Thăm Thẳm Trời Xanh / Chương 25

 

Dù không vui vẻ mấy, toán đi củi đò chúng tôi cũng khởi hành vào ngày 16 tháng giêng như đã dự tính. Lẽ ra cả toán gồm 8 người nhưng giờ chỉ còn 7: chú Tấn, anh Phát, anh Lưu, anh Hiếu, chị Lâm, chị Vàng và tôi.

Chú Tấn đã thuê đò máy và trù liệu đường đi nước bước rất chu đáo. Khi bước lên đò tôi mới biết còn có thêm hai toán của tập đoàn 7 và tập đoàn 8 cùng đi, cũng mỗi toán bảy người. Xã Thiện Trường vốn có nhiều con hói được đào thông từ sông Lợi Nông vào tận con hói ngang tiếp giáp khu dân cư nên đò máy ghé bến rất tiện. Từ nhà tôi đến bến chỉ có một đoạn đường ngắn. Ba toán đi chung một đò. Khi đò ra đến sông Lợi Nông thì quẹo trái, ngược dòng con sông này đi cho đến khi gặp sông Hương, tiếp tục theo dòng sông này tiến lên phía thượng nguồn. Khi đến một địa điểm thuận lợi cho việc đốn củi thì đò cập bến để chúng tôi đổ bộ lên rừng. Chủ đò hẹn bảy ngày sau sẽ trở lại.

Lên bộ xong, việc đầu tiên của chúng tôi là lo ổn định chỗ ăn uống ngủ nghỉ. Ba toán đã chọn địa điểm cắm lều gần nhau để phòng giúp đỡ nhau khi cần. Toán tôi dựng lên hai cái lều nhỏ, lợp chắn bằng mấy tấm nylon và một ít lá rừng. Một lều dành cho đàn ông và một dành cho đàn bà.

Việc đốn củi của chúng tôi bắt đầu gặp được nhiều thuận lợi. Khu vực này thợ rừng mới hạ một số cây lớn để lấy gỗ nên chúng tôi tha hồ chặt nhánh nhỏ. Chú Tấn thấy khu này sẵn củi quá tỏ vẻ lạc quan:

  • Bà con khỏi lo gì cả. Cứ thong thả mà chặt. Tiếc là mình hẹn đò tới một tuần. Nếu biết nhiều củi thế này mình hẹn năm ngày cũng kịp chán!

Anh Phát cười:

  • Thôi thì cứ coi như đi cắm trại nghỉ hè đi!

Chị Vàng bỉu môi:

  • Đi cải tạo thì có! Già cả như tôi mà phải lên rừng đốn củi là đường cùng rồi!

Anh Hiếu nói:

  • Thôi, lên rừng than thở không tốt chị Vàng ơi! Mình nói chuyện khác cho vui vẻ đi!

Chú Tấn tiếp:

  • Phải đó, bây giờ mình làm việc cho mình, phải phấn phát mà làm mới được!

Mấy người đàn ông, kể cả ba toán, vừa chặt củi vừa nói chuyện trông rất vui vẻ. Nhưng hình như chị Vàng cũng như chị Lâm không vui mấy. Hai người ít nói cười hơn những người khác. Tôi không hiểu họ đang nghĩ gì. Riêng tôi, tay chặt củi mà lòng cứ ngùi ngùi… Tôi cứ miên man nghĩ về hai người bạn đã cùng đi củi với tôi lần trước: chị Hoành và cô Ánh. Có lẽ bây giờ một người đã rã thịt, một người đang bắt dầu bị lũ mối đất gặm nhấm. Nếu không bị tai nạn, giờ này cô Ánh cũng có mặt ở đây! Nhìn lại cuộc đời chẳng khác chi huyễn mộng…

Tôi đốn củi rất dở. Tuy trẻ tuổi hơn chị Vàng và chị Lâm nhưng tôi phải vất vả lắm mới theo kịp hai người.

Buổi chiều chúng tôi nghỉ việc lo cơm nước sớm. Tối đến mấy ông nhúm nhiều đống lửa cháy bập bùng trông khá vui mắt. Cả ngày làm việc mệt mỏi, vừa chun vào mùng một lát là tôi ngủ. Nhưng mới khoảng nửa khuya tôi chợt thức dậy. Lúc này muốn dỗ giấc ngủ trở lại thật khó. Cảnh sóc kêu vượn hú càng làm cho lòng tôi trở nên bi thiết. Tôi lại nhớ đến chị Hoành, nhớ đến cô Ánh, nhớ đến cô Xuân Hương… Giờ đây những người ấy đang ở cảnh giới nào? Giải thoát hay đọa đày? Rồi tôi lại nhớ đến chồng tôi – giờ đây anh ấy đang cô đơn, què cụt, đang hụp lặn trong cảnh sống tù tội. Tôi càng đau đớn nghĩ tới nỗi bất lực của mình. Bao giờ tôi mới có thể thăm viếng an ủi chồng tôi được một lần? Thế rồi tôi lại nằm trằn trọc chờ sáng.

Ngày lại ngày lần lượt trôi qua. Chưa hết nửa ngày thứ sáu chúng tôi đã có được một số củi vượt xa sự dự tính.

Còn rảnh hơn một ngày trong khi chờ đợi đò lên rước, người nào mỏi mệt cứ nằm nhà nghỉ, người nào còn khỏe rủ nhau đi săn tìm những sản phẩm của rừng. Rừng vốn có nhiều món lạ nên rất hấp dẫn đối với bất cứ ai.

Buổi chiều ấy đám đàn ông rủ nhau đi tìm gì không biết. Riêng bọn đàn bà chúng tôi chỉ quanh quẩn gần khu đốn củi của mình tìm nấm meo. Tới lúc này tôi mới để ý đến một điều: mùa xuân rừng xanh cũng trăm hoa đua nở. Tôi thấy có nhiều giống hoa thật lạ! Những loại cây thân thảo, thân dây trổ hoa đã đành, cả những cây mộc lớn cũng trổ hoa nữa! Có một cây mộc tôi không biết tên đã trổ hoa toàn bộ trên phần ngọn tạo thành một vung màu tím đẹp ghê hồn khiến tôi vừa nhìn thấy đã ngẩn ngơ cả lòng! Bất giác tôi đọc lên mấy câu thơ của Trịnh Cốc mà tôi vẫn thích:

“Dương tử giang đầu dương liễu xuân,

      Dương hoa sầu sát độ giang nhân,

      Sổ thanh phong địch ly đình vãn,

      Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần”.

(Ở đầu sông Dương tử những cây dương liễu đều đượm vẻ xuân, Hoa dương liễu làm buồn thúi ruột khách qua sông, Mấy tiếng sáo ở “đình chia tay” vào buổi chiều hôm đưa trong gió, Anh hướng ngả Tiêu Tương, tôi hướng về Tần).

Tự nhiên tôi thấy thương nhớ chồng tôi da diết. Bây giờ chàng ở nơi đâu? Đang sống như thế nào? Những giọt lệ trào ra khiến đôi mắt tôi cay cay… Tôi chưa hề biết hoa dương liễu ra sao, đẹp tới mức nào mà lại làm chết điếng cả lòng người qua sông? Giờ thấy mình cũng xúc cảm tột độ khi nhìn vung hoa này tôi mới biết tác giả bài thơ đã nói không quá đáng. Lúc này tôi lại nhận ra thêm một điều nữa: hoa ở khu rừng này hầu hết là màu tím! Khác nhau chăng chỉ có tím đậm, tím nhạt… Họa hoằn lắm mới thấy một ít hoa màu đỏ, màu vàng hay màu trắng. Cả buổi chiều ấy tôi không kiếm được một thứ gì ngoài mấy chùm hoa lạ.

