Thăm Thẳm Trời Xanh / Chương 27

 

Quá chán ngán trước cái hợp tác xã lúc nào cũng muốn giữ ngôi vị tiên tiến dẫn đầu cả nước mà không đoái hoài đến sự sống chết của xã viên, tôi lúc nào cũng mong có một cơ hội thuận lợi để thoát ly khỏi nó. Đùng một cái, tôi nhận được thư của ông bà ngoại, đoạn cuối thư viết như sau:

“… Ba mẹ tin cho con biết việc đi Pháp của ba mẹ sắp đến rồi. Hiện ba mẹ đang lo cho xong vài khâu thủ tục cuối cùng, đồng thời thực hiện những nghĩa vụ với nhà nước như hiến nhà hiến của trước khi ra đi. Đáng tiếc, nếu trước đây con đưa các cháu vào ở với ba mẹ để hợp thức hóa hộ khẩu thì giờ đây ngôi nhà này đã thuộc về con. Nhưng nghĩ lại, số mệnh cả, tiếc làm gì! Dù sao ba mẹ cũng dành dụm được một ít để gởi lại cho con. Ước gì con được rảnh rỗi, dắt các cháu về Sài Gòn chơi một thời gian tiện thể đưa tiễn ba mẹ lên đường thì vui biết mấy. Con liệu có đi được không? Nhưng thôi, tình thế này con cũng không nên miễn cưỡng, để ba hoặc mẹ về thăm con cũng được. Chỉ tiếc là thời gian hơi gấp rút nên có lẽ ba mẹ chẳng ở lại với con được  lâu đâu. Thôi, ba mẹ chúc con và các cháu sức khỏe. Con chuyển lời chúc sức khỏe của ba mẹ đến chị sui nhé!   

Ba mẹ của con.”

Đọc xong lá thư tôi vừa tiếc vừa mừng. Nếu không vì lo giữ ngôi nhà hương hỏa của gia đình chồng tôi, giờ đây tôi có thể làm chủ được ngôi nhà của ông bà ngoại. Ở Sài Gòn tôi sẽ có cơ hội làm ăn đỡ khổ hơn ở một hợp tác xã nông nghiệp, nhất là cái hợp tác xã tiên tiến Thiện Trường. Nhưng tôi vẫn rất mừng vì ba mẹ tôi sắp đến cõi tự do, riêng tôi sẽ có một số vốn. Có tiền, tôi có thể rộng đường sắp xếp lại cuộc sống.

Nhưng tôi chưa kịp tính toán có thể đi Sài Gòn một chuyến hay không thì một biến cố lớn lao đã ập đến với gia đình tôi: Bà nội mấy cháu đang khỏe mạnh bỗng đột ngột qua đời!

Khoảng mười giờ sáng hôm ấy, khi đang lúi húi làm việc giữa đồng, tôi bỗng nghe bà Duật nói:

  • Ai đến đó kìa, lại xin lửa hút thuốc chứ gì!

Tôi ngước mắt lên nhìn. Hình như không phải người lớn mà là một thằng bé. Nó đang chạy phăng phăng về phía chúng tôi. Một người nói:

  • Không phải xin lửa đâu. Chắc ai có chuyện gì đấy!

Ồ, sao trông tướng thằng nhỏ giống thằng Tí con tôi quá! Tôi chú ý nhìn kỹ. Quả đúng thằng Tí! Đáng lẽ giờ này nó đang ở trường, sao nó lại đến đây? Chạy chưa tới nơi thằng Tí đã hổn hển hỏi:

  • Có mẹ cháu ở đây không?

Nhất định có chuyện quan trọng rồi. Trong đầu tôi thoáng lên một nỗi mừng: Có thể bà ngoại hay ông ngoại về thăm hoặc chồng tôi về! Tôi đứng dậy hỏi:

  • Mẹ đây! Có chuyện gì vậy con?
  • Bà nội chết rồi mẹ ơi!

  • Trời ơi, sao vậy?

  • Con đâu biết. Buổi sáng con định hỏi xin bà nội tiền nộp mua sách nhưng kêu mãi bà nội không dậy. Con lại gần lắc tay lắc vai một hồi lâu vẫn không thấy bà nội nhúc nhích. Gặp lúc bà Nhiêu đi ngang qua con kêu hỏi mới biết. Bây giờ có nhiều người đang ở nhà mình. Bà Nhiêu bảo con phải đi tìm mẹ về gấp!

