THĂM THẲM TRỜI XANH / Chương 15

 

Từ khi được chị Lâm hứa sẽ hướng dẫn đi buôn, tôi vẫn rất mong tới cái ngày thử thời vận đó. Thế nhưng khi cấy vụ hè thu xong thấy chị Lâm vẫn chưa nói gì tôi sốt ruột lắm. Tôi đâu dám nhắc nhở thúc giục. Mình thúc giục lỡ buôn bán thất bại biết đâu lại chẳng bị oán trách! Mãi đến khi lúa đã lác đác trổ đòng chị Lâm mới nói:

  • Sao? Cô Ngọc trước đòi đi buôn, giờ việc đồng áng đã nhẹ, đi không thì chuẩn bị?

Tôi mừng rỡ trả lời:

  • Dạ đi chứ! Em đã chuẩn bị từ lâu, sẵn sàng theo chân chị bất cứ lúc nào. Chị có kinh nghiệm gì về việc buôn bán chỉ dẫn dần cho em đi!
  • Chuyện đó đâu khó gì. Yên chí!

Thế là chị Lâm chỉ vẽ cho tôi biết nên mua những thứ hàng nào, cách phân tán hàng để nhờ người khác cất giấu bớt như thế nào, đối đáp ra sao khi hữu sự v.v…

Mấy hôm sau chị em tôi bắt đầu vào việc. Chúng tôi gặp đường buôn đường, gặp bột ngọt buôn bột ngọt, gặp mắm ruốt buôn mắm ruốt, gặp đậu xanh buôn đậu xanh… Nói chung là gặp gì buôn nấy. Qua vài ngày trực tiếp với công việc, tôi nhận ra mình có được một ưu điểm đáng kể: gương mặt tôi dễ gây thiện cảm với nhiều người. Tại tập đoàn, vấn đề lý lịch cá nhân và lòng hận thù giai cấp đã gây cho tôi nhiều trở ngại nhưng ở chốn chợ búa thì không. Bất cứ đâu tôi cũng thấy mình dễ dàng chiếm được cảm tình của mọi giới. Tôi mua hàng dễ dàng và tiêu thụ hàng cũng dễ dàng hơn người khác. Các ông tài, ông ét cũng đều ưu tiên đặc biệt thu giấu hàng cho tôi. Cả những gã công an ở các trạm kiểm soát cũng có phần dễ dãi với tôi. Thậm chí có gã đòi xét hàng của tôi nhưng lại chẳng thèm ngó tới hàng, chỉ hỏi han loanh quanh một hồi rồi cho đi. Trong mấy ngày ra quân đầu tiên, tôi chẳng gặp trắc trở nào cả. Tôi đã thu được một số lời đáng kể. Ngược lại, chị Lâm lại gặp một số thất lợi. Một hôm chị buồn bã nói với tôi:

  • Cô Ngọc đi buôn được đó. Mấy hôm nay tôi thấy cô gặp toàn may mắn!

Tôi chỉ biết cười nói đỡ:

  • Cũng phải may mắn một chút để lên tinh thần chị ơi.

Quả thật trong mấy ngày ấy chị Lâm mua bán hàng ít ỏi hơn tôi nhiều. Lời than thở của chị đã làm tôi xốn xang trong lòng. So lại số lời tôi kiếm được trong ba bốn ngày đi buôn còn cao hơn trị giá số lúa tôi được lãnh nửa tháng khi làm việc ở tập đoàn. Đó là tôi chỉ mới dám buôn những loại hàng xoàng. Tôi đã bắt đầu tin nghĩ mình có thể vươn lên nhờ nghề buôn. Tôi cũng bắt chước mấy người đi buôn chuyên nghiệp, may một cái “đãy” đựng tiền đeo bên lưng quần, chuẩn bị cho một bước đường dài. Nhưng tôi cũng rất ái ngại cho chị Lâm và lo lắng cho mình. Nếu chị bỏ cuộc nửa chừng chắc hẳn tôi sẽ bị ảnh hưởng không ít.

Rồi những điều lo lắng ái ngại của tôi đã trở thành sự thật. Mấy hôm sau chị Lâm nói:

  • Thời cô đang lên đó. Cứ tiếp tục buôn bán mà nuôi con! Còn tôi, phải trở lại làm việc với tập đoàn thôi!

Trong lúc việc buôn bán của tôi đang phấn phát chị Lâm lại đòi nghỉ. Nếu tôi bỏ ngang nửa chừng như thế cũng đáng tiếc lắm! Tôi cố thuyết phục chị hoãn hoãn một thời gian nhưng chị cười mà nói:

  • Buôn bán cũng có cái thời của mình nữa cô Ngọc ơi. Như cô thấy đó, hôm đầu gặp mối mắm ruốt, tôi trả giá trước cô người ta không bán, tới khi cô trả cũng chỉ giá đó thôi người ta lại bán. Hôm sau qua trạm gặp thằng công an định tịch thu cái gói gần hai ký đậu xanh của cô, cô xin lại nó ngẫm nghĩ một lát rồi trả, trong khi đó tôi chỉ cầm một gói không tới một ký, năn nỉ rã họng nó vẫn tịch thu! Như thế tôi còn buôn bán gì được?

