Vài suy nghĩ vụn vặt – Từ hành hương tới tĩnh tâm

GS Lê-tấn-Lộc

 

….một thách thức mạnh mẽ đòi chúng ta phải bớt phán xét đi, hãy để lúa và cỏ lùng tự phân loại theo thời gian, để ánh sáng phán quyết bóng tối, để sự thật phán xét sai lầm, và như giáo hoàng Phanxicô, chúng ta hãy bớt vội vàng phán xét nhân danh Thiên Chúa, và hãy biết nói rằng:
“Tôi là ai mà phán xét?”

Những giòng chữ trên đây của Rev. Ron Rolheiser, OMI đã đánh động tâm hồn tôi, thường xuyên ngự trị trong đầu óc tôi suốt chuyến bay ngày 5 tháng 8/2015 từ Paris đưa tôi về lại Montréal, sau chuyến hành hương Lourdes, ngày 1 và 2 tháng 7/2015.

tl

Và bám riết tâm trí tôi sau 3 ngày tĩnh tâm, 21, 22 và 23 tháng 8 năm 2015, do Huynh Đệ Đoàn ISAVE (dòng Phan Sinh Tại Thế, Montréal) tổ chức trong khuông viên tu viện Dòng Tên (Villa Maria).

tl2

Coi như đoạn văn kể trên đã gây hứng khởi cho tôi kể chuyện hành hương và lần tĩnh tâm vừa qua…

tl3

*Hành hương Lourdes

Trước khi rời Montréal đi dự Hội Ngộ Paris 2015, tôi đã nhận dược bí tích hòa giải, cho nội tâm được an bình trước sự xuyên tạc trắng trợn nhằm lăng nhục nặng nề, ngoài sức tưởng tượng, tuôn xối xả không ngưng nghỉ vào tôi ròng rã 6 tháng dài, từ một nhóm nhỏ nhoi đồng môn Viện Đại Học Đà Lạt (các khóa đàn em, thường dùng danh xưng “Thụ Nhân”) lộng ngôn, lộng hành, vì lòng ganh tức nhỏ nhen, tị hiềm vô ý thức, vô trách nhiệm. Trong số nầy có 2 Kitô hữu: một nguyên là cựu nam chủng sinh được Dòng Chúa Cứu Thế rèn luyện hơn chục năm -nhưng “nhảy rào” ngang xương- một là nữ tín đồ được mô tả như “cực kỳ ngoan đạo”!

Tưởng thế đã được yên lòng xúc tiến việc Hội Ngộ. Nhưng nhóm “Thù Nhân”nầy lại tiếp tục giở trò vu khống, mạ lị, kinh khủng đến độ dùng photolap biến thể chân dung tôi và các anh chị em cộng tác với tôi để nhục mạ thậm tệ chúng tôi.
Trước tình cảnh bị “khủng bố”, bị “sách nhiễu” liên tục, bị bôi nhọ hết sức hạ cấp như vậy, các cộng sự viên của tôi nhất định phải làm cho ra lẽ với nhóm “lệch lạc tâm tính” nầy.

Tôi phải hành sử sao đây? Dĩ nhiên, tôi không thể nào quên “nhỏ bé thôi” tôi là một PSTT đã nhập tâm Kinh Hòa Bình của Thánh Phụ Phanxicô nghèo khó: đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…

Vẫn biết -như anh Mai Xuân Lâm, cựu Trưởng Phục Vụ đã qua đời thường nhắn nhủ ACE- “một câu nhịn chín câu lành” để bảo tồn bầu khí hòa thuận, “hòa bình” trong tình tứ hải giai huynh đệ, nhưng…còn một điều cũng chẳng kém phần quan trọng chút nào cả: đem chân lý vào chốn lỗi lầm!

Sự giằng co giữa hai vế trong Kinh Hòa Bình (an hòa và chân lý) khiến tôi hết sức khổ tâm. Và biết bao lần tôi đã bùi ngùi tâm sự cùng Đấng Tối Cao: “Chúa ơi! Lòng con đau đớn vô cùng, quặn đau như trăm ngàn mũi kim đâm thẳng vào tim!”.

