Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 2

th (6)Thời bấy giờ ở nước Chiêm, mỗi lần một vị vua qua đời, người kế vị sẽ được triều đình tôn lên ngôi, vị vua mới sẽ đứng ra chủ trì lễ hỏa táng* cho vị vua cũ. Lễ hỏa táng là ngày lễ quan trọng bậc nhất trong đời người quá vãng. Làm lễ ấy thường phải lựa một ngày thật tốt. Nếu lễ hỏa táng không được thực hiện chu đáo, người sống có thể phải gánh chịu cái hậu quả âm oán, tai họa không biết đâu mà lường. Nếu chưa tìm ra ngày tốt gần thì phải chờ đợi ngày tốt kế tiếp, có khi lâu đến cả tháng. Vua Chế A Nan qua đời vào lúc rạng sáng. Vị Sư Cả, người có trách nhiệm coi ngày tốt để hỏa táng cho biết trong thời gian gần đó chỉ có một ngày tốt duy nhất lại đúng vào ngày thứ năm tính từ ngày nhà vua mất. Kế tiếp hơn một tháng sau đó không chọn được một ngày nào thích hợp với việc hỏa táng nữa. Nếu phải đợi chờ hàng tháng như thế, không những phải tốn kém nặng mà còn gây nhiều phiền phức khác nữa. Bất đắc dĩ triều đình Chiêm Thành phải chọn ngày vị Sư Cả cho là tốt gần nhất để làm lễ hỏa táng. Vì thế, đành phải lấy ngày kế tiếp sau ngày nhà vua mất làm ngày “lễ cho ăn” cho khớp với quá trình lễ hỏa táng! Lễ hỏa táng chính thức gồm bốn ngày liên tiếp: ngày thứ nhất làm “lễ cho ăn”, ngày thứ hai “lễ hát tang ca”, ngày thứ ba “lễ chém cây” và ngày thứ tư chính là “lễ hỏa táng”. Vì công việc cấp bách, Tể tướng Trà Hòa Bố Để đề nghị với hoàng tử Chế Mỗ:
-Bây giờ phải lo việc tang chế cho vương thượng cấp bách quá, nếu tổ chức lễ đăng quang nữa thì công việc lập chập, vất vả không bên nào chu đáo được. Vậy ta nên tập trung tổ chức lễ hỏa táng cho tốt đẹp đã. Sau đó thong thả sẽ tổ chức lễ đăng quang cho điện hạ tiện hơn!
Hoàng tử Chế Mỗ nói:
-Tể tướng xếp đặt sao cho tiện thì thôi!
Các quan hết thảy đều đồng ý như vậy. Sau khi cùng với Trà Hòa Bố Để lo lễ hỏa táng cho vua cha xong, hoàng tử Chế Mỗ hân hoan chờ ngày chính thức bước lên ngôi vị chủ tể nước Chiêm Thành. Ông nói với Trà Hòa Bố Để:
-Tể tướng phải tổ chức buổi lễ đăng quang cho ta thật long trọng, vượt hẳn các cuộc đăng quang của các vị tiên vương đấy nhé. Ta sẽ không quên công lao khó nhọc của ông đâu!
Bố Để mỉm cười thưa:
-Điện hạ đã dạy, tôi sẽ cố gắng làm theo ý của điện hạ. Điện hạ sẽ là một vị chúa hiển hách nhất của nước Chiêm từ xưa tới nay. Nhưng muốn việc tổ chức lễ đăng quang được hoàn hảo, phải có một thời gian ít nhất là năm bảy ngày để chuẩn bị mọi thứ. Bây giờ điện hạ cứ yên chí về nghỉ ngơi. Tôi sẽ tự tay soạn thảo chương trình buổi lễ và cho mọi phần hành tập dượt thuần thục xong sẽ mời điện hạ duyệt lãm trước khi chính thức đăng quang.
Chế Mỗ vui vẻ đồng ý ngay:
-Được, ông gắng lo cho xong sớm. Đừng để ta phải nóng lòng trông đợi!
-Xin tuân lệnh điện hạ. Tôi cũng mong cho việc lớn chóng thành. Điện hạ được vinh hiển tôi cũng được nở mày nở mặt lây vậy!