Chẳng quan tâm đến những người chung quanh hỏi han, tôi vội vơ lấy đồ đạc của mình rồi tất tả đi về nhà. Tới nhà tôi thấy mấy bà già hàng xóm kẻ đứng người ngồi đang nói chuyện với nhau. Con Hoa thấy tôi liền chạy ào ra, nước mắt ràn rụa:

  • Mẹ ơi, bà nội chết rồi, con sợ quá!

Tôi đẩy nó ra:

  • Con đứng ra một bên để mẹ vào lo công việc.

Tôi chào sơ mấy bà hàng xóm rồi chạy ngay vào giường bà nội. Cả bốn bà cũng đứng dậy đi theo tôi. Bà Nhiêu nói:

  • Cơ khổ, chị ấy mới nói chuyện với tôi hôm qua không ngờ giờ đã thế này. Bây giờ cô Ngọc tính sao? Việc này phải có đàn ông lo mới xong! Tụi tôi là đàn bà có giúp cô cũng chỉ giúp được việc bếp núc thôi!

Bà Xứng như sực nhớ ra, bà nói:

  • Cô còn ông chú bên chồng ở gần đây phải không? Báo cho ông ấy biết liền đi! Đàn ông họ thạo việc chứ cô lúng túng biết làm sao? Ông ấy đâu bận gì mà ngại!

Đang lo rối ruột, nghe bà Xứng nói tôi mừng hết sức. Đúng vậy, chồng tôi còn có một người chú họ – chú Đức. Chú Đức hiền lành, chất phác, khoảng sáu mươi. Với tuổi đời như thế, chắc hẳn việc tang chế chú đã từng trải nhiều. Gặp chuyện bối rối thế này tôi không nhờ chú ấy còn nhờ ai? Tôi liền bảo thằng Tí:

  • Con biết nhà ông Đức không? Con tới thưa với ông thế này: Bà nội cháu đã qua đời sáng nay. Mẹ cháu đang bối rối không biết định liệu ra sao nên sai cháu đến trình với ông và mời ông sang nhà giúp đỡ cho mẹ cháu với.

Thằng Tí ngoan ngoãn chạy liền. Trong thời gian đó, với sự chỉ bảo, giúp đỡ của mấy bà già hàng xóm, tôi lấy khăn nhúng nước lau rửa rồi thay áo quần cho bà nội.

Tuy đã sai thằng Tí đi mời chú Đức, tôi vẫn còn áy náy không yên. Biết đâu chú ấy đi vắng hay đau yếu gì? May sao, lát sau thằng Tí chạy về báo:

  • Ông Đức bảo con về trước. Ông sẽ đến sau.

Nghe thằng Tí nói tôi nhẹ hẳn người. Thế là đỡ lo một phần! Khi chú Đức đến, tôi thành thật trình bày:

  • Thưa chú, nhà cháu đơn chiếc, bây giờ gặp việc to lớn này, cháu là đàn bà non trẻ thiếu kinh nghiệm, không rành việc. Bà con mình quá mọn mảy, mong chú vui lòng giúp đỡ cháu với. Cháu xin nhớ ơn chú mãi mãi.

Chú Đức sốt sắng nói:

  • Việc tang tóc chú tuy không rành rõi như người ta nhưng chú cũng nắm được vài điều cốt yếu. Việc của cháu cũng như việc nhà của chú, cháu đã nhờ lẽ nào chú không giúp? Điều quan trọng nếu cháu có một ít tiền bạc để chi cho các công việc thì tốt hơn. Có gì trở ngại không?
  • Thưa chú, việc của mẹ cháu dù không có cháu cũng phải ráng lo. Chú thấy việc gì cần chi tiền cứ cho cháu biết. Đời một lần, cháu không muốn sau này anh Thành cháu phải tủi thân vì cháu không lo trọn việc này.

  • Tốt lắm. Cháu đã có lòng như vậy chú không lo ngại gì nữa. Cháu cứ yên chí, chú sẽ hết lòng giúp cháu. Nói cho hết lẽ vậy chứ thời buổi này phải tiết kiệm mới được. Những gì có tính cách lễ nghi giản lược được cứ giản lược, tượng trưng cho có với người ta thôi, đừng phí quá. Riêng việc trầu thuốc cho khách thăm viếng, cơm nước cho âm công và những người phục vụ phải lo cho đầy đủ để tránh tiếng nặng tiếng nhẹ về sau. Đó là điều cốt yếu để người chết thỏa mãn mà người sống cũng vui lòng…

  • Dạ, cháu ít khi gặp việc như thế này nên không hiểu biết bao nhiêu. Xin chú cứ tùy tiện sắp đặt công việc, cháu xin nghe theo tất cả.

  • Sở dĩ tôi quyết định mạnh dạn như vậy vì tôi đang có sẵn một số tiền trong tay. Đó là số vốn do bà nội bán heo mấy lần dồn lại. Ước vọng của bà nội là dồn tiền ấy để đi thăm anh Thành một chuyến. Nhưng bây giờ việc tang của bà nội cần hơn. Lấy tiền ấy lo cho bà nội cũng phải thôi. Chú Đức lại hỏi:

    • Cháu đã đánh điện cho ba mẹ cháu ở Sài Gòn hay chưa?
  • Thưa chú, trong ấy ra đây cũng khó khăn. Vả lại bây giờ cha mẹ cháu đang bận thu xếp để đi Pháp. Đằng nào sắp tới ba hoặc mẹ cháu cũng ra thăm cháu trước khi đi nên cháu không định báo.

  • Ừ, tùy cháu, chú cũng nhắc vậy thôi!

  • Thế là mọi việc quan trọng do một mình chú Đức lo liệu, sắp đặt.

    Nhờ ơn trên, với sự chịu khó và khéo léo của chú Đức, với sự tận tâm giúp đỡ của xóm giềng, mọi việc đã diễn ra suôn sẻ. Việc hiếu tang cho mẹ chồng tôi đã kết thúc tốt đẹp với bao nhiêu lời khen ngợi của những người chung quanh. Tuyệt nhiên không nghe ai phàn nàn điều gì! Thật tình tôi cũng chẳng còn mong gì hơn! Phải nói tôi rất hãnh diện mình đã làm tròn bổn phận nàng dâu đối với mẹ chồng!

    Tôi cũng nghĩ chắc hẳn mẹ chồng tôi ở dưới suối vàng cũng mỉm cười hài lòng!

    *

    Bao lâu nay gia đình tôi lớn nhỏ hẩm hút đùm lấy bọc nhau. Mẹ chồng nàng dâu không hề có một sự xóc xáo nào đáng kể. Nay mẹ chồng tôi đột ngột qua đời, không những chúng tôi mất đi một người thân, một chỗ dựa tinh thần mà còn ảnh hưởng đến việc ăn làm của tôi không ít. Cái thực tế đó đã đến liền với tôi khi người khách cuối cùng vừa bước ra khỏi nhà.

    Sau mấy ngày mệt mỏi vì việc tang, khi thấy khách đã vắng, tôi định nghỉ lưng một chút để lấy lại sức. Nhưng nằm xuống chưa kịp nhắm mắt tôi đã bị hai con heo nhỏ trong chuồng đánh thức. Tiếng chúng kêu rền rỉ, réo rắt, trước nhỏ sau lớn dần khiến tôi dù rất buồn ngủ cũng không thể nằm nín được nữa. Thằng Sửu đã lấy cây chổi đánh cho chúng im nhưng chúng chỉ tạm ngừng kêu giây lát. Sửu vừa quay bước đôi heo liền hợp xướng trở lại ngay. Lập đi lập lại mấy lần không kết quả, thằng Sửu nói:

    • Phải cho ăn chúng mới hết kêu mẹ à!
  • Thì con lấy gì cho chúng ăn đi!

  • Chúng kêu từ sáng chứ có phải bây giờ mới kêu đâu! Con đã cho ăn nhiều lần. Nhưng bây giờ có còn gì nữa mà cho ăn!