Thuyết phục chị Lâm không được tôi càng lo. Thật tình trong thời gian đi buôn này tôi vẫn nhờ chị Lâm kềm cặp giúp đỡ. Nay chị đã quyết định nghỉ tôi thấy mình trở nên cô thế, mất cả an tâm. Cuối cùng tôi cũng đành trở về làm việc với tập đoàn.

*

Trở lại sống với cảnh chân lấm tay bùn, đêm thức dậy theo tiếng kẻng, chiều trở về theo hiệu lệnh, tôi lại đâm ra chán nản. Nghe chuyện tôi đi buôn đang khá mà lại bỏ ngang, nhiều người chê tôi không biết nắm bắt thời cơ. Lúc đó tôi mới hối hận mình nhát gan quá, đã bỏ lỡ dịp may.

Một hôm đi làm về chưa kịp rửa tay chân tôi đã nghe tiếng loa đầu xóm vang lên:

“A lô a lô, mời tất cả các đoàn viên thuộc ba tập đoàn 7, 8 và 9 tập trung tại nhà kho của thôn 3 vào lúc 7 giờ tối nay để họp bàn nhiều việc rất cần thiết. Nếu ai không đi sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!”

Tôi thở dài:

  • Thôi rồi, hôm nay tưởng nghỉ sớm được một bữa nhưng rồi cũng không yên!

Tiếng loa đầu xóm lập đi lập lại lời mời nhiều lần. Thông thường việc làm ăn đã có tập đoàn lo, rất ít khi thôn tổ chức họp hành. Thôn đã họp tất có chuyện quan trọng như học tập chính sách đường lối, vận động bầu cử, vận động cứu trợ thiên tai… Tôi đang định hỏi thăm chị Hiền thì nghe tiếng anh Sự kêu:

  • Chị Ngọc và chị Hiền chuẩn bị đi họp nghe! Tối nay có trưởng tổ đảng tới dự đó!

Nói trưởng tổ đảng tới dự tức đã có hàm ý nói cuộc họp khá quan trọng. Mỗi lần như thế, các tập đoàn đều phải huy động đoàn viên đi dự tối đa. Nếu bà con đi họp ít, các ban tự quản sẽ bị giủa. Mà ông trưởng tổ đảng này đã giủa thì hết chê! Tất nhiên, cui đánh đục đục đánh săng! Những xã viên không đi dự sẽ gặp phải sự phiền phức với ban tự quản tập đoàn. Tôi hỏi lại:

  • Có chuyện gì quan trọng hả anh Sự?
  • Đánh giặc rầy, người ta phát hiện lúa đã có rầy. Xã đã cho người đi kiểm tra, quả đúng sâu rầy đã xuất hiện nhiều nơi trên đồng. Ủy ban nhân dân xã ra lệnh cho các thôn đồng loạt tổ chức tập họp xã viên để bàn thảo kế hoạch “diệt rầy cứu lúa”.

  • Hèn gì có ông trưởng tổ đảng tham dự!

  • Đúng chóc, chuyện gì liên quan tới vấn đề no đói của nhân dân thì trưởng tổ đảng phải tới tham dự là chắc rồi.

  • Chị Lâm, chị Hiền và tôi đến nhà kho một lượt. Lúc đó người của ba tập đoàn đã tập trung khá đông. Nhiều người đang bàn tán về sự tàn phá của giặc rầy.

    Ông trưởng tổ đảng thôn 3 Đặng Văn Chấn này không lạ gì đối với tôi! Câu nói ông ta dành cho tôi trong một buổi họp “mạn đàm đắc cử” trước kia tôi vẫn nhớ mãi! Lần ấy, trong lúc ông thôn trưởng đọc tiểu sử một viên chức cấp tỉnh ủy, khi nghe trình độ học vấn “lớp ba” thì nhiều người cười rộ lên. Thật tình tôi không cười, nhưng có lẽ giận cá chém thớt, ông ta đã mắng vào mặt tôi: “Đồ dân vô ý thức, cười cái gì? Đã mấy chục năm rồi chứ mới mẻ gì nữa? Hồi ấy trình độ lớp ba nhưng bây giờ là trình độ đại học! Cô ỷ cô học cao hả? Học cao để làm tay sai cho đế quốc thì chỉ hại nước hại dân chứ được việc gì?”. Oan ức đến thế làm sao tôi quên được? Để tránh chạm mặt ông ta, lần này tôi lựa một chỗ khá khuất để ngồi.

