THĂM THẲM TRỜI XANH / Chương 4

Tôi hết sức đau lòng khi phải từ biệt cái nghề thầy giáo. Nhưng gặp tình cảnh như vậy tôi biết làm sao? Trở lại Đà Lạt với tâm tư trĩu nặng, tôi thấy mình đã thật sự đổi đời! Từ nay tôi không còn được đứng trên bục để giảng bài. Không còn nhìn được những ánh mắt ngơ ngác hay nghịch ngợm nhưng đầy thân thương của đám học trò tuổi dại mỗi ngày. Không còn những đêm thức khuya để chấm bài. Hết, hết cả rồi!

Về tới nhà cô Hậu tôi thấy người uể oải khác thường. Tôi kêu cửa mấy lần không thấy ai ra mở. Hành lý của tôi chỉ có một cái xách đựng mùng mền và vài bộ đồ. Thấy mang đi mang lại bất tiện, tôi để đại bên cửa rồi đi thẳng ra sạp hàng của cô Hậu. Thấy tôi, cô mừng rỡ hỏi:

– Lễ Noel con về thăm nhà à? Sao về muộn vậy?

Tôi cười đáp:

– Dạ không. Con về luôn rồi cô. Từ nay con phụ buôn bán với cô được không?

Cô Hậu ngạc nhiên:

– Thật không đó? Nếu con nghỉ dạy thật cô giao sạp hàng này cho con đó!

– Con không dám đâu. Nhưng con đã xin nghỉ dạy thật đó cô.

– Vì sao vậy?

– Tối về nhà con sẽ nói chuyện. Cô cho con mượn chìa khóa, đồ đạc con còn để trước cửa sợ người ta lấy mất.

Lấy được chìa khóa, tôi lật đật trở về nhà. Nhưng xách đồ tôi để bên hiên đã biến đâu mất. Trong nhà vẫn không có ai. Tìm quanh quất một hồi vẫn không thấy, tôi đành trở ra sạp hàng nói cho cô Hậu biết. Cô nói:

– Cái xứ này trước đây đâu có chuyện đó! Bây giờ nó trở chứng. Trong xách có gì nhiều không con?

– Dạ, vài thứ lặt vặt, mùng mền với mấy bộ đồ thôi.

– Thôi, để rồi mình sắm lại. Con ăn chi chưa? Cô có bới đồ ăn đó, cô cháu mình ăn với nhau một miếng rồi nói chuyện.

Sau khi nghe tôi kể xong chuyện xảy ra ở trường Đồng Tiến, cô Hậu nói:

– Vậy cũng tốt thôi. Thật tình trước đây cô cũng muốn con ở nhà để buôn bán với cô. Nhưng thấy con có vẻ lưu luyến cái nghề thầy giáo quá nên cô không dám bàn. Thôi bây giờ con cứ phụ giúp cô một thời gian. Khi nào có ai sang sạp hàng cô sẽ sang để con làm chủ. Không đói đâu mà ngại.

Buổi tối về không thấy hai bà bạn của cô, tôi hỏi:

– Bà Hương bà Tằm ở đâu không thấy cô?

– Đi chỗ khác rồi!

Thằng Sơn đứng gần đó cười mím:

– Cái huê của mẹ em sạch rồi họ ở lại làm chi nữa!

Cô Hậu cười mà nạt Sơn:

– Mày biết cái gì mà nói?

Đêm đó nói chuyện với cô Hậu tôi mới biết thêm được hai người đàn bà đó chính là những cán bộ thu thuế ở chợ Hòa Bình trước 1975. Rất nhiều cơ sở buôn bán có máu mặt ở thành phố này đã nộp thuế cho cách mạng ngay trong thời gian chính quyền quốc gia đang cai quản. Nghe đến đây tôi ngạc nhiên hỏi:

– Thế bên quốc gia người ta không biết à?

– Cô cũng không rõ. Nhưng những người đóng thuế cho cách mạng họ cũng muốn yên thân để làm ăn, họ không chịu nói ra thì bên quốc gia cũng khó mà biết.

– Thế có ai không chịu đóng thuế cho họ không cô?

Cô Hậu đặt ngang một bàn tay trước cuống họng – ngụ ý cắt cổ, nói:

– Họ đã tới hỏi ai mà dám không đóng!

– Thế cũng có nhà buôn bán có thân nhân là quân đội, cảnh sát bên quốc gia họ cũng chịu yên phận vậy sao?

– Với những nhà đó thì người của cách mạng đâu có thu thuế!

Gặp lúc thằng Sơn đi ngang qua, nó nói với tôi:

– Mẹ em nhát gan lắm chị! Mười mấy năm nay đóng không biết bao nhiêu tiền thuế cho họ. Chị biết mẹ em còn giữ cả một xấp biên lai dày cộm không?

Tôi hỏi cô Hậu:

– Thật vậy hả cô?

Cô Hậu không trả lời tôi mà nạt thằng Sơn:

– Cái thằng hay tọc mạch! Tao có để tụi bây đói ngày nào đâu?

Tôi hỏi lại cô Hậu:

– Hai bà ấy ở thành phố như vậy sao lại có vẻ như bị sốt rét vậy cô?

– Họ đâu ở thành phố mãi! Ai cũng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn là bị động ổ, phải rút vào rừng. Tất nhiên sẽ có người khác thay thế tiếp tục công tác!

– Thế cái chuyện cả tiểu đoàn hay trung đoàn bộ đội chi đó sống nhờ vào số muối lấy trong phân cá có đúng không cô?

– Thằng Sơn nói với con à? Cái thằng này coi chừng mất chỗ đội mũ đó mày!

Bây giờ tôi mới hiểu thêm! Không ngờ họ hoạt động ngay trên phần đất do quốc gia kiểm soát như vậy, trách gì miền Nam sau này không bị rơi vào tay họ!

Từ đó, tôi cứ ngày ngày phụ giúp cô Hậu buôn bán, theo dõi tin tức, chờ đợi…

Ngày kia tôi nhận được một lá thư của bà ngoại. Nội dung thư có đoạn như sau:

“… Sở dĩ mẹ phải viết thư cho con vì hồi này ba con rất bận rộn. Ba mẹ hết sức trông đợi tin tức của chồng con. Khi nào có tin, con phải cho ba mẹ biết ngay! Sau đây mẹ cũng cho con biết vài tin mừng nhỏ. Thứ nhất, ba mẹ vừa nhận được thư của anh Hảo con từ Pháp gởi về. Anh con đang lập thủ tục để bảo lãnh ba mẹ sang sống ở bên đó. Nếu đi được, ba mẹ có thể giao lại ngôi nhà ba mẹ đang ở hiện nay cho con. Thứ hai, ba con đã được Sở Văn Hóa Thông Tin mời dịch một số sách từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Ba đã dịch thử một cuốn và đã được ông Trường Chinh cùng nhiều viên chức của Sở Văn Hóa Thông Tin thành phố Hồ Chí Minh hết sức khen ngợi. Cách mạng tỏ ra trọng vọng kẻ trí thức lắm chứ không phải coi thường, kỳ thị như lâu nay mình vẫn nghe sự tuyện truyền của chế độ cũ! Được giao một công việc hợp với khả năng, lại chỉ nhắm mục đích bồi bổ cho nền văn hóa dân tộc, ba con  vui mừng lắm. Ba con đã làm việc say sưa đến quên cả giờ giấc. Mẹ chỉ hơi ngại vì quá đam mê với công việc, sức khỏe của ba con sẽ bị ảnh hưởng thôi. Mẹ tin  chắc rồi đây ba con sẽ nhận được một số tiền thù lao đáng kể. Khi ấy mẹ sẽ nói với ba trích một phần trong đó để cho con làm vốn…”.

Đọc thư bà ngoại xong tôi thấy như mình được mở cờ trong bụng. Điều lo lắng của tôi, ngoài việc kiếm miếng ăn cho cả gia đình, còn phải làm sao cho anh Thành sau này khỏi mang những mặc cảm tự ti với đời. Tôi đã có kinh nghiệm về sự khổ tâm của những người phải sống nhờ vào kẻ khác. Vì vậy, tôi muốn mình phải có một cơ sở làm ăn vững chắc trước khi anh Thành trở về. Lá thư của bà ngoại đã mang lại nhiều hi vọng cho tôi. Nếu ông bà ngoại đi Pháp được, ngôi nhà của ông bà ở Sài Gòn có thể thuộc về tôi. Sau này anh Thành về sẽ có một chỗ nương tựa vững chắc. Sống ở thành phố lớn này, anh ấy có thể làm nghề bán vé số như một số thương phế binh trước kia đã làm. Còn nếu ông bà ngoại chưa đi được, tôi cũng sẽ nhận được một số tiền tặng của ông ngoại khi người nhận được tiền thù lao về việc dịch sách. Tôi có thể dùng số tiền đó đắp vào vốn để sang một sạp hàng càng sớm càng tốt. Tôi biết cô Hậu sẽ giúp tôi việc này nhưng tôi muốn tự mình làm lấy vẫn hay hơn. Nếu tôi có cơ sở làm ăn sẵn thì anh Thành sẽ có thể tham gia công việc dễ dàng. Như thế gia đình tôi đỡ lúng túng mà anh Thành cũng khỏi mang mặc cảm mình đã trở thành người vô dụng…

Hai hôm sau, cô Hậu từ chợ về hí hửng báo tin mừng với tôi:

– Ngọc ơi, con Lưu nó sắp sang cái sạp hàng của nó đấy. Sạp của nó nằm ngay cửa vô ra chợ mua bán năng lắm. Cô đã bảo nó để lại cho con, cô gởi tiền cọc rồi. Chỉ cần lo tiền để chồng cho nó nữa là xong.

Mừng ơi là mừng, tôi liền nói:

– Dạ, cám ơn cô, buôn bán được con sẽ góp dần tiền vốn lại cho cô!

– Con chưa cần lo, chuyện đó cô còn xoay xở được. Chỉ cần con có công ăn việc làm để nuôi mấy cháu là cô mừng rồi.

Thế là suốt mấy ngày liền tôi cứ khấp khởi mong đợi. Tôi tin cô Hậu đã hứa thì cô nhất định thực hành. Nhưng có lẽ cô đang kẹt! Tôi biết trong thời gian gần đây cô đã tiêu phí rất nhiều tiền cho hai người bạn trong rừng mới ra ấy. Cả cái huê mà cô mới hốt non có thể cũng bay biến cả rồi! Cũng bởi lòng cô rộng rãi quá!

Nào ngờ nỗi mừng mới nhá lên, nỗi buồn lại tranh đến trước. Mấy hôm sau tôi nhận được một điện tín của bà nội từ miền Trung gởi vào:

      “Ba bệnh nặng, con về gấp. Mẹ”.

Đọc xong bức điện tín lòng tôi rối như tơ. Tiền đâu để về thăm ông nội lúc này? Nếu tôi về, lũ con hay nghịch ngợm phá phách của tôi sẽ gởi cho ai được? Nếu đem chúng đi theo sẽ tốn kém nhiều và chúng tôi khó có cơ hội trở lại Đà Lạt nữa! Nhưng nếu không về được thì cũng phải gởi chút tiền chứ! Cả cô Hậu cũng vậy! Ông nội là anh ruột của cô, cô làm sao yên tâm? Thế này thì cơ hội sang sạp hàng của bà Lưu có thể vuột khỏi tầm tay tôi mất!

Sau khi bàn tính việc này, cô Hậu nói:

– Cô đã chạy gần đủ tiền để lấy sạp hàng rồi đó. Nhưng bây giờ anh ngoài nhà lâm bệnh nặng như vậy mình hoãn lại mươi ngày nửa tháng nữa cũng được. Cô cháu mình phải gởi một ít để giúp chị lo thuốc thang cho anh chứ!

Thế rồi cô Hậu đưa một số tiền cho em Lâm đi gởi cho bà nội.

Nhưng chưa lấy được sạp hàng tôi lại nhận được một bức điện khẩn nữa:

      “Ba mất lúc 10 giờ tối ngày… Con về gấp! Mẹ”.

Quả là họa vô đơn chí! Thời buổi này đi đường xa đâu có dễ dàng gì! Nội cái việc đăng ký mua vé xe cũng đã mất hết bao nhiêu ngày giờ rồi. Dù chúng tôi có chắp cánh mà bay cũng không thể về kịp để lo việc tang. Cô cháu tôi đành khóc lóc cầu nguyện cho ông nội rồi lại gởi hỏa tốc một số tiền phụ việc lo đám tang thôi.

Biết tin ông nội mất, một số bạn bè thân thiết của cô Hậu đến nhà thăm hỏi chia buồn. Sau khi nghe cô Hậu nói về tình cảnh của tôi, một bà nói:

– Bây giờ để bà nội ở nhà một mình ngoài Trung cũng bất tiện. Sao cô Ngọc không khuyên bà nội bán phứt nhà cửa để vào đây bà cháu sum họp một nhà có hơn không?

Một bà khác tỏ vẻ rành rõi cãi lại:

– Bán chác gì được mà bán! Bây giờ chứ phải trước kia đâu! Lúc này đất đai ở chỗ nào cũng là của nhà nước cả. Chủ nhà muốn đi đâu cũng phải để lại tất cả cho nhà nước. Có quyền sang nhượng chăng cũng chỉ lấy được tượng trưng chút đỉnh ở cái xác nhà và của cải thôi!

Cô Hậu nói:

– Chị tôi khó lòng chịu bỏ quê hương để đi đâu lắm! Vả cái nhà đó cũng như từ đường để thờ phụng tiên tổ, có khuyên vào ở đây bà cũng chẳng nghe đâu!

Một bà khác lại nói:

– Người Trung người Bắc phần nhiều vậy cả. Dù ở vào cái chỗ làm không ra cái ăn, thế mà bảo đi chỗ khác họ vẫn nhất định không chịu đi bao giờ!

Chính tôi cũng biết như vậy, nhất là với bà nội mấy cháu tôi càng biết rõ hơn. Vì thế khi liên lạc thư từ với bà nội, tôi chẳng hề đề cập tới chuyện này.

Thấy chúng tôi dốc lòng quyết sang sạp hàng nhưng lại gặp tình cảnh khó khăn như vậy, bà Lưu cũng tỏ ra thông cảm. Bà đồng ý giao sạp hàng cho tôi mặc dù chúng tôi chỉ mới chồng được một nửa tiền.

Lấy được sạp hàng cho tôi xong, cô Hậu mừng rỡ nói:

– Thôi, từ nay có chỗ làm ăn đàng hoàng rồi. Con cứ gắng buôn bán kiếm một số vốn sẵn để khi biết thằng Thành ở đâu con có thể đi thăm dễ dàng. Lâu nay thấy con cứ thở ngắn thở dài cô thấy tội cho con quá. Thế nào rồi nó cũng nhắn tin về cho coi!

Sạp hàng này trước kia nghe buôn bán thường ở mức trung bình. Nhưng kể từ ngày sang tay tôi làm chủ nó khá vượt hẳn lên. Ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng đến tối tôi lấy hàng, bán hàng không hở tay. Cứ một tuần tôi lại trả thêm cho bà Lưu được một số nợ. Thật ra tôi có thể trả nhiều hơn nữa nhưng tôi sợ người ngoài quở và bà Lưu đâm ra hối tiếc cũng tội. Công việc tuy vất vả nhưng tôi vui mừng lắm. Theo đà này, gia đình tôi chắc chắn sẽ khá lên không mấy hồi.

Nhưng nợ sạp hàng chưa trả hết tôi lại nhận được thư cáo cấp của bà nội. Cũng chỉ là thư kêu gọi tôi phải đem con cái trở về Thiện Trường gấp. Bà nội nói nếu tôi không về, khi bà nội qua đời nhà nước sẽ lấy nhà cho người khác ở. Như vậy anh Thành sẽ không còn nơi thờ phụng tổ tiên! Tôi đem lời bà nội nói trong thư bàn với cô Hậu. Cô là người chân chất hiếu thuận nên khi nghe việc nhà thờ tiên tổ của mình có thể bị tịch thu cấp cho người khác, cô cũng đâm hoảng sợ. Tuy thế, thấy tôi bắt đầu làm ăn khấm khá quá cô cũng tiếc cho tôi. Cô nói:

– Việc mẹ con nói cũng có lý. Nếu để mất cái đất hương hỏa sau này thằng Thành có thể oán trách con. Nhưng hiện giờ con đang làm ăn được, bỏ đi cũng uổng. Theo cô nghĩ, mẹ con cũng chưa đến nỗi nào, con có thể ở lại buôn bán một thời gian để kiếm một số vốn rồi về cũng không muộn!

Thấy cô Hậu nói có lý, tôi bèn viết thư khất lại với bà nội. Thế nhưng vài tháng sau tôi lại nhận được một lá thư khác. Nội dung vẫn là những lời kêu gọi tôi về gấp để giữ ngôi nhà hương hỏa. Nhưng lần này có một đoạn lời lẽ rất khẩn thiết:

“… Từ khi ba con qua đời, người mẹ hay bị nhức đầu, hoa mắt. Nhiều lúc đang đi đâu hay làm gì mẹ lại bị xâm xoàng muốn ngất đi. Đêm nằm một mình mẹ cứ mông mị thấy ma quỷ gì đâu đâu. Có lẽ không bao lâu nữa mẹ cũng phải theo ba con thôi. Nhiều kẻ đang chờ mẹ ra đi đó. Nếu không chịu về cho sớm, con có thể hối hận không kịp!…”

Thế này thì làm ăn gì được nữa! Cũng có thể bà nội ở một mình buồn nên đặt điều ra để kêu gọi con cháu về đấy. Nhưng nếu trường hợp bà nội nói thật thì sao?

Tôi đã đem những suy nghĩ của mình nói với cô Hậu. Người già ở một mình đêm hôm rủi xảy ra chuyện gì cũng nguy hiểm thật. Tôi là con dâu duy nhất trong khi chồng tôi đang lâm hoạn nạn, dĩ nhiên tôi có phần trách nhiệm trong vấn đề ấy! Tuy mới sống với xã hội chủ nghĩa một thời gian ngắn, tôi đã thấy những thực tế khác xa với lý thuyết người ta nêu ra. Trong thời buổi đổi đời hỗn độn này, việc chiếm hữu nhà cửa của những người vắng mặt xảy ra rất thường. Khi mẹ chồng tôi qua đời, nếu mẹ con tôi không có mặt kịp, chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Tất nhiên những người có khả năng chiếm hữu tài sản của kẻ khác đều là những kẻ có thế lực. Khi chuyện đã xảy rồi, một kẻ cô thế như tôi làm sao thoát khỏi cạm bẫy của họ? Nếu tôi lập được cơ nghiệp ở Đà Lạt, nuôi được các con nên người thì sau này còn có thể dễ ăn nói với anh Thành. Ngược lại, nếu thất bại, tôi sẽ phải gánh chịu trách nhiệm với chồng con về vụ để mất nhà cửa, về vụ bỏ lơ mẹ chồng trong những giờ phút cuối đời. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi đành phải quyết định giã từ Đà Lạt để trở về Thiện Trường.

