Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 8

th (16)

Khi quân Chiêm đã rút khỏi Thăng Long, vua Nghệ Tôn mới cùng triều thần hồi kinh. Nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát của kinh thành, nhà vua rơi nước mắt than thở với quần thần:
-Ta làm thiên tử mà để giang sơn bị giặc tàn phá như vậy, không những đắc tội với tiên tổ mà còn có lỗi lớn với muôn dân nữa. Đền miếu bị phá phách, cung thất bị đốt rụi, khotàng bị hốt sạch, lấy gì để kiến thiết lại? Mấy năm qua sưu cao thuế nặng, giặc giã liên miên, dân chúng cùng khổ lắm rồi! Cung thất giờ đây chỉ nên xây dựng lại đơn sơ mộc mạc ở được thì thôi. Phải lấy các tản quan,* tôn thất phục dịch chứ đừng phiền nhiễu đến dân chúng tội nghiệp!
Các quan nghe vua nói đều ngậm ngùi. Từ đó vua Nghệ Tôn đã tự ép mình vào cuộc sống kiệm ước. Chỗ ở không chưng diện vàng ngọc châu báu, xe cộ không trang trí lộng lẫy, ăn uống không đòi cao lương mỹ vị. Ngài cũng tự giới hạn hết thảy các cuộc vui chơi giải trí như các vị vua khác. Mặc dù già yếu, chỉ trừ khi bệnh nằm liệt giường, ngài không bỏ qua một phiên chầu nào. Ngài luôn nhắc nhở các quan tại triều phải chăm lo công việc, ở nhà phải lo giáo dục con cái hoặc đọc sách để mở rộng kiến thức, để học theo đức độ của thánh hiền.
Thấy các con mình không đủ khả năng trị vì thiên hạ trong hoàn cảnh đất nước nhiễu nhương này, vua Nghệ Tôn phong người em cùng cha khác mẹ là Cung Tuyên vương Trần Kính làm hoàng thái tử. Trần Kính chính là người đã dày công giúp ngài truất phế Dương Nhật Lễ giành lại thiên hạ cho nhà Trần và cũng là người sát cánh bảo vệ vua Nghệ Tôn trong những ngày nguy biến vừa qua.
Sau đó, vua Nghệ Tôn lấy người em cô cậu là Lê Quý Ly làm Khu mật viện đại sứ rồi gả cô em gái mới góa chồng là công chúa Huy Ninh cho. Sang tháng 8 vua sai Quí Ly đi Nghệ An để chiêu tập dân chúng, vỗ yên nơi biên giới.
Tháng 11 năm Nhâm Tý*, vua Nghệ Tôn nhường ngôi cho hoàng thái tử Trần Kính để lên làm Thái thượng hoàng. Hoàng thái tử Trần Kính lên ngôi tự xưng là Khâm hoàng, đổi niên hiệu là Long Khánh. (Khi mất Khâm hoàng được tôn miếu hiệu là Duệ Tôn, vậy từ đây xin gọi là vua Duệ Tôn cho tiện).
Vua Duệ Tôn tánh khí cương quyết, dũng cảm và rất tự tin. Vừa lên cầm quyền, ngài liền cử Hành khiển tham mưu quân sự Đỗ Tử Bình ra trấn giữ Hóa Châu là nơi người Chiêm hay quấy phá. Đỗ Tử Bình cũng được giao thêm nhiệm vụ tổ chức một đội do thám len lỏi vào đất Chiêm để theo dõi tình hình. Khi nước Chiêm xảy ra vấn đề gì quan trọng, Tử Bình phải cấp tốc báo về cho triều đình biết.
Vua Duệ Tôn là một vị vua năng động ít ai sánh kịp. Ngài lo cải cách việc nội trị, chấn chỉnh lại xã hội, mở khoa thi cử để chọn nhân tài ra giúp nước. Việc được ngài quan tâm cải tổ nhiều nhất chính là vấn đề quân sự. Ngài cho tuyển mộ trai tráng để bổ sung vào quân đội, tu sửa và đóng thêm chiến thuyền, hạ chiếu cho dân quyên thóc cho nhà nước để nuôi quân, ban thưởng tước phẩm cho những người đã quyên tặng theo thứ bậc khác nhau tùy theo số lượng thóc quyên tặng. Ngài cũng cho chọn các quan viên có tài năng, biết luyện tập võ nghệ, thông hiểu thao lược, bất luận ở giai cấp nào cũng được bổ làm tướng chỉ huy. Nhờ thế, quân đội nhà Trần đã dần phục hồi sức mạnh. Bên ngoài, ngài cho sứ sang thông hiếu với nước Chân Lạp và nước Xiêm để tạo thế liên kết khi cần.
Khi thấy quân đội đã đủ mạnh, vua Duệ Tôn có ý định thân hành đem quân chinh phạt Chiêm Thành để rửa cái hận đốt phá Thăng Long năm Tân Hợi. Thấy vua chuẩn bị đánh Chiêm Thành, Ngự sử đại phu Trương Đỗ dâng sớ can: “Chiêm Thành chống lệnh, tội tuy đáng phải giết, song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó sẽ tự đến thần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đánh cũng chưa muộn”.
Vua Duệ Tôn bác bỏ không nghe. Trương Đỗ lại dâng sớ can thêm hai lần nữa nhưng vua vẫn tiếp tục bác bỏ. Trương Đỗ bèn treo mũ bỏ quan về ở ẩn.
Tiếp đó Ngự sử trung tán Lê Tích cũng dâng sớ can rằng: “Binh đao là đồ hung khí, không nên tự mình gây ra. Huống chi ngày nay vừa mới dẹp được giặc trong nước, thế như cái nhọt lâu năm chưa khỏi, chúa không nên vì mối tức giận riêng mà dấy quân, tướng không thể cầu công mà đánh liều. Dù Chiêm Thành không có lòng thần phục cũng chỉ nên sai tướng đi đánh để chờ trời diệt chúng. Còn xa giá thân chinh thì thần trộm nghĩ không nên”.
Thế nhưng vua Duệ Tôn vẫn không nghe. Hành khiển Phạm Huyền Linh tâu:
-Từ thời Đại Trị (Dụ Tôn) qua thời Đại Định (Nhật Lễ), dân ta đã phải gánh chịu bao nhiêu thứ thuế không chính thức, đói rách tả tơi. Vừa qua lại bị giặc Chiêm cướp phá điêu tàn, kho tàng quốc gia trống rỗng. Nay đất nước mới bắt đầu hồi sinh, quân đội tuy đã được chỉnh đốn vững mạnh, thiết tưởng chưa nên đi đánh phương xa, lấy gì để đắp vào chỗ tiêu phí nếu không trông cậy vào sức dân? Việc này sợ không hợp với ý muốn của Thượng hoàng! Thần xin thảo một tờ chiếu gởi cho Chiêm vương, phân tích lẽ lợi hại và kêu gọi Chiêm vương thần phục trở lại. Nếu Chiêm vương không chịu nghe, bấy giờ ta hãy ra quân!
Vua Duệ Tôn nghe lời, sai Phạm Huyền Linh thảo một chiếu thư gởi Chiêm vương Chế Bồng Nga như sau:
“Vâng mệnh trời hoàng đế chiếu rằng: Từ các năm Đại Trị, việc chính trị suy đồi. Tiếp đến ngụy Nhật Lễ lại tiếm vị, càng làm thiên hạ đổ nát. Tới khi Thượng hoàng chấp chính, ngươi chỉ là một phiên vương đã thừa lúc quốc gia thiếu ổn định, dám đem quân xâm phạm kinh đô. Đó là một tội lớn đáng chết! Nay trẫm đã nối đại thống, đang chỉnh đốn lại trật tự quốc gia. Trẫm hiện có hàng vạn binh hùng tướng mạnh trong tay, nhưng trẫm nghĩ việc trị dân phải lấy đức làm căn bản. Trẫm không muốn thấy người dân vô tội phải đổ máu. Vì thế, trẫm sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm cũ của các phiên thần khi họ biết hối cải. Trường hợp ngươi cũng vậy! Nếu biết tội mình đã gây ra mà hối cải hãy cho sứ giả sang cống thiên triều như lệ cũ, mọi việc sẽ êm thấm. Đó là phước lớn cho binh dân cả hai nước. Nếu ngươi cứ chấp nê, tiếp tục giữ thói ngông cuồng không chịu khuất phục, trẫm buộc lòng phải cử binh chinh phạt! Trẫm đã liên kết với nước Chân Lạp và nước Xiêm, họ cũng sẵn sàng hội binh với thiên triều để diệt lũ nghịch tặc! Ngươi liệu sức mình có chống lại nổi thiên triều hay không? Ngươi đang cầm vận mạng toàn dân nước Chiêm, cứ tùy ý tính toán hơn thiệt mà hành động!”.
Chiếu thư thảo xong, vua Duệ Tôn chưa tìm ra người đi sứ thì có người của Hành khiển tham mưu quân sự Đỗ Tử Bình từ Hóa Châu về báo tin biên giới! Vua Duệ Tôn liền đòi người đưa tin vào để hỏi tình hình. Khi biết được tướng Chiêm là Bố Đông đang tập trung quân cách biên giới Đại Việt chừng một trăm dặm vua Duệ Tôn nói với các quan:
-Đấy, quân Chiêm lại có ý đồ sang cướp nữa không sai! Thế mà chư khanh cứ khuyên ta đừng đi đánh là sao? Giờ ta đã nhất định đánh Chiêm, chẳng cần mang chiếu thư đi nữa!
Hành khiển Phạm Huyền Linh nghe vua nói thế mới thưa:
-Người có tài ăn nói và biết rõ tình hình Chiêm Thành hơn ai hết chính là quan Hành khiển tham mưu quân sự Đỗ Tử Bình, nay nhân có người của ông ấy về báo việc biên giới, bệ hạ thử giao việc này cho ông Đỗ tính liệu xem sao! Nếu ông Đỗ có cách thuyết phục được Chế Bồng Nga chịu qui phục thì cũng tốt! Nếu ông Đỗ không làm được ta sẽ ra quân cũng không muộn!
Vua Duệ Tôn nghe lời, giao chiếu thư cho người báo việc biên giới mang về cho Đỗ Tử Bình thi hành.
Đỗ Tử Bình từ ngày được vua Duệ Tôn cử đem binh trấn giữ thành Hóa Châu, ông lo lắng lắm. Ngoài việc giữ gìn an ninh cho vùng đất này, ông còn có nhiệm vụ theo dõi tình hình hoạt động của người Chiêm bên kia biên giới. Trên thực tế, biết được quân Chiêm quá thiện chiến, ông chỉ tập trung mọi nỗ lực vào việc phòng thủ. Số người ông bung ra hoạt động do thám bên kia biên giới chẳng bao lăm làm sao nắm vững được tình hình địch? Lâu nay không có gì để báo về triều, Tử Bình rất sợ bị vua khiển trách. Nay thấy quân của tướng Bố Đông tuần tiễu biên giới chăm hơn, ông liền cho người báo ngay về triều. Vua Duệ Tôn mới nhân dịp ấy trao chiếu thư để ông đưa sang Chiêm.
Thấy nội dung tờ chiếu thư lời lẽ cứng rắn quá, Tử Bình đâm ra sợ hãi. Chế Bồng Nga có thể nổi giận giết sứ giả lắm chứ! Nghĩ thế nên ông phải vất vả liên lạc với tướng Bố Đông để trao chiếu thư qua tay ông này dâng lại vua Chiêm.
Nói về vua Chiêm Chế Bồng Nga sau khi ăn mừng thắng trận, ban thưởng cho ba quân xong, ông cho chia số quân chủ lực làm hai đạo. Một đạo ứng trực phục vụ việc công đồng thời tập dượt ôn luyện hằng ngày, một đạo cho về nhà lo công việc riêng. Hai đạo tuần tự thay nhau như thế, đợi gặp lúc thuận lợi lại tập trung đi đánh Đại Việt.
Để đề phòng phía Đại Việt tố cáo vụ quân Chiêm đánh phá Thăng Long có thể gây ra phiền phức, Chế Bồng Nga sai Qua Bốc Nông sang Kim Lăng – kinh đô Trung Hoa – dâng biểu tố cáo Đại Việt xâm lấn đất Chiêm trước. Biểu viết trên tấm vàng lá dài hơn một thước* 5 tấc, nội dung như sau: “Hoàng đế Đại Minh lên ngôi cao quí, chức vị coi sóc bốn biển như trời đất che chở, mặt trời mặt trăng soi sáng. Chế Bồng Nga chỉ đáng là một cây cỏ thôi, được ơn Hoàng đế ban cho ấn vàng, phong làm Quốc vương, lòng trung thành hân hoan đội ơn vạn bội. Duy việc An Nam dùng binh xâm nhiễu bờ cõi, giết bắt quan lại, nhân dân, nguyện được bệ hạ nghĩ đến ban cho binh khí, nhạc khí, chuyên viên về âm nhạc, khiến An Nam biết Chiêm Thành được trang bị thanh giáo, là nước triều cống Trung Hoa thì An Nam không dám khinh thường”.
Nhưng vua Minh không chịu đáp ứng những yêu cầu ấy mà sai Trung thư tỉnh chuyển cho Qua Bốc Nông một văn thư như sau:
“Lân quốc giao thiệp, đạo lý là phương sách hay để giữ đức, thờ nước lớn tận lòng thành để làm trọn lễ của bề tôi. Vả lại Chiêm Thành và An Nam đã là bề tôi của triều đình, cùng phụng thừa lịch Chính Sóc, lại gây việc binh khiến độc hại sinh linh, đã trái lẽ phụng sự bề trên, lại sai đường giao hảo giữa lân bang. Đã báo cho Quốc vương An Nam bãi binh ngay, bản quốc cũng nên để hai bên tôn trọng giữ gìn cương thổ. Việc xin thiên tử binh khí thì nào có tiếc gì, nhưng Chiêm Thành và An Nam đang tranh chấp mà triều đình lại cho riêng Chiêm Thành, là giúp ngươi đánh nhau, rất trái với đạo chiêu an. Việc xin nhạc khí và chuyên viên âm nhạc, thì về thanh luật, Trung Hoa và nước ngoài không khác, nhưng về ngữ âm thì có sự sai biệt giữa Hoa và Di, như vậy khó có thể điều khiển. Nếu ngươi có kẻ tập nói được tiếng Hoa, có thể dạy cho âm luật, hãy tuyển chọn một số người đến kinh đô học tập”.
Lần này vua Minh chỉ ban cho Chiêm Thành một đặc ân là thuyền bè của nước này ghé tỉnh Phúc Kiến đều được miễn thuế.
Cách xử sự dè dặt của vua Minh đã làm Chế Bồng Nga không yên lòng. Ông muốn được vua Minh tin tưởng để dễ bề đối phó với Đại Việt. Sau nhiều lần suy nghĩ, ông đã nghĩ đến một việc làm táo bạo để vừa đem lại lợi ích cho nước Chiêm vừa làm hài lòng vua Minh.
Số là người Chiêm rất giỏi về các nghề trên biển: đánh cá, buôn bán, chuyên chở hàng mướn, ngoài ra còn có một số sống bằng nghề cướp biển nữa! Dân Chiêm quen với nghề biển như thế nên nước Chiêm luôn có những đội quân thủy rất hùng mạnh.
