QUỐC THÙ VỊ BÁO …

KIẾN HÀO

Tặng Martin

 

Đặng Dung, sinh quán Can Lộc – Hà Tĩnh, là một danh tướng thời Hậu Trần phò Trần Trùng Quang Đế chống lại ách xâm lăng của quân Tàu áp đặt lên nước ta sau cuộc kháng chiến thất bại của nhà Hồ (1407). Sự nghiệp không thành vì vận nước đến hồi suy vi nhưng tấm lòng trung trinh báo quốc của ông ngàn đời vẫn như vầng trăng sáng soi trên suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của đất nước.

Nhớ Đặng Dung, ta nhớ đến trận quyết chiến Sái Già ở Hóa Châu(1) (1413), người anh hùng đã nhảy lên thuyền giặc, giáp mặt Trương Phụ mà không biết để cho hắn lẻn trốn đi(2), đánh quật lại khiến quân ta thua tan tác. Năm năm gian khổ, một trận thua không gượng lại được, để đến nổi vua tôi đều sa vào tay giặc, nhưng ý chí quật cường của Đặng Dung, thà trầm mình xuống bể, làm mồi trong bụng cá còn hơn cúi mình trước bọn giặc ở Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) vẫn còn là bài học cho hậu thế đến ngày nay : nay nhiều kẻ vẫn cho là mình làm đúng khi sang đất giặc khúm núm khom lưng uốn gối, biện hộ là “ngoại giao khéo léo” để giữ gìn độc lập dân tộc. Sao mà giống miệng lưỡi của Mạc Đăng Dung khi lên ải Nam Quan đầu hàng giặc đến thế. Chả trách nay cha con ngụy Mạc đều được đặt tên đường để vinh danh những kẻ mãi quốc cầu vinh !

Ngoài những chiến công hiển hách, danh tướng Đặng Dung còn để lại cho đời bài thơ bất hủ Thuật Hoài (hay Cảm Hoài) (3), viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn bát cú, một bài thơ rất nổi tiếng mà những ai yêu văn học sử nước nhà đều biết, một trong những áng hùng thi kiệt xuất của văn học dân tộc (4). Lý Tử Tấn, một học giả thời Lê, tác giả Chuyết Am văn tập, khi đọc bài thơ này đã hết lời ca tụng người sáng tác ra nó là “phi hào kiệt chi sĩ bất năng” (không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể sáng tác được như vậy). Đây là tác phẩm văn học duy nhất còn lại của Đặng Dung, được chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726 – 1784).Thật may mắn vì  hầu hết mọi tác phẩm văn học Việt Nam từ thời Trần trở về trước đều bị quân giặc phương Bắc xâm lược hủy hoại gần hết, trong đó đau đớn nhất là bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu.

Cái hay của tuyệt tác Thuật Hoài là qua hàng trăm bản dịch từ hơn 500 năm nay nhưng chưa có bản nào lột tả được trọn vẹn cái “thần” của nguyên tác. Mỗi bản chỉ diễn đạt hay ở một vài chổ, một vài câu chứ không phản ánh được ý toàn bài. Dịch là phản bội, đúng vậy chăng. Mà tác giả của các bản dịch đều là những người nổi tiếng cả : Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Tản Đà, sau này có Lại Quang Nam, Nguyễn Khắc Thuần v..v….Trong chổ hạn hẹp của chữ nghĩa và không gian trang mạng, xin mạn phép lược bỏ bớt vài bản dịch nghĩa và dịch thơ rất hay, mong bạn đọc thứ lỗi.

Phiên âm nguyên tác bằng chữ Hán :

Thế sự du du nại lão hà,

Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.

Thời lai đồ điếu thành công dị,

Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.

Trí chủ hữu hoài phò địa trục,

Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,

Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

(Hoàng Việt Thi tuyển – Bùi Huy Bích).

 

Dịch nghĩa :

Việc đời dằng dặc mà tiếc thay tuổi đã già,

Trời đất rộng lớn cùng nhập vào cuộc say ca.

Thời cơ đến, bọn hàng thịt ( ngoài chợ ), bọn đi câu ( ngoài sông )(5) vẫn có thể thành công dễ dàng,

Lỡ vận, người anh hùng cũng phải uống nhiều tủi hận.

Phò vua, có lòng nâng trục đất,

Rửa binh khí, tiếc là không có lối kéo sông Ngân Hà xuống.

Nợ nước chưa đền mà đầu đã sớm bạc,

Bao phen, thanh gươm Long Tuyền đem mài dưới ánh trăng.

(Việt Sử giai thoại – Nguyễn Khắc Thuần)

 

Dịch thơ :

Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
(Phan kế Bính dịch)

 

Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.

(Tản Đà dịch)

Sự đời bề bộn, tiếc mình già,

Trời đất quay cuồng cuộc say ca.

Gặp thời, đồ điếu thành công dễ,

Lỡ vận anh hùng ngậm xót xa.

Phò chúa dốc lòng ghì địa trục,

Rửa gươm chẳng lối kéo Ngân Hà.

Nợ nước chưa đền, đầu đã bạc,

Gươm mài bao bận dưới trăng ngà.

(Nguyễn Khắc Thuần dịch)

 

Tháng tư năm nay 2017, đọc lại bài Thuật Hoài của Đặng Dung, nghe xao xuyến trong lòng, trong thơ nghe như có tiếng quân reo ngựa hí, tiếng gươm giáo giao nhau và cả tiếng thở dài hờn căm của người yêu nước lâm vào cảnh quốc phá gia vong. Nếu không phải là người đồng tâm trạng, làm sao cảm thông cho hết nỗi niềm của kẻ nước đã mất, nhà đã tan. Nếu gọi Thuật Hoài là một tuyệt tác mà “ Phi hào kiệt chi sĩ, bất năng”, thì Kiến Hào tôi xin mạo muội góp lời : “Phi vong quốc chi nô, bất cảm” vậy. Ôi, cảm khái thay !

Chú thích :

  1. Theo Minh Sử của Trương Đĩnh Ngọc thì trận đánh này xảy ra tại Ái Tử, nay thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị (dẫn lại theo Nguyễn Khắc Thuần).
  2. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục viết : ”…Trời nuông tha Trương Phụ!” (Chính biên, quyển 12, tờ 39).
  3. Tên Cảm hoài đã được Lý Tử Tấn đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) công bố trước tiên. Mấy trăm năm sau trong Toàn Việt Thi Lục của Lê Quí Đôn (1726 – 1784) thì nhà bác học này mới chép lại và ghi là Thuật hoài. Điều này làm nhiều người dễ lầm với bài Thuật hoài của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời Trần.
  4. Nhận xét của Lý Tử Tấn
  5. Phàn Khoái trước khi theo Lưu Bang khởi nghĩa là một anh hàng thịt, còn Hàn Tín câu cá kiếm sống bữa đói bữa no, đôi lần phải nhờ bà Phiếu mẫu giặt lụa bên sông cho ăn .

Đọc thêm Trang Kiến Hào

=================================================

Đọc thêm bài họa của Thiên Hùng

HOÀI CẢM

Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Đặng Dung


HOÀI MONG

Quốc phá thiên di khắc nghiệt hà
Gia thù tất hữu khổ hành ca
Tâm hằng tự vấn thương vong thiểu ?
Trí hản tri tường hận oán đa
Thệ quyết hưng thời tiêu Cộng phỉ
Nguyện duy kỳ vọng phục sơn hà
Nam hùng nữ kiệt Tiên Long hiệp
Quá hải truy hồ sát cáo ma
 
Thiên Hùng

Đọc thêm Trang Thiên Hùng

Trở về … Trang Kiến Hào  * HOME