Rốt cuộc, cô Hậu cũng đồng ý như thế. Tôi đành giao sạp hàng lại cho cô Hậu. Cô đã đền bù cho tôi một số tiền bằng ba lần khi tôi sang nó. Tuy vậy, tôi vẫn tiếc hùi hụi khi phải bỏ một công việc làm ăn đang lên phơi phới để trở về quê cũ, một nơi từng nổi tiếng đói nghèo. Vì thương chồng, vì gia đình chồng, tôi đành nhắm mắt đưa chân!

 

Đọc tiếp Chương 5

 

 

 

      CHƯƠNG    5

Cuối tháng 4/76 tôi thật sự giã từ Đà Lạt để trở về Thiện Trường. Thời kỳ này phương tiện di chuyển từ nơi này đến nơi khác hết sức khó khăn. Đường sá hư hỏng quá nhiều chưa tu bổ kịp. Tuyến đường nào cũng đầy ổ gà, mưa thì nước đọng vũng sâu vũng cạn, nắng lên thì bụi ngập như sương sớm. Xe cộ đã ỳ ọp lại luôn chở quá tải, nhét người chật như nêm. Hành khách nhiều người vẫn sợ chuyện đi lại như một cực hình. Mẹ con tôi đã trở về quê hương trong tình hình đó.

Tôi đang ngủ gà ngủ gật trên xe bỗng nghe tiếng anh lơ xe kêu lớn:

– Tới chợ chiều Thiện Trường rồi, chị gì đó xuống đi!

Chiếc xe đò ngừng lại. Người lơ xe ngồi ở trên mui tháo dây buộc đưa xuống một cái va li, một cái giường bố xếp và một bó chiếu. Tôi bước xuống đất với đôi chân tê cứng vì phải ngồi một chỗ quá lâu, lại chịu sức dồn ép từ những người chung quanh bởi xe quá chật nên máu trong người không lưu thông được. Tôi phải vừa vịn vừa chống tay vào xe chốc lát mới đứng vững được. Người lơ xe đứng bên dưới lần lượt bồng ba đứa nhỏ trao xuống cho tôi. Thằng Sửu hăng hái giành vác cái giường bố xếp đã được tôi bó lại. Thằng Tí thì giành vác bó chiếu. Nó phải vất vả lắm mới giữ bó chiếu được thăng bằng trên vai. Tôi khuyến khích chúng:

– Ừ, giỏi! Hai đứa bây vác giùm cho mẹ những cái đó đi. Cứ theo con đường này!

Tôi mang cái xách nhỏ vào vai, tay phải xách cái va li nặng nhọc lê bước. Con Hoa bước theo tôi nhưng tỏ ra không bằng lòng vì nó phải đi tay không:

– Mẹ đưa cái xách con cầm cho!

– Không được. Con cầm lỡ có ai giựt mất làm sao?

Con bé vùng vằng một chút rồi chạy theo hai thằng anh nó.

– Con cứ đếm phía bên này tới cái thứ mười một là nhà mình đó.

Lúc đó khoảng mười giờ tối. Con đường vào xóm dưới ánh trăng trông sáng sủa lạ thường. Những bụi tre um tùm rậm rạp hai bên đường đã được chặt gần hết khiến cho con đường như có vẻ rộng ra nhiều so với trước kia.

– Nhà thứ một… nhà thứ hai… nhà thứ ba…

Thằng Tý đếm nhà số nào con Hoa lập lại nhà số đó. Tôi xách nặng quá nên chỉ biết cắm đầu bước theo các con. Chiếc va li phải chuyển từ tay này sang tay khác lia lịa không biết bao nhiêu lần.

Khi tới dốc cái cổng giếng quen thuộc, tôi ngạc nhiên nghe mấy đứa trẻ đếm tới nhà thứ  chín. Trước đây tôi vẫn thuộc lòng từng đoạn đất cao đất trũng của con đường nhỏ này. Tôi nhớ mồn một từ quốc lộ đến cổng giếng chỉ có sáu cái nhà sao bọn nhỏ lại đếm tới chín? Chúng đếm lộn chăng?

– Nghỉ một chút chờ mẹ với!

Tôi đặt va li xuống đường vừa thở vừa nhìn quanh. Thì ra bây giờ nhiều nhà cũ đã được sửa lại, thêm vào đó lại có nhiều nhà mới được dựng xen vào nên trông khác lạ hơn trước. Mới hơn một năm mà không biết bao nhiêu là thay đổi thế này!

– Thôi, để mẹ đi trước coi đường kẻo lạc.

Dù mệt nhọc, tôi cũng phải gắng nhìn bên này bên kia. Có lúc tôi phải đứng lại thật lâu mới nhận định được đã đến chặng đường nào. Khi đi qua cái ngõ nhà có các bậc cấp hơi cao, tôi nhận ra ngay là nhà ông Sơn. Tôi đặt va li xuống nghỉ tạm, mắt nhìn vào nhà ông Sơn. Đây là một ngôi nhà lớn của một gia đình điền chủ giàu có đã trải qua nhiều đời. Nhà có một cái sân tráng xi măng khá rộng, trước đây gia đình tôi cũng như những người hàng xóm vẫn thỉnh thoảng đến xin phơi lúa, phơi khoai… Đang nhớ lại chuyện cũ, tôi bỗng thấy nhiều người từ trong nhà ông Sơn túa ra, nam có nữ có. Họ nói chuyện ồn ào, nhiều người vội vã chen nhau đi ra ngõ. Mấy đứa nhỏ thấy đông người túa ra thình lình thì sợ hãi chạy tấp lại gần tôi.

Một người đàn bà bước tới nhìn ba đứa nhỏ rồi nhìn tôi hỏi với giọng kẻ cả:

– Chị là ai? Sao đang lúc khuya khoắt lại mang vác đi đâu thế này?

Nghe giọng nói miền Nghệ Tĩnh, tôi hơi ngạc nhiên. Chắc đây là một cán bộ mới vào. Tôi nhỏ nhẹ đáp:

– Dạ, tôi ở Đà Lạt mới về. Nhà tôi ở xóm này.

Một người đàn bà khác nghe nói thế thì bước lại dòm mặt tôi rồi vui vẻ nói với giọng đầy thân tình:

– Trời, cô Ngọc! Tôi cứ tưởng cô đi luôn rồi chứ! Lại đem ba đứa nhỏ về nữa, chắc bác Thắng mừng lắm!

Tôi nhận ra ngay là chị Lâm ở kế nhà. Tôi hết sức mừng rỡ nói với chị:

– Đi đâu mà đi chị! Chẳng qua vì sinh kế em ở tạm Đà Lạt một thời gian thôi. Sống đâu cho bằng ở quê hương mình được! Chị Lâm mới làm gì về thế?

Chị Lâm cười dí dỏm:

– Họp, họp bình bầu, kiểm thảo công tác trong ngày, vạch kế hoạch làm việc cho những ngày sắp tới. Ở Đà Lạt chắc cũng có họp bình bầu kiểm thảo như đây chứ cô Ngọc?

Tôi để ý thấy mọi người ai cũng có vẻ vội vã. Vài người quen biết thấy tôi ở xa mới về cũng đứng lại hỏi thăm. Người đàn bà nói tiếng Nghệ Tĩnh chỉ đứng lại một chốc, có lẽ biết tôi không phải là đối tượng đáng ngại, bà ta bỏ đi.

Thấy một toán người còn đứng giữa đường nói chuyện, một bà vừa đi vừa nói:

– Thôi, ngồi cả buổi chưa đau lưng à? Lo về mà nghỉ một chút đi! Mai còn phải ra ruộng sớm mà!

Ai nấy đều tỏ ra rất quí thì giờ. Mấy người quen với tôi hỏi thăm qua loa mấy lời rồi chào mà đi hết. Chỉ còn chị Lâm và cô Ánh, một cô bé mới lớn vốn quen thân với tôi đứng lại. Cô Ánh ăn mặc lam lũ trông già đi nhiều so với tuổi, cô hỏi tôi:

– Bộ chị Ngọc ở trong ấy làm ăn không được hay sao mà lại về đây để sống cảnh đội đoàn ngày đêm làm tối mặt tối mũi như tụi em thế này?

Nói xong, Ánh lắc đầu mà cười. Tôi cũng cười:

– Trong đó buôn bán cũng đủ ăn chứ không đến nỗi nào. Nhưng mẹ tôi cứ nhờ người viết thư kêu về mãi tôi biết làm sao. Bà nói cũng có lý, ngoài này còn nhà còn cửa, lại lỡ khi bà ốm đau nhờ cậy vào ai? Thế ở đây làm lụng cực lắm hả?

Ánh nhanh nhẩu:

– Chị đã về đây đương nhiên phải vô tập đoàn, ba bốn ngày nữa chị sẽ biết thôi. Đưa cái va li em xách cho một đoạn. Mình vừa đi vừa nói chuyện. Phải tranh thủ về nghỉ chứ sáng mai lại phải đi làm sớm.

Ánh vói tay giành cái va li. Chị Lâm lên tiếng tiếp:

– Cực lắm cô Ngọc ơi! Nhiều đêm cứ thức trắng mắt ra vì cái vụ họp hành này. Nai lưng làm suốt ngày thâm đêm mà không khi nào đủ gạo ăn. Tôi cũng mong tìm được con đường nào để thoát đây!

Chị lại quay sang ba đứa nhỏ:

–  Con đưa bác cầm bó chiếu cho. Tội nghiệp, tụi bây sinh ra để chịu khổ…

Ba người cùng bọn nhỏ đi một lát đã tới nhà. Tôi nói:

– Chị Lâm và cô Ánh vô nhà tôi một chút đã chứ!

Chị Lâm nói với Ánh:

– Thì mình vô nhà với cô Ngọc một chút. Đằng nào cũng khuya rồi.

Tôi nhìn vào thấy căn nhà tối om. Có lẽ bà nội đã đi ngủ. Chị Lâm bước vào cổng trước, lớn tiếng kêu:

– Bác Thắng ơi, cô Ngọc và mấy cháu về đây này.

Trong nhà có tiếng lục đục rồi có tiếng bà nội khàn khàn:

– Ai kêu chi vậy?

– Con dắt mấy cháu về đây mẹ ơi!

Tiếng bà nội mừng rỡ:

– À, bốn mẹ con bây về đó hả? Tao biết thế nào rồi bây cũng về mà!

Tôi giục mấy đứa nhỏ lên tiếng thưa chào bà nội. Chúng đồng loạt la vang:

– Thưa bà nội chúng cháu về đây!

Bà nội sung sướng chạy ra ôm hôn mấy cháu một hồi. Xong bà lại lật đật vào nhà tìm đèn. Bà bật quẹt lên thắp vào cây đèn ngủ. Nhưng ngọn lửa không bốc được, ánh sáng chỉ tỏa mờ mờ yếu ớt cứ muốn tắt. Bà nội nói:

– Khổ nỗi hôm nay trong nhà lại hết dầu. Vừa rồi đi mua chậm chân phải đợi đợt khác. Cô Lâm cô Ánh ngồi chơi, xin lỗi nhà hơi tối một tí!

Chị Lâm nửa đùa nửa thật nói:

– Quan trọng chi chuyện đó. Nhưng cô Ngọc và mấy cháu đi cả ngày chắc đói bụng lắm rồi, bác đong gạo bắc lên vài lon là tốt nhất! Còn dầu lửa, tôi còn một xị bên nhà, đem đèn qua mà rót một ít.

Bà nội gần như không để ý đến lời chị Lâm. Bà phụ với tôi đem va li, cái giường bố và bó chiếu vào nhà rồi giục tôi đi rửa ráy cho lũ con. Tôi nói:

– Mẹ cho con và tụi nó ít nước uống đã. Chốc nữa con sẽ rửa ráy cho chúng. Giờ để con nói chuyện với chị Lâm và cô Ánh một chút. Chị em lâu ngày gặp lại mà!

Bà nội bước vào cái bếp tối om nhúm lửa. Chị Lâm thấy nhà thiếu ánh sáng không đành lòng liền băng vườn về lấy một hũ keo đựng ít dầu hỏa đem sang. Bà nội trầm trồ nói chuyện với ba đứa nhỏ. Bấy giờ chị Lâm mới đưa mắt nhìn tôi rồi hỏi:

– Cô đã dò ra tông tích chú Thành ở đâu chưa?

Nước mắt tôi bỗng trào ra:

– Ở trong đó lâu nay cứ thấy ai đi thăm tù về em đều hỏi tin tức nhưng mãi tới nay vẫn chưa thấy gì! Khi anh ấy mới vào quân y viện Cộng Hòa đơn vị có báo cho em hay. Người ta cho biết anh ấy bị thương ở chân, không nguy hiểm đến tính mạng. Lúc đó em kẹt không vào thăm được, chỉ có ba mẹ em ở Sài Gòn đến thăm thôi. Khi ba mẹ em báo cho em biết anh ấy đã bị cưa cả hai chân em mới ngã đạn ra! Em sợ quá chuẩn bị đi thăm nhưng lại gặp lúc tình hình chiến sự đã trầm trọng nên không đi được. Sau đó em lại nhận được thư của ba em báo cho biết là anh ấy đã rời khỏi quân y viện Cộng Hòa, không ai biết đi đâu. Từ đó mất tăm tích luôn!

Nói đến đây tôi nghẹn giọng muốn bật ra tiếng khóc. Ánh thấy tôi đang bị xúc động bèn vỗ vai tôi an ủi:

– Chị nín đi kẻo bác khóc theo bây giờ. Biết đâu anh ấy lại thoát qua Mỹ được rồi!

Tôi lau nước mắt, lắc đầu tuyệt vọng:

– Người lành mạnh còn khó thoát huống là một anh thương binh cụt giò! Nghe người ta kể phút chót cách mạng vào đuổi tất cả thương binh miền Nam đang điều trị, không phân biệt nặng nhẹ, kể cả hạng đang có thể bị nguy hiểm đến tính mạng đều phải ra ngoài hết. Có người phải ôm cả đùm ruột mà đi, có người mang cả cái chân cưa chưa kịp băng bó thuốc men mà lết… Nhiều người bị nhiễm trùng, đói khát, chưa kịp về nhà đành chết ở hốc cầu, bến xe… Tôi vẫn mong sao anh ấy không nằm trong những trường hợp đó. Nhưng cả năm rồi, nếu còn sống, dù không tự về nhà được anh ấy cũng tìm cách để thông tin cho gia đình biết chứ! Tôi sợ có khi anh ấy không còn nữa!

Ánh nói một câu hơi vô duyên:

– May em chưa lấy chồng hóa ra lại đỡ khổ. Thế người ta không cho chị dạy học nữa hả chị Ngọc?

Chị Lâm nói:

– Dạy chi nữa mà dạy! Không thấy mấy cô giáo ở đây phải xin học trò từng củ khoai sâu nhỏ mà ăn đó sao?

Ánh lại nói:

– Khi kia chị cứ ở trong đó rồi ra đem bác theo vẫn hơn!

– Tôi cũng muốn vậy nhưng mẹ tôi không chịu…

Chị Lâm nói xen vào:

– Cô Ánh nói vậy chứ còn nhà còn cửa đó, không về lỡ bác qua đời là nhà sang tay người khác ngay, lấy gì mà làm nơi phụng thờ ông bà? Cô Ngọc dù sao cũng còn mấy đứa con trai đấy chứ!

Nói đến đây, chị Lâm cúi người ghé miệng vào tai tôi nói nhỏ:

– Nói để bụng chứ bác gái còn sống sờ sờ mà đã có người ngắm nghé cái nhà của cô rồi đó! Hở ra là người ta nhảy vô ngay…

Trong khi mấy người đang nói chuyện, hai thằng nhỏ có lẽ đi đường mệt nhọc sao đó, đã nằm lên bộ phản ngủ ngon lành. Những con muỗi đang tha hồ chúi đầu hút máu trên trán, trên cổ chúng. Chị Lâm vói tay chụp một cái giết mấy con rồi bảo:

– Treo mùng cho tụi nó ngủ đã nè. Lúc này muỗi nhiều như ong để nằm trần vậy có mà sinh bệnh ra.

Con Hoa nãy giờ ngồi bên bếp nói chuyện với bà nội, bỗng chạy tới kê mặt lên đầu gối tôi nói nhỏ:

– Mẹ ơi, nói nội cho con ăn gì đi mẹ, con đói bụng.

Tôi nhìn bà nội đang loay hoay trong bếp rồi nhìn con:

– Đợi một chút…

Ánh cũng nhìn vào bếp, nơi bà nội đang làm gì đó. Xong Ánh lại nhìn tôi:

– Thôi mình về cô Lâm ơi, để chị Ngọc tắm rửa cho mấy cháu rồi còn ăn uống đi nghỉ nữa chứ. Mình cũng cần nghỉ để ngày mai dậy sớm còn đi gặt! À, khi nào rảnh chị sang nhà em chơi. Ba mẹ em vẫn nhắc đến chị hoài. Em cũng báo cho chị biết, chừng mươi ngày nữa em dời nhà đi chỗ khác rồi.

Lúc ấy nhà Ánh chỉ cách nhà tôi một đoạn đường ngắn. Trước đây, nhà Ánh nghèo nhưng lại được một người cậu làm ăn khá giúp đỡ nên Ánh vẫn được đi học. Hồi ấy Ánh vẫn hay qua lại nhà tôi để hỏi han bài vở. Khi nhà tôi có chuyện gì cần tôi cũng gọi Ánh đến giúp. Chúng tôi vẫn thân thiết với nhau như chị em. Nghe Ánh nói sắp dời nhà đi nơi khác tôi ngạc nhiên hỏi:

– Ánh sắp dời nhà đi đâu xa không? Vì sao vậy?

Ánh cười cười:

– Đi kinh tế mới! Người ta đuổi mà!

– Thật không? Vì sao người ta lại đuổi?

Ánh cười giải thích:

– Nói chơi vậy chứ khu đất em đang ở giờ ba em giao lại cho bác Lẹ em đi tập kết ngoài Bắc mới về. Xã đã thế cho nhà em một miếng đất khác ở rẫy chè của bà Năm làm lô gia cư. Rẫy chè đó giờ chính quyền chia thành năm sáu lô để cấp cho những gia đình chưa có đất làm nhà. May mắn ba em bốc thăm trúng được phần đất có một số cây chè uống khá ngon lành…

– Bà Năm nhường đất lại cho chính quyền à?

Chị Lâm trả lời thay Ánh:

– Nhường gì mà nhường. Bây giờ đất nào cũng là đất của nhà nước hết. Ai có nhiều đất thì chính quyền lấy bớt chia cho những người không có. Thôi, bữa nào gặp lại sẽ nói chuyện nhiều hơn.

Hai người chào ra về. Tôi định rửa ráy cho con Hoa, nhưng nhìn vào ghè nước thấy chỉ còn một lớp nước mỏng dưới đáy không lút được cái gáo dừa. Người tôi đã quá mệt nên đổ lười, tôi nói:

– Thôi, hai đứa kia đi ngủ rồi, con Hoa sáng mai tắm rửa luôn! Bây giờ vô coi bà nội cho ăn chi mà đi ngủ cái đã. Từ sáng tới giờ ba mẹ con với ba ổ mì và mấy cái bánh ú, cũng đói rồi… Mẹ nấu gì đấy mẹ?

– Nước chè, sôi rồi.

Bà nội bưng cái soong đặt lên bàn rồi rót ra mấy chén lưng lưng. Sau đó bà nội bước lại nghiêng chiếc ghè đựng nước để múc một gáo đem chế cho mau nguội. Nghe tiếng gáo cọ vào đáy ghè kêu rột rột tôi thấy ghê ghê muốn quên cả khát.

