ĐỨA CON TRONG TÙ

Kim Chi

Trời hiu hiu lạnh. Cái lạnh của đất trời vào Thu thật êm dịu và dể thương. Nó khe khẻ vuốt ve, an ủi những cây trơ cành đang héo hắt thương nhớ lá xanh. Nó len lỏi vào những đám mây, dang rộng đôi cánh xám để chắn bớt cái nóng bức của mặt trời. Nó nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh bờ hồ, hòa nhịp thở với rừng thông già nua, ngắm nhìn nhân gian đầy sắc thái…

Trong nhà, lò sưởi củi không còn cô đơn và lạnh lẽo nữa. Nó ngốn nghiến củi khô, cháy ngùn ngục vì bị bỏ đói khát cả năm…Tôi thêm vào lò sưởi những lá thông nâu vàng nhặt ở sau vườn, thêm ít vỏ cam đã phơi khô quắt quéo. Tiếng reo lách tách của củi cháy, mùi thơm của vỏ cam, của lá thông khô, lửa hồng từng ngọn ẻo lã múa nhịp bập bùng làm tôi rưng rưng nước mắt, bồi hồi nhớ lại những ngọn lửa thuở xa xưa…

*

Khi miền Nam VN rơi vào tay chính quyền CS năm 1975, tôi là một thiếu nữ tuổi tròn mười sáu. Sau ngày 30/4/75 chỉ có vài ngày, ba tôi sai tôi ôm chồng báo Paris March của ba ra sau vườn đổ đống. Những báo này ba đã đặt mua hằng tháng từ Pháp. Có nhiều quyển trong đây đã đăng hình ba tôi, ít hình ba cùng bạn bè tốt nghiệp khóa học Quốc gia Hành chánh được chính quyền Pháp tổ chức. Cũng có ít hình ba tôi cầm cây súng săn, tươi cười đứng cạnh những con voi, con cọp đã bị gục ngã, chung quanh có vài người Pháp cũng vác súng như ba, dăm ba người miền Thượng du mặc quần đùi, ở trần trùng trục, đang reo hò vui vẻ. Ba tôi quý những quyển báo này lắm. Dọn nhà từ SG ra Quãng Trị, vào lại trong Nam, đi đến miền Tây, ngược về miền Đông… nó đều được đóng thùng cẩn thận, na theo gót giày của ba. Ấy thế mà hôm ấy, ông quyết định thiêu hủy chúng cả! Đã hết đâu, ông còn vào hầm sách của gia đình, đem ra những tờ “nhạc vàng” chất cao ngang ngửa với đống magazines. Trong đó, có một quyển nhạc đóng bìa dày mà má tôi cũng như tôi rất quý, bên trong có hằng trăm bài nhạc xưa thật là xưa… Má tôi thỉnh thoảng trémolo cây đàn bandjo dòn tan rồi ngân nga hát những bài hát trong ấy thật say sưa, thánh thót…

Ba tôi bật diêm quẹt, lẳng lặng châm vào. Lần đầu tiên trong đời, tôi được  mồi lửa bằng cả trăm… sách báo quý! Quay qua liếc ba tôi thật giận dỗi, tôi bỗng nhận ra nét mặt của người cha quen ăn to nói lớn kia đang đăm đăm ngắm ngọn lửa phừng lên với nổi u uẩn mà tôi hầu như chưa bao giờ thấy… Ngọn lửa càng cao, lòng tôi càng chùng xuống. Người đàn ông bại trận và cô thiếu nữ đầy ắp mộng mơ cùng khơi ngọn lửa hồng, trầm ngâm nhìn khói tro như cái tương lai đang cháy rụi rồi biến theo những cơn gió, cùng lặng lẽ ôm nỗi thống khổ của riêng mình…

**

Khi ba đã đi cải tạo, các chị lớn của tôi đều đi vượt biên từ từ sau đó. Tôi bị kẹt lại ở Saigon, “gồng mình” mà nghe theo lời… Đảng “dạy”, cố “đạt thành tích” để ba mình được sớm về nhà! Mà, dù các thành tích của tôi có nở trăm hoa đi chăng nữa, ba tôi vẫn cứ học mãi, học hoài, học miệt mài trong cái nhà trường đầy rào kẻm gai quấn xung quanh…

Cuối cùng, năm 1981, tôi nối bước các chị tôi, các bà con dòng họ, các đồng bào miền Nam VN của tôi để trở thành một người vong quốc… Tôi tìm được một người chủ tàu với nhiều kinh nghiệm đi biển và lương thực đầy đủ cho khoảng một trăm thuyền nhân có thể sống trên biển một tháng. Gần đến ngày đi, Khải, người bạn thân, người đã giới thiệu ông chủ tàu cho tôi, đã cùng mẹ của anh cầu xin tôi một chuyện: họ khẩn khoản xin tôi dẫn đứa cháu trai của họ đi theo tôi và nuôi nấng nó sau này…


Thằng bé lúc ấy đã lên chín tuổi. Tên cháu là Chương. Da cháu rất trắng, mà là một màu trắng xanh xao. Cháu hơi nhỏ con so với những trẻ em trạc tuổi của cháu. Cặp mắt một mí y hệt trẻ con Nhật Bản, lúc nào cũng dán chặt vào tôi, chờ đợi tôi nhìn lại. Khi tôi quay qua nhìn Chương, cháu nhoẻn miệng cười ngay tức khắc, khuôn mặt thật rạng rở. Con mắt nhỏ xíu đen nhánh long lanh, cái má lún sâu hai đồng tiền thật dể thương.

Lần đầu tiên khi tôi gặp Chương, tôi không bao giờ quên được. Bà nội Chương bảo cháu vào trong mang trà ra mời tôi! Tôi đã có hơi ngạc nhiên rồi vì cháu là con trai, lại ốm yếu nhỏ bé, sao cháu biết pha trà và bưng trà nóng cho khách được?! Độ chừng năm phút thôi, cháu bưng ra một mâm. Trên mâm đựng ba tách, ba đĩa. Cháu vừa đặt mâm tách đĩa xuống, tôi chợt nhìn thấy một vết thương trên cánh tay cháu. Vết thương không băng bó, để lộ thịt hay … mở … trắng hếu, máu đỏ khô đóng chung quanh…

Khi thấy vết thương của cháu, tôi thảng thốt kêu lên, xót xa hỏi thăm. Cháu bảo, cháu bị phỏng ở nhà bố và dì ghẻ của cháu. Vết phỏng rất sâu và to..  Tôi không dám hỏi thêm nữa, khi nhìn thấy bà nội Chương sa sầm mặt xuống. Sau đó, cháu lại bưng ra một mâm khác, trên có đặt cái ấm trà rất nóng. Tôi đã liên tưởng ngay tức khắc, chắc vì cháu nấu nước trà như hôm nay, chắc cháu phải nhóm lửa, chắc cháu đã lỡ đổ nước sôi lên cánh tay nên bị phỏng đến thế…Tôi nâng tách trà lên uống mà quặn thắt cả lòng. Chương mới chín tuổi đầu mà đã giỏi hơn tôi, một thiếu nữ hai mươi hai tuổi!

