THĂM THẲM TRỜI XANH / Chương 3

Sau khi tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng phe cách mạng, tình hình miền Nam dần lắng dịu. Thành phố Đà Lạt cũng trở lại sinh hoạt bình thường. Các đài phát thanh, báo chí và các nguồn thông tin khác của chính quyền đều loan báo những thông cáo về chính sách khoan hồng, nhân đạo của chính phủ cách mạng đối với những người đã phục vụ trong chế độ cũ làm tôi vô cùng cảm động. Theo đà tiến triển này, nếu chồng tôi còn sống, không bao lâu nữa anh ấy sẽ được trở về với gia đình.

 

Trước đây tôi đã trình diện Sở Học Chánh của bộ QGGD cũ. Gặp lúc ấy tình hình đang lộn xộn nên tôi chưa được bổ nhiệm về nơi nào. Vì thế tôi vẫn được coi như nhân viên của sở. Khi nghe chính quyền kêu gọi các viên chức giáo dục trở về trình diện nhiệm sở cũ, cô Hậu khuyên tôi:
– Con cũng nên đến trình diện sớm để họ khỏi làm khó dễ. Nếu như người ta từ chối không cho dạy học nữa, con cứ ở đây phụ buôn bán với cô để nuôi con. Khi nào rảnh thì con cứ lo cầu nguyện. Trời Phật sẽ che chở, thằng Thành chắc chắn sẽ có ngày trở về với con!

Thật tình tôi rất yêu cái nghề dạy học. Tôi rất sợ phải xa rời nó. Thế nhưng khi đã vào trình diện ty giáo dục Tuyên Đức, tôi không vui chút nào. Người ta hỏi tôi như hỏi cung tội phạm, rất mệt mề. Tôi phải kê khai lại thật kỹ lý lịch của mình. Sau đó người ta bảo tôi tạm về nhà, nửa tháng sau trở lại. Tôi đến lần thứ hai cũng bị người ta hẹn lại nữa. Bực mình quá, tôi muốn bỏ luôn, nhưng suy nghĩ lại tôi cũng sợ. Khi tới ty lần thứ ba tôi mới được bổ nhiệm. Ngặt nỗi tôi phải làm việc tại một ngôi trường khá xa thành phố Đà Lạt. Đó là trường phổ thông cấp 2 Đồng Tiến ở tỉnh Lâm Đồng cũ. Phương tiện đi lại lúc ấy đâu có dễ dàng gì, lòng tôi vô cùng chán ngán!

Cầm tấm giấy bổ nhiệm trong tay mà dở cười dở khóc. Tôi cứ hối hận thà đừng đi trình diện cho xong! Khi tôi nói chuyện này với cô Hậu, cô hỏi:

– Con không lấy lý do có mấy đứa con dại để xin họ cho dạy ở Đà Lạt được à? Mà sao mình ở Tuyên Đức người ta lại đưa đi dạy ở Lâm Đồng?

– Dạ con nghe nói Tuyên Đức Lâm Đồng đã nhập chung. Con năn nỉ xin dạy ở Đà Lạt hết sức nhưng họ bảo con nên tuân lệnh để người ta dễ chiếu cố khoan hồng cho chồng con. Dạy một nơi xa như vậy con nản quá, bây giờ con muốn ở nhà buôn bán với cô được không?

Cô Hậu khuyên:

– Thôi, đã lỡ trình diện rồi thì phải tuân lệnh. Nếu không, sợ người ta có thể làm khó cho chồng con sau này đó. Cứ tới trường Đồng Tiến làm việc một thời gian xem sao. Tụi nhỏ cứ để ở nhà đây với cô. Mấy thằng chú nó không đứa này thì đứa khác vẫn thay nhau ở nhà, lo gì. Kẹt lắm cô dắt chúng ra chơi ở sạp hàng của cô cũng được.

Thế là tôi lại khăn gói quả mướp tìm đường đến trường Đồng Tiến. Khi bước vào văn phòng trường, tôi không gặp ai ở đó cả. Thấy một người đang dọn dẹp lặt vặt trước sân tôi liền hỏi thăm. Ông ta chỉ cho tôi lại nhà ông hiệu trưởng, cũng ở trong khuôn viên trường. Tôi bước đến ngôi nhà ấy. Nhà mở cửa. Tôi thấy một người đàn ông ăn mặc xoàng xĩnh đang ngồi dựa ngửa trên một chiếc ghế xa lông, một chân duỗi thẳng gát lên chiếc bàn trước mặt, một chân co lại trên ghế. Tôi hỏi lớn:

– Thưa ông, có phải đây là nhà ông hiệu trưởng? Tôi mới được bổ nhiệm đến đây, xin trình diện để nhận việc!

– Cô cứ vào!

Dù có mặt tôi ông ta vẫn thản nhiên giữ tư thế ngồi cũ. Tôi hơi ngượng trước thế ngồi có vẻ phóng túng của ông hiệu trưởng. Với dáng điệu kẻ cả, ông ta chỉ tay mời tôi ngồi để nói chuyện. Sau khi hỏi sơ qua về tôi, ông ta nói:

– Cô đến trình diện muộn quá, hết cả lớp dạy rồi! Trước kia cô có nuôi gà nuôi vịt bao giờ chưa?

Câu hỏi hơi lạ tai nhưng tôi thấy ông hiệu trưởng nghiêm nghị không có vẻ gì là hỏi đùa cả nên cũng thành thật trả lời:

– Dạ, trước đây trong nhà tôi vẫn có nuôi một ít gà vịt.

– Được, thế thì bây giờ cô tạm nhận việc coi sóc phòng nuôi gà của trường vậy!

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

– Thưa ông, gà nuôi thí nghiệm à?

– Cũng đúng một phần. Việc nuôi gà này nằm trong mục kết hợp giữa học với hành của nhà trường đấy mà. Cũng như tổ mộc, tổ gạch do những giáo viên có chuyên môn phụ trách để dạy cho học sinh lý thuyết sau đó lại tổ chức thực tập vậy thôi. Nếu kết quả tốt, gà bán được trường sẽ đắp vào quỹ nhà trường. Ngoài ra, ta có thể dành một phần để cải thiện đời sống cho các giáo viên.

– Dạ, nhưng sao lại nuôi gà trong phòng?

– Có gì lạ đâu cô! Gà nuôi thả bên ngoài hay bị người ta bắt trộm. Trường ta lại đang dư một số phòng mắc gì không nuôi trong phòng cho an toàn? Giống gà chúng ta nuôi đều là giống gà công nghiệp như gà trắng Mỹ, gà “lơ go”… Kể ra tốn cũng khá nhiều tiền mua gà giống đấy. Công việc giản dị lắm, cô cứ tạm nhận việc này một thời gian rồi nhà trường sẽ bố trí công việc khác cho cô!

Một cô giáo dạy Việt văn bỗng trở thành một người nuôi gà, dù là làm tạm thời, thật tình tôi chẳng vui chi. Nhưng “gặp thời thế thế thời phải thế”, biết làm sao!

– À, còn việc này nữa. Đà Lạt cách trường này cũng khá xa, cô không thể đi lại hằng ngày được. Sau ngày giải phóng, nhiều học sinh không đi học nữa nên trường ta còn dư nhiều phòng. Những giáo viên nhà ở xa, phần đông là các giáo viên chi viện*, giáo viên lưu dung* thì ít hơn, vẫn ở lại trong các phòng trống đó. Cô cũng nên thu xếp một chỗ để ở như họ, khỏi thuê mướn bên ngoài tốn kém. Những khi có giáo viên lớp nào bận việc bất thường cô sẽ lên lớp* thế cho họ. Ngày nghỉ nào trường không sinh hoạt, nếu thuận tiện cô có thể về thăm nhà. Việc cho gà ăn sẽ có người khác lo giúp.

Phòng nuôi gà này đã được dự tính từ lâu nhưng tới nay mới thực hiện được. Ban đầu ông hiệu trưởng phân công các giáo viên thay nhau trông coi. Nay thấy tôi mới đến chưa có lớp dạy, ông hiệu trưởng bèn giao nhiệm vụ này cho tôi. Ông muốn có một người chuyên trách việc đó rồi tiến dần tới việc trồng cà ớt, rau cải trên phần đất nào có thể khai thác được trong khuôn viên trường. Việc này cũng nhắm mục đích vừa cho học sinh thực tập vừa cải thiện cho cán bộ nhà trường.

Khi tiếp nhận phòng nuôi gà, tôi thích thú thấy đàn gà con nào con nấy mập chú ụ ríu ra ríu rít tranh ăn trông dễ thương lạ lùng. Thức ăn của chúng khá dồi dào. Ngoài thức ăn phải mua, nhà trường còn vận động các em học sinh tiếp tay với những thực phẩm địa phương. Tiếc một điều phòng nuôi gà không có đủ ánh sáng. Phòng có một cửa chính và bốn cửa sổ. Mỗi cửa sổ đều được che một tấm mành thưa đan bằng tre để chắn gà khỏi nhảy ra ngoài.

Đàn gà cứ lớn lên như thổi, trông thật sướng mắt. Hằng ngày chung đụng với chúng tôi cũng giảm được ít nhiều muộn phiền…

Từ khi chính quyền cách mạng cho biết đường dây liên lạc Nam Bắc đã nối, tôi đã gởi khá nhiều thư cho ông bà nội lẫn ông bà ngoại. Đến trường Đồng Tiến tôi lại tiếp tục gởi nhiều thư nữa. Tôi sốt ruột chờ nghe tin nhà lắm, nhất là tin tức về anh Thành. Tôi dùng cả địa chỉ ở Đà Lạt lẫn địa chỉ mới ở trường Đồng Tiến. Thế mà không hiểu sao quá lâu tôi vẫn chẳng nhận được hồi âm. Trong lòng tôi cứ bồn chồn lo lắng ăn ngủ không yên. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc phòng gà, tôi ra sân sau của trường xới mấy đám đất nhỏ để trồng trọt theo ý muốn của ông hiệu trưởng. Dần dần tôi cũng có phần thích thú với công việc này.

Vì quá nhớ mấy đứa con, mới một tháng tôi đã xin về Đà Lạt thăm gia đình.

Vừa về đến nhà cô Hậu, tôi gặp hai người đàn bà lạ mặt đang ở đó. Có lẽ cô Hậu đã cho biết trước tôi là cháu dâu nên họ đều vồn vã chào hỏi tôi. Cả hai người đều trông xanh xao võ vàng, nửa quê mùa nửa có vẻ “ta đây”. Sau vài lời xã giao, họ chào tôi để ra sạp hàng chơi với cô Hậu. Khi hai người đi rồi thì thằng Sơn từ trong phòng ngủ bước ra. Tôi hỏi Sơn:

– Em ngủ giờ này mới dậy à?

– Đâu có, em nằm chơi thôi. Nghe mấy bà ấy nói chuyện chán quá em không muốn ra. Có lẽ giờ này mấy cháu đi học cũng sắp về rồi đó chị!

– Mấy bà nào đó vậy em?

– Bà Hương bà Tằm, bạn của mẹ em. Họ là cán bộ cách mạng ở trên chiến khu mới về, nay đang ở nhà mình.

– Thế hai chú bộ đội đâu rồi?

– Họ đã đi nơi khác.

– Thời gian này cô buôn bán có khá không?

– Em cũng không biết. Nhưng mẹ em cứ lo săn sóc hai người bạn ấy quá làm tụi em đứa nào cũng bực mình. Chị nghĩ, thấy hai bà ấy ốm o, mẹ em không ngớt chăm sóc họ từng miếng ăn miếng uống cẩn thận hơn cả khi tụi em bị bệnh. Mẹ em cũng không ngần ngại sắm cho các bà nào áo ấm, nào mũ len, nào bao tay, bít tất… Cứ nghe họ nói “mình muốn cái này, mình muốn cái kia…” là mẹ em tìm cách thỏa mãn cho họ ngay. Mẹ em còn lục lọi hết số áo quần cũ có sẵn trong nhà, cái nào không dùng đều tặng họ hết. Hai bà này đều là người rất thực tế, cho gì cũng nhận, kể cả đồ đàn ông. Khi họ đến chỉ có hai cái xách rỗng, bây giờ cả hai đều có rất nhiều quần áo, đồ đạc, mỗi người chất một va li lớn không hết. Mẹ em đã trải lòng ra để sống với bạn bè như thế đó. Nhưng em thấy hình như họ chẳng thành thật gì. Họ đã triệt để khai thác lòng thương yêu bạn bè của mẹ em. Em càng chán họ khi mở mồm ra là ca tụng cuộc sống thiên đường ở miền Bắc, ca tụng chính sách khoan hồng của chính phủ lâm thời. Tất nhiên em chỉ nghĩ  để bụng. Nói ra sợ mẹ em buồn. Không hiểu mẹ em có dụng ý gì khi đối xử quá tốt với hai người bạn này không.

Tôi nói:

– Có lẽ cô muốn tạo những điều kiện thuận lợi cho dượng sau này đó em.

-Có thể là như thế. Mới đây mẹ em cùng với hai bà lại rủ nhau đi Lâm Đồng mấy ngày. Em cứ tưởng thế nào mẹ em cũng ghé thăm chị chứ. Khi trở về thấy mẹ em không được vui. Tụi em hỏi mẹ đi đâu, mẹ chỉ nói là đi chơi. Em hỏi mẹ tin tức về ba em mẹ lại nói chưa nghe được. Em nghĩ có thể mẹ em đã giấu chúng em một điều gì.

– Sơn này, hình như hai bà ấy bị bệnh sốt rét phải không?

– Tất nhiên rồi, nhưng hồi còn ở trong rừng thôi. Em vẫn hay nghe họ khoe khoang cái bệnh sốt rét của mình như một thành tích lớn! Đói xanh xương đi mà lúc nào cũng nói dóc em ghét tổ!

– Trước kia mấy bà cũng ở Đà Lạt này sao mà cô quen?

– Ở Đà Lạt chứ đâu chị!

– Họ làm công tác gì?

– Cán bộ kinh tài. Buôn bán dạo rau cải.

– Sao kỳ vậy? Hai bà thân thiết với cô sao cô không giúp họ sắm sạp hàng để buôn bán luôn mà lại phải buôn bán dạo?

Sơn cười cười nói nhỏ:

– Mua bán dạo chỉ là cái cớ thôi. Hai bà đi cốt dò đường ở mấy nơi trồng rau cải nhiều, xem người ta đổ phân cá ở đâu. Đêm đến lại dẫn người về hốt xác cá và muối còn sót trong phân cá ấy để dùng.

– Sao em rành dữ vậy?

– Chính hai bà nói với mẹ em! Trong rừng thiếu muối quá mà trong phân xác cá ấy thiếu gì muối! Muối để ép nước mắm đó mà! Bà Tằm cho biết trong rừng đã nhiều lần người ta phải chia khẩu phần muối bằng nắp ken chị ơi. Nhờ lượng muối lấy ở phân cá ấy mà cách mạng nuôi dưỡng hàng tiểu đoàn trung đoàn bộ đội lận đó.

Hai chị em đang nói chuyện thì thấy ba anh em thằng Tí dắt nhau về. Sơn lại cười rồi nói:

– Em đi ngoài này một chút chị nghe! Hôm nay là phiên em coi chừng bọn nhỏ, bây giờ có chị về em giao cho chị!

Hóa ra lũ con tôi cũng làm phiền mấy em con cô Hậu không ít. Các em phải chia nhau trực ở nhà để coi chừng chúng! May mắn là trường học chỉ cách nhà cô Hậu chừng hai trăm thước, đường lại dễ đi. Các em chỉ phải dẫn dắt lũ con tôi một thời gian ngắn. Bây giờ thì lũ nhỏ đã tự túc đi với nhau.

Thấy tôi về lũ con tôi mừng lắm. Chúng thay nhau tíu tít kể cho tôi nghe chuyện này đến chuyện khác. Thật ra con Hoa chưa đi học. Hằng ngày tuy cùng đi với hai anh nhưng nó chỉ đến một nhà ở gần trường. Đó là nhà người bạn của cô Hậu, cũng có mấy đứa trẻ đồng lứa với Hoa. Cô Hậu đã gởi nó đến đó để chơi với các bạn. Khi bãi học, thằng Tí thằng Sửu lại ghé nhà ấy dẫn em chúng về.

Gặp lại các em con cô Hậu, không nghe em nào phàn nàn gì về mấy đứa nhỏ, tôi cũng yên tâm. Tôi cũng thấy rõ cả bốn em đều lộ vẻ không bằng lòng về cách đối xử rộng rãi của mẹ mình với hai người bạn.

Trong bữa cơm tối, khi ngồi chung với cô tôi và hai bà ấy tôi mới thật sự hiểu rõ nguyên nhân: đúng là hai bà lý tài quá!

Đêm đó nói chuyện với cô Hậu, tôi thấy cô có vẻ uể oải, bần thần. Tôi hỏi hai bà bạn của cô gia đình ở đâu, họ ở lại đây làm gì, cô chỉ cười cười. Tôi ngủ với lũ con một đêm rồi hôm sau trở về Bảo Lộc.

Ngày lại ngày tôi lại tiếp tục đóng vai mẹ hiền của đàn gà.

Nhưng rồi một hôm tôi bỗng thấy vài con gà tự nhiên đầu vẹo một đường, đuôi vẹo một ngả, lại có vài con khác bại chân. Xem kỹ tôi lại nhận ra có vài con mắt bị mù nữa. Tôi báo cáo hiện tượng này cho ông hiệu trưởng, ông bảo:

– Cứ nhốt riêng chúng trong một cái lồng. Vài ba con bệnh ăn nhằm gì! Cứ lấy tỏi ép chúng ăn chúng sẽ lành!

Tôi làm theo lời ông ta. Nào ngờ hôm sau, ngoài mấy con đã nhốt riêng, trong đàn lại có thêm nhiều con bị bại, bị mù nữa. Tôi lại báo cáo. Ông hiệu trưởng lúng túng ra mặt. Một vài con gà bệnh có thể nhốt riêng, bây giờ số gà bệnh tăng thêm, biết nhốt vào đâu? Cuối cùng chúng tôi đành lấy một tấm phên để ngăn gà lành một bên gà bệnh một bên thôi.

Tới lúc này tôi mới biết trong trường chẳng có người nào nắm vững được lý thuyết về việc nuôi gà cả. Chừng một tuần sau thì đàn gà mập mạp xinh xắn trước đây lần lượt trở thành mù què gần hết. Chúng tôi chỉ biết lấy tỏi xé ra từng múi nhỏ đút vào miệng chúng. Có một điều lạ là không có mấy con bị chết. Nhìn những con gà bệnh lê lết thật thảm hại. Những con gà què thì cứ đứng lên té xuống, vói mỏ mổ một hạt gạo hằng chục lần mới trúng. Những con gà mù thì mắt lồi ra, phải đứng trên đống thức ăn may ra mới ăn được. Ai vào thăm phòng nuôi gà lúc này cũng tiu nghỉu lắc đầu. Niềm hi vọng có một hai con gà béo để làm thịt vào dịp tết thế là tan biến hoàn toàn.