    Mở đầu cuộc họp, ông thôn trưởng Lê Hành cho biết ngay mục đích chính của thôn là để bàn thảo kế hoạch “diệt rầy cứu lúa”. Nói là bàn thảo cho xôm vậy chứ thật ra kế hoạch đã được ủy ban nhân dân xã vạch sẵn. Trưởng tổ đảng và thôn trưởng thay mặt ủy ban nhân dân xã, có nhiệm vụ vận động hướng dẫn các tập đoàn trực thuộc thi hành đúng kế hoạch. Cả bốn thôn sẽ đồng loạt mở chiến dịch diệt rầy trên toàn diện cánh đồng của xã để giống rầy không còn chỗ ẩn núp chờ cơ hội tái sinh sôi nảy nở.

    Việc bơm thuốc rầy có thể nguy hại đến sức khỏe nên người đi bơm vẫn được chiếu cố ưu tiên. Theo qui định của xã, người đi bơm chỉ cần làm việc bốn giờ trong ngày, bơm một diện tích khoảng 8 sào là được hưởng 10 công điểm. Mỗi xã viên bơm thuốc xong sẽ còn được rảnh hơn nửa ngày để nghỉ ngơi hoặc làm việc riêng. Vì chút quyền lợi đó nên lúc nào cũng có đủ người tình nguyện để cung ứng cho nhu cầu. Người đi bơm thuốc thường được hướng dẫn kỹ càng việc sử dụng bình bơm, cách hòa thuốc, ăn no trước khi đi bơm, mang khẩu trang để ngăn hơi độc, khi đang bơm nếu thấy trong người khó chịu thì phải làm sao.

    Hôm ấy nhằm lúc thôn mới thay đổi người thủ kho. Thủ kho cũ bị bệnh đã xin nghỉ. Thủ kho mới là một anh bộ đội phục viên. Anh ta chưa rành việc, lại có vẻ nhút nhát. Thuốc rầy trong kho lúc bấy giờ được đựng trong những bịch nhựa lớn. Vì phân chia loại thuốc này không đơn giản gì nên các tập đoàn đều muốn nhà kho chia thẳng cho những người đã tình nguyện đi bơm. Thiếu đồ đựng, các tập đoàn phải dùng đủ các loại chai, bình lộn xộn khác cỡ nhau. Anh giữ kho loay hoay mãi không tìm được một cái phễu để rót thuốc nên cứ lúng túng. Ông trưởng tổ đảng Đặng Văn Chấn thấy thế lấy làm gai mắt, bèn nạt:

    • Thanh niên gì mà ngơ ngơ như con ngổng đực không biết ứng biến chi cả! Không có phễu thì rót tay không cũng được, có sao đâu? Bất quá có chảy ra ngoài một ít ai bắt đền chú mà ngại?

    Anh thủ kho bị nạt nộ càng tỏ ra luống cuống. Ông Chấn tiếp:

    • Vậy mà cũng từng đi đánh giặc! Như vậy mà đánh được ai? Đưa đây xem nào!

    Ông Chấn vừa nói vừa vói tay lấy bịch nhựa đựng thuốc rầy và cái chai một xị làm chuẩn nhanh nhẹn rót thuốc trước sự kinh ngạc của mọi người. Cứ đầy mỗi xị ông lại đổ sang đồ đựng của những người tình nguyện bơm thuốc rày đã mở nắp sẵn. Ông Chấn rót xong cái nào thì anh thủ kho lo vặn nắp đậy cái ấy lại. Mùi thuốc rầy xông lên nồng nặc làm nhiều người phải bịt mũi khó chịu nhưng không ai dám nói gì, cũng không ai dám lảng tránh. Những chai đầu tiên ông Chấn rót còn cẩn thận, ít đổ ra ngoài. Nhưng tới những chai sau thì thuốc rầy chảy tèm lem cả hai mặt bàn tay trái của ông. Thuốc nhỏ xuống nền hiên dần lan ra cả khoảnh. Mọi người chỉ biết ái ngại lắc đầu. Ông Chấn đã tự tay chia thuốc cho đến người cuối cùng. Chia xong, ông đứng dậy hùng hồn giải thích:

    • Con rầy nhỏ nhoi sức nó chịu không nổi hơi thuốc nó chết chứ con người làm sao mà chết được? Chẳng qua người ta nói dọa để đề phòng thôi! Phú quí sinh lễ nghĩa là vậy đó! Nếu cứ giữ cái thái độ rụt rè như thế làm sao mà đánh thắng giặc? Làm sao mà đưa Việt Nam từ vị trí một nước bị trị trở thành một cường quốc quân sự đứng hàng thứ tư trên thế giới như ngày nay?

    Từ đám đông có nhiều tiếng cười hình như kềm giữ không nổi bật ra. Ông Chấn nghe được lại lộ vẻ tức giận:

    • Cười cái gì? Tôi nói không đúng sao? Trên thế giới bây giờ mạnh nhất là Liên Xô, thứ hai là Mỹ, thứ ba là Trung Quốc, Việt Nam ta là cường quốc quân sự thứ tư không phải vinh dự lắm sao? Bây giờ tôi đố còn một thằng đế quốc nào nữa dám rớ vào Việt Nam ta?

    Ông Nhiêu liền lên tiếng tán đồng:

    • Dạ thưa phải, lãnh đạo nói đúng! Kẻ nào cười là kẻ đó vô ý thức!

    Thôn trưởng Lê Hành cũng tiếp lời:

    • Dạ quả đúng như vậy. Nhưng dù sao thì thuốc rầy cũng dơ, xin lãnh đạo rửa tay kẻo để nó thấm vào người cũng không tốt!

    Có nhiều tiếng xôn xao bên dưới:

    • Thật không hổ với danh tiếng anh hùng Trường Sơn!
  • Có thế mới đánh thắng được giặc Mỹ chứ!

  • Lúc này anh thủ kho đã bưng thau nước đến. Ông Chấn bước lại rửa tay với một nụ cười thỏa mãn. Thôn trưởng Lê Hành thì quay lại nói với mọi người:

    • Ai lãnh công tác xin lại nhận phần thuốc của mình để còn giải tán cho sớm!

    Ông lại lắc đầu nói tiếp với giọng nhỏ hơn:

    • Thú thật, tôi chịu mùi thuốc rầy không nổi!

    Có lẽ ông Hành không muốn ông trưởng tổ đảng biết cái nhược điểm của mình. May quá, chính ông thôn trưởng cũng muốn rút ngắn thời gian làm việc! Ông không đưa ra vấn đề gì để bàn thảo thêm như những lần khác. Ông Chấn rửa tay xong trở liền lại chỗ ngồi rồi hỏi ông Hành:

    • Còn việc gì cần bàn nữa không?

    Ông Hành cười xuề xòa:

    • Dạ thưa lãnh đạo, không còn gì nữa cả.

    Rồi ông lại quay về phía cử tọa:

    • Tôi xin nhắc lại lệnh của xã, kể từ ngày mai, xã ta sẽ bơm thuốc cho lúa liên tiếp mấy ngày. Ngoại trừ công tác bơm thuốc, mọi công việc khác ở đồng ruộng đều tạm đình chỉ. Cấm đồng bào không được ra đồng để tránh nhiễm hơi độc. Tuyệt đối không được dùng nước sông hói ở gần khu vực bơm thuốc để rửa đồ ăn hoặc cho trâu bò uống. Khi nào bơm thuốc xong, chúng tôi sẽ báo lại cho các tập đoàn. Trong thời gian này, đề nghị các tập đoàn nên khai triển các công tác chưa hoàn tất khác như việc cắt phân xanh, làm cỏ sắn…

    Việc làm của ông trưởng tổ đảng đã làm cho những người tình nguyện bơm thuốc rầy, nhất là những người chưa từng biết thuốc rầy lại càng an tâm, vui vẻ hơn.

    *

    Trước đây tôi đã nghe nhiều người nói về sự độc hại của thuốc rầy. Cứ nghe đâu có thuốc rầy là tôi lo tránh xa. Nay bất đắc dĩ tôi mới tới dự cuộc giải thích về việc thực hiện kế hoạch “diệt rầy cứu lúa” và phân phối thuốc rầy từ đầu đến cuối. Khi thấy ông trưởng tổ đảng Chấn rót thuốc chảy chèm bèm cả bàn tay mà không việc gì tôi đâm ra suy nghĩ lung lắm. Hóa ra lâu nay mình chỉ sợ hão?

    Hôm sau, phần lớn những người không đi bơm thuốc đều được điều đi cắt phân xanh. Trên đường đi người ta đã tự dưng đứng ra hai phe tranh cãi nhau về tác hại của thuốc rầy đối với con người. Một người nói:

    • Tôi đã chứng kiến tận mắt một người bị mụn ghẻ ngứa, chỉ chấm một chút thuốc rầy lên mụn ghẻ để sát trùng cho đỡ ngứa, nào ngờ chấm thuốc xong anh ta liền kêu khó chịu, phải chở đi cấp cứu. Nhưng đâu kịp nữa, cuối cùng anh ta chịu chết.

    Một người khác cãi:

    • Rõ là chuyện bịa đặt! Một chút thuốc rầy chấm vào mụn ghẻ mà lại chết người thì thật phi lý hết chỗ nói!

