MẸ VÀ EM GÁI của THI SĨ TẢN ĐÀ

Thưa các bạn :

Tôi không nhớ hồi Trung Học mình có học về Tản Đà không, bây giờ đọc trên Net mới biết thi sĩ Tản Đà có mẹ và em gái làm đào hát. Xin trích lại một đoạn để các bạn cùng xem :

“ Bà chị Tản Đà kể rằng khi làm Tri Phủ Xuân Trường, Nam Định, thân phụ bà thường say mê thú hát ả đào.Yêu nhịp hát câu ca, ông yêu luôn cô đào hàng Thao Nam Định. Nàng rất trẻ đẹp, tuối độ 20, tên là Nghiêm. Lúc bấy giờ Nguyễn Danh Kế tiên sanh đã ngoại bốn mươi, việc tề gia nội trợ đã có bà cả và bà hai vốn là hai chị em ruột. Ngày xưa cổ nhân có tục đa thê nên chẳng bao lâu nàng danh ca đã trở thành vị phu nhân của quan phủ, tục danh là bà phủ Ba. Bà giỏi xướng ca, lại rành thi họa. Bà cùng nữ sĩ Nhàn Khanh xướng hoạ. Khi ở Vân Đình, bà Nhàn Khanh đã gửi bà phủ Ba một bài thơ :

Ai lên Bất Bạt nhắn nhe cùng

Nhắn hỏi cùng ai có nhớ không ?

Nửa bước xa xa bằng mấy dặm

Một ngày đằng đẵng ví ba đông

Giọng thơ tri kỷ say mê mệt

Ngọn lửa tương tư đốt cháy nồng

Khắc khoải năm canh lòng luống những

Thơ tình mở mở lại phong phong

Bà phủ Ba đáp lại :

Đêm qua vơ vẩn chốn thư đường

Mong mỏi chung tình chẳng thấy sang

Sáu khắc mơ màng người hảo hữu

Năm canh tơ tưởng chốn Đình giang

Trông trăng bát ngát thương người ngọc

Thấy nước long lanh nhớ bạn vàng

Hai chữ tương tư khôn xiết kể

Khối tình chi để một ai mang

Qua thơ xướng hoạ kể trên, chúng ta thấy bà phủ Ba cũng là tay tài hoa. Lại nữa, một vị phu nhân dòng dõi trâm anh thế phiệt như bà Nhàn Khanh lại có thơ xướng hoạ cùng một phu nhân xuất thân ca kỹ, cũng có thể do giao tình đậm đà giữa quan án và gia đình họ Trịnh, họ Dương mà cũng là do lòng liên tài quá lớn vậy.

Trong mấy năm trời sống với quan án, bà án đã có bốn con gồm hai trai hai gái : Nguyễn Mạn, Nguyễn thị Chính, Nguyễn khắc Hiếu và Nguyễn thị Trang. Khi quan án từ trần, thân mẫu Tản Đà tuổi ngoại ba mươi, bà quyết định sống trọn đời chung thủy với người chồng quá cố. Nhưng theo chị Tản Đà, được chừng một năm, bà đột nhiên ra đi, mang theo cô út, trở lại xóm Bình Khang. Nghe đâu về sau bà trở thành bà chủ một nhà hát tại Bắc Ninh.

Tại sao gia đình Tản Đà lại xảy ra tấn bi kịch đó ? Một cụ bà người cùng làng với Tản Đà nói rằng do mối bất hòa gia đình. Mất chồng, mất nơi nương tựa, người tiểu thiếp không tài sản, không thế lực kia làm sao chịu được tiếng bấc tiếng chì của bà vợ cả ? Ông Nguyễn Mạnh Bổng, anh vợ của Tản Đà cũng chung ý kiến trên. Ông cho rằng thân mẫu của Tản Đà phải cất bước ra đi “ vì một sự không hoà trong gia đình “. Nhưng chị của Tản Đà lại cho rằng gia đình vẫn êm ấm, không hề có việc xích mích, thân mẫu Tản Đà ra đi vì “ ngựa quen đường cũ “.

( Nguyễn thiên Thụ- thivien.net )

LỜI  BÀN :

Tản Đà tự nhận mình là “ Khổng Tử chi đồ” nên quan niệm của Tiên sinh hơi khắt khe. Xin hãy xem bài Kiều Hầu Rượu Hồ Tôn Hiến thì đủ biết :

“Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng

Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan

Tổng đốc ví thương người bạc phận

Tiền đường chưa chắc mả hồng nhan “

Với quan niệm như thế, hẳn Tiên sinh rất khổ tâm vì mẹ và em gái. Có lẽ vì thế mà người đương thời như Trương Tửu, Lê Thanh khi viết về thân thế Tản Đà đều tuyệt nhiên không nhắc gì đến chuyện này. Tản Đà toàn tập do con trai trưởng của Tiên sinh là Nguyễn khắc Xương biên tập chỉ ghi vỏn vẹn một câu “ năm Ngyễn khắc Hiếu lên ba tuổi thì thân phụ qua đời, năm lên 4 mẹ trở lại nghề cũ với tiếng đàn câu hát, khi Hà Nội, khi Bắc Ninh.”

Là kẻ hậu sinh, tôi cũng không dám lạm bàn. Nhưng lòng cứ vương vấn.

Tôi tin là mẹ thi sĩ Tản Đà thực lòng muốn thủ tiết trọn đời cùng quan án. Mười năm hương lửa đang nồng. Bốn mặt con. Bỗng dưng…

“ Không có em còn ai có ai

Không có em lạnh giá đường vui “

( Trịnh công Sơn )

“ Ngựa quen đường cũ” ư ? Chắc chị Tản Đà đã được mẹ Cả mẹ Hai nhồi nhét cho câu này từ khi còn bé ngày này qua ngày khác năm này qua năm khác. Thương thay.

Tôi ngưỡng mộ việc bà phủ Ba ra đi. Một quyết định rất táo bạo. Vượt thoát. Sổ lồng. Trở về nghề cũ không phải là được tự do, nhưng ít ra đời mình là của mình.

Sách Tản Đà toàn tập nói Nguyễn khắc Hiếu là con út, tức cô Trang là chị chứ không phải em. Dù chị hay em thì cũng không quan trọng. Lúc ấy cậu ấm Hiếu 4 tuổi thì chị hay em cũng xấp xỉ cỡ đó. Và đó mới là điều quan trọng. Tôi tin là tất cả quý bà quý chị đều đồng ý với tôi rằng bà phủ Ba mang theo cô bé Trang là điều đúng, không cần bàn cãi.

Chắc hẳn cô bé Trang có nhiều nét hao hao giống mẹ, đẹp như mẹ, có giọng hát hay và cũng làm thơ hay như mẹ.

Nguyễn thiên Thụ trên thivien.net kể : Một hôm, ông phó bảng Trần tán Bình (1869-1935) đi hát gặp cô Trang đã làm một bài hát nói :

Có phải cô Trang em ấm Hiếu ?

Người xinh xinh yểu điệu dáng con nhà

Vì đâu vương lấy nợ tài hoa

Bắt luân lạc trời già âu cũng độc

Cha án sát anh thời đốc học

Nền đỉnh chung bỗng chốc hóa truân chiên

Cất chén quỳnh nhớ bạn đồng niên

Dục lòng khách bên đèn sa nước mắt

Nhớ bạn, thấy em như thấy mặt

Dừng roi chầu, lặng ngắt một hồi

Đời người đến thế thì thôi

Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi

Hoa xuân em giữ lấy thì

Nhân đây, xin chép lại mấy câu thơ của Trần Huyền Trân :

“ Ai xui em gửi đời mưa gió

Làm kiếp hoa tàn đón bướm si

Để một chiều buồn anh tới đó

Đường về thấy khác lúc ra đi “

NCM