Bỗng nhiên tôi sực nhớ một đoạn trong Phúc Âm kể lúc Chúa chịu nạn trên thập giá: Xin Cha tha tội cho chúng vì chúng không biết chuyện chúng làm…
Sự giằng co nội tâm dai dẳng dần dà lắng động, tan biến… Tôi nhận ra và tin rằng còn một công lý trên tất cả công lý của thế gian -Công lý của Đấng Toàn Năng: Vâng … Hãy để lúa và cỏ lùng tự phân loại theo thời gian, để ánh sáng phán quyết bóng tối, để sự thật phán xét sai lầm…!

Tôi lại nhớ Lời Chúa: đường lối của các ngươi không là đường lối của Ta. Quả thật, “Đường lối Chúa khôn dò khôn thấu”! Tôi đang được Đấng Tình Yêu gửi tới một thử thách…Thử thách sự thông suốt hay không thông suốt linh đạo Phan Sinh mà nhỏ-bé-thôi tôi đã tập tành tu đức ròng rã 10 năm qua. Đức Ái vẫn mãi mãi là đức cao trọng nhất của người Kitô hữu!

Tôi ra sức thuyết phục anh chị em cộng tác với tôi kiên nhẫn bình tĩnh, không phản ứng. Chẳng phải dễ dàng đâu, nhưng tôi vẫn kiên tâm thuyết phục…Hy vọng “đem thứ tha vào nơi lăng nhục” sau cùng sẽ thắng thế trên lòng tự ái vì danh dự bị xúc phạm trầm trọng.

Nghĩ lại, vì tình bạn mà tôi đã trở lại “giòng đời”, tạm thời ngưng sinh hoạt với “dòng tu”, vô hình trung được cơ hội kiên định rằng:

-“Bộ áo không làm nhà tu” (L’habit ne fait pas le moine). Sừng sõ nhất trong nhóm người lăng nhục anh chị em đồng môn của mình là nam cựu chủng sinh, hơn chục năm chịu sự huấn đức của Dòng Chúa Cứu Thế và nữ tín đồ được “mô tả” như cực kỳ ngoan đạo kể trên.

Từng tuổi nầy rồi, tưởng mình đã được miễn nhiễm chuyện hấp tấp để cái hào nhoáng bề ngoài ảnh hưởng đến việc đặt lòng tin cậy. Thấy “ngài” cựu chủng sinh” vi vút nổ lốp bốp tiếng la tinh, nbt tôi nghĩ rằng “ngài”nầy -dầu hèn cũng thể- đáng nể phục lắm!
Nhìn video “đấng” nữ tín đồ “cực kỳ ngoan đạo” ngồi trước dương cầm đánh đàn trông có vẻ “thanh thoát” lắm. Ấy thế mà… Nào ngờ nbt tôi vẫn “bé cái nhầm”, dù cổ nhân thường khuyên nên đề cao cảnh giác đối với hạng Pharisêu hay Tartuff “siêu” kịch sĩ nầy : “Bộ gió học trò, (nhưng coi chừng) bộ giò ăn cướp (đấy)” !
Vẫn hay Bề ngoài thường gây nhầm lẫn (Les apparences sont souvent trompeuses).

-“Bằng cấp không làm nên con người” (Les diplômes ne font pas l’homme): Chao ôi! “Ngài” cựu chủng sinh “tốt nghiệp ngang xương” (sortie latérale) “nhảy rào” như kiểu “tu xuất” kia và “đấng” nữ tín đồ nọ đều là những người “có ăn học”; và đều hành nghề cao quí gõ đầu trẻ. Nghe đâu cũng là những “bậc” thông thuộc Thánh Kinh!

