VÕ KỲ ĐIỀN QUA CÁI NHÌN NHÀ THƠ LUÂN HOÁN

image002luan-hoan

Võ Kỳ Điền , Kẻ Đưa Đường Lãng Trí

Trước ngày tôi định cư tại Montréal (1985), tại hai tỉnh bang Québec và Ontario của Canada đã có một số tạp chí Việt ngữ khởi sắc như Dân Quyền, Lửa Việt, Làng Văn, Phổ Thông, Sóng. Trong những năm 1982 đến 1990, Làng Văn đứng đầu về việc qui tụ nhiều cây bút đã thành danh cũ lẫn mới. Nhờ có góp bài, tôi nhận được thường xuyên Làng Văn. Từ tạp chí này, tôi gặp được Võ Kỳ Điền, một cái tên rất mới, qua nhiều truyện ngắn, đọc rất thích. Tác giả là một người gốc miền nam, tôi nhận diện được bởi văn phong của anh. Về sau, biết anh cũng cư ngụ tại Montréal, nên tôi đã định bụng sẽ tìm gặp.

Cơ hội gặp Võ Kỳ Điền thật tình cờ. Mùa đông 1985 chưa dứt hẳn, tuyết vẫn còn lai rai, nhưng tôi đã gặp được một người bạn học cũ thời trung học, anh Mai Bá Trác (bố một vài đứa con của ca sĩ Khánh Ly). Trác đang làm chủ một tiệm ăn nằm trên đường Rosemont, quán Huế. Tôi được Trác mời đến gặp mặt một số bạn người Việt vào một đêm tối. Tuy rất ngại, nhưng có cơ hội trình diện cùng đám đông, tôi ham vui, nhận lời.

Được chỉ dẫn rõ ràng. Nhưng cái lớ ngớ cố hữu cộng với đêm tối mù mù tuyết bụi, đã đẩy tôi lên chuyến buýt ngược chiều đường nơi cần đến. Con đường Van Horne nối dài với đường Rosemont. Hướng tôi đang đi không có hàng quán nào cả. Ngồi lâu, mới biết mình lầm, phải xuống xe, đứng đợi chuyến đi ngược lại. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy mặt mũi cái quán Huế. Một quán ăn chuyên bán những món ngon của đất cố đô Việt Nam. Tôi gặp được khá nhiều bè bạn của anh Trác, và hầu hết đối với tôi đều xa lạ. Tuy vậy buổi gặp gỡ khá vui. Đa số những người bạn này đều có tửu lượng cao, và rất khoái hơi men. Buổi nhậu do vậy kéo rất khuya. Khi ra về tôi được một anh bạn tình nguyện đưa đường. Người bạn này, hình như tôi đã thấy mặt một lần, hôm ở nhà anh chị Đỗ Quý Toàn. Anh chính là Võ Kỳ Điền, người đã viết các truyện ngắn: Cây Sầu Riêng Vườn Cũ, Bác Năm Hớt Tóc, Một Thời Để Yêu, Có Những Cơn Sóng…

Võ Kỳ Điền hơi nghiêm nghị, rất tiết kiệm lời nói. Tôi cũng vậy, nên ngồi trong xe, chúng tôi cùng im lặng. Đêm về khuya trời rất lạnh. Cái sưởi trong xe của anh Điền chưa kịp ấm, xe đã ngừng ngay trước cửa trạm métro Rosemont. Tôi hấp tấp cảm ơn anh Điền rồi rời chiếc Nisan của anh. Anh Điền lái xe vụt đi. Đường vắng tanh. Ánh điện trước cửa métro bình thản chiếu sáng. Tôi từ tốn bước đến, đặt tay lên tay nắm cánh cửa, đẩy nhẹ. Cánh cửa kính không nhúc nhích. Tưởng chưa đủ sức, tôi đẩy mạnh hơn. Vô ích. Đã hết giờ đón khách. Một thoáng băn khoăn, tôi nhìn quanh không thấy ai, đành thắc thỏm, chờ một chiếc taxi. Tôi kéo lại cổ áo. Cái lạnh mỗi lúc một đậm đặc hơn. Tôi tự giận mình đã quá ham vui, khi chưa rõ đường đi nước bước, giờ giấc của những phương tiện chuyên chở. Sau cái đêm hôm ấy, tôi không được gặp Võ Kỳ Điền trong một thời gian khá dài, tuy vẫn đọc truyện ngắn của anh trên các báo.

Tôi chợt gặp lại Võ Kỳ Điền tại trụ sở Cộng đồng Người Việt tại đường Victoria, khi cùng tham dự buổi họp sơ khởi, để bàn chuyện thành lập Văn Bút ở Canada. Trong buổi họp chúng tôi không ngồi gần nhau. Tôi im lặng theo dõi. Hình như Võ Kỳ Điền làm thư ký cho buổi họp hôm ấy. Anh cũng có đóng góp ý kiến nhiều lần. Tôi có bệnh thiếu tập trung khá nặng, nên dù ngồi im, những câu chuyện của các bạn chung quanh, vẫn bình thản đi ngang qua hai lỗ tai tôi. Sau buổi họp, tôi được bắt tay từ giã Võ Kỳ Điền khi cùng ra gần đến cửa métro Plamondon.

Có lẽ vào thời điểm này, Võ Kỳ Điền sinh hoạt tích cực nhất. Anh khởi sự viết văn bằng truyện ngắn Bác Năm Hớt Tóc, đăng trên tạp chí Dân Quyền. Truyện ngắn này, anh cho biết, đã viết trong ngày rằm tháng giêng năm 1991. Trong văn chương Việt Nam, tôi vốn rất thích những nhà văn xuất thân từ miền Nam. Tôi đã từng theo chân ông Hồ Hữu Tường, Phi Lạc Sang Tàu. Rồi cùng ông Sơn Nam nằm đọc Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, hoặc đánh rơi chiếc lược chải đầu, gẫy răng trong một tiệm sách. Những lúc buồn buồn, tôi nhảy lên Đò Dọc của ông Bình Nguyên Lộc dạo chơi miền sông nước. Tôi cũng không xa lạ với lòng dạ các ông Hồ Biểu Chánh, Phi Vân. Những buổi hẹn hò dưới trăng thanh gió mát của Chú Tư Cầu Lê Xuyên, tôi cũng rất thích thú rình rập, học hỏi. Cái thú khi đọc văn của tác giả miền nam là nghe họ đối đáp. Lời lẽ giản di, bộc trực. Cái vui thường lấn chân cái buồn trong nhiều tác phẩm. Võ Kỳ Điền có cái duyên riêng của anh. Muốn biết cái duyên hấp dẫn thế nào thì phải đọc. Tôi không giải thích, dẫn chứng. Dĩ nhiên để đứng được trong làng văn, làng báo, Võ Kỳ Điền phải có những nét khác người, hơn người nào đó. Điểm này tôi có thể minh chứng bằng những nhận xét của nhiều cây bút đã thành danh, đang sinh hoạt rất tích cực cho nền văn chương hải ngoại.

image004

Luân Hoán, Trần Gia Phụng, Võ Kỳ Điền, Song Thao, Toronto 2005

Trước nhất, hãy nghiệm những lời nhận xét của ông nhà văn cùng cư ngụ với tác giả Kẻ Đưa Đường, tại Montréal:

“…Võ Kỳ Điền là nhà văn sinh trưởng ở miền Nam. Cái ‘chất’ đôn hậu, thật thà, thẳng thắn của Nam Kỳ không ít thì nhiều đã đi vào cõi văn chương của ông. Võ Kỳ Điền là một người kể chuyện có duyên, mạch lạc và ít làm dáng. Văn chuơng, nó chỉ là yếu tố phụ nhằm giúp nhà văn Võ Kỳ Điền vượt qua những trở ngại tẻ nhạt vướng víu trong khi trình bày câu chuyện, biến nó thành linh động hơn. Pulau Bidong có thể xem là một cuốn hồi ký hay là tự truyện? Thoạt đọc thì ngỡ là đều đặn, đơn giản một giọng kể, nhưng xem qua rồi mới thấy sôi động và lôi cuốn biết chừng nào. Buộc phải theo chân nhân vật xưng ‘tôi’ đi từ Việt Nam sang tuốt Mã Lai một hơi không ngừng nghỉ. Và giũa lộ trình gian nan đó, tác giả đã khéo đưa ra, gài vào những chuyện vui buồn làm ta bâng khuâng chia xẻ”   (Hồ Đình Nghiêm)

Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thường được gọi là đài VOA có mục điểm sách rất ăn khách. Ký giả lỗi lạc Bùi Bảo Trúc giữ mục này, khi đọc xong tác phẩm Kẻ Đưa Đường do Việt Publications ấn hành năm 1986, ông đã viết:

“… Tập truyện Kẻ Đưa Đường mặc dầu là tác phẩm đầu tay, đã được rất nhiều độc giả yêu mến, và giới văn học Việt Nam hải ngoại coi ông là một tác giả có thực tài với lối viết giản dị, gọn gàng và trong sáng, những tình tiết được trình bày mạch lạc và chừng mực, chân phương như con người mô phạm của ông”.                                                                               (Bùi Bảo Trúc)

Một cái tên rất nữ nhi, nhưng vốn là giống đực, từng hành nghề dạy học, qua xứ người mở quán sách Việt ngữ, vừa bán, vừa đọc, vừa viết, không phải lai rai, nhưng cũng chưa hẳn chuyên nghiệp, đọc Võ Kỳ Điền, đưa ý kiến:

“… Thông thường những tập truyện ngắn không thể có tính chất luận đề, trừ phi tác giả của tập truyện được viết theo một mục tiêu chung của cả nhóm; thí dụ Nhóm Tự Lực Văn Đoàn chẳng hạn; nhưng dù thế nào thì chỉ truyện dài mới có đủ khả năng để hàm chứa tính chất luận đề. Nhưng với Kẻ Đưa Đường, một trường hợp rất lạ lùng đã xảy ra đối với lịch sử tiểu thuyết của Việt Nam…

         “… Nhìn chung toàn bộ tập truyện ngắn, với ngòi bút bình dân, đôi lúc hàm chứa tính chất hoạt kê, cộng với tính chất luận đề đã nói lên tâm thức của một nhà văn trong thời loạn, chúng tôi nghĩ rằng độc giả sẽ hòa điệu và cảm ứng được khía cạnh thiên chức của nhà văn Võ Kỳ Điền qua tác phẩm ‘Kẻ Đưa Đường”                                                   (Nguyễn Thị Sông Hương).

Hơi khác với tác giả trên, một tu mi nam tử rất ngon lành, có cả hơi đẹp trai, nhưng có phần nào đó rất yểu điệu thục nữ, đã viết về nhà văn cùng một miền đất phương nam với mình:

“… Võ Kỳ Điền là một nhà văn gốc miền Nam, nên anh áp dụng văn phong miền Nam triệt để. Đó là lối văn bộc trực, chân tình, gợi cảm, nhất là ở những câu đối thoại. Văn phong miền Nam thường dí dỏm, hoạt bát. Cái dí dỏm của Võ Kỳ Điền rất chừng mực, cái cay cú của anh cũng rất mực thước và cái hoạt bát thì là cả một không gian rộng như những cánh đồng ‘cò bay thẳng cánh’

         … Võ Kỳ Điền viết lách khiêm nhượng, làm văn chương từ tốn, diễn tả đơn giản, trong suốt mà không nguội lạnh. Từng dòng chữ, từng trang sách thoảng nhẹ lên chút men nồng ấm tình người”                                                 (Hồ Trường An, tạp chí Văn)

Một người đẹp chính hiệu giầu nhan sắc, một đồng nghiệp của cả hai nghề, một người vốn ‘có tiếng mà không có miếng’ ở lãnh vực tình cảm với Võ Kỳ Điền, ưu ái ông không kém ai:

“… Học với nhau từ nhỏ, tôi vẫn thấy bên ngoài Võ Kỳ Điền có cái vẻ hiền lành như dòng sông Tiền sông Hậu êm đềm xuôi chảy. Nhưng ai biết được dưới đáy sông kia chứa đựng biết bao điều kỳ bí, sôi nổi thiết tha và mãnh liệt. Văn phong Võ Kỳ Điền cũng thế, sau cái vỏ bề ngoài dung dị, dễ dãi, bên trong là những chất chứa dồi dào cảm xúc, những đam mê sâu thẳm của một trái tim rộng lớn. Có lẽ cái đam mê lớn nhứt của Điền là đam mê về giá trị của con người và cuộc đời” (Nguyễn Thị Hoàng Bắc).

Một Bùi Giáng của miền nam trong bộ môn văn, một người ham chơi và biết chơi tới bến, một người rất lành tánh như tre trúc, viết về Võ Kỳ Điền rất xác thực:

“… Trong trí tôi nếp sống hồn nhiên, tình thân mật, lời ăn tiếng nói thật thà chất phác, một cách sống nào đó như bạn đã sống, đang bị tuyệt chủng. Đọc Võ Kỳ Điền lại thấy quả có y chang như vậy và càng thêm tiếc thương. Những cách nói, những cách cư xử của nhân vật Võ Kỳ Điền nghe qua, ngó vô tưởng như vặn lại hồi ký trong đầu hay dở quyển lưu bút ở trường học hồi còn bận quần xà lỏn, đi cẳng không. Giản dị, nhớ hoài, sướng ran. Văn của Võ Kỳ Điền thẳng và chân thành, không hoa hoè hoa sói, kết cục có những bất ngờ”       (Kiệt Tấn)

Có lẽ đây là một đặc biệt, một ngoại lệ của nhà thơ kiêm nhà văn Thanh Tâm Tuyền khi ông nhận xét về một nhà văn sau 1975 tại hải ngoại. Dù những ý kiến này được gói ghém trong một lá thư đầy chân tình:

“… Tôi thật không ngờ đã viết nổi một bức thư dài đến chừng nầy. Từ ngày sang đây, tôi thật ngại cầm đến bút, kể cả khi viết thư về nhà. Điều nầy chứng tỏ, ít nhứt đối với riêng tôi, quyển sách anh viết đã thành công. ‘Chữ đã đẻ ra chữ ‘ nó đã không đẻ ra được cơm gạo cho người ta qua cơn đói lòng nhưng nó cũng không đẻ ra những phù chú, pháp thuật nhằm ‘mà’ mắt người hầu thủ lợi (ở đây cũng như ở kia). Người ta đã không thể ‘nhá chữ’ mà sống, thì người ta cũng không thể ‘nuốt chữ’ để say sưa quên đời và chết một cách ngu xuẩn. Chữ chỉ dùng để đọc thôi..

     Chúc anh luôn luôn khỏe mạnh vui vẻ, luôn có hứng thú tuôn thành chữ để cho những ai thích đọc anh, được đọc chữ nghiã của riêng anh.”

Thanh Tâm Tuyền: (St- Paul / ngày 18-1-92)

         Một lá thư khác, giữa hai người bạn văn với nhau, cũng có một câu nhắc về Võ Kỳ Điền:

“… Chiều nay vừa đọc lại văn Võ Kỳ Điền mà Mai Thảo đăng lại trong Văn, lại thấm thía cái hay thâm trầm của người miền Nam. Có lẽ Võ Kỳ Điền là người viết văn giọng Nam hay nhất đó, chớ chẳng chơi”

Vi Khuê: (thơ gởi Hồ Trường An , 6 – 10 -1985)

Tôi chẳng thể nào trích dẫn thật đầy đủ những nhận xét tính tế của những vị vừa kể trên, dành cho nhà văn Võ Kỳ Điền. Họ đã rất tỉ mỉ phân tích nội dung, bút pháp qua từng truyện một, đưa ra cái tài cụ thể của Võ Kỳ Điền. Theo Hồ Trường An, tác giả Kẻ Đưa Đường có tài khi chưng ra những chân dung nhân vật đồng thời hoàn tất các tiêu chuẩn nhân đạo, nhân tính cần thiết cho cái đẹp của một tác phẩm văn chương. Với Bùi Bảo Trúc, rất tâm đắc với những truyện tình, vốn hiếm hoi trong Kẻ Đưa Đường. Ông thuật lại vắn tắt nội dung từng cốt truyện, để đi đến kết luận: ba truyện tình là những truyện hay nhất trong tập truyện. Tôi không may không có tác phẩm in thành sách của Võ Kỳ Điền. Tôi đọc văn anh lắt nhắt qua các tạp chí, chẳng nhớ rõ truyện nào ra truyện nào. Nhưng những mẩu chuyện trong đời thường từ ông Năm hớt tóc, đến ông thợ rèn, với lối chuyện trò, bày tỏ tâm tình của họ, tôi rất khoái. Lồng vào đối thoại những chữ Tàu khá quen thuộc cũng là một ưu điểm của văn phong Võ Kỳ Điền. Bàn chuyện văn chương sẽ không cùng. Sợ sẽ quên một phần quan trọng, nên tôi xen ngay vào đây phần tiểu sử tác giả.

Võ Kỳ Điền tên thật Võ Tấn Phước, sinh ngày 30 tháng 10 năm 1941 tại Dương Đông, Phú Quốc, trong một gia đình khá giả, Thời niên thiếu theo học tại tỉnh nhà, về sau cha mẹ thương cho lên ăn học tại trường Nguyễn Trãi Sài Gòn. Đời học sinh trung học, Võ Kỳ Điền đã được làm học trò những người danh tiếng như nhạc sĩ Lê Thương, nhạc sĩ Phạm Duy Nhượng, nhạc sĩ Lê Xuân Khoa, họa sĩ Ngọc Dũng, nhà thơ kiêm nhà văn Thanh Tâm Tuyền. Tuy vậy anh không nghĩ đến mai sau sẽ sinh hoạt văn học nghệ thuật. “Học gạo” là chủ yếu và anh đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, ban Việt Hán, cùng khóa với các nhà văn Hoàng Chiều Nhân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lữ Phương. Ra trường Võ Kỳ Điền được điều về dạy Việt văn tại Trung học Hoàng Diệu ở Ba Xuyên rồi đổi về Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương, nơi có mặt của Lê Tấn Lộc (Hiệu Trưởng, anh nhà văn Kiệt Tấn), Lê Vĩnh Thọ, Phạm Ngọc Em… Sau tháng 4 năm 1975, Võ Kỳ Điền vội vã thành hôn với một nữ giáo sư cùng trường, chị Duyên. Cô giáo hoa khôi này cho anh một cậu ấm duy nhất. Năm 1979, gia đình Võ Kỳ Điền vượt biên đến đảo Pulau Bidong Mã Lai, rồi định cư tại thành phố Laval, Canada. Cũng như nhiều vị giáo chức khác, Võ Kỳ Điền mất bục giảng, anh trở thành công nhân của hãng điện tử Phillip trong nhiều năm.

Lao động chân tay cũng có ưu điểm của nó. Ngoài giờ vất vả ở sở, Võ Kỳ Điền trở lại thú vui đọc sách. Từ một nhận xét trong bài phú tả A Phòng của ông Đỗ Mục bên Tàu, đại ý “ Không ai diệt được Yên, Tề, Sở, Hàn, Triệu, Ngụy, chính lục quốc này tự diệt mà thôi”, Võ Kỳ Điền cho rằng miền nam Việt Nam đã tự diệt, một phần vì sự hiểu biết hời hợt về chế độ cộng sản, một phần vì thái độ bàng quan của giới có học vấn. Anh viết: “… Thời đó tôi còn nhớ rất nhiều người sách nào chống cộng thì không thèm đọc, kịch nào chống cộng thì không thèm coi. Họ đồng hoá hễ tiểu thuyết chống cộng thì đương nhiên không hay. Chuyện chống cộng là việc làm của các ông công chức bộ Thông tin hoặc các cơ quan Tâm lý chiến của bộ Quốc phòng. Tiểu thuyết hoặc thơ, kịch muốn hay phải có yêu đương gay cấn, mùi mẫn kia…”

