TẢN MẠN CHUYỆN HẬU BẦU CỬ

 
 
                Sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi căng thẳng, sôi động, hấp dẫn và đầy kịch tính,  cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ đã kết thúc với chiến thắng bất ngờ của nhà tỷ phú địa ốc Donald Trump vào tối ngày 8 tháng 11 năm 2016.
            Chiến thắng của ông Trump gọi là bất ngờ vì trước đó, các cuộc thăm dò dư luận (Poll) đều tiên đoán bà cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ chiến thắng, bỏ xa đối thủ từ 4, 5 cho đến 10 điểm cách biệt, theo nhiều cơ quan truyền thông khác nhau. Chính vì quá tự tin và chủ quan, tưởng là “chắc ăn như bắp” nên có cơ quan truyền thông cấp tiến như tờ NEWSWEEK đã bị hố nặng khi phát hành 125.000 ấn bản ngay sau ngày bầu cử 08/11/2016 với hình bìa in chữ “Madame President” (Bà Tổng Thống) cùng với hình Bà Clinton đang cười tươi rói. Số báo này ngay sau đó đã phải thu hồi, tuy nhiên vẫn để lọt ra ngoài 17 ấn bản; tờ báo sau đó đã phải xin lỗi độc giả và in một trang bìa khác với hình Tổng Thống tân cử Donald Trump thay thế.
Newsweek’s prepared cover in the expectation of a very different election outcome.
Democratic presidential nominee former Secretary of State Hillary Clinton signs an autograph on a Newsweek 'Madam President' commemerative magazine backstage after a campaign rally on November 7, 2016 in Pittsburgh, Pennsylvania. (Justin Sullivan/Getty Images)
            Không chỉ tiên đoán bà Clinton sẽ đắc cử Tổng Thống, truyền thông Hoa Kỳ còn tiên đoán đảng Cộng Hòa sẽ mất thế đa số tại Lưỡng Viện Quốc Hội cũng vì ông Trump. Nhưng kết quả đã không như dự đoán. Ở cả hai viện Quốc Hội, đảng Cộng Hòa vẫn chiếm đa số như cũ tuy có mất một số ghế dân biểu và thượng nghị sĩ. Đây quả là một tai nạn nghề nghiệp chưa từng có cho giới truyền thông chính thống Mỹ.
Ngay cả giới báo chí Việt ngữ cũng bị ảnh hưởng và hùa theo những cuộc thăm dò này. Một tờ báo lớn ở Quận Cam đã khẳng định Bà Clinton sẽ chắc thắng trong đó có sự ủng hộ của số đông cử tri người Việt. Không biết tờ báo này căn cứ vào đâu lại đưa ra kết luận như vậy? Cũng giống như vậy, một đài truyền hình lớn của người Việt còn chạy hẳn một dòng chữ “Vietnamese Community Vote For Clinton” như khẳng định sự ủng hộ của cộng đồng người Việt. Lại có ông ký giả còn huênh hoang cho rằng, không thể nào có chuyện ông Trump đắc cử vì hệ thống siêu quyền lực (superpower) của nước Mỹ đã sắp đặt trước rồi. Thậm chí, còn có một ông tự nhận là nhà tiên tri vũ trụ đã đăng nguyên ½ trang báo quảng cáo “Lời Chúc Mừng Madame Clinton Hillary Đắc Cử…” trên nhật báo Viễn Đông số ra ngày thứ tư 09/11/2016. Nhà tiên tri này định lấy đó như một thành tích cho nghề nghiệp bói toán của ông nhưng bị tổ trác (vì trật lất). Báo Mỹ Newsweek khi biết mình bị hố còn kịp thu hồi lại được, nhưng báo chí Việt ngữ một khi đã in rồi thì kể như hết cách chữa. Thiệt là khôi hài hết biết.
            Nhưng dù muốn hay không, kết quả bầu cử như vậy coi như đã xong, giống như bao nhiêu cuộc bầu cử đã diễn ra trước đó. Theo kết quả đã công bố, ông Donald Trump đã đắc cử ở 31 tiểu bang với 306 phiếu Cử Tri Đoàn, trong khi bà Hillary Clinton thắng cử ở những tiểu bang còn lại với 232 phiếu. Riêng về số phiếu bầu phổ thông (popular votes), thì dường như chưa được thống nhất. Có nguồn tin nói, ông Trump đã vượt lên trên bà Clinton với khoảng hơn 62.9 triệu phiếu so với bà Clinton chỉ được 62.2 triệu phiếu. Tuy nhiên, lại có nguồn tin khác nói bà Clinton có số phiếu phổ thông nhiều hơn. Phải chăng đó là lý do có một số người ủng hộ bà Clinton đã vin vào đó để khích động những cuộc biểu tình phản đối sự đắc cử của ông Trump kéo dài đến nay vẫn chưa dứt. Họ đưa ra những biểu ngữ “Not My President”, “Dump Trump”, “Build Bridges, Not Walls”,… Nhiều cuộc biểu tình đã trở thành bạo động ở nhiều thành phố. Nhưng thật đáng tiếc là cả Tổng thống Obama lẫn bà Clinton vẫn chưa thấy lên tiếng kêu gọi chấm dứt những cuộc biểu tình bạo động này.  
Ngoài việc biểu tình, người ta còn lập ra cả một trang mạng để ký thỉnh nguyện (petition) yêu cầu các đại biểu cử tri đoàn hãy xé rào bầu cho bà Clinton vào ngày 19/12/2016 tại thủ đô các tiểu bang, thay vì bầu cho ông Trump làm Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, căn cứ theo Hiến pháp thì điều này có thể xảy ra, nhưng nó cũng khó như việc mò kim đáy biển, vì trong lịch sử Hoa Kỳ chưa hề có một tiền lệ nào như vậy.
            Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa hết ngạc nhiên trước chiến thắng của ông Trump. Ai cũng nghĩ trước một đối thủ có dạn dày kinh nghiệm với hơn 30 năm trên chính trường như bà Hillary Clinton thì một người chỉ có kinh nghiệm trên thương trường và chưa hề hoạt động chính trị như ông Trump dễ gì hạ được. Chính vì chủ quan và tự tin như vậy, trong những ngày cuối cùng của cuộc vận động tranh cử, bà Clinton đã hành xử như một tổng thống tương lai. Bà kêu gọi mọi người hãy đoàn kết để hướng tới tương lai. Trong đêm 8 tháng 11, tại trụ sở chính của ủy ban tranh cử của bà ở New York; cờ, hoa và pháo bông đã được chuẩn bị sẵn sàng để ăn mừng chiến thắng nhưng tin vui đã không đến khiến cho bà bị “sốc” phải tránh mặt không tiếp xúc với cử tri trong đêm đó. Họ phải đợi mãi cho đến trưa hôm sau bà mới xuất hiện để miễn cưỡng nói lời chia tay với họ.