Quan tham mưu Chế Hồng Phúc thưa:
-Tể tướng trù liệu như vậy phải lắm. Phải có thì giờ chuẩn bị công việc mới hoàn hảo. Hơn nữa, điện hạ mới tuyển được quí nhân, cũng nên nhân dịp chờ đợi này để vui vẻ lo việc nhà. Khi đăng quang rồi điện hạ đâu còn được rảnh rỗi như bây giờ!
Nghe Hồng Phúc nói, Chế Mỗ nhớ ngay đến hai nàng kỹ nữ Mỵ Hương, Mỵ U mà ông mới tuyển được chưa bao lâu. Trong thời gian vừa qua, vì bận rộn việc tang chế phụ vương, Chế Mỗ không thể chuyên tâm vui vẻ với các giai nhân, nay có người nhắc, ông bỗng cao hứng cười mà nói đùa:
-Phải rồi! Lâu lâu các quan lại được nghỉ phép một thời gian để lo việc nhà, tại sao ta lại không có? Trước khi đăng quang ta cũng cần nghỉ phép một thời gian để lo việc nhà như các quan mới công bằng chứ!
Bố Tân nghe Chế Mỗ nói có vẻ chói tai, bèn thưa:
-Tiên vương đã qua đời, ngôi vua không thể để trống lâu ngày. Điện hạ nên tiến hành việc đăng quang sớm chứ sao lại bày chuyện nghỉ phép làm gì cho trở ngại việc công?
Chế Mỗ lộ vẻ giận nói bướng:
-Dù ta đã đăng quang hay chưa đăng quang thì ai cũng biết ngôi vua đó là của riêng ta! Về công việc trong triều trước sau vẫn do một tay Tể tướng Trà Hòa Bố Để giải quyết, có gì là trở ngại đâu? Ta không muốn nghe ông nói những lời dư thừa như thế!
Bố Tân bị Chế Mỗ mắng quê mặt bèn im tiếng. Trước đây, Bố Để vẫn luôn sát cánh với Chế Mỗ để cùng lo công việc triều đình. Thật ra Chế Mỗ chẳng hề biết gì về chính sự. Mọi việc ông đều làm theo sự sắp xếp, hướng dẫn của Bố Để cả. Tham dự vào các công việc này chẳng qua là do vua cha bắt buộc chứ thật sự Chế Mỗ chẳng có chút hứng thú nào. Bây giờ vua cha đã qua đời, ông muốn giao trọn việc triều chính cho Tể tướng Bố Để để ông được rảnh rang, tự do hưởng lạc. Nay nghe Bố Để hứa như vậy, Chế Mỗ rất yên tâm. Ông hớn hở trở về biệt điện tiếp tục việc vui chơi.
Vốn tính lười biếng, lại quá tin tưởng vào Bố Để, đã bốn ngày trôi qua mà Chế Mỗ vẫn chẳng thèm bước ra điện Thiết Triều – nơi triều đình làm việc – để xem thử Bố Để tiến hành công việc ra thế nào. Bố Tân thấy Chế Mỗ vô tâm như vậy bất đắc dĩ phải nhắc nhở:
-Tể tướng Bố Để đã hứa sẽ tổ chức cuộc lễ đăng quang cho điện hạ thật long trọng, không biết bây giờ ông ta đã lo tới đâu rồi?
Chế Mỗ đáp không do dự:
-Tể tướng đã hứa ta đâu cần lo lắng nữa!
Bình thường Bố Để lúc nào cũng tỏ ra hết lòng với Chế Mỗ, làm việc gì cho Chế Mỗ cũng tới nơi tới chốn. Thấy Bố Tân là vị thầy gần gũi với Chế Mỗ nên Bố Để cũng đối xử với ông rất thân tình. Ngược lại, Bố Tân thấy Bố Để lúc nào cũng khiêm nhường, mềm mỏng, đầy vẻ trung hậu nên cũng không nghi ngờ gì. Nay nghe Chế Mỗ nói như vậy Bố Tân cũng yên chí không nói gì thêm.
Nhưng đến ngày thứ bảy vẫn chẳng thấy Bố Để bẩm báo gì với Chế Mỗ, Bố Tân không sao khỏi sốt ruột. Ông nói với Chế Mỗ:
-Không hiểu sao lần này Tể tướng lo công việc lại chậm đến thế? Bảy ngày rồi chứ ít sao! Điện hạ nên ra triều xem xét ông ta chuẩn bị công việc thế nào, phải thúc đẩy ông ta vẫn hơn!
Chế Mỗ khen phải rồi cùng Bố Tân dẫn một toán thị vệ ra triều. Khi tới gần điện Thiết Triều, thấy quân lính canh gác nghiêm nhặt, ông rất mừng. Nhưng liền đó ông xiết bao kinh ngạc khi nghe tiếng loa cảnh báo vang lên:
-Lệnh của tân vương, những ai không có phận sự không được xâm nhập điện Thiết Triều. Ai bất tuân, sẽ bị nghiêm trị!
“Lệnh của tân vương tức là lệnh của ta, nhưng ta đâu có ra lệnh ấy? Đây chắc là Bố Để nhân danh ta mà truyền lệnh. Khá khen cho cái tính nghiêm chỉnh và cẩn thận của y!”. Chế Mỗ khen chưa hết lời thì một toán quân sĩ hùng dũng tuốt vũ khí xông ra chận ông lại. Người chỉ huy toán quân ấy chính là La Bút, một tên cận vệ của Bố Để. Chế Mỗ nổi giận nạt:
-Hỗn láo, bộ ngươi không có mắt hay sao?
La Bút lạnh lùng nói:
-Chúng tôi không cần biết ông là ai cả. Chúng tôi chỉ biết thi hành lệnh của tân vương. Nếu ông không chịu lui, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp cần thiết!
Chế Mỗ xám mặt hỏi lại:
-Ta đây là hoàng tử Chế Mỗ, nay Tiên vương đã qua đời, nếu ta không là tân vương thì còn ai đây nữa chứ? Chẳng lẽ ngươi không biết điều đó?
La Bút vung gươm trắng trợn nói:
-Tiên vương đã có lệnh truyền ngôi cho phò mã Trà Hòa Bố Để. Ông không còn can dự gì tới triều đình này nữa. Tân vương tha mạng cho ông là may lắm rồi! Yêu cầu ông rút lui ngay! Quân sĩ, hãy thi hành nhiệm vụ!
Toán quân ấy bỗng đồng loạt tiến tới một bước. Những ngọn đao sắc trong tay họ cũng đồng loạt vung lên. Đám vệ sĩ của Chế Mỗ hoảng sợ vội bao quanh bảo vệ chủ. Bố Tân nhảy ra đứng chặn trước mặt toán quân của La Bút, thét lớn:
-Chúng bây không được làm hỗn với đức điện hạ!
Thấy Bố Tân xuất hiện, bọn lính ấy hơi khựng lại. Chế Mỗ nói:
-Hãy kêu Trà Hòa Bố Để ra đây cho ta nói chuyện!
Nhưng La Bút trợn mắt quát:
-Biết điều hãy lui ngay! Nếu không, ta chẳng vị tình đâu!
Bố Tân thấy tình hình bất lợi, quay lại nói với Chế Mỗ:
-Chúng nó phản rồi. Xin điện hạ hãy tạm lui rồi tìm cách đối phó sau.
Chế Mỗ phẫn uất lắm nhưng chẳng biết làm sao hơn, đành quay trở về điện của mình. Ông hậm hực nói:
-Ta có bạc đãi Bố Để bao giờ đâu! Không ngờ nó phản ta như thế! Biết làm sao bây giờ?
Bố Tân ngẫm nghĩ một lát rồi thưa:
-Thú thật, tôi cũng không hiểu ra sao cả! Lâu nay tôi cứ tưởng Bố Để là người trung thành với điện hạ nhất. Nhưng nay rõ ràng Bố Để đã phản điện hạ, đâu còn nghi ngờ gì nữa! Càng khó hiểu là tại sao y vẫn để yên cho chúng ta thế này? Y toan tính gì nữa đây? Quyền hành y nắm hết trong tay, nếu y muốn hại ta đâu có khó! Chắc là y vị nể công chúa Đa Lợi nên nương tay! Nếu ta quyết liệt chống lại, y có thể tiêu diệt ta mất! Chi bằng cứ tạm thuận theo y để giữ thân cái đã rồi tính sau.
Chế Mỗ ứa nước mắt mếu máo:
-Chính ông cũng nói thế ta còn biết nhờ cậy ai?
Thế rồi Chế Mỗ vào phòng riêng đóng cửa lại. Một lát sau Bố Tân xin vào gặp Chế Mỗ. Chế Mỗ lại mếu máo hỏi:
-Ông cũng muốn bỏ ta rồi, còn vào đây làm gì nữa?
