Quốc Hận 30-4, Bài Học Cay Đắng Của Lịch Sử Việt Nam

Nguyễn Quốc Đống

23 tháng 3, 2014

Hàng năm cứ đến tháng Tư, người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại lại làm lễ tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30-4, ngày khởi đầu giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử cận đại của dân tộc Việt.

Chế độ Cộng Hòa tại Nam Việt Nam chấm dứt thì cuộc sống tự do, dân chủ của người dân miền Nam cũng không còn.  Thay vào đó, là một chế độ độc tài toàn trị, kẻ cầm quyền khẳng định họ sẽ xây dựng cả nước theo chủ nghĩa xã hội, giai đoạn “quá độ để tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản”.  Lý thuyết Mác-Lênin được xem là ánh sáng soi đường cho chế độ mới.

Vào thời điểm 1975, đối với nhiều người dân Việt, 30-4 đơn giản chỉ là ngày chấm dứt chiến tranh Quốc-Cộng. Sau 30-4 là một loạt các chính sách trả thù tàn bạo mà kẻ thắng áp đặt lên người thua; tuy cả hai phía thắng, thua đều chung dòng máu Việt, nói cùng một thứ tiếng, có cùng tổ tiên, chung nền văn hóa…

Ngày nay, gần 40 năm đã qua đi, người Việt chúng ta ý thức được ngày lịch sử 30 tháng 4 đã để lại những hệ quả nghiêm trọng hơn mức tưởng tượng của chúng ta rất nhiều.  Sau thời gian dài đó, chúng ta rút tỉa được những bài học gì từ ngày 30-4, ngày mà người Việt tỵ nạn CS chúng ta đã gọi là “Ngày Quốc Hận”, và không thể chấp nhận bất kỳ một tên gọi nào khác?

1-Ý nghĩa ngày 30-4 hàng năm:

           Đối với người dân miền Nam Việt Nam, đây là ngày mất nước. Chúng ta đã chứng kiến  những cái chết thương tâm của người dân miền Nam vô tội trên đường chạy giặc Cộng đang tràn về các thành phố; cái chết anh hùng của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa khi chiến đấu bảo vệ mảnh đất quê hương, dù chẳng còn chút hy vọng. Ngày 30-4,  người lính VNCH tự sát để bảo toàn danh dự. Và sau 30-4-1975, là nhiều cái chết oan khiên tức tưởi trong các trại tù CS, tại các vùng kinh tế mới, trong thời gian “cải tạo công, thương nghiệp”, và nhiều trăm ngàn cái chết của đồng bào vượt biên, vượt biển để chạy trốn Cộng Sản.

Đến được bến bờ tự do, những người Việt tỵ nạn CS không quên thời gian đã sống trong ngục tù CS, kể cả nhà tù nhỏ lẫn nhà tù lớn. Hàng năm đến ngày 30-4, các cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại hải ngoại đều tổ chức lễ tưởng niệm Quốc Hận với ba mục đích chính:

Thứ nhất:  Để tưởng nhớ đến các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam, và những đồng bào xấu số chết trên đường tìm tự do.

            Thứ hai: Để tố cáo các tội ác diệt chủng của Cộng Sản Việt Nam, những kẻ đã giết hại đồng bào mình theo lệnh của Cộng Sản Quốc Tế. Số người chết ở cả hai miền Nam, Bắc lên đến nhiều triệu người, cả quân lẫn dân.  Chỉ riêng tại Huế, trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, CSVN đã sát hại khoảng 6,000 người dân vô tội.

Thứ ba: Để giáo dục lớp người trẻ, hậu duệ của những công dân VNCH giúp các em hiểu được lý do nào khiến các em có mặt tại hải ngoại, lý do nào khiến cha mẹ các em phải rời bỏ quê hương, lý do nào khiến các em cần phải tiếp nối cha anh để hoàn thành nhiệm vụ với  quê cha, đất tổ.

Đối với Cộng Sản Việt Nam, kẻ khai mào cuộc chiến xâm lược miền Nam, 30-4 là ngày “cách mạng thành công”, cuộc cách mạng mà chúng gọi là để giải phóng miền Nam thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ, và Ngụy Quyền Sài Gòn, hay cuộc cách mạng vô sản để cả nước Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.  Đây là chiến thắng mà CSVN đã không ngại khó khăn gian khổ, không ngại hy sinh máu xương của bao lớp thanh niên, của cả triệu dân miền Bắc…để giành cho được.