Gần tối, những người đi tìm của rừng trở về đều mang theo được một số sản phẩm như nấm meo, mật ong, trứng gà rừng, trứng chim… Nhiều nhất là nấm meo, gần như người nào cũng có. Ai cũng tiếc thời giờ ít quá không đi rảo thêm được…

Lần này chun vào mùng tôi không ngủ liền được như thường lệ. Màu tím của hoa rừng và lòng thương nhớ chồng cứ dồn dập khuấy động đầu óc khiến tôi rất khó chợp mắt…

Bỗng nhiên tôi thấy anh Thành đang mặc đồ lính hiện ra. Anh cười vui vẻ đến trước mặt tôi, trao cho tôi một bộ đồ vải xoa màu tím:

  • Em quên bộ đồ kỷ niệm quí giá này rồi ư? Anh cất giữ đã lâu nay sao chẳng thấy em hỏi han gì đến?

Tôi giật mình chợt suy nghĩ: Hóa ra chàng đùa nghịch đến vậy ư? Tại sao chàng đùa nghịch như vậy? Kể ra cũng hơi ác đấy! Nếu chàng đùa cất giấu bộ đồ ấy cũng cho được đi! Cớ sao chàng lại lấy sạch luôn cả bao nhiêu áo quần tốt khiến mẹ con tôi thiếu thốn phải mặc những đồ rách rưới bao lâu nay? Không, chàng không thể làm như thế được! Chắc tại chàng không muốn tôi buồn tiếc bộ đồ kỷ niệm ấy nên đem bộ khác về thế đó thôi. Tôi cười nói với chàng:

  • Anh xạo thiệt. Em nhớ rõ bộ đồ đó đã bị mất trộm một lượt với tất cả những áo quần tốt trong nhà khi em từ Đà Lạt mới về kia. Phỉnh em không được đâu! Bộ đồ ấy em có thêu chữ Ngọc và chữ Thành bằng chữ Hán ở hai chéo áo và em đã giải thích cho anh nghe anh không nhớ sao?

Chồng tôi vừa cười vừa lật hai chéo áo ra cho tôi xem:

  • Có phải hai chữ này không?

Tôi ngạc nhiên khi thấy rõ ràng hai chữ Hán do chính tay tôi thêu. Chồng tôi nói tiếp:

  • Anh nhớ rõ hôm ấy anh hỏi em: “Chữ Thành anh cũng biết. Nhưng sao em thêu thêm trước nó một chữ ngôn làm gì?”. Em giải thích: “Chữ Thành mà anh biết có nghĩa là nên việc, trái với chữ bại. Nếu thay chữ thổ trước nó, nó vẫn được đọc là thành, nhưng có nghĩa là bức thành như  thành trì, thành quách. Còn nếu thay chữ ngôn trước nó, nó lại có nghĩa là thật lòng, như thành tín, thành khẩn. Anh là người chân thật, phải dùng chữ thành có chữ ngôn ở trước mới hợp!”. Anh nhớ như vậy có đúng không?

Tôi nghe chàng nói xong bỗng nổi giận trách:

  • Vậy thì anh chẳng “thành” tí nào, anh ác thật! Anh có biết em đau lòng lắm khi mất bộ đồ này không? Lại còn làm mẹ con em phải chịu cảnh thiếu thốn rách rưới mấy năm nay nữa?

Chàng nghe tôi trách liền lộ vẻ giận dỗi:

  • Anh vẫn thành thực với em nhưng em đã oán trách thì anh phải đi!

Rồi chàng vụt biến mất. Tôi hoảng hốt kêu lớn một tiếng rồi tỉnh giấc. Chị Vàng và chị Lâm đều thức dậy hỏi tôi chuyện gì. Một lát hai người đã ngủ trở lại. Riêng tôi tiếp tục trằn trọc tới sáng…

Hôm sau, dù chỉ còn một buổi sáng – chủ đò đã hẹn khoảng buổi trưa đò sẽ đến, nhưng nhiều người vẫn rủ nhau tiếp tục đi tìm của rừng. Tôi vì đêm rồi mất ngủ mỏi mệt quá nên vẫn nằm nhà một mình. Không ngờ đò đã đến trước giờ hẹn, không phải một chiếc như khi đi mà là ba chiếc, mỗi chiếc cho một toán. Tất nhiên chủ đò phải đợi.

