Cô bé 7 tuổi cứu sống hàng triệu trẻ em châu Phi

Một cô bé 7 tuổi đã dựa vào sức mình để cố gắng cứu hàng triệu trẻ em ở châu Phi thoát khỏi căn bệnh sốt rét. Việc làm của cô bé khiến rất nhiều người dân trên thế giới cảm động.

Cô bé 7 tuổi cứu sống hàng triệu trẻ em châu Phi
Cô bé Katherine Commale.

Vào ngày 6/4/2006, cô bé Katherine Commale ở Mỹ xem đoạn phóng sự ở châu Phi trên TV, trong đó có nói ở châu Phi trung bình mỗi 30 giây sẽ có một đứa trẻ tử vong do bệnh sốt rét.

Cô bé 5 tuổi ngồi trên sô pha đếm số bằng tay 1, 2, 3,… 30. Khi đếm đến 30, cô bé hoảng sợ nói: “Mẹ ơi, có một bạn nhỏ ở châu Phi chết rồi, chúng ta nhất định phải làm gì đó!”. Mẹ cô bé lên mạng tìm thông tin và nói với Katherine: “Bệnh sốt rét rất đáng sợ, trẻ em bị sốt rét rất dễ mất mạng.”

“Vậy vì sao trẻ em lại bị sốt rét ạ?”

“Sốt rét truyền nhiễm qua muỗi, ở châu Phi có quá nhiều muỗi.”

“Vậy phải làm sao đây ạ?”

“Hiện nay có một loại mùng (màn) được ngâm qua thuốc diệt muỗi, có nó sẽ có thể bảo vệ chúng ta khỏi bị muỗi đốt.”

“Vậy vì sao họ không dùng mùng ạ?”

“Bởi vì loại mùng này quá đắt đối với họ, họ không mua nổi.”

“Không được, chúng ta phải làm gì đó!”

Vài ngày sau, mẹ của Katherine nhận dược điện thoại của cô giáo mẫu giáo nói rằng cô bé không đóng tiền ăn nhẹ.

Khi mẹ hỏi tiền đâu thì Katherine nói: “Mẹ ơi, nếu con không ăn đồ ăn nhẹ ở trường, bình thường không ăn vặt, cũng không mua búp bê nữa, vậy thì có đủ để mua một chiếc mùng không ạ?”

Mẹ đưa cô bé đến siêu thị, mua một chiếc mùng chống muỗi lớn có thể sử dụng cho 4 trẻ em có giá mười mấy đô la. Sau đó cô gọi điện thoại cho tổ chức làm từ thiện ở châu Phi hỏi cách làm thế nào để gửi được chiếc mùng đến đó.

Rất nhanh sau đó họ đã tìm cho cô tổ chức Nothing But Nets chuyên gửi mùng đến châu Phi cho trẻ em. Katherine tự tay gửi chiếc mùng đi, một tuần sau, cô bé nhận được thư cảm ơn từ tổ chức Nothing But Nets, trong thư họ cho biết cô bé là người quyên góp nhỏ tuổi nhất và nếu cô bé quyên góp 10 chiếc mùng thì sẽ được giấy chứng nhận.

Katherine yêu cầu mẹ cùng mình ra chợ bán đồ cũ để bày bán sách cũ, đồ chơi cũ, quần áo cũ của cô bé để lấy tiền quyên góp mùng. Nhưng bán cả một ngày mà không ai mua. Katherine nghĩ: “Mình quyên tiền mua mùng, tổ chức Nothing But Nets sẽ cho mình giấy chứng nhận. Vậy người khác mua đồ của mình, đưa cho mình tiền, họ cũng nên nhận được giấy chứng nhận mới đúng chứ.”

Thế là cô bé bắt đầu tự làm giấy chứng nhận, mẹ giúp mua vật liệu, bố giúp sắp xếp phòng làm việc, em trai giúp vẽ trái tim. Mỗi tờ giấy chứng nhận đều có dòng chữ “Nhân danh bạn, chúng ta mua một chiếc mùng để gửi đến châu Phi” do chính Katherine viết tay, đương nhiên còn có chữ ký chứng nhận của cô bé.

Chỉ cần quyên góp 10 đô la để mua một chiếc mùng là sẽ nhận được một tờ giấy chứng nhận. Hàng xóm nhìn thấy giấy chứng nhận của cô bé, họ cảm thấy vừa ngây thơ vừa cảm động, cô bé nhanh chóng bán được 10 tờ giấy chứng nhận. Katherine gửi tiền cho tổ chức từ thiện và nhận được “Giấy chứng nhận danh dự” đặc biệt làm riêng cho cô bé từ tổ chức Nothing But Nets, họ phong cho Katherine là “Đại sứ mùng chống muỗi”.

Những người ở Hiệp hội nói với Katherine rằng những chiếc mùng mà cô bé quyên tặng đã gửi đến ngôi làng có tên là Stiga ở Ghana, ở đó có 550 gia đình.

Nhưng chỉ có 10 chiếc mùng thì phải dùng sao đây?

Hàng xóm của Katherine không chỉ cùng cô bé mua mùng, mà các con của họ cũng tham gia giúp Katherine làm giấy chứng nhận và trở thành “đồng đội của Katherine”. Mục sư trong khu vực cũng mời cô bé đến nói chuyện ở nhà thờ, cô bé chỉ nói vài phút ngắn ngủi, nhưng đã nhận được 800 đô tiền quyên góp. Lần này cô bé rất phấn khởi bắt đầu đến nói chuyện tại các nhà thờ khác. Khi vừa tròn 6 tuổi, Katherine đã gây quỹ được 6.316 đô la.

她才7岁,就拯救了数百万非洲小孩子的生命
Trẻ em ở “Làng mùng Katherine”.

Tổ chức Nothing But Nets đăng tải câu chuyện về cô bé Katherine trên mạng và đã thu hút được rất nhiều người. Một ngày nọ, Katherine nhìn thấy đoạn quảng cáo công ích cho tổ chức Nothing But Nets của siêu sao bóng đá người Anh David Beckham trên TV. Cô bé lập tức viết một lá thư cho Beckham để cảm ơn anh, đương nhiên cũng gửi cho anh một tờ giấy chứng nhận. Beckham có chia sẻ giấy chứng nhận của Katherine lên trang cá nhân và được chia sẻ rộng rãi.

Vào ngày 8/6/2007, Katherine nhận được thư gửi đến từ làng Stiga, các bạn nhỏ trong làng viết: “Cảm ơn mùng mà bạn đã gửi cho chúng mình, chúng mình đã thấy ảnh của bạn, mọi người đều cảm thấy bạn rất xinh!”. Katherine vui lắm khi nhận được sự khích lệ này, khiến cô bé có động lực lớn hơn, cô và các “đồng đội” cùng chung tay làm 100 tờ giấy chứng nhận để gửi cho mỗi tỷ phú trong bảng xếp hạng của tạp chí Forbes mỗi người một tờ.

Trên một lá thư có viết: Kính gửi ông Bill Gates, không có mùng chống muỗi, các bạn nhỏ ở châu Phi sẽ bị mất mạng do bệnh sốt rét. Họ cần tiền, nhưng nghe nói tiền đều ở chỗ của ông…

Ngày 5/11/2007, Quỹ từ thiện Bill Gates tuyên bố quyên góp 3 triệu đô la cho tổ chức Nothing But Nets. Bill Gates cho biết ông nhận được một tờ giấy chứng nhận cùng một lá thư, trong thư nói rằng số tiền mà trẻ em ở châu Phi cần để mua mùng chống muỗi đều ở chỗ ông. Có vẻ như ông “không đưa tiền ra là không được đâu”.

Năm 2008, Quỹ từ thiện Bill Gates đã quay một bộ phim tài liệu công ích có tên là “Trẻ em cứu trẻ em”, nhờ đó mà Katherine đã đến châu Phi. Cô bé nhìn thấy các bạn nhỏ dùng bút viết lên mùng chữ “Katherine”, các bạn đều gọi những chiếc mùng cứu mạng này là “mùng Katherine”. Chiếc mùng đầy tình yêu thương này sẽ bảo vệ cho các bạn mỗi đêm. Làng Stiga bây giờ có tên là “Làng mùng Katherine”!

Cô bé 7 tuổi ở Mỹ này đã dùng việc làm của mình để cho thấy thế nào là vĩ đại, không phải là sự nghiệp to lớn bề ngoài, mà là trong lòng bạn có tình yêu thương vĩ đại hay không.

Ngọc Trúc
(Ảnh: Internet)

Source :
https://trithucvn.net/doi-song/co-7-tuoi-cuu-song-hang-trieu-tre-em-chau-phi.html

***

Tổng thống tiếp kiến đoàn đại biểu do “Đại sứ màn chống muỗi châu Phi” Katherine Commale dẫn đầu đến thăm Đài Loan

Ngày 19/06/2018

Trong suốt 12 năm qua, Katherine Commale đã theo đuổi công việc quyên góp tiền mua màn chống muỗi, giúp cho hàng triệu trẻ em châu Phi tránh xa khỏi sự uy hiếp của bệnh sốt rét. Katherine đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với các bạn trẻ Đài Loan trong diễn đàn tổ chức ngày 14/6/2018 (Ảnh: CNA)

 Sáng 15/6/2018, Tổng thống Thái Anh Văn đã tiếp kiến đoàn đại biểu do “Đại sứ màn chống muỗi châu Phi Katherine Commale” dẫn đầu đến thăm Đài Loan. Tổng thống trông đợi, trong tương lai các đoàn thể của Đài Loan sẽ cùng hợp tác với Katherine Commale, giúp đỡ nhân loại đẩy lùi sự uy hiếp của bệnh sốt rét.

Tổng thống nói, 10 năm trước, một bé gái 5 tuổi có ý tưởng được gợi mở từ bộ phim tài liệu chiếu trên ti vi, cô bé đã theo đuổi công việc quyên góp tiền mua màn chống muỗi, giúp cho hàng triệu trẻ em châu Phi tránh xa khỏi sự uy hiếp của bệnh sốt rét. Trong câu chuyện ấy, chúng ta thấy được tình yêu thương, dũng khí và cả nỗ lực hành động của cô bé Katherine.

Hơn nửa thế kỷ trước, Đài Loan cũng đã từng phải đối mặt với thách thức của căn bệnh sốt rét, thế nhưng Đài Loan có một đội ngũ chuyên gia y tế công cộng vô cùng xuất sắc. Tiến sĩ Liên Nhật Thanh, người được mệnh danh là “Tiến sĩ muỗi” chính là một trong số đó, ông và các cộng sự đã xây dựng được một hệ thống phòng dịch hoàn thiện cho Đài Loan. Vì vậy, đến năm 1965, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Đài Loan là quốc gia đầu tiên “loại trừ tận gốc bệnh sốt rét”, cho đến nay trong nước vẫn không xảy ra ca bệnh nào.

Hiện nay, Đài Loan vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần nghiên cứu và nhiệt huyết của những thế hệ trước trong lĩnh vực y tế công cộng, không ngừng tham gia công tác phòng dịch sốt rét tại các khu vực: châu Phi, Nam Thái Bình Dương, v.v…, nhưng đáng tiếc là do bị hạn chế bởi vấn đề ngoại giao, con đường chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn phòng chống bệnh sốt rét cũng vì thế bị hạn chế theo. Tuy nhiên, Đài Loan sẽ không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để đóng góp cho thế giới. Tổng thống trông đợi, trong tương lai các đoàn thể của Đài Loan sẽ cùng hợp tác với Katherine, giúp cho người dân châu Phi và nhân dân trên toàn thế giới tránh xa những uy hiếp của bệnh sốt rét.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Katherine Commale cho hay, lúc 5 tuổi, nhìn thấy con số cho biết cứ 30 giây có một em nhỏ ở châu Phi bị chết vì bệnh sốt rét khiến em vô cùng đau buồn. Chiếc màn chống muỗi giá10 đô la Mỹ không chỉ cứu được sinh mạng của một em bé mà còn giúp cho cả gia đình có thể tránh xa bệnh sốt rét. Xuất phát từ điều này, em đã dần dần mở rộng hoạt động quyên góp tiền.

Trong suốt 12 năm qua, Katherine và mẹ em đã nỗ lực vì hoạt động quyên góp, đồng thời tham dự các hoạt động diễn thuyết trong Ngày Thế giới phòng chống sốt rét, Diễn đàn sáng kiến toàn cầu Clinton… nhưng điều em cảm thấy tuyệt vời nhất là lần này đến Đài Loan, em đã được chia sẻ kinh nghiệm với mọi người trong diễn đàn tổ chức ngày 14/6/2018, hy vọng chuyến đi lần này sẽ gợi mở ý tưởng cho các bạn nhỏ Đài Loan.

Source :
https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=136399