Rồi không hiểu do đâu, một số người cứ gọi tôi là “trại trưởng trại gà Nguyễn Đình Chiểu”. Càng về sau cụm từ đó càng trở nên phổ thông. Có một số người hỏi tôi ai đặt cái tên trại gà hay như vậy nữa chứ!

Thấy việc cho gà ăn đã trở nên khó khăn, ông hiệu trưởng phải cho nhiều người phụ giúp tôi. Một hôm một chị bạn ở cùng phòng, cũng giáo viên lưu dung như tôi – chị Bướm, hỏi đùa:

– Bà trưởng trại gà Nguyễn Đình Chiểu tính sao chứ cứ bắt chúng tôi phụ cho gà ăn mãi thế này ư?

Tôi cười hỏi lại:

– Nếu tôi được đề bạt làm trại trưởng thật chị chịu về làm phụ tá cho tôi không? Tha hồ ăn thịt gà!

Chị Bướm nhún vai:

– Thịt gà này có thuê tôi cũng không dám ăn đâu!

Tất nhiên, trông chúng gớm ghiếc thế ai mà dám ăn thịt!

Cả đống của như vậy giờ đành bỏ cả sao? Giả như chúng chết tiệt đi thì cũng khỏe. Đằng này chúng cứ sống dai dẳng mới khổ. Bỏ thì thương, sương thì nặng, từ hiệu trưởng đến giáo viên ai cũng mong có cách gì để giải quyết số gà của nợ trên. Tất nhiên tôi là người đau khổ nhất vì tôi là mẹ hiền của chúng.

Giữa lúc đó tôi nhận được lá thư  đầu tiên của ông nội. Tôi mừng hết sức khi được biết ông bà nội không hề bị làm khó dễ mặc dù ông bà có một người con là sĩ quan chế độ cũ hiện chưa rõ tăm tích. Ông nội cũng cho biết ông bà đã được cách mạng ưu đãi cho hưởng chế độ trợ cấp người mất sức lao động. Những người được hưởng chế độ trợ cấp này hằng năm sẽ được nhà nước bán cho một số lúa ước tính ăn đủ trọn năm với giá chính thức, khoảng 2/3 giá thị trường. Số lúa bán giá đặc biệt này người ta thường gọi là “lúa điều hòa”. Ông nội viết:

“… Hằng năm ba mẹ sẽ được mua lúa điều hòa của nhà nước, con khỏi lo chuyện ba mẹ bị đói thiếu. Nhà mình nhờ có mảnh vườn, ba mẹ có thể nuôi thêm con gà con vịt, có thể bòn buồng chuối, trái chanh, cả năm cũng dồn đủ tiền để mua số lúa ấy. Về tiền tiêu vặt, đồ ăn, ba mẹ có thể bòn mấy trái khế, trái ớt, kẹt lắm rọc ít tàu lá chuối đem ra chợ cũng đổi được một chút mắm muối! Ba mẹ chỉ mong con cố gắng lo được cho ba cháu trôi tròn là ba mẹ mừng rồi. Ba mẹ cũng mong đợi tin thằng Thành lắm. Khi nào có tin gì, con phải báo ngay cho ba mẹ biết!…”

Thấy ông nội tính toán chi ly về cuộc sống như vậy tôi cũng đỡ lo. Thế rồi tôi lấy lá thư bỏ vào một phong bì khác, định gởi về Đà Lạt cho cô Hậu đọc.

Nhưng tôi chưa kịp gởi đi thì bất ngờ cô Hậu lên thăm tôi. Khi có người cho biết cô Hậu lên tìm, tôi giật mình lo sợ. Chắc hẳn có tin gì đây! Vừa thấy cô, tôi hỏi ngay:

– Cô lên thăm con có chuyện gì không cô?

– Không có gì. Chỉ tại lâu nay thấy con sốt ruột chờ tin nhà, thấy có lá thư của ông bà ngoại gởi về cô lập tức đem lên cho con mừng thôi.

Vừa nói cô vừa móc túi lấy lá thư trao cho tôi. Chỉ vì thấy tôi nôn nóng chờ thư mà cô bỏ buôn bán để đưa đến cho tôi! Tôi cảm động hết sức. Thấy tôi có vẻ áy náy, cô Hậu giải thích:

– Cô lên đây cũng một công hai việc con ơi. Vừa để hỏi thăm tin tức dượng Tánh con, vừa đưa thư cho con. Đồng thời cô cũng muốn biết tin tức về gia đình con và thằng Thành thế nào?

Tôi mừng rỡ nhận lấy lá thư rồi dẫn cô về chỗ nghỉ của mình. Lúc ấy trong phòng vắng hoe vì các đồng nghiệp khác đang bận ở lớp dạy hết.

– Đọc lớn cho cô nghe với! – cô Hậu nói.

“… Lần ấy, khi đi thăm thằng Thành về, dù gặp một sự thật hết sức phũ phàng, ba đã không ngần ngại viết thư báo tin  cho con để tùy con định liệu. Không sớm thì muộn, đằng nào con cũng không tránh khỏi đối diện với sự thật phũ phàng đó, vậy thì giấu làm gì? Ba không muốn để dây dưa một vấn đề tối quan trọng như vậy: đó là chuyện chồng con bị cưa cả hai chân! Mấy hôm sau ba mẹ lại mua sắm một vài thứ cần thiết định lên thăm nó tiếp. Nào ngờ tình hình lúc đó đã rối ren quá, xe cộ đi lại hết sức khó khăn, ba mẹ không thể nào  thực hiện được ý muốn. Thế rồi bộ đội giải phóng vào tiếp quản Sài Gòn. Mấy hôm sau ba mẹ có nghe tin người ta đuổi tất cả thương bệnh binh của chế độ cũ ra khỏi quân y viện Cộng Hòa để dành chỗ cho thương bệnh binh bộ đội giải phóng. Nghe thì nghe vậy nhưng ba mẹ không tin những lời đồn đại này lắm. Đợi đến khi tình hình đã dịu, ba mẹ lại lên quân y viện để tìm nó. Nhưng tất cả đã đổi thay thật sự! Khi ba hỏi thăm, người ta cho biết những thương bệnh binh Ngụy đã tự động bỏ về cả rồi. Nếu quả thật nó về thì nó phải tìm về với ba mẹ trước đã chứ về đâu? Nhưng cả mấy tháng rồi ba mẹ vẫn không nghe tin tức chi về Thành cả… Đành chịu thôi!”.

Thật là một cái tin kinh khủng! Đọc đến đoạn này cả tôi lẫn cô Hậu không ai ngăn được nước mắt. Không ngờ anh Thành lại gặp một tình trạng bi đát đến thế! Một lát sau cô Hậu trấn tĩnh lại được. Cô nói với tôi:

– Thôi con, lau nước mắt đi chứ ở đây để vậy không hay đâu! Mình phải bình tĩnh để tìm cách dò hỏi, có thể nó còn trú ẩn ở nhà bạn bè đâu đó. Thảng hoặc nó có gặp chuyện rủi ro chẳng qua cũng là số phận thôi. Trách nhiệm của con bây giờ là phải nuôi mấy đứa con, dạy dỗ chúng sao cho nên người, làm sao cho ông bà nội ngoại vui lòng thì dù Thành  còn sống hay ở bên kia thế giới nó cũng sẽ hài lòng. Nhưng trời không hại người lành đâu! Cô tin sẽ có một ngày nào đó thằng Thành trở về với gia đình thôi!

Tôi biết là cô đã Hậu cố dằn mình lắm để an ủi tôi. Bản thân cô có thể còn đau khổ hơn tôi nữa! Dượng Tánh vẫn còn biệt mù tăm tích. Chồng tôi lại là đứa cháu ruột mà cô thương yêu chẳng khác gì con cô! Vì thế, tôi cũng cố trấn tĩnh để khỏi làm cô đau lòng rối ruột thêm. Tôi lau nước mắt, đọc cho hết bức thư rồi nói:

– Bây giờ con chỉ trông sao anh Thành được một người bạn tốt nào đó chứa chấp vì sợ anh đang bị thương tìm về nhà lúc này không tiện thôi!

Cô Hậu nói:

– Đây là cái nghiệp chung con ạ. Cả vạn vạn người lâm cảnh như vậy chứ không phải chỉ có mình đâu! Nó vượt khỏi tầm xoay xở của mình rồi. Con cứ giả quên đi để lo việc làm ăn nuôi con. Cô tin một ngày nào đó thằng Thành sẽ trở về. Nó sẽ vui khi thấy con nuôi mấy đứa nhỏ trôi tròn…

– À, cô có hai bà bạn cách mạng, họ có giúp ích được gì cho cô không?

– Giúp lỗ miệng!

Nét thất vọng hiện ngay lên gương mặt cô Hậu. Tôi hiểu mình không nên nói tới chuyện đó nữa. Đồng thời tôi cũng sực nhớ tới một chuyện khác:

– Nãy giờ đọc thư ông ngoại mà quên khuấy mất! Con cũng mới nhận được thư của ông nội. Ngoài đó thì tình hình tốt đẹp hơn. Ông bà nội đều được chính quyền bán lúa hạ giá cho hàng năm. Khỏi lo chuyện đói. Con đã bỏ vô phong bì khác định gởi về cho cô đó. Cô lấy về đọc đi!

*

Tôi lại trải qua những ngày tháng buồn chán với công việc trưởng trại gà Nguyễn Đình Chiểu kiêm y sĩ trưởng bệnh viện gà. Tôi rất thương những con vật tội nghiệp ấy và mong chúng được giải thoát càng sớm càng tốt.

