NẮM   XƯƠNG   TÀN

 

Sau ngày Hiếu thoát ly theo cách mạng, ông Tâm hầu như mất hết lẽ sống. Vốn tính cần cù siêng năng, ông vẫn làm những việc bình thường nhưng bây giờ thì ông theo công việc như một cái máy, vô hồn. Thỉnh thoảng khi nghỉ tay, ông ngồi thừ ra, mắt nhìn đăm đăm vào một chỗ nào đó. Vài hình ảnh của Hiếu lại lần lượt đi qua đầu óc ông…

Thằng bé mới ba tuổi bụ bẫm mở nụ cười rất thánh thiện, nũng nịu nói với cha:

  • Ba kể chuyện đi ba!

Người cha cười sung sướng nựng con:

  • Này, nghe ba kể này: Cu Hiếu “ăn cứt chó!”.

Thằng bé trợn mắt tròn xoe phản ứng:

  • Gớm a! Ba ăn đi!

Thế rồi cả hai cha con cùng cười. Người cha lại tiếp tục trêu thằng bé:

  • Tổ cha thằng cu Hiếu!

Thằng bé lại cười phản ứng:

  • Tổ cha ba a!

Hai cha con cứ thế vừa cười vừa nhịp nhàng chu miệng đối đáp như hai con chim cu gáy gù nhau. Bà nội đứng lắng nghe một chốc rồi nói vào:

  • Ừ, thằng Tâm dạy con kiểu đó được đấy! Rồi lớn lên nghe hắn chửi lại mới đã!

Thằng nhỏ ngảnh mặt lại cười với bà:

  • Bà nội, lớn lên cháu chửi ba!
  • Mụ nội mi đó!

Rồi cả ba người thuộc ba thế hệ lại cùng nhau cười xòa…

Những hình ảnh dễ thương đó bây giờ không còn nữa.

Buổi tối, có khi ngồi vào bàn ăn, ông cứ thẫn thờ không muốn động đũa. Bà Tâm thấy chồng quá buồn, ngày một hư hao nên lo thức ăn thức uống đầy đủ hơn trước. Nhưng điều đó đã làm ông Tâm càng suy nghĩ, càng buồn. Hễ ăn một miếng gì ngon, ông lại nhớ tới con. Khi còn ở nhà, món gì Hiếu ưa, ông cũng bảo vợ phải lo cho Hiếu ăn. Khi có thức ăn ngon, mặc dù thèm mấy ông cũng nhường cho Hiếu dùng đã rồi ông mới nhúng đũa tới nếu còn thừa… Hiếu rất thích tráng cơm trong cái soong cá kho khô khi cá đã hết, chỉ còn một lớp cặn cháy. Nó vẫn hay khen “cái cháy cá nó ngon làm sao!”. Hồi bé, có lần còn cả trách cá đầy vậy mà Hiếu gào khóc đòi phải lấy hết cá ra cho nó tráng trách. Nhớ chuyện này, ông Tâm rưng rưng nước mắt:

  • Cá rô kho khô cháy cháy béo thế này, nếu thằng Hiếu còn ở nhà chắc nó ăn được năm chén cơm! Không biết bây giờ nó đang ăn cái chi nữa. Rõ khổ!

Lên giường, ông Tâm không dễ nhắm mắt liền được như trước kia. Ông phải nằm trằn trọc có khi cả mấy tiếng đồng hồ. Bình thường Hiếu vẫn siêng học nên nhà ông hay thắp đèn tới khuya. Bây giờ thì nhà tối om. Thỉnh thoảng giật mình giữa giấc ngủ, ông cảm tưởng như có ánh đèn đang làm chói mắt ông và ông nghe tiếng con học bài rầm rì. Ông nhấc đầu lên nhìn lại phía bàn học của Hiếu. Vài lúc ông lại buột miệng lẩm nhẩm một câu gần như thói quen:

  • Khuya rồi, sao chưa đi ngủ con?

Liền đó, ông nhận ra một thực tế phũ phàng. Không có bóng dáng con, không có tiếng học bài và căn nhà im vắng, tối om. Rồi ông lại thao thức…

Mỗi lần nghe tiếng súng bắn nhau là đầu óc ông căng thẳng, rối bời. Nhiều lúc ông thấy đau nhói như chính mình đã bị thương. Ông nghĩ đến những cảnh đau ốm không thuốc men, không ai săn sóc trong rừng hay những cảnh đói rách vì thiếu tiếp tế… Ông nghĩ đến cảnh những người bị banh xác vì mìn bẫy hay bị bắt, bị đánh đập tra tấn mà giựt mình hoài. Những đứa cùng làng thoát ly các đợt trước nay chết gần hết rồi. Con ông còn khờ khạo lắm. Ông càng nghĩ càng oán giận mấy con mụ hay tìm tới rù rù rì rì với vợ ông. Ông càng giận mấy thằng ranh con bạn của Hiếu mà ông không ngờ được. Tất nhiên ông cũng giận vợ ông đã giả lơ hoặc có thể đồng lõa để Hiếu thoát ly. Thỉnh thoảng ông lại lẩm bẩm:

  • Hôm kia nó còn đang học bài đó mà!
  • Tuần trước nó còn tắm ở cái giếng ấy mà!

  • Hình như ngày nào ông Tâm cũng có nói vài câu tương tự như thế. Bà Tâm bình tĩnh hơn. Những lúc thấy chồng đang ở trạng thái đau khổ quá, bà lại an ủi:

    • Thôi mình ơi! Buồn mấy chuyện cũng xảy ra rồi. Dù sao thì con mình nó cũng đã lựa chọn được con đường xứng đáng để đi! Ông nên mừng cho nó mới phải.

    Nghe vợ nói, ông Tâm giận sôi lên nhưng ông vẫn cố kìm giữ, lặng thinh. Con đường xứng đáng cái mụ nội bà đấy! Cái lũ sát nhân vô lương tâm đó mà xứng đáng! Ông rủa thầm. Phải, ông đã từng tham gia thanh niên xung phong trước đây và đã chứng kiến nhiều chuyện những người bên kia đã làm. Có lần ông bị bắt buộc dự vào một vụ chôn sống người, cho tới bây giờ ông vẫn còn ân hận như chính mình đã đồng lõa với tội ác. Nhưng ông chỉ nhận biết mà không dám và cũng không có tài ăn nói thứ lớp dễ hiểu để kể lại cho ai thông cảm.

    Hiếu là con út và cũng là con trai duy nhất của ông Tâm. Người chị Hiếu lớn hơn Hiếu mười tuổi đã có gia đình. Anh rể Hiếu là quân nhân Cộng Hòa, không còn thân nhân nên trước vẫn ở rể tại nhà Hiếu. Sau này vì phía cách mạng cứ đêm hôm rình mò tới nhà xúi giục kêu gọi “trở về” nên anh đã xin đổi đi xa, đem cả vợ con theo. Ông Tâm rất cưng chiều Hiếu. Mặc dầu trong nhà không dư dả lắm nhưng ông không ngần ngại mua sắm cho Hiếu những gì Hiếu muốn hay cho phép Hiếu tham gia những lần đi tắm biển, cắm trại, du ngoạn với bạn bè. Đáp lại thì Hiếu cũng chăm lo học hành, ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ. Nhiều lúc công việc nhà rất bề bộn nhưng ông Tâm nhất định không để Hiếu phải động xương. Những kết quả học trình nhận được đã làm ông rất hài lòng, hãnh diện. Hiếu mới mười sáu tuổi, lại chăm lo học hành nên ông chưa hề nghĩ đến những điều bất trắc. Ông đã dành dụm được một ít tiền, dự trù sang năm sẽ gởi Hiếu lên học trường thành phố. Ngờ đâu…  muộn mất rồi.

    Chính quyền xã có mời vợ chồng ông lên thẩm vấn mấy lần nhưng ông không thấy buồn phiền. Ông cho đó là lẽ tất nhiên. Thấy ông là kẻ chân chất, người ta có vẻ chú ý đến vợ ông hơn, nhưng vì là đàn bà nên rồi mọi việc cũng thông qua.

