từ cái lỗ nẻ nào?”

“Cái loại rạch giời rơi xuống chứ sao.”

“Rồi rồi, con thần con thánh, sét đánh không chết. Mẹ ngồi im con kỳ lưng, trơn là ngã gãy cổ bây giờ.”

“Hừ. Hừ. Hừ.”

Categories
Chuyện ngắn

MIỆNG THIÊN HẠ


unnamed - 2022-12-27T182259.094

MIỆNG THIÊN HẠ

Ông M ngoài 80, vợ chết đã 10 năm còn bà N đã qua một lần đò, ngoài 70. Hai người cô đơn trong hai căn nhà vắng đôi. Họ là đôi bạn trên sàn khiêu vũ của hội Người cao tuổi quận H đã 3 năm. Tâm đầu ý hợp, hai người có ý định dọn về chung nhà, chung nồi, chung mọi thứ…

Bà có người em gái sống cách nhà bà 100 mét. Nhà ông cách nhà con trai 5 căn. Ông hỏi ý kiến con trai, con dâu; bà thăm dò ý kiến em gái, em rể.
Sau 3 ngày các con ông, các em bà không bàn mà có ý kiến giống nhau: Ông bà đang cô đơn tình cảm lứa đôi, nói theo luật pháp là đang không vợ, không chồng đến với nhau là chính đáng. Chỉ hiềm tuổi ông bà đã cao, sức đã xuống. Ý kiến là: Ông bà cứ đi khiêu vũ thường xuyên, đi lại như người một nhà; con ông, em bà tổ chức ăn uống mời cả bà, cả ông cùng vui. Ông bà cứ đến với nhau khi cần. Coi nhau là tình nhân chứ không là vợ chồng. Chẳng có câu “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, hay “ Tình yêu thú vị hơn hôn nhân”…. đó sao.
Ông bà đồng ý.
Các con ông và các em bà tổ chức một bữa ăn thân mật bốn nhà, họ cùng vui vẻ nâng chén mừng cho ông bà.
Từ hôm đó mọi người thấy ông bà dắt tay nhau đi khiêu vũ, đi ăn sáng, đi chợ, đi chơi. Lúc thì ông đến nhà bà, khi thì bà đến nhà ông. Họ chào ông bà, ông bà vui vẻ chào lại. Hai người ở hai nhà mà hạnh phúc.
Sáng hôm ấy người ta nhìn thấy ông bà chở nhau đi ăn sáng.
Một người nói: “Nhìn kìa…”
Người khác nói: “Già rồi mà còn rửng mỡ”
Lại người nữa: “Chẳng biết tháng có được một cái không”
Người nữa: “Sống được bao nhiêu nữa mà…”
Đúng là miệng thiên hạ.
Họ có gì phạm pháp không? Không! Trai không vợ, gái không chồng đang yêu nhau. Chiểu theo “Luật Tình yêu”. Làm gì có “Luật Tình yêu”.
Hai trái tim đang cô đơn đến với nhau, yêu nhau thắm thiết, lúc cần đến với nhau, chẳng có luật nào cấm, cũng chẳng có luật nào cấm họ không được sex. Với họ sex là tự do, thích thì sex. Vâng họ không sống được bao lâu nữa, nhưng họ yêu cuộc sống. Họ là con người, ngoài sex ra họ còn bao nhiêu thứ cần có nhau: Tình cảm, tâm tình, nụ cười, ánh mắt,…

Xin các vị hãy nhìn đời với ánh mắt nhân văn, đừng khắt khe với người, hãy khắt khe với mình, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ.

ST.

Categories
Chuyện ngắn

SẢN PHỤ BỆNH AIDS


81924223_468660684049666_2179119329130315776_n

SẢN PHỤ BỆNH AIDS

Thông tin bệnh nhân AIDS chuẩn bị nhập viện sinh con đã khiến cả khoa sản náo loạn. Các y tá đồng thanh nói:

– “Ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp bị lây nhiễm?”

Ngay cả một số bác sĩ cũng phản đối :

– “Nếu bệnh nhân khác bị lây nhiễm qua dụng cụ phẫu thuật và giường chiếu thì phải làm thế nào?”.

Sau một hồi tranh luận, cuối cùng bệnh nhân cũng được sắp xếp vào chiếc giường số 13, phòng cách ly đặc biệt của khoa sản. Khi trưởng khoa phân công trực ban, không ai muốn nhận vào trong đó. Cuối cùng chỉ còn lại tôi – một y tá vừa tốt nghiệp ba tháng, nơm nớp lo sợ bước vào căn phòng.

Vừa vào tới phòng, người mẹ sắp sinh mỉm cười với tôi. Tôi cứ nghĩ rằng những phụ nữ mắc loại bệnh này hẳn sẽ phấn son trang điểm lòe loẹt. Nhưng không phải vậy, cô cũng như những người phụ nữ bình thường khác, khuôn mặt hiền từ, mái tóc dài ngang vai, chân đi đôi giày búp bê…

“Cảm ơn cô!”

Một giọng nói trong veo và nhẹ nhàng, cô là một phụ nữ bình thường nhưng lại mắc căn bệnh không hề bình thường chút nào.

Thì ra người mẹ trẻ tại giường số 13 này là một cô giáo trung học phổ thông. Một hôm trên đường từ trường về nhà, cô bị tai nạn xe hơi. Vì mất quá nhiều máu nên cô phải truyền máu gấp và không may bị nhiễm HIV.

Đến tận khi cô đi khám thai, bác sĩ mới phát hiện cô đã mắc phải căn bệnh thế kỷ. Cuộc đời cô đã bước sang một ngã rẽ mới, ảm đạm và mờ mịt với kết cục buồn phía trước.

Đáng thương nhất là đứa bé trong bụng, nguy cơ bị lây nhiễm cũng rất cao, xác suất không dưới 20% đến 40%. Người mẹ không còn hệ thống miễn dịch, vì thế các biến chứng trong quá trình sinh là vô cùng nguy hiểm.

Khi chồng cô đến đã khiến cho cả khoa một phen kinh ngạc. Chồng của một phụ nữ bị AIDS thì trông thế nào nhỉ? Khác xa với tưởng tượng của chúng tôi, chồng cô là một nhân viên văn phòng giỏi máy tính, đeo kính cận, cao ráo, lịch sự, và có phong thái rất đĩnh đạc.

– “Anh à, anh đoán xem con chúng ta sẽ giống em hay giống anh hơn?”

Tôi đang trải ga giường, nghe thấy những câu nói nhỏ nhẹ nỉ non của đôi vợ chồng trẻ thì sống mũi cay cay, nước mắt bắt đầu rơm rớm. Thì ra họ là một gia đình hạnh phúc.

– “Tất nhiên là giống anh rồi, nếu là con gái thì mới giống em chứ!”

Cô vợ nghe vậy còn phụng phịu làm nũng ra điều không chịu.

Khi tôi bước ra khỏi phòng bệnh, nước mắt tôi chảy dài, trái tim tôi chua xót vô cùng.

Hàng ngày cô ấy phải uống nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát lượng virus HIV, hầu như ngày nào cũng phải lấy máu và truyền dịch. Hai cánh tay đầy đặn, nõn nà nay đã chi chít những vết kim tiêm.

Tôi là y tá mới ra trường, vốn sống còn ít ỏi lại khá “nhát gan”. Nhất là những lúc lấy máu, tôi vẫn thường làm cô ấy đau đến chảy nước mắt, nhưng cô chưa bao giờ nổi cáu với tôi, chỉ âm thầm cắn răng chịu đựng, thỉnh thoảng còn mỉm cười nói “không sao”.

Chỉ vài ngày sau khi cô nhập viện, tôi dần dần rất thích cô ấy.

Tuy còn vài ngày nữa mới đến ngày sinh, nhưng cả khoa đã chuẩn bị sẵn sàng.

Cô năm nay đã 31 tuổi lại mang trong mình căn bệnh AIDS, nên bệnh viện cả trên lẫn dưới đều trong trạng thái đề phòng cao độ. Nhưng bản thân cô lại rất bình tĩnh, hàng ngày đều đọc sách và nghe nhạc, còn viết thư tình hoặc vẽ tranh tặng con yêu.

Một hôm tôi đánh bạo hỏi:

– “Tại sao cô lại sinh đứa bé ra, rằng cô có biết nguy cơ lây nhiễm là rất cao?”

Cô vừa mỉm cười vừa trả lời tôi:

– “Con tôi đã đến với tôi, đó là duyên nợ, hơn nữa tôi không có quyền cướp đi sinh mệnh của bất kì ai.”

Tôi do dự, nhưng vẫn quyết định hỏi:

– “Nếu cháu bị nhiễm HIV thì sao?”

Cô ấy im lặng một lúc, sau đó tiếp tục nói:

– “Nếu không thử thì con tôi sẽ không có cơ hội sống nào.”

Tâm trạng tôi vừa buồn vừa xót xa, không khí trong căn phòng trở nên ngột ngạt. Khi tôi chuẩn bị ra ngoài, cô đã nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, đôi mắt rưng rưng và nói:

– “Tôi muốn nhờ cô một việc, khi tôi sinh con dù có xảy ra chuyện gì, chồng tôi nhất định sẽ cứu lấy tôi. Nhưng tình trạng của tôi cô cũng biết rồi đó, vì thế nếu thực sự xảy ra chuyện xấu, xin hãy cứu lấy con tôi.”

Tôi cảm động ôm cô và khóc, cô đúng là một người mẹ thực sự.

Dưới ánh đèn huỳnh quang nhạt màu, cô nằm yên lặng trên bàn mổ, thân dưới không ngừng chảy máu, nước ối vẩn đục đã ộc ra. Điều này có nghĩa là thai nhi đang lâm vào tình trạng nguy hiểm vì thiếu oxy.

Thể chất của cô vô cùng đặc thù, không hề có phản ứng với thuốc tê, chỉ có thể chọn mổ sống để lấy thai nhi ra và chấp nhận hy sinh người mẹ. Hai là tiêm thuốc gây mê, nhưng đợi khi thuốc có tác dụng thì em bé trong bụng đã bị ngạt thở hoặc bị sốc vì liều gây mê quá cao, nhưng chỉ như vậy mới có hy vọng cứu được người mẹ.

Cả hai trường hợp đều khiến bệnh viện và gia đình lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Cô nắm chặt tay tôi, đôi mắt nhìn tôi như van nài, giọng nói yếu ớt nhưng rất kiên quyết:

– “Cứu lấy con tôi, nhanh cứu lấy con tôi, không cần phải quan tâm đến tôi…!”

Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cái nhìn tuyệt vọng đến vậy, trong một căn phòng cũng tuyệt vọng như thế. Một người phụ nữ không thể gây tê, cũng không thể gây mê khi mổ đẻ, bao nhiêu bác sĩ đứng đó đều bất lực.

Con dao phẫu thuật nhanh chóng được đưa xuống bụng dưới, lớp da, lớp mỡ, lớp cơ, niêm mạc rồi tử cung… Người mẹ co giật từng cơn, toàn thân giãy giụa, quằn quại, mắt trợn ngược, khuôn mặt biến dạng vì đau đớn, miệng cắn chặt chiếc khăn trắng và rên lên từng cơn xé lòng.

Tôi không thể chịu nổi khi chứng kiến những giọt nước mắt của cô rơi xuống lã chã. Và tôi biết, đó không chỉ là đau đớn mà còn là tình yêu của người mẹ.

Đến tận hôm nay tôi mới hiểu vì sao làm con phải hiếu thảo với cha mẹ. Bởi mỗi đứa con chào đời là biết bao nhiêu đau đớn, biết bao nhiêu nhọc nhằn, thậm chí là hy sinh cả tính mạng của mẹ.

Cuối cùng, thai nhi đỏ hỏn cũng được đưa ra và khóc lên tiếng khóc yếu ớt đầu đời. Người mẹ vừa ngất lịm đi, đột nhiên nghe thấy tiếng khóc của con nên cô cố gắng hé mở đôi mắt liếc nhìn về phía con yêu, nhưng rồi mí mắt sưng húp nặng trịch lại vội vã cụp lại.

Tôi vội vàng tháo đai cố định ở chân và tay cho cô, vì gồng mình vật lộn với cơn đau, cổ tay cổ chân cô đều rớm máu. Hai mắt tôi đẫm lệ, trái tim tôi cũng như thắt lại…

Thật khó để tin rằng đây là một người mẹ AIDS, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nhìn thấy con trai của mình. Đôi mắt cô nhắm lại và sẽ không bao giờ còn mở ra được nữa. Cô bị nhiễm trùng nặng và không thể cầm được máu nên đã mãi mãi ra đi.

May mắn là em bé âm tính với virus HIV. Tôi tin rằng ở trên cao kia, cô cũng đang mỉm cười mãn nguyện.

Khi làm vệ sinh phòng bệnh, tôi đã tìm thấy một lá thư dưới gối của cô, bên trong còn vẽ một bức tranh ông mặt trời, bên dưới mặt trời là một đôi tay nhỏ. Cô viết cho con trai rằng:

– “Con yêu, cuộc sống giống như mặt trời, hôm nay lặn xuống ngày mai nhất định sẽ lại lên.”

Tôi không thể ngăn những giọt nước mắt, cuộc sống thật quá mong manh và cũng thật mạnh mẽ. Người mẹ nào mà chẳng thương con? Vậy cớ sao chúng ta lại phải phân biệt đối xử?

Cuối cùng tôi đã hiểu, cô cũng như những người mẹ bình thường khác, dũng cảm để giành lấy sự sống cho con.

Khi đứa bé được xuất viện, cháu nằm yên bình trong vòng tay cha. Ban đầu đứa trẻ khóc rất to, giống như biết mẹ nó sẽ không bao giờ còn quay về nữa. Nhưng nó chợt ngừng khóc khi tôi đặt bức thư lên ngực. Dường như trong lòng bé cũng đang mỉm cười khi nhận lấy cuộc sống vĩnh cửu này.

Mai này lớn lên em sẽ biết rằng, mẹ của em là người mẹ vĩ đại nhất trên đời.

Nguyễn Quang