Bố Tân nói:
-Xin điện hạ bình tĩnh, hồi nãy điện hạ hỏi phải làm sao trong tình trạng này, tôi không dám nói thật vì sợ trong đám vệ sĩ của ta có thể đã có người của Bố Để gài vào, nói ý của mình ra nó sẽ báo lại với Bố Để. Giờ đây không có ai, tôi xin trình một ý kiến: Bố Để tuy đã đoạt được quyền hành nhưng không phải ai cũng phục tùng y đâu! Ta phải ngầm cho người dò ý những bề tôi cũ của Tiên vương, ai có bụng trung thành hãy liên kết với họ để gây dựng lại thế lực. Khi đã đủ sức, ta sẽ tìm cách giành lại ngôi báu.
Chế Mỗ nghe hơi mừng, ông nói:
-Kế ấy nghe được lắm! Ông đứng ra lo giúp ta việc đó được không?
-Điện hạ đã tin tôi mà giao việc, tôi đâu dám chối từ!
Lúc bấy giờ người của Bố Để đã nắm hết mọi then chốt của bộ máy triều đình. Vốn biết rõ Chế Mỗ hơn ai hết, Bố Để chẳng coi ông ta ra gì cả. Đến nỗi Bố Để chẳng thèm cho người theo dõi xem Chế Mỗ có hành động nào chống lại mình không! Toàn bộ nhân sự của hoàng gia vẫn sinh hoạt đều đặn như cũ, chẳng thay đổi mảy may. Nói chung là cả triều đình gần như đều dửng dưng trước sự tiếm quyền của Tể tướng Trà Hòa Bố Để.
Bố Tân tuy hơi lười biếng nhưng bản chất vốn rất thuần hậu, trung thành. Sau khi được Chế Mỗ giao phó sứ mạng, ông đã hăng hái lao vào công việc. Ông lần lượt bí mật tiếp xúc với một số quan lại trong triều. Nhưng ông đã gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục họ. Tài năng của Trà Hòa Bố Để đã chinh phục được lòng người. Ai cũng tin Bố Để sẽ làm cho nước Chiêm trở nên hùng mạnh. Hoàng tử Chế Mỗ kém cỏi quá, làm sao tin được ông ta có thể trở thành một vị vua hiền? Chỉ có lác đác vài người hứa ủng hộ nhưng đều xin giấu mặt. Điều mâu thuẫn là nhiều người còn nặng lòng sùng kính, nhớ ơn vị Tiên vương Chế A Nan nên không ai nỡ lòng hại Chế Mỗ. Chính Tể tướng Bố Để cũng biết điều đó nên vẫn để Chế Mỗ sống yên ổn.
Khi Bố Tân đến tiếp xúc với Du Đà, Du Đà khuyến cáo:
-Tôi biết ông vì hoàng tử mà làm việc này nhưng coi chừng nó có thể tác dụng ngược, trở lại làm hại hoàng tử đó!
-Xin ông cho biết rõ lý do?
-Ông gần gũi hoàng tử Chế Mỗ lẽ nào không biết điều ấy? Hoàng tử bản chất tầm thường, dù chiếm lại được ngôi báu chưa chắc hoàng tử sẽ làm được gì cho đất nước! Còn Bố Để là người có tài, có quyết tâm rửa hận cho dân tộc. Tuy hơi tham lam, nhưng Bố Để vẫn còn đủ tình người, vẫn biết trọng điều nhân nghĩa. Ông ta có thể trở thành một minh quân lắm chứ! Dù đang nắm trọn quyền hành trong tay, ông ta vẫn không nỡ làm hại hoàng tử chứng tỏ ông ta không phải là kẻ bạc tình. Hoàn cảnh đã đưa đến như thế, biết đâu đó chẳng là một vận hội mới cho nước Chiêm vươn lên? Nay ông giúp hoàng tử mong lật lại thế cờ, Bố Để và hoàng tử Chế Mỗ tất phải đối đầu nhau, thế là ông ép họ vào con đường phải giết nhau! Nếu trường hợp ấy xảy ra, tôi tin chắc hoàng tử phải thất bại, sẽ di hại đến cả hoàng gia nữa. Mà dù hoàng tử có thành công, nước Chiêm cũng sẽ đi đến chỗ suy yếu. Mấy lời chân thành, xin ông xét kỹ cho!
