THĂM THẲM TRỜI XANH / Chương 11

 

Sau hôm bị tai nạn do con đỉa gây ra, tôi nghỉ ở nhà hai ngày liền. Từ khi làm việc với tập đoàn 9 tới giờ tôi mới có lại được vài giấc ngủ thoải mái. Nhưng rồi tôi cũng không dám hưởng thụ cái khoái cảm ngủ no con mắt ấy bao lâu! Trong nhà ngoài vườn đâu cũng thấy công việc cần làm, ngủ thế nào được? Tôi lại lao mình vào việc quét tước dọn dẹp… Thời gian này tôi cũng viết được một lá thư cho ông bà ngoại nói rõ hoàn cảnh khó khăn hiện tại của mình. Tối hôm thứ  ba ông Phước lại ghé nhà tôi. Lần này ông chỉ đi một mình. Vừa thấy tôi ông ta hỏi ngay:

  • Cô Ngọc khỏe rồi chứ! Ngày mai cô đi làm được chưa?
  • Dạ được, tôi đã chuẩn bị ngày mai đi làm rồi!

  • Vậy thì tốt lắm! Nhưng cô khỏi ra đồng. Tôi biết cô còn nhợn những chú đỉa trâu lớn như cái cán liềm ấy. Cô ở nhà phụ với cô Thanh lo việc phơi lúa giúp tôi!

Phơi lúa với cô Thanh ư? Ông ta nói như ra ơn cho tôi vậy! Tôi đã từng nghe các bà to nhỏ với nhau về cái toán phơi lúa do cô Thanh chỉ huy. Cô Thanh là con gái ông Nhiêu, có chồng đi nghĩa quân đã bị tử trận, để lại cho cô hai đứa con nhỏ. Cô mới khoảng hai mươi lăm, dáng người loắt choắt, mắt hơi lé. Có lẽ trong cái gia đình “cách mạng” đó, cô là người làm việc năng nỗ nhất và cũng cố chấp, hống hách không kém gì cha cô. Nhờ khả năng kiểm soát người dưới quyền chặt chẽ, cô được giao việc điều khiển toán phơi lúa của tập đoàn 9 trong suốt các mùa gặt. Ai làm việc lơi tay một chút là bị cô nhắc nhở ngay. Không một ai có thể lấy được một nắm lúa xép đem về cho gà ăn. Mọi người đều ngán cái miệng phê bình chỉ trích của cô. Ai đã làm việc ở toán này một thời gian đều phải tìm cách rút lui. Có lẽ nay lại thiếu người nên mới gọi tôi!

Riêng tôi lúc này làm việc đó cũng tốt thôi. Quả tình tôi vẫn còn nhợn những con đỉa đói thật. Thời gian phơi lúa đâu bao lâu nữa mà ngại! Tôi hỏi lấy lệ:

  • Lúa gặt gần xong chưa ông trưởng?
  • Còn nghênh ngang đấy, nhưng công việc phải phân chia ra nhiều bộ phận cho guồng máy chạy đều. Chuyện xảy ra vừa qua cô cũng không nên ghi khắc trong lòng làm chi. Tôi vô ý mà cô cũng vô tình, thôi bỏ qua đi. Thật tình thấy cô neo đơn tôi cũng muốn giúp cô đỡ khổ được phần nào. Cô có ưng làm thư ký thống kê hợp tác xã không?

  • Ông ta muốn giở trò gì đây? Tôi nói:

    • Cám ơn ông trưởng. Thôi, để tôi làm việc ở tập đoàn được rồi!

    Ông Phước vừa cười vừa hỏi lại:

    • Cô chưa ngán cái tai nạn đỉa cắn vừa rồi à?

    Đây là lần thứ hai ông Phước nhắc lại chuyện con đỉa. Rõ ràng không phải là một sự vô tình. Thấy câu hỏi của ông ta có vẻ tinh quái nên tôi cũng đáp lập lờ:

    • Không, vấp một lần thôi chứ! Gặp lại lần nữa thì nó chết với tôi!
  • Cô Ngọc không tin tôi có thể đưa cô về làm việc ở hợp tác xã à? Tôi nói thật đấy! Làm việc ở đó dù sao cũng đỡ sương đỡ nắng, công việc lại nhẹ nhàng hơn! Cô sẽ được trắng da dài tóc hơn!

  • Nhưng bằng cách nào ông trưởng có thể giúp tôi lên làm thư ký thống kê cho hợp tác xã được?

  • Ông Phước gật gật hãnh diện khoe:

    • Có gì đâu, cô là một cô giáo, cô có đủ khả năng làm việc đó. Cô suy nghĩ lại đi rồi cho tôi hay. Nói thật với cô, tôi sắp về công tác ở hợp tác xã!

    Tôi cười nửa miệng:

    • Sướng quá nhỉ! Thôi, cứ tới đâu hay đó! Thế ngày mai tôi đi phơi lúa nhé!
  • Phải, tôi đã báo cho cô Thanh rồi, ngày mai cô cứ theo cô ấy.

  • *

    Toán phơi lúa chính thức lúc bấy giờ gồm năm người: cô Thanh trưởng toán, chị Lương, chị Huấn, chị Mẫu và tôi. Làm việc với một trưởng toán có tinh thần cách mạng quá cao như cô Thanh, dĩ nhiên không ai thấy thoải mái lắm. Nhưng chúng tôi người nào cũng muốn yên thân nên chẳng ai muốn lý lẽ chi cả, cứ bảo nhau gắng thêm một chút cũng chẳng chết ai. Nhờ tinh thần an phận ấy toán phơi lúa của chúng tôi làm khá được việc.

    Có người tưởng việc phơi lúa là một công việc ưu tiên dành cho những người có thân thế. Đối với các tập đoàn khác nghĩ như vậy cũng có thể đúng. Tôi nghe phong phanh những người làm công việc ấy vẫn thường bắt chước phương cách của mấy con chim tha rác làm tổ. Đi uống nước tha một ít, đi ăn cơm tha một ít… Hai cánh tay áo xắn khéo léo một tí đã hỗ trợ đắc lực cho họ trong việc này. Có thể mỗi ngày họ kiếm thêm được một hai lon lúa.

    Riêng tập đoàn 9 chỉ có tiếng mà không có miếng. Đừng ai hòng qua mặt được cặp mắt mà người đời vẫn e dè “nhất lé nhì lùn” của cô Thanh!

    Công việc ở đây tuy thoát được cảnh thức khuya dậy sớm nhưng đâu phải không vất vả? Cô trưởng toán làm việc quá giỏi bắt buộc cả toán phải giỏi theo. Cứ nắng lên là cùng nhau dùng đôi chân xủi sân lúa hạt dưới ánh nắng gay gắt và hơi lúa hừng hực. Dù bận áo dài tay, đầu đội nón, quần gôn ống cẩn thận, thế mà bụi lúa lúc nào vẫn phủ kín thân, trắng đầu. Lúa khô khén xong phải lo việc dên quạt, sàng sảy. Quần quật giữa sân bưa lại lo lùa hốt bưng lúa đổ vào kho. Lắm khi cũng tối mịt mới về. Làm việc cực lực đến thế mà cô trưởng toán lúc nào cũng nhìn nhìn như thúc hối, như nhắc nhở, như nghi ngờ! Chúng tôi vẫn thường rủa thầm:

    • Cái con nhỏ này sao nó khỏe thiệt! Sao nó lại không bệnh nằm liệt giường một thời gian cho biết lễ độ?

    Một hôm, trong lúc chúng tôi đang phơi lúa, anh thư ký tập đoàn Lê Khánh cầm sổ sách đến hỏi cô Thanh việc gì đó. Khi Lê Khánh về rồi, chị Mẫu nói nhỏ với tôi:

    • Mình phơi lúa ngày nào cũng mệt nhừ người chứ phải chơi đâu! Thế mà công điểm lại tính thấp hơn khi đi gặt rất nhiều. Dù được đi trưa về sớm hơn một chút nhưng tính như vậy cũng ép quá!
  • Ông Khánh cho chị biết à?

  • Làm gì có, tôi nhìn lén trong sổ!

  • Mỗi ngày phơi lúa chị được chấm mấy công điểm?

  • Sáu.

  • Thế còn cô Thanh?

  • Dĩ nhiên là 7 hoặc 8! Người điều khiển mà!

  • Chị biết em bao nhiêu điểm không?

  • Chị Mẫu thản nhiên nói:

    • Dưới trung bình là cái chắc!

    Dưới trung bình? Vừa nghe chị Mẫu nói, cơn giận trong tôi ùn ùn nổi dậy. Người ta làm sao tôi làm vậy chứ sút kém ai đâu? Làm việc như vậy sao chấm điểm tôi dưới trung bình? Thôi, thà về nhà nhịn đói còn hơn! Có lẽ nhìn thấy vẻ giận dữ hiện trên gương mặt tôi, chị Mẫu nháy mắt:

    • Tôi thấy thoáng thoáng vậy thôi, chưa hẳn đâu! Đừng làm bể việc. Để có dịp rồi nói chuyện. Hay cô chịu khó đi dự một buổi họp bình chấm xem sao!

    Từ lúc đó tôi cứ thấy ấm ức trong người. Hôm sau tình cờ gặp anh Sự, tôi hỏi ngay:

    • Toán người được cắt công việc phơi lúa tôi thấy ai cũng làm việc như nhau cả không hiểu sao những người khác đều được bình chấm 6 hoặc 7 công điểm mà tôi lại cứ dưới trung bình? Anh thử đòi hỏi chấm điểm công bằng giúp tôi được không?

    Anh Sự lắc đầu cười:

    • Khó lắm chị Ngọc ơi! Người ta cứ đánh giá chị là người mới vào tập đoàn, thời gian phơi phong người ta lại cho là chị được đi trưa về sớm. Hơn nữa, chị lại có chồng sĩ quan chế độ cũ nhiều người không ưa. Công điểm của mọi người đều do số đông quyết định chứ tôi làm gì được? Thôi chị cứ tạm bằng lòng vậy. Mai mốt đây nếu tôi làm tập đoàn trưởng tôi sẽ gắng chỉnh đốn lại cho công bằng hơn!
  • Thế ông Phước đi đâu mà anh lên làm tập đoàn trưởng?

  • Anh Sự xua tay ra đấu hiệu dè dặt:

    • Tin này chưa chắc lắm. Ông ta có thể lên làm gì đó trên hợp tác xã.

    Nghe anh Sự giải thích việc tính điểm có tính cách áp đặt như thế, tôi thất vọng lắm. Người ta đối xử kỳ thị đến thế mình làm sao ngoi đầu lên được? Dù có lao động thí mạng đi nữa cũng chỉ làm cho người khác ăn thôi! Càng suy nghĩ tôi càng thấy uất hận. Thế rồi tôi nói với anh Sự bằng giọng cương quyết:

    • Bây giờ tôi yêu cầu anh đề nghị với tập đoàn cho tôi trở lại gặt lúa. Nếu anh không đề nghị giúp chắc tôi sẽ tự động bỏ việc!

    Anh Sự ngẫm nghĩ giây lát rồi gật đầu:

    • Được, tôi nghĩ việc này không có gì trở ngại.

    *

    Đi gặt lại được mấy ngày thì tôi nhận được thư của ba tôi – không bằng đường bưu điện mà do người quen trao lại. Thấy thư khá dày, chắc mẩm thế nào cũng có tin lành, tôi vội bóc ra xem. Ồ, ngoài bì đề người gởi là ba tôi nhưng thư lại do mẹ tôi viết.

    “Sài Gòn, ngày…

          Thăm Diệu Ngọc con và các cháu,

          Trước hết mẹ báo cho con biết ba mẹ vẫn sức khỏe, con yên tâm. Mẹ biết chắc con đang nôn nóng chờ tin của ba mẹ nên phải viết thư cho con đây. Mẹ cho con hay, việc anh Hảo bảo lãnh cho ba mẹ sang Pháp hiện vẫn chưa tới đâu cả. Còn việc dịch sách cho bộ Văn Hóa Thông Tin ba con đã rút lui rồi. Khi bắt tay vào việc tinh thần ba phấn khởi bao nhiêu thì bây giờ mẹ thấy ba có vẻ xẹp lép bấy nhiêu. Chắc con cũng biết tính ba con, khi đã làm việc gì ba cũng làm hết sức mình, đàng hoàng, chín chắn, đâu ra đấy. Khi bắt tay vào việc, ba đã quên ăn quên ngủ, chẳng quản ngày đêm, lúc nào cũng chú mục vào mấy cuốn sách, tay thì luôn ghi ghi chép chép lên cuốn sổ tay hoặc mấy tập vở. Thấy cách làm việc của ba mẹ vừa cảm động vừa lo. Cảm động vì ba  tỏ ra sung sướng được giao phó một công việc thích hợp với khả năng. Lo vì ba tuổi tác đã cao, cố gắng quá sẽ không tốt cho sức khỏe. Theo mẹ, làm việc bằng đầu óc mỗi ngày năm sáu tiếng đã là quá nhiều. Ba vốn tuổi già ít ngủ, thế mà hễ thức giấc là lao đầu vào công việc ngay. Khi ba dịch xong cuốn sách đầu tiên, nhiều người ở Sở Văn Hóa Thông Tin của thành phố đã hết sức khen ngợi. Nhân dịp phái đoàn Trung Ương Đảng vào thăm thành phố Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh đã cho mời ba đến gặp mặt để biểu dương. Ông Trường Chinh đã nói: “Tôi thành thật khen ngợi về sự hiểu biết sâu rộng về Pháp ngữ của ông. Tôi nghĩ ông là một trong số những người dịch sách Pháp ra tiếng Việt xuất sắc nhất nước ta hiện nay. Tôi rất mong được sự hợp tác lâu dài của ông trong lĩnh vực dịch thuật, để tuyển chọn, để gom góp những tinh hoa văn hóa của nước ngoài bồi đắp cho nền văn hóa nước nhà”. Ba vô cùng phấn khởi, lại bắt tay dịch tiếp cuốn khác. Với nỗ lực phi thường, không kể giờ giấc đêm ngày, ba con lại hoàn thành dịch phẩm thứ hai! Tính gần chính xác, hoàn thành được hai dịch phẩm, ba phải mất một thời gian ngót 10 tháng. Ba đang phấn khởi sắp dịch tiếp cuốn sách thứ ba thì sở Văn Hóa Thông Tin mời lên để thanh toán tiền thù lao. Đúng ra khi dịch xong cuốn thứ nhất, sở Văn Hóa Thông Tin đã mời ba lên gặp để thanh toán tiền thù lao rồi. Nhưng ba nói với họ cứ để đấy đã. Thật tình trước đây ba chưa nghĩ đến chuyện thù lao bao giờ. Ba muốn làm việc với tính cách thiện nguyện, để đóng góp với chế độ mới một chút gì mà ba nghĩ là gia đình mình còn thiếu sót. Riêng mẹ lại nghĩ thực tế hơn, có thực mới vực được đạo, gia đình mình có dư dả gì lắm đâu! Nhưng dù không đồng ý với ba, mẹ vẫn không dám nói gì, sợ ba buồn. Đến khi ba nhận được thư mời lên thanh toán thù lao lần thứ hai, mẹ vừa mừng vừa sợ ba lại từ chối. Mẹ cười nói đùa để đón đầu: “Thì ra Sở Văn Hóa Thông Tin cũng không quên nghĩ đến điều thực tế cần thiết của một dịch giả! Nhưng đáng lẽ họ nên tế nhị ấn định mức thù lao theo giá trị của dịch phẩm vẫn hay hơn là bắt dịch giả phải tự nói lên điều đó anh nhỉ!”. Nghe mẹ nói ba có vẻ không vui, ba nói: “Nói vậy là do người ta sợ mình không hài lòng thôi. Nhưng anh sẽ có ý kiến cứ tùy họ ấn định. Nếu họ ấn định cao, anh sẽ tặng lại 2/3, nếu họ ấn định vừa phải, anh sẽ tặng lại một nửa để góp phần vào việc xây dựng đất nước! Em đồng ý với anh chứ!”. Tất nhiên mẹ đồng ý vì mẹ không muốn trái ý ba. Hơn nữa, mẹ nghĩ với những dịch phẩm được khen ngợi như vậy thì làm sao người ta ấn định thù lao thấp được? Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, nếu ba dịch được một tác phẩm tương tự như vậy rồi bán bản quyền, số tiền nhuận bút tệ lắm cũng nuôi sống ba được một năm. Thế rồi ba lên Sở Văn Hóa Thông Tin. Mẹ hi vọng ba sẽ có một số tiền để tặng con như mẹ đã hứa. Nào ngờ khi trở về ba chẳng nói một tiếng, lặng lẽ đi một mách vào phòng riêng đóng cửa lại. Mẹ biết thế là có chuyện phật ý ba rồi, nhưng không dám hỏi liền. Đến khi ăn cơm chiều mẹ mới nhắc nhẹ: “Hồi sáng anh lên Sở Văn Hóa Thông Tin có tin gì lạ không?”. Ba đáp cụt ngủn: “Không dịch nữa!”. Thấy ba còn có vẻ bực bội, mẹ nói lảng sang chuyện khác cho yên. Mấy ngày sau ba mới cho biết, khi ba lên Sở Văn Hóa Thông Tin, nhân viên hướng dẫn đã đưa ba đến gặp một vị nào đó, hình như là bí thư của Sở. Sau khi thăm hỏi và khen ngợi về việc làm của ba, vị này đề nghị thẳng nếu ba không muốn nêu danh tính trên những dịch phẩm của mình, sẽ có người đứng tên thế cho. Trong trường hợp đó, họ sẽ trả tiền thù lao gấp bội. Như thế cũng có nghĩa là ba bán đứt bản quyền dịch phẩm. Ba không muốn làm như vậy nhưng chỉ nói đưa đẩy: “Để tôi suy nghĩ  rồi sẽ trả lời!”. Tới khâu bàn về tiền thù lao, vị kia hỏi: “Ông dịch hai tác phẩm đó mất hết thời gian bao lâu?”. Ba đáp: “Ngót 10 tháng!”. Vị kia nói: “Được, cứ cho là 10 tháng đi! Hiện nay nhà nước ta vẫn lấy giai cấp công nhân thợ thuyền làm tiêu biểu. Nhà nước sẽ tính cho ông một công gấp đôi tiền công trung bình của một công nhân, cứ vậy mà nhân lên, ông đồng ý không?”. Nhà nước đãi ngộ người làm văn hóa như vậy sao? Tuy nói là 10 tháng nhưng ba đã thức khuya dậy sớm dồn hết sức mình vào công việc không có ngày nào dưới 12 giờ và theo mẹ nghĩ, chắc hẳn không dưới một năm! Giờ nghe được đánh giá như thế ba muốn ngã ngửa ra! Sau một phút bàng hoàng ngơ ngác, ba bình tĩnh nói: “Thưa ông, cách mạng đã thành công, tôi muốn ra sức một phen, đem hết khả năng chuyên môn của mình để cống hiến cho tổ quốc một chút gì trên phương diện văn hóa để khỏi hổ thẹn. Thế nhưng sau khi dịch xong hai tác phẩm kia, tôi cảm thấy sức mình đã quá suy nhược. Giờ đây cứ nhìn vào sách một hồi thì mắt tôi hoa lên, đầu tôi choáng váng, tôi thấy mình khó có thể tiếp tục công việc được. Vậy, tôi xin hiến tặng Bộ Văn Hóa  Thông Tin vô điều kiện hai dịch phẩm nói trên, khỏi cần đề tên tôi là dịch giả. Về số tiền thù lao, xin sung vào quỹ một công tác văn hóa nào đó cũng được.” Vị kia ngạc nhiên nói: “Ấy, ấy, ông muốn hiến tặng vô điều kiện dịch phẩm của mình cho Bộ Văn Hóa Thông Tin thì cứ hiến tặng. Nhưng công sức lao động của ông thì ông nên nhận!”. Ba trả lời: “Dạ khỏi, thưa ông, nếu tôi còn tiếp tục làm công việc tôi sẵn sàng nhận. Tôi còn muốn cống hiến nhiều hơn nữa kia chứ! Tiếc rằng sức khỏe tôi không cho phép, xin quí ngài cứ vui lòng, khi nào sức khỏe phục hồi tôi xin tiếp tục phục vụ!”. Thôi thì ba quyết định như vậy cũng tốt, mẹ cũng đỡ lo. Mẹ nghĩ việc anh Hảo lo thủ tục bảo lãnh cho ba mẹ sang Pháp tuy hơi chậm nhưng thế nào cũng xong. Con gắng đợi ít lâu nữa nhé! Hãy cố mà lo sức khỏe cho mấy cháu!

          Thôi, mẹ xin tạm ngừng bút và gởi lời chúc sức khỏe chị sui!

          Mẹ của con.

    Tái bút: Biết con đang túng thiếu, mẹ gởi con 2 chỉ vàng để phòng khi cần dùng đến, nhất là trong việc săn sóc sức khỏe mấy cháu. Cầu ơn trên ban cho con thật nhiều  nghị lực để vượt qua những khó khăn!”

    Đọc xong lá thư của bà ngoại, tôi chỉ biết thở dài. Chắc mình còn nặng nợ với cái tập đoàn này! Đành ráng chờ đợi chứ biết làm sao!

    *

    Hai ngày sau khi nhận được thư của bà ngoại thì tôi nhận được một tấm giấy của ban công an mời lên xã làm việc, lý do cho biết sau. Sự việc này khiến tôi lo lắm. Có ai biết việc tôi nhận thư của ba tôi rồi xuyên tạc gì chăng? Những người quen biết tôi cũng tỏ ra ái ngại cho tôi. Tôi đã đến trình diện công an xã đúng giờ hẹn. Khi biết mình phải làm việc với chính trưởng công an xã Lê Đình Thiện, tinh thần tôi lại càng bất an. Tôi nghĩ chắc có vấn đề gì quan trọng!

    Bước vào phòng công an xong tôi mới biết mình đã lo ngại hơi quá đáng. Ông Thiện mời tôi ngồi nói chuyện một cách lịch sự:

    • Chào cô Diệu Ngọc, hôm nay tôi mời cô đến đây với mục đích minh xác một vài điều về anh Thành, chồng của cô. Tôi mong cô vui lòng cung cấp những gì mà cô biết được để việc làm của chúng tôi chóng hoàn tất!

    Ông ta vừa nói vừa lôi ra một cuốn sổ để ghi chép. Công an hỏi thì công dân có bổn phận trả lời. Tôi nói:

    • Thưa ông, ông cứ hỏi, tôi xin thành thật trả lời những gì tôi biết được.
  • Vậy, bây giờ cô có biết anh Thành đang ở đâu không?

  • Dạ thưa, từ sau ngày giải phóng tôi chưa nhận được tin tức gì về anh ấy cả.

  • Lúc Tổng Thống ngụy Dương Văn Minh đầu hàng thì anh Thành chồng cô đang ở đâu cô biết không?

  • Dạ, lúc ấy chồng tôi đang ở quân y viện Cộng Hòa, bị cưa chân chưa lành.

  • Sau đó thì mất liên lạc? Cô Ngọc có nghĩ là chồng cô đã sang Mỹ rồi không?

  • Thưa không, vì người lành lặn còn đi không được huống lúc ấy chồng tôi đã thành người què cụt.

  • Thôi được, cô Ngọc đang làm ăn với tập đoàn 9 thấy có thoải mái không?

  • Đây là câu hỏi làm tôi lúng túng vì tôi không thể hiểu dụng ý của viên trưởng công an. Suy nghĩ một lát tôi trả lời:

    • Dạ, tôi làm ruộng chưa quen nên cũng khá vất vả.
  • Trong tập đoàn có ai ức hiếp, ép uổng chi cô không?

  • Dạ không.

  • Thế ông Nhiêu, ông Phước, các ông ấy đối xử với cô có tốt không?

  • Tại sao ông ta lại nêu rõ tên hai người mà chính tôi cũng đang đặt vấn đề? Có cạm bẫy gì không đây? Thôi cứ coi như không biết gì vẫn hơn. Tôi nói:

    • Dạ tốt, hai ông ấy không hề có sự phân biệt đối xử nào với tôi cả.
  • Vậy thì tốt! Nếu bây giờ biết được chồng cô đang ở đâu cô có đi thăm không?

  • Tôi lại chột dạ. Ông ta định giở ngón gì nữa đây? Sau một lát suy nghĩ, tôi đáp:

    • Thưa ông, có lẽ bất cứ người vợ nào bị xa cách chồng ngoài ý muốn, khi biết được tin chồng mình ở đâu họ đều muốn đi thăm cả!

    Ông Thiện cười với nụ cười cởi mở rồi lấy ra một lá thư đã bóc, bì thư trông đã cũ nhàu đưa cho tôi:

    • Cô xem đi!

    Bao thư đề tên người gởi lạ hoắc, không có địa chỉ. Người nhận thì đề tên và địa chỉ của ông nội mấy cháu tức địa chỉ tôi đang ở. Tôi ngạc nhiên lấy mảnh giấy bên trong ra xem. Đúng là nét chữ của anh Thành. Thư chỉ giản dị mấy dòng viết trên mặt trống của tấm giấy lót trong bao thuốc lá có nhiều dấu gấp:

    “Ai lượm được giấy này xin làm ơn gởi về địa chỉ dưới đây: Ông…, thôn 3 xã Thiện Trường… Con vẫn bình an. Hiện con đang được chuyển về Xuyên Mộc. Con của ba mẹ. Thành.”

    Tôi mừng đến trào nước mắt. Vậy là cầm chắc anh Thành vẫn còn sống! Đợi tôi đọc xong ông Thiện nói:

    • Thư không nói rõ chuyển về trại nào, cô cũng khó tìm đấy! Nhưng nếu cô muốn đi tìm chồng, tôi sẵn sàng cấp giấy phép cho cô! Lá thư này tôi nghĩ chắc chồng cô đã thả dọc đường trong khi di chuyển. Có thể nay mai cô sẽ nhận được thư báo chỗ ở chính thức của chồng cô. Tôi lập lại, khi nào cô muốn đi thăm chồng cứ đến gặp tôi, tôi sẽ cấp giấy phép. Đừng ngại chi cả! Hôm nay tôi gặp cô chỉ để chính thức báo tin này để cô khỏi bị hoang mang, dao động tinh thần, đồng thời cũng để động viên cô yên tâm lo làm ăn nuôi con. Khi nào có ai ép uổng gì cô cứ cho tôi hay tôi sẽ can thiệp giúp. Từ nay cô cứ coi tôi như một người bạn. Cám ơn cô đã giúp tôi trong công việc. Bây giờ cô có thể ra về.

    Thấy tôi ngập ngừng chưa muốn đứng dậy, ông Thiện hỏi:

    • Cô Ngọc còn thắc mắc điều gì phải không?
  • Thưa ông, như thế chắc chồng tôi đang ở một trại cải tạo nào đó?

  • Tất nhiên! Rõ ràng anh ấy đang ở trại cải tạo mới có vụ di chuyển bất đắc dĩ như trong thư đã nói. Nếu không, tại sao anh không cho biết sẽ về đâu mà lại phải thả thư rơi dọc đường?

  • Thưa ông, tại sao cách mạng không thể tha thứ một người què cụt như chồng tôi trong khi các cơ quan truyền thông của chính phủ đang đề cao chính sách khoan hồng?

  • Vấn đề này thuộc thẩm quyền của nhân dân. Đảng và nhà nước tuy có chính sách khoan hồng nhưng cũng không thể vượt quyền quyết định của nhân dân được! Có lẽ trước đây anh ấy đã gây tội ác nhiều nên nhân dân chưa chịu tha thứ. Tuy vậy, anh ấy đã được đảng và nhà nước che chở và giáo dục thì không đến nỗi nào đâu! Cô cứ yên chí về lao động nuôi con!

  • Đúng là chính quyền của nhân dân! Lúc nào, chuyện gì cũng có nhân dân can thiệp cả! Tôi đành chào ông Thiện để ra về. Bây giờ tôi phải làm cách nào để đi thăm anh ấy? Lần trước khi anh ấy mới bị thương tôi dật dờ không chịu đi thăm liền nên đã bị ray rứt hối hận ngót hai năm nay! Chẳng lẽ bây giờ lại để lỡ làng một lần nữa? Tôi nghĩ ngay đến hai chỉ vàng ông bà ngoại mới cho.

    Tối hôm đó chị Lâm, chị Hiền, chị Mẫu, chị Vàng lần lượt đến thăm tôi để hỏi thăm về vụ tôi bị công an mời lên làm việc. Nghe tôi báo tin anh Thành còn sống ai nấy đều mừng cho tôi  và vui vẻ ở lại nói chuyện. Nhưng khi nghe tôi tỏ ý định đi thăm anh Thành thì chị Lâm ngăn lại:

    • Chú ấy còn sống tất nhiên trước sau cũng sẽ gởi thư báo về, đừng nôn! Chứ nghe chung chung vậy cô biết đâu mà tìm? Tiền mất tật mang vô ích thôi!

    Những người khác ai cũng nói như vậy cả. Bà nội nói:

    • Mấy chị nói phải đó con! Thôi, cứ đợi ít lâu nữa rồi tính!

    Sau một hồi nói chuyện, chị Mẫu với vẻ mặt quan trọng, nhìn quanh mọi người rồi hỏi nhỏ:

    • Mấy chị có nghe vụ bà thợ Hào bị đánh gẫy chân chưa?

    Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

    • Thím Hào thợ mộc bị điên đó hả chị?
  • Ừ, bà đó chứ ai nữa!

  • Nhưng sao người ta lại đánh thím ấy?

  • Nghe nói tại bà cứ đi ngang trước ủy ban xã, tay vỗ bem bép vào cửa mình, miệng gào thét “thu mua là thua mu” mãi nên mới xảy ra chuyện. Trước đây du kích xã đã nhiều lần xua đuổi, họ đã đem nhốt bà để dọa mấy lần thế nhưng bà đâu có chừa! Vừa rồi nghe nói bà ta lại giở bản cũ, khiến bọn du kích sùng máu dùng báng súng đánh sao đó đến gẫy chân luôn!

  • Chị Lâm thở dài:

    • Tội nghiệp chưa! Thế rồi người ta làm sao? Có ai giúp đỡ gì bà ấy không?

    Chị Mẫu thấp giọng:

    • Ai mà dám giúp! Bà ta nằm giữa đường vừa rên la vừa chửi bới một hồi rồi lết đi đâu mất! Tôi nghe nói vậy không biết có đúng không. Mình cũng nên dè dặt kẻo đôi khi mang họa oan!

    Đã gẫy chân làm sao lết đi đâu được? Tôi hi vọng thím Hào chỉ bị thương ở một mức độ nhẹ hơn. Nhưng nghĩ lại, một người vừa mất trí nhớ, vừa bị thương, lại còn bị cô lập, thiếu ăn, thiếu thuốc men, tôi sợ thím ấy khó vượt qua được tai biến này!

    Đêm đó tôi nằm trằn trọc mãi không ngủ được. Một người suốt đời sống hiền lành, biết ăn ở với mọi người, tự dưng mắc nạn đến nhà tan cửa nát! Bây giờ thím ấy đang lê thân về nơi nào? Vết thương của thím sẽ ra sao? Chú Hào đang ở trong tù có biết hoàn cảnh vợ chú đang gặp hoạn nạn như thế không hay lại trách móc thím đã bỏ rơi chú? Có ai dám giúp đỡ thím ấy trong trường hợp này không? Rồi tôi lại liên tưởng đến chồng tôi. Hiện giờ anh ấy một thân trơ trọi chịu đói rách, thiếu thốn mọi thứ trong chốn lao tù! Với đôi chân cụt, những lúc đi cầu đi tiểu anh ấy bò lết làm sao? Tương lai chồng tôi sẽ đi về đâu? Nghĩ đến đây nước mắt tôi lại trào ra ràn rụa…

    *

    Những ngày kế tiếp, sự mệt nhọc đã làm tôi dần quên câu chuyện thương tâm ấy. Chừng hơn một tuần sau đó, thôn 3 có vụ phân phối dầu hỏa tại nhà ông thôn trưởng. Tôi nhân buổi tối đi làm về ghé lại lãnh dầu luôn thể. Tôi nghĩ đi buổi tối sẽ khỏi phải chờ đợi lâu, nào ngờ khi đến nơi thì thấy người ta vẫn còn sắp hai hàng song song khá dài. Trong khi chờ đợi, tôi bỗng nghe tiếng cãi cọ phía trước. Tiếng cãi cọ lúc đầu còn nho nhỏ, sau lớn dần. Ngoại trừ vài đứa nhỏ, những người đứng gần tôi đều cố gắng im lặng để nghe…

    • Chị bắt nạt người ta vừa vừa thôi chứ! Tôi đã làm gì, đã nói lời gì quấy mà chị bảo tôi phản động? Bà mợ tôi chết tôi không có quyền nói một lời thương tiếc à?
  • Tôi đâu có nói chị phản động! Tôi nói là nói con mẹ Hào điên dại kia mà! Nó ăn nói tục tỉu xúc phạm đến bác Hồ, xúc phạm đến nhà nước như vậy không phải là phản động à? Tại sao chị còn dám bênh vực nó?

  • Giọng thứ nhất tôi không nhận ra ai nhưng giọng thứ hai rõ ràng là cái giọng khét rẹt của bà Lượm, một cán bộ mới tham gia cách mạng sau ngày giải phóng! Đó là một phụ nữ lúc nào cũng hăng say phát biểu, tố cáo những hành vi mà bà ta cho là tiêu cực hoặc phản động trong các buổi họp thôn xã đã khiến nhiều người chạy mặt. Nhưng có lẽ tức nước vỡ bờ, người kia vẫn không chịu nhân nhượng, mỉa mai:

    • Tôi thách chị đó! Chị muốn đưa tôi vào tù cứ đưa đi!

    Thấy cảnh cãi cọ gây mất trật tự, ông thôn trưởng bực mình nói lớn:

    • Thôi, xin mấy bà im lặng để anh em còn đong dầu cho bà con về nghỉ chứ! Hay mấy bà muốn ngừng đong? Ai muốn cãi nhau cứ ra ngoài kia mà cãi cho thỏa mãn!

    Cuộc cãi vã chấm dứt nhưng mọi người lại to nhỏ hỏi nhau về nguyên nhân của câu chuyện. Lát sau tôi mới biết tin thím Hào đã chết. Người ta đã gặp thi thể thím nằm trong một con lạch cạn trồng rau muống. Có thể sau khi bị đánh què chân, thím Hào đã lết đến nơi này để bẻ rau muống ăn hoặc uống nước. Cũng có thể một bàn tay nào đó đã quăng thím xuống nơi đó. Vì xác chết đã có mùi nên xã chỉ lập thủ tục qua loa rồi cho người đem chôn.

    Mấy ngày sau khắp xã Thiện Trường ở đâu cũng nghe bàn tán về cái chết thương tâm ấy. Nó không còn đơn giản chỉ là chuyện một người điên bị chết mà trở thành một vấn đề to tát hơn. Nó vô tình phơi bày cho thiên hạ thấy một phần nào đó bản chất của chế độ hiện hữu. Người đàn bà này trước đây chưa bao giờ chưa bao giờ phạm một tội ác, chưa bao giờ gây một sự rắc rối nhỏ trong xóm làng. Chú Hào, chồng nạn nhân cũng chưa bao giờ làm việc trong chính quyền chế độ cũ, chưa bao giờ làm một việc gì bất chính. Vậy nguyên nhân nào đưa đến sự tan nát phân ly tận cùng của gia đình này? Đó là một điều đã làm cho bao nhiêu người phải đau đớn suy nghĩ!

     

    Đọc tiếp Chương 12