100 NĂM VỤ SÁT HẠI GIA ĐÌNH SA HOÀNG NICHOLAS II (1918-2018)

Ngày này năm xưa :

Ngày 16 tháng 7 năm 1998, tại thành phố St.Petersburg của nước Nga, hàng ngàn người dân xúc động đứng dọc hai bên đường dẫn vào đại giáo đường Chính thống giáo, im lặng chờ đón những quan tài chứa di thể của Nga Hoàng Nicholas II, Hoàng hậu và ba công chúa trở về cố hương sau 70 năm lưu lạc. Lễ tang được tổ chức cấp nhà nước, ngoài đại diện hoàng gia còn có sự hiện diện của vợ chồng Tổng thống Boris Yeltsin cùng các quan chức chính phủ Nga. Hai mươi mốt phát đại bác nổ vang cùng đội quân nghi lễ của quân đội Nga hộ vệ các cổ quan tài tiến vào thánh đường làm lễ trước khi an táng.

Năm 2000, Giáo hội Chính thống giáo Nga phong thánh cả gia đình Sa hoàng. Năm 2008, Tòa án và Viện Kiểm sát liên bang Nga đã chính thức phục hồi thanh danh cho dòng họ Sa hoàng Romanov, đồng thời tuyên bố Nga hoàng Nicholas II và gia đình “đã bị giết một cách bất hợp pháp”.  Năm 2015, chính phủ Nga có sắc lệnh do Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký, ra lệnh lập một tổ làm việc cấp cao, để xác minh và chôn cất xương cốt được cho là của thái tử Alexei và của công chúa Maria. Cụ thể hơn, nữ đại tá Marina Molodtsova, điều tra viên của Cơ quan điều tra liên bang Nga (IC) cho biết từ một chỉ đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, IC đã mở lại cuộc điều tra vụ tử hình, dù những người bắn chết Sa hoàng cùng vợ và năm con của ông đều không còn sống. Bà xác nhận hơn hai mươi nhân chứng đã được thẩm vấn, và vị trí tìm thấy xác đã được kiểm tra kỹ. Qua tháng 9 cùng năm, hai bộ xương cốt này được chôn cùng gia đình. Vậy là một trang lịch sử của nước Nga hiện đại đã kết thúc, sự thật đã được sáng tỏ sau hơn 70 năm bị tuyên truyền, bưng bít.

Ảnh 1 : Lễ truy điệu và an táng Sa Hoàng củng gia đình (1998)

Bối cảnh lịch sử :

Đầu thế kỷ XX, hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp và trào lưu tư tưởng tự do-dân chủ ở Châu Âu là hàng loạt các chế độ phong kiến ở Châu Âu sụp đổ và các nước Cộng Hòa ra đời. Cuộc cách mạng tháng 10 Nga xảy ra vào ngày 24 tháng 10 năm 1917 (theo lịch Nga cũ) thực ra chỉ là cuộc đảo chánh của những người Bôn-sê-vích (bolshevik) lật đổ chính quyền tư sản lâm thời thành lập sau ngày Sa hoàng thoái vị (2.3.1917). Theo lý thuyết Mác-xít, những mâu thuẩn trong lòng chế độ tư bản sẽ phát triển thành cuộc cách mạng của những kẻ bị áp bức, mà lực lượng tiên phong là những người công nhân , thành phần ưu tú của giai cấp vô sản. Người ta tập trung chú ý vào những nước công nghiệp hóa như Anh, Pháp, Đức …những nơi có lực lượng lao động đông đảo và nhiều điều kiện thuận lợi, như nghiệp đoàn có tổ chức tốt, sự ủng hộ của phe cánh tả trong nghị viện, báo chí theo quan điểm dân chủ-xã hội …để tiến hành cuộc lật đổ hơn là trông đợi ở nước Nga xa xôi, một nước lạc hậu nằm ngoài rìa của cuộc cách mạng công nghiệp hóa , nơi mà “chiếc  liềm” vẫn còn đa số áp đảo “cây búa”. Tuy nhiên, theo hiện thực xã hội của nước Nga lúc đó, những người theo chủ nghĩa Mác-xít đã tìm thấy một mảnh đất màu mỡ để tiến hành cuộc cách mạng vô sản với hai đòn bẩy vô cùng thuận lợi : sự bất mãn của dân chúng vì nền kinh tế kiệt quệ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I và chính sách đàn áp bằng bạo lực chống lại phe cải cách thay vì đàm phán của Sa hoàng, không khác chi đổ thêm dầu vào lửa.