Trước và sau năm 1975, má tôi vẫn nhất định không cho tôi cũng như các chị em gái chúng tôi vào bếp núc nấu ăn vì sợ chúng tôi bị phỏng như em trai út của tôi.Trọng, em trai của tôi, bị phỏng trên má, vai và cánh tay rất nặng, nằm bệnh viện cả ba tháng trời. Sau khi bình phục, vết phỏng đã để lại những sẹo lồi. Ba má tôi phải cho em đi BS thẩm mỹ người Phi Luật Tân nhiều lần, mặt của em mới trở lại 95% nguyên thủy! Tội nghiệp má tôi, như gia đình người ta, có bốn cô con gái lớn thế này, chắc chỉ ngồi không mà chờ cơm ăn thôi. Ngược lại, chị vú và má tôi phải nấu cho các “quý nương” ăn. Tôi thỉnh thoảng chỉ phụ nấu… cơm trắng! Và, tôi nấu bằng…  nồi cơm điện National của Nhật!

Sau 1975, gia đình tôi không còn chị vú trong nhà nữa, cũng không nấu ăn bằng bếp gas được nữa. Giống nhiều gia đình khác, má tôi bày thêm một bếp than, củi, và một bếp dầu hôi. Lúc ấy, cúp điện, cúp nước liên miên. Chúng tôi bắt đầu nấu cơm bằng dầu hôi thường xuyên hơn nồi cơm điện National. Còn bếp than củi thì sau khi má tôi nhóm lửa lên, tôi thỉnh thoảng chỉ châm thêm củi than vào mà thôi, chứ tôi không biết nhóm lửa! (Mà má tôi cũng không muốn tôi làm việc này…)

Sau hôm ấy, tôi cố gặng hỏi Khải về hoàn cảnh Chương, tại sao lại muốn tôi dẫn cháu đi theo? Tại sao cháu bị phỏng đến như thế…


… Chương là con của anh Luyến, người anh Cả trong nhà. Anh Luyến học rất giỏi, đậu Tú Tài với hạng tối ưu, được học bỗng nhiều nước, mà gia đình quá thương con nên không cho đi du học, sợ không ai lo lắng bên ngoại quốc!

Anh Luyến chẳng những học giỏi, mà anh còn đẹp trai, lại con nhà giàu. Anh lái xe bóng loáng đi học đại học, đi dạy piano cho tư gia, rất hào hoa phong nhã. Nhưng thật trớ trêu, anh không thương yêu các cô bạn học xinh đẹp trong đại học đang vây quanh anh. Mà anh cũng không để ý chi đến các cô học trò piano nhỏ bé, yêu kiều mà anh gặp hằng tuần. Anh lại đi yêu một người đàn bà đang có… chồng con, lớn hơn anh khoảng… mười lăm tuổi!

Bà Sang lúc ấy trên dưới bốn mươi tuổi. Bà đẹp rực rỡ như tài tử điện ảnh! Chồng của bà là người Pháp, chủ của một con tàu lớn, chuyên chở hàng hoá từ Việt Nam qua Pháp và ngược lại. Tuy bà rất đẹp, rất giàu có, nhưng cả nhà không thể nào chấp nhận mối tình này. Thế là anh và bà Sang phải lén lút gặp nhau. Ông Tây kia thường phải theo tàu về Pháp. Mỗi chuyến đi của ông ta kéo dài hai, ba tháng. Những lúc ông Tây về Pháp, anh Luyến hầu như không về nhà. Anh đi thâu đêm, suốt sáng, mặc gia đình cản ngăn, khuyên lơn, la rầy, mắng nhiếc… Anh đến ở với bà Sang chớ không đâu xa lạ.

Gia đình của anh bèn nghĩ ra cách để anh Luyến phải xa bà Sang này: Cưới vợ cho anh!

Mẹ của anh bèn nhờ một bà mai tìm giùm một cô gái nào mà phải có đủ bốn cái nết công, dung, ngôn, hạnh … để giới thiệu cho anh Luyến. Hay thật! Bà mai đã tìm được một cô gái trẻ đẹp, con nhà gia giáo, làm bánh trái, bếp núc, may vá thêu thùa rất khéo. Gương mặt chị lại rất xinh xắn.

Chị Vân đẹp như những cô gái Nhật trên lịch… Mắt một mí, cằm nhọn, mũi cao thanh gọn, trông chị Vân rất mặn mà xinh đẹp. Cả nhà thật vui và yêu quý chị ngay tức khắc. Anh Luyến cũng chẳng thấy chống đối gì cho lắm, nên cả nhà càng mừng hơn, hy vọng anh Luyến sẽ rời bỏ bà Sang.

Thế là mẹ của cháu Chương được gia đình trầu cau rước về. Anh Luyến chỉ phản đối lấy lệ, gia đình rất ngạc nhiên. Đâu biết anh chỉ làm cho ba mẹ anh vui lúc đó thôi. Anh không muốn cải nhau với cả gia đình. Anh… bận rộn lắm, mà anh cũng đâu đoái hoài gì đến người vợ xấu số này. Vậy chống lại gia đình làm gì?…

Ở trong nhà chỉ một thời gian ngắn thôi, chị Vân đã lấy lòng hết tất cả mọi người trong nhà. Chị dậy từ hừng đông để pha trà cho cha mẹ chồng. Xong, chị giặt đồ cho cả nhà, phơi phóng. Rồi chị đi mua đồ ăn sáng cho tất cả mọi người trong nhà. Nhà đông người, mà chị lo cho mọi người trước khi đi học, đi làm, ăn uống đàng hoàng no nê, mỗi người một món khác nhau, rồi mới đi chợ. Những món ăn chị nấu, chị đã học thật bài bản, rất công phu và ngon miệng. Chị đầu tắt mặt tối. Đến khuya, chị lại ngồi may, vá, mạng quần áo cho cả nhà. Anh Luyến đi chơi chưa về, chị ngồi chờ để mở cửa cho anh. Chị đã thường xuyên ngủ gục trên cái ghế sofa gần cửa cả đêm… Không thể tìm đâu ra một người dâu nào hơn chị được.

Đâu có ai ngờ, sau ngày cưới chị, anh Luyến không hề… gần chị! Anh vẫn đi ra ngoài với bà Sang, mà còn đi luôn đến hai, ba ngày là chuyện thường. Chỉ khi nào ông chồng Tây của bà Sang theo tàu trở về lại Sài Gòn thì anh Luyến mới ít vắng nhà hơn. Khi nào anh ở nhà, anh Luyến thường say sưa, mắng chửi chị Vân thậm tệ mà chị chỉ biết khóc thôi! Dù cả nhà cản ngăn, khuyên lơn anh Luyến, anh vẫn không thay đổi!

Vài tháng sau ngày cưới, chị Vân có thai! Không biết hư thực ra sao, anh Luyến nổi giận lôi đình lên! Anh cứ nhất định anh… chưa  hề gần chị! Anh bắt chị uống … nước mắm sống, uống thuốc Bắc để lấy cái thai ra! Cái thai vẫn … lì lợm, càng ngày càng lớn hơn như nước mắt đầy uất ức của chị Vân càng ngày càng đổ nhiều hơn.  Có lần, anh bỗng dưng đạp chị Vân té lăn lông lốc xuống thang lầu khi thai đã sáu, bảy tháng. Vậy mà cháu Chương mạng lớn, cháu không hề bị gì cả. Chị Vân hốc hác, xanh xao bao nhiêu thì anh Luyến lại phong độ, đẹp trai, lịch lãm bấy nhiêu… Lúc ấy anh đã lấy bằng Kỹ Sư, nhưng anh không đi làm ở đâu cả! Anh đâu cần làm việc, vì bà Sang cho anh rất nhiều tiền! Bà Sang còn mua tặng cho từng người trong nhà những nhẫn hột xoàn, lớn nhỏ đủ kiểu, nên không ai dám…  nói nặng gì bà!!..

Cái thai trong bụng chị Vân cũng lớn dần theo những nỗi uất hận, tủi nhục, đớn đau của chị. Và các món quà của bà Sang cũng càng ngày … càng nhiều hơn, to hơn… như tranh đua với cái bào thai…

Chị sanh cháu trong nhà thương một mình. Tự chị thui-thủi đi xích lô vào nhà thương, tự chị bế cháu về nhà lầm lũi…

Mẹ ruột của chị Vân có đến thăm con và cháu ngoại! Bà phẩn uất nhìn đứa con gái xinh đẹp, ngoan hiền của mình ngày nào, giờ đây hốc hác, đau khổ, ôm mối tủi nhục mà không sao giải bày…

Khi Chương được hai tháng tuổi, bà ngoại của Chương cho người sang bên nội nhắn và xin rước chị Vân về nhà làm giỗ lớn. Bà không quên dặn chị Vân để cháu lại cho bà nội trông giùm một hai ngày thôi.

Chị Vân gửi Chương lại cho bà nội để về nhà mình phụ giúp việc giỗ quảy. Chị xin phép được đi hai ngày.

Không có ai ngờ, mẹ của chị Vân sau khi thăm con mình về, nhìn con gái mình đau khổ và xanh xao, bà đã lên một kế hoạch rất lớn.

Chị Vân vừa về tới nhà, bà dẫn chị vào một phòng ngũ có nhà tắm và cầu tiêu. Rồi, bà … khoá trái cửa lại. Bà nhốt chị Vân trong ấy như nhốt tù, mỗi ngày cơm nước, không cho chị ra ngoài.

Bà nội Chương chờ hoài không thấy chị Vân về, bèn sang hỏi thăm để rước chị. Bà đã năn nỉ hết sức mà mẹ ruột của chị Vân vẫn lạnh như tiền, vẫn nhất quyết muốn giữ chị Vân lại.  Bà yêu cầu từ đấy về sau không ai được đến nhà bà nữa. Bà không muốn có sự liên hệ nào nữa hết. Ngay cả Chương, thằng cháu ngoại máu mủ ruột thịt của bà. Bà nói, bà xem như anh Luyến đã … đạp chết nó lâu rồi!!..

Chị Vân hận chồng chỉ một. Mẹ của chị Vân hận anh Luyến và bên sui gia đến mười..

Sau khi bị nhốt, chị Vân khóc lóc thảm thiết xin được ra vì nhớ con. Chị đòi tự tử nên mẹ của chị doạ bà sẽ tự tử chết theo nếu chị có việc gì. Nhưng trước khi bà chết, bà sẽ cho người sang bên sui gia… phóng hoả cả nhà, nên chị lại thôi! Chị biết mẹ của chị là người dám nói dám làm.

Nhốt chị khoảng một tháng, mẹ chị Vân mua vé máy bay bắt chị đi Montreal ở với một người dì… Sau đó, không có thêm tin tức gì nữa vì hai bên gia đình không ai liên lạc với ai cả…

Thế là Chương lớn lên không có mẹ, cũng không có họ ngoại. Cháu sống với bố, mà bố cũng không thương yêu cháu. Anh la mắng cháu thường xuyên, xem cháu như một cái gai.

Đến tháng 10/ 1977, bà Sang cùng ông chồng Tây và mấy đứa con phải rời Việt Nam vĩnh viển. Anh Luyến rất đau khổ. Sau vài năm, anh Luyến cũng nguôi ngoai. Anh cưới vợ khác, dọn về Thủ Đức ở. Và Chương lại có thêm hai em. Chương giỏi việc nhà từ đó! Chương biết ẵm em, cho em bú, tắm em từ lúc sáu, bảy tuổi. Và sau đó, Chương cũng biết nhóm củi nấu cơm, giặt đồ, lau dọn nhà cửa rất thành thạo để giúp mẹ kế…


… Sau khi nghe Khang kể chuyện của gia đình, tôi bàng hoàng cả người. Tôi thương thằng bé mắt một mí này quá. Nó thật cô đơn và bất hạnh, có khác chi trẻ em mồ côi? Bửa cơm gia đình sau đó, tôi vui vẻ trả lời đồng ý sẽ dẫn cháu Chương theo tôi chuyến vượt biên sắp xuất phát vài tuần nữa. Tôi chỉ hơi ngần ngại, không biết ý kiến của bố mẹ cháu thế nào. Bà nội Chương bảo, Bố Chương rất vui nếu Chương sống ở ngoại quốc với tôi, được gia đình chị em tôi săn sóc và dạy dổ. Còn mẹ của Chương, không ai có tin tức của bà cả! Chương hầu như chưa bao giờ thấy mặt của mẹ mình bao giờ…

Những ngày cuối, cháu được bà nội đón về nhà chơi thường xuyên. Tôi cũng đến nhà Khải thường hơn để nghe ngóng tin tức của chuyến đi, và cũng để thăm nó. Nó ngoan lắm, gọi tôi là cô. Tay chân của nó lúc nào cũng đầy vết trầy, phỏng, xước sẹo. Mỗi lần gặp nó là thêm một cái thẹo phỏng mới, hay tay chân bị chảy máu, trầy, xước, đứt… Tôi thường rửa vết thương cho nó, rồi băng lại sạch sẽ. Ngược lại, nó là người chỉ cho tôi cách nhóm lửa bằng củi chẻ nhỏ! Nó chẻ củi rất thành thạo. Nhìn nó phùng mang phùng má thổi cho có lửa lên, nhìn nó nấu một nồi cơm cả chục miệng ăn, tay chân mặt mày dính đầy lọ nghẹ, rồi khệ nệ nhắc nồi cơm xuống bếp, lăng xăng xới cơm, hầu hạ cho từng người trong nhà ăn mà rớt nước mắt…

Anh Luyến đưa cháu đến ở với tôi trước ngày đi xuống Cần Thơ. Anh cám ơn tôi rối rít, rồi cũng dặn dò cháu phải nghe lời tôi sau này, rồi cũng rơm-rớm nước mắt ra về.

Chương rất vui, nói chuyện huyên thuyên, giúp tôi rất nhiều trên đường xuống Cần Thơ. Đến nhà người quen của chủ tàu chỉ định, tôi bắt nó ăn cơm thật no. Xong, mặc chồng hai bộ đồ vào nhau, rồi đi ngủ sớm vì ghe nhỏ sẽ đón chúng tôi lúc ba giờ sáng. Nó ngoan quá sức ngoan, không hề làm một việc gì trái ý tôi cả.

Tôi không ngủ được suốt đêm vì nhà lạ, vì lo lắng. Tôi mặc hai bộ đồ chồng lên nhau như Chương. Kinh nghiệm cho tôi thấy, càng không vướng bận tay càng dễ… chạy. Tôi xách một giỏ đệm bằng lát, đựng thêm ít quần áo và vật dụng cá nhân cho tôi với Chương. Thuốc men tôi đem theo hơi nhiều, thuốc trụ sinh, thuốc giảm đau, thuốc bổ…Trên chiếc ghe nhỏ ngoài tôi và Chương ra, còn có chị Hoa, chị họ của Khải. Chị bế đứa con ba tháng tuổi. Có một chị bạn của chị Hoa, chị Tâm, cũng dẫn theo thằng con trai sáu tuổi. Ngoài ra còn có vài người đàn ông con trai, nhìn là biết dân SG rồi! Ai ai cũng lo lắng, sợ sệt, không ai nói với nhau lấy một câu. Chương cũng thế. Nó ngồi im lặng nhìn mọi người. Nó biết rõ là đi vượt biên. Tôi không giấu nó.

Ghe chèo một đoạn lâu, ra tới sông lớn mới chạy bằng máy. Tiếng xình xịch trong đêm khuya sao lớn quá. Tôi ngồi mà nóng như hơ, linh tính tôi cho thấy có chuyện không lành sắp xảy ra.

Trời gần sáng. Tôi đoán lúc ấy gần 5 giờ. Con sông mở rộng ra hơn nhiều. Người chủ ghe nói rằng sắp tới tàu lớn rồi. Tôi cố mở to mắt ra quan sát hai bên bờ sông và nghe ngóng. Tim tôi càng lúc càng đập nhanh hơn…

Bỗng dưng, tôi nghe nhiều tiếng súng nổ chát chúa sát bên tai tôi, rất lớn. Rồi tiếng công an la hét um sùm bắt chúng tôi cặp thuyền vô bờ.

Lòng tôi tan nát, tim tôi nhói đau thật là đau… Phản xạ đầu tiên, tôi nhìn quanh xem tôi có thể nào nhảy … xuống sông không! Tôi biết bơi chút ít. Biết thả ngữa. Biết lăn. Chiếc ghe đang ở một cua quẹo của con sông lớn. Tôi nghĩ tôi có thể nhẹ nhàng leo ra khỏi ghe, bám và nấp theo mạn chiếc ghe cho đến khi gần đến bờ thì tôi sẽ lặn sâu xuống và trốn trong các bụi cây xung quanh, trước cái cua quẹo đấy. Tuy tôi chưa bơi sông hồ bao giờ cả, nhưng không biết động lực nào khiến  tôi thành một người liều lĩnh đến như thế! Tôi chợt nhìn lại Chương, nó đang mở to đôi mắt vì sợ hãi, nhìn chị Hoa và chị Tâm luống cuống vất thuốc men xuống sông ( như để chạy tội mình đi vượt biên! ), rồi quay qua buồn bã nhìn tôi, chờ xem tôi sẽ làm gì…

Tôi đâu thể bỏ Chương lại được. Tôi đã hứa với bà nội của Khang rồi. Ngay cả không vì lời hứa ấy, tôi cũng đâu thể bỏ một thằng bé quá dễ thương và tội nghiệp này lại cho đám hùm dữ kia được. Nó đã quá khổ rồi. Thà chúng tôi ở tù chung với nhau…

Tôi chợt nghĩ ra ngay một chuyện. Tôi phải khai thế nào với CA đây?! Muốn Chương cùng chung trại tù với tôi thì nó phải ghép vào chung một hồ sơ.

Tôi nhìn Chương, và bảo cháu:

  • Bắt đầu từ bây giờ, con đừng kêu cô là cô nữa nhé. Con sẽ gọi cô là Mẹ. Mẹ con tên… Diệu. Bố con tên … Hai, Trần thị Diệu và Nguyễn văn Hai. Con nhớ chưa?
  • Dạ…Mẹ..e.. ! Dạ con nhớ!..Dạ Mẹ.ẹ..! Mẹ tên là Diệu, bố tên Hai… ạ!..

Tôi dạy tiếp:

  • Con …bảy tuổi, chứ không phải chín tuổi nhá. Tên con vẫn là Chương, Nguyễn văn Chương nghe chưa! Con học lớp hai trường tiểu học Châu Thành! Con nhớ chưa…
  • Dạ mẹ.. ẹ! Con bảy tuổi thôi! Dạ mẹ…! Con học lớp Hai thôi! Dạ mẹ…

  • Nhà con ở Thủ Đức, mẹ bán .. chè, bố là thợ sửa xe gắn máy nghe con!

  • Dạ! Con nghe, me..ẹ…! Mẹ bán chè, còn bố là thợ sửa xe… Dạ mẹ..ẹ..!

  • Nếu cán bộ còn hỏi gì nữa thì nói “dạ con không biết” . Con nhớ chưa?

  • Dạ con nhớ! Dạ mẹ..ẹ…!

  • Vừa dạy đến đó là ghe cũng vừa tấp vào bờ sông. Mấy tên công an cầm súng lăm lăm đứng vòng quanh những người bị bắt đang ngồi chồm hổm ở giữa. Họ đi trên những chiếc ghe nhỏ khác (mà thời ấy người ta gọi là “taxi”). Tất cả đàn ông, đàn bà và con nít độ năm, sáu chục người. Người nào cũng có một “hoá trang” giống nhau: quần áo cũ kỹ, nón lá rách nát, nhưng nhìn mặt mày thật là .. trắng trẻo, sáng sủa . Ai ai cũng có chung một nét mặt lo âu, sợ hãi, tuyệt vọng… Chúng tôi hỏi nhỏ nhau xem có ai biết chuyện gì đã xảy ra không? Tôi thấy ông chủ tàu cũng bị bắt ngồi cách tôi khoảng hai chục người. Vì không được phép di chuyển. Nên tôi đành lắng nghe những người ngồi gần nói chuyện nho nhỏ, bàn tán với nhau. Chúng tôi bị bắt vì chính cháu của ông chủ tàu tố cáo ông tổ chức. Người cháu ác nhân này thù ông đã không cho anh ta đi nên mới tố cáo..