Nhỏ-bé-thôi tôi lại chạnh nhớ tới lời nhắc nhở của Cha Trợ Úy Dòng Aimé Đỗ Văn Thông: mọi dòng viên PSTT -nói riêng- mọi Kitô hữu -nói chung- đều có trách nhiệm truyền giáo. Đây cũng là lời khuyến nhủ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Phải biết và dám bước ra ngoài Giáo Hội…

Cách truyền giáo hữu hiệu nhất vẫn là người Kitô hữu thể hiện nếp sống như một biểu lộ cụ thể “đem Phúc Âm vào đời sống hằng ngày” với người chung quanh, nhất là đối với những người không cùng tín ngưỡng với mình.
Câu chuyện một nữ Kitô hữu -mà lối sống hoàn toàn không chút “hiển lộ” những gì bà đã được huấn đức theo Phúc Âm- muốn thuyết phục người hàng xóm theo đạo của mình, bằng cách cứ đôi ba ngày lại mang đặt trước cửa ông nầy một quyển Thánh Kinh…
Kết quả các quyển Thánh Kinh bị chất đống trong thùng rác của ông nầy.
Bà Ki-tô hữu tức tối, cật vấn ông hàng xóm cho ra lẽ.
-Tôi cần gì đọc Thánh Kinh mà bà nhất quyết bền chí tặng tôi, ông hàng xóm trả lời. Nhìn lối sống của bà, tôi biết ngay Thánh Kinh mà bà muốn trao cho tôi đọc chứa những gì trong ấy rồi!

Câu chuyện trên đây nầy khiến tôi liên tưởng tới cung cách hành sử đối với anh em mình của “ngài” cựu chủng sinh “nhảy rào” -hơn chục năm được rèn luyện trong tu viện Dòng Chúa Cứu Thế- và “đấng” nữ tín đồ được “mô tả” là cực kỳ ngoan đạo…Nhỏ-bé-thôi tôi chỉ còn biết ngao ngán thở dài!

Mà thôi! “Tôi là ai mà phán xét?”

Trong trạng thái tâm linh như người vừa qua cơn bệnh nguy khổn, có thể phương hại tới niềm tin, tôi “dìu đỡ” người bạn đồng hành suốt đời với tôi lên đường hành hương Lộ Đức.

tl4

Nhìn ảnh “nàng” phải chống gậy, ACE chắc hẳn thấy trước những cam go suốt chặng đường hành hương, tưởng chừng rất khó thể thực hiện, nếu không muốn nói là…vô phương đối với đôi bạn già yếu trong buổi hoàng hôn của cuộc đời…
Đây là lần đầu chúng tôi đến Lourdes (dù quá nhiều năm và rất nhiều lần đến Pháp, chúng tôi vẫn chưa được cơ hội thuận tiện đến linh địa thiêng liêng nầy).

May mắn thay! Chúng tôi được vợ chồng bạn đồng môn -Phật tử thuần thành, tương đối còn khỏe mạnh hơn chúng tôi- cám cảnh đôi chim nhạn lạc bầy, đơn lẻ -kẻ sụp cánh, người sụm chân- tự nguyện tháp tùng hành hương, tận tụy phụ giúp chúng tôi khuân vác hành trang và “gồng gánh” nâng đỡ con nhạn khập khểnh trên gậy chống lên xuống những cầu thang cao ngút ngàn ở các trạm métro hay ga xe lửa.
Tạ ơn Chúa đã thương sót gửi hai “quới nhơn” nầy “phò hộ” cho chúng con…trên đường đến được với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa!

Bốn người chúng tôi đã chung sống hòa hợp với nhau như như anh em ruột thịt cùng một gia đình, thực sự cùng chia sẻ hết mọi thứ với nhau. Tuy không cùng tín ngưỡng chúng tôi đã “sống chung hòa bình” trọn vẹn.

Nhân lúc đôi bạn Phật tử của chúng tôi đi thêm lần nữa chặng đường Thánh Giá, tôi thì thầm với người bạn đời:
-“May mà có…(đôi bạn nầy) đời còn dễ thương” . Quả thật chí lý: Phải biết và dám bước ra ngoài Giáo Hội…sau vố đau thương tổn đến với mình từ vài Kitô hữu không chút Tình Người.