  • Thú thật xưa nay tôi chưa bao giờ nhúng tay vào việc nấu cháo cho heo. Những việc đó trước đây bà nội vẫn bao biện hết. Bất quá khi bà nội bận gì cho ăn trễ tôi chỉ việc xúc cháo heo có sẵn đổ vào máng cho chúng là xong. Mấy ngày qua vì bận việc tang, tôi gần như quên hẳn mình còn có mấy con heo nhỏ trong chuồng. Vả lại trong mấy ngày ấy trong nhà luôn có chút thức ăn thừa, đôi heo ít khi bị đói. Giờ đây nghe chúng kêu réo, tôi biết ngay từ giờ phút này tôi phải gánh thêm một nỗi cực nhọc nữa!

    Thế là nếp sinh hoạt trong gia đình tôi bị xáo trộn! Trước kia, ngoại trừ thời gian mài bột sắn, mỗi khi đi làm về, tôi chỉ rửa ráy, ăn uống, rồi đi nghỉ. Giờ đây, sau những giờ vất vả ngoài đồng, bước về tới nhà tôi lại ngán ngẩm trước bao nhiêu công việc khác đang chờ!

    Trước 1975, ở Thiện Trường việc nuôi gia súc trong nhà khá thịnh hành. Dù giàu hay nghèo, gần như nhà nào cũng có nuôi một vài con heo, ba bốn con gà mái đẻ, một đàn vịt chừng mươi con… Nuôi gà ít tốn kém vì chúng có khả năng tự túc kiếm ăn. Nhiều nhà tính số gia súc lớn nhỏ lên đến cả trăm, bao gồm cả các giống ngan, ngỗng, bồ câu… Người ta nuôi gia súc thường nhắm mục đích cung ứng nhu cầu những dịp giỗ chạp, tết nhất hoặc tiệc tùng trong nhà. Thừa ra, hoặc gặp dịp cần thiết thì người ta đem ra chợ.

    Đặc biệt là nuôi heo thịt, coi như đó là một cách để dành đầy hứng thú. Hằng ngày quên đi một chút công để bòn mớ rau hoặc cây chuối, tốn thêm một ít cám rẻ tiền hoặc thức ăn thừa để nấu cháo cho heo, một thời gian sau heo lớn có thể bán được một số tiền đáng kể. Ai có vốn bỏ ra mua giống, ai không vốn thì nuôi rẽ, tức nuôi giống của chủ khác rồi khi bán được sẽ chia nhau với tỉ lệ đã thỏa thuận trước, thường là chủ hưởng một phần, người nuôi hưởng hai phần.

    Sau khi làng tôi đã lên hợp tác xã, vì những yếu tố khách quan, việc chăn nuôi tự nhiên giảm xuống thấy rõ. Riêng việc nuôi heo vẫn được khuyến khích để vừa sinh lợi vừa cung ứng nguồn phân chuồng. Nhưng cũng có điều khác với trước kia, hợp tác xã chỉ bán chịu heo giống cho xã viên rồi khấu trừ dần công điểm chứ không cho nuôi rẽ vì sợ người dân chăm sóc không kỹ, nếu heo giống chết sẽ mất vốn.

    Khi ông nội mấy cháu mất, việc nuôi heo trong gia đình tôi cũng tạm ngừng. Sau này tôi làm việc với hợp tác xã, có lẽ thấy trong nhà vắng vẻ khó chịu, bà nội bảo:

    • Nhà mình chuối không thiếu, rau cũng dễ kiếm, mẹ lại suốt ngày ngồi không uổng quá. Con đăng ký mua hợp tác xã một hai con heo để mẹ có chút công việc cho đỡ buồn được không?

    Thế là nhà tôi nuôi heo trở lại. Công việc rau cám đều do một mình bà nội lo hết. Tôi đi làm không mấy khi về sớm, có khi còn họp hành trễ đến mười, mười một giờ khuya. Vì thế, bà nội và mấy cháu vẫn thường ăn cơm, đi ngủ trước. Công việc luôn bận rộn nên tôi chẳng mấy khi để ý đến mấy con heo nó lớn nhỏ ra sao. Tôi cũng chẳng quan tâm tới nỗi vất vả trong việc nuôi heo ra thế nào…

    Một hôm, khoảng hơn chín giờ tối tôi về nhà. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy đèn trong nhà còn thắp sáng và mọi người đều còn thức. Hơi lo, tôi toan hỏi có chuyện gì xảy ra thì bà nội đã vui vẻ nói:

    • Con rửa ráy đi để ăn cơm luôn thể!

    Thế này thì chắc hẳn có tin vui. Tôi nôn nóng hỏi lại:

    • Chắc có gì vui hả mẹ?

    Bà nội cười nói:

    • Có chi mô, mới cân con heo cho hợp tác xã sáng ni! Mẹ có lấy lại một ít lòng heo đợi con về ăn một bữa với nhau cho vui! Con rửa ráy mau lên kẻo tụi nó chờ!

    Ngồi vào mâm cơm, thấy mọi người đều có sắc vui tôi hết sức cảm động. Bà nội hớn hở ra mặt, bà cứ ngừng đũa từng chập để nhìn các cháu ăn. Mấy đứa nhỏ sung sướng nhai gắp không ngừng. Đây là niềm hạnh phúc mà thời gian sau này gia đình tôi ít khi được hưởng… Tôi nói:

    • Các con ăn từ từ chừa cho bà nội với chứ!
  • Kệ nó, tụi nó thèm khát lâu ngày…

  • Sau khi ăn xong, bà nội vào giường lật chiếu lấy gói bạc đưa cho tôi:

    • Tiền bán heo đó, con cất đi!

    Trông nét mặt bà nội rạng rỡ làm sao! Phải chăng đó là nỗi hãnh diện, niềm hạnh phúc của một người lớn tuổi thấy mình làm ra được đồng tiền để giúp gia đình? Tự nhiên tôi thấy thương bà nội lạ lùng. Tôi cảm động nói:

    • Mẹ cứ giữ lấy để khi cần tiêu gì thì tiêu!

    Bà nội lắc đầu nói:

    • Mẹ có việc chi để tiêu mô? Bài bạc giải trí lúc ni mẹ cũng không thiết nữa. Con cất đi, dồn lại để dành đi thăm thằng Thành!

    Ngày xưa bà nội là một tay ghiền tứ sắc, có tiền trong túi bà không thể nào ở nhà yên được. Giờ này nghe bà bảo vậy tôi mừng hết sức:

    • Mẹ đã muốn vậy thì con giữ cho mẹ!

    Trước kia, tuy trong nhà cũng có nuôi heo, nhưng phương tiện đầy đủ hơn. Bỏ vài đồng tiền ra chợ là có rau có bột chứ đâu cần phải tự kiếm gần hết mọi thứ như bây giờ! Vả lại hồi ấy bà nội chỉ nuôi heo lấy có, để khỏi mang tiếng là đàn bà không nuôi heo chứ không quan tâm tới kết quả. Ông nội thuộc hạng khỏe mạnh, làm việc cần cù, trong nhà đâu thiếu thốn gì. Hằng ngày bà nội chỉ việc lo cơm nước cho gia đình và lo rau cám cho heo. Xong bấy nhiêu việc bà nội lại tà tà sang hàng xóm đánh tứ sắc. Có nhiều lần mê trận bà nội quên cả về… để heo đói kêu vang nhà. Tôi đi dạy về phải lật đật tìm cháo đổ cho chúng ăn. Có lúc không có cháo tôi quăng rau sống hoặc đổ cơm nguội cho chúng cũng xong. Ông nội thương vợ cứ cúi đầu làm việc, chẳng mấy khi hé miệng phàn nàn. Người chung quanh vẫn bảo bà nội có mạng thảnh thơi vì thế!

    Sau cuộc đổi đời, nhất là giai đoạn sau khi ông nội mất, bà nội mới bắt đầu nếm mùi vất vả, túng thiếu. Đã có những ngày bà chỉ sống bằng một trái bí nhỏ với một dúm đậu xanh! Đã có những ngày bà chỉ húp cháo khoai cầm bữa!

    Khi mẹ con tôi trở lại Thiện Trường, bà nội đã hoàn toàn thay đổi lối sống. Suốt ngày gần như bà chỉ quanh quẩn trong nhà, ít khi đi đâu. Bà nội đã phụ giúp tôi nhiều trong công việc nội trợ. Bình thường, tôi vì công việc ngoài đồng mệt mỏi, buổi khuya bà nội thường lục đục dậy trước để lo cơm nước cho tôi. Kể cả những đêm mưa gió lạnh lẽo bà cũng không ngại! Tới vụ thu hoạch sắn, bà nội càng thức khuya dậy sớm hơn để làm việc. Có nhiều lần bà đã gắng sức đến độ tôi không tưởng tượng nổi. Thấy bà cần cù làm việc, sợ bà sinh bệnh, tôi đã tìm cách giới hạn công việc của bà lại, nhưng bà nội từ tốn nói:

    • Mẹ mần dóc dách cho vui rứa chứ được bao lăm. Thấy con công việc quá nhiều, lúc nào cũng vất vả mẹ không đành lòng. Có được đứa con dâu như con thật là đại phước cho gia đình ni rồi! Mẹ thương con lắm…

    Rồi bà nội quay sang dặn các cháu:

    • Mẹ bây chỉ là con dâu của nội nhưng mẹ bây chăm sóc cho nội dẫu đến con ruột cũng không bằng. Nội rất vui mừng mình tốt phước mới có được một con dâu hiền như rứa. Một gia đình mà mẹ chồng con dâu ở với nhau không hề có một sự xóc xáo nhỏ không phải dễ có mô! Sau ni bây phải nói lại cho cha bây biết điều đó!

    Những lần tôi buôn bán thất bại trở về bà nội đều tỏ vẻ hết sức thông cảm. Trước sau tuyệt nhiên bà không có một lời phàn nàn.

    Họa hoằn lắm đôi khi tôi đánh mấy đứa nhỏ bà nội mới có vẻ bực mình một chút…

    Tôi nghĩ thương bà nội nhất là khi mất bà nội vẫn còn mang theo một nỗi tiếc hận lớn trong đời. Đó là ước vọng được thăm, được gặp mặt anh Thành, đứa con yêu quí của bà nội vẫn còn đang hụp lặn trong cảnh tù tội! Một người đã trọng tuổi, yếu sức mà vẫn gắng làm việc cũng chỉ nhắm vào mục tiêu ấy! Nhưng nỗi lòng yêu con tha thiết của người mẹ đã không được trời ngó lại…

    Từ ngày bà nội mất, công việc của tôi càng bề bộn vất vả hơn trước bội phần. Nhất là việc nuôi heo đối với tôi quá khó. Nội cái thì giờ để nấu cháo cho heo đã mệt rồi! Trước bà nội nấu cháo heo ngày hai bữa, bây giờ tôi biết làm sao? Huống chi còn chuyện rau chuyện củi lung tung? Mà lúc này muốn thôi nuôi heo cũng không được. Lấy phân chuồng ở đâu để nộp cho hợp tác xã? Vấn đề cơm nước hằng ngày nữa, lũ con tôi có đủ khả năng giúp tôi việc đó không? Giao việc ấy cho chúng biết đâu chẳng có ngày thần hỏa chiếu cố không còn chỗ để chun ra chun vào? Tôi vô cùng bối rối trước sự xáo trộn quá lớn trong nếp sinh hoạt hằng ngày…

    Đó là tôi chỉ mới nói đến những rối rắm về công việc. Về mặt tinh thần tôi cũng gặp không biết bao nhiêu điều phiền toái. Trước kia, mỗi khi tôi gặp những khó khăn còn có bà nội để tâm sự, đó cũng là một niềm an ủi. Bây giờ nỗi khó khăn càng tăng, tôi biết ngỏ cùng ai? Bao giờ các con tôi đủ trí khôn để hiểu cho tôi, để chia xẻ vui buồn với tôi?

    Còn nhiều nữa! Vào một buổi tối, sau khi bà nội mấy cháu mất chừng nửa tháng, ông Phước ghé nhà tôi. Hiện ông Phước đang giữ chức phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Thiện Trường. Lúc bà nội mất, ông đi khỏi nên không đến phúng điếu được. Ông ta đã ngỏ lời chia buồn và bày tỏ nỗi hối tiếc về sự vắng mặt của mình lúc đám tang với giọng tha thiết, thân mật đến nỗi tôi có cảm tưởng như ông ta là cháu hay em của bà nội. Khi ông ta thắp hương cho bà nội xong, theo phép lịch sự, tôi rót nước mời ông ta uống. Cũng tưởng ông ta thăm một lát rồi đi, nào ngờ ông ta cứ ngồi nói chuyện miết. Nào chuyện làng nước hồi ông còn nhỏ. Nào chuyện ông nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, thoát ly theo cách mạng. Nào những hoạt động của ông trong các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ…

    Tôi mới đi làm về, vừa mệt vừa buồn ngủ, cần phải nghỉ ngơi để mai còn đi làm tiếp, thế mà phải ráng ngồi nghe những chuyện tào lao. Chán thật nhưng chẳng có cớ nào để tiễn khách được!