    Tôi bâng quơ vừa cho Chương… thực tập, vừa dạy Chương:

    • Chương, con có mệt không? Con có nhớ bố không? Bố giờ này chắc chuẩn bị sửa xe cho người ta rồi. Các ông cán bộ đây không thích nói tầm bậy đâu nha con, cái gì mẹ dạy biết thì nói, cái gì mẹ chưa dạy con thì con phải nói “Dạ con không biết” là cán bộ .. thương nghe chưa con?! Giỏi nhé con…

    Trong thời gian ngồi chờ hỏi cung, chỉ cần nửa giờ thôi, tôi đã tập Chương thật nhuần nhuyễn. Tôi giả bộ là cán bộ công an, hỏi Chương nhiều câu ngoại lệ. Nó trả lời liền tức khắc: “Dạ thưa cán bộ con không biết.”.

    Sau vài giờ mỏi mệt ngồi ngoài nắng, tra hỏi sơ sài, họ mới chở chúng tôi đến nơi giam cầm thật sự. Té ra tôi đã quá cẩn thận thôi! Mấy tên CA này  chỉ muốn lấy vàng, lấy tiền là chánh yếu, nên sau khi lục soát giỏ, soát người lấy sạch tiền, chúng nó chỉ ghi tên tuổi, địa chỉ qua loa thôi. Tôi khai tôi… hai mươi sáu tuổi. Chương bảy tuổi, tức là tôi sanh nó khi tôi mười chín tuổi. Rất hợp lý!

    (Nếu tôi không khai gian thì tôi 22 tuổi, con tôi 9 tuổi. Vậy tôi sanh nó lúc tôi mới.. 13 tuổi thôi ! )

    Khi lên xe cam nhông, họ đã chia nam riêng, nữ riêng. Tôi nhìn thấy ít cặp vợ chồng đi chung nhau, mắt đỏ hoe… Khi phải tách riêng ra, họ cố gắng  thầm thì, dặn dò những chuyện cần thiết. Có đứa trẻ phải đi theo mẹ, mà bố nó thì tách ra riêng, nó khóc thét lên, giãy giụa đành đạch, đòi theo bố nó. Tên cán bộ bước đến. Không cần mất thì giờ.. Chát! Hắn giơ tay tát thẳng vào mặt đứa nhỏ! Thật là… hiệu quả ! Mọi người xanh mặt, im phăng phắc, và đứa nhỏ… điếng người,  lặng ngắt ngay tức khắc !!..

    Xe đàn bà chúng tôi có hai chiếc cam nhông. Trên đường đi tôi im lặng quan sát, cố gắng ghi nhớ chung quanh. Khi đến nơi, tôi cũng ngắm nhìn thật kỹ địa thế! Ôi thôi! Thật buồn… Chung quanh nhà tù là những con kinh đào không sâu lắm, nhưng lại cắm toàn là chông gai nhọn hoắc, nhìn là rỡn cả óc! Chưa hết, chó rất nhiều. Toàn là giống chó Đức to lớn. Chúng đón chào chúng tôi bằng một dàn hợp ca .. Ấu Ấu, Gâu Gâu thật là náo nhiệt. Chúng khịt khịt cái mũi, rồi gầm gừ nhe răng nhọn hoắt, trắng hếu. Cái lười thè lè nhiễu nhão nước miếng, chúng lăng xăng đi qua đi lại… cho tôi thấy đây là loại chó hung ác chứ không như con chó Nhật Mino dễ thương ở nhà của tôi. Xa xa là các hàng rào cao, với bao nhiêu là lớp kẽm gai vòng quanh nhà tù… Tôi thót cả tim, thầm nhũ, thôi rồi cuộc đời của tôi, chắng biết sẽ ở đây bao lâu…

    Chở chúng tôi vào trại tù, họ không quên chở cả những nồi cơm trắng thật to, các nồi thịt kho thơm ngon nâu vàng óng ánh mở trắng béo ngậy mà vợ của ông chủ tàu nấu suốt ngày đêm để chúng tôi ăn khi lên tàu! Mấy bao bố củ sắn, mấy bao cam, quýt.., mấy bao kẹo bánh đầy rẫy… Không ai có lòng dạ đâu mà ăn… Nhưng tôi lại khác!Tôi biết tôi cần có sức khoẻ để “làm việc”. Tôi múc cho Chương và tôi ăn thật no. Tôi nghiêm mặt bảo Chương phải ăn ba chén cơm mới được ngưng. Nó ngoan ngoãn nghe lời, “dạ mẹ ” luôn mồm. Tôi nắm cả vốc kẹo bánh nhét vào giỏ, vào túi áo của tôi, cả túi áo, túi quần của Chương.

    Ăn xong, lại lấy cung. Lần này mới thật sự là lấy cung. Họ hỏi rất kỹ. Tên cán bộ ngồi viết lời khai của tôi giỏi lắm chỉ học đến lớp Ba trường làng! Hắn nắn nót cả dấu.. nặng một cách buồn cười… Tôi khai tôi tên Diệu, thì hắn viết “Dịu “… Ồ ! Hắn cũng biết viết .. hoa tên tôi! Không đến nỗi tệ…

    Hắn hỏi tôi làm nghề gì. Tôi trả lời như máy:

    • Thưa cán bộ, em bán chè ở Thủ Đức!

    Hắn nheo mắt nhìn tôi, lại hỏi tiếp:

    • Cô sanh năm nào?

    Tôi đã chuẩn bị chu đáo, nên tôi trả lời ngọt xớt (bán chè mà!):

    • Dạ cán bộ em sanh 1954! Dạ em… 26 tuổi…

    Hắn nheo nheo mắt nhìn tôi, im một chút rồi nói:

    • Có thiệt không …dzậy…?!..

    Chương ngồi bàn ” phỏng vấn” cách tôi một bàn. Tôi vừa trả lời những câu hỏi bên này, vừa cố lắng nghe “vấn đáp” bên Chương!…

    Khi hắn ta nói “Có thiệt không… ” tôi giật bắn người. Tôi bắt đầu tập trung vào những câu hỏi của hắn ta. Hắn hỏi thêm có ai đi chung, đem bao nhiêu tiền, vàng. Đóng bao nhiêu tiền hay vàng rồi…. Đóng cho ai…

    Tôi không khai thật vì ông chủ tàu sẽ bị CA khảo của nếu ai cũng khai đã đóng cho ông ba cây vàng. Cho nên tôi bịa là tôi chỉ có hứa khi qua đến nơi, tôi sẽ trả tiền cho gia đình ông, vì quen biết với con ông! Nói thật và nói láo không có gì khác cho tôi cả, mà chỉ tội vợ chồng ông thôi! Đây là chuyến tàu thứ nhì ông bà tổ chức. Chuyến trước, đi ra  đến hải phận quốc tế rồi, máy tàu tự dưng hư! Mọi người đành ngồi trên tàu, ăn dần dần các thức ăn trên tàu, và gió thổi tàu từ từ, từ từ…về lại…Việt Nam! Ông chủ tàu bị tù một năm mới vừa ra! Chuyến này chắc ông sẽ bị… lâu hơn! Tôi không đành khai sự thật!

    Họ cũng hỏi Chương rất nhiều câu hỏi “ngoài đề ” mà tôi chưa dạy nó. Nó thật thông minh, những câu hỏi hóc búa, nó đều bình tĩnh trả lời “Dạ con không biết” như tôi đã dạy nó!