-Ông là người thân tín của Tiên vương mà nói thế tôi thất vọng hết sức. Tiên vương đã giao việc giáo dục và bảo vệ hoàng tử cho tôi, giờ đây tôi chỉ biết có hoàng tử Chế Mỗ. Để đáp ơn tri ngộ của Tiên vương, dù phải chết tôi vẫn phải thực hiện việc này.
-Tôi với ông đều chịu ơn Tiên vương như nhau. Nhưng ông phải hiểu là Tiên vương bao giờ cũng muốn gây dựng một nước Chiêm hùng mạnh không lệ thuộc Chân Lạp hay Đại Việt chứ! Giữa Bố Để và hoàng tử xem ai có thể làm cho nước Chiêm trở nên hùng mạnh theo ý nguyện của Tiên vương? Ông thấy rõ vấn đề đó chứ? Tôi không muốn để xảy ra cảnh huynh đệ tương tàn làm quốc gia phải suy yếu! Sự thể đã đến nước này hoàng tử làm sao lật lại thế cờ được? Một lần nữa xin ông suy nghĩ lại!
-Tôi đã nhất quyết. Nếu ông phá vỡ kế hoạch này, tôi đành chịu chết thôi!
-Tôi có lời khuyên ông là vì nghĩa vụ đối với nước Chiêm và cũng vì tình bằng hữu đối với ông nữa. Nếu ông không nghe tôi cũng chịu thôi. Nhưng xin hứa tôi không phá kế hoạch của ông đâu! Ông cứ yên tâm theo đuổi mục đích của mình. Tôi coi như không biết gì đến việc ông đang làm!
Khi Bố Tân đã đi khỏi, Du Đà than thở:
-Thật khó mà ngăn chận được cảnh huynh đệ tương tàn! Đáng tiếc là cái ông hoàng ngu tối khùng điên này đã tự tìm cái chết! Không chỉ hại thân mà còn làm liên lụy đến cả hoàng gia nữa chứ! Ai có thể che chở họ đây? Đáng thương cho hoàng tử Bà Bỉ Na Tác Nhĩ, khôi ngô tuấn vỹ như vậy mà không được hưởng phước đời!
Đêm hôm đó Du Đà không thể nào ngủ được. Hễ nhắm mắt ông lại thấy những cảnh đâm chém nhau diễn ra. Chỉ toàn là cảnh người Chiêm chém giết người Chiêm! Nhiều lần ông thấy cảnh Chế Mỗ bị chém đầu! Mỗi lần như vậy ông lại phải mở bừng mắt ra. Thao thức một hồi ông lại cố nhắm mắt ngủ tiếp. Nhưng những cuộc đâm chém nhau vẫn không rời khỏi đầu óc ông. Tới khi thấy cảnh một tên lính đưa cao ngọn đao và một cậu bé khôi ngô tuấn tú hiên ngang ngẩng đầu chờ chết, ông đã hét lớn: “Không thể được!Ta phải cứu cậu bé này!”
Cậu bé trong giấc mộng mà Du Đà nói đó chính là Na Tác Nhĩ, em cùng cha khác mẹ với vua Chế A Nan. Du Đà là người thân cận với vua Chế A Nan nên biết khá rõ về cậu bé. Na Tác Nhĩ ra đời đúng vào lúc thân phụ cậu là Thái thượng vương Hiệu mất. Một năm sau mẹ cậu cũng qua đời. Chế A Nan thương em nên cho người hết lòng chăm sóc, dạy dỗ cậu. Năm ấy Na Tác Nhĩ mới lên bảy tuổi nhưng to xác, khỏe mạnh trông như một trẻ lên mười. Cậu lại thông minh, siêng năng học hành, chịu khó tập luyện võ nghệ. Mới ngần ấy tuổi nhưng cậu đã rành việc cỡi ngựa bắn cung. Chế A Nan vẫn hay hãnh diện nói với mọi người: “Na Tác Nhĩ là con voi thần của nhà ta! Sau này cậu ấy sẽ là rường cột của đất nước Chiêm Thành đấy”.
Nếu cuộc tranh giành ngôi báu giữa ông anh rể và cậu em vợ không thể tránh được, Na Tác Nhĩ chắc sẽ trở thành mục tiêu thứ hai mà Trà Hòa Bố Để phải nhắm đến. Kế sách nhổ cỏ phải nhổ tận gốc vẫn là kế sách mà hầu hết những kẻ soán vị xưa nay đều áp dụng. Na Tác Nhĩ tuy còn bé, nhưng chắc hẳn Bố Để không thể bỏ quên cậu. Suy nghĩ như thế nên ngay hôm sau, Du Đà đã bí mật tìm cách đưa Na Tác Nhĩ trốn khỏi Đồ Bàn.
