CHIẾN TRANH HOA KỲ – TRUNG CỘNG ‘KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI’

CHIẾN TRANH HOA KỲ – TRUNG CỘNG ‘KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI’ TRỪ KHI HOA KỲ TỪ BỎ NHỮNG ĐÒI HỎI TRÊN BIỂN ĐÔNG

· TOÀN NHƯ [dịch từ The Telegraph (UK)]

Lực lượng vũ trang Trung Quốc đang mở rộng những hoạt động và cả không lực của họ lần đầu tiên sẽ trở thành lực lượng vừa tấn công vừa phòng thủ, một sự chuyển đổi lớn về chính sách sẽ làm gia tăng thêm những nỗi lo sợ về một cuộc xung đột bất ngờ có thể xảy ra.

Một tài liệu về chính sách của quốc vụ viện, tức nội các (Trung Cộng), nói rằng Trung Quốc đã phải đương đầu với “một loạt những đe dọa về an ninh phức tạp và nghiêm trọng” để biện minh cho sự thay đổi.

Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân, kể cả hải quân và không quân, sẽ được phép “phóng ra sức mạnh” vượt ra ngoài biên giới trên biển của nó và một cách kiên quyết hơn ở trên không để bảo đảm sự an toàn cho việc chiếm dụng trên biển của họ, như sách bạch thư (sách trắng) đã nói.

Hải quân (TC) sẽ đưa thêm “việc bảo vệ lãnh hải mở rộng” vào nhiệm vụ truyền thống “phòng thủ ngoài khơi” của nó.

Thái độ đầy rủi ro này đang làm gia tăng sự căng thẳng ở những đảo đang tranh chấp ở Biển Đông (1) và những nơi khác trong Thái Bình Dương, nơi mà Hoa Kỳ đã quyết định bảo vệ những lợi ích của đồng minh như Đài Loan và Phi Luật Tân.

Chỉ mới tuần qua, một chiếc máy bay Mỹ bất chấp những lời cảnh cáo được lập đi lập lại từ lực lượng quân sự Trung Quốc đã bay một phi vụ trinh sát trên những hòn đảo (ở Biển Đông).

Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo loại tabloid (lá cải) được điều hành bởi Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã nói rằng Trung Quốc có thể phải “chấp nhận” một cuộc xung đột với Hoa Kỳ.

“Nếu mục đích của Hoa Kỳ là buộc Trung Quốc phải ngừng mọi hoạt động, thì chiến tranh Hoa Kỳ – Trung Quốc sẽ là điều không tránh khỏi ở Biển Đông”, tờ báo đã nói, và cũng thường thấy trên cửa miệng của những người theo chủ trương dân tộc cứng rắn trong chính quyền ở Bắc Kinh.

Truyền thông nhà nước hôm thứ ba đã báo cáo rằng Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng hai ngọn hải đăng trên những bãi đá ngầm ở Quần Đảo Trường Sa, một chuỗi những đảo đá chìm đã được một số các quốc gia, không chỉ có Trung Quốc mà còn cả Việt Nam và Phi Luật Tân, nhìn nhận.

Tháng vừa qua, hình ảnh từ vệ tinh đã cho thấy rằng Trung Quốc hầu như đã hoàn tất một đường phi đạo trên một bãi đá ngầm khác – đảo Chữ Thập (Fiery Cross) – trong khi họ đang chuyển đổi một bãi đá khác, Đá Vành Khăn (Michief Reef), thành một hòn đảo thực thụ qua việc chuyển hóa đất.

Bài báo trong Hoàn Cầu Thời Báo mô tả việc xây dựng những phi đạo, những công sự và những tòa nhà trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp như là “mục đích tối quan trọng” của quốc gia.

Nói chuyện trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Cảnh Nhạn Sinh (Yang Yujun), phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc, đã bác bỏ những chỉ trích của quốc tế về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố rằng những công việc đó cũng chẳng khác gì việc xây dựng những đường xá và nhà cửa ở Hoa lục và điều đó cũng nhằm lợi ích cho “toàn thể cộng đồng thế giới”.

“Từ quan điểm về chủ quyền, tuyệt đối không có gì khác biệt”, ông (Cảnh Nhạn Sinh) nói thêm, “một số quốc gia bên ngoài cũng đang chộn rộn can thiệp vào những công việc ở Biển Đông”.

Các nhà phân tích nói rằng cả Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đều không có vẻ gì giảm bớt hoạt động và điều này có thể dẫn đến một sự rủi ro nghiêm trọng về một tai nạn nhỏ trên vùng trời phía trên những hòn đảo đang được gia tăng (xây dựng) một cách nhanh chóng.

Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên Cứu Á Châu Đương Đại, thuộc Viện Đại Học Temple, Nhật Bản, đã nhận xét rằng, “Tôi nghĩ rằng điều đáng quan tâm là Trung Quốc đã đánh gía sai tình hình”. Ông nói thêm, “chẳng bên nào mong muốn có chiến tranh nếu nó có thể tránh được, nhưng có những lằn ranh đỏ cho cả hai bên. Tôi lo ngại rằng không biết Bắc Kinh có xem Hoa Kỳ là một cường quốc đang đi xuống hay không mà nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ phải rút lui nếu họ bắn hạ được một chiếc máy bay quan sát của Hoa Kỳ”.

Hoa Thịnh Đốn từng chọn lựa “giảm bớt” một sự khủng hoảng lớn đã bùng nổ sau khi một chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm với một máy bay do thám của Hải Quân Hoa Kỳ ngoài khơi đảo Hải Nam trong Tháng Tư năm 2001.

Tuy nhiên Giáo sư Dujarric nói có thể sẽ có một phản ứng khác nếu một sự kiện tương tự xảy ra trong cái mà Hoa Thịnh Đốn đã nhấn mạnh rằng đó là không phận quốc tế trên Biển Đông.

Những sự phát triển mới đây đã khơi dậy những mối quan ngại mới trong khu vực, tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đang kêu gọi các quốc gia khác từng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hãy bỏ qua những sự khác biệt và cùng thực hiện một sự phát triển hỗn hợp những nguồn tài nguyên thiên nhiên.

TOÀN NHƯ

(Dịch từ “US-China war ‘inevitable’ unless Washington drops demands over South China Sea” by Julian Ryall, Tokyo. Nguồn: The Telegraph (UK), 26/5/2015)

(1) Biển Đông (East Sea) theo cách gọi của người Việt để chỉ vùng biển nằm ở phía Đông Việt Nam; trong khi đó, Trung Quốc gọi vùng biển này là Biển Hoa Nam (South China Sea). Trong bài báo này, tác gỉa Julian Ryall dùng chữ South China Sea để chỉ vùng biển này nhưng người viết xin dịch là Biển Đông cho phù hợp với cách gọi của người Việt

Leave a comment