– Uống đi, nước chè ngon lắm!

Tôi hơi ngạc nhiên, nhìn bé Hoa mà tội nghiệp:

– Con tưởng mẹ nấu cơm chứ!

Bà nội cười chống chế:

– Gạo trong nhà bữa ni không còn một hột. Ngày mốt nhà mình mới mua lúa điều hòa được con ơi. Tiền mẹ vẫn để dành sẵn đó có dám mua chi mô. Mấy hôm ni mẹ cứ ăn ba cái bí.

Thấy tôi im lặng, bà nội cười giả lả tiếp:

– Khi nãy có con Lâm con Ánh mẹ không dám cắt bí ra nấu, thôi ráng chờ một chốc bà nội nấu bí cho ăn nghe!

Tôi thấy vừa thương xót vừa hơi giận bà nội. Không ngờ cảnh nhà tôi lại bi đát đến thế. Những lá thư gởi cho tôi bà nội có bao giờ đề cập đến cảnh này đâu?

– Thôi mẹ, khuya quá rồi, mẹ đi ngủ đi, sáng mai nấu ăn luôn thể.

Thế rồi tôi trải chiếu giăng mùng ép bé Hoa đi ngủ.

*

Tôi vừa nằm xuống là đánh một giấc chẳng còn biết trời trăng mây gió gì nữa. Tới khi nghe mấy hồi kẻng báo thức vang lên tôi mới giật mình thức dậy. Trời vẫn còn tối om. Đôi mắt ngái ngủ cay sè, tôi định nằm lại thì nghe tiếng bà nội hỏi:

– Ngủ được không con?

– Được mẹ, ngủ như chết! Ở đây sáng nào người ta cũng đánh kẻng báo thức sớm như thế hả mẹ? Bây giờ là mấy giờ?

– Thường là bốn giờ, phải báo thức để người ta dậy sửa soạn đi mần chứ!

Tôi cảm thấy ngao ngán cái cảnh nghe kẻng dậy sớm như thế này lắm. Xưa nay tôi vẫn có thói quen dậy trưa. Nhất là thời gian ở xứ Đà Lạt mù sương, tuy nói thức dậy sớm nhưng thực sự tôi cũng chỉ thức dậy sau khi mặt trời đã mọc. Mỗi lần có chuyện gì bất đắc dĩ phải thức dậy sớm, tôi vẫn phải mắt nhắm mắt mở để làm việc.

– Mẹ à, ở đây ngoài việc làm ruộng rẫy với hợp tác xã, còn có việc gì làm được nữa không?

– Có chứ, như nuôi heo, chăn vịt, chạy máy xay xát, nhưng đều có người mần cả rồi. Mình thì cứ công việc ruộng rẫy thôi con ơi!

Tôi nói như than thân:

– Như thế sợ con làm không nổi đó chứ. Khi kia cứ ở trong ấy buôn bán còn đỡ hơn.

– Lâu ni con có thư từ với anh chị giáo không?

– Dạ có, ba mẹ con vẫn khỏe và cũng hay gởi lời hỏi thăm mẹ. Nghe đâu mới đây thành ủy Sài Gòn có giao cho ba con dịch mấy quyển sách Pháp ra tiếng Việt. Con cũng mừng vì việc đó hợp với khả năng của ba con. Cũng hi vọng nhờ việc đó, ba con cũng kiếm được một ít tiền. Chứ cả hai ông bà đều lớn tuổi quá rồi đâu có làm gì được! Trước đây ba mẹ con còn lãnh được hưu bổng, giờ còn gì đâu. Khi sắp ra đây con cũng đã gởi thư báo cho ba mẹ con biết rồi.

– Dịch sách rứa người ta trả tiền cho mình hả con? Có nhiều không?

Câu hỏi của bà nội khiến tôi nghĩ tới cha tôi. Ông là một giáo sư dạy Pháp văn giỏi có tiếng. Trước 1975, dù cha tôi đã đến tuổi về hưu nhưng một số trường học vẫn mời ông ở lại dạy tiếp tục. Ngoài việc dạy học, ông còn dịch một số sách từ Pháp ra Việt và đôi khi dịch cả từ Việt văn ra Pháp văn nữa. Tôi trả lời bà nội với giọng hãnh diện:

– Như ngày trước thì cũng khá đấy. Bây giờ không rõ ba con đã được nhận  ít nhiều chi chưa nhưng theo thư gởi cho con thì ba con đã được ông Trường Chinh và ông bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khen ngợi lắm. Ba con vốn tánh tình cẩn trọng, làm chi cho ai là làm tới nơi tới chốn. Mẹ con nói vừa được giao cho việc dịch sách, ba con liền đi sắm lại ngay bốn cuốn tự điển lớn mặc dầu lúc đó loại sách ấy hiếm và rất đắt. Thật ra theo con biết ba con không cần thiết sách ấy lắm đâu, nhưng ba con muốn bất cứ ai thắc mắc chữ nghĩa sẽ cho họ thấy minh bạch. Ba con có được công việc ấy con cũng an tâm lắm.

Bà nội lại hỏi:

– Rứa lâu nay ở trong ấy con có dồn độ được ít nhiều chi không?

– Dạ cũng có chút ít. Ba mẹ con có nói nếu ba con dịch sách mà khá được, sẽ phụ giúp thêm cho con một  ít vốn nữa để buôn bán.

– Thôi con ơi, thời buổi ni cứ ruộng rẫy là được rồi. Buôn bán bị người ta dòm ngó cũng khó lắm.

Sau một hồi nói chuyện với bà nội cũng như tôi tỉnh ngủ hẳn. Bấy giờ tôi mới cảm thấy đói bụng, tôi cười:

– Con dậy chặt bí nấu cháo nghe mẹ. Không biết mấy đứa nhỏ có chịu ăn không đây. Rồi mình đi mua gạo ở đâu? Chắc đứa nào cũng đói chết cha nó cả rồi.

– Ừ, con dậy chặt bí nấu đi!

Rồi bà nội ngập ngừng nói tiếp:

– Còn gạo mua ngoài mắc lắm. Để mẹ qua bác Thập mượn một ít rồi ngày mai mình mua lúa điều hòa xay ra trả lại cũng được…

Tôi vừa thắp đèn vừa nhăn mặt khó chịu:

– Trước sau cũng phải mua, lúa điều hòa của mẹ có đủ cho cả nhà ăn không? Con mới vừa về đầu hôm mà buổi sớm mẹ đi mượn gạo coi sao được?