    Có một điều làm tôi bắt đầu lo lắng là, tôi mới hai mươi hai tuổi, mà tôi khai tôi.. hai mươi sáu! Nhìn mặt tôi thật sự rất là.. sữa! Tên cán bộ hình như đã thấy được điều đó!  Còn Chương khai sụt đi hai tuổi, trông nó có nhỏ con đó, nhưng cái nhanh nhẹn của nó không thể thấy được ở đứa trẻ sáu, bảy tuổi. Thằng con sáu tuổi của chị Tâm ngồi đâu ngồi ệch đó, không biết gì cả! Tôi bắt đầu lo lắng và hối hận đã không kịp suy nghĩ kỹ.Tôi ước gì tôi sửa lại lời khai được…

    Họ cho chúng tôi ăn bên ngoài xong, mới bắt chúng tôi bước vào trong phòng giam. Vào bên trong, tôi mới biết còn có cả vài chục người đàn bà đã ở sẵn trong đó rồi! Họ bị tù nhiều tội danh, đi buôn lậu, đi trộm cướp, hay có thể… giết người, mà tôi không dám hỏi tới.

    Cả một cái phòng rộng bằng hai cái lớp học, nhốt độ 50, 60 người đàn bà và vài ba con nít, mà chỉ có một cửa sổ độc nhất hình chữ nhật 10 cm chiều đứng, chiều ngang độ 50 cm ! Ở góc phòng là hai cái lu có nắp đậy. Nơi ấy bốc ra mùi hôi thối, tanh, khai nồng nặc. Tôi biết ngay đấy là nơi đi vệ sinh của chung.

    Cái dễ sợ nhất là cái … cùm. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy, và lần đầu tiên tôi biết thế nào là bị cùm chân! Mỗi người chúng tôi phải xỏ một chân vào một cái khoen có khoá. Rồi cái khoen ấy lại xỏ vào một cây cọc gổ dài như ếch bị xỏ xâu. Chỉ bị xỏ có một chân thôi, khi nằm, nó cấn cổ chân đau lắm. Tôi bị cùm chân không bao lâu, đã có người cùng chung cái cọc dài này bảo chị ta cần đi tiểu. Thế là tất cả mọi người đứng lên, cà nhắc, cà nhắc đi để chị ta đến được cái lu, và chị ta ngồi tiểu trước mặt mọi người một cách… tự nhiên! Xong rồi mọi người lại cà nhắc trở về chỗ cũ. Trong phòng giam có bốn cái “xâu” người như thế. Suốt ngày, suốt đêm, hết người này tới người kia mắc tiểu, mọi người cứ đứng lên, nằm xuống, rồi đứng lên, nằm xuống.. Cổ chân của tôi bắt đầu đỏ lên vì cấn vào cọc cây và khoen sắt.

    Những người đàn bà bị bắt đi trong chuyến tàu của tôi đều xa lạ, ngoại trừ chị Hoa và chị Tâm. Hai chị cứ ngồi rấm rức khóc, không biết làm gì cả, chỉ khóc và lại… khóc! Người vui nhất trong phòng giam này là Chương! Lần đầu tiên trong đời, nó được nhiều người lớn sai bảo và thương nó. Có người nhờ nó múc nước cho uống. Có người nhờ nó… bóp chân, hay gãi lưng… Có người cần xức thuốc, nhờ nó  bôi  thuốc. Riêng chị Hoa thì cháu phụ thay tả em bé, cháu cầm quạt mo mượn một người trong phòng đứng quạt mát cho em bé suốt. Ai nấy cũng thương Chương lắm. Cháu biết lấy cảm tình mọi người, đến hỏi từng người có bớt đau chân chưa? Có cần cháu bóp chân nữa không… có cần cháu rót nước thêm không? Hình như nó rất hạnh phúc khi được sai bảo. Nhìn nó lăng xăng, vui vẻ giúp mọi người trong tù mà tôi đở buồn một chút ít…

    Đêm khuya, tôi bỗng dưng nghe tiếng khóc la văng vẳng, nghe tiếng gì như ai nện chày vào nền nhà, rồi tiếng đàn bà thét lên trong đêm khuya, có tiếng kêu “Má ơi cứu con” , tiếng rên hự-hự… Tôi biết ngay là họ đang tra tấn người nào đó. Thế là tôi ngồi bật dậy, bắt đầu gục mặt khóc rưng rức. Tôi khóc vì tôi sợ họ sẽ nghi tôi nói láo, và tưởng tượng tôi sẽ bị ăn đòn như thế.Tôi khóc vì đây là số vàng cuối cùng mà má tôi đã vét hết nhà cho tôi đi, cộng thêm chiếc xe Honda trong nhà đã bán mất rồi… Tôi cũng khóc vì tôi đã vỡ tan mộng ước. Tôi có thể sẽ chết nơi đây, hay tôi sẽ phải… tự vẫn vì nào ai biết được, bọn CA thất học, tàn ác kia sẽ làm gì tôi…

    Chương mon men đến ôm tay tôi, rưng rưng lệ theo tôi…

    Mấy người xung quanh tôi bu quanh an ủi và rất thương “mẹ trẻ, con ngoan” chúng tôi. Họ nói đã vào đây là khó ra lắm. Trại này nổi tiếng là hung dữ và độc ác.. Đêm nào cũng có người bị tra tấn như thế.. Suốt đêm đó, tôi không thể ngủ được. Chương hết xoa bóp chân cho tôi, lấy quần áo chêm vào cổ chân tôi cho đỡ đau, rồi lại đến xoa bóp chân tay các người khác, rồi lại cầm quạt mo quạt cho mọi người mát, rồi lại bế con của chị Hoa dỗ nó ngũ… Cháu thật là xốc vác. Và cháu cũng không ngũ được bao nhiêu dẫu cháu không bị còng chân.

    Trời vừa sáng, cả hai cái lu lại được mọi người “thăm viếng” nhiều hơn. Tôi cứ phải cà thọt lên một chút, rồi cà thọt xịt xuống một chút để người cần đi được ngồi vào đúng.. vị trí! Chương cũng bận rộn vô cùng, cháu lấy nước cho mọi người uống, có người còn nhờ cháu cầm lược chải.. chí nữa! Cái gì cháu cũng làm, cái gì cháu cũng biết, không ngờ cháu giỏi hơn tuổi quá nhiều. Tôi kêu Chương lại, bảo nó lấy bánh trong túi áo ra ăn sáng, rồi uống nước. Tôi thấy nó nhìn tôi rơm rớm nước mắt. Nó nói thật nhỏ:

    • Dạ, mẹ..ẹ..!

    Bỗng dưng, cửa phòng giam lạch cạch mở ra. Một tên CA trẻ độ chừng ba mươi tuổi, cầm một cây ba ton đứng ngay cái cửa quan sát chúng tôi. Ánh nắng theo cái cửa mở toang đó đã tràn vào trong phòng. Tôi nao nao lòng khi nhìn ra mây trời xanh bên ngoài ô cửa, cố hít sâu cái không khí trong lành đang len vào cái phòng tối tăm, hôi thối này. Lần đầu tiên, tôi hiểu giá trị thật sự cái chữ Tự Do! Nhìn hắn chống cây ba ton đứng ở cửa, trong phòng thì tối, cái cửa thì sáng chói chang, gương mặt của hắn lại thật hung ác, làm tôi liên tưởng đến Tử Thần đang cầm … lưỡi liềm đến rước người nào đi…

    Tất cả mọi người lật đật trở về chỗ cũ, không có lấy một tiếng động. Tôi biết ngay hắn là một tên cán bộ hóc búa đây.  Mọi người chào tên cán bộ như trả bài thuộc lòng :

    •  Dạ chào cán bộ…

    Tôi cũng lí nhí nói theo.

    Hắn đi qua, rồi đi lại, xấc xược nhìn chầm chập vào mặt từng người. Bỗng dưng, hắn quay đầu lại tìm dáo dác. Hắn ngừng lại ngay… Chương. Cây ba-ton được xỉ ngay trán của Chương, hắn quát to:

    • Ê! Thằng nhỏ! Mày tên gì mậy?

    Chương lấm lét trả lời bằng chất giọng Bắc của cháu:

    • Dạ thưa cán bộ, con tên Chương ạ!
  • Ạ…..à….! Mày là thằng Chương đó hả?.. Đi theo tao…

  • Chương sợ đến nỗi không khóc được. Mặt cháu đã xanh, lại càng xanh hơn. Ngay cả quay lại nhìn tôi, nó cũng không dám. Nó nắm tay tên cán bộ đi một mạch ra ngoài như người máy…

    Cánh cửa vừa khoá trái lại, tôi oà lên khóc nức nở! Cả nhà giam xôn xao bàn tán, không biết tại sao tên cán bộ lại bắt em trai nhỏ này đi đâu… Chỉ có tôi biết thôi! Dù chỉ đoán, nhưng tôi thấy tôi đã đoán đúng: họ đã nghi tôi nói láo nên dẫn Chương đi .. tra khảo!

    Tôi năn nỉ mọi người đi cà thọt làm sao cho tôi đến được cái cửa sổ độc nhất trong phòng kia để nhìn xem tên cán bộ dẫn Chương đi đâu. Cái cửa sổ cao trên đầu của tôi. Có hai chị phụ nữ chịu khom lưng lại cho tôi leo lên mới nhìn thấy được bên ngoài. Cái cây cọc cũng được mọi người nâng lên cao, và mọi người phải giơ chân treo cao theo cây cọc ấy.  Tôi nhìn ra, và thấy tên cán bộ này bắt ghế ngồi trong một cái chòi lá xa phòng giam của chúng tôi độ chừng trên dưới 100 mét. Chương đứng trước mặt tên cán bộ, đưa lưng quay về phía cửa sổ của tôi. Tôi thấy tên cán bộ hỏi em rất nhiều. Ở xa, tôi thấy hắn đốt thuốc lá hút, rồi hỏi, rồi phì hơi, rồi hỏi… Bỗng dưng, hắn đứng lên, đi lại chỗ dựng cây… súng trường. Hắn lăm lăm cầm cây súng trong tay. Hắn lại vừa hỏi, vừa hút thuốc phì phèo. Hắn chợt bật cái lưỡi lê ở đầu ngọn súng ra, dí lưỡi lê vào mặt, sát lỗ tai của thằng bé với một tư thế hung hãn… Ở xa, tôi không nghe hắn quát tháo gì, nhưng tôi thấy Chương cứ lấy tay quẹt nước mắt, quẹt qua, quẹt lại, càng lúc càng nhanh. Nó lấy cả vạt áo chùi nước mắt… Rồi hắn đứng lên, nắm tay Chương lôi trở về hướng phòng giam.

    Tôi lại oà khóc nức nở, tôi bảo các chị nhanh trở về lại vị trí cũ. Tôi cũng chuẩn bị tinh thần để ăn đòn của hắn ta vì tội dám lường gạt cán bộ…

    Cửa phòng mở ra. Tên cán bộ vẫn còn nắm chặt tay Chương. Mặt của cháu vẫn còn ràn rụa nước mắt, xanh tái mét.

    Hắn nạt Chương lớn tiếng:

    • Ai là mẹ của mày? Chỉ tao coi! Tao nói rồi! Nói láo là tao đâm mày lũng bụng thấy con… đ… mẹ mày nghen…

    Chương vừa tiến đến gần và chỉ vào tôi, vừa ấm ức, hậm hực nói qua làn nước mắt:

    • Mẹ của con… (hic..) thiệt… (hic hic..) mà (hic…)  cán bộ.. (hic. .hic…)

    Hắn trừng trừng mắt nhìn tôi từ đầu xuống chân, gầm gừ:

    • Mày là mẹ của nó thiệt à??

    Người tôi run lên, và giọng lạc hẳn..

    • Dạ .. thưa .. cán bộ, .. là…em… th… thi..iệt……

    Tên cán bộ hậm hực nhìn tôi một chút, rồi bảo:

    • Lấy quần áo đi dìa đi!

    Tôi sững sờ một vài giây, trái tim muốn nổ tung ra vì không ngờ diển biến như thế. Rồi tôi hiểu ngay tại sao… Tôi ôm Chương vào lòng. Nó vẫn còn đang cà-hộc, cà-hịc, mặt đầy nước mắt nước mũi. Tôi biết ngay Chương đã nhất định, cả quyết tôi là mẹ của cháu dẫu bị tên cán bộ đòi ..bắn, đòi …đâm chết cháu….

    Hai “mẹ con” tôi ôm nhau khóc ròng. Tôi thật sự biết ơn Chương còn nhỏ xíu thế kia mà đã dám cả gan che chở cho tôi. Tôi ngỡ đâu tôi là người sẽ lo lắng, bảo bọc cuộc sống của nó. Tôi chưa làm được điều gì cho đời của nó, vậy mà ngược lại, nó lại là người cứu tôi khỏi bị tù, khỏi bị đi lao động…, khỏi gông cùm…

    Tên cán bộ đi đến chị Hoa đang bị cùm chân bế con nhỏ, luôn cả chị Tâm, rồi dùng cây ba ton xỉ xỏ :

    • Bà này, “dới” bà kia cũng dìa luôn đi!

    Hắn lấy chìa khoá mở cùm cho tôi và chị Hoa, chị Tâm.

    Tôi mừng quá! Tôi không cần lấy gì về cả. Tôi đợi cởi cái cùm ra, tôi cởi luôn bộ đồ bên ngoài ra, tôi mò trong giỏ của tôi, lấy hết thuốc men để lại cho những người trong phòng giam. Những thứ này bây giờ chắc chắn rất hữu ích cho những người bị kẹt lại nơi đây. Tôi cũng móc hết bánh kẹo để lại, rồi vội vàng đi ngay vì sợ họ thay đổi ý!

    Chúng tôi ba bà mẹ, ba đứa con nít, không còn một xu vì họ như quân cướp, đã lục soát, lấy sạch sẽ hết rồi. Chị Hoa lo lắng, không biết cách nào về lại Saigon. Tôi bàn với chị Hoa chị Tâm là cứ đi, cứ nói mình tù vượt biên ra, dân sẽ thương mình mà không lấy tiền xe đâu. Lúc tôi đi vượt biên không thành lần trước tận Phan Thiết, khi về Sài Gòn bằng xe lửa, tôi đã phải làm thế! Tôi còn xin ăn cơm tấm ở bến xe… free nữa, vì tôi trốn CA cả ngày trời mà không một thức ăn gì trong bụng cả! Tôi còn bàn rằng sẽ đi bằng xe… lam nhỏ, đi từng chặng ngắn để về Sài Gòn. Kinh nghiệm cộng với linh tính của tôi, bọn công an thay đổi soành soạch, rồi ra bến xe đò để bắt người lại, nên đi xe lam là chắc ăn hơn. Chị Tâm thì muốn về Sài Gòn càng sớm càng tốt. Còn chị Hoa ngần ngừ một chút rồi cũng chịu đi theo tôi, vì chị cũng cần tôi và Chương giúp đỡ…

    Đúng như tôi đoán, khi hỏi đi xe nhờ, tôi cũng nói luôn chúng tôi không còn tiền về Sài Gòn vì mới ở trong tù ra về tội vượt biên.. Ai cũng xót xa hỏi thăm và ái ngại cho chúng tôi. Dĩ nhiên, chúng tôi được đi free !

    Tôi rời trại giam khoảng chín giờ sáng. Mà đến tối mịt tôi mới về đến Sài Gòn. Hàng xóm không ai biết tôi vừa trải qua một ngày đêm khủng khiếp trong tù giam với cái cùm … Sau này tôi mới biết vì chị Tâm đi ra bến xe đò, nên chị bị Công An tỉnh bắt lại ngay tại bến xe. Khi tên công an trong trại cho phép chúng tôi về, hắn chỉ là công an quận. Nhưng sau đó độ một giờ đồng hồ thôi, công an tỉnh đến, ra lệnh bắt hết lại những người đàn bà có con nhỏ này. Con nhỏ thì gửi về nội ngoại, nhưng cha mẹ đi vượt biên thì phải ở lại tù để “học tập và lao động”.

    Chị Tâm bị bắt trở lại trại giam, ở tù thêm sáu tháng. Đứa con được chở về nhà nội. Họ cũng có cho xe đi tìm tôi và chị Hoa mà không thấy… Tôi bỗng tự mình ngẫm lại, cô thiếu nữ nhút nhát ngây thơ ngày nào giờ đã được… Đảng dạy để trở thành một người dạn dĩ, chai đá, biết đối diện, thích nghi với mọi hoàn cảnh…


    Sau chuyến đi ấy, ba năm sau, tôi lại tiếp tục đi vượt biên nữa. Tôi được định cư ở Canada. Trong lòng tôi cứ ray rức câu chuyện của cháu Chương. Năm 2000, khi tôi về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Tôi đã đi xuống Thủ Đức để tìm thăm cháu và cũng để thăm lại một căn nhà của một người quen lúc ấy đã đi định cư ở Mỹ. Anh chủ nhà này là kiến trúc sư, đã cất một căn nhà sàn rộng lớn, xinh xắn bằng gỗ tốt, phía trên để ngũ, phía dưới là bếp và phòng ăn. Tôi đứng bên ngoài cổng, nhìn vào trong cái bếp mà tháng 8 năm 1975, tôi đã đến thăm anh chị khi xưa. Hôm ấy Thủ Đức bị cúp điện. Tôi và chị Th,  chị chủ nhà, phải đi lượm các cành củi, lá mít khô trong vườn để nấu cơm…  Khói mù trời đất mà lửa vẫn không lên ngọn được! Chị Th và tôi thật tủi thân, nước mắt lưng tròng, nào có phải vì khói đâu…

    Nhà Chương cách đấy không xa.

    Khi ấy, Chương đã ba mươi tuổi, có vợ con và cơ sở làm ăn thật phát đạt. Anh Luyến đi vượt biên bị mất tích khi Chương mới mười bốn tuổi. Chương đã lăn xã ra đời, may mắn và thành công tới tấp. Thằng bé không thân phận, không có họ hàng bên ngoại, không mẹ, cũng không biết cha mình…  thật sự là ai… đã gồng gánh nuôi hai em thành đạt như mình, giúp đở mẹ kế rất nhiều.

    Cháu chở tôi đi chơi bằng chiếc Toyota mới toanh, và cùng nhắc lại kỷ niệm ngày xưa. Có một điều mà cả bao nhiêu năm tôi không hề nghĩ ra, Chương đã làm tôi thốn cả tim óc và bật khóc khi cháu nói:

    • Cô …”Diệu “ơi! Cô có biết, hạnh phúc nhất cuộc đời trẻ thơ của con là những ngày.. ở tù với cô không?! Con chưa được gọi MẸ bao giờ… Đó là lần đầu tiên con được gọi MẸ! Con cũng chưa được ai ôm con vào lòng với những giọt nước mắt rơi trên mặt của con như cô đã ôm con khóc. Khi mình được thả về Sài Gòn, cô có biết con buồn lắm không?! Con chỉ muốn được ở lại trong … tù với mọi người, với cô, để con được gọi cô là MẸ mãi mãi.. Lúc ấy, sao cô đẹp quá… Cô chắc chắn phải đẹp hơn cả mẹ ruột của con dù con nghe nhiều người nói mẹ con cũng đẹp lắm. Cô đẹp hơn vì cô dám  nhận nuôi dưỡng con mà mẹ ruột của con thì không. Cô đẹp hơn cả bà tiên vì khi con bị phỏng, không ai cầm tay con lên xuýt xoa cả, không có bà tiên nào hiện về an ủi con cả, mà chỉ có cô thôi. Còn thêm một điều này nữa, chắc cô không bao giờ ngờ tới: chính con đã… tự mình làm…  đứt tay, trầy chân mãi để được cô xót xa, băng bó, thương yêu con…

    Bây giờ, bên đây bán đầy dẫy những viên mồi lửa, chỉ cần thả vào bếp lò một viên thôi là nó cháy bùng bùng ngay rồi. Nhưng, tôi vẫn thích tự mồi lửa bằng củi chẻ nhỏ. Và tôi làm rất thiện nghệ! Khi tôi nhóm lửa barbecue nướng thịt nướng hay đốt fire place, dù than, củi rất khô, dù không hề có khói mù trời như xưa nữa, nhưng, bạn bè hay gia đình tôi đều ngạc nhiên, không hiểu vì đâu mà mắt tôi đỏ hoe, ướt sũng…

    Tháng 10/ 2016

    Kim Chi

    Xem trên Việt Báo :  Đứa Con Trong Tù

    Đọc thêm Truyện Ngắn Kim Chi