    Một người khác cãi lại:

    • Không phi lý đâu! Thuốc rầy độc lắm. Tôi cũng gặp một việc tương tự. Lần đó tụi tôi cũng bơm thuốc rầy cho lúa. Chúng tôi đang bơm trên gió, không ngờ dưới gió lại có mấy người đi bắt ốc, hít phải hơi thuốc người bị xoàng kẻ bị xỉu cả. May chúng tôi biết được ngưng lại kịp thời để cấp cứu họ. May mắn là chẳng ai lọt vào tay tử thần.

    Lại có người cãi:

    • Chuyện đâu không thấy chứ thực tế trước mắt hồi hôm ông Chấn rót thuốc rầy chảy ra tay ướt chèm bèm hết mà ông ấy có bị gì đâu? Mùi thuốc rầy hồi hôm cũng bốc ra nồng nặc mà có ai xỉu đâu? Đúng là phú quí sinh lễ nghĩa, nhà giàu đứt tay ăn mày đổ ruột!

    Một giọng khác phụ họa:

    • Sở dĩ người ta nói thuốc rầy nguy hiểm thế kia thế nọ chẳng qua để dọa mấy tên ăn cắp thôi. Ông Chấn đi cách mạng bao nhiêu năm, mang tới cấp bậc đại úy, nổi danh là anh hùng Trường Sơn, không lý ông ấy không rành điều đó?

    Một giọng khác có vẻ dung hòa:

    • Biết đâu thuốc rầy lại chẳng có loại mạnh và loại yếu hay loại thật và loại giả? Mình nên cảnh giác đề phòng vẫn hay hơn!

    Rốt cuộc chẳng ai chịu thua ai. Tôi không nói gì nhưng cảm thấy bớt sợ về loại thuốc ấy. Tôi thầm nghĩ chắc nó cũng chỉ độc hại ở một giới hạn nào đó thôi.

    Nào ngờ sau đó không bao lâu ai đúng ai sai đã được giải đáp một cách rõ ràng!

    Ngay chiều hôm ấy, khi đi cắt phân xanh về tới nhà tôi giật mình nghe bà nội hỏi:

    • Sáng nay đi bơm thuốc rầy chết hết một mạng con nghe chưa?
  • Ai vậy mẹ? Bị chết như thế nào?

  • Thằng Hải. Người ta nói khi thằng Sự đi kiểm soát gặp nó mình đang đeo bình bơm, nằm vắt bên bờ ruộng mà chết.

  • Thế là thuốc rầy độc hại hay không khỏi cần tranh cãi nữa!

    Sau khi cơm tối xong, tôi cùng chị Lâm và chị Hiền đến thăm nạn nhân. Ở đây người ta cũng đang bàn tán chuyện thuốc rầy. Tôi nghe một người có vẻ thành thạo giải thích:

    • Đi bơm thuốc mà không cẩn thận là mang họa thôi! Không mang khẩu trang hít phải hơi độc nhiều cũng chết. Làm việc gắng sức quá mệt người ra mồ hôi nhiều, lỗ chân lông nở lớn khiến hơi thuốc nhập vào cơ thể cũng chết. Để thuốc rầy dính vào da thịt, nhất là chỗ bị sây sướt nó ngấm vào máu cũng chết…
  • Thế sao ông Chấn rót thuốc rầy chảy ròng ròng trên bàn tay lại chẳng hề hấn chi?

  • Một người nào đó đùa cợt:

    -Thì thuốc rầy nó cũng phải sợ đảng chứ sao!

    Nhiều người cố kiềm giữ tiếng cười:

    • Đúng là thuốc rầy cũng phải nể mặt đảng!

    Trong khi đó bà mẹ anh Hải vừa khóc vừa kể lể:

    • Nhiều người nói con tôi chết đây cũng tại vì đói nên say thuốc. Bởi nó thương con quá mới nên nỗi. Buổi sáng vợ nó đã vét cho nó một chén cơm nguội nhưng nó nhất định không chịu ăn. Tội nghiệp, nó sợ thằng con đi học phải nhịn đói thành ra nó chết!

    Một người khác nói:

    • Người ta đã dặn trước khi đi bơm phải ăn cho no, anh Hải không chịu nghe nên mới rước vạ vô thân!

    Bà mẹ đau khổ tiếp lời:

    • Nó có chịu nghe ai đâu! Tôi với vợ nó cũng đã nói thuốc rầy rất độc, phải cẩn thận! Đã đơm cơm cho rồi mà không chịu ăn. Nó nói “ông Chấn rót thuốc chảy đầy tay mà có bị gì đâu, cứ sợ tào lao, phú quí sinh lễ nghĩa!”. Bây giờ hối hận đâu kịp nữa!

    Đám ma anh Hải cũng được tổ chức đơn giản như những đám ma khác trong giai đoạn kiệm ước này. Dù sao anh Hải vẫn có chút may mắn hơn những người bất hạnh khác. Gia đình anh được xã trích cấp cho một số lúa vì nạn nhân đã chết trong khi đang làm việc cho hợp tác xã.