Sau cuộc cách mạng tháng 3.1917 thành công, Sa hoàng thoái vị và chính phủ lâm thời Nga di tản gia đình Romanov tới Tobolsk ở Siberia, với lý do là để bảo vệ họ tránh khỏi làn sóng cách mạng dưới áp lực của Xô-viết Petrograd; một liên minh đầy quyền lực gồm các hội đồng của binh lính và công nhân vốn chia sẻ quyền lực với chính phủ lâm thời trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng Nga. Vào đầu tháng 10 năm 1917, người lãnh đạo đảng Bôn-sê-vích là Vladimir Lenin tổ chức cuộc nổi dậy chống chính quyền lâm thời. Những công nhân có trang bị vũ khí được biết với tên Hồng quân và nhiều nhóm cách mạng khác được lệnh của Ủy Ban Xô -viết vào đêm ngày 6 và 7 tháng 11 năm 1917 chiếm các trạm bưu điện, nhà máy điện, nhà ga xe lửa, và ngân hàng quốc gia. Khi tiếng súng nổ ra từ tàu chiến Nga Aurora, thì hàng ngàn người trong Hồng quân như vũ bão tràn vào dinh thự Mùa Đông. Chính quyền lâm thời sụp đổ, Vladimir Lenin tuyên bố xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa tại Nga. Chính quyền mới này được dựng lên bởi các Xô-viết và được lãnh đạo bởi những người Bôn-sê-vích.

Như vậy đối tượng đánh đổ của cuộc cách mạng tháng 10 không phải là nhà nước phong kiến Nga với biểu tượng là vua Nicholas II mà là chính quyền lâm thời đại diện cho từng lớp dân chủ – tư sản. Trong một thời gian dài người ta cố ý che lấp sự thật này vì không muốn chia sẻ hào quang với bất cứ phe nhóm nào khác. Nước Nga đã trải qua một giai đoạn đau thương suốt hơn 70 năm (1989-1917) mới trở lại nơi xuất phát ban đầu là chính thể Cộng hòa; 70 năm mê muội với một chủ thuyết tà mị làm hao tốn biết bao núi xương sông máu cùng những tổn thất vật chất lẫn tinh thần không thể bù đắp nổi.

Tên đồ tể man rợ :

Hiện vẫn có hai giả thuyết giải thích nguyên nhân dẫn đến vụ thảm sát đột ngột Sa- hoàng cùng gia đình, một cho là địa phương thừa hành theo mệnh lệnh từ trung ương, hai là đổ cho sự lộng quyền của các cá nhân ở Tobolsk. Theo giả thuyết thứ nhất, Xô viết trung ương mà đứng đầu là Lê-nin không muốn biều tượng của nền quân chủ nước Nga còn hiện diện trong tư tưởng người dân, trước tình hình phản công quyết liệt của lực lượng bảo hoàng (Bạch vệ) và sự ủng hộ của các thế lực cừu địch nước ngoài. Giả thuyết này dựa trên bức công điện do Sverdlov, Chủ tịch Ủy ban hành pháp trung ương toàn Nga ký, chuyển đến Yekaterinburg để chỉ thị về việc giải quyết vấn đề Sa hoàng, nhất thiết không được “có sự quay trở lại”, trước tình hình Yekaterinburg sắp rơi vào tay quân Tiệp thuộc phe Cộng hòa Nga.