Đến trưa, phần đông những người đi tìm của rừng đã trở về đúng hẹn. Riêng một toán năm người của tập đoàn 7 về trễ. Những người có mặt lần lượt chuyển củi của mình xuống đò. Vài người bắt tay làm loa hú gọi toán về trễ ấy. Nhưng hú gọi nhiều lần vẫn không nghe tiếng ai trả lời làm ai nấy đều sốt ruột. Giờ hẹn đã qua lâu mà họ vẫn chưa về. Chúng tôi cứ thay nhau hú gọi nhiều hơn. Vẫn tuyệt nhiên chẳng nghe một tiếng hồi âm. Tại sao vậy? Nhiều người cứ đoán già đoán non về những chuyện có thể xảy ra làm tôi càng sợ hãi. Mấy người chủ đò cũng không kém phần lo âu.

Mãi tới khi chúng tôi định chia nhau bủa ra đi tìm mới nghe được tiếng hú trả lời. Thế rồi hai bên tiếp tục liên lạc nhau bằng tiếng hú. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không yên lòng vì tiếng hú của những người về trễ nghe có vẻ rời rạc, lạc thanh. Cho tới khi tiếng hú nghe thật gần chúng tôi nôn nóng kéo nhau đi về phía đó. Người chúng tôi gặp đầu tiên là ông Thược. Ông đang vác ba cái rựa trên vai, mặt mày phờ phạc, dáng bộ mệt mỏi. Ông Thược vừa bước vừa chỉ tay ra đằng sau mà nói:

  • Chút nữa là bà Nỡ chết rồi!

Mọi người hoảng hốt nhìn về phía sau ông ta. Hai người đàn ông đang dìu một người đàn bà vừa lê bước vừa rên. Người được dìu chính là bà Nỡ. Một người đàn bà khác thất thểu bước theo sau…

Tiếng kêu rên đau đớn thê thiết của bà Nỡ làm mọi người không chịu nổi. Chú Tấn hỏi:

  • Việc gì đã xảy ra thế?
  • Mây ép… nhờ mấy bà đến nhặt bớt gai mây trên mình cho bà ta đi!

Ngoại trừ bà Nỡ, cả bọn đều kêu đói kêu khát. Đám đàn bà chúng tôi xúm lại nhổ gai mây cho bà Nỡ. Gai mây dính khắp thân bà, bất cứ chỗ nào trên thân bà cũng thấy gai. Đụng đến cái nào làm bà đau đớn theo cái ấy…

Người chủ đò thúc:

  • Tình trạng như vậy phải chuyển củi gấp lên để về kịp cho gia đình người ta còn đưa bà ấy đi nhà thương nữa chứ!

Đám đàn ông cùng nhau chuyển củi lên đò tiếp…

Toán người gặp nạn gần như người nào cũng giọng thều thào nói không ra hơi. Sau khi uống nước và ăn sơ vài miếng cho lại sức, ông Thược kể:

  • Bọn tôi bị mất hết thức ăn, đã đói lại phải làm việc tối đa nữa! Lúc đó bọn tôi sắp nghỉ để ăn uống trước khi trở về. Không ngờ khi lòn qua một lùm cây, bà Nỡ bị cả lùm mây già tuột xuống phủ lên người. Sức nặng hàng tạ của lớp vỏ mây đầy gai sắc dồn tụ nhiều năm suýt đã nuốt chửng lấy bà ta. May nhờ có một số cây rừng làm vật cản trở nên bà còn giữ được thân. Tuy vậy, hàng bao nhiêu lớp vỏ thân mây đầy gai sắc ấy càng lúc càng ép xuống thân bà. Bà Nỡ bị gai mây đâm nhức nhối kêu khóc om sòm. Thế là cả bốn người bên ngoài phải ra sức cố dọn lùm mây ấy để cứu bạn. Loại gai mây này đụng đâu gây nhức nhối đó nên rất khó dọn. Phải cắt từng đoạn thân mây và rút dần một cách dè dặt, sợ gây chấn động những thân mây khác, có thể làm lùm mây tuột nhanh hơn sẽ đè bẹp người bà Nỡ mất. Vất vả mất hơn hai giờ bốn người mới cứu được bà Nỡ ra. Tóc bà bị vướng vào những chùm gai mây, rất khó gỡ. Bọn tôi buộc phải cắt đi nhiều mảng tóc của bà. Da thịt bà nhiều chỗ bị gai mây găm như lông măng của con vịt mới nhổ lông. Người ta phải từ tốn rút ra từng cái một để giảm bớt sự đau đớn cho bà. Khổ nhất là những gai bị gẫy để lại những đầu mút ở trong da thịt bà ta rất khó lấy ra. Cứu bà Nỡ ra khỏi lùm mây xong bọn tôi ai nấy đều đói meo, mệt lả. Khi tìm đồ ăn bọn tôi mới hay tất cả đồ ăn lẫn nước uống của cả bọn đã nằm dưới đống gai mây do chính chúng tôi dọn ra quăng chồng lên. Lo cứu bạn, bọn tôi đã quên cả việc tránh chỗ để đồ của mình. Đành chịu thôi, nhất là phải cần đưa bà Nỡ về gấp! Vừa đói lả người vừa khát nữa, lại còn phải thay nhau dìu bà Nỡ nên muốn báo hiệu cho mấy ông hú cũng không ra hơi…

Củi đã chất hết lên đò. Nãy giờ tôi phải cố gắng lắm mới ngồi cùng mấy người đàn bà khác nhổ gai mây cho bà Nỡ. Thật tình tiếng rên xiết đau thương của bà Nỡ đã làm tôi nhức cả đầu. Sau cùng thấy không sao chịu được, tôi phải tránh đi chỗ khác…

Khi được đưa về tới nhà, bà Nỡ đã bị lên cơn nóng lạnh. Người nhà phải chở bà đi bệnh viện để chữa trị.

Trong khi tin tức về bệnh tình của bà Nỡ chưa được biết thế nào thì lại có mấy người trong ba toán đi củi đò bắt đầu chớm bệnh. Điều đáng sợ là cả bốn người cùng đi tìm của rừng với bà Nỡ đều bị bệnh sốt rét. Ông Phận, một người đàn ông trung niên khỏe mạnh, cao lớn bậc nhất trong xã lại là người bệnh trở nặng sớm nhất. Người nhà phải chở ông ta đi bệnh viện. Nào ngờ trưa hôm sau người ta đã chở ông ta trở về với cả cỗ quan tài.

Những người bị bệnh khác thấy vậy đều hoảng lên. Một số người khác lại được chở đi bệnh viện…

Rồi ông Kiệt lại được chở xác về!

Hôm kế nữa lại ông Lang được chở xác về!

Chỉ có ông Thược cũng đi bệnh viện nhưng may mắn được cứu sống!

Những cái chết xảy ra liên tiếp nhau khiến cả xã Thiện Trường xôn xao náo động. Những người đi củi đò chuyến đó cũng như gia đình họ càng hoang mang lo sợ hơn. Tôi không thấy triệu chứng đau ốm gì nhưng cũng hết sức lo sợ, bi quan…

Mãi tới khi ông Thược và bà Nỡ được trở về an toàn tôi mới tạm yên lòng.

Riêng bà Nỡ, có lẽ nỗi đau đớn khiếp hãi quá đã làm bà bị chấn động tâm trí cực độ. Từ khi ở bệnh viện về, bà mỗi ngày mỗi đâm ra ngớ ngẩn thêm. Một thời gian sau bà trở thành người mất trí vĩnh viễn…

Đọc tiếp Chương 26