    Không biết ông trưởng tổ đảng Đặng Văn Chấn có rút được kinh nghiệm nào sau cái chết này không. Riêng góc nền nhà kho nơi ông Chấn rót thuốc rầy làm đổ xuống đã được anh thủ kho rửa đi rửa lại nhiều lần nhưng nghe nói mãi tới ngày làm lễ thất tuần của anh Hải vẫn chưa hết mùi thuốc.

    *

    Sau cái chết của anh Hải, bỗng nhiên cái tin xã đang chuẩn bị đào một cái hồ thủy lợi rất lớn tung ra. Nếu tin ấy đúng thì sắp tới đây công việc của hợp tác xã sẽ tăng lên gấp bội. Nghe được tin này tôi càng hối hận về sự nhát gan của mình. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định đi buôn trở lại!

    Tôi nhớ tới lời mấy con buôn hay nói với nhau: “Đi buôn phải có gan, có vốn, gặp cơ hội là bung ra ngay mới khá được!”. Quả thật tôi cũng thấy những người buôn bán thành công hầu hết là những người có gan. Không lẽ mình cứ cúi đầu rúc mãi trong cảnh sống tối tăm hiện tại? Lòng ham muốn vượt thoát ra khỏi tập đoàn để vùng vẫy khiến tôi quyết định tiến tới. Thế rồi tôi gom hết vốn liếng trong nhà được hơn ba chỉ vàng, xông pha ra chiến trường mới.

    Tuy lòng đã quyết nhưng chưa có bạn đồng hành giúp đỡ nhau được tôi chưa dám đi buôn xa một mình. Nghe người ta nói các chợ ở vùng ngoài cũng có nhiều món hàng buôn được, tôi bèn tìm ra các chợ ấy. Thời gian này công việc tập đoàn cũng ít, ai làm thì hưởng điểm, ai không làm thì thôi, không ai thắc mắc gì. Chỉ với một chiếc xe đạp, tôi đã rảo qua nhiều chợ như chợ An Lỗ, chợ “Cây số 17”, chợ Hương Cần, chợ La Chữ… Quả thật chợ nào cũng có loại hàng mình buôn được. Kết quả tuy không bằng những lần đi buôn xa nhưng vẫn khá hơn nhiều so với khi làm việc ở tập đoàn. Đi buôn bằng xe đạp có cái tiện là dễ linh động tùy lúc, dễ tránh được các trạm kiểm soát nên đỡ tốn tiền mãi lộ.

    Tuy bận rộn với công việc nhưng nhờ làm ăn được, tinh thần thoải mái, nên tôi vẫn thấy khỏe người. Ngày nào tôi cũng gắng lo cho bà nội và lũ trẻ ăn uống đầy đủ hơn. Tôi đi buôn chưa đầy một tháng cả nhà tôi từ trẻ tới già trông ai cũng có vẻ đổi sắc.

    Hôm ấy tôi cũng đạp xe định đi chợ Hương Cần. Khi đi ngang qua chợ An Tân, tôi thấy nhiều người đang xúm nhau quanh một gánh tôm. Tôi hơi ngạc nhiên thấy cô Ánh cũng có mặt trong đám người ấy. Hai thúng rặt tôm sống con bò con nhảy loi choi đã khiến tôi phát thèm. Tôi dựng xe vào một góc chợ, định mua một mớ gởi Ánh mang về luôn thể. Nhưng đến trễ quá nên tôi chỉ mua được một ít. Khi tôi vừa móc tiền ra trả thì lại thấy một người khác cũng gánh tôm tới. Tôi lật đật nhào qua. Nhiều người khác cũng đổ xô tới mua. Tôm tươi quá làm tôi phát ham, mua khá nhiều. Nào ngờ khi thò tay móc tiền ra trả thì hỡi ôi, cái “đãy” đựng tiền của tôi đã biến mất. Tôi hốt hoảng vừa tri hô vừa xô vẹt mọi người để tìm kiếm. Nhưng vô ích. Cuối cùng tôi chỉ biết nằm lăn ra chợ để kêu la:

    • Trời ơi, bây giờ lấy gì để nuôi mẹ nuôi con đây anh Thành ơi!

    Tôi gào khóc như mưa như gió. Ánh thấy vậy tới ôm xốc tôi ngồi dậy. Khách qua lại cũng xúm quanh an ủi tôi mỗi người một lời. Nhưng ý nghĩa gì những lời khuyên ấy? Vốn liếng của tôi tiêu tan cả rồi! Biết làm sao bây giờ? Chỉ còn nước chết thôi! Ánh khuyên tôi về nhà rồi tính sau nhưng tôi xô Ánh ra. Lát sau có một anh công an khu vực đến làm việc. Anh ta vừa hỏi tôi về sự việc xảy ra vừa ghi chép. Sau khi ghi những lời khai báo của tôi, anh công an quay lại hỏi han một vài người chung quanh đó. Cuối cùng anh ta nói với tôi:

    • Bây giờ chị nên về nhà nghỉ. Chúng tôi sẽ điều tra vụ này, có kết quả chúng tôi sẽ thông báo cho chị ngay!