Chiến thắng của ông Trump, nếu nói theo ngôn ngữ kiếm hiệp Kim Dung là một chiến thắng kiểu “vô chiêu thắng hữu chiêu”, nhưng là một chiến thắng xứng đáng vì số phiếu cử tri đoàn của ông đã vượt qua bà Clinton khá xa (306 / 232) mà có báo (Mỹ) đã cho là một chiến thắng như đất lở (landslide). Tuy ông chưa bao giờ tham gia hoạt động chính trị, nhưng không phải vì vậy mà ông không có những viễn kiến về chính trị. Ông đã từng là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất (best seller) trong đó có cuốn “Trump: Art of the Deal” (Trump: Nghệ Thuật Điều Đình) (xuất bản năm 1988) hay cuốn mới nhất “Great Again: How to Fix Our Crippled America” (Vĩ Đại Trở Lại: Làm Sao để Sửa Chữa Nước Mỹ Đang Bị Tê Liệt của Chúng Ta) được xuất bản ngay trong năm vận động tranh cử của ông (2016). Như vậy, dù không biết kế hoạch của ông hay hay dở, nhưng đâu phải ông không có kế hoạch gì.

            Gần 30 năm trước, khi phát hành cuốn sách “Nghệ Thuật Điều Đình” vào năm 1988, khi đó Donald Trump còn là chàng thanh niên mới 42 tuổi, trẻ và đẹp trai, đã trả lời phỏng vấn trên chương trình hội thoại nổi tiếng của Oprah Winfrey rằng: “Chúng ta đã để Nhật Bản đến và đổ đủ mọi thứ vào thị trường của chúng ta… Họ đến đây, họ bán xe hơi, bán máy VCR của họ. Họ đã hạ gục các công ty của chúng ta….” Câu nói này cũng chẳng khác gì trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, ông cũng phê phán hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Mỹ đã lấy đi nhiều công việc của người dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong lần hội thoại đó, khi được hỏi ông có ý định ra tranh cử tổng thống không, ông đã trả lời: “Có thể là không. Nhưng tôi rất chán ngán nhìn thấy đất nước bị xâu xé… Tôi không nghĩ tôi sẽ làm việc này.” Tuy nhiên, khi được hỏi, ông có hy vọng gì không nếu ông ra ứng cử tổng thông, ông nói: “Tôi nghĩ, tôi sẽ có thể chiến thắng. Tôi nói cho bà biết điều này: Tôi sẽ không tham gia để mà thất bại.” Có lẽ vì vậy, mấy chục năm sau ông đã đổi ý, sau nhiều lần nộp đơn tranh cử tổng thống rồi rút lui, cho đến lần này, năm 2016, có lẽ khi thấy thời cơ đã thuận lợi, chin mùi, ông mới quyết định dứt khoát ra tranh cử và cuối cùng đã giành được thắng lợi. 
            Cho nên, đừng nên coi thường Donald Trump. Như tên một cuốn sách của ông, ông đã méo mó nghề nghiệp mang “nghệ thuật điều đình” vào trong chính sách của ông. Vì vậy, cũng không nên ngạc nhiên trong lúc vận động tranh cử ông đã đưa ra những lời đao to búa lớn (như kiểu nói thách cho người mua trả giá); như đòi xây bức tường dọc theo biên giới Mexico, xét lại hiệp ước thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), cũng như yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc phải chia sẻ gánh nặng tài chánh nếu muốn Hoa Kỳ tiếp tục hiện diện quân sự ở đây, cũng như tương tự đối với các đồng minh trong Minh Ước Bắc Đại Tây Dương NATO, v.v… Có phải vì những đề nghị này mà ngay sau khi ông Trump đắc cử, các lãnh đạo thế giới, kẻ trước người sau, đã lần lượt gọi điện thoại hoặc xin đến gặp trực tiếp ông Trump chắc hẳn để “điu” hoặc xác minh về những đề nghị của ông. Dù chưa biết kết quả những cuộc điều đình này như thế nào, nhưng đó là cách làm cho đối phương phải quan tâm và điều đình để đi đến một thỏa hiệp khác mà đôi bên đều có lợi và hợp lý. Như vậy chẳng phải là một sự khôn khéo của Trump sao?