    Cuối cùng ông ta lại hỏi tôi có muốn lên làm việc ở hợp tác xã không? Ông nêu ra nhiều thứ lợi lộc để nhử, kể cả cái chức vụ trưởng cửa hàng hợp tác xã trong tương lai ông cũng muốn dành cho tôi(?). Tôi đâu phải là thi sĩ để có thể mộng mơ đến vậy! Dĩ nhiên tôi từ chối. Dù sao việc đó cũng làm tôi bực mình không ít.

    Hai hôm sau, cũng vào buổi tối, lại một người khách không mời khác ghé thăm. Người khách này chính là ông Nhiêu!

    Ông Nhiêu có người em gái út là thím Lộc lấy chú Đán ở sát nhà tôi. Nhà tôi với nhà thím Lộc tuy trổ lối ra hai kiệt khác nhau nhưng lại chỉ cách nhau một hàng rào, hai nhà quay lưng vào nhau. Chú Đán cũng là quân nhân chế độ cũ mới mất trong lần di tản từ Huế vào Đà Nẵng như anh Hành chồng chị Hiền. Trước đây ông Nhiêu không mấy khi lui tới với gia đình người em út này. Tự nhiên thời gian gần đây ông lại hay ghé thăm thím Lộc. Nhưng thay vì đến nhà em mình bằng ngõ chính, ông Nhiêu hay đi băng qua nhà tôi để vào. Tôi hơi bực mình nhưng không dám nói. Lần này ông vào nhà tôi và nói:

    • Luôn thể qua cô Lộc, tôi ghé thắp cho bà chị một nén hương kẻo tội. Tôi với chị ấy ở gần nhau hơn năm chục năm rồi đấy chứ! Thế mà chẳng mất lòng nhau bao giờ!

    Sau khi thắp hương, ông Nhiêu lại hỏi:

    • Hôm trước ông Phước đến có chuyện gì vậy?
  • Dạ, ông ta đến thắp hương cho bà nội.

  • Thắp một nén hương mà lâu dữ vậy à?

  • Tôi vừa ngạc nhiên vừa khó chịu vì sự tò mò quá đáng ấy. Chẳng lẽ ông ta theo dõi cả ông Phước nữa sao? Với dụng ý nào? Nhưng mặc kệ ông ta! Ông ta cũng hỏi chuyện lung tung một hồi rồi khuyên tôi:

    • Chú Thành không biết học tập đến ngày nào về. Trước đây còn có chị Thắng thì không sao, bây giờ trong nhà vắng vẻ, tôi nghĩ cô cũng nên kiếm một chỗ dựa để làm ăn nuôi con…

    Tôi bực mình lắm nhưng cũng ậm ự cho qua chuyện.

    Hôm sau, khi đi làm, tôi thuật lại những chuyện đó với chị Lâm và chị Vàng. Chị Lâm khuyên:

    • Cô Ngọc phải về dặn mấy đứa con nếu đêm hôm có ai đến thăm, dù quen biết hay không, tụi nó phải thức với cô chứ không được đi ngủ trước. Nếu có việc gì bất trắc cô cứ la lớn tôi sẽ tiếp ứng cho. Mấy thằng cha đó dù già, trẻ thế nào cũng không thể tin tưởng được đâu!

    Chị Vàng cũng khuyên:

    • Cô hãy rào bít cái hàng rào lại đừng cho đi băng nữa! Lão cứ đi ngang đi dọc rồi có ngày cũng sinh chuyện. Không chừng vợ chồng lão toa rập gài cô vào bẫy rồi giở thói ghen ngược cố làm cô xấu hổ bỏ đi để chiếm ngôi nhà đó!

    Nhà không khi nào có đủ gạo để ăn, bày đặt rào hàng rào cho kỹ chỉ chọc cho người ta cười! Thôi, cứ mặc kệ, tới đâu hay đó. Tuy tự nhủ như vậy nhưng lòng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Tôi nhất định phải để thoát ra khỏi cuộc sống hiện tại!

    Đọc tiếp Chương 28