    Nói bấy nhiêu rồi anh ta bỏ đi. Tôi biết anh ta nói vậy cho xong chuyện chứ hi vọng nỗi gì! Tự nhiên tôi đâm ra trách cả Ánh. Nếu không thấy Ánh trong đám người mua tôm, tôi chưa chắc đã ghé lại đó để rước lấy tai họa. Nhìn quanh không còn thấy bóng dáng Ánh đâu, một nỗi bất bình trỗi dậy trong đầu tôi: Tại sao trong hoàn cảnh này nó lại bỏ tôi mà đi? Tại sao? Tại sao?

    Nhưng một lát sau Ánh đã trở lại với một người khác: dì Điệp. Thì ra thấy khuyên tôi không được, Ánh đã đi báo tin cho dì ấy. Dì Điệp là em con cô con cậu của mẹ tôi, đang cư ngụ ở An Tân. Dì hỏi han sự tình và an ủi tôi một hồi rồi khuyên tôi về nhà dì tạm nghỉ. Sự an ủi ân cần của dì Điệp đã khiến nỗi đau khổ của tôi có phần dịu bớt. Biết ngồi đây cũng vô ích, tôi thất thểu theo dì về nhà. Khi thấy Ánh tới dắt giùm chiếc xe đạp tôi mới sực nhớ mình đã bỏ nó ở đấy đã khá lâu. Cũng may bọn ăn cắp cũng quên không chú ý tới.

    • Chuyện đâu còn đó, con rửa ráy vào giường nằm nghỉ một lát cho khỏe!

    Bấy giờ tôi mới để ý thấy toàn mình mẩy tôi lấm lem hết cả. Nhưng tôi cũng chỉ rửa sơ sài rồi vào giường của dì Điệp đổ xuống như cây chuối gẫy. Dì Điệp lại cùng Ánh ngồi xuống bên cạnh an ủi tôi một hồi nữa. Lát sau dì hỏi nhỏ:

    • Thế con bị mất hết bao nhiêu?
  • Con chết mất dì ơi, trước con có khoảng ba chỉ, gần nửa tháng nay đi buôn lời gần một chỉ nữa, giờ mất hết trơn con đâu còn biết lấy gì để nuôi con!

  • Dì Điệp an ủi:

    • Thôi con, biết đâu kẻ nào đó người ta đã rước cái hoạn nạn cho con! Của đi thay người là chuyện thường. Biết đâu chồng con lại chẳng sắp được về! Con đừng nghĩ bậy bạ, phải phấn đấu mà sống, gắng làm việc để nuôi các cháu. Dì cũng nghèo, có chút đỉnh giúp con để bù vào chỗ mất mát, tình dì cháu có bấy nhiêu con chớ ngại!

    Nói xong, dì dúi vào tay tôi một chiếc khâu nhỏ:

    • Ba phân đó, con cứ lấy tạm để phòng khi cần!

    Dì Điệp đâu giàu có gì, tôi áy náy không muốn nhận. Ánh thấy vậy nói vào:

    • Dì đã cho chị cứ cầm lấy. Đây là chút lòng thương yêu của dì giúp chị lúc hoạn nạn chứ phải ngày thường đâu!

    Tôi hết sức xúc động khi cầm chiếc khâu, miệng cám ơn dì rối rít. Dì Điệp bảo Ánh ngồi nói chuyện với tôi rồi đi nấu cháo. Khi đó Ánh mới nói:

    • Sáng nay em lên An Tân có một chút việc thôi, không ngờ gặp lúc chị mắc nạn nên ở mãi tới bây giờ, chắc mẹ em trông lắm. Thôi thì đợi dì nấu cháo xong ăn một miếng rồi chị em mình cùng về!
  • Cám ơn Ánh lắm, nếu không có Ánh, tôi còn mất luôn cả chiếc xe đạp nữa.

  • Một lát sau dì Điệp bưng cháo ra. Ba chúng tôi cùng ăn. Sau khi tôi gắng húp xong một tô nhỏ cháo đậu xanh, Ánh nói:

    • Thôi, chào dì mà về nhà rồi hãy nghỉ. Bây giờ em đạp xe đèo chị nhé!

    Lúc này tôi lại thấy người mình muốn rũ liệt ra. Tôi chẳng muốn về nhà chút nào. Nhưng ở lại đây cũng chỉ báo hại dì Điệp chứ được gì? Bao nhiêu hi vọng thoát ra khỏi tập đoàn giờ đã tan biến hết. Ý nghĩ tự tử trở lại gợn lên trong đầu tôi.

    • Ừ, con về đi kẻo mấy đứa nhỏ nó trông!

    Dì Điệp nhắc tới mấy đứa nhỏ làm lòng tôi quặn thắt. Tôi thở dài:

    • Bây giờ về biết ăn nói sao đây?

    Dì Điệp lại an ủi:

    • Ông trời có mắt, con đừng lo! Rồi sẽ có người giúp con. Nhưng nhớ từ nay phải cẩn thận hơn! Cháu Ánh gắng lưu ý chị Ngọc giùm dì nhé!

    *

    Từ ngày đi buôn, hôm nay là lần duy nhất tôi không mua trầu cho bà nội, cũng không có bánh cho các con. Có lẽ bà nội đã nhận ra vẻ thất thường của tôi ngay khi tôi vừa bước vào nhà. Nhưng bà nội không hỏi han gì cả mà chỉ lặng lẽ lo sửa soạn cơm nước. Khi mấy đứa con tôi hỏi tới quà thì bà nội bảo: “Đừng ồn, để cho mẹ nghỉ”. Quá chán nản, tôi than mệt, thay áo quần rồi đi nằm sớm. Tới gần tối bà nội mới đến ngồi bên cạnh tôi, đưa tay sờ trán tôi rồi hỏi:

    • Mẹ nấu cơm rồi, con dậy ăn vài miếng chứ.

    Tôi lắc đầu:

    • Con hơi mệt, khi nào khỏe con sẽ tự dậy ăn!

    Bà nội ngồi một lát rồi đứng dậy đi nghỉ.

    Hôm sau tôi vẫn giữ trạng thái ươn ế ấy, nằm thêm một ngày nữa. Lạ lùng nhất là thời gian ấy cái bao tử của tôi chẳng đòi hỏi chút nào. Bà nội hai lần bưng cháo vào thúc giục tôi ăn làm tôi càng áy náy. Hình như trong ngày mấy lần có người đến thăm tôi. Tôi chỉ mơ hồ nghe bà nội thầm thì với họ gì đó một lát rồi im luôn. Chắc bà nội muốn cho tôi được yên tĩnh. Tới gần tối, bà nội mới nhỏ nhẹ hỏi tôi:

    • Con đi buôn bị công an bắt phải không? Thời buổi ni mần chi cũng khổ. Thôi con gắng đi mần ruộng lại với tập đoàn cho yên thân!

    Tôi rưng rưng nước mắt, không biết nói gì. Có lẽ bà nội tưởng tôi bị công an tịch thu của thật nên an ủi:

    • Đã nhiều người vì đi buôn mà sạt nghiệp rồi, con đã gặp rủi ro thì thôi, đừng buồn tiếc chi nữa! Cái hoạn nạn ấy khôn trời cũng không tránh được! Có thì ăn, không có thì rau muối cũng xong con ơi!

    Thái độ hiểu biết, thông cảm của bà mẹ chồng như cắt được một cục bứu nặng trong đầu óc tôi. Thật tình tôi chỉ lo ngại bà nội buồn trách thôi chứ các con tôi vô tư quá đâu đã biết gì. Tôi bỗng dưng thấy thương xót bà nội và các con tôi quá. Nếu tôi có mệnh hệ nào thì thật khốn đốn cho cả mọi người. Thế rồi tôi gắng gượng dậy tự lo việc ăn uống.

    Tôi vừa ăn xong thì chị Vàng, chị Lâm, chị Hiền và cô Ánh tới thăm. Bà nội nói với tôi:

    • Ban ngày mấy chị ấy cũng có đến một hai lần rồi nhưng mẹ bảo để cho con nghỉ nên họ không vào!
  • Bây giờ con đã khỏe, mẹ để con nói chuyện với họ một lát.

  • Bà nội khẽ ừ rồi trở vào lo đun nồi nước uống. Thấy tôi đã có vẻ bình thường, Ánh mừng rỡ nói:

    • Hoàn hồn lại rồi đó. Hôm ấy trông chị dễ sợ quá. Em làm bạo đèo chị về nhà mà trong lòng cứ nơm nớp không yên, sợ chị làm ẩu dọc đường thì khổ!

    Chị Lâm nhìn tôi mà cười:

    • Đâu đến nỗi vậy cô Ánh? Người làm ra của, sợ gì! Người còn thì của hãy còn mà, phải không cô Ngọc?

    Chị Vàng cũng xen vào:

    • Người ta rước tai họa cho mình đó cô Ngọc ơi, đừng buồn nữa!

    Tôi chỉ biết cười chua chát:

    • Buồn cũng mất rồi, tôi định vài ba ngày nữa trở lại tập đoàn để gỡ đây!

     Xem tiếp Chương 16