TIẾNG   HÁT

 

Nhà Hương ở trên một khu gia cư mới xây cất vài ba năm trở lại. Quanh đó, nhà nào nhà nấy cũng như đường sá đều còn mới toanh. Cả khu chưa thấy một cây bóng mát nào có tàng lớn như ở những vùng dân cư khác. Theo lời Đạm, chồng Hương, thì gia đình Hương là gia đình cư dân Việt Nam duy nhất ở khu này. Hương chưa nói được tiếng Anh, cũng chưa thi bằng lái xe. Hằng ngày ở nhà Hương chỉ gậm ba tờ báo Việt ngữ do Đạm kiếm về. Chán đọc Hương lại nghe mấy cái băng tập nói tiếng Mỹ hoặc dán mắt vào màn ảnh Ti Vi. Tối đến Đạm lại chở Hương đến một lớp học Anh Ngữ. Lớp học này hầu hết là dân Đông Âu, còn lại là vài người Mễ, Hoa, Nhật, Hàn chi đó. Hương cũng là người Việt duy nhất trong lớp. Trong khi Hương học, Đạm lang thang ngắm trời đất cây cảnh, hút thuốc hoặc ngồi ngủ trên xe đợi chở Hương về. Đạm vẫn hay ngủ tại xe như vậy vì buổi khuya anh phải đi làm rất sớm. Anh có thói quen thức dậy lúc 3 giờ, sửa soạn chừng nửa tiếng rồi đi. Đạm đi rồi, còn lại một mình Hương trong căn nhà ba phòng, đối với Hương thật là quá rộng. Những đêm đầu Hương cũng thấy ngài ngại nhưng rồi may cũng chóng quen đi. Hương không sợ quỉ sợ ma mà chỉ ngán bọn trộm cướp. Nàng từng nghe  nhiều câu chuyện về việc cướp hành hạ nạn nhân rất dã man để  khảo của ở xứ này. Cho nên cửa nẻo lúc nào  Hương cũng lo rất cẩn thận, mặc dầu Đạm nói với Hương khu này rất an ninh. Lúc này thì Hương yên tâm hơn nhiều vì nàng đã nhiều ngày để ý quan sát những nhà trong khu vực, ngoài nhà nàng ra, không hề thấy bóng dáng một người da màu. Đúng là khu nhà giàu thật. Nhưng Hương lại chưa hiểu vì sao Đạm lại cố len vào sống giữa đám dân nhà giàu da trắng này. Bạn bè của anh đến nhà chơi hầu hết là người da trắng. Hương chưa hề thấy anh có một người bạn Việt Nam. Trước khi qua Mỹ, Hương cũng đã nghe ở Sacramento có nhiều chợ Việt Nam nhưng Đạm chưa bao giờ chở Hương đến những chợ đó. Anh chỉ chở Hương đi các chợ Mỹ. Thỉnh thoảng gặp vài người Việt ở các chợ Mỹ, Hương rất mừng muốn bắt chuyện với họ. Nhưng hình như Đạm không bằng lòng. Lần nào gặp trường hợp như thế, Đạm cũng xã giao qua loa rồi bằng cách này hay cách khác thúc giục Hương rời họ. Thành thử đã qua Mỹ hơn ba tháng, Hương vẫn chưa có dịp nói chuyện thỏa mãn với một người đồng hương nào. Không hiểu vì sao Đạm có cái vẻ dị ứng ấy nhưng nàng cũng không muốn hỏi. Đạm cứ lặng lẽ đi làm mỗi tuần năm ngày từ khuya tới tối mới về. Sau đó Đạm lại phải chở Hương đi học tiếng Mỹ hết mấy giờ. Mỗi tuần vợ chồng Hương chỉ chính thức sống với nhau được hai ngày mà hơn một nửa thời gian ấy lại dành cho việc gặp gỡ bạn bè và lội rong xem chợ. Những người hay lui tới nhà Hương lại rặt người Mỹ mà trọng tâm việc tiếp xúc cũng chỉ là Đạm. Còn Hương, nghe ít hiểu, nói lúng túng, nàng rất ngại ngùng giao tiếp, cho nên về mặt tâm tình Hương thấy thật còn nhiều xa cách với họ. Đạm rất thích nghe âm nhạc nhưng anh ấy chỉ xài toàn nhạc ngoại. Nhiều khi nghe nhạc xập xình, Đạm cũng hứng khởi múa men theo. Hương chưa hề thưởng thức lĩnh hội được chút gì trong những bản nhạc đó. Bình thường Hương chỉ thích hát những bản nhạc giản dị mà người dân quê Việt Nam nào cũng có thể hát, phổ thông nhất là loại tình ca. Bản tính Hương chỉ ưa nghe những bản nhạc mà tiếng đàn không lấn át giọng ca nguyên thủy. Hương vẫn quen chú trọng về tâm tình trong lời hát. Bất cứ khi nào, bất cứ đang làm gì Hương cũng có thể hát và hát say sưa. Đang gánh củi cũng hát, đang mài sắn cũng hát, đang giặt áo cũng hát… Hiện tại, Hương rất khao khát có được vài dĩa nhạc Việt Nam để nghe. Phải thật tình mà nói có lúc Hương thèm đến quay quắt. Hương vẫn hay hát vang một mình trong cái nhà vắng rộng thênh thang của mình. Thèm lời ca điệu nhạc đã đành, Hương còn thèm luôn cả tiếng nói của người đồng hương nữa… Không đủ điều kiện để tiếp xúc với mọi người chung quanh, không được nghe những tiếng nói quen thuộc, chỉ có tự do ăn, ngủ, đọc báo, xem truyền hình, Hương có cảm tưởng mình cũng là một người tù vương giả. Có lúc Hương tưởng mình là cô con gái đẹp đẽ của một thương gia mà ngày xưa nàng đọc trong một chuyện cổ tích, nàng bị con gấu xấu xí, biến tướng của một hoàng tử vì bàn tay một mụ phù thủy, nhốt trong lâu đài của nó …