Từ ngày vua Chế A Nan trao quyền điều khiển việc nước cho hoàng tử Chế Mỗ, Tể tướng Bố Để vẫn thường thay mặt hoàng tử để sắp đặt mọi việc. Hôm ấy, Bố Để đã cho mời các chức sắc tôn giáo quan trọng, đồng thời chỉ thị các quan lớn nhỏ trong triều tề tựu tại sân trước nhà hội Vĩnh Xương để nghị sự. Quân sĩ được điều động bố trí canh giữ nghiêm ngặt tất cả các địa điểm trọng yếu tại kinh thành. Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, Tể tướng Trà Hòa Bố Để xuất hiện bước lên diễn đàn tuyên bố:
-Nước Chiêm Thành ta được gây dựng từ xưa, vẫn nổi tiếng là một nước anh hùng. Nhưng thời gian gần đây Chiêm Thành hay bị các nước láng giềng xa gần thay nhau đe dọa, lấn áp. Hết Chân Lạp tới Mông Cổ, hết Mông Cổ tới Đại Việt, dân ta phải luôn trực tiếp hoặc gián tiếp làm tôi mọi cho người ngoại chủng, cực nhục trăm bề. Chúng ta không thể sống trong tình trạng đen tối đó mãi. Khi còn sống, Tiên vương ta từng nuôi mộng phải làm sao để nước Chiêm mãi mãi về sau không còn lệ thuộc ai nữa! Nước Chiêm nhất định phải vùng lên, phải hùng mạnh, phải đủ sức chống trả mọi cuộc xâm lăng. Nhất là phải lấy lại cho được những phần đất cát mà Đại Việt đã lừa dối tiền nhân chúng ta để tước đoạt! Tiếc thay, Tiên vương chưa thực hiện được ý nguyện thì ngài đã qua đời! Trong thời gian trị vì, Tiên vương đã đem lại cảnh sống ấm no, thanh bình cho dân Chiêm ta. Bây giờ ngài mất rồi, liệu dân Chiêm ta còn được hưởng tiếp cảnh sống an lạc đó không? Khó lắm, nếu vị vua kế nghiệp không có đủ tài đức để trị dân, giữ nước như Tiên vương! Làm sao thực hiện cái ý nguyện mà Tiên vương là lấy lại phần đất Đại Việt đã cướp của nước ta? Các ngươi có muốn chúng ta phải tiếp tục thực hiện ý nguyện của Tiên vương không?
Hàng trăm cái miệng cùng hô vang:
-Phải thực hiện ý nguyện của Tiên vương! Phải thực hiện ý nguyện của Tiên vương!
Trà Hòa Bố Để dõng dạc hỏi tiếp:
-Tất cả mọi người đều muốn thực hiện ý nguyện của Tiên vương phải không?
Cử tọa lại đồng loạt hô vang:
-Phải thực hiện ý nguyện của Tiên vương! Phải thực hiện ý nguyện của Tiên vương!
Trà Hòa Bố Để lại tiếp tục:
-Muốn thực hiện ý nguyện của Tiên vương, nước Chiêm bắt buộc phải có một đấng chủ tể bản lãnh vượt người, đủ khả năng dẫn dắt toàn dân, làm sao cho người người đoàn kết một lòng, đi theo một đường, cùng hướng tới một mục đích, mới mong thành công được! Các ngươi đồng ý như thế không?
-Đồng ý! Đồng ý! Đồng ý!
Trong lúc mọi người đang hăng say hướng tâm trí tìm một nhân vật thượng đẳng có khả năng xoay chuyển thời thế thì Trà Hòa Bố Để đổi sang một giọng đầy xúc động:
-Đau đớn thay, trời không thương dân Chiêm! Tiên vương anh hùng như thế, ý chí siêu việt như thế mà trời không cho thọ để dẫn dắt dân tộc Chiêm tới nơi tới chốn như ý nguyện của ngài! Trời cũng chẳng cho ngài được một người con xứng đáng như ngài mong ước! Hoàng tử Chế Mỗ sinh ra chỉ biết ham chơi, không có một chút tài đức nào cả làm sao có thể nối chí Tiên vương? Khi còn sống, Tiên vương đã từng khổ sở than thở việc đó. Như thế có phải là lòng trời không thương nước Chiêm ta không? Trời hỡi trời! Sao trời nỡ làm thế? Bây giờ dân Chiêm chúng tôi phải làm sao để thực hiện ý nguyện của Tiên vương, để tự cứu lấy mình?
