SỰ THẬT VỀ CÂU CHUYỆN “MỐI TÌNH MANELI”

TOÀN NHƯ

Vừa qua, câu chuyện về “Mối Tình Maneli” được luân lưu trên mạng đã tạo ra một sự tò mò chú ý của dư luận. Tuy nhiên dư luận cũng tỏ vẻ hoài nghi về những sự kiện được nêu trong câu chuyện này.

 

“Mối tình Maneli” là gì?

 

Mới đọc qua cái tựa đề “Mối tình Maneli” người ta cứ tưởng đây là một câu chuyện tình (love story) liên quan đến một người tên Maneli, nhưng sự thật không phải như vậy. Người viết, nếu không lầm, thì tác gỉa khi viết về “Mối tình Maneli” đã dịch từ chữ “Maneli Affair”, nhưng chữ “Affair” ở đây không có nghĩa là “mối tình”, mà nó mang một ý nghĩa khác hơn là chuyện tình ái. Theo định nghĩa của tự điển Merriam-Webster, chữ “Affair” có những nghĩa như sau:

 

Affair(s): – work or activities done for a purpose: commercial, professional, public, or personal business

– a matter that concerns or involves someone

– a secret sexual relationship between two people

Như vậy rõ ràng chữ ‘Affair’ ở đây ngoài ý nghĩa là một công việc, nó còn mang ý nghĩa là chuyện tình ái bí mật hay là chuyện ngoại tình giữa hai người chứ không phải là một câu chuyện tình bình thường.

Ở đây, trong bài báo viết về “Mối tình Maneli” tác gỉa muốn ám chỉ chuyện liên lạc bí mật giữa (Mieczyslaw) Maneli và ông Ngô Đình Nhu, bào đệ của tổng thống Ngô Đình Diệm, vào năm 1963, trước khi xảy ra vụ đảo chánh lật đổ tổng thống Diệm đã dẫn đến cái chết của hai anh em ông.

Mieczyslaw Maneli là một nhà ngoại giao Ba Lan, trưởng phái đoàn Ba Lan tại Việt Nam trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến theo hiệp định Genève 1954. Ông là người đóng vai trung gian liên lạc giữa ông Ngô Đình Nhu và Bắc Việt nhằm tìm kiếm một giải pháp chấm dứt chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc / Việt Nam. Việc liên lạc này gần như bí mật, không công khai nên trong nghĩa cảnh đó, “Maneli Affair” đúng ra phải hiểu là “Chuyện đi đêm của Maneli” mới là hợp lý. Nó tương tự như chuyện đi đêm giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ trong cuộc hòa đàm Paris 1973.

Theo tác gỉa bài báo viết về “mối tình Maneli” cho biết, trong cuộc tiếp xúc bí mật của Maneli với ông Ngô Đình Nhu vào năm 1963, Maneli đã được ông Nhu đưa ra đề nghị với cộng sản Hà Nội rằng, “Việt Nam Cộng Hòa đồng ý viện trợ kinh tế bao gồm lúa gạo, sản phẩm gia dụng và y tế cho Cộng Sản Hà Nội nếu Cộng Sản Hà Nội đồng ý tuyên bố đứng trung lập, không gia nhập khối Xã Hội Chủ Nghĩa và cùng với Việt Nam Cộng Hòa tham gia liên minh “Các Nước Không Liên Kết” của Ấn Độ.” Ngoài ra, Việt Nam Cộng Hòa cũng “cam kết thuơng mại trao đổi với Cộng Sản Bắc Việt và sẽ cố gắng giúp Hà Nội thoát khỏi tình trạng đói kém do đang bị cô lập với thế giới bên ngoài và phải sống bằng viện trợ chu cấp mọi thứ bởi Bắc Kinh để đến nỗi buộc lòng phải đi theo đường lối Đấu Tố của Mao Trạch Đông khiến hai trăm ngàn oan mạng bị giết chỉ trong vài năm. Cộng sản Hà Nội đã lưỡng lự trước nước cờ táo bạo này của ông Ngô Đình Nhu; trong khi Hoa Kỳ thì tức giận cho rằng đây là một sự phản bội nên đã quyết tâm loại bỏ anh em ông Diệm bằng mọi gía.”

 

Sự thật về chuyện đi đêm của Maneli

 

Không rõ tác gỉa bài báo đã dựa trên tài liệu nào để xác quyết nội dung về một đề nghị  thương thảo như vậy. Theo người viết (có thể chủ quan) khẳng định rằng, từ trước đến nay chưa có một tài liệu nào đề cập đến nội dung cuộc thương thảo hay trao đổi giữa ông Ngô Đình Nhu và cộng sản Hà Nội như bài báo nói trên.

1

Theo cuốn hồi ký “War of the Vanquished” (Chiến Tranh của Những Kẻ Chinh Phục) của Mieczyslaw Maneli, thì ông chỉ tiếp xúc riêng với ông Ngô Đình Nhu hai lần không hẳn là bí mật nhưng kín đáo. Chỉ với hai lần ngắn ngủi như vậy thì chắc hẳn ông Nhu không thể đưa ra một đề nghị viện trợ táo bạo như vậy cho Bắc Việt. Hơn nữa, vào thời điểm 1963, Việt Nam Cộng Hòa còn phải lệ thuộc vào sự viện trợ quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ, làm sao có khả năng viện trợ cho Miền Bắc như bài báo đã dẫn.

 

Về hai lần Maneli gặp gỡ ông Ngô Đình Nhu, cũng trong cuốn “War of the Vanquished”, Mieczyslaw Maneli đã kể lại như sau. Lần thứ nhất, ông đã gặp ông Nhu trong một buổi tiếp tân tại Bộ Ngoại Giao VNCH vào ngày 25 tháng 8, 1963 (tức khoảng hơn hai tháng trước cuộc đảo chánh TT Diệm). Dĩ nhiên, giữa một nơi đông đảo quan khách như vậy, cả hai không thể bàn thảo những chuyện riêng tư ngoài việc trao đổi những câu thăm hỏi xã giao có tính cách ngoại giao. Được biết, trong cuộc nói chuyện này, ông Nhu đã đề cao vai trò của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến mà Ba Lan là một nước thành viên cùng với Ấn Độ và Gia Nã Đại.

 

Sau lần gặp gỡ đầu tiên đó, đúng một tuần sau, vào ngày 2 tháng 9, 1963, ông Nhu đã mời Maneli đến gặp ông tại phòng đọc sách trong Dinh Gia Long. Lần này cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 45 phút. Theo Maneli, trong cuộc gặp gỡ này, ông Nhu đã nói: “Tôi không chống lại việc thương thảo và hợp tác với Bắc Việt. Ông biết rằng, nhiều nhà ngoại giao Tây phương đã từng đề nghị như vậy. Ngay cả trong trận đánh dữ dội nhất, người dân Việt vẫn không bao giờ quên ai là người Việt Nam và ai là người ngoại quốc. Chỉ cần chúng tôi bắt đầu được một cuộc đối thoại, thì sự sáp lại gần nhau sẽ có thể đạt được. Trong vấn đề này, Ủy Hội và riêng ông có thể đóng một vai trò tích cực…”

 

Trong cả hai lần gặp gỡ nói chuyện với Maneli, ông Ngô Đình Nhu không hề đề cập gì đến chuyện Việt Nam Cộng Hòa viện trợ cho Bắc Việt để đổi lấy sự trung lập của Bắc Việt và sự tách rời khỏi khối xã hội chủ nghĩa của miền Bắc. Ông Nhu chỉ bày tỏ sự mong muốn có một sự đối thoại với miến Bắc. và muốn lợi dụng những cuộc tiếp xúc này (chắc chắn đã bị CIA theo dõi) để tạo ra một tin đồn về một viễn ảnh cho một cuộc thương thuyết tay đôi giữa hai miền Nam – Bắc VN. Và qủa thực vào thời gian đó, đã có những tin đồn ở Sài Gòn rằng, ông Nhu, đại diện cho tổng thống Diệm trong vai trò cố vấn, đã có những cuộc tiếp xúc bí mật với phía Việt cộng để tìm một giải pháp cho Việt Nam.

 

Dĩ nhiên trước một gợi ý hấp dẫn như vậy của ông Ngô Đình Nhu, nhà ngoại giao Ba Lan Maneli đã không bỏ lỡ cơ hội bay ra Hà Nội gặp gỡ các lãnh tụ miền Bắc để truyền đạt những đề nghị của ông Nhu. Mặc dù trước đó ông đã từng ra Hà Nội để báo cáo về lời đề nghị trung lập hóa miền Nam của vị đại sứ Ấn Độ ở Sài Gòn. Không những vậy, Ấn Độ còn mời gọi hai miền Nam, Bắc cùng tham gia vào “Khối Các Quốc Gia Không Liên Kết” do Ấn Độ thành lập. Tuy nhiên, đây mới là lần ông đề cập đến sự gợi ý của ông Nhu về một sự thương thảo giữa hai miền để thăm dò vì thực tế ông Nhu chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể nào. Nhưng có vẻ như Bắc Việt không mặn mòi lắm với những lời đề nghị này.

 

Sở dĩ phải gọi việc Maneli làm trung gian liên lạc giữa ông Nhu và Hà Nội là một việc đi đêm vì việc làm của Maneli không được chính phủ Ba Lan ủng hộ và tán thành. Chính phủ Ba Lan chỉ muốn Ba Lan qua ông Maneli làm nhiệm vụ của một thành viên trong  Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến theo đúng như hiệp định Genève 1954.

 

Thực ra, kế hoạch thương thảo giữa hai miền Nam, Bắc Việt Nam là đề nghị của đại sứ Pháp Roger Lalouette tại Sài Gòn chứ không phải là kế hoạch của ông Nhu. Ông Nhu chỉ lập lại và bày tỏ sự không phản đối về một sự thương thảo nếu có. Theo đề nghị của Đại sứ Lalouette, kế hoạch thương thảo giữa Hà Nội và Sài Gòn sẽ gồm có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là đại diện của hai bên gặp nhau để thảo luận về triển vọng của một cuộc thương thuyết. Giai đoạn hai là hai miền Nam, Bắc trao đổi tượng trưng về văn hóa và kinh tế (nên nhớ, sự trao đổi kinh tế và văn hóa trong giai đoạn này có tính hỗ tương chứ không phải là đơn phương từ một bên nào). Giai đoạn ba, cuối cùng là sự thương thuyết thực sự giữa hai miền để tìm một giải pháp chính trị lâu dài như tổng tuyển cử và thống nhất đất nước.

 

Trên thực tế, giai đoạn I đã và chưa bao giờ xảy ra có thể vì nó mới chỉ ở trong giai đoạn thăm dò thì cuộc đảo chánh đã xảy ra. Tuy nhiên, theo các tướng lãnh thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ tổng thống Diệm đã tố cáo rằng, ông Ngô Đình Nhu từng có cuộc gặp gỡ tại một địa điểm bí mật với Phạm Hùng, một cán bộ cao cấp của cộng sản, khiến cho họ phải thực hiện cuộc đảo chánh để ngăn ngừa anh em ông Diệm – Nhu thỏa hiệp với cộng sản. Thực ra, đây chỉ là một sự bịa đặt của phe đảo chánh để kết tội ông Nhu là người muốn hợp tác với cộng sản. Chính vì ông Nhu chưa tiếp xúc với một người nào bên phía cộng sản nên vì thế giai đoạn I đã không diễn ra và toàn bộ cái kế hoạch của Lalouette cũng đã không thể thực hiện. Tuy nhiên, điều ấy đối với ông Nhu không quan trọng. Ông chỉ muốn lợi dụng cuộc tiếp xúc bí mật với Maneli để bắn tiếng cho người Mỹ hiểu rằng miền Bắc và miền Nam đang muốn tiến gần đến nhau bằng một cuộc thương thuyết. Nếu Hoa Kỳ không ủng hộ miền Nam (như Hoa Kỳ đã hăm dọa cúp viện trợ cho VN), Hoa Kỳ có thể sẽ mất đi một đồng minh quan trọng ở Đông Nam Á.

 

Chủ đích của ông Ngô Đình Nhu khi tiếp xúc với Maneli chỉ mang một ý nghĩa tượng trưng. Ông chưa đưa ra một đề nghị cụ thể nào về một sự thương thuyết. Người ta đã thêu dệt, liên kết những đề nghị và kế hoạch của hai vị đại sứ đại diện cho hai quốc gia Ấn Độ và Pháp trở thành kế hoạch của ông Nhu. Không những vậy, họ còn gán cho ông là tác gỉa của những đề nghị táo bạo như trao đổi văn hóa và viện trợ kinh tế cho miền Bắc.

 


 

Câu chuyện đi đêm giữa Maneli và ông Ngô Đình Nhu diễn ra đã trên nửa thế kỷ. Cả hai nhân vật liên hệ trong câu chuyện nay đều đã ra người thiên cổ. Người ta tiếc cho những toan tính của ông Ngô Đình Nhu về một giải pháp cho Việt Nam cũng như việc đi đêm của nhà ngoại giao Ba La Maneli chưa đi đến đâu thì cuộc đảo chánh tổng thống Diệm đã diễn ra với một kết cuộc bi thảm. Cả ông Ngô Đình Nhu  và tổng thống Ngô Đình Diệm đều đã bị sát hại. Cái gọi là “mối tình Maneli” hay cuộc đi đêm của Maneli đã chìm vào hư vô với nhiều bí ẩn vẫn còn chưa được đưa ra ánh sáng. Riêng về nhân vật chính trong chuyện đi đêm Maneli, nhà ngoại giao Mieczyslaw Maneli sau 5 năm phục vụ tại Việt Nam (1963-1968) đã trở về Ba Lan làm giáo sư đại học (Luật) một thời gian rồi vì bất đồng chính kiến với chính quyền (cộng sản) Ba Lan đã xin tị nạn chính trị tại Mỹ trong thập niên 1980 và qua đời tại Houston (TX) vào năm 1994.

 

TOÀN NHƯ

 

Tài liệu tham khảo:

  • Poland and Vietnam, 1963: New Evidence on Secret Communist Diplomacy and the “Maneli Affair”, của Margaret K. Gnoinska (2005)
  • War of the Vanquished / Mieczyslaw Maneli (1971)
  • Việt Nam Chính Sử / Nguyễn Văn Chức (1991)
  • Hồi Ký Đỗ Mậu (Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi) (1986)