            Một cuốn sách khác của Trump có tên gần giống với khẩu hiệu của ông khi tranh cử là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Rõ ràng đây là một thông điệp nhắm vào Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, đồng thời gián tiếp nhắm vào bà Clinton như là một cánh tay nối dài của Obama nếu bà đắc cử. Theo cái nhìn của Trump, Tổng thống Obama đã làm cho vị trí cường quốc của Hoa Kỳ bị suy yếu. Dưới triều đại của Obama, vị trí siêu cường của Hoa Kỳ như bị lu mờ trên trường quốc tế: Tổ chức Nhà Nước Hồi giáo ISIS ngày càng bành trướng, gieo rắc khủng bố khắp nơi. Obama đã quá nhún nhường với những người Hồi giáo, thậm chí không dám nhắc đến nhóm chữ “Hồi giáo quá khích” (giống như Việt cộng kỵ húy không dám nhắc đến tên Trung Quốc mà chỉ dám nói “tàu lạ”, “người nước lạ”,…). Tổng thống Nga Putin đã ngang nhiên xua quân chiếm bán đảo Crimea của Ukraine trước sự bất lực của Mỹ và NATO. Trung Cộng ngày càng lộng hành ở Biển Đông trong khi Hoa Kỳ chỉ hô hào chuyển trục mà chưa thấy có những hành động gì cụ thể. Tổng thống Obama không chỉ bị Trung Cộng coi thường không đón tiếp với thảm đỏ như một quốc trưởng khi đến Hàng Châu dự hội nghị thượng đỉnh G-20, mà ngay cả ông tổng thống Phi Luật Tân Duterte cũng bạo miệng gọi TT Obama là “Đồ c.. đẻ”. Chính vì những biến cố đó, ông Trump muốn khôi phục lại vị trí siêu cường quốc hàng đầu của Hoa Kỳ trên thế giới.
            Phải chăng vì cái khẩu hiệu làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại đã khơi gợi lòng yêu nước và niềm tự hào của người Mỹ khiến cho ông Trump đắc cử. Điều đáng tiếc là có một số người thuộc bên thua cuộc bầu cử lại không chấp nhận cái kết quả của trò chơi dân chủ này. Như một số minh tinh tài tử Hollywood đã từng tuyên bố sẽ rời khỏi nước Mỹ đi đến Canada hay một nước nào khác nếu ông Trump đắc cử (nhưng cho đến nay trong số này vẫn chưa thấy ai dời đi đâu cả). Như để tán thành quyết định này, một vị Chánh án tòa án liên bang John Primomo đã nói trong một buổi lễ tuyên thệ cho các tân công dân Hoa Kỳ ở San Antonio (TX) ngày 18/11/2016, rằng: “Tôi bảo đảm với quý vị rằng dù quý vị có bầu (ông Trump) hay không bầu cho ông ấy, nhưng nếu quý vị đã là công dân của Hoa Kỳ, thì ông ấy là tổng thống của quý vị và sẽ là tổng thống của quý vị. Và nếu quý vị không thích điều này, quý vị có thể đi đến một quốc gia khác.” Lời phát biểu này của ông đã được nhiều người hoan nghênh nhưng ông cũng đã bị nhiều chỉ trích là gây chia rẽ trong bối cảnh đang có nhiều bất ổn sau cuộc bầu cử. Để bào chữa cho lời phát biểu của mình, Primomo nói, mọi người đã diễn giải sai ý của ông, thực ra ông chỉ muốn tạo sự đoàn kết trong người dân và muốn mọi người tôn trọng vị tổng thống (đắc cử). Ông nói thêm, lời nói của ông không mang một ý nghĩa chính trị, ủng hộ hay chống đối ông Trump, và riêng cá nhân ông đã không bầu cho Trump.  
Tuy nhiên, mặc dù còn nhiều tranh cãi, cuối cùng mọi việc rồi cũng sẽ ổn thỏa: Ông Donald Trump sẽ chính thức là Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng Giêng năm 2017.

            TOÀN NHƯ

Đọc thêm … Trang Toàn Như