Bà nội thấy tôi nói có lý lặng lẽ cúi xuống giường lôi ra hai trái bí đỏ nhỏ cùng cái dao phay đưa cho tôi:

– Phải dùng dao ni chặt nó mới bể. Bí tra vỏ cứng quá mẹ phải vằm nhiều lần mỏi cả tay.

Sực nhớ ghè nước đã cạn, tôi vội tìm gàu thùng để đi gánh. Khi nước tạm đủ dùng, tôi lấy tấm thớt đặt lên một cái tẹt rồi lại kê trái bí lên. Tôi cầm dao phay dùng sức chặt mạnh xuống một cái. Nhưng trái bí không bể mà lăn ra một góc xa.

– Trời đất, dao lụt quá mà bí lại cứng như đá!

– Từ từ mà chặt con. Muốn nấu một trái mẹ phải chặt hơn chục lần mới xong đó. Mấy hôm ni mẹ ăn toàn bí không à.

Tôi không khỏi vừa thương hại vừa tức cười hỏi lại:

– Thế mà mẹ chịu nổi? Mẹ ăn bí với đồ ăn gì? Một trái cỡ như thế này ăn được mấy bữa?

– Còn một ít đậu xanh, mỗi lần nấu mẹ bỏ vô một dúm, thêm một ít muối. Một trái mẹ có thể ăn được một ngày hay một ngày rưỡi không chừng.

Tôi càng ngạc nhiên và tội nghiệp cho bà nội. Trái bí loại nhỏ một người mạnh ăn một bữa không đủ thế mà bà nội có thể chia ra ăn một ngày rưỡi?

– Mẹ ăn vậy làm sao mà no?

– Chứ lấy mô mà ăn cho nhiều?

Sực nhớ đến việc buôn bán đang thịnh lợi của mình ở Đà Lạt, tôi tiếc rẻ:

– Khi kia mẹ theo con vô trong đó ở nhà giữ cháu để con buôn bán có sướng hơn không?

– Con nói rứa chứ mồ mả tổ tiên còn ở đây cả đi răng được? Ngày tết ngày giỗ ai lo hương khói? Có phải sống mãi như ri mô mà con sợ? Con không nghe ông thủ tướng nói là năm ni trong bước đầu ít nhất mỗi nhà sẽ có một cái đồng hồ à? Chừ người ta khổ thì mình cũng phải khổ, tới khi người ta sướng thì mình cũng sướng theo chứ lo chi? Bác Hồ nói: “Nhà tan cửa nát cũng ừ, Đánh xong giặc Mỹ cực chừ sướng sau”, chừ đã đánh thắng Mỹ rồi cứ đợi mà sướng thôi con à!

Bà nội nhiễm lý thuyết của mấy ông cách mạng rồi! Tôi cười thầm. Mỗi nhà ít nhất sẽ có một cái đồng hồ? Chắc không? Tôi sực nhớ là trước đây trong nhà vẫn có một cái đồng hồ để bàn tuy khá cũ nhưng vẫn còn chạy tốt. Đầu hôm tới giờ không còn nghe cái tiếng kêu tích tắc quen thuộc của nó, tôi hỏi:

– Thế cái đồng hồ của mình đâu rồi mẹ?

– Để ở nhà ông Sang rồi. Khi mới giải phóng, ông Sang đi tập kết ngoài Bắc vô hay ghé nhà mình chuyện vãn với cha con lắm. Thấy ông ta nhìn cái đồng hồ ấy có vẻ thèm thuồng, cha con hiểu ý nên đã tặng cho ông ấy.

– Cái đồng hồ đã cũ mèm đáng giá chi, trong nhà lại đang dùng mà ông nội lại đem tặng cho người ta?

Có lẽ không hiểu ý tôi, bà nội nói:

– Có lẽ cha con nghe ông thủ tướng nói trên đài là sang năm 1976 ít nhất mỗi gia đình Việt Nam sẽ có một cái đồng hồ, trước sau mình cũng có cái khác, nên đem tặng để lấy lòng ông Sang đó. Nói rứa chứ dẫu là đồng hồ mới cha con cũng sẵn sàng tặng nữa huống chi là… Mà cũng được thôi, mai mốt thằng Thành về biết mô lại chẳng phải nhờ cậy đến ông ta?

Tôi chợt xúc động, có thể ông nội nghĩ đến chuyện nhờ cậy ông Sang sau này thật. Ông nội hiền lành chất phác, thương con cháu rất mực, lúc nào cũng nghĩ đến tương lai lớp hậu duệ. Bình sinh, ông nội vẫn đi khuya về tối cần cù chăm chỉ làm ăn, nhưng gặp bà nội có mạng thảnh thơi nên dù ông nội cố gắng mấy cũng không thể đưa gia đình khá lên được. Ông nội đã qua đời trong một hoàn cảnh hết sức túng thiếu và đơn chiếc, chỉ có người vợ bên mình chứ chẳng thấy được con cháu gì cả.

Tôi cũng hơi tức cười chuyện ông cán bộ tập kết ra Bắc trở về được bạn tặng cái đồng hồ cũ mèm mà cũng lấy! Ông ta đâu có khó gì việc kiếm một cái đồng hồ mới trong năm 1976 khi mà mỗi gia đình đều sẽ có một cái?

Thấy nồi cháo bí đã nhừ, tôi bưng xuống rồi thay vào bếp một soong nước uống. Sau đó, tôi múc ra nhiều tô cho chóng nguội. Xong xuôi, tôi nói với bà nội:

– Đứa nào thức dậy mẹ bảo nó súc miệng rửa mặt rồi ăn kẻo đói. Con phải đi gánh thêm vài đôi nước cho xong để rồi sáng còn phải lo đi mua gạo và ít thức ăn chi nữa. Tụi nó ăn bí không quen chịu không nổi đâu.

– Thôi, để trưa trưa rồi gánh. Ban ngày người ta đi mần hết giếng ít người đỡ mất công chờ đợi. Còn buổi sáng sớm và buổi tối người ta gánh đông quá nước mạch ra không kịp mô!

Bấy giờ tôi mới để ý nghe tiếng người huyên thuyên quanh xóm. Con đường kiệt trước nhà nàng người ta đang đi lại rộn rịp. Tôi nhớ tới lời chị Lâm và cô Ánh hồi hôm rồi thở dài qua tiếng ngáp:

– Vài bữa nữa mình cũng phải hòa nhập với người ta rồi, lại lỡ bước mất rồi!

 

Đọc tiếp Chương 5