Như thời còn ở Việt Nam, Hương hay chọn chỗ nằm gần bên cửa sổ trông ra đường. Ở vị trí đó, nhiều khi Hương có thể nhìn ra đường để tìm sự khuây khỏa trong thời gian rảnh rỗi. Những đêm trời khá nực, Hương thường kéo cửa gương ra cho thông gió mà ngủ. Thường khi Đạm thức dậy đi làm, Hương cũng thức theo phụ bới xách đồ ăn đồ uống cho anh. Đạm đi rồi Hương lại nằm thao thức có khi cả tiếng mới ngủ lại được.

Lần đó, Hương đang cố dỗ giấc ngủ bỗng nghe một giọng hát nam trầm ấm và khắc khoải đâu đó cất lên. “Qua Thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn, Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn, Người đi ngoài vạn lý quan san, Người trông chờ trong bóng cô đơn…”. Trời ơi! Đúng là giọng hát của Thưởng! Ngày xưa Thưởng vẫn hay hát bài này! Hương rùng mình ngồi nhổm dậy. Nhưng lạ quá, tiếng hát lại im bặt mất. Hương cố lắng tai nhưng tuyệt nhiên không còn nghe gì nữa. Chẳng lẽ lại là ma? Rõ ràng Hương đã nghe đúng giọng và lại là một trong vài bài hát tủ của Thưởng. Làm sao lại có thể thế được? Thưởng đã mất tích trên chiến trường Cam-pu-chia bao nhiêu năm rồi. Một người bạn cùng đi trận với Thưởng may mắn sống sót trở về đã kể với Hương: Thưởng có nhiệm vụ giữ một ổ súng đại liên. Để bảo đảm tinh thần quyết giữ chiến tuyến tới cùng, cấp trên đã thuyết phục ép Thưởng và người phụ xạ thủ phải “tự nguyện” xích chân mình bên cạnh cây đại liên để tránh trường hợp bỏ chạy. Dĩ nhiên là chìa khóa do người chỉ huy giữ. Nhưng một lực lượng Khờ me đỏ hùng hậu, hung hãn đã tràn ngập trận địa sau đó… Mỗi lần nhớ tới chuyện cũ Hương không khỏi tưởng tượng ra cặp mắt hãi hùng mở cực lớn của Thưởng và những đồng đội trong giây phút những chiếc mã tấu, những chiếc búa bạo tàn đang múa xoèn xoẹt trước mắt…

Ngày xưa, Thưởng hay hát Hòn Vọng Phu, Xa Vắng, Tình Chàng Ý Thiếp…là những bài hát mang nhiều hình ảnh xa cách vì chiến tranh. Có lần Hương hỏi Thưởng:

  • Sao anh lại mê hát chi những bài hát ngàn năm chia xa ấy vậy?

Thưởng nhìn Hương mỉm cười:

  • Lẽ sống nằm trong đó Hương ơi! Giả như hai người thương nhau, sống bên nhau, có con có cái, mà đời cứ bình bình thì tình thương yêu không bao giờ lên cao tuyệt đỉnh được. Chán chết đi phải không? Có mất mát mới biết tiếc, có xa nhau mới biết thương nhau thật tình. Những nỗi đau đớn vì chiến tranh, chết chóc, xa cách được người đời thơ mộng hóa để đưa trở lại an ủi những kẻ đang lâm cuộc. Chính cái tính thơ mộng trong những hoàn cảnh chết chóc chia ly đó đã nung nấu lòng yêu nước, sẵn sàng hi sinh của chiến sĩ ngoài biên cương và cũng khuyến khích, bồi đắp lòng chung thủy, hi vọng cho người hậu phương trong cảnh sống đợi chờ. Còn những bài ca vui tuy phổ thông nhưng nó cũng tầm thường như một cuộc sống tầm thường. Cái vui này sẽ thay thế cái vui khác rồi cái nào cũng lần lượt chìm vào quên lãng. Còn những bài ca nói lên nỗi đau của con người thì lại uyển chuyển trường tồn theo thời gian, ngấm sâu vào hồn nước…
  • Nhưng bây giờ độc lập rồi, anh nuối lại những niềm đau thương ấy làm gì?

  • Hương nói vậy chứ nỗi chia cách có bao giờ hết được. Chúng mình hôm nay sống bên nhau nhưng biết đâu ngày chia cách đã đến kề? Hương thấy đấy, nước mình vừa thống nhất, người người tưởng sẽ sống trong thanh bình ít lắm cũng một thời gian, ai ngờ bây giờ nước mình lại đang đưa thanh niên ra chết ở xứ người! Đáng lý sum họp với gia đình trong cảnh nhà êm cửa ấm thì bao nhiêu người lại phải đi sống cảnh ăn hầm ngủ hố với nỗi chết chóc không rời. Có lẽ nay mai anh cũng phải ra đi. Anh cũng không biết bao giờ cho đất nước mình hết cảnh “Rải rác biên cương mồ viễn xứ, Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh!” (Quang Dũng).

Hương không dám để ý phân tích lời Thưởng đúng hay sai. Hương chỉ biết là mình thích giọng hát trầm ấm của Thưởng. Hương cũng thích cái tính chất lãng tử trong lối sống của Thưởng.

Quả đúng như  điều Thưởng đã nói qua, hai đứa vừa mới tiến tới gần nhau thì Thưởng lại phải lên đường đi Miên rồi không bao giờ trở lại. Những ý niệm về phân ly Thưởng đã nghĩ tới, đã tìm hiểu, đã chia sẻ với Hương, bây giờ đã thành hiện thực. Hương rất đau đớn vì sự ra đi tức tưởi và quá âm thầm của Thưởng. “Hàng vạn chuyến xe claymore, lựu đạn… Người chết hai lần thịt da nát tan!”… Những người chết trong cuộc chiến trước còn được một nhạc sĩ thiên tài cheo quậy nhắc nhở còn cái chết của lớp người đồng thời với Thưởng có khác gì những tội phạm đền tội đâu? Không biết người nhạc sĩ thiên tài này nghĩ thế nào về cuộc chiến xâm lăng này, ông còn sống đó sao vẫn  im re? Phải rồi, ông ta dại gì mà sáng tác nhạc phản chiến với chế độ hiện hữu! Đứa trẻ vẫn quậy phá, làm nũng với người mẹ nuông chiều con nhưng ngoan ngoãn nín khe trước bà vú dữ tợn sẵn sàng dộng đũa vào họng khi nó quậy là chuyện thường. Một vài nhà lãnh đạo tôn giáo rất quyết liệt khi tranh đấu đòi tự do tôn giáo với chế độ cũ, bây giờ chế độ mới đàn áp tôn giáo gấp mười trước, các vị cũng im re huống là… Ai khôn thì nấy nhờ.

Hương đã sống những ngày băng giá trong gần năm năm. Hương đã ép mình sống cho qua ngày…

*

Người cô của Đạm đã giới thiệu Hương với Đạm. Đạm đang sống ở Hoa Kỳ đã về Việt Nam lập hôn thú và bảo lãnh Hương. Hương cũng muốn chụp cơ hội này để tìm quên quá khứ. Nhưng bây giờ, với quá nhiều thời giờ vô vị, trống trải, đã khiến Hương trở lại càng thêm hoài niệm quá khứ. Đầu óc Hương càng hoang mang thêm: Làm sao có chuyện ma quỉ ở cái xứ văn minh này? Nhưng nếu không phải ma quỉ thì chắc chắn là đầu óc Hương đã có vấn đề: “tôi có người yêu chết trận Cao miên” … Chuyện cũ đã ám ảnh Hương mãnh liệt mới có thể khiến Hương cảm thấy hiện tượng bất thường như  vụ Hương chợt nghe tiếng hát của Thưởng. Hương lo sợ lắm. Nhưng Hương làm sao có thể hở môi chuyện đó với Đạm…

Qua mấy hôm chẳng thấy gì xảy ra nữa, Hương nghĩ rằng chuyện đó chỉ là do ảo giác thoáng qua. Ai ngờ chừng mười ngày sau, việc ấy lại xảy ra một lần nữa. Hôm ấy, ngày một tháng năm, cũng là ngày mà năm năm trước đây Hương được báo tin Thưởng mất tích trên chiến trường Cam-pu-chia. Chỉ vài phút sau khi Đạm đi làm và Hương đang cố dỗ giấc ngủ trở lại, một giọng hát lại nổi lên: “Trời còn làm phong ba, nên đời hội ngộ chia xa, Lệ rơi nhiều hơn nước mưa, khắp trong bốn bể chẳng vừa…”. Hương nghe quá rõ ràng, không thể nào là ảo giác hay là mơ được. Đúng là giọng hát của Thưởng. Hương nghĩ thật nhanh, nếu Thưởng đã là ma mà Thưởng muốn hại Hương thì dù mười lớp cửa đóng kỹ cũng khó ngăn chận được! Hơn nữa, Hương có chết vì Thưởng cũng được thôi. Ngày xưa Hương với Thưởng vẫn từng thề nguyền với nhau như thế mà! Hết cả sợ hãi, Hương vùng dậy, mở cửa và bước ra ngoài. Hương cảm thấy khoan khoái dễ chịu với bầu không khí ban khuya. Nàng đánh bạo bước ra nhìn lui nhìn tới hai đầu đường. Dưới ánh sáng của các bóng đèn đường, tuyệt nhiên Hương không thấy một bóng người. Tại sao lại có thể thế nhỉ? Trạng thái mát mẻ hấp dẫn của bầu trời khuya khiến Hương không vội vào nhà. Nàng ngồi trước hiên nhìn sao nhìn mây đến chừng cả tiếng. Cho đến khi người Hương chuyển sang cảm giác lạnh đến rùng mình Hương mới trở vào giường nằm trăn trở…

  • Chào Hương! Hương có biết vì sao tôi có mặt đây không? Tôi thương Hương quá đi mà!

Hương giật mình mở mắt nhìn ra. Thưởng đang đứng sừng sững ngay trước cửa, mặt dính đầy máu. Hương hoảng hốt nhảy ra kéo tay Thưởng vào nhà:

  • Anh Thưởng, sao anh đến nỗi này! Vào đây em rửa và đắp thuốc lên vết thương cho! Ai cho anh biết em ở đây mà tìm đến được?

Thưởng không trả lời. Hương dắt Thưởng lại bồn nước, mở vòi. Nhưng lạ quá, nước khô sạch đâu mất. Hương quay sang vòi tắm, cũng không có giọt nào. Hương đâm ra bấn loạn lúng túng. Hương thất vọng nhìn lại Thưởng thì lại ngạc nhiên thấy Thưởng bây giờ mặt mũi không còn chút máu nào nhưng lại đượm vẻ buồn tê tái. Thưởng nói:

  • Hương biết không? Khi sang Cam-pu-chia, nhớ Hương quá chịu không nổi nên anh đào ngũ định tìm về với Hương. Không ngờ lúc đi trốn lại gặp một toán người vượt biên, anh tháp tùng với họ và may đến Mỹ được. Anh phải vất vả lắm mới tìm ra chỗ ở của em. Bây giờ anh tứ cố vô thân chỉ biết trông cậy vào em. Vì chút tình nghĩa cũ xin em giúp đỡ cho anh được ở trong nhà này cho gần gũi em!

Bây giờ mình là kẻ có chồng, biết làm sao đây? Hương đâm hoảng, bối rối:

  • Em bao giờ cũng thương anh. Nhưng anh thông cảm cho, bây giờ em có chồng rồi. Nhà này là nhà của chồng em. Anh không thể ở lại đây được!

Hương vừa nói tới đây thì thấy Đạm đã mở cửa bước vào. Thưởng lập tức nhào tới đấm một phát làm Đạm hộc máu ngã xuống. Hương hoảng hốt kêu lên và giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi toát ra khắp mình mẩy. Thật là hú vía. May mà việc khó xử chỉ là một cơn mộng! Nhưng cũng từ đó Hương càng sinh ra mất ăn mất ngủ…

Đạm là người hiểu biết, chín chắn, quá siêng lo công việc làm ăn. Hương không dám kể với Đạm những gì đã xảy ra cho Hương. Hương và Đạm đã đến với nhau như một  dịch vụ chứ chưa được liên kết bằng tình yêu thật sự nên Hương phải cẩn thận. Một bóng hình, dù là bóng ma cũng có thể gây nên những suy nghĩ bất lợi cho hai người. Nhưng càng giữ kỹ chuyện đó Hương càng khổ. Ở đây Hương chưa có một người quen để có thể thố lộ tâm tình. Vài lần Hương đã năn nỉ Đạm tìm cho mình một công việc để giải khuây. Hương cũng năn nỉ Đạm dạy cho Hương lái xe nhưng Đạm cứ bảo đợi khi hoàn chỉnh ngôn ngữ hãy tính. Hương cũng cố trau dồi tiếng Mỹ nhưng cái tiếng hát đó lại ám ảnh Hương không ngừng khiến Hương không thể nào tập trung được ý chí. Chỉ trong vòng một tháng người Hương sụt mất ba ký. Nhưng Hương đâu còn cách giải quyết nào khác là cứ chúi đầu vào sách vở …

Những ngày sau đó Hương thỉnh thoảng lại phải chịu một cơn ác mộng khác về chuyện của Thưởng. Nhiều lần đang nằm với Đạm Hương bỗng hét lên làm Đạm phải thức giấc. Những hiện tượng đó và cái vẻ tiều tụy, xơ xác của Hương đã bắt đầu khiến Đạm lo lắng. Tội nghiệp Đạm đã ân cần hỏi han nhưng Hương cũng cứ giữ kín chuyện mình. Đạm đề nghị đưa Hương đi khám bệnh, kể cả bệnh viện tâm thần nhưng Hương đều ngại ngùng không chịu. Lúc này những khi đi làm về Đạm hay hỏi thăm sức khỏe Hương, tỏ ra chăm sóc Hương hơn trước nhiều. Điều đó đã làm Hương cảm động và thêm can đảm để phấn đấu với tình trạng khó hiểu của mình. Mười mấy ngày sống trong tâm trạng hồi hộp, lo sợ lại qua đi. Hương lại thấy đầu óc mình dần bình thường trở lại.

Thế nhưng rồi một hôm Đạm vừa đi một chốc thì Hương lại nghe tiếng hát ngoài đường cất lên: “Đời … mong đợi thằng con, Ngày nào nó xuống núi non, Xuất chinh với cả mối thù, Nối lại giống nòi chinh phu…”. Hương hét kên một tiếng lớn. Đúng Thưởng chứ không còn ai nữa hết! Cái giọng quá quen thuộc ấy làm sao Hương lầm được? Hương không còn đủ can đảm để mở cửa chạy ra xem như lần trước mà vội đi thắp một nắm nhang. Mấy hôm trước Hương phải vất vả lắm mới kiếm mua được mấy bó nhang trong một chợ Tàu. Hương cầm nắm nhang cháy thơm mùi trầm đến muốn sặc, bước ra cửa, đứng ngay trước sân nhà lạy bốn hướng rồi lầm thầm khấn:

  • Kẻ khốn khổ này kính lời tha thiết van xin các vị quỉ thần cùng các cô hồn vất vưởng quanh đây, tha thứ tội lỗi cho người trần mắt thịt ngu si dốt nát không biết mà tránh được. Xin các ngài đừng quấy phá, xin che chở cho chúng tôi được sống bình an. Chúng tôi sẽ cố gắng có chút hương hoa cơm cháo để đền ơn các ngài. Đa tạ! Đa tạ! Riêng anh Thưởng, anh sống khôn thác thiêng, anh đừng quấy phá em tội nghiệp. Nếu có chuyện chi uẩn ức không vừa ý, xin anh cứ thác mộng cho em thật rõ ràng để em có thể tính liệu cho anh. Em đã sống cô đơn suốt năm năm dài để đợi anh rồi. Em không thể nào làm gì khác hơn được nữa. Anh thông cảm mà tha thứ cho em…

Hương khấn đi khấn lại, lạy quanh quất nhiều lần rồi cắm nắm nhang xuống đất.

Vào giường nằm Hương lại bắt đầu suy nghĩ miên man. Ôi tiếng hát! Ôi tiếng hát! Có tiếng hát gây nguồn vui vẻ, gây niềm phấn khởi! Cũng có tiếng hát đài tải nỗi buồn, nỗi nhớ thương, nỗi u uất! Cũng có tiếng hát khích động lòng hận thù! Cũng có tiếng hát làm chiến sĩ giữa chiến trường phải buông tay súng… Rất nhiều người nhờ tiếng hát ru hồn vào mộng nhưng cũng không hiếm trường hợp tiếng hát đẩy con người xuống vực sâu. Hương liên tưởng cảnh nàng mỹ nhân ngư hát du dương suốt đêm trường giữa biển làm mấy anh ngư chài say đắm ngất ngây. Hương liên tưởng đến tiếng hát của những chú mục đồng, những người hái sim bên đồi vắng, hồn nhiên, vô tư. Hương liên tưởng đến nàng Mị Nương xanh xao gầy mòn vì tiếng hát của gã chèo đò Trương Chi. Hương nghĩ đến nét mặt bi thương của những chàng tử đệ trung thành của Hạng Võ đang tử thủ tại Cai Hạ trong khi vòng vây bên ngoài đang vang vang giọng Sở ca ai oán nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ vợ, nhớ con… Hương lại liên tưởng đến tiếng hát gào từ một cái loa bắc trên thân cây bên đường “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù…Hướng về đồng bằng, ta tiến về Thành đô…” trong khi một đoàn tù nhân chính trị miền Nam đang cau mày ủ mặt thất thểu đi lao động ngang qua đó…

Sau những suy nghĩ miên man, Hương tự an ủi cái đau của mình đâu có thấm tháp gì đối với cái đau của những lớp người kia. Và rồi Hương cũng đã nghĩ ra một cách có thể giải quyết vấn đề của mình.

*

  • Anh Đạm này, khu này hình như có cái gì bất ổn…
  • Em nói gì? Khu này không an ninh à? Em thấy gì khác lạ không?

  • Không, em nói về cõi âm kia… Có thể đây là khu ngày xưa có cảnh giết chóc nhau như giữa người da trắng và người da đỏ chẳng hạn…

  • Đạm nhìn Hương khó hiểu:

    • Thì chuyện đó ăn thua gì tới mình!
  • Anh nói thế chứ những oan hồn có thể vất vưởng cả ngàn vạn năm, những lúc thuận tiện họ cũng hay quấy nhát người trần… Em đã hứa với những kẻ khuất mặt. Em muốn anh chở em đi chợ Việt Nam một lần để mua ít thứ gì về cúng cho họ, để họ khỏi quấy phá…

  • Đạm phì cười:

    • Thì cứ nói em ưng đi chợ Việt Nam anh chở đi chứ bày đặt chuyện gì lôi thôi vậy!

    Bị Đạm chế nhạo, Hương bực mình đành phải đem chuyện nghe tiếng hát giữa những đêm kia kể lại cho Đạm nghe. Hương kể rõ những nỗi lo sợ, nỗi mất ăn mất ngủ bao nhiêu lâu nay. Dĩ nhiên là Hương tránh không hề nói đó là tiếng hát người xưa. Nghe xong, Đạm lắc đầu cười vuốt tóc Hương thương hại:

    • Rõ khổ em tôi chưa! Hèn gì mà xanh xao võ vàng ra tới mức này! Có gì đâu! Đó là mấy người đi đưa báo buổi khuya trong khu này hát chứ ma quỉ gì! Anh đi làm sớm đêm nào lại không gặp mấy người Việt mình vừa quăng báo vừa hát nghêu ngao…

    Hương nghi ngờ:

    • Anh nói người quăng báo hát những bài gì?
  • Cái ông bỏ báo khu vực mình vẫn hay hát bài Hòn Vọng Phu đấy mà!

  • Như một người đang trong cơn mộng dữ được đánh thức, Hương mừng rơn lên:

    • Quả thật đó là tiếng hát của người đưa báo à? Thế mà lâu nay em đã hao phí bao nhiêu tâm lực vì chuyện đó!

    Ngô Viết Trọng

     

    Nguồn : tác giả

    Trở về … tập truyện Ngõ Tím

    Trở về … Trang Ngô Viết Trọng