Văn nghệ giúp vui nhà dưỡng lão ở San Jose

38e8b8c400000578-0-image-a-18_1475170179112

 Tôi được bà bầu Ngọc Dung cho biết một đoàn Văn nghệ ở San Jose mời đoàn cổ nhạc “Tiếng Vọng Quê Hương” tham gia chương trình văn nghệ tại  Nursing Home Sans de villa để giúp vui bà con cô bác gia đình đã đưa vô đây. Tôi rất mừng vui vẻ nhận lời ngay. Từ lâu tôi hằng ấp ủ muốn có tổ chức văn nghệ nào đến đó tôi sẽ tình nguyện đóng góp lời ca tiếng hát của mình đến ông bà cha mẹ mình ở nơi đó. Sở dĩ tôi có lòng quyết tâm như vậy vì trước đây tôi có đến  nhà dưỡng lão đã tận mắt nhìn các cụ ông cụ bà sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống lúc tuối già.
Đập vào  mắt tôi đầu tiên đây là một xã hội người già. Bao nhiêu  đau đớn bệnh tật đè nặng trên kiếp người già cùng khố. Lãnh đạm! Người người ngơ ngơ ngẩn ngẩn! Mắt mờ! Mất trí nhớ! Tay chân lập cập! Ngồi xe lăn! Run rẩy!

     Theo tôi nghĩ,  về vấn đề săn sóc những người già ở đây họ được phục vụ đầy đủ. Ăn uống có người đem khẩu phần đến tận nơi. Uống có nước táo, nước trái cây có cả cà phê cho những người ghiền bạc-xỉu! Tuy nhiên thiếu một thứ nhân bản rất cần cho những người nầy là  tình cảm gia đình, măc dầu thân nhân cũng thường đến thăm nhưng không thể vào đây thường xuyên được vì các thân nhân còn phải bận đi làm.

Nghĩ cho cặn lẽ, người già vào đây là hợp lý vì ở nhà con cháu đâu có thường ngày ở bên cạnh để săn sóc chu đáo. Người già thường sức khỏe không tốt bị trở bệnh bất thường, té sụm xương, ở đây có bác sĩ hay y tá chăm lo sức khỏe cho mấy cụ. Nơi đây có phòng ốc rõ ràng; một phòng hai hoặc ba giường tùy theo số người xin đến Nursing home nhiều hay ít. Hằng ngày có người quét dọn sach sẽ. Có TV. Phòng vệ sinh riêng. Nhân viên phục vụ sắp xếp theo ca, họ được học khóa huấn luyện để hiểu rõ tâm lý người già lớn tuổi. Không có thái độ vô phép đối với các người già xin vô đây.
Ban văn nghệ chúng tôi đến nhà Nursing home lúc 10 giờ sáng đang giờ nghỉ ngơi hay giờ ăn uống của các cụ. Lần lượt các cụ ông cụ bà tự mình hoặc có người đẩy xe đến sân khấu hiện trường.  Đa số các cụ ngồi xe lăn ngồi theo dãy rất thứ tự, rất có nề nếp. Có thể nói đây là xã hội của thế giới người già. Một sự sinh hoạt tập thể. Ấm cúng. Thảnh thơi và vui tươi không bị xã hội bên ngoài can thiệp gây phiền toái.

Mở màn ban văn nghệ giúp vui bài ca Tân nhạc trong ban nhạc Duy Cường.
Ban tổ chức đã chọn những bài nhạc hay, nhạc vui thường được hát ngoài công chúng để cống hiến cho các cụ ngồi nghe. Tất cả im lặng không khí của nhạc thính phòng.
Trên sân khấu dù nhó bé trong khuôn khổ một nhà dưỡng lão nhưng rất đậm đà sắc nét. Đèn điện hoa đăng rực rỡ. Sàn diễn có trang trí các bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp.
Nhiều cụ nhìn say mê các khung cảnh đồng quê gây ấn tượng một quang cảnh sinh sống rất bình dị của các cụ thời thơ ấu lúc còn ở quê nhà. Riêng tôi rớt nước mắt khi nhìn các cụ  đã có cùng một trí tương tượng của tôi trong ký ức xa xôi và sâu lắng. Tôi có cảm nghĩ các cụ đã sống dậy thời tuổi trẻ vì các cụ đã hân hoan gật đầu vỗ tay tưởng thưởng tiếp nhận một cách thiết tha và lý thú.  Chưa một buổi trình diễn nào mà tôi thấy sống động và hứng khởi như màng trình diễn “Nhập vai”  gợi lại “Người xưa cảnh cũ ở Sài Gòn năm xưa”.  Vài phút vài giây là có nhân viên bưng nước giải khát đến cho các cụ thấm giọng. Tôi rất cảm động nhìn một cụ bà tay lật bật  dựa trên thành ghế rất khó khăn, mắt kèm nhèm không thấy đường, miệng nhễu nhão có người đến chậm nước rãi. Đó là các cô gái thùy mỵ đoan trang, quần áo lịch sự. Chiếc xe đẩy chất đầy apple, grape, water mellow, nước lọc cho các cụ ông cụ bà nhăm nhi xem văn nghệ. Phải nói đây là thiên đàng của kiếp người già. Hiện tại ở trần gian có nơi nào mang đến sự hạnh phúc và hoan hỷ cho các bậc ông bà cha mẹ ta hơn nơi đây? Tại nhà chưa chắc gì ta đã giúp người thân tuổi hạc được những điều toại ý như thế! Ta thường nói cha mẹ vui là con cháu vui. Nơi đây là điều kiện ắt có và đủ cho ông bà cha mẹ của ta hưởng hạnh phúc!

