Thăm Thẳm Trời Xanh / Chương 23

 

Cũng như năm trước, tết Đinh Tị dân lao động Thiện Trường cũng mất trọn một ngày mồng một cho việc trồng cây nhớ Bác. Một số tập đoàn, trong đó có tập đoàn 9 còn mất thêm mấy tiếng vào sáng mồng hai nữa. Trồng cây xong trở về, tôi vừa nghỉ được một lát thì Ánh đến chơi. Sau khi chúc tết gia đình tôi xong, Ánh nói:

  • Lúc này người càng đông củi càng xa. Đi củi bộ gánh một gánh từ rừng lên đồi xuống dốc về tới đây cũng rã xương. Rủ nhau thuê đò mà đi vậy cũng hay đấy! Một ngày gắng đốn được ba gánh không chị?
  • Theo mấy người đã từng đi cho biết mỗi ngày chỉ đốn được khoảng già hai gánh. Nhưng lựa được củi đượm lại đỡ mất sức vì chỉ phải gánh củi từ bến đò về nhà.

  • Mấy chị trù đi một chuyến bao lâu?

  • Chú Tấn cho biết sẽ đi một tuần. Mỗi người đốn được mười lăm mười bảy gánh là tốt rồi. Đò máy chở được khoảng 120 gánh, chừng bảy người đi là vừa. Hiện giờ có lẽ đã đủ người đi rồi!

Ánh buồn rầu nói:

  • Em xin đi nữa được không? Em muốn kiếm một ít củi để bán. Chị đi với em tới chú Tấn một chút nhé!

Tôi chiều ý Ánh dù chú Tấn cho biết đã đủ người. Tôi biết Ánh đang cần tiền lắm. Cứ đến đó xem chú Tấn định đoạt ra sao.

Chúng tôi đến nhà chú Tấn nhằm lúc có mặt cả anh Lưu, anh Phát là những người sẽ cùng đi củi đò chuyến ấy. Ánh ngập ngừng một lát rồi nói thẳng với chú Tấn ý định của mình. Chú Tấn nói:

  • Bây giờ đủ người rồi biết làm sao? Hay cứ để cho cô ấy đi, mỗi người giảm một ít được không mấy chú?

Anh Phát thở dài:

  • Cũng được! Đàn bà con gái mà dám lên rừng ở lại cả tuần để đốn củi thật ít thấy! Xã hội chủ nghĩa đã làm cho con người mạnh bạo lên nhiều!

Anh Lưu cũng nói:

  • Phải, xã hội chủ nghĩa đã làm cho bất cứ ai cũng có thể trở nên anh hùng hết mà!

Chú Tấn nói với Ánh:

  • Về chuẩn bị đi! Nhưng đầu năm động rừng sớm không tốt. Ngày 16 tháng giêng chúng ta sẽ khởi hành!

Khi ra về Ánh có vẻ hồ hởi nói với tôi:

  • Được chú Tấn chấp thuận cho đi củi em mừng hết sức chị Ngọc ơi!

*

Hôm sau, lúc gần tối Ánh lại đến nhà tôi:

  • Chị Ngọc ơi, chú Tấn đã đồng ý để em đi nhưng bây giờ em đổi ý. Chị báo chú Tấn giúp em được không?

Tôi ngạc nhiên hỏi Ánh:

  • Sao Ánh lại đổi ý? Đi củi đò lợi hơn đi củi bộ nhiều, đâu phải lúc nào cũng đi được mà bỏ lỡ dịp may?

Ánh tỏ vẻ buồn rầu:

  • Nói thật, nhà em bữa no bữa đói lấy gạo đâu ra mà chuẩn bị bảy tám ngày ăn? Trong nhà ăn chi không ai biết chứ chẳng lẽ đi đốn củi chung chạ với người ta nhiều ngày mình lại cứ đem sắn khô muối ớt ra khoe?

Ánh thật thà đến thế là cùng! Tôi cười trấn an Ánh:

  • Cái cô này cố chấp thiệt! Thời buổi này nhà nào chẳng rách tả tơi! Chị cũng có mua phòng một ít gạo và cá khô mắm ruốt đó, Ánh cần gì cứ lấy một ít dùng tạm rồi tính sau!
  • Thôi, làm phiền chị Ngọc quá em không dám!

  • Phiền gì mà phiền! Sống gần nhau nhiều năm rồi mà Ánh không hiểu chị à?

  • Vậy em xin cám ơn chị trước!

  • Cám ơn gì, khi nào cần Ánh cứ tới mà lấy!