Thời may, gần tới lễ Noel 1975, có một phái đoàn giáo dục của trung ương đến thăm trường. Buồn ngủ gặp chiếu manh, nhà trường đã hân hoan tổ chức chiêu đãi phái đoàn một bữa cơm thật thịnh soạn mà món nòng cốt là thịt gà. Mấy tay đầu bếp giỏi đã làm được những món ăn thật tuyệt vời. Toàn bộ thực khách đều tỏ vẻ hài lòng. Dĩ nhiên tất cả các giáo viên trong trường không một ai dám động đũa đến món ăn hấp dẫn đó.

Khi phái đoàn giáo dục trung ương trở về thì trại gà Nguyễn Đình Chiểu cũng bị dẹp luôn. Ông hiệu trưởng vui vẻ nói với tôi:

– Thôi, cho ba vạn tôi cũng không dám tổ chức nuôi gà nữa! Đợi qua lễ Noel tôi sẽ bố trí công việc khác cho cô!

*

Trường Đồng Tiến trước đây là một tư thục cấp 2, hầu hết học sinh đều là con cháu những gia đình gốc Bắc, theo đạo Chúa, di cư vào Nam năm 1954. Thành phần giáo viên ở trường hiện tại cũng phần nhiều là những người mới từ Bắc vào thay thế những giáo viên chế độ cũ đã di tản hoặc nghỉ dạy.

Trước kia, hằng năm vào dịp lễ Noel, học sinh trường Đồng Tiến vẫn thường được nghỉ vài ba ngày. Riêng năm nay, ban giám hiệu mới của nhà trường không theo lệ ấy, ngày lễ này học sinh vẫn phải đi học như thường. Vào chiều 24 tháng 12, trước khi bãi học, nhà trường cho đọc thông báo trên loa phát thanh như sau:

“Theo lệnh của ban giám hiệu, tất cả giáo viên và học sinh sau khi ăn cơm tối, phải tập trung trở lại trường trước 7 giờ để dự buổi sinh hoạt đặc biệt của  trường. Yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm các lớp phải điểm danh học sinh thật kỹ để nộp cho ban giám hiệu. Mọi sự sai sót, vi phạm sẽ bị xử lý đúng mức!”.

Từ khi đến làm việc nơi này, tôi thấy trường vẫn hay tổ chức những buổi sinh hoạt học tập chính trị bất thường cho giáo viên và học sinh ngoài các buổi học. Có thể là một buổi vào một ngày nghỉ hoặc vài giờ vào bất cứ buổi tối nào. Vì thế, tôi không lạ gì những buổi sinh hoạt như thế mà chỉ tội cho những học sinh Thiên Chúa giáo đêm đó không được thoải mái đi nhà thờ.

Sau khi dẹp “trại gà Nguyễn Đình Chiểu”, tôi cảm thấy khỏe người lắm. Tối ấy ăn cơm xong, tôi lững thững đi bách bộ vòng vòng trong sân trường. Khi đi qua cái bảng dán thông cáo, yết thị của trường, tôi bỗng giật nẩy mình. Trên bảng nổi bật một thông báo viết bằng phấn:

“Yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm sau khi điểm danh xong, hướng dẫn học sinh của lớp mình tập trung tại hội trường đúng 7 giờ 30 để nghe giáo viên Phan Diệu Ngọc thuyết trình về đề tài: Tôn giáo: một thứ nha phiến độc hại nhất của loài người!”.

Tôi hoảng quá. Hôm nay là ngày lễ lớn của một tôn giáo, tôi lại nói chuyện với đề tài “Tôn giáo là một thứ nha phiến độc hại nhất của loài người” thì có khác chi lấy gậy mà quậy tổ ong vò vẽ? Tất cả thù hận sẽ được người ta đổ dồn lên đầu tôi! Tôi không thể nào làm như thế được. Thế này là ông hiệu trưởng cố ý hại tôi rồi! Tôi lập tức đi như chạy tìm ông hiệu trưởng. Thấy tôi đến, ông ta ra vẻ mừng rỡ:

– May quá, tôi đang định cho người đi mời cô thì cô lại đến!

Tôi vào đề ngay:

– Thưa ông, tại sao ông giao cho tôi nói chuyện về một vấn đề quan trọng như vậy mà ông lại chẳng cho tôi hay trước một tí gì?

– Thì tôi đang định cho người đi mời cô đây!

– Ông phải cho tôi biết trước một thời gian để chuẩn bị chứ! Và đề tài cũng phải có tài liệu để tôi nghiên cứu nữa chứ!

– Cô khỏi lo, tài liệu đã có sẵn ở phòng tôi. Giờ cô đi với tôi đến lấy. Tôi nghĩ cô là một thầy giáo Việt văn, tài liệu đó cô chỉ đọc trong mười lăm phút là có thể nói được.

Tôi kêu lên:

– Trời ơi, tôi chỉ biết dạy Việt văn thuần túy chứ những đề tài về chính trị tôi đâu có thông! Hơn nữa, đề tài đó quá khó đối với tôi, xin ông cho người khác thuyết trình đi!

– Cô nói thế mà nghe được à? Một giáo viên dạy tiếng Việt có chồng là đại úy Ngụy mà dám nói không biết gì về chính trị?

– Thưa ông, thật tình tôi chỉ biết dạy tiếng Việt và làm nội trợ thôi!

– Không thể được. Tổ Văn đã họp bàn và đã quyết định như thế. Tôi đã báo cáo tên tuổi cô lên trên rồi giờ làm sao thay đổi?

– Nhưng với một đề tài mà tôi mù tịt làm sao tôi nói cho người khác nghe?

– Nếu cô nói đề tài đó không được, cô có thể tự chọn một đề tài khác tùy ý.

Thấy ông ta có chút nhượng bộ tôi cũng định nghe theo. Nhưng rồi tôi nghĩ lại mà giật mình. Không chừng người ta có thể buộc tội ban giám hiệu chỉ thị một đường tôi lại làm một nẻo! Tôi năn nỉ:

– Thưa ông, bây giờ đầu óc tôi bối rối lắm rồi, xin ông cho tôi một dịp khác.

– Nghĩa là cô cương quyết chống lệnh nhà trường?

Tôi không còn biết nói gì nữa. Nước mắt tôi trào ra. Ông hiệu trưởng vẫn tỏ ra một mực cứng rắn:

– Tôi hỏi lại, bây giờ cô có chịu thi hành chỉ thị của tôi hay không?

Làm sao đây? Tôi nghĩ đến những ánh mắt căm thù của các em học sinh. Tôi nghĩ đến thái độ xa lánh, sợ hãi của dân chúng địa phương. Tôi nghĩ đến thái độ khinh khi, né tránh của các đồng nghiệp… Tôi rùng mình. Cuối cùng, tôi cố lấy hết can đảm để nói một câu:

– Tôi sẽ làm đơn xin nghỉ việc từ giờ phút này!

– Đó là việc riêng của cô!

*

Sau khi viết xong lá đơn xin nghỉ việc, tôi về giường nằm khóc rưng rức. Thôi, thế là từ nay tôi phải rời hẳn ghế nhà trường. Từ nay tôi không còn được gần gũi những tâm hồn trong sáng, hồn nhiên nhất của xã hội. Ôi, tuổi học trò vô tư đáng yêu làm sao! Tôi không còn dịp được nói cho các em nghe về những áng thơ hay, về những bài văn bất hủ, về những tác giả nổi danh một thời… Tất cả đều sẽ qua hết! Vĩnh biệt bảng đen, vĩnh biệt phấn trắng! Vĩnh biệt sân trường, phượng vỹ với ve sầu…

Tôi đang miên man thổn thức bỗng nghe tiếng chị Bướm hỏi nhỏ:

– Chị Ngọc không ngủ được à?

– Hơi khó ngủ chị ạ.

– Thôi, buồn làm chi chị? Có lẽ rồi đây tôi cũng xin nghỉ dạy.

– Không buồn sao được chị Bướm! Xưa nay tôi vẫn coi nghề dạy học là nghề cao quí nhất đời. Tôi tiếc nuối phải xa rời những tâm hồn trong trắng của lũ học trò. Tôi tiếc rẻ những tình cảm nồng nàn, tha thiết, vô tư giữa thầy với trò, giữa bạn hữu với nhau. Tôi tiếc nuối những cảm xúc chân thành mọi người dành cho nhau vào những lần chia tay hay những cảm giác lâng lâng, xao xuyến khi thầy trò, bạn hữu gặp nhau vào những ngày tựu trường. Bây giờ tôi sắp mất vĩnh viễn tất cả!

Có lẽ thấy tôi buồn não quá, chị Bướm trổ giọng hài:

– Nhưng chị không tiếc chức trưởng trại gà Nguyễn Đình Chiểu chứ?

Chị Bướm đã làm tôi phải cười. Tôi hỏi lại:

– Chị có biết ai đặt ra cái tên trại gà Nguyễn Đình Chiểu không? Có dụng ý gì vậy?

Chị Bướm cười nói nhỏ:

– Chị không biết thật à? Gà mình nuôi trong phòng bị mù hết nhưng nào ai dám nói là phòng gà mù. Mượn tên cụ đồ mù Nguyễn Đình Chiểu là một cách nói bóng bảy văn hoa mà khỏi sợ rắc rối gì, chị thấy hay không?

Nghe xong tôi cũng bật cười:

– Trời ơi, thì ra thế, bây giờ tôi mới hiểu!

Chú thích: *Giáo viên chi viện: Giáo viên từ miền Bắc vào tăng cường. Giáo viên lưu dung: Giáo viên chế độ cũ được cho tiếp tục dạy học. Lên lớp: Lên bục giảng để giảng bài cho học sinh.

Đọc tiếp Chương 4