Bằng cấp Thạc Sĩ

 

Huỳnh Văn Thế

 

Lời nói đầu

Năm 2015, đọc một bài đăng trên Internet tôi thấy viết nước CHXHCN-VN đà đào tạo được 110 ngàn thạc sĩ và 27 ngàn tiến sĩ. Tác giả bài có nêu câu hỏi, ‘các vị thạc sĩ và tiến sĩ ấy đang làm gì ở đâu’. Hơi ngạc nhiên vì nhiều quá, nhưng tôi đọc qua rồi làm ngơ không thắc mắc tìm biết tính chính xác của các con số vì không phải chuyện của mình. Thấy có vị thắc mắc về học vị Thạc sĩ của các giáo sư trước 1975 thời Việt Nam Cộng Hòa và bằng Thạc sĩ do các trường đại học Việt Nam thời nay cấp phát, cũng như cách nay khá lâu, tại Houston có một bác sĩ Y khoa đăng quảng cáo ‘đậu thạc sĩ Y khoa ở Mỹ’ nên bị báo tiếng Việt ở địa phương chọc quê vì ở Mỹ không có thi thạc sĩ…. Thấy có hiểu lầm nên tôi viết bài nầy để bổ túc cho rỏ hơn.

Theo tôi biết, tại các xứ Anh, Mỹ, Pháp, Đức, chỉ có Pháp và những xứ từng có liên hệ lịch sử với Pháp như Việt Nam là có những nhà khoa bảng có học vị Thạc sĩ (Ts). VNCH có các Giáo sư thạc sĩ thi ở Pháp như Gs ts Vũ Quốc Thúc (Kinh Tế), Gs ts Vũ Văn Mẫu (Luật), Gs ts Phạm Văn Út (Y Khoa),..; Ts Hồ Hừu Tường (Triết), Ts Phạm Duy Khiêm (Ngôn ngữ), Gs ts Le Menn (dạy trường trung học J.J. Rousseau ở Saigon),… CHXHCN-VN có nhiều quá, kể không hết, thật sự tôi cũng không quen biết vị nào cả.

Học vị Thạc sĩ Pháp (cái gốc của thạc sĩ Việt Nam)

Như đã nói ở trên, chỉ ở Pháp là có thi thạc sĩ (Agrégation). Còn với hệ thống giáo dục miền Nam thời VNCH, bằng tiến sĩ là cấp cao nhứt, không có thi Thạc sĩ nhưng có những giáo sư thạc sĩ, thi thạc sĩ ở Pháp và về dạy các trường đại học Việt Nam

Với hệ thống giáo dục VN xhcn, bằng tiến sĩ cũng là cấp cao nhứt, nhưng có thi thạc sĩ và bằng cấp thạc sĩ. Do đó, sự lầm lẫn do từ ngữ có thể xảy ra

Học vị thạc sĩ ở Pháp

Thạc sĩ: Thạc sĩ nôm na chỉ người có học vấn rộng (thạc = rộng lớn; sĩ = người học hay nghiên cứu). Ngày nay, ở VN “Thạc sĩ” còn được dùng để chỉ cấp bậc học vị .

Thác sĩ: Agrégé: Người thi đổ kỳ thi thạc sĩ (Agrégation), người có học vị thạc si, học vị cao nhứt trong ngành giáo dục Pháp (the holder of the ‘agrégation’, the highest teaching diploma in France). Do đó ở Pháp, học vị Thạc sĩ chỉ có trong ngành giáo dục, đúng hơn trong thành phần giáo chức công lập (Corps enseignant publique).

Dictionnaire Collaboratif Français-Anglais

Professeur agrégé (Pháp): Giáo sư thạc sĩ: vị giáo chức thi đổ kỳ thi thạc sĩ (teacher/ professor who has passed the Agrégation)

Agrégation

Ở Pháp, kỳ thi thạc sĩ là kỳ thi tuyển (concours) giáo chức (không là thi lấy bằng) cho hệ thống giáo dục công lập (trường công): In France, the Agrégation is a civil service competitive examination for some positions in the public education system.

Vì tuyển theo nhu cầu nên thiếu bao nhiêu thì tuyển bấy nhiêu; trên điểm trung bình chưa chắc được tuyển vì có nhiều người có điểm cao hơn; dưới điểm trung bình thì out là cái chắc; nếu out ở phần vấn đáp thì được gọi là Agrégatif (vị giáo sư bảo trợ luận án KTH cho tôi – chưa kịp trình – là một Agrégatif); nếu được tuyển vào (dường như tập sự một năm) để được cấp danh vị Giáo sư thạc sĩ: Professeur agrégé.

Có hai cấp giáo sư thạc sĩ:

. Giáo sư thạc sĩ (trung cấp), xin tạm gọi là professeur agrégé-1, đã đổ kỳ thi thạc sĩ (trung cấp: Agrégation-1, tương đương với Master’s degree Mỹ hay Cao học VN) dạy trung học

. Giáo sư thạc sĩ (cao cấp), xin tạm gọi là professeur agrégé-2, đã đổ kỳ thi thạc sĩ (cao cấp: Agrégation-2; Tiến sĩ < Agrégation-2) dạy đại học.

(Ghi chú: tôi có “bịa” vài từ nhữ về cấp bậc để phân biệt)

  1. Giáo sư thạc sĩ dạy trung học (an Agrégation for secondary education)

Giáo sư thạc sĩ (trung cấp) được tuyển để dạy các trường trung học đệ nhị cấp (lycées), nhưng cũng có thể dạy các lớp Dự Bị đại học (Propédeutique), các lớp chuẩn bị thi vào trường lớn (Preparations pour les Grandes Ecoles như Ponts et Chaussées: Cầu Đường, Ecole Normale Supérieure: Sư Phạm, ENA: Hành Chánh…), làm nghiên cứu. Trên thực tế có choàng lắp tùy theo nhu cầu

Các lycées còn tuyển các giáo chức tốt nghiệp các Ecoles Normales Supếrieures (Các trường Cao Đẳng Sư Phạm) mà bằng tốt nghiệp tương đương với Master’s degree Mỹ hay Cao học VN. Các giáo chức tốt nghiệp các phân khoa/ trường Sư phạm (Faculté de Pédagogie: College of Education) gọi là “Professeurs Certifiés: Certified Teacher” được tuyển dạy các collèges (trường THĐIC), nhưng cũng có choàng lấp lên các lycées theo nhu cầu

Điều kiện dự thi cấp giáo sư thạc sĩ trung học (trung cấp: Agrégation-1) cho các dự tuyển sinh bên ngoài (External Agrégation) thường là ‘bằng cấp 5 – 6 năm đại học’ (Cao hoc: Master) và một vài năm chuẩn bị. Nếu các dự tuyển sinh là giáo chức cơ hữu bên trong (Professeurs certifiés: Certified teachers => Internal Agrégation) thì điều kiện có khác (có lẽ nhẹ hơn)

Tiến trình thi gồm có bài thi viết và vấn đáp

Các lảnh vực có nhu cầu tuyển: Sinh ngữ, Văn chương và Khoa học Nhân văn, Kinh tế, Nghệ thuật, Thể dục, Kỹ thuật và Chuyên nghiệp. Số dự tuyển nhiều hay ít tùy Môn

  1. Giáo sư Thạc sĩ dạy các trường lớn (Grandes Ecoles) và đại học (Universités): An Agrégation for professorships

Một số ngành bậc đại học như Luật, Luật Sử, Chánh tri, Kinh tế, Quản trị, Y khoa… có tuyển giáo sư thạc sĩ (professeur agrégé-2). Điều kiện về văn bằng phải cao hơn, thường là bằng tiến sĩ.  Thí dụ: Gs ts Vũ Quốc Thúc dạy môn Kinh tế Chánh trị tại Đại học Luật khoa Saigon có bằng cấp Tiến sĩ và học vị Thạc sĩ.

Ghi chú: Gs ts (title) đặt trước tên họ cho biết Gs Thúc là giáo sư đại học thực thụ (professeur titulaire: full professor) tức ông là giáo sư đại học có thâm niên trên 10 năm (theo qui chế giáo dục thời VNCH)

Trong quá trình học tập, nghiên cứu, thi cử, bậc học vị thạc sĩ vào giai đoạn nào?

Tôi xin trinh bày cái khung tổng quát về bậc giáo dục đại học tại Pháp, VNCH và CHXHCN-VN có liên quan đến học vị thạc sĩ (cấp bậc học vị căn cứ trên số năm hoc trung bình, không bàn về khả năng)

Các chương trình giáo dục và đào tào bậc đại học có thể có thời gian học dài ngắn khác nhau tùy ngành học, tùy quy định của từng trường về số chứng chỉ hay tín chỉ; trung bình là 8 năm nhưng thường là hơn. Giáo dục và Đào tạo bậc đại học được chia thành 2 cấp: cấp cử nhân (undergraduate), trung bình 4 năm và cấp Tiến sĩ (graduate), trung bình 4 năm hay hơn. Giửa mỗi cấp có những phân cấp. Hậu Đai học (post-graduate) không là một cấp đại học, mà là giai đoạn mà các nhà khoa bảng chuyên vào nghiên cứu,…hay hành nghề

PHÁP

Enseignement Supérieure (Đại học): 8 năm hay hơn = Cấp Cử nhân: trung bình 3 năm, mỗi năm học mốt số chứng chỉ (chỉ học Majors của môn học, Minors đã học xong ở bậc Trung học), văn bằng cuối cấp là Licence và Cấp Tiến sĩ: trung bình 4 năm hay hơn, 2 năm đầu học thi Diplômes d’Études Supérieures/ Maitrise (tương đương với Master’s degree Mỹ hay Cao học VN. Có thể chuẩn bị dự thi tuyển “An Agrégation for Secondary Education” ở giai đoạn nầy (Agrégation-1 để trở thành Professeur agrégé-1)

Những năm sau của cấp tiến sĩ là nghiên cứu và soan viết luận án Tiến sĩ dưới sự bảo trợ của một giáo sư thực thụ (professeur titulaire), văn bằng cuối cấp: Tiến sĩ (Doctorat). Có thể chuẩn bị dự thi tuyển “An Agrégation for professorships” ở giai đoạn nầy (Agrégation-2 để trở thành Professeur agrégé-2.

Có thể hình dung học vị thạc sĩ của Pháp:

. Agregation-1 = Master+

. Agrégation-2 = Doctorat+

Giáo dục đại học Pháp cấp hai loại tiến sĩ: docteur d’état (tiến sĩ quốc gia) và docteur de 3e cycle (tiến sĩ đệ Tam cấp mà tôi không biết học thi như thế nào).

VIỆT NAM CỘNG HÒA:

Hệ thống giáo dục VNCH không khác nhiều hệ thống giáo dục Pháp vì có liên hệ do lịch sử

Bậc Đại học, trung bình 8 năm hay hơn = Cấp Cử nhân (Undergraduate): trung bình 4 năm, văn bằng Cử nhân cuối cấp (như License Pháp, Bachelor’s degree Mỹ) và Cấp Tiến sĩ (Graduate), 4 năm hay hơn (tùy ngành học), văn bằng Tiến sĩ cuối cấp (như Ph.D Mỹ, Doctorat Pháp). Văn bằng Tiến sĩ là bằng cao nhứt thi tại Việt Nam thời VNCH.  Hậu Đại học (post-graduate): nghiên cứu…, nhứt là hành nghề.

VNCH không có thi tuyển giáo sư thạc sĩ cao cấp ở giai đoạn nầy nhưng có giáo sư thạc sĩ dạy tại các đại học (như đã nói bên trên, các vị nầy thi ở Pháp)

Cấp Cử nhân thời VNCH có phân cấp:

Phân cấp Cao Đẳng (CĐSP): 2 năm, giửa Tú Tài và 4 năm Cử nhân nhưng bải bỏ khoảng năm 1958. Từ 1970 Đại học Cộng đồng được thành lập: chương trình học trung bình là 2 năm (bằng tốt nghiệp như Associate’s degree – AA và AS – ở Mỹ)

Cao học (như Diplômes d’Études Supérieures/ Maitrise Pháp hay Master’s degree Mỹ), trung bình 2 năm: học chuyên sâu + nghiên cứu và luận văn. Các chứng chỉ Cao học không là bằng cấp mà là giấy chứng nhận đã hoàn tất tốt chương trình học trước khi tiếp tục nghiên cứu, soạn thảo và trình Luận án Tiến sĩ (Thèse de Doctorat Pháp hay Doctoral Dissertation Mỹ). VNCH không có thi tuyển giáo sư thạc sĩ trung  cấp ở giai đoạn nầy nhưng có giáo sư thạc sĩ trung cấp dạy tại Lycée J.J Rousseau trước năm 1975 (Ông Le Menn)

Chương trình học hai ngành Dược khoa và Nha khoa là 5 – 6 năm, sinh viên tốt nghiệp là Dược sĩ và Nha sĩ, bằng tốt nghiệp là Cao học Chuyên nghiêp (MPS : Master of Professional Studies). Chương trình thạc sĩ chuyên nghiệp hướng đến việc phát triển các kiến thức ứng dụng. Chương trình tiến sĩ Dược khoa và bác sĩ Nha khoa (Răng Hàm Mặt) được bắt dầu năm 1973 rồi tắt hẳn.

CHXHCN-VN (tôi không biết rỏ vì rời Việt Nam gần 30 năm, nên tôi viết đơn giản, và sai lầm khó tránh)

Hệ thống Giáo dục và Đào tạo xhcn bậc đại học có

. Cấp Cao đẳng: 2 năm

. Bậc Đại Học = Cấp Cử nhân: 4 – 5 năm (tùy ngành) + cấp Thạc sĩ: 1 – 2 năm + Cấp Tiến sĩ: số năm học dài hay ngắn tùy ngành, trường.

Tóm lược:

PHÁP:

Ngành: giáo dục; thi tuyển giáo chức;

Điều kiện dự thi:

  • dạy Trung học: 5 năm đai học + 1 – 2 năm chuẩn bị
  • dạy Đại học: thường là tiến sĩ + 1 – 2 năm chuẩn bị

VNCH:

Ngành: giáo dục: không tổ chức thi, nhưng có giáo sư tiến sĩ (cao cấp), thi ở Pháp về dạy các trường đai học; thí dụ: Gs ts Nguyễn Cao Hách (Tiến sĩ và Thạc sĩ Kinh tế) dạy tại đại học Luật khoa Saigon, Gs ts Nguyễn Ngọc Huy (Bác sĩ và thạc sĩ) dạy tại đại học Y khoa Saigon… Tổng số: chừng 15 vị (Pháp có nhận thí sinh người nước ngoài dự thi à titre étranger).

Không có giáo sư thạc sĩ (trung cấp) người Việt tại các trường Việt Nam; tuy nhiên ông Hồ Hữu Tường có học vị thạc sĩ Triết (trung cấp), một thời là Đân biểu Quốc hội; ông Phạm Duy Khiêm có học vị thạc sĩ Ngôn ngữ học (trung cấp; lưu trú ở Pháp)…Ông Le Menn là giáo sư thạc sĩ (trung cấp) do chánh phủ Pháp gởi sang dạy trường J.J. Rousseau trong chương trình trao đổi Văn hóa (Mission Culturelle)

CHXHCN-VN:

Ngành: mọi ngành vì là bằng cấp học vi, tính theo số năm học (cử nhân: 4 – 5 năm + thạc sĩ: 1 – 2 => 5 – 6 năm (số năm học tương đương với Master’s degree Mỹ)

MBA Mỹ (Master in Business Administration): 5 – 6 năm đại học. Việt Nam xhcn gọi là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. CPA Mỹ (Certified Public Accountant): Việt Nam xhcn gọi là Thạc sĩ Kế toán, Quản lý công (CPA là tước vị, không là bằng cấp)

Nhìn chung, cấp bậc Thạc sĩ trong hệ thống Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam thời xhcn tổ chức theo mẫu thi tuyển giáo sư thạc sĩ trung học của Pháp (Agrégation-1), dùng cả tên học vị. Điểm có thể gây lầm lẫn là học vị Thạc sĩ Pháp có 2 cấp: trung cấp và cao cấp chỉ có trong ngành giáo dục trong khi Thạc sĩ trong hệ thống giáo dục đại học VN thời xhcn chỉ cấp bậc học (tương đương về số năm học với Master’s degree Mỹ, học vị Cao học VNCH, giáo sư thạc sĩ trung học Pháp)

Chuyện vui: Không biết bằng Thạc sĩ của VN thời xhcn được lập từ năm nào, nhưng tôi đọc thấy vào năm 2008, Bộ GD và ĐT xhcn ký ban hành Quyết định về học và thi thạc sĩ, rồi 2 năm sau tức năm 2010 lại thêm 2 Quyết định sửa đổi về học và thi thạc sĩ, đúng là các chuyên gia giáo dục sờ mu rùa. Thế mà đã đào tạo được 110 ngàn thác sĩ (con số tôi đọc năm 2015). Vượt chỉ tiêu, đạt thành tích.

Huỳnh văn Thế

 

Ps: Tại sao Pháp tổ chức thi tuyển giáo sư thạc sĩ? Không thấy tài liệu nào giải thích, tôi suy đoán căn cứ vào các môn mà các thi sinh dự tuyển phải chuẩn bị.

Hệ thống giáo dục gồm 3 bậc:

Tiểu học: học đọc, học viết, học tính toán

Trung học: kiến thức cơ bản + kiến thức phổ thông

Đại học: chuyên ngành/ nghề; chương trình học tổ chức theo hình tháp: từ kiến thức về ngành nghề đến chuyên sâu

. Cử nhân (đáy hình tháp): chuyên ngành/ nghề (specialisé)

. Cao học (thân tháp): nắm vững, chuyên sâu hơn (approfondi)

. Tiến sĩ (đỉnh tháp): nghiên cứu khía cạnh nào đó của ngành/nghề. (recherche)

Ngành/ nghề dạy học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật nên giáo chức cần có kiến thức sâu về môn dạy và và rộng gồm những môn, ngành có liên quan. Có thể đây là một nguyên lý về giáo sư thạc sĩ của Pháp.