Thế rồi Bố Để ôm mặt khóc nức nở. Tiếng khóc của Bố Để như truyền cả nỗi uất hận, tủi nhục của những kẻ bị ức hiếp, chà đạp vào lòng mọi người. Chỉ một lát sau tiếng sụt sịt đã lan ra khắp nơi. Đột nhiên có ba vị quan cùng tiến lại gần Bố Để rồi sụp quì xuống. Một vị có vẻ lớn tuổi nhất trong số đó hướng về Bố Để nói với giọng nghẹn ngào:
-Tôi là Chế Hồng Phúc xin có một lời thưa với Tể tướng: Nay Tiên vương đã khuất núi, vận nước có thể đổi thay. Hoàng tử Chế Mỗ là người ít tài, khó giữ được kỷ cương như trước. Chiêm Thành đang cần có một đấng minh quân để đưa đất nước tiến lên. Trong triều hiện nay chỉ có Tể tướng là người có khả năng tạm quyền việc ấy! Tể tướng là rể của Tiên vương thì cũng như con Tiên vương thôi. Vì đại sự quốc gia, chúng tôi thỉnh cầu Tể tướng hãy lên ngôi chủ tể nước Chiêm để giữ cho nước Chiêm khỏi bị suy yếu, khỏi sa vào cảnh lệ thuộc nước ngoài. Được như vậy thì may phước cho dân Chiêm lắm!
Hai vị quan kia cũng nói:
-Chúng tôi cũng một ý như lão tham mưu Chế Hồng Phúc! Xin Tể tướng nhận lời cho!
Rồi không đợi Trà Hòa Bố Để trả lời, lão quan Chế Hồng Phúc quay lại phía cử tọa hỏi lớn:
-Quí vị có đồng ý tôn phò mã Trà Hòa Bố Để lên ngôi vua không?
Mọi người đều quì xuống một lượt chắp tay hướng về Trà Hòa Bố Để vừa xá vừa tung hô:
-Trà Hòa đại vương vạn tuế! Trà Hòa đại vương vạn tuế!
Tể tướng Trà Hòa Bố Để hơi mất tự nhiên giây lát rồi với nụ cười rạng rỡ, ông khoát tay ra hiệu cho mọi người:
-Thôi, các ngươi bình thân đi! Ta thật lòng chẳng ham địa vị chủ tể nước Chiêm, nhưng các ngươi đã thương quí ta, tin tưởng ta, ủng hộ ta ngồi vào địa vị ấy, ta phải gắng nghe theo chứ biết làm sao bây giờ! Trước các chức sắc tôn giáo, các quan lại của triều đình đại diện cho quốc dân Chiêm Thành, ta trân trọng tuyên thệ: kể từ giờ phút này phải tìm mọi cách để đưa nước Chiêm tới chỗ hùng cường, giàu có, thoát khỏi mọi sự chèn ép của các lân bang, sau đó sẽ tiến tới việc thu hồi lại những phần đất cát của tổ tiên đã bị các lân bang chiếm đoạt! Ta kêu gọi các chức sắc tôn giáo, các quan lại và toàn dân Chiêm phải triệt để kề vai sát cánh ủng hộ ta, giúp đỡ ta, như vậy ta mới có thể sớm thực hiện được những nguyện vọng ấy!
Đến đây lão quan Chế Hồng Phúc lại hô lớn:
-Tân vương vạn tuế! Chúng tôi nguyện một lòng ủng hộ ngài. Trời đất thánh thần cũng sẽ phò trợ, giúp đỡ ngài chu toàn sứ mệnh!
Toàn thể cử tọa đồng loạt hô theo:
-Tân vương vạn tuế! Chúng tôi nguyện một lòng ủng hộ ngài. Trời đất thánh thần cũng sẽ phò trợ, giúp đỡ ngài chu toàn sứ mệnh!
Thế rồi hôm sau Tể tướng Trà Hòa Bố Để chính thức làm lễ lên ngôi vua Chiêm Thành.

Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 3