Tham dự rước kiệu Đức Mẹ, tôi có dịp yêu đời trở lại, bớt bi quan hơn về thế thái nhân tình: Chung quanh tôi hàng nghìn thiện nguyện viên đến từ khắp nơi trên địa cầu, đủ mọi tín ngưỡng…Tất cả đều sẵn sàng sốt sắng giúp đỡ bất cứ ai cần giúp đỡ. Không khí huynh đệ, thân thiện hầu như bao trùm cả thành phố Lourdes!

Khi vô ý bị thương nặng nơi cánh tay phải lúc vào tắm nước thánh, tôi không nhớ nổi bao nhiêu bàn tay đã chăm sóc cho tôi được cứu thương. Cũng như không đếm nổi bao nhiêu người anh em đi hành hương đã lo lắng trấn an người bạn đời của tôi đã không thấy dấu vết tôi đâu hết khi “nàng” rời nơi tắm nước thánh…


Nhân đọc một bài viết sắp được đưa lên NSGĐPS mà tác giả vừa kêu xin vừa tâm sự vừa nguyện cầu: “Chỉ cần một Trái Tim chảy đầy máu vì lưỡi đồng của Chúa Giêsu là có thể ngăn tất cả những đau thương mà con người đang vùi dập lẫn nhau.
Chúa ơi! Người biết chăng: Nhân loại chúng con rất đang cần đến Trái Tim Thương Xót của Người!”…
tl5
…nbt tôi cũng ước vọng khắp nơi trên trái đất sẽ chan chứa tình người như nơi linh địa Lộ Đức nầy.
Đó cũng là lời cầu nguyện thiết tha của nbt tôi khi quì dưới chân Đức Mẹ Lộ Đức…
tl6
Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin lấy tình mẫu tử mà che chở, gìn giữ hồn xác con trong tình thương của Mẹ. Xin cho con được nép mình trong vòng tay từ ái của Mẹ. Xin cho Đức Ái luôn ngự trị trong tâm hồn con, để con luôn tìm được an bình giữa anh chị em của con.
Amen

**Tĩnh tâm cùng Huynh Đệ Đoàn ISAVE Montréal

“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai,
người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en,
nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở cùng-chúng-ta’.”
(Mt 1,23)

tl7

Nbt tôi đến tham dự tĩnh tâm trong tâm trạng hoán cãi theo linh đạo phan sinh, như đứa con hoang đàng tìm về Nhà Cha: Tôi trở lại dòng tu, tạm gác những va chạm vô bổ của giòng đời quá phức tạp, gian truân, đã suýt làm tôi lạc lối về với ACE/PSTT thân ái.

tl8

Đây không phải là lần đầu tôi tạm ngưng sinh hoạt với ACE mà mỗi lần như vậy tối thiểu cũng phải 2 tháng, đa phần do công việc (truyền lại kiến thức đã nhận được trước đó từ các bậc tiền bối) trong “giòng đời” bên trời Âu.
Nhưng lần nầy, trở lại sinh hoạt với Dòng, hình như có gì rất đặc biệt hơn những lần trước:
Thay vì như dự đoán sẽ phải đối diện với những ánh mắt mất thiện cảm hay những gương mặt thờ ơ lạnh như tiền dành cho một lãng tử đã xao lãng việc tu đức, trái lại những vòng tay dang rộng, choàng ôm ghì siết, những tay nắm không muốn bức rời, những ánh mắt dịu hiền hài hòa với những nụ cười rạng rỡ cho nbt tôi nhận ra mình vẫn còn được Huynh Đệ Đoàn PSTT ưu ái đón nhận với câu chào giúp nhận ra nhau: Bình An và Vui Mừng!
Tôi có bị ảo giác vì quá chủ quan, vì “lạc quan quá trớn” chăng: Tôi có cảm nghĩ hình như ACE tôi thấu đáo những bầm vập tôi đã “kinh qua” trong công việc ở Paris lần 2015 nầy. Nên ACE thấy cần xoa dịu các thương tổn (mà tôi đã phải gánh chịu từ một vài Kitô hữu) bằng những vồn vã ân cần như để ủi an, bù đắp…Đức Ái vẫn còn ngự trị trong lòng ACE chúng tôi!

tl9

Qua phần huấn đức rất linh động của Cha Giảng Phòng Giuse Đỗ Quang Khang, tôi nhận ra những “bầm vập” mà tôi nghĩ sẽ ảnh hưởng đến Đức Tin, thật ra chỉ là những cơn gió thoảng, những lượn sóng nhấp nhô nhất thời làm rung rinh, chao đảo niềm tin, chứ không lung lạc được Đức Tin của tôi nơi Đức Chúa Giêsu -Đấng Toàn Năng- mà sau rốt tôi xin phó thác hết mọi sự.

tl10

Cũng qua phần huấn đức tuy vui tươi nhưng rất thâm sâu của Cha Giảng Phòng, tôi càng thêm cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, bởi vì “một lời nói là một đọi máu”! Một phán đoán vội vã có thể tác dụng như “giết người không dao”! Một phán xét hấp tấp có thể hủy diệt danh giá, nhân cách của nạn nhân bị hồ đồ phán xét: “Là giết đời nhau đấy, biết không”!
Ngay cả đối với anh chị em lầm lỗi, tôi nghĩ mình cũng cần thận trọng trong lời nói bởi vì, như Đức Giáo Hoàng Piô X đã viết:
“Khi những sai lầm mà bị khiển trách quá nặng nề và khi những nết xấu mà bị lên án quá hấp tấp, thì thường gây hại hơn là có lợi”.

tl11

Một điều rất quan trọng mà nbt tôi ghi nhận: Ban Phục Vụ huy động được nhiều ACE cộng tác hơn những lần trước, kể cả sự cộng tác của một cựu thành viên trong BPV cũ, chuyên trách dẫn kinh và bắt giọng Thánh Ca. Nbt rất đỗi vui mừng và xin… “Hoan hô BPV!”.

tl12

Tĩnh tâm mang lại cho tôi niềm phấn chấn trong an bình. Lâu rồi tôi không có dịp lặp lại phương châm hành động theo triết gia Emmanuel Kant:
“Hai điều tràn ngập tâm hồn tôi một niềm vui sâu đậm: Bầu trời đầy sao trên tôi và luật đạo đức nơi tôi”.

Cũng khá lâu rồi tôi không quì trước bàn thờ Chúa đọc kinh tối và cầu nguyện. Trông cậy vào lòng thương sót của Chúa, xin Chúa xóa tội cho con chiên bất xứng với Tình Yêu bao la của Chúa. Amen


Như người bịnh vừa được chữa lành, tôi bồi hồi mở tờ Nội San Gia Đình Phan Sinh cũ, đọc và suy gẫm những gì tôi đã viết ra cách đây 3 năm, vào dịp Giáng Sinh 2012, mà sao giờ đây tôi vẫn thấy phản ảnh đúng tâm trạng của tôi sau lần tĩnh tâm 2015 nầy:

“Đôi khi mãi hăng say tranh luận hay bình phẩm người chung quanh, tôi lãng quên thực chất quá bé nhỏ của mình…
Đêm nay, trong “căn nhà ngoại ô” Thôn trang Rêu Phong, giờ đây hoàn toàn tĩnh mịch, thanh vắng -nơi một thuở ACE tôi yêu thương quay quần bên nhau sau Thánh Lễ Đầu Năm, tặng nhau nụ cười như tặng nhau bông hồng- tôi lặng lẽ quì trước bàn thờ dâng lời cảm tạ Chúa đã thương xót gìn giữ tôi 77 năm qua, để rồi xúc động ngút ngàn “tâm tình” với Người:
Trong trái tim Chúa yêu muôn đời
con xin được một chỗ nghỉ ngơi
nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi
như nước mưa tan trong biển khơi…
nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi
trái tim con trong trái tim Người
nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi
là tình con trong khối tìnhNgười
Tình Người…
Tình Người…
TÌNH NGƯỜI !!!

Thôn trang Rêu Phong, chớm thu 2015
-nhỏ bé thôi lê tấn lộc-