  • Đi một chuyến củi như vậy có thể chụm gần ngót một năm! Nếu đem bán sẽ được một số tiền đáng kể. Thấy Ánh ra về với nét mặt thơ thới tôi cũng vui lây.

    Nhưng hôm sau đi làm tôi thấy Ánh cứ trầm ngâm, không chuyện vãn gì với ai cả. Tôi đoán Ánh có nhiều điều lo nghĩ nhưng cũng chẳng dám hỏi han. Tối đến, khi tôi vừa dọn cơm tối ra Ánh lại bước vào nhà.

    • Chị bây giờ mới ăn cơm à?
  • Ừ, Ánh đi đâu mà ghé nhà mình đó?

  • Ánh cười méo mó ngập ngừng:

    • Lại mang mặt mo đến với chị đây! Định nhờ chị chút việc đấy mà!

    Đoán chừng Ánh lại có việc khó nói, tôi quay sang bảo mấy đứa con:

    • Tụi bây cứ ăn đi, mẹ nói chuyện với cô Ánh một lát.

    Rồi tôi dắt Ánh ngồi riêng ra, hỏi nhỏ:

    • Bác gái hơi mệt người đi nghỉ rồi. Ánh cần việc gì thế? Sao hồi chiều đi làm về không nói luôn cho tiện?
  • Việc này chỉ nói nhỏ với chị thôi.

  • Gì mà quan trọng dữ vậy? Ánh cứ nói đi!

  • Ánh xích lại gần tôi nói nhỏ:

    • Em đang cần một số tiền để dời ba cái mộ, gấp lắm nhưng không biết chạy đâu cho ra!

    Tôi nhìn Ánh với ánh mắt ngạc nhiên. Ánh hiểu ý vội thanh minh:

    • Không phải em đòi mượn chị đâu, em biết chị cũng đang gặp khó khăn. Nhưng em biết chắc chị Hiền có, chị thân thiết với chị Hiền, nhờ chị nói giùm em một tiếng được không? Lo mồ mả xong em sẽ tìm cách để trả cho chị ấy chứ không dám để dây dưa đâu! Chị nói giúp em nhé, tội nghiệp mà chị Ngọc!
  • Ồ, thế sao bác Lẹ của Ánh không lo lại để cho gia đình Ánh lo? Ngôi nhà hương hỏa ông ấy dành hưởng thì ông ấy phải lo việc ấy chứ!

  • Khổ lắm chị Ngọc ơi! Bác ấy bảo chết là hết, cứ để chính quyền dời đi đâu thì dời. Cha em thì khăng khắng phải dời cho được nhưng chạy tiền không ra. Hai ông đã cãi lộn một trận tơi bời rồi. Thấy cha em cứ ủ rũ lo lắng em không đành lòng!

  • Thế làm sao em biết chắc chị Hiền có tiền?

  • Có người vẽ cho em như thế.

  • Chị nói giùm lỡ chị Hiền lại tưởng chị bày cho em có sinh phiền cho chị không?

  • Tội em mà chị, em biết chị Hiền tin chị quí chị em mới dám nhờ chị chứ!

  • Tôi ái ngại nhìn Ánh. Bốn năm trước, cũng tại chỗ này, Ánh nhí nhảnh bao nhiêu khi nói chuyện chọn lựa ngành nghề tương lai với vợ chồng tôi! Gương mặt sáng rỡ, vẻ xinh đẹp của một nữ sinh tương lai đầy hứa hẹn ai ngờ giờ đây lại biến thành một cô gái chân lấm tay bùn tiều tụy, rách rưới tới mức này! Ngày nào Ánh cũng phải thức khuya dậy sớm làm lụng chật vật mà vẫn không sao kiếm đủ miếng ăn! Thấy mắt Ánh long lanh như muốn khóc, tôi không đành lòng, nói đại:

    • Được rồi, chị sẽ nói giúp Ánh. Nhưng từ từ sáng mai lựa lúc nào thuận tiện chị mới nói được. Thật ra chị cũng khó mở miệng đấy chứ! Ánh cần bao nhiêu?
  • Em cũng chẳng biết cần bao nhiêu nữa. Mong cho đủ sắm ba cái “tiểu hòm” có giấy vải đàng hoàng một tí, sắm một ít lễ vật, với lại trả tiền thuê người là đủ…

  • May cho nhà chị không có cái mộ nào ở khu vực đó. Nhà không có đàn ông khổ lắm em, mấy việc đó là của đàn ông cả mà bây giờ tụi mình đành phải lo thôi. Mai chị nói với chị Hiền cho!

  • Cha em thiệt thà vụng về lắm. Mẹ em cũng chiêu, lại đau ốm kinh niên. Mọi việc em phải lo chứ biết làm sao! Giá cậu Thìn em còn ở đây nhà em đâu đến nỗi! Thôi, em xin cám ơn chị Ngọc nhiều, giờ em về để chị ăn cơm rồi còn nghỉ sớm!

  • *

    Sau khi Ánh ra về, tôi ăn vội mấy miếng rồi lo dọn dẹp để đi ngủ. Khi toan tắt đèn tôi bỗng thấy bên kia chị Hiền đang bưng đèn tìm cái gì đó trước hiên. Tôi mừng rỡ bước ngay sang hàng rào hỏi:

    • Sao chị Hiền chưa đi ngủ còn tìm cái gì đó?
  • Cái kim, khi nãy vá cái áo xong lẫn đi không biết để nó chỗ nào. Có chuyện gì không chị Ngọc?

  • Ồ, con Ánh đến nhà tôi mới về đó!

  • Đến làm gì?

  • Tôi cười cười:

    • Nó có một chuyện quan trọng cần làm gấp phải nhờ đến chị Hiền nhưng không dám đến nói thẳng với chị mà lại nhờ tôi làm trung gian. Lẽ ra sáng mai đi làm tôi mới nói với chị nhưng nhìn sang thấy chị chưa ngủ, tôi nghĩ nói lúc này lại tiện hơn.
  • Cũng lạ đó. Tôi mà giúp được gì cho nó?

  • Tôi thuật lại lời Ánh với Hiền rồi thêm:

    • Con Ánh bình thường nó vẫn ít cậy nhờ ai việc gì, giờ gặp chuyện khẩn thiết quá mới chịu mở miệng đó. Kể ra cũng tội nghiệp!

    Chị Hiền thở dài:

    • Chị biết tôi cũng đang lo sốt vó đây. Nói không ai tin, trong nhà có bao nhiêu cha nó mang theo trong người cả. Vừa rồi cầm lòng không đậu giúp con Xuân Hương một mớ giờ cũng hết hòng đòi lại. Còn giữ được chút ít mấy lâu nay gỡ dần cũng gần hết rồi. Mà thôi, hoàn cảnh nó cũng đáng thương, chị lại nói nữa tôi cũng phải nể tình. Nhưng không có liền đâu, chị dặn nó chờ chừng bốn năm hôm nữa!
  • Được rồi, thế là may cho con Ánh lắm, tôi sẽ nói lại cho nó bớt lo.

  • Hôm sau vừa gặp nhau, tôi báo cho Ánh biết ngay tin mừng. Ánh lập tức chạy lại nắm tay Hiền cám ơn rối rít. Chị Hiền cảm động nhưng cũng hơi lo sợ, nói:

    • Được rồi, Ánh gặp chuyện cần chị giúp một chút có gì đâu. Nhưng Ánh nhớ đừng có cho ai biết, tụi nó dòm dòm khổ chị lắm! Yên tâm làm việc đi, bốn ngày nữa chị sẽ đưa cho.
  • Cám ơn chị, em đi củi về sẽ trả bớt cho chị ngay! Ơn chị em nhớ suốt đời!

  • *

    Ba ngày sau, vào buổi tối, khi tôi sắp sửa đi họp tập đoàn thì Ánh đến với vẻ mặt tức giận mếu máo:

    • Khổ quá chị Ngọc ơi, em cũng chẳng biết tính làm sao nữa!
  • Lại chuyện gì nữa đây? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

  • Ánh buồn rầu nói:

    • Xưa nay chuyện mồ chuyện mả em có hề biết gì đâu, chỉ nghe cha mẹ em cho biết trên cồn mồ này có ba cái mồ của ông bà tổ. Mới đây nghe ủy ban xã bảo phải dời, em hỏi cha em có nhớ rõ chỗ ba cái mồ của nhà mình không, cha em cứ quyết chắc là nhớ. Cha con em đã cẩn thận dẫn nhau đến xem lại một lần cho chắc. Thấy cha em giải thích đi theo lối này, mồ nhà mình gần bụi cây này, gần cái lăng kia… một cách rành mạch em rất yên tâm. Nào ngờ hôm nay xem lại thấy cồn mồ đã biến dạng hoàn toàn, không sao nhìn ra vị trí mấy cái mồ của nhà em nữa chị ơi.

    Tôi không hiểu lời của Ánh nên hỏi lại:

    • Vì sao cồn mồ lại biến dạng được?
  • Em cũng đâu có ngờ tới chuyện đó! Chị biết không, trước đây trên cồn mồ có nhiều cