Tin tổng hợp – Chùa Liên Trì không còn dấu vết

 

500 Công An Giả Sư, Phật Tử Vào Chùa Liên Trì Khiêng Hết

10/09/201600:00:00
Chùa Liên Trì đã bị xóa sổ… Sau đây là bản Tường Trình về tình hình cưỡng chế Chùa Liên Trì, nơi điạ chỉ cũ là 153 Lương Định Của – phường An Khánh – quận 2 – Sài Gòn. Và bây giờ đã biến mất.

Bản văn ký tên Thầy Thích Đồng Minh đề ngày 09 tháng 09 năm 2016.

TƯỜNG TRÌNH

VIỆC CƯỠNG CHẾ CHÙA LIÊN TRÌ

Kính gởi: Hòa thượng Thích Viên Định, Viện trưởng HĐĐH Tăng Đoàn GHPGVN TN.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Hòa thượng Viện trưởng,

Vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 8/9/2016, chính quyền thành phố sử dụng lực lượng công an hùng hậu tiến hành cưỡng chế chùa Liên Trì, phường An Khánh, quận 2, Sài gòn

Có mặt tại chùa: Hoà thượng Thích Không Tánh viện chủ chùa Liên Trì, Đại đức Thích Đồng Minh, Đại đức Thích Lệ Trụ, Đại đức Thích Đồng Tấn, Đại đức Thích Đồng Lưu, cô Sáu (dân oan), anh Chương, anh Minh (phật tử).

Lực lượng của nhà nước khoảng 500 nhân viên thuộc các ban ngành, được trang bị đầy đủ phương tiện. Họ đi trên khoảng 50 chiếc xe ô tô, kèm theo là xe cứu hỏa, xe cứu thương và xe phá sóng điện thoại. Nhân viên công lực mang theo dùi cui, roi điện, bình hơi cay và mang súng để đối phó với mọi tình huống. Nhiều công an mặc đồ lam, giả dạng Phật tử để di dời các hũ tro cốt, các vị thầy do nhà nước chỉ định cũng có mặt để tham gia cưỡng chế.

Lực lượng công an chặn lối đi vào chùa Liên Trì, nội bất xuất ngoại bất nhập. Một số thành viên thuộc Hội đồng Liên Tôn cũng đã đến để chia sẻ nhưng bị công an chặn, không cho vào chùa. Thượng tọa Thích Từ Giáo cũng tìm cách vào chùa nhưng nhân viên công an chặn lại vì lý do đang thi công công trình, không cho người lạ vào. Con đường độc đạo dẫn vào chùa Liên Trì bị phong toả hoàn toàn.

Tham gia cuộc trấn áp có rất ít công an mặc sắc phục, còn lại là nhân viên công an mặc thường phục. Họ dùng loa phóng thanh để đọc lệnh cưỡng chế, trong lúc đó chư tăng ở bên trong chùa ngồi tọa kháng, phản đối ôn hòa.

Lúc 7 giờ 30 phút, nhân viên công an cắt khóa cổng chính của chùa rồi tràn vào khống chế chư tăng, khoảng 5 nhân viên công an áp giải 1 tu sĩ. Những nhân viên công an mặc thường phục lực lưỡng mở cửa từng phòng để kiểm tra rồi cưỡng chế các tu sĩ đưa ra ngoài phòng khách làm việc.

Không có thông tin nào về chùa Liên Trì lọt được ra ngoài vì chính quyền chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho đợt trấn áp này. Nhân viên công an yêu cầu quý thầy không được quay phim chụp hình, không được sử dụng điện thoại di động. Đại đức Thích Đồng Tấn dùng điện thoại chụp hình thì bị nhân viên công an giật điện thoại và bắt phải xóa hình ngay lập tức.

Trước hành động hung hãn của nhân viên công an, Hoà thượng Thích Không Tánh đã lên cơn đau tim. Các nhân viên y tế của nhà nước đưa Hòa thượng vào phòng để sơ cứu. Khoảng 15 phút sau, Hòa thượng Thích Không Tánh dần phục hồi, đại diện của UBND quận 2 đọc lệnh cưỡng chế rồi áp tải thầy lên xe đưa vào bệnh viện.

Đi cùng với HT Thích Không Tánh là Đại đức Thích Đồng Minh, suốt thời gian ở trên xe, các phật tử, các cơ quan truyền thông không thể liên lạc được với các thầy vì công an không cho nghe điện thoại. Các phật tử phải chia thành nhiều nhóm, đến nhiều bệnh viện khác nhau để tìm kiếm các thầy. Họ phát hiện ra thầy được đưa vào bệnh viện quận 2 khi nhận thấy có nhiều công an đứng ngoài cổng bệnh viện.

Ba thầy và ba phật tử còn lại bị áp tải lên xe khác để đưa về nhà tạm do nhà nước xây dựng ở phường Cát Lái. Có hơn 100 nhân viên công an canh gác, các tăng sĩ được đưa về và bị quản thúc tại đây.

Toàn bộ đồ đạc trong chùa như tượng Phật, pháp khí, di ảnh và di cốt, mọi vật dụng và vật nuôi đều bị cưỡng chế di dời.

Hơn 11 giờ trưa, Đại đức Thích Đồng Tấn và Đại đức Thích Lệ Trụ đang bị quản thúc dưới nhà tạm hay tin ngài viện chủ được đưa vào bệnh viện Quận 2. Quý thầy đã tìm cách vào bệnh viện để chăm sóc cho ngài. Tại nơi điều trị cho hòa thượng, luôn luôn có mặt khoảng 10 nhân viên công an, mặc thường phục canh gác. Họ cấm không cho bất kỳ ai vào thăm viếng hòa thượng, đến đầu giờ chiều lệnh cấm mới được giải tỏa.

Theo thông tin nhận được từ các Phật tử, chùa Liên Trì đã bị cưỡng chế. Ngôi nhà tạm do nhà nước xây dựng bị niêm phong và được canh gác chặt chẽ. Hiện nay, chư tăng chùa Liên Trì lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn, không nơi tá túc.

Được biết, tại các trụ sở khác của Tăng Đoàn GHPGVN Thống nhất đều bị công an canh gác nghiêm ngặt. Sáng sớm, chùa Giác Hoa tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh có hơn 10 nhân viên an ninh mặc thường phục, và 2 công an giao thông canh gác, gây khó khăn cho việc đi lại của các tu sĩ.

Một lần nữa, chư Tăng cùng phật tử chùa Liên Trì lên tiếng phản đối việc chính quyền cưỡng bách di dời chùa.

Thành kính nguyện cầu Hòa thượng Viện trưởng cùng chư tôn đức pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ.

Sài Gòn ngày 09 tháng 09 năm 2016

Trụ trì

(Đã ký tên)

Tỳ kheo Thích Đồng Minh”

Nhiều hình ảnh và thông tin liên hệ ở đây:
http://www.ghpgvntn.net/tuong-trinh-viec-cuong-che-chua-lien-tri/

*****

FB  Khanh Nguyen added 2 new photos     September 9 at 2:44am ·


Nam Mô A Di Đà Phật!

Chùa Liên Trì – những gì còn lại :
Hồ chí minh, Q.2, phường An Khánh, 09h00 ngày 9/9/2016.

Tóm tắt tình hình:
+ Chùa Liên Trì đã bị phá thành một đống hoang tàn đổ nát, vài công nhân đang dọn dẹp nơi đây;
+ Cây xanh trong chùa đã bị chặt hạ, cưa thành khúc, chuẩn bị cho lên xe đưa đi nơi khác;
+ Mặc dù chùa Liên Trì đã trở thành như thế này nhưng AN chế độ độc tài vẫn bố trí các trạm gác cạnh chùa. Căn nhà đối diện chùa cũng được bố trí canh gác. Ngoài ra, cánh AN lượn liên tục ở khu vực gần chùa. Các trạm gác ngoại vi (phía cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm..) đã dỡ bỏ;
+ Người dân đã được đi lại bình thường ở khu vực này và hoạt động buôn bán đã trở lại tại một điểm dân sinh gần chùa.

Chùa Liên Trì nay chỉ còn là đống gạch vụn

Ảnh Dũng Phi Hổ
FB Khanh Lam Nguyen

*****

FB Tạ Phong Tần :
Chùa Liên Trì đã bị san bằng. 500 hũ tro cốt hiện nay ko rõ ở đâu.

CHÙA LIÊN TRÌ: LINH HỒN CỦA ĐẤT!

#GNsP – “Bâng khuâng trong cõi sầu vô hạn …” (1)
Mặc dù chư Tăng cùng Phật tử Chùa Liên Trì lên tiếng phản đối việc chính quyền cưỡng bách di dời chùa nhưng “một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” thế nên vào sáng ngày 09.09.2016, nhà cầm quyền thành Hồ sử dụng lực lượng công an hùng hậu tiến hành cưỡng chế chùa Liên Trì. Chỉ sau một ngày, tại hiện trường cổng Chùa, các bờ tường, niệm Phật đường, nhà hài cốt, phòng khách, nhà bếp… chỉ là đống gạch vụn trơ chọi, ngổn ngang, hỗn độn trong mớ sắt vụn, không còn một vết tích … (2)

“Không khóc, vì chưng mắt đã khô” (1)
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn do báo Người Lao Động thực hiện, Tiến Sĩ Thang Văn Phúc cho biết : “Cả lý luận và thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi phải đa dạng hóa về sở hữu đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân về đất đai” (3). Thế nhưng, với mệnh đề đi ngược với quyền tư hữu của con người: “Đất đai là sở hữu của toàn dân” thì đây không phải là trường hợp đầu tiên, càng không phải là trường hợp duy nhất một cơ sở tôn giáo bị chính quyền cưỡng chế di dời.

Khi ta ở, chi là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn! (4)
Người Việt chúng ta vốn giàu tình cảm, do vậy khi sống ở đâu, nếu không những lý do đặc biệt, họ rất ít muốn phải chuyển dời. Đó là lý do mà nhiều người vẫn giữ lại ngôi nhà, mảnh vườn nơi mà cả gia đình đã sinh sống cho dù “thế gian có biến cải vũng nên đồi”. Bởi lẽ trải qua một thời gian, mảnh “ đất ở ” đã cùng người gắn bó biết bao kỷ niệm vui buồn nên “đất đã hóa tâm hồn”.

Cũng vậy, đối với các bậc tu hành thì các cơ sơ tôn giáo như ngôi Chùa, dòng tu … đã như ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời của họ. Nơi đây họ đã cùng anh em cộng đoàn trải qua những tháng ngày tu tập, cùng nhau cầu nguyện, phục vụ tha nhân cũng như cùng nhau trải qua những ngọt bùi trong đời sống của bậc tu trì. Mỗi bức tường rêu phong, mỗi góc Chùa cổ kính đều mang đậm dấu tích của thời gian. Chưa kể là bất cứ một cơ sở nào cũng có những kỷ vật mà đối với họ là vô giá bởi ý nghĩa của nó.

Ví như tại Chùa Liên Trì có trồng 2 cây Sala. Một cây ngay sau cổng chính vào Chùa, được trồng phía trước tượng Phật Bà Quan Âm. Cây kia được trồng gần đó. Theo lịch sử nhà Phật thì Cây Sa la là một trong ba cây thiêng liêng vì có liên quan đến cuộc đời Đức Phật, vì nó gắn liền với sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn tại Câu Thi Na. Thầy Thích Không Tánh cho biết : “Đây là cây thiêng của Nhà Phật. Bên Ấn độ mang qua tặng tôi. Cây này trồng tại đây cả chục năm rồi”.

Thế nhưng hiện tại hai cây Sala nằm trơ gốc, cành lá tả tơi với mùi nhựa cây tựa mùi máu …Thử hỏi các sư thầy tại chùa Liên Trì, cách riêng là Thầy Thích Không Tánh làm sao không đau, không xót? Nếu chúng ta không thấy những giọt nước mắt của họ chảy xuống má có nghĩa là họ đã ngửa mặt lên trời mà khóc!

Bởi lẽ điều họ mất không phải là mảnh đất nhưng là mất đi “linh hồn của đất”. Điều mà những kẻ theo chủ nghĩa duy vật chất và những người đặt đồng tiền ngự trị trên tất cả mọi giá trị không thể nào cảm nhận và hiểu thấu .

Điền Phương Thảo

(1)Thơ của Thế Lữ
(2)Tin mừng cho người nghèo
(3)http://nld.com.vn/…/nen-co-so-huu-tu-nhan-ve-dat-dai-201202…
(4) Thơ Chế Lan Viên

*****

FB Son Pham added 2 new photos  September 8 at 6:04am

Chùa Liên Trì bị tấn công, hoà thượng Thích Không Tánh phải nhập viện cấp cứu

CTV Danlambao – Sáng ngày 8/9/2016, nhà cầm quyền CSVN đã huy động lực lượng công an đông đảo kéo đến tấn công và cưỡng chiếm chùa Liên Trì – một cơ sở tôn giáo đã hiện diện hơn 70 năm thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, toạ lạc tại phường An Khánh, Quận 2, Sài Gòn.

Trong lúc cưỡng chế, nhiều sư thầy có mặt tại chùa cũng đã bị công an dùng vũ lực bắt lên xe đưa đi giam lỏng. Hoà thượng Thích Không Tánh – trụ trì chùa Liên Trì sau đó đã phải nhập viện cấp cứu.

Giam lỏng sư thầy

Nhiều ngày trước đó, toàn bộ ngôi chùa này đã rơi vào tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập, lực lượng công an thay phiên chốt chặn, phong toả cả ngày lẫn đêm. Thậm chí, sóng điện thoại cũng bị phá và không thể liên lạc được.

Đên trưa ngày 8/9/2016, CTV đã liên lạc được với hoà thượng Thích Không Tánh và được ngài tường thuật vắn tắt vụ việc như sau: Vào lúc 7 giờ sáng cùng ngày, nhà cầm quyền huy động khoảng 200 người, gồm nhiều lực lượng khác nhau, cả thường phục và sắc phục. Họ vào đọc quyết định cưỡng chế rồi tự ý thu dọn vật dụng, tro cốt trong chùa.

Các thầy toạ kháng ôn hoà để phản đối việc cưỡng chế chùa trái phép. Sau đó, họ đưa thầy Thích Không Tánh và thầy Thích Thiện Minh lên một xe cứu thương và chở đến bệnh viện quận 2.

Hiện tại, sức khoẻ thầy Thích Không Tánh không được khoẻ. Qua điện thoại, giọng nói của vị tu sỹ 73 tuổi tỏ ra khá mệt mỏi và yếu ớt. Ngài vẫn đang phải truyền nước trên lầu 2 của bệnh viện, luôn có công an canh giữ túc trực.

Được biết, những sư thầy khác có mặt tại chùa cũng đã bị áp giải lên một xe ô tô của CA để đưa về giam lỏng tại Cát Lái (Đồng Nai).

Những phật tử và nhiều người dân có mặt tại bệnh viện để thăm hỏi sức khoẻ của thầy Thích Không Tánh đều bị ngăn cản.

Phong toả chùa Liên Trì

Theo quan sát của CTV Danlambao tại hiện trường, ngay từ sáng sớm, mọi ngả đường dẫn vào chùa Liên Trì đều bị nhà cầm quyền phong toả hết sức nghiêm ngặt. Đường bị chắn ngang bằng hàng rào kẽm gai và các thanh chắn barie.

Các lực lượng CSGT, công an, dân phòng, CSCĐ được bố trí dày đặc. Bất cứ ai muốn vào khu vực chùa đều bị ngăn cản, kiểm tra giấy tờ tuỳ thân và vật dụng cá nhân.

Khi CTV Danlambao tiếp cận khu vực đã bị chặn lại, một người mang sắc phục công an nói rằng: “Khu vực đang bị phong toả”.

Anh Kim Tuấn, một thanh niên trẻ bị ngăn cản vào khu vực chùa Liên Trì cho biết: “Tôi thấy thông tin hôm nay chùa bị cưỡng chế nên đến quan sát xem thế nào nhưng bị chặn lại, không vào được. Tôi thấy có 2 vấn đề ở đây: Một là chùa là cơ sở tâm linh tôn giáo nên nếu phát triển cơ sở hạ tầng thì cũng cần giữ lại chùa để người dân có nơi thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình như Hiến pháp đã định. Và thứ hai là nếu chính quyền minh bạch thì tại sao lại không cho người dân đến giám sát việc cưỡng chế?”

Trong lúc đó, nhiều nhà hoạt động xã hội tại Sài Gòn như Trần Bang, Hoàng Dũng… đã bị lực lượng an ninh canh giữ và ngăn cản trái phép khi có ý định ra khỏi nhà.

Trao đổi với CTV Danlambao, nhà hoạt động Trần Bang cho rằng chính quyền sợ ông đến phản đối việc cưỡng chế chùa Liên Trì nên họ cho 6 nhân viên an ninh đến trước nhà và ngăn không cho ông đi ra ngoài vào sáng nay. Ông Bang khẳng định, việc chính quyền cưỡng chế một cơ sở tôn giáo bằng vũ lực thì hoàn toàn sai trái.

Chùa Liên Trì là một trong số ít những cơ sở còn sót lại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – một tổ chức tôn giáo đã bị nhà cầm quyền CSVN cấm đoán sau khi cưỡng chiếm miền Nam năm 1975.

Ngoài vai trò là một nơi tu hành, chùa Liên Trì còn là địa điểm gặp gỡ của các tổ chức xã hội dân sự, đồng thời cũng là nơi trú ngụ cho bà con dân oan mỗi khi đội đơn lên Sài Gòn khiếu kiện.

Do đó, hành vi phá huỷ chùa Liên Trì cũng là thủ đoạn của CSVN trong việc đàn áp tôn giáo và bịt miệng những tiếng nói bất đồng. Trong quá khứ, chưa có một tên hôn quân, bạo chúa nào dám cả gan đàn áp phật giáo, cướp phá chùa chiền như những gì đang xảy ra dưới chế độ CSVN.

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

http://danlambaovn.blogspot.com/…/chua-lien-tri-bi-tan-cong…

Leave a comment