AI GIẾT ĐINH TIÊN HOÀNG ?

 

KIẾN HÀO

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: “ Mùa đông, tháng mười năm Kỷ Mão 979, quan giữ chức Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết chết nhà vua ở trong cung. Trước đó Đỗ Thích từng có lúc làm quan ở Đồng Quan (Ninh Bình). Một hôm nhân nằm chơi rồi ngủ lại trên cầu, mơ thấy có vì tinh tú từ trên trời rơi xuống và hắn đã nuốt lấy. Đỗ Thích lấy đó làm điềm tốt, bèn nẩy ra ý định giết vua. Đến đây, thấy nhà vua dùng yến tiệc vừa xong, say rượu nằm ngủ ngay giữa sân cung đình. Đỗ Thích bèn lẻn vào giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Đinh Liễn. Bấy giờ lệnh lùng bắt thủ phạm rất gắt, Đỗ Thích phải trèo lên nằm trong máng nước ở trong cung suốt ba ngày liền, đói khát lắm. Thế rồi trời đổ mưa, Đỗ Thích thò tay hứng nước mà uống, một cung nữ nhìn thấy nên đi báo. Định Quốc Công sai người bắt xuống và đem đi chém đầu…”

Cái chết của Đinh Tiên Hoàng và con là Nam Việt vương Đinh Liễn, hàng ngàn năm nay vẫn là một nghi án trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù theo sử sách thì kẻ sát nhân đã được xác định là viên quan nội thị Đỗ Thích nhưng nguyên cớ khiến hắn ra tay giết vua được sử quan đời sau chép hết sức sơ sài, thiếu tính thuyết phục, nếu không muốn nói là vô lý, tạo ra sự nghi ngờ nơi người đọc đời sau. Nếu xét theo quan điểm pháp luật thời nay thì “không đủ các yếu tố buộc tội” vì vụ án thiếu nhân chứng, vật chứng, kết tội theo suy luận chủ quan chỉ dựa vào lời khai của hung thủ. (Té ra thời trước ngục quan cũng dùng hình pháp “bức cung” ư ?).

Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu hiện nay (Hoàng Đạo Thuý), việc Lê Hoàn tự ý xưng làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh (thuật ngữ bây giờ gọi là quản chế -KH), cùng với việc các trung thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp khởi binh chống Lê Hoàn có thể là những biểu hiện cho thấy mưu đồ thoán đoạt của Lê Hoàn. Đỗ Thích không thể làm chuyện này vì hắn chỉ là một viên quan hoạn tài hèn sức mọn không vây cánh, làm sao có thể mơ tưởng được các quan đại thần ủng hộ lên làm vua.  nếu Đỗ Thích giết vua rồi ông ta có thể xưng vương được không? Do không có chính danh cộng với áp lực từ các trung thần của chế độ, một thừa tướng quyền uy chỉ dưới vua còn khó mà xưng vương huống chi một viên quan tầm thường như Đỗ Thích. Do vậy, viên quan này hoặc vì bị điên nên bày mưu giết Đinh Tiên Hoàng, hoặc vì tham lam nên thông đồng, hoặc bị vu oan.

Thuyết thứ nhất cho rằng việc có mặt của Đỗ Thích tại hiện trường vụ án là vô tình vì ông là quan nội thị, một trong những người có mặt sớm nhất lúc vụ án xẩy ra. Lúc bấy giờ ông không thể thanh minh là mình vô tội vì có nhiều người ập tới. Ông vội vã chạy trốn và bị bắt sau ba ngày trốn tránh, trở thành nạn nhân trong mưu đồ của Lê Hoàn và Dương hậu. Quan nội chính Nguyễn Bặc ra lịnh giết Đỗ Thích vô tình đã hủy mất cái lưởi đáng giá, có thể truy ra những kẻ chủ mưu, lúc ấy hãy còn trong bóng tối chưa dám lộ mặt. Theo Wikipedia, gia phả họ Đỗ ở Đại Đê, huyện Vụ Bản và sự tích đền Thảo Mã (tức đền Gạo) ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, Hà Nam có nói tới việc Đỗ Thích có công cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương truy đuổi.  Chi tiết này càng củng cố thêm giả thiết về sự oan ức, bị đổ vấy tội của Đỗ Thích.

Cũng có thuyết cho rằng cái chết của vua Đinh có liên quan đến những âm mưu tranh chấp chốn cung đình. Nguyên Đinh Tiên Hoàng có rất nhiều vợ, một trong những bà vợ đã sinh ra Hạng Lang được vua yêu quý cho làm Thái tử khi mới 4 tuổi trong khi Đinh Liễn là con trưởng, lại có nhiều công lao giúp rập, đã được nhà Tống phong là Nam Việt vương thì lại không được kế ngôi. Do đó, Đinh Liễn đã lập mưu giết chết Hạng Lang. Chẳng những không bị Tiên Hoàng bắt tội mà Đinh Liễn còn được dự định cho nối ngôi. Việc này khiến cho Dương hậu đứng ngồi không yên vì con bà là Đinh Toàn còn bé, không có khả năng được kế thừa ngôi vương. Thế là bà dựa vào quan Thập đạo (bộ trưởng quốc phòng) Lê Hoàn tạo thành thế lực liên kết trong ngoài , khi thời cơ đến thì ra tay. Chỉ có các quan nội thị mới được đến gần vua, Đổ Thích hoặc là bị áp lực hăm dọa, hoặc là được hứa hẹn lợi lộc nên đã trực tiếp nhúng tay vào máu.

Thuyết “Âm mưu của ngoại bang” là kém thuyết phục nhất. Tháng 10 năm 979, cha con vua Đinh bị ám sát chết. Tháng 7 năm 980, bọn Phạm Cự Lượng tôn Lê Hoàn lên ngôi vua. Tháng 4 năm 981, quân Tống chia hai đường thủy bộ sang đánh nước ta. Như vậy kể từ khi vua Đinh bị ám sát chết đến lúc quân Tống động binh là một năm rưởi, và trong thư dụ hàng cũng kể rõ, cái chết của Giao Chỉ Quận vương Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn là một trong những lý do khiến quân Tống khởi phát chiến tranh để trừng trị kẻ phản nghịch. Nếu quy cái chết của vua Đinh cho âm mưu của nước Tống thì ắt trước đó quân Tống phải chuẩn bị, áp sát biên giới nước ta chực chờ sẳn, và sau khi vua Đinh chết thì khởi phát chiến tranh ngay. Nhưng dù sao thì lý do đó chỉ là ngụy tạo để biện minh cho âm mưu xâm lược nước ta.Việc Lê Hoàn thành công trong cuộc kháng chiến chống Tống đã khiến cho nhân dân tha thứ cho ông.

Cái chết của Đinh Tiên Hoàng đế không phải là nghi án duy nhất trong Sử Việt. Có thể sau này Đỗ Thích sẽ được minh oan tội giết vua nhưng ai là hung thủ thực sự sẽ khó mà xác định được. Sử nước ta ghi chép ít, lại xuất phát chậm nên lục tìm trong chính sử rất hiếm sự kiện “đắt giá” để suy luận, còn truyền thuyết hay huyền sử hoặc gia phả thì tam sao thất bổn, đầy ý kiến chủ quan, không đáng tin. Ngay cả sử hiện đại còn nhiều nghi vấn chưa minh định, như cái chết của TT Diệm hay Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ…kẻ thủ ác vẫn còn trong bóng tối.

KIẾN HÀO

(2017)

Trở về … Trang Kiến Hào  * HOME

Đọc thêm … Trang Kiến Hào