    Hiếu đi rồi, nhà ông thường có vẻ trống vắng lạ. Những bạn bè của vợ ông giờ cũng ít lui tới như trước. Bạn bè của Hiếu thì tuyệt hẳn. Vài lúc buồn quá, ông Tâm mở miệng trách vợ, rồi hai vợ chồng lại cãi nhau. Nhưng ông cãi gì lại khi người vợ cứ mở miệng là “tay sai đế quốc”, “ăn cơm thừa canh cặn của tư bản”,… toàn những danh từ làm ông sợ hãi. Được một cái là ngoài những lúc ấy, vợ ông không hề tỏ ra thù ghét ông và vẫn hết lòng lo lắng chăm sóc ông. Ông Tâm cứ âm thầm đau khổ một mình…

    *

    Chiến tranh mỗi ngày một khốc liệt thêm. Theo đà của chiến tranh, bệnh tim và bệnh tiểu đường của ông Tâm mỗi ngày mỗi nặng. Ông Tâm rất lo sợ nhưng cũng có lúc ông lại cảm thấy mừng mừng, hi vọng. Ông trông mong sao cho hai bên một thắng một bại cho xong. Nhiều khi ông mơ tưởng đến một ngày thống nhất và con ông được trở về, dù mang thương tật cũng cam. Ông nguyện rằng dù sức khỏe đã sa sút, ông vẫn cố gắng làm lụng để Hiếu được thong thả. Ông sẽ cưới vợ cho Hiếu…

    Nhưng chiến tranh kết thúc mà Hiếu không trở về.

    Bà Tâm tuy buồn nhưng bà lại có niềm an ủi khác bù đắp. Bà được xưng tụng là mẹ liệt sĩ. Con của bà đã hi sinh cho cách mạng nên bà có quyền hãnh diện. Gia đình bà được ưu tiên hưởng một số quyền lợi vật chất. Bà được bầu vào ban chấp hành phụ nữ xã và hăng hái hoạt động cho cách mạng.

    Riêng ông Tâm, việc được làm cha liệt sĩ làm ông thêm hận. Có lúc chính ông cũng không biết ông hận ai nữa nhưng chắc chắn ông vô cùng tuyệt vọng. Ông càng đau lòng khi không sao biết được nắm xương tàn của thằng con duy nhất bây giờ nằm ở đâu. Ông chỉ biết nỉ non với vợ – dĩ nhiên, chứ còn biết than với ai nữa? Nhiều lúc chuyện đó đã làm cho bà Tâm cảm thấy khó chịu.

    Khi người Mỹ bắt đầu mở chương trình tìm hài cốt chiến binh của họ tại Việt Nam thì những gia đình Việt Nam có con em mất tích trong chiến tranh cũng lên tiếng so bì. Người ta nói rằng chính phủ Mỹ biết thương con dân của họ hơn cách mạng Việt Nam. Người ta sẵn sàng bỏ bạc triệu ra để tìm kiếm từng bộ xương của lính với những điều kiện rất vất vả trên đất người. Trong khi đó chính phủ Việt Nam chiến thắng lại làm ngơ việc đó. Dĩ nhiên ông Tâm cũng nhận thấy như thế. Bà Tâm bèn giải thích cho chồng biết chính phủ mình còn nhiều khó khăn do Mỹ Ngụy để lại cần phải giải quyết trước. Việc gì cũng phải từ từ.

    Thật sự ở Việt Nam có tới hàng trăm ngàn chiến sĩ mất tích chứ đâu phải ít. Dĩ nhiên là thắc mắc của họ phải tới tai chính phủ. Đây là một vấn đề nhân bản. Chính phủ tất nhiên phải tìm một giải pháp để trấn an dư luận trong nước cũng như ở nước ngoài…

    *

    Vợ chồng đứa con gái, Hân và Sen, sau chiến tranh một thời gian đã trở về sống với gia đình ông Tâm. Đó là niềm an ủi khá lớn đối với ông Tâm. Sen rất thương cha, Hân lại là viên hạ sĩ quan quân đội chế độ cũ nên ông Tâm có thể tin tưởng để giải tỏa bớt ít nhiều nỗi u uẩn trong lòng. Ông Tâm cho Hân và Sen biết nguyện vọng cuối cùng của ông là tìm được nắm xương của Hiếu về và tự tay ông được đặt xuống huyệt. Mộ ông sau này cũng sẽ chôn gần đấy. Ông đã khóc sau khi nói lên nguyện vọng tha thiết của mình. Vợ chồng Hân nghe quá xúc động cũng phải khóc theo.

    Thương vợ, thương nhạc phụ, Hân không tiếc công sức thăm hỏi tìm kiếm. Cuối cùng thì tin mừng cũng đến với gia đình ông Tâm: Chính phủ đã nỗ lực tìm tòi và thu gom cải táng hài cốt liệt sĩ tại nhiều nghĩa trang khắp nước. Nghĩa trang to lớn và có qui củ nhất Đông Dương là nghĩa trang Trường Sơn được xây dựng tại Cồn Tiên, Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang này chứa tới mấy chục ngàn ngôi mộ, phần nhiều thu gom từ những hài cốt được chôn rải rác theo dọc dãy Trường Sơn và quanh vùng hỏa tuyến ranh giới Bắc Nam cũ. Mỗi nấm mộ đều có dựng bia ghi rõ tên tuổi liệt sĩ, quê quán và cả chiến trường nơi hi sinh. Đó là một kỳ công chứng tỏ Đảng và nhà nước đã chiếu cố sâu xa đến những người đền nợ nước trong chiến tranh. Trong danh sách những liệt sĩ được cải táng tại đó có đúng tên Nguyễn Đình Hiếu con của ông Nguyễn Đình Tâm với quê quán rõ ràng. Bà Tâm nghe tin vui sướng, mua một con vịt về nấu cháo ăn mừng.

    Trong bữa ăn, bà Tâm hớn hở nói với chồng:

    • Ông thấy không! Tôi đã nói không sai mà, cái gì rồi cách mạng cũng từ từ giải quyết được hết. Tụi Mỹ nó làm nó rêu rao để lấy tiếng chứ không phải thật tình vì dân. Còn chính phủ cách mạng ta âm thầm làm việc cho dân không cần danh tiếng. Xương cốt con mình chính phủ đã lo lắng chu đáo như thế bây giờ ông thỏa mãn chưa?

    Ông Tâm quay lại hỏi Hân:

    • Con đọc danh sách rõ ràng rồi chứ! Chính mắt con đã đọc hay nghe ai nói?
  • Dạ báo đăng rõ ràng chính mắt con đã đọc kỹ. Có thể ngày mai con sẽ kiếm tờ báo đó cho ba xem.

  • Ông Tâm nở một nụ cười:

    • Thôi được rồi, ba tin con mà. Cám ơn cách mạng. Lạy trời lạy Phật, tới giờ này tôi mới lấy lại được niềm tin ở cách mạng!

    Bà Tâm sung sướng nói:

    • Tôi đã nói mà. Lâu nay ông bị tụi Ngụy đầu độc nên không còn sáng suốt để tìm thấy chân lý. Cách mạng lúc nào cũng lo cho dân như con đỏ…

    *

    Nhà nước Việt Nam thật sự đã thực hiện được một công trình quá vĩ đại. Qui gom bao nhiêu nấm mồ liệt sĩ rải rác trên các chiến trường khắp nước đâu phải dễ! Nhân lực thiếu, tiền bạc thiếu, phương tiện thiếu, thế mà chỉ một thời gian ngắn, không còn một liệt sĩ nào thiếu tên trong các danh sách hài cốt được cải táng tại các nghĩa trang. Đó là một sự kỳ diệu đối với sức con người, nhất là con người của một đất nước mới vừa thoát qua cảnh chiến tranh tàn phá tan hoang.

    Trong khi đó người Mỹ với phương tiện tối tân, lại có sự giúp sức của chính quyền địa phương, kết quả tìm kiếm hài cốt vẫn còn quá giới hạn.

    Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội chỉ kêu gọi, mỗi gia đình có hài cốt thân nhân liệt sĩ trong số được thu gom cải táng, đóng góp 50.000 đồng tượng trưng để cán bộ bồi dưỡng trong thời gian thực hiện công tác cải táng. Người thân mình đã được nhà nước lo cho chu đáo đến thế, dĩ nhiên gia đình nào cũng vui vẻ đóng góp. Có người cảm động quá tình nguyện đóng góp gấp bội mà không tiếc.

    *

    Ông Tâm bệnh nằm liệt suốt mấy ngày nay. Trong vài lúc mê man ông hay lẩm bẩm các tiếng Hiếu, Sen, Xương. Hiếu và Sen là tên các con của ông, còn Xương thì không ai đoán được là người nào. Họ hàng cũng như xóm làng của ông không có ai tên Xương cả. Sen phải mời y tá đến nhà xem bệnh, cho thuốc. Vài ngày sau, khi thấy trong người hơi đỡ, ông Tâm gọi Hân và Sen lại ngồi gần giường, nói:

    • Ba có một đứa con trai thì nó mất rồi. Bây giờ có con rể và con gái chăm sóc ba như thế này thì ba cũng quí như con trai vậy. Tình cảm hai con đối với ba làm ba rất cảm động. Má con thì bây giờ chăm lo việc Đảng chứ ít đoái tới việc nhà, thôi cứ để cho bà ấy thỏa mãn. Có thể ba sẽ đi nay mai không chừng. Tiếc rằng ba còn một điều chưa được…  toại nguyện…

    Hân thấy ông ngập ngừng liền hỏi:

    • Có gì ba cứ nói, may ra chúng con làm được gì cho ba chúng con làm.

    Ông Tâm lại ngập ngừng:

    • Ba muốn đem được hài cốt thằng Hiếu về đây. Ngoài đó xa xôi quá đi thăm viếng cũng khó khăn mà không đi thì hương tàn khói lạnh, lâu ngày nó cũng tàn trệt. Đem về đây sau này mộ ba cũng chôn bên cạnh mộ nó cho cha con gần gũi nhau. Ba cũng muốn tự tay ba được rờ thăm nắm xương tàn của nó một lần trước khi nhắm mắt.

    Hân nở một nụ cười nói với ông Tâm:

    • Vậy thì tụi con có thể làm cho ba thỏa mãn được. Thời gian này con có nghe nói nhiều gia đình đã xin dời hài cốt thân nhân đem về nguyên quán.

    Mặt ông Tâm rạng rỡ hẳn lên:

    • Thật sao? Không ngờ trời Phật lại cho ba một chàng rể quí hóa như vậy! Ba nhất định gắng sống cho đến ngày sờ được nắm xương thằng Hiếu. Cám ơn con vô cùng!

    Ông Tâm ngừng chốc lát rồi nói tiếp:

    • Nghĩ cũng lạ, vài lần ba mộng thấy các con đã đem bộ xương nó về đây. Bộ xương đẹp lạ lùng. Cứ thấy nó là ba xúc động…

    Hân quay lại nói với Sen:

    • Vậy là lúc ba mê mà kêu Xương, Xương là nói đến bộ xương của cậu Hiếu đó.

    *

    Thế là hai vợ chồng chuẩn bị tiền bạc, chạy giấy phép rồi nhờ thêm hai người trong xóm cùng đi bốc mộ. Khi bọn họ bước ra khỏi nhà, ông Tâm nhìn theo với đôi mắt ướt:

    • Cám ơn cách mạng, cám ơn hai con, cám ơn mấy chú, cha con tôi sắp gặp nhau!

    Đến nghĩa trang Trường Sơn, Hân và Sen gặp được nhiều gia đình cũng đến đây để bốc mộ như mình. Gần mộ Hiếu có thêm ba nhóm bốc mộ khác nữa. Bắt tay vào việc mọi người mới biết việc không khó khăn như họ dự tưởng. Kiến thiết đơn sơ dễ phá gỡ, đất cát hơi mềm nên dễ đào…

    • A! Gặp rồi!

    Anh Huấn mừng rỡ kêu to và đưa lên một cái xương. Mọi người đều chú mắt nhìn vào. Anh Trình giựt lấy cái xương ấy nhìn ngắm cẩn thận rồi nói:

    • Đây xương trâu xương bò chi chứ đâu phải xương người! Tôi dời mả bao nhiêu năm nay không hề thấy xương người như thế. Khổ xương lại quá lớn đi nữa.

    Họ quăng cái xương ấy ra một bên rồi tiếp tục đào. Lát sau Hân đưa lên một cái xương khác.

    • Bây giờ có phải không này?
  • Đâu có khác chi cái trước! Chỉ nhỏ hơn một tí.

  • Anh Trình lại giựt lấy thỏi xương này quăng về phía cái xương trước. Họ lại tiếp tục đào. Hân chợt thắc mắc:

    • Không lẽ hài cốt cải táng mà người ta chôn sâu thế này để làm gì? Mà qua lớp đất cát vừa rồi cũng không hề thấy dấu áo quan hay mun tro gì cả?

    Họ lại toan tiếp tục đào nữa thì thấy một người từ một nhóm ở gần đó tiến về phía họ với vẻ mặt khác thường.

    • Mấy anh bốc xong chưa? Sao cái mộ bên tôi lạ quá, toàn xương heo không thôi.
  • Có áo quan không?

  • Không!

  • Hân chỉ cho người kia thấy hai cái xương đào được. Người kia ngạc nhiên:

    • Chỉ có thế thôi sao? Đó là xương bò mà! Sao lại kỳ quái thế nhỉ?

    Sen bưng mặt khóc thút thít. Hân nói với người kia:

    • Hay ta sang xem mấy toán kia thử sao?

    Thế là hai người cùng đi. Sen nói với Trình và Huấn:

    • Hai anh đào gắng cho em một chút nữa xem sao nhé. Tội nghiệp…

    Hân đi chừng nửa tiếng thì trở về với vẻ nóng nảy, lắc đầu:

    • Đ. M. điếm từ trên xuống dưới. Thôi, dẹp mà về!

    Cả ba người đều trố mắt hỏi Hân:

    • Sao? Sao? Chuyện ra sao thế?

    Hân vẫn với vẻ hậm hực:

    • Đ. M. tức muốn hộc máu ra được! Mình ở vùng quê ít theo dõi báo chí nên không biết chi hết!

    Sen cũng nôn nóng nhưng cố gắng nhỏ nhẹ:

    • Thì anh cứ kể cho em và mấy anh đây nghe chuyện cái đã, ai cũng chờ đây này!
  • Nhóm cái ông mới đến với mình khi nãy thì moi lên toàn xương heo. Nhóm đằng nọ thì đào mãi vẫn chỉ gặp đất cát. Nhóm ở xa xa kia nữa cũng chỉ lấy lên được một mớ xương súc vật khác. Nghe họ nói mình mới biết là chính phủ chỉ xây mộ giả để trấn an những gia đình liệt sĩ và làm bảnh với quốc tế. Chẳng may có một số gia đình liệt sĩ muốn bốc mộ thân nhân về chôn tại quê hương, họ đã phát hiện ra mộ giả. Nhà nước hoảng hốt phải bí mật cho kiếm xương bậy bạ mà nhét đại xuống các nấm mộ. Thành thử xương gì cũng được tận dụng. Đau đớn nhất là có người đã nhân dịp này, đi đào mồ trộm để lấy xương mà bán. Một bộ xương có thể chia ra cho nhiều mồ. Rất nhiều vụ ăn trộm xương bị dân phát hiện phải đưa lên báo chí nhưng nhà nước đã lái ra thành xương Mỹ hoặc giả xương Mỹ. Vụ tai tiếng nhất là tổ chức của cán bộ hồi hưu Nguyễn Bạch Nhạn đã đào trộm hơn 400 bộ xương ở các mồ mả vùng Nhà Bè, Long An đem bán cho các nghĩa trang liệt sĩ vùng Sông Bé, chiến khu D, Thủ Dầu Một, Củ Chi. Báo Lao Động đã đăng tải vụ đó nhưng vẫn đổ thừa là đào trộm để bán cho Mỹ… Mấy chỗ kia làm được như thế thì chắc chỗ này cũng làm như thế thôi, hi vọng chi nữa mà đào với cuốc…

  • Trình hỏi Hân:

    • Thế bây giờ anh chị tính sao?

    Sen bỗng nằm lăn xuống đất khóc rống lên:

    -Hiếu ơi, em ơi! Em có linh thiêng thì bóp cổ chúng nó chết đi! Không lý bây giờ đem mấy cái xương bò này về cho ba sờ? Đau lòng lắm! Tội nghiệp ba tôi lắm! Ba tôi đang trông ngóng từng phút từng giây! Làm sao đây hở trời?

    Ngô Viết Trọng

    Nguồn : tác giả

    Trở về … tập truyện Ngõ Tím

    Trở về … Trang Ngô Viết Trọng