Hàng năm vào ngày 30-4, CSVN cho tổ chức lễ lớn ăn mừng ngày chiến thắng.  Biểu ngữ, bích chương tràn ngập thành phố, xóm làng; người dân bị bắt buộc phải tham gia các sinh hoạt đặc biệt để kỷ niệm 30-4: văn nghệ mừng Đảng, mừng đại thắng Mùa Xuân 1975, đền ơn gia đình có công với cách mạng, đáp nghĩa liệt sĩ… Đây có lẽ là ngày lễ CSVN bỏ công sức nhiều nhất để tổ chức cho thật tưng bừng, để người dân thấy được “thành tích” của Đảng.

2- Phản ứng của CSVN đối với các sinh hoạt ngày 30-4 của người Việt tại hải ngoại:

Ngay từ những năm đầu tiên của cuộc đời tỵ nạn, người Việt luôn gọi ngày 30-4 là Ngày Quốc Hận, giống như ngày xưa dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, người dân gọi ngày 20-7 là Ngày Quốc Hận, vì đó là ngày Hiệp Định Geneve được ký kết để chia đôi đất nước Việt Nam (20-7-1954). Để biểu lộ niềm bi phẫn,  ngày này còn được gọi là ngày  Ngày Tang của dân tộc, và gọi tháng tư hàng năm là Tháng Tư Đen. Có năm,  ban tổ chức còn kêu gọi người Việt tỵ nạn CS mặc áo đen, hay áo trắng tại các lễ tưởng niệm Quốc Hận, để nhớ đến nỗi đau đớn, mất mát mà các công dân Việt Nam Cộng Hòa phải gánh chịu khi nước mất vào tay kẻ thù CS.

Đã gần 40 năm trôi qua sau biến cố 30-4-1975, nhưng sinh hoạt vào ngày Quốc Hận vẫn không thay đổi, ý nghĩa của ngày này vẫn như xưa, niềm uất hận của người Việt hải ngoại không giảm theo thời gian, mà còn gia tăng; vì họ đã chứng kiến thêm những hành động bán nước, hại dân của kẻ thù CS. Sinh hoạt Ngày Quốc Hận vẫn thu hút sự tham dự của đông đảo đồng bào, và đặc biệt của cả giới trẻ trong cộng đồng.  Đây chính là dịp lá Quốc Kỳ VNCH được giương cao.  Ngày nay đây là lá cờ di sản của tự do, và cũng là niềm tự hào của người dân Việt hải ngoại dù rằng đất tổ đã không còn. Các nghị quyết vinh danh cờ VNCH do các hội đồng thành phố, hay quốc hội tiểu bang ban hành tại Hoa Kỳ, chính thức công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng chính thức của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ.

Các sinh hoạt Ngày Quốc Hận do đồng bào Việt tỵ nạn CS tổ chức tại hải ngoại trở thành một cái gai trong mắt cuả bè lũ Cộng Sản Việt Nam. Tội ác của chúng lại bị phơi bày: tội giết hại người dân miền Nam, tội ép buộc dân miền Bắc giết hại đồng bào ruột thịt miền Nam, tội ác chống nhân loại vì đầy đọa tù nhân trong các trại tập trung…Những tấm gương tuẫn tiết của các vị tướng VNCH, của người lính thuộc đủ quân, binh chủng, của đồng bào… ngày 30-4-1975, đã khơi lại trong trí của chúng ta cuộc chiến bi hùng của quân dân miền Nam chống Bắc quân CS xâm lăng để bảo vệ một chế độ dân chủ, một đời sống tự do, và một cuộc sống hạnh phúc.  Lời nhắn nhủ của các thế hệ cha anh trong cộng đồng đối với giới trẻ, những tấm gương hy sinh của người lính VNCH trong công việc bảo vệ tổ quốc…khiến giới trẻ ý thức được trách nhiệm của mình, là phải tiếp bước cha anh trong công cuộc dân chủ hóa nước nhà.  Các sinh hoạt Ngày Quốc Hận hàng năm chính là thước đo “tâm tư, tình cảm” của người Việt hải ngoại, để từ đó CSVN biết được kế sách mà thực hiện việc “hòa hợp, hòa giải” dân tộc mà chúng thường tuyên truyền, thực chất chỉ là việc “bình định các cộng đồng Việt hải ngoại” mà thôi.

Nhiều năm qua, người Việt tỵ nạn CS chúng ta chứng kiến nhiều âm mưu của CSVN trong việc làm thay đổi ý nghĩa Ngày Quốc Hận 30-4 hàng năm.  Chúng toan tính sử dụng chính người Việt tại hải ngoại để thực hiện công việc này. Một số người đã tham dự vào những công việc “đổi tên, đổi ý nghĩa Ngày Quốc Hận” của cộng đồng, không quan tâm đến việc họ đang làm tổn thương cộng đồng. Những kẻ này không cảm thông được nỗi đau của đồng hương, của đồng loại.

Thế là chúng ta thấy có những tổ chức, và cá nhân tại hải ngoại đã gọi ngày 30-4 là “Ngày Tự Do Cho Việt Nam”, hay “Ngày Tranh Đấu Cho Tự Do Của Việt Nam”.  Đó là 4 tổ chức: Ủy Ban Vận Động Chính Trị Người Mỹ gốc Việt; Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ; Mạng Lưới Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường; Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Bắc Mỹ (tháng 4, 2005).  Có người dùng tên gọi “Ngày Thuyền Nhân”, hay “Ngày Tỵ Nạn”. Mới nhất là vào tháng 4, năm 2013, một số tổ chức, và cá nhân tại Washington, D.C. còn vận động Quốc Hội tiểu bang Virginia thông qua một nghị quyết (nghị quyết SJR 455), trong đó có một điều khoản khiến cộng đồng những người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại sững sờ, và phẫn nộ.

Đó là điều khoản sau đây:  Kể từ ngày 30-4 năm nay (2013), và những năm về sau, 30-4 sẽ được gọi là Ngày Nam Việt Nam (?) (South-Vietnamese Recognition Day).                                                                       Có người còn diễn dịch đây là nghị quyết vinh danh Việt Nam Cộng Hòa, vinh danh quân lực VNCH, một quân lực phải chịu nhiều thiệt thòi, bị sỉ nhục bởi sách giáo khoa viết theo đường lối phản chiến, bất lợi cho VNCH tại các trường học Mỹ… Việc đặt một tên mới cho một ngày lịch sử của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, được thực hiện bởi một quốc hội tiểu bang nước ngoài, gồm những người tuy ngày xưa chiến đấu cạnh ta với tính cách là đồng minh, nhưng dù sao cũng không thể có những tâm tư, tình cảm của người trong cuộc như chúng ta, quả là một chuyện khó chấp nhận; nhất là khi các tổ chức cộng đồng địa phương không hề được hỏi ý kiến, ngoài 2 tổ chức: Hiệp Hội Thương Mại Á châu tại Virginia, và Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ.

Sự phản đối của các Cộng Đồng NVQG/HN khiến nghị quyết SJR 455 không được vui vẻ đón nhận vào năm 2013, là năm ra đời của nghị quyết. Các tổ chức cộng đồng và đoàn thể cũng phải hủy bỏ chương trình “tiếp đón” nghị quyết tại Richmond, thủ phủ của tiểu bang Virginia, được dự định tổ chức vào ngày 27-4-2013. Đợi cho đến 1 năm sau, vào ngày 10 tháng 2, 2014, chúng ta lại thấy một số tổ chức, và cá nhân, “hân hoan” đến quốc hội tiểu bang Virginia, để đón nhận “nghị quyết vinh danh Việt Nam Cộng Hòa”(?) SJR 455 tròn 1 năm tuổi. Chẳng thấy ai nói đến việc điều khoản đặt tên mới cho ngày lịch sử 30-4 là “Ngày Nam Việt Nam” trong nghị quyết SJR 455 có thay đổi gì không.  Các tổ chức cộng đồng và cá nhân trong vùng Virginia, Maryland và Hoa Thịnh Đốn hỗ trợ cho nghị quyết SJR 455 vẫn còn nợ đồng hương Việt tỵ nạn CS một câu trả lời, để chứng tỏ họ có đủ tư cách và tài năng  trong việc lãnh đạo, và phục vụ cộng đồng.

Tất cả những “tên mới” trên của ngày 30-4, nếu được   CĐ/NVQG/HN chấp nhận, sẽ giúp CSVN đỡ mất mặt hơn. Chúng tránh được việc phải đối mặt với “cái hận” mà chúng gieo trong lòng người dân Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại.  Chúng cũng có thể tiếp tục việc tuyên truyền trong nước, và hải ngoại rằng “người Việt hải ngoại, nạn nhân của CS, đã quên quá khứ, đã xóa bỏ hận thù xưa rồi, đã sẵn sàng bắt tay với chúng để xây dựng đất nước rồi! Ai sẽ được hưởng lợi trong các kế hoạch thay đổi tên, và ý nghĩa Ngày Quốc Hận 30-4? Câu trả lời thật quá rõ.  Chính vì thế, chúng ta thấy đã nhiều năm trôi qua, khởi từ năm 2005, cho đến năm nay 2014 (9 năm), mà CSVN vẫn sử dụng tay sai và những kẻ thiển cận, vô cảm, trong âm mưu đổi tên Ngày Quốc Hận 30-4.  Chúng ta không thể không cảnh giác đề phòng âm mưu thâm độc này của kẻ thù.  Thua keo này, chúng sẽ kiên trì bày keo khác; và bọn Việt gian sẵn sàng làm tay sai cho chúng thời nào cũng có cả.

3- Bài học cay đắng của ngày lịch sử 30-4:

Cách nay 39 năm, 30-4-1975 đơn thuần chỉ là ngày chấm dứt cuộc chiến tranh Quốc-Cộng giữa hai miền Nam và Bắc Việt Nam.  Nhiều người cho rằng trang sử đen tối đã chấm dứt, và Việt Nam thống nhất sẽ có nhiều cơ may xây dựng, và phát triển.  Nhưng sau 30-4-1975, người dân Việt thấy được những gì?  Một quốc gia mới được khai sinh, với những mỹ từ gắn liền như: độc lập, tự do, hạnh phúc.  Nhưng tất cả những lời Đảng CSVN hứa cùng người dân đều chỉ là bánh vẽ.  Nhân quyền và dân quyền của các công dân, dù được Hiến Pháp công nhận, luôn bị nhà cầm quyền xâm phạm trắng trợn.

Trong khi Đảng CSVN vô cảm với những khiếu kiện nhọc nhằn của người dân nhiều năm trời do mất đất, mất ruộng; vô cảm trước cảnh người dân bị đàn áp dã man trong các cuộc biểu tình để biểu lộ lòng yêu nước; vô cảm khi giáng cho công dân của mình các bản án tù bất công khi tranh đấu đòi tự do, dân chủ…; Đảng lại vô cùng hèn yếu để mất chủ quyền tối thượng của đất nước vào tay ngoại bang. Đảng để mặc Tàu Cộng giết hại người dân Việt, và cướp đi nhiều vùng lãnh thổ, và lãnh hải của Việt Nam.

             Vậy phải chăng 30-4 chính là khởi điểm của giai đoạn Tổ Quốc Lâm Nguy, của Đại Họa Mất Nước? Vào ngày này, Cộng Sản Việt ăn mừng, vì hoàn thành nghĩa vụ do Cộng Sản Quốc Tế giao phó.  Cộng Sản Tàu vui mừng vì góp công hủy diệt được quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.  Miền Nam Việt Nam sụp đổ, Tàu Cộng gạt bỏ được một chướng ngại lớn trong kế hoạch xâm chiếm toàn bộ Việt Nam.  Thử hỏi nếu quốc gia Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại ngày hôm nay; một nửa số dân Việt, từng sinh sống và trưởng thành trong chế độ tự do, dân chủ; từng được giáo dục tại những nhà trường mang tính dân tộc, nhân bản, và khai phóng, liệu có chịu cam tâm dâng nước Việt cho kẻ thù truyền kiếp của người Việt, là bọn Tàu khựa (chữ dùng của sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên) hay không?  Chúng ta hẳn còn nhớ lời của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm “ Nếu để mất miền Nam, chắc chắn chúng ta sẽ mất nước Việt Nam vào tay Tàu Cộng”.  Lời tiên đoán cách nay nửa thế kỷ của một nhà lãnh đạo quốc gia Việt Nam Cộng Hòa nay đang trở thành hiện thực.

Chế độ dân chủ, tự do của Việt Nam Cộng Hòa tồn tại chỉ được 21 năm, nhưng đã giúp người dân miền Nam xây dựng được một quốc gia bảo đảm cho công dân của mình các quyền tự do căn bản. Cuộc sống tuy chưa đầy đủ, nhưng không ai phải bị đói rách đến nỗi thanh niên phải đi lao động, và thiếu nữ phải đi bán thân ở nước ngoài như dưới thời cộng sản hiện nay.  Cũng không ai phải nghĩ đến việc bỏ nước liều mạng ra đi tìm tự do, tìm cuộc sống mới nơi xứ người. Nền giáo dục dân tộc, nhân bản, và khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa đã giáo dục công dân trở thành những người yêu nước, và dám hy sinh cho tổ quốc; dạy con người biết đối xử tử tế với nhau, biết tôn trọng lợi ích của xã hội, biết nghĩ đến tha nhân, biết giữ gìn văn hóa dân tộc…

Tất cả những điều tốt đẹp trên đều biến mất sau ngày 30-4-1975.  Khai tử quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, CSVN đã phá hủy toàn bộ công khó nhọc xây dựng đất nước của một nửa nước Việt Nam; phá hủy di sản tự do, dân chủ tốt đẹp; phá hủy những giá trị cao đẹp của thế giới loài người; phá hủy cả nền văn hóa dân tộc mà tổ tiên dòng Việt đã dày công giữ gìn, và phát triển.  Tội này của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sử sách không cách gì ghi cho đủ!  Người dân Việt bị phá sản hoàn toàn về chính trị, trong tay không còn chút phương tiện, khí giới nào để đương đầu với kế hoạch Hán hóa của người Tàu hiểm ác, tham lam.

Ngày xưa, khi cần thanh niên Việt đổ máu cho chiến trường miền Nam, CSVN rao giảng lòng yêu nước cho mọi giới đồng bào, nào là “chống Mỹ cứu nước”, nào là “giải phóng miền Nam”… Ngày nay, khi người dân bày tỏ lòng yêu nước trước sự ngang ngược của Tàu cộng trên vùng biển, đảo quê hương, thì CSVN lại ca tụng kẻ gây tội ác (Tàu cộng) bằng khẩu hiệu “4 Tốt, và 16 Chữ Vàng”. Nhà cầm quyền còn cho công an đàn áp dã man, và thẳng tay giam tù những người yêu nước đi biểu tình chống Tàu!  Rõ ràng là nhà nước CSVN không dám làm mất lòng quan thày Tàu, và chúng đang bán nước Việt cho Tàu.  Còn nỗi nhục nào lớn hơn nỗi nhục mất chủ quyền đất nước, mất lãnh thổ, lãnh hải mà vẫn phải ngậm miệng không dám phản đối.  Người dân Việt không thể quên lời tuyên bố của Lê Duẩn, cố tổng bí thư Đảng CSVN về cuộc chiến tranh Việt Nam như sau, “Chúng ta đánh (miền Nam), là đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc…”

Thử hỏi ngày nay, còn ai dám ngẩng mặt tự hào về thành tích chống ngoại xâm của dân Việt nữa không, còn ai dám ca tụng nền văn hóa 4,000 năm của người Việt, khi đất nước thì tràn ngập người Tàu và đời sống thì tràn ngập văn hóa Tàu… Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, “Việt Nam, độc lập-tự do-hạnh phúc” tan thành mây khói; người dân Việt không bao giờ còn có cơ hội thực hiện được giấc mơ này, dưới chế độ cộng sản.

4-  Người dân Việt trong nước cũng như tại hải ngoại cần ghi nhớ những điều gì vào  ngày Quốc Hận 30-4 hàng năm?

Với hiện tình đất nước như hiện nay, kẻ nào còn nghĩ đến chuyện ăn mừng bất cứ cái gì vào ngày 30-4, quả thật kẻ đó là con người vô cảm, không biết xúc động trước cái chết của hàng triệu đồng bào nạn nhân của CS, trước nỗi đau của cả trăm ngàn gia đình có thân nhân bị CS giết hại. Những con người vô cảm này còn dửng dưng cả với sự việc đất nước đang lâm nguy.  Thử hỏi  chúng ta trông mong gì ở những con người vô cảm này? Họ làm nản chí  những người yêu nước tại quốc nội muốn tranh đấu chống chế độ độc tài toàn trị của CSVN.  Họ làm suy yếu tiềm lực chống cộng của người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại, bằng cách chia rẽ nội bộ các đoàn thể quốc gia, vô tình hay cố ý ủng hộ các Việt gian tay sai của CS.  Tình thế hiện nay tại trong nước, cũng như tại hải ngoại thật vô cùng phức tạp. Thật khó mà phân biệt được bạn, thù.

Những người Việt yêu nước không còn thời gian để chờ đợi thêm nữa. Chúng ta không thể để bọn bán nước kéo dài thời gian tồn tại của chúng; vì một ngày qua đi, là một ngày đất nước tiến dần đến hố diệt vong. Lộ trình sáp nhập Việt Nam vào Trung Cộng đang diễn ra đúng kế hoạch, theo như tài liệu mật chúng ta được biết đến khoảng vài năm nay (tài liệu về hội nghị Thành Đô, theo đó, Việt Nam sẽ trở thành một khu tự trị dưới sự bảo hộ của Trung Cộng) ? Nhà cầm quyền Việt Nam chẳng xác nhận, cũng chẳng cải chính tin này.

 Cũng chỉ là mang ảo tưởng nếu chúng ta vẫn còn nghĩ Đảng CS sẽ thay đổi để trả lại tự do, dân chủ, và nhân quyền cho người dân.  Ý thức đúng thì sau đó mới có hành động đúng được. Một khi ý thức được kẻ thù của dân tộc chính là bè lũ cầm quyền CS, người dân sẽ biết liên kết với những thành phần nào, để từng bước cô lập hóa kẻ thù, khiến chúng ở vào thế bị động, và cuối cùng phải bị đào thải.  Một mặt, các nhà tranh đấu dân chủ trong nước cần kết hợp lại với nhau, từng bước giúp quần chúng bớt đi sự sợ hãi quá đáng, và can đảm đứng lên chống lại nhà nước CS, nguyên nhân của mọi sự bất hạnh mà đất nước, và con người VN đang gánh chịu.

Tại hải ngoại, công việc mà người Việt tỵ nạn CS phải làm để hỗ trợ cho người Việt trong nước, cũng muôn vàn khó khăn.  So với gần 90 triệu người Việt trong nước, con số gần 4 triêu người Việt tỵ nạn CS trên thế giới tự do chỉ là một con số quá nhỏ. Những người Việt này lại ở rải rác khắp nơi. Tuy thành lập được các tổ chức cộng đồng, nhưng nói chung việc tổ chức nội bộ không chặt chẽ, nên rất dễ bị chi phối, một khi trở thành đích nhắm của kẻ thù CS. Thời gian nhiều năm qua, chúng ta chứng kiến tình trạng cộng đồng bị phân hóa, khiến nhiều người Việt quốc gia bị kết tội là không biết đoàn kết, phe ta cứ đánh phe mình, là chống cộng cực đoan, là tranh đấu thiếu hiệu quả v..v… Sự thực có phải như vậy hay không? Sự chia rẽ, mất đoàn kết do đâu mà có, phải chăng chính kẻ thù CS gây chia rẽ chúng ta. Hơn ai hết, CSVN rất giỏi về thủ đoạn chia để trị.  Nghị quyết 36 do chúng đặt ra (vào tháng 3, 2004, tính đến năm nay, 2014, đã được 10 năm) chẳng phải là để chia rẽ các hội đoàn quốc gia chống cộng, để mua chuộc những kẻ vô liêm sỉ, thiếu lương tâm, sẵn sàng làm tay sai cho CS, phá hoại cộng đồng hay sao?

Chúng ta còn chứng kiến việc một số người vẫn tự nhận là “tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền”, mà lại lớn tiếng hô hào phải dùng phương pháp bất bạo động để tháo gỡ độc tài CS, không lật đổ chế độ CS vì Đảng CS cũng là một thành phần của dân tộc, lật đổ chế độ CS là một sai lầm, nhà nước CS có nghĩa vụ phải trả nhân quyền cho người dân VN…”  Tất cả những người này chỉ là những kẻ đạo đức giả, cho người dân Việt Nam ăn bánh vẽ, để cuộc tranh đấu dân chủ hóa Việt Nam sẽ không bao giờ đạt được thắng lợi cuối cùng. Tranh đấu kiểu này rốt cuộc chỉ trình làng được các thư ngỏ, các góp ý, các nguyện vọng, các thỉnh nguyện thư… và sẽ chẳng gây hại gì cho CS. Thực tế cho thấy các lời van xin nhân quyền không hề có hiệu quả, các chiến dịch thỉnh nguyện thư cũng không làm kẻ thù CS nao núng; và các thư ngỏ, góp ý cũng bị chúng vất vào sọt rác mà thôi!

Những kẻ tranh đấu cho dân chủ kiểu trên thực sự không đồng hành với dân tộc, không có lòng yêu nước chân chính.  Họ chỉ là đang mua thời gian cho kẻ thù, để chúng kéo dài được thời gian thống trị đất nước, và nô lệ hóa người dân.  Đối với bọn người này, chúng ta cần cảnh giác, trước hết để không bị họ lừa, làm hao tốn tiền bạc, thì giờ và công sức của chúng ta; và tai hại hơn cả là làm xói mòn niềm tin của chúng ta vào công cuộc tranh đấu chung của cộng đồng.  Cảnh giác thôi cũng chưa đủ, chúng ta mỗi người đều phải lên tiếng, phải kết án chủ trương và đường lối hành động sai lầm của các tổ chức, và cá nhân nói trên.  Khi còn ở trong nước, chúng ta đã nhiều lần bị CS lừa, đến nỗi 2 lần phải bỏ xứ ra đi, lần thứ nhất từ Bắc di cư vào Nam năm 1954; lần thứ hai phải bỏ luôn quê hương Việt Nam để đi tỵ nạn nơi xứ người sau ngày 30 tháng 4, 1975.  Nay ra đến hải ngoại, chúng ta vẫn còn để các con buôn chính trị, các Việt gian tay sai của CS, lợi dụng và đánh lừa hay sao?

Người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại cũng phải ghi nhớ một điều, là không thể du lịch về Việt Nam vào thời điểm 30-4 hàng năm. Chúng ta về nước vào dịp này, để vui cái vui của kẻ thù CS, và để ăn mừng ngày miền Nam chúng ta sụp đổ hay sao? Sao chúng ta có thể vô tình đến thế trong ngày Quốc Hận của cộng đồng?  Nhiều đoàn thể trong cộng đồng còn đưa ra lời kêu gọi “không gửi tiền về VN, không du lịch Việt Nam” trong suốt tháng Tư, để xem bộ mặt Việt Nam CS sẽ ra sao, khi đất nước vắng bóng “Việt kiều”, những khúc ruột ngàn dặm? Thiết tưởng đây là lời kêu gọi rất hợp lý.

Kết luận,   30-4 không chỉ là Ngày Quốc Hận đối với người dân miền Nam Việt Nam, những người phải bỏ nước ra đi tìm tự do khi Việt Nam Cộng Hòa bị mất vào tay Bắc quân Cộng Sản xâm lược.  Đây là Ngày Quốc Hận đối với tất cả người dân Việt yêu chuộng tự do, dân chủ30-4 đánh dấu ngày toàn dân Việt Nam mất tự do, mất chủ quyền đất nước; cũng là ngày khởi đầu cho một thời đại Bắc thuộc mới.  Nếu lúc này đây, chúng ta không sáng suốt học bài học lịch sử cay đắng của ngày 30-4; không can đảm đứng lên nhận trách nhiệm với đất nước, dân tộc; và không kiên trì trong cuộc chiến chống kẻ thù Cộng Sản, e rằng sẽ là quá trễ; và nỗi đau Ngày Quốc Hận 30-4 sẽ còn mãi mãi, với chúng ta, và cho cả thế hệ con cháu nhiều đời sau.