     Đến lượt ban cổ nhạc “Tiếng Vọng Quê Hương” trình diễn.

     Các hoạt cảnh, từng bài ca tài tử các cụ hưởng ứng rất nồng nhiệt. Các cụ vỗ tay rầm rập theo nhịp điệu của cung đàn. Một không khí vô cùng hào hứng và xúc tác làm sống động tinh thần thích thú yêu đời của các bậc trưởng lão!

Một vài người bên ngoài là thân nhân của các cụ cho biết một vài trường hợp rất bi đát tôi đã nghe kể chuyện như sau:
“Tôi có 6 người con. Chúng sanh nạnh hay tranh chấp thế nào không biết mà chúng đành đoạn “Bỏ” tôi vào đây rồi biệt ly đi đâu mất không đứa nào tới thăm mấy tháng nay. Nhớ con mà con lại không nhớ mình. Tôi thật vô phước!”
Một chuyện đáng thương như sau:
“Con tôi từ khi đưa tôi vô đây không ngày nào các đứa con không thay phiên vào đây thăm tôi. Chúng nó thưa với tôi rằng:
-Chúng con bất đắc dĩ mới đưa má vô đây vì cuộc sống hàng ngày vợ chồng con đầu tắt mặt tối không lo cho má được như ý xin má đừng trách con!
Tôi rơi lệ:
-Má rất hiểu hoàn cảnh con! Má không trách vợ chồng con đâu. Con an tâm ở đây người ta lo cha má rất chu đáo.
-Con biết là nhân viên ở đây rất tốt nhưng dù sao má ở nhà với các con má vẫn sung sướng hơn! Bên con bên cháu má dài tuổi thọ hơn!”
Tôi chỉ biết khóc mà thôi không còn lời lẽ gì với con tôi nữa!
Tôi hỏi:
-Thưa bà, bà có thể nói cho con hiểu tại vì sao không?
“Bà quẹt nước mắt:
-Tại tôi hiểu con tôi!”
Qua hai câu chuyện kể sự tình rất trái ngược nhau. Một là vô tâm, vô tri thức. Cứ nghĩ đơn giản rằng đưa cha mẹ vô nhà dưỡng lảo thì có người chăm lo đầy đủ. Chánh phủ lo! Đám người nầy là nhóm người “Muốn rảnh tay thoát nợ”. Họ nghĩ là mọi việc đã có nhà nước lo nên họ buông xuôi! Thiết nghĩ những người này nên miễn bàn vì họ vô tâm vô hình chung nhận mình là đứa con bất hiếu, vị thân vị kỷ, xem thường thị phi. Đời sống cá nhân bất nhân bất nghĩa chúng ta có kêu gọi cũng vô ích. Phàm nhân lòng hiếu phát xuất từ lương tri và của chính họ ý thức mà thôi! Câu chuyện hai cho thấy sự hiếu thảo của con người còn tùy thuộc vào hoàn cảnh xã hội. Muốn, không được mà không muốn cũng không được.  Thương cha thương mẹ nhưng phải sáng suốt làm thế nào cho cha mẹ vui là được rồi. Làm thế nào cho cha mẹ được vui? Rất dễ thực hiện thôi, dù ở nơi nào, chúng ta là con cũng phải đến thăm viếng cha mẹ ông bà thường xuyên; đó là lòng hiếu để của con đối với đấng sanh thành.  Ta phải hiểu rằng cha mẹ luôn muốn đến gần con cái nhất là tuổi già họ là người cô đơn thì chúng ta, bất cứ là ai, đặt mình trong chính họ hiểu họ thì đừng để họ cô đơn!

Cha mẹ cũng phải hiểu con, thông cảm với con. Mình tự biết mình phải làm gì để giúp con cái. Tự xét đoán công việc để thích nghi với hoàn cảnh thực tại.
Qua sự thăm viếng các cụ ông cụ bà ở nhà Dưỡng lão tôi nhớ bà ngoại lúc sanh thời có lời nhận xét xã hội cùng đám con cháu “Các con ơi! Lúc tuổi già gần đất xa trời mà được sung sướng đó là gì các con nghĩ và nói cho bà nghe?” Bà nhấn mạnh “ Đó là tinh thần được thảnh thơi, đời sống vật chất không khó khăn; chẳng phải lượm từ lon sữa bò đi bán là điều hạnh phúc của người sắp xuống lòng đất đó các con!”
Tôi tự hỏi “Lời nói của ngoại có trùng hợp hay ngẫu nhiên với Nursing Home, khu nhà của thân phận người già kéo dài thời gian cô đơn ở đây hay không?

Sau khi làm xong văn nghệ tôi cho là tròn một nghĩa vụ cần thiết và cao quý, tôi cảm thấy sung sướng và rất mong được phục vụ những lần khác tại các nơi dưỡng lão để phục vụ, an ủi, giúp vui bà con cô bác. Tôi hứa với bà con, các đoàn Văn nghệ bất vụ lợi có chương trình giúp vui cho Nursing Home:
-Bất cứ ở nơi nào tôi cũng sẽ về và nhận lời đến ngay! Đó là điều hạnh phúc của tôi trong thế giới hôm nay!
*
Trần Đông Thành 408-518-2897

 *
Mời xem và nghe CHS/THĐ4 Trần Đông Thành (trong vai ông ăn mày) qua video clip ca vọng cổ trên YouTube : “Mưa lạnh thảo cầm viên”
 *
https://youtu.be/zWi-W7AwsHo