Giả thuyết thứ hai có vẻ hợp lý hơn, phù hợp với tình hình nội chiến khi đó : quân Cộng hòa và lính lê dương Tiệp đang áp sát Yekaterinburg và việc thất thủ chỉ còn tính bằng ngày. Sau một cuộc họp của Xô-viết Yekaterinburg, để ngăn ngừa hoàng tộc Romanov có thể được quân bảo hoàng giải cứu, một bản án tử hình đã được thông qua. Giả thuyết này phù hợp với bản chất của những người Cộng sản và có thể giải thích việc Lenin đã trả lời phỏng vấn báo “National tidende” ngày 18 tháng 7 rằng “tin đồn về việc tàn sát gia đình Sa hoàng là một sự bịa đặt trắng trợn của giới báo chí tư sản” !

Trước đó khi củng cố được quyền lực, vào tháng 4.1918, chính quyền Xô-viết chuyển vợ chồng Nicholas II, Aleksandra và con gái Maria của họ  đi Yekaterinburg, thủ phủ của vùng nam Siberia.Thái tử lúc đó đang lâm bệnh không thể đi theo cha mẹ nên ở lại với các chị Olga, Tatiana và Anastasia. Cho đến tháng 6 thì thái tử và các chị mới được chuyển đến đoàn tụ cùng gia đình. Ở đó, họ bị quản thúc tại ngôi nhà của một thương buôn Do Thái tên là Ipatiev với vài người hầu cận còn lại. Một hàng rào bằng cây được dựng lên chung quanh nhà để khu tạm giam kín đáo hơn. Các tiêu chuẩn sống bị thay đổi, những loại thực phẩm cao cấp như sữa, sô-cô-la, bơ, phó mát đều không còn, thay vào đó là khẩu phần của binh sĩ bình thường (ngôi nhà bị trưng dụng này sau đó đã bị chính quyền Liên Xô phá hủy vào năm 1977 nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước cộng hòa Liên bang Xô Viết).

Trước tháng 7.1918 binh lính Nga (Hồng quân) canh gác nơi giam giữ gia đình Sa hoàng. Ngày 4.7.1918 nhận được công lệnh từ Moscow, tên Yakov Yurovsky, chỉ huy an ninh tại thành phố Yekaterinburg, sa thải tất cả các binh lính, thay toàn bộ lực lượng canh giữ trong ngoài ngôi nhà bằng nhân viên an ninh Tcheka. Vốn là một kẻ hung bạo và háo sắc, Jacob Yurovsky thấy công chúa út Anastasia “rất hấp dẫn” bèn cấm quân lính đụng đến cô ta, là chỉ của riêng hắn ta. Hai tuần trước biến cố là quãng thời gian đau khổ, nhục nhã chẳng còn tí riêng tư nào, đến nỗi đi vệ sinh cũng bị kèm chặt. Các công chúa liên tục bị Yakov và bọn Tcheka thay nhau lôi ra hãm hiếp.

Sáng ngày 16.7.1918, quân Cộng hoà Nga siết chặt vòng vây quanh thành phố Yekaterinburg, chuẩn bị tổng tấn công. Đến tối hôm đó, họ đã tiến sát đến ngoại ô. Hồng quân chuẩn bị triệt thoái, vì biết rằng trước sau quân Cộng hoà Nga cũng chiến thắng. Một giờ sáng ngày 17/7/1918, Yurosky ra lệnh đánh thức Sa hoàng Nicholas II, hoàng hậu, các cô công chúa, cùng người hầu gái, bác sĩ, đầu bếp, người phục vụ. Tất cả bị buộc phải nhanh chóng thay quần áo và đi xuống tầng hầm của ngôi nhà. Sa hoàng bế thái tử trên tay, còn hoàng hậu phẫn nộ khi cả nhà bị bắt đứng lên. Ở đó, toàn bộ gia đình và các người hầu được xếp thành hai hàng nhằm chụp một bức ảnh, điều họ được thông báo là nhằm dập tắt những tin đồn rằng họ đã trốn thoát.

