HUYỀN TÍCH SỬ VIỆT – NGƯỜI HỌC TRÒ CỦA THẦY CHU VĂN AN

Kiến Hào

Lời nói đầu : Huyền – tích (huyền sử, sự tích) lưu truyền chủ yếu bằng truyền khẩu nên tam sao thất bổn hoặc bị người đời sau thêu dệt thêm nhiều sự kiện phản khoa học, phi hiện thực là chuyện thường, nhưng huyền – tích cũng có giá trị nhân văn của nó mà chủ yếu là khơi gợi tinh thần tự tôn dân tộc hoặc đề cao đạo lý làm người; nhìn dưới góc độ này thì huyền – tích cũng là một kho tàng văn hóa dân tộc mà chúng ta nên gìn giữ.

*

Chu Văn An (1292-1370)  người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, Hà Nội. Là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch. Học trò có nhiều người đổ đạt, làm quan to dưới triều Trần như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh. Vua Trần Minh Tông nghe tiếng ông là người hiền, vời ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám dạy Thái tử học (về sau là vua Trần Hiến Tông). Triều Trần đến đời Dụ Tông chính sự dần đi đến chổ đổ nát, vua ăn chơi xa xỉ, tin dùng nịnh thần, quan lại kéo bè kết cánh, họa ngoại thích manh nha, lòng người chia rẽ … Chu Văn An dâng sớ xin chém đầu bảy nịnh thần. Nhà vua không nghe, ông bèn từ quan, về ở ẩn tại Chí Linh (Hải Hưng) lấy hiệu là Tiều ẩn (người đi ẩn hái củi). Khi ông mất, vua Trần truy tặng cho ông tước Văn Trinh Công, ban tên thụy là Khanh Tiết và được thờ ở Văn Miếu. Người đời sau suy tôn ông là “Vạn Thế Sư Biểu”, người thầy muôn đời của dân tộc Việt Nam.

2

Tương truyền khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, có nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy Chu Văn An khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu. Ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết không phải là người trần nhưng giữ im lặng không nói gì.

Qua vài tuần trăng, sau một buổi bình văn ở trường, người học trò lặng lẽ đến bên thầy, chắp tay xá dài mà cúi đầu thưa rằng :

  • Bẩm Thầy, con thụ giáo thầy suốt đời không thỏa lòng. Nhưng vì nhà xa, lại công việc càng lúc thêm đa đoan nên xin tạm xa thầy xa bạn, cúi xin thầy tha lỗi cho …”.
  • Cõi trời đất mênh mông, ta muốn gặp con biết làm thế nào ?

  • Dạ, Thầy chỉ cần gọi tên, con khắc sẽ tự tìm đến…

Sau khi vua Trần vời Chu Văn An vào cung, giao cho chức Tư nghiệp Quốc tử giám (hiệu phó), trường Huỳnh cũng không còn dấu chân của các học trò nữa. Sau các triều Minh Tông, Hiến Tông thì hào khí Đông A có phần giãm sút, không còn giữ được như trước. Năm ấy gặp đại hạn kéo dài, lúa ngoài đồng héo rũ, họa chết đói sắp đến nơi mà triều đình Dụ Tông vẫn vang vọng tiếng đàn sáo, dân tình ta thán khôn kể xiết. Theo quan niệm phong kiến xưa, trời làm thiên tai là để trừng phạt thiên tử ăn ở vô đạo, nhưng thực tế tai vạ lại trút hết xuống đầu dân đen. Từ Quốc Tử Giám ngồi kiệu về nhà, Chu Văn An chau mày nghĩ đến nỗi thống khổ của người dân  mà đành chịu bất lực. Chợt nhớ đến người học trò và lời nói năm xưa, đêm ấy ông ra trước sân hướng về đầm Huỳnh kêu khe khẻ : “ Tiểu long, tiểu long, con ở đâu …”.

Ngay sau đó, một luồng gió mát thoảng qua, dưới chân một bóng người phủ phục vái chào. Ông cúi người, đưa tay nâng dậy, thầy trò bồi hồi nhìn nhau dưới bóng trăng mờ. Sau lời ngỏ, ướm ý của thầy nhờ ra tay cứu dân độ thế, người học trò im lặng hồi lâu rồi ngập ngừng nói : “ Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”. Người học trò vái thầy rồi kiếu từ xin về. Thầy Chu lưu luyến nhìn theo lòng vừa nghi ngại vừa hy vọng.

Chiều tối hôm ấy trời đang khô hanh bổng mây đen kéo đến vần vũ rồi đổ một cơn mưa to, sấm chớp đùng đùng suốt đêm. Sáng ra nước ngập đầy đồng, mọi người hết sức vui mừng vì cơn mưa vàng mưa bạc bất thường này. Chợt có người đến báo có thây thuồng luồng nổi lên giữa đầm. Thầy Chu đoán biết có chuyện không hay xảy ra với học trò mình, bèn theo ra bờ đầm để xem. Quả nhiên ở đấy có xác Thuồng luồng vật vờ nửa chìm nửa nổi, đầu ngoái nhìn về phía làng như còn lưu luyến ân sư. Nhìn cảnh tượng thương tâm, Chu văn An rơi nước mắt than thầm : “ Tiểu long, tiểu long, ta hại con rồi”. Tiếc thương người học trò vì tuân lời thầy mà chịu án phạt của thiên đình, Chu văn An sai dân làng kéo xác thuồng luồng lên gò, làm lễ mai táng cẩn thận. (Theo truyền thuyết, Thuồng luồng là một dạng giao long đang tu luyện, còn ở ao đầm, chưa được lột xác bay lên hóa rồng). Về sau dân quanh vùng nhớ đến công ơn bèn lập đền thờ, bốn mùa hương khói không dứt. Nay vẫn còn dấu vết mộ thần..
Lại có thuyết khác kể rằng sau khi nghe lời yêu cầu của Thầy Chu, thủy thần lấy quản bút nghiên mực ra sân vảy nước làm phép.Chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực (Đầm Mực là địa danh nổi tiếng trong chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa của vua Quang Trung). Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai biến làng này thành một làng văn học quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, v.v… Ngày nay trong đền thờ thần còn đôi câu đối khá tiêu biểu ghi lại sự tích này.
Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận.
Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô.
(Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải.
Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đội nước, đất nẻ trổ mùa hoa).

 Kiến Hào

Trở về … Trang Kiến Hào  * HOME