Không biết có phải vì điều này Võ Kỳ Điền đã nghiêm chỉnh viết văn, và tuyên bố một câu chắc nịch: “…Nếu bài nào của tôi mà không có một ý, một câu đả kích cộng sản thì tôi không viết nữa…

(trả lời Tưởng Năng Tiến, Làng Văn số 30 tháng 2-1987)

Võ Kỳ Điền thành danh cùng thời với những Nguyễn Ngọc Ngạn, Bắc Phong, Vũ Kiện. Tác phẩm đầu tay, Kẻ Đưa Đường, gồm 15 truyện ngắn ăn khách, đã giúp cho Võ Kỳ Điền có cảm giác đầu tiên, khi nhận tiền tác quyền 10% từ một nhà xuất bản của ông chủ bút Làng Văn, Nguyễn Hữu Nghĩa. Số tiền không mấy lớn. Sáu trăm tám mươi tám đô la Canada cộng thêm 80 xu lẻ. Tôi không rõ Võ Kỳ Điền có đãi cà phê cho bè bạn không ? Anh là người không mấy thích la cà quán cóc. Bạn bè họp mặt đãi nhau, hú anh đến cũng rất khó. Với một vóc dáng có da có thịt, cùng khuôn mặt vuông vức đầy đặn, không biết có ảnh hưởng đến bản tính ngại trà, sợ rượu của anh không ?

image006

Chuyến vượt thoát khỏi tổ quốc cùng những ngày tháng tỵ nạn trên đảo, đã giúp Võ Kỳ Điền hoàn tất cuốn bút ký dày 420 trang: Pulau Bidong – Miền Đất Lạ vào đúng ngày 30 tháng 4 năm 1991. Sách được nhà xuất bản Xuân Thu tại Hoa Kỳ ấn hành cùng năm. Cuốn sách này Võ Kỳ Điền ký tặng tôi hẳn hoi. Qua đó tôi hiểu biết được khá nhiều về cuộc đời thuyền nhân. Một nhân vật của anh làm tôi nhớ hoài là bạn “Dân…gì đó”. Một cái tên và một thói quen, được anh ghép thành tên gọi, với rất nhiều đức tính, thói quen ngộ nghĩnh.

Võ Kỳ Điền không thích đàn đúm nhưng anh thường có mặt trong các cuộc sinh hoạt chữ nghĩa. Hơn thế nữa, anh còn là một trong những diễn giả thường xuyên, có uy tín của cộng đồng người Việt tại Montréal. Anh đã từng đăng đàn giới thiệu tác phẩm của nhiều bạn văn. Những bài phát biểu của anh thường được viết rất tỉ mỉ, súc tích. Nghề dạy học cũng đã giúp anh tự tin, linh hoạt trong khi trình bày trước đám đông. Tác phẩm của tôi, của Lưu Nguyễn, của Phan Ni Tấn, của các nhà văn Nguyễn Văn Ba, Song Thao, Trà Lũ, Nguyễn Tấn Hưng, Trang Châu…cũng từng được anh giới thiệu chí tình đến bạn đọc.

Viết lách nói năng đề huề chuyên nghiệp như vậy, nhưng Võ Kỳ Điền rất khiêm nhường và thành thật khi nói về cái nghề tay trái “viết văn” của mình. Trong tác phẩm đầu tay, Võ Kỳ Điền tự viết lời tựa cho sách mình:

Cả đời cho tới giờ phút nầy, tôi vẫn nghĩ thành thực rằng mình chỉ là một nhà giáo – một thầy giáo ở tỉnh lẻ mà thôi, khó thể làm bất cứ nghề nghiệp gì khác mà coi cho được, nói chi tới chuyện viết văn làm thơ. Theo trí tưởng tượng, theo sự hiểu biết qua sách vở, báo chí, cùng hình ảnh các vị thầy khả kính, tôi cho rằng nhà thơ, nhà văn phải là những người tài hoa, phong lưu và giỏi giắn rất mực…”

Nhà báo Bùi Bảo Trúc đã thuật lại lời Võ Kỳ Điền phát biểu trong một cuộc nói chuyện tại Đàm trường Văn Bút Canada vào tháng 6-1987:

“… Võ Kỳ Điền đã khiêm tốn không xem những gì ông viết là văn chương. Ông không coi việc ông có những tác phẩm đăng báo là văn chương và việc cầm bút của ông không phải là “viết văn” mà chỉ là ” viết”, để nói lên những điều ông trông thấy, nghe thấy hay đã sống qua, trên mặt giấy, một thứ phản ứng của một người bị đè nén, ức hiếp thì phải vùng dậy, một người bị lăng mạ thì phải nói lại.

         Văn chương, theo Võ Kỳ Điền, phải là tiếng nói của kẻ yếu đấu tranh chống độc tài, áp bức, bạo lực và bất công bất cứ từ đâu tới. Trong bài tựa của cuốn “Kẻ Đưa Đường”   Võ Kỳ Điền viết tiếp, văn chương phải chống bất cứ hình thức nô lệ nào, chống sự ngu xuẩn, hầu đưa con người vươn lên từ tối tăm, đổ vỡ…”

Qua bài viết của Bùi Bảo Trúc, chúng ta cũng nhận ra được quan niệm sáng tác của Võ Kỳ Điền. Chuyện cầm bút và quan niệm sáng tác, còn được anh xác nhận khi trả lời phỏng vấn của nhà văn Tưởng Năng Tiến:

“…Tôi chỉ là thầy giáo – một thầy giáo ở Sóc Trăng với Thủ Dầu Một thôi. Khó mà làm một nhà văn tầm thường, nói chi mộng làm một nhà văn lớn. Do đó cái nhìn của tôi bị giới hạn, và đã vào khuôn. Câu văn thì phải có động từ, chủ từ, túc từ. Bài viết phải có nhập, thân, kết. Nguyên tắc của tôi đặt ra giản dị trong sáng trong câu văn, thiệt thà chất phát trong ý tưởng, nội dung. Dễ đọc, dễ hiểu…Cái mục tiêu tôi nhắm tới không phải để trở thành một nhà văn tên tuổi…Nói cho rõ, tôi viết để chống cộng…”

Chủ trương viết “dễ đọc, dễ hiểu” nhưng không phải bê nguyên cái sự thật ngoài đời vào trong bài viết. Võ Kỳ Điền chú trọng đến sự sáng tạo trong tác phẩm. Từ cái không-thật trở thành cái thật, theo anh là một nghệ thuật cần có khi viết văn.        

         Thành phố Montréal qui tụ khá nhiều người sáng tác. Không khí sinh hoạt khá sôi nổi, đẻ ra nhiều thân tình. Tôi và Võ Kỳ Điền cũng nương theo sự phát triển tốt đẹp này mà đến với nhau nhiều hơn. Trong một lễ vu qui của con gái tôi, anh đã có mặt và đóng góp phần giúp vui của mình với một tiết mục đặc biệt. Anh đọc thơ. Bằng một giọng chậm rãi, dễ nghe, anh dẫn thực khách có mặt trong buổi tiệc, ghé qua một dòng sông nổi tiếng trước đây cả ngàn năm. Bên nguồn nước bao la ấy có sự hiện diện của cô gái xinh đẹp tên Hà. Một khởi điểm thi hứng cho một người si tình, đã làm thơ loạn cả một góc trời, đủ để cho dòng sông mang tên Thương Hà. Điển tích này được gói gọn trong bốn câu thơ sống mãi trong Kinh Thi nước Tàu: “Quan quan thư cưu / Tại Hà Chi Châu /Yểu điệu thục nữ / Quân tử hào cầu”. Dĩ nhiên đọc xong, Võ Kỳ Điền không quên giải thích. Dù trên sân khấu, dưới ánh đèn không đủ sáng, tôi cũng nhận rõ nét mô phạm nghề nghiệp của Võ Kỳ Điền hiện ra. Anh say sưa nói một cách chân tình. Trước mắt anh có thể đang có một con chim cưu kêu quan quan thật. Sự thiết tha và lãng mạn làm phong phú và rực rỡ tình yêu. Dùng những câu thơ đẹp để chúc mừng một cuộc hôn nhân,Võ Kỳ Điền quả thật tế nhị, thông minh. Anh đã tỏ ra một người khéo chọn quà, đồng thời giới thiệu được cái Hán rộng vốn có của mình.

Cuộc sống sẽ mỗi ngày một đẹp hơn, nếu không có những đố kỵ, nhỏ nhoi chen chân vào. “Một cơn bão trong tách trà” đã manh nha mở đường đi xuống cho những sinh hoạt văn học nghệ thuật, vốn rất phong phú tại thành phố tráng lệ, nhiều người Việt, Montréal. Phòng triển lãm tranh sơn dầu của họa sĩ Võ Đình ngày 27 tháng 6 năm 1992 tại Les Jardins Du Boisé Montréal, đã chịu tiếng oan cho sự bắt đầu không đẹp này. Võ Kỳ Điền vô cớ bị lôi vào những tin đồn thất thiệt, những lá thư nặc danh đầy ác ý. Chuyện tưởng chơi nhưng không ngờ đã kéo đổ hạnh phúc của một nhà văn đang sung sức. Ngọn bút của Võ Kỳ Điền cũng theo đời sống chăn gối mà chựng lại. Anh xuống tinh thần khá nhanh. Có một khoảng thời gian ngắn anh gần như biệt lập, không giao tiếp với bè bạn, không viết. Nhưng rất mừng, giai đoạn khủng hoảng tinh thần chóng qua. Võ Kỳ Điền vui vẻ trở lại với một nghề tự do, vốn đã có căn bản vững vàng. Anh trở thành một chiên tinh gia với nhiều tiếng tốt đồn xa.

Không nhớ vì nguyên do nào chúng tôi có vẻ khá thân với nhau. Lúc bấy giờ Võ Kỳ Điền thuê nhà ở số 9175 đường Saint Michel. Tôi ghé lại thăm anh nhiều lần. Tuy chỉ có hai cha con, Võ Kỳ Điền đã thuê một căn nhà khá lớn. Phòng làm việc của anh thoáng mát. Ngay sau bàn viết của anh là một tủ sách choáng cả bề ngang vách tường. Sách nhiều, đủ loại. Nhìn những cuốn sách nằm chỉnh tề, ngăn nắp trong tủ sách của Điền, tôi chợt thấy thương những cuốn sách được tôi làm chủ. Từ năm dãy cho một tủ sách, tôi chế thành mười dãy. Tủ này nối tủ kia bốn lần giáp mí. Nạn mãn sách vẫn không được giải quyết. Tính tôi hình như có hơi lười nên sự lộn xộn càng gia tăng.

Từ bàn viết của Võ Kỳ Điền nhìn ra, tôi gặp ngài Bố Đại vui vẻ cười với cái bụng tròn vo. Nhờ Võ Kỳ Điền giải thích, tôi mới biết sự khác biệt giữa hai ngài Bố Đại và Thổ Địa. Thiền sư Bố Đại xuất thân từ Trung Hoa vào thế kỷ thứ 10, thời Ngũ Đại. Ngài mập mạp nên không được cao. Áo vận vào người nhưng không mấy khi cài nút. Cái bụng hở gió cứ thế mà lớn lên. Không chừng những phép màu được thiền sư chứa trong cái bụng dễ thương này. Thiền sư Bố Đại đi đứng nghênh ngang, chân tay thoải mái. Đó là tôi nhìn ngài mà suy đoán ra vậy. Không tin bạn có thể nhìn nụ cười vô cùng hoan hỷ của ngài. Ăn ngủ tùy nghi, nói năng tùy hứng nhưng được mọi người kính trọng thương yêu. Trước đây tôi vẫn tưởng cái túi vải bố to tướng trên vai ngài dùng để đựng quà cáp, vàng bạc mà ngài sẽ mang đến phát tận nhà những người có lòng, nghèo khó. Hóa ra không hẳn vậy. Túi vải bố của ngài có thể đựng lương thực, có thể đựng năm bảy người ngài cần đưa qua những khó khăn, tai nạn. Ngài Bố Đại ở với dân, vui với dân. Lúc ngài lâm chung người đời mới được biết ngài là hiện thân của đức Phật Di Lặc. Sau khi đến chơi nhà Võ Kỳ Điền về, tôi xuống phố Tàu Montréal thỉnh ngay một ngài Bố Đại được đúc bằng nhựa cứng, có màu xanh như ngọc. Ngài Bố Đại này ở với tôi chừng năm bảy tháng. Trưởng nữ tôi sinh sống tại Hoa Kỳ về thăm, tỏ ý thần phục ngài, thế là tôi làm quà tặng. Một ngài Bố Đại khác hoành tráng hơn, phương phi hơn lại được tôi thỉnh về . “Di Lặc, Chân Di Lặc / Phân thân thiên bách ứng / Thời thời thị thời nhân / Thời nhân tự bất thức…” Thật ra tôi chẳng cần thông suốt triết lý hành động của ngài. Có ngài cùng ở chung một nhà là vui rồi. Nếu có dịp bạn đến thăm nhà tôi, đừng ngạc nhiên khi gặp Phật tổ, Phật Quan Âm, ngài Quan Công, ngài Phúc, Lộc, Thọ vân vân. Ở nhà Võ Kỳ Điền, tôi còn thấy mẹ con của một bầy cá hóa long bằng gỗ chạm khắc tinh vi, giàu nghệ thuật. Tôi rất thích cái tượng này, Tượng rất lớn, nặng, và quí nên tôi không dám hỏi xin. Dĩ nhiên dù có xuống giọng năn nỉ, Kẻ-Đưa-Đường-một-lần của tôi cũng không cho. Đến chơi cùng Võ Kỳ Điền, tôi biết thêm anh có một cái thú rất giống tôi: thu phim. Nếu tôi nghiêng về phim du lịch. (Xem như mình đi tham quan đây đó mà không mất nhiều tiền) thì Điền thu được rất nhiều bộ phim Tàu. Anh Hùng Xạ Điêu, Cô Gái Đồ Long, Hoàn Châu Cát Cát, Dòng Sông Ly Biệt, vân vân và vân vân, đầy ứ mấy tủ lớn của Võ Kỳ Điền. Anh giới thiệu và cho tôi mượn một lúc nhiều bộ, xách nặng muốn rớt cánh tay. Nhân chuyện thu phim, tôi hỏi thử anh có phim sex ? Anh lắc đầu. Tôi gợi ý, nếu anh muốn xem tôi cho mượn. Điền chối từ, Anh nói: “Ở một mình, sợ cái chuyện đó lắm”. Tôi ngẫm nghĩ không hiểu vì sao anh sợ. Thật ra, nếu Điền cần, tôi chạy lên Saigon Video mướn làm quà cho anh vài cuốn, xem giải sầu. Nhưng Võ Kỳ Điền, nhà mô phạm vẫn giữ được bản chất nhà giáo. Hoan hô. Nghề chính của anh lúc này là chấm tử vi, xem hướng nhà…đủ thứ chuyện của nghề bốc tử. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nhờ Điền soạn cho tôi một lá tử vi. Anh sốt sắng làm ngay, dù không nhận một đồng xu nào. Điền nói về tôi, về cái đuôi của một con rồng, giàu một đời nhào lộn. Anh cho tôi biết tôi không có số làm giàu, nhưng rất mực thong dong. Thuở nhỏ ỷ vào cha mẹ; ra đời cậy vào bạn bè, đệ tử; hiện tại nhờ vợ quanh năm. Đúng hết chỗ chê. Điền cùng tuổi với tôi, như Thái Tú Hạp, Hồ Thành Đức, Châu Văn Tùng…nhưng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau tùy theo cái giờ, cái khắc biết khóc lần đầu tiên. Cuối bài viết này là lá số tử vi của tôi do Võ Kỳ Điền chấm quẻ. Bạn nào có nghề cứ thử suy đoán chơi. Phát giác gì thú vị có thể gọi đến tôi, không mất tiền qua số điện thoại 514-325-6409 hoặc 514, 588-6409.

image008

Võ Kỳ Điển đang là người ‘độc thân dễ tính’ nên hình như có nhiều o sồn sồn ngấm nghé. Quán bánh mì trên đường Jean Talon, nơi Điền thường ghé mua thức ăn, hình như muốn dạm mối cho anh. Không rong chơi, ngừng viết lách, Võ Kỳ Điền tiêu vào đâu khoảng thời gian thiếu người mê tín ? Tôi cứ ái ngại cho anh cái vụ ‘chào cờ’ bất tử. Nỗi lo bao đồng của tôi quả là ‘lo bò trắng răng’. Đùng một cái anh hỏi: “Ông có đi dự đám cưới của tôi không ?” Tưởng giỡn, hóa ra thật. Một nữ dược sĩ, nhan sắc mượt mà, có cơ ngơi làm ăn khang trang quyết định mời anh về dinh ở tận thành phố Toronto hiện đại. Hôn lễ giữa anh và

4cặp: VKĐiền, SongThao, LHoán, PhanNiTấn

chị Trần Ngọc Điệp được cử hành vào ngày 03 tháng 8 năm 2002 tại tỉnh bang dùng tiếng Anh, Ontario, Canada. Tôi vắng mặt, lý do quen thuộc: nhức chân, nhức đầu, sổ mũi. Bạn văn tham dự chia vui cùng anh kể lại, đám cưới lớn và trang trọng lắm. Cuộc đời quả thật có nhiều cái bất ngờ. Cùng một tuổi, Điền hơn tôi hay tôi hơn Điền chưa rõ. Nhưng hơn cái gì đây, chẳng lẽ hơn một cái…phù du !

image010

Võ Kỳ Điền đã bỏ Montréal mà đi, như Đỗ Quý Toàn, Bắc Phong, Phạm Nhuận…Dù không thắm thiết tình bè bạn tôi vẫn thấy buồn. Thành phố thân yêu mất thêm một tay viết, một diễn giả, một kẻ lừng khừng thơ ngây, đưa đường không đến nơi đến chốn. Nhưng tôi cũng rất mừng cho anh, tình yêu làm anh hồi sinh. Anh viết lại. Những trang viết chưa là truyện ngắn, truyện dài, nhưng bút ký đã có sau những chuyền du lịch gần khắp thế giới của cặp uyên ương, vừa tìm lại tuổi thanh xuân. Những bài điểm sách, giới thiệu tác giả cũng đã trở về với Võ Kỳ Điền. Tôi lại được hân hạnh anh đảm nhiệm lời trình làng “Luân Hoán Một Đời Thơ” tại Mississauga. Nhà văn Song Thao cũng được anh ngưỡng mộ nhắc tới trong bài nói chuyện về Phiếm của nhà văn Trà Lũ. Anh vẫn nhiệt tình, bài viết vẫn đầy một tấm lòng. Chân thành cảm ơn chị Ngọc Điệp đã cho anh bạn hơi cù lần của tôi trẻ lại hơn mười tuổi. Trẻ lại hơn tôi rất nhiều. Tôi rất yên tâm đóng vai một ông anh, dù thân thể có phần khiêm nhường hơn. Làm anh nên vẫn thường lú lẫn. Có gì quên nhờ ông em, mướt rượt tình yêu chịu khó làm một kẻ đưa đường, nếu tôi xuống chơi Toronto mà nổi hứng muốn đi lạng quạng nhé. Trả công trước cho “chú” mấy câu thơ đây:

“ Đang hiền như Phật đất / bỗng nhiên có người yêu / gieo quẻ gì hay vậy / ông nhà giáo cao siêu / Kẻ Đưa Đường ngày nọ / Hán rộng đến bao nhiêu / xem giùm trong bồ chữ / còn thừa mấy chữ yêu ?” (LH)