Đột nhiên, Yakov Yurovsky cùng cả bọn Tcheka (an ninh nhân dân) bước vào phòng, chúng mang theo súng chĩa thẳng vào Sa hoàng và xiết cò. Sa hoàng chết ngay lập tức. Tiếp đến hắn bắn hoàng hậu Alexandra khi bà đang đưa tay cầu nguyện. Rồi đến lượt ba cô công chúa Olga, Tatiana và Maria. Demidova, người hầu gái vẫn còn sống sau phát đạn đầu, lũ an ninh Tcheka đâm tiếp bằng lưỡi lê. Căn phòng trở nên tĩnh lặng, chẳng còn tiếng rên la nào. Thái tử vẫn đang trong tay Sa hoàng và còn sống,Yakov Yurovsky tiến đến bắn hai phát vào màng tang thái tử. Khói súng, máu chảy đầy căn phòng chật chội, còn lại bác sĩ Botkin và người phục vụ vẫn còn sống. Yakov Yurovsky ra lệnh tất cả ra ngoài trừ hai tên cận vệ, sau đó chúng đâm chết Botkin và người phục vụ, lột bỏ quần áo hoàng hậu và ba cô công chúa để tìm nữ trang.

Nhưng họ không chỉ bị giết, mà còn bị thủ tiêu xác để mai sau này người ta không thể chôn cất và tưởng nhớ gây những hậu quả cho chế độ Bôn-sê-vích. Ngay sau khi hoàn tất vụ thảm sát, các xác chết được bọn chúng (Tcheka) chất lên một chiếc xe tải, rời thành phố Ekaterinburg trong đêm, lúc 2h30 sáng, đến một mỏ sắt bỏ hoang gọi là mỏ Four Brothers phía tây thành phố, tại đó chúng ném các xác chết xuống một cái rãnh cạn. Hoàng hậu và ba cô công chúa, cùng người hầu gái lại bị lục soát quần áo tìm nữ trang một lần nữa! Yakov thấy cái rãnh quá nông để lộ các xác chết, bèn cho người lôi lên xe tải đem đi chôn ở một chỗ khác, nhưng chạy một đoạn thì xe tải bị sa lầy. Nhóm Yurovsky quyết định vùi xuống một cái hố ngay trên con đường Koptyaki, ngoại ô thành phố Yekaterinburg thuộc địa phận làng Ganinai Iama. Khi đào xuống khoảng một mét thì đụng phải đá, họ mở rộng hố chứ không đào sâu thêm nữa và ném những cái xác xuống, lấp đất qua loa. Nơi này được cho là địa điểm cuối cùng.

Một vài ngày sau, dù quá muộn nhưng quân Cộng hoà Nga cũng đã tiến vào giải phóng hoàn toàn thành phố Yekaterinburg vào ngày 20/7. Các chiến binh Cộng hòa Nga bắt lũ đồ tể khai báo, chúng đã thú tội, ngoại trừ thủ phạm chính Yakov Yurovsky đã nhanh chân trốn thoát.

Sự thật bị che lấp :

Trong những năm chế độ Xô Viết còn tồn tại ở Nga, cái chết của gia đình Sa hoàng Nicholas II vẫn được coi là một vấn đề “tuyệt mật” với nhiều câu hỏi chưa được làm sáng tỏ. Thời gian đó trên tất cả mọi phương tiện thông tin của nước Nga Bôn-sê-vích đều thông báo rằng : đêm 16, rạng ngày 17 tháng 7 năm 1918, Hồng quân đã chặn đứng một âm mưu giải phóng cho gia đình Sa hoàng do một nhóm Bạch vệ cầm đầu, trong cuộc đụng độ Sa hoàng đã bị bắn chết, còn cả gia đình ông đã được đưa đến “nơi an toàn”.  Nguyên nhân của sự bịa đặt đó là việc tàn sát quá tàn nhẫn và hèn hạ, nếu sự thật được công bố có thể gây ra sự phẩn nộ trong dân chúng và có những phản ứng bất lợi cho chính quyền, đồng thời cái chết của Sa hoàng có thể trở thành một biểu tượng tập hợp lực lượng của những người chống đối, là cái cớ cho nước ngoài can thiệp.