Lúc bấy giờ Minh triều đang bối rối vì cái nạn cướp biển. Chúng cứ đột hiện đột biến bất ngờ cướp bóc dân chúng sống dọc theo duyên hải Trung Hoa. Những thuyền hàng hải của nhiều nước khác đi lại trên biển cũng bị chúng cướp. Quân Minh không thể nào theo dõi để diệt trừ tận gốc được. Hầu hết những tên giặc này là người Nhật. Dân Trung Hoa vẫn quen gọi chúng là giặc Nụy (giặc lùn). Sau khi thực hiện những vụ cướp, bọn giặc thường trở về các sào huyệt kín đáo, hiểm nghèo trên vùng duyên hải, hải đảo nhiều nước. Nhờ những thần dân của mình rành rõi nghề biển, Chế Bồng Nga cũng dần biết được một số sào huyệt của của bọn cướp này. Thế rồi ông mở những cuộc tập kích vào bọn chúng. Kết quả ông đã giết được hai tên tướng cướp đầu sỏ là Trương Nhữ Hậu và Lâm Phúc. Bắt được 20 chiếc thuyền biển, 7 vạn cân tô mộc* cùng tên giặc Ngô Đệ Tứ. Chế Bồng Nga sai Dương Bảo Ma Ha, Bát Đích Duyệt Văn Đán đem những chiến lợi phẩm này dâng vua Minh. Vua Minh mừng lắm, hai lần ban thưởng cho vua Chiêm. Từ đó vua Minh đặc biệt o bế Chiêm Thành. Hai nước Trung Hoa – Chiêm Thành đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc tiểu trừ bọn cướp biển…
Thấy đã đến lúc thuận lợi, tướng La Ngai nói với vua Chiêm:
-Lúc này ta không còn lo ngại về nhà Minh, binh lính nghỉ dưỡng sức như vậy cũng đã đủ. Hiện tại tinh thần quân dân đang lên, ai cũng mong bệ hạ tái chiếm những vùng đất vua Chế Củ và vua Chế Mân đã nhường cho Đại Việt! Bệ hạ định khi nào xuất quân?
Vua Chế Bồng Nga nói:
-Ta cũng đang tính tới việc đó. Binh lương coi như đã sẵn sàng. Ta cũng đã cho người đi thám thính xem Đại Việt động tĩnh thế nào rồi. Đợi có tin tức đích xác sẽ liệu cách để hành động.
Khi triều đình Chiêm Thành biết được tin ở Đại Việt Cung Tuyên vương Trần Kính đã lên ngôi thay vua Nghệ Tôn, Tể tướng Nhã Đam lo ngại nói:
-Bây giờ Đại Việt đã có vua mới, bệ hạ có ý định thay đổi kế hoạch hành động không?
Vua Chế Bồng Nga nói:
-Tùy cơ ứng biến! Nhưng đằng nào cũng phải đánh Đại Việt! Ông cứ việc chuẩn bị sẵn mọi thứ giúp ta!
Truyền lệnh cho Tể tướng Nhã Đam xong, vua Chiêm liền cho triệu cựu hoàng thái phi Đại Việt là Đào thị vào hầu. Khi Đào thị đến, vua Chiêm hỏi:
-Mụ có biết Cung Tuyên vương Trần Kính là người thế nào không?
Như vớ được của báu, Đào thị trả lời không ngập ngừng:
-Tâu bệ hạ, nó chính là tên đại gian đại ác đã chủ động trong việc giúp Trần Phủ cướp ngôi của con trai thiếp! Muốn đánh Đại Việt chóng thắng, bệ hạ phải diệt trừ tên đó trước!
-Như vậy tên Trần Kính này nguy hiểm lắm sao?
-Tâu bệ hạ, chính vậy! Nếu không có nó Trần Phủ đâu làm nên trò trống gì?
Vua Chế Bồng Nga nghe Đào thị nói chưa hẳn tin. Tới khi cho phối kiểm các nguồn tin từ những người lính do thám, biết được vua Duệ Tôn đang chăm lo sửa sang việc nội trị và ráo riết luyện tập quân đội, ông mới cảm thấy lo ngại.
Lúc bấy giờ trên đất Chân Lạp gần biên giới phía tây Chiêm Thành không hiểu đã xảy ra việc gì, cũng có dấu hiệu động binh. Các quan thấy thế khuyên vua Chiêm phải đề phòng. Vua Chiêm nghe lời, bèn tạm ngưng kế hoạch đánh Đại Việt để lo việc phòng thủ. Tướng La Ngai được giao nhiệm vụ chuyên lo tuần thám, kiểm soát việc phòng thủ biên giới phía tây và phía nam. Tướng Bố Đông chuyên lo tuần thám, kiểm soát việc phòng thủ biên giới phía bắc.
Khi nhận được chiếu thư của vua Duệ Tôn, Chế Bồng Nga không hề nổi giận như nhiều người vẫn nghĩ. Ông cho người đọc lại để các quan cùng nghe rồi nói:
-Thật đáng tiếc, chỉ vì ta cẩn thận quá nên đã bỏ lỡ dịp may. Thời Trần Hạo, Nhật Lễ rồi Trần Phủ cầm quyền, Đại Việt đang suy yếu hỗn loạn, ta lại dè dặt không ra quân sớm để diệt trừ chúng. Nay Đại Việt đã có vua mới là Trần Kính, nghe đâu y cũng là tay anh kiệt, hơi khó đấy. Lão ta gởi chiếu thư này đòi nước Chiêm ta phải triều cống trở lại. Chư khanh nghĩ sao về việc này nói thử xem?
Tướng La Ngai tâu:
-Hiện nay quân Chiêm ta rất hùng mạnh, ta lại chuẩn bị đánh Đại Việt sẵn. Cho dù Đại Việt đã có vua mới, Trần Kính có giỏi mấy đi nữa cũng chưa thể nào kiện toàn kịp một quân đội suy yếu hỗn tạp vừa mới bại trận. Thần tin chắc đạo quân thiện chiến của ta với tinh thần đang hăng, sẽ đánh gục bất cứ đối thủ nào! Xin bệ hạ cứ xuất quân đập tan ý đồ của Trần Kính!
Tể tướng Nhã Đam nói:
– Tôi nghe Trần Kính trí dũng kiêm toàn, ngày đêm chỉnh đốn triều đình, luyện tập quân sĩ, dồn lương chứa cỏ, tình thế Đại Việt nay đã khác trước nhiều lắm, ta không nên khinh địch.
Tướng La Ngai cãi lại:
-Tể tướng nói sai rồi! Quân ta đã được huấn luyện thuần thục từ lâu, trận đánh vào Thăng Long năm kia đã làm tinh thần quân sĩ lên rất cao. Đại Việt mới bại trận, tinh thần quan quân chúng tới nay chưa hết kinh hoàng. Trong nước lại xảy ra giặc giã liên miên, quân sĩ phải luôn mệt mỏi vì những cuộc đánh dẹp. Tôi nghĩ đạo quân của Trần Kính hiện tại bất quá là một đạo quân ô hợp thôi! Nếu không đánh ngay lúc này để mai đây nó lớn mạnh thật sự ta làm sao chế ngự được?
Quan Bình chương Hùng Vân nói:
-Trong chiếu thư, Trần Kính nói Đại Việt đã liên minh với Chân Lạp và Xiêm, tuy hư thực chưa rõ nhưng ta không thể không đề phòng! Ngày xưa vua nước Ngô là Phù Sai có một quân đội hùng mạnh vô địch đương thời, khi các nước chư hầu của nhà Chu hội nhau ở Hoàng Trì để bầu ngôi bá chủ, nước Ngô cũng kéo quân đi dự tranh. Nước Tấn là đương kim bá chủ sợ sức mạnh của nước Ngô phải chịu nhượng bộ. Nước Ngô đã được bầu làm bá chủ mới. Nhưng oái oăm thay, trong lúc quân Ngô đi quá xa, vua Câu Tiễn nước Việt là một nước nhỏ ở cạnh nước Ngô đã bất ngờ kéo quân tập kích vào nước Ngô. Thế tử Hữu, người lo việc phòng thủ nước Ngô bị tử trận. Đạo quân hùng mạnh vô địch của Phù Sai trên đường về nước đang mệt mỏi, nghe tin chính quốc bị tấn công, mất hết tinh thần nên tan rã dần. Kết cục nước Ngô đã bị nước Việt đánh bại toàn bộ, Ngô Phù Sai phải tự tử. Trong tình thế hiện nay, tôi nghĩ chưa nên đem quân vào sâu trong đất giặc. Tôi nghe Chân Lạp cũng đang động binh ở biên giới, biết đâu Chân Lạp cũng đang rình nước ta như nước Việt rình nước Ngô? Ta phải đề phòng cái họa của Ngô Phù Sai mới được!
Vua Chế Bồng Nga nói:
-Các khanh ai nói cũng có lý cả. Ta cũng có cái suy nghĩ riêng của ta. Thôi thì ta dung hòa các ý kiến để đi đến một quyết định chung vậy. Đối với Chiêm quốc thì Chân Lạp hay Đại Việt cũng đều là kẻ thù và đều nguy hiểm cả. Họ có thể hại ta bất cứ lúc nào. Nhưng về thế lực thì Đại Việt mạnh hơn Chân Lạp, khó đánh hơn. Vả lại, nếu ta diệt được Đại Việt để sát nhập vào Chiêm quốc, nước ta thành giáp giới với nước Trung Hoa là một nước quá mạnh, lại tham lam vô độ, cực kỳ gian hiểm, ta thật lòng chẳng ham! Trường hợp với Chân Lạp thì có phần dễ đánh hơn Đại Việt. Đánh chiếm Chân Lạp tốt hơn vì ít gặp trở ngại từ bên ngoài. Ý ta muốn tạm thời hòa hoãn với Đại Việt để rảnh tay chinh phạt Chân Lạp trước. Thắng được Chân Lạp rồi sức mạnh của ta sẽ gia tăng gấp bội. Bấy giờ ta sẽ tính chuyện khác. Ý chư khanh thế nào?
Quan Bình chương Hùng Vân nói:
-Bệ hạ tính như vậy thật hợp lý. Thần chỉ ngại ta vẫn chưa thu hồi được những vùng đất mà Đại Việt đã chiếm của ta làm quân dân ta chưa thỏa mãn thôi!
Vua Chế Bồng Nga nói:
-Muốn mưu việc lớn phải coi nhẹ việc nhỏ mới được! Đánh được Chân Lạp ta muốn thêm bao nhiêu đất cát mà chẳng được? Đáng gì mấy miếng đất khô cằn sỏi đá ấy? Cứ gởi cho chúng tạm giữ, khi ta mạnh hẳn lên sẽ lấy lui mấy hồi!
Tể tướng Nhã Đam nói:
-Như vậy là bệ hạ chấp thuận triều cống Đại Việt trở lại như yêu sách của Trần Kính?
Vua Chế Bồng Nga cười nói:
-Đúng vậy! Khi đột kích vào Thăng Long ta đã lấy được của họ quá nhiều vàng ngọc lụa là, bây giờ trả lại cho họ một ít cũng không sao! Ông hãy sửa soạn sẵn cho ta 10 mâm vàng để dùng vào việc đó.
Thế rồi vua Chế Bồng Nga cho thảo tờ thư tạ tội với vua Duệ Tôn, chịu tiếp tục triều cống hàng năm như trước. Ông cho triệu tướng Bố Đông làm sứ giả mang quốc thư và 10 mâm vàng sang cống Đại Việt.

 

Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 9