Sau này trong thời nội chiến, vùng Ekaterinburg thuộc sự quản lý của Bạch vệ, họ đã hết sức cố gắng để điều tra vụ ám sát gia đình Sa hoàng. Một luật sư nổi tiếng thời đó là Sokolov đã tiến hành điều tra hết sức kỹ lưỡng vụ này từ tháng 2 năm 1919 đến khi ông bị chết vào năm 1924. Sokolov đã dựng lại một bức tranh hết sức chính xác và hoàn chỉnh về vụ án này. Duy chỉ có một điều ông chưa làm được đó là tìm ra nơi chôn cất chín người bị thảm sát trong đêm 17 tháng 7 năm 1918 đó.

Lịch sử lên tiếng :

Ngày 12.4.1989, tin tức báo chí Nga loan báo đã tìm thấy nơi vùi xác Sa hoàng cùng gia đình tại cánh rừng Koptyaki, do hai nhà sử học nghiệp dư tên là Alexander Avdonin và Geli Ryabov phát hiện. Thực tế, báo giới Nga cho biết hai ông đã công bố việc này từ 10 năm trước, nhưng thời đó chẳng ai quan tâm.

Năm 1991, chính phủ Nga bắt đầu tiến hành khai quật, sau đó các phân tich ADN của các nhà nhà khảo cổ học Nga và Anh đều khẳng định đã tìm thấy hài cốt Sa hoàng Nicholas II, hoàng hậu và 3 công chúa Olga, Tatyana và Anastasia. Ngày 19 tháng 8 năm 1993 theo đúng thủ tục pháp lý người ta khởi tố vụ án mang mã số 18/123666-93 để tiến hành điều tra vụ phát hiện xác của chín người trong khu mộ vùng đầm lầy tỉnh Ekaterinburg. Vụ khởi tố này hoàn toàn không có nghĩa những ai tham gia vào vụ án này sẽ bị mang ra xét xử trước pháp luật. Vụ án xảy ra đã quá lâu, thời hiệu của nó đã qua đi. Nhưng người ta phải khởi tố để có điều kiện giám định và kết luận những người nằm trong khu mộ đó có thực sự là gia đình Sa hoàng hay chỉ là những người nào khác bị giết cũng vào thời đó. Đến nay, không ai còn nghi ngờ gì về việc đó chính là xác của gia đình Sa hoàng. Đầu năm 1994, một chuyên gia nổi tiếng của Nga về phục hồi khuôn mặt dựa trên các xương còn lại đã không chỉ cho phép khẳng định chắc chắn các xác tìm được thuộc về gia đình Sa hoàng mà còn giúp phân định rõ ai là ai.

Năm 2007, các nhà khảo cổ tuyên bố họ đã tìm thấy hài cốt của hai người con cuối cùng của gia đình Sa hoàng là Thái tử Tsarevich Alexei và người chị, công chúa Maria (chứ không phải công chúa Anastasia) nhưng Giáo hội Chính thống giáo Nga và một số hậu duệ của gia đình Romanov vẫn không công nhận. Đến tháng 7.2015, Giáo hội Nga gây sức ép buộc Điện Kremlin phải mở lại cuộc điều tra. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu cấp thiết do lễ tưởng niệm 100 năm cái chết của Sa hoàng và sự chấm dứt của vương triều Romanov đang đến gần. Nga muốn đoàn tụ cả 7 người trong gia đình Sa hoàng Nicholas II vào cùng một chỗ. Tháng 7.2015, chính phủ Nga có sắc lệnh do Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký, ra lệnh lập một tổ làm việc cấp cao, để xác minh và chôn cất xương cốt được cho là của thái tử Alexei và của công chúa Maria. Qua tháng 9 cùng năm, hai bộ xương cốt này được chôn cùng gia đình.

Lịch sử trớ trêu : hơn 90 năm về trước, Nicholas II bị người cộng sản Bôn-sê-vich coi là hiện thân của một chế độ độc tài, tàn bạo thì ngày nay, trong mắt của người dân Nga, vị Sa hoàng cuối cùng của triều đại Romanov lại là một người tử tế, và ngoan đạo. Xưa kia Yekaterinburg từng tự hào là nơi đã xử tử một tên bạo chúa, nay thì thành phố này đang làm sống lại vị vua cuối cùng trong con tim người dân Nga. Năm 2003, chính tại đây Giáo hội Chính thống đã lập đền thờ, tạo nên một địa điểm hành hương để tưởng nhớ vị vua cuối cùng của nước Nga, và phong thánh cho Sa hoàng Nicholas đệ nhị. Theo một cuộc thăm dò trên đài truyền hình Nga, Sa hoàng được coi là nhân vật lịch sử vĩ đại nhất của nước Nga, đứng trước cả lãnh tụ Staline. Thế nhưng ông vẫn chưa được chính thức phục hồi danh dự. Nhà nước Nga vẫn không công nhận vị hoàng đế cuối cùng này là nạn nhân của chế độ cộng sản đầu thế kỷ 20.

Những nghi vấn : 

  1. Một cô công chúa thoát chết, vượt thoát sang phương Tây? :

Trong đêm xảy ra vụ thảm sát, một cô công chúa không có mặt tại hiện trường, đó là công chúa út Anastasia. Mặc dù sau này hài cốt của cô được xác định là chôn chung cùng cha mẹ nhưng cái chết của cô còn đầy nghi vấn. Đó chính là lý do sau năm 1918, nhiều phụ nữ tự xưng là công chúa Anastasia, nổi tiếng nhất là Anna Anderson xuất hiện ở Berlin lần đầu tiên năm 1920, hai năm sau ngày hoàng gia Romanov bị giết. Anderson còn nhận tên họ là Tschaikovsky, sau đó qua Mỹ và suốt nhiều năm được cho là con gái thoát chết của Sa hoàng Nikolai II. Sự thật chỉ được tiết lộ vào năm 1927 khi một người bạn cũ của Anderson công khai tên thật của người phụ nữ mạo danh công chúa Anastasia là Franziska Schanzkowska, một công nhân xí nghiệp người Ba Lan. Bất chấp việc bị vạch trần thân phận thực sự, Anderson vẫn tiếp tục lừa mình dối người rằng bản thân chính là công chúa cho đến khi qua đời năm 1984.

Không chỉ xuất hiện những kẻ mạo danh công chúa Anastasia, nhiều người khác cũng tự nhận là hoàng tử Alexei hay công chúa Maria. Đến năm 2009, khi các chuyên gia, nhà khoa học công bố tìm thấy tất cả các bộ hài cốt của gia đình Sa hoàng Nicholas II, không có người nào trong gia đình hoàng tộc này thoát được cái chết năm xưa thì mới chấm dứt hẳn những lời đồn thổi thêu dệt về họ. Tuy nhiên thủ phạm giết chết công chúa Anastasia là ai, tại thời điểm nào, ở đâu vẫn còn là một dấu hỏi lớn chưa có câu trả lời.

  1. Kho báu Sa hoàng :

Alexander Kolchak từng là anh hùng trong Thế chiến 1 và sau Cách mạng tháng 10 đã chỉ huy quân Bạch Nga chống các chiến binh của Lenin. Trong một trận đánh lớn, ông ta đẩy đối phương về Kazan (cách St.Petersburg hơn 600km về phía đông nam) và chiếm được kho dự trữ vàng của Nga do Sa hoàng chuyển từ St Petersburg về. Số vàng này trị giá 650 triệu rúp, đựng trong 5.000 hộp và 1.700 túi và quân Bạch vệ phải chở bằng 40 toa xe. Năm 1919, sau một cuộc giao tranh ác liệt, chỉ huy Hồng quân là Trotsky chiếm được Kazan. Nhưng khi binh lính tiến vào những bậc thềm của Ngân hàng Kazan, họ phát hiện ra là các kho chứa đã rỗng không. Kho báu đã trên đường được chuyển tới Siberia, nơi mà phe cách mạng vẫn chưa nắm được quyền kiểm soát. Trotsky lập tức chuẩn bị một chuyến tàu hỏa và lên đường đuổi theo.

Tướng Kolchak ra lệnh cho đoàn tàu đi tiếp về phía đông, càng xa kẻ thù càng tốt. Ông đưa con tàu tới Irkutsk, một thành phố thương mại ở gần hồ Baikal. Irkutsk là nơi mà các tiểu đoàn người Tiệp Khắc, vốn là lính đánh thuê cho Nga trong thời Thế chiến thứ nhất, bị mắc kẹt khi cuộc nội chiến xảy ra, toàn bộ các tuyến đường nối với châu Âu bị cắt rời. Người Tiệp Khắc muốn về nhà, cho nên khi con tàu chở kho báu tới Irkutsk, họ đã bắt Kolchak cùng số vàng rồi đem trao nộp cho phe Bôn-sê-vích để đổi lấy việc được tự do hồi hương.

Theo tờ Spiegel (Đức), quân Tiệp Khắc đã nộp số vàng trị giá 410 triệu rúp cho Hồng quân. Vậy còn lại một phần ba số vàng (hơn 200 triệu rúp) đi về đâu ? Truyền thuyết kể quân Bạch Nga đã chuyển chúng lên xe lửa để vượt hồ Baikal vốn đóng băng trong mùa đông, nhưng đoàn xe quá nặng nên đã chìm xuống lòng hồ. Trong thực tế, hồ này vào mùa đông vẫn là đường giao thông, như trong cuộc chiến Nga-Nhật (1904-1905) có tuyến đường ray trải dài trên lớp băng dày 1 m.

Theo Daily Mail, năm 2009 tàn tích của đoàn xe và đạn dược đã được tìm thấy dưới hồ bằng tàu ngầm mi ni MIR-2. Tờ này cũng kể người Nga chôn xác Kolchak dưới lớp băng tuyết ở sông Angara chảy vào hồ Baikal. Nếu thoát được, có lẽ ông ta sẽ sống lưu vong ở London cùng với số vàng. Dân địa phương cho rằng binh lính Czech đã giấu bớt vàng trên những đoàn tàu riêng của họ khi đi về phía đông, đi qua những triền núi đá của Dãy Sayan, hầu như dựng đứng trước Hồ Baikal. Đoàn tàu chạy trên tuyến đường ray cũ ọp ẹp, nơi mà một trong những đoàn tàu chở quá tải được cho là đã mất đà, lộn nhào xuống đáy nước Baikal. Và theo chuyện kể, thì nó ngày nay vẫn nằm ở đó.

Cũng giống như Sa hoàng Nicholas II, tướng Kolchak là người mà trong suốt 70 năm được mô tả trong sách lịch sử Liên Xô như một kẻ thù của nhân dân và do đó  bị xử bắn là thỏa đáng. Nhưng ngày nay, ngay tại quảng trường trung tâm thành phố Irkutsk, một đài tưởng niệm Kolchak được dựng lên, vinh danh ông như một biểu tượng chính trị quan trọng. Các sử gia người Nga rõ ràng là đã viết lại dòng biên niên sử cách mạng; tấm biển đồng gắn ở đài tưởng niệm ghi rõ ông đã chiến đấu cho lý tưởng của mình và đã hy sinh để bảo vệ kho báu của đế chế.

Nếu đúng là tìm được (phần còn lại) kho vàng, có thể xảy ra tranh chấp giữa chính phủ Nga với hậu duệ của Sa hoàng Nicholas II cùng các nước khác (gồm Anh) vốn có thể cãi rằng dòng họ Romanov (của Sa hoàng) mắc nợ họ rất nhiều. Cũng có giả thiết quân Bạch Nga đã đem số vàng gởi vào các ngân hàng ở Anh và Nhật, hoặc quân Tiệp Khắc đã đem tất cả số vàng về nước, nên nước này phát triển trong những năm 1920. Nhưng tất cả cũng chỉ là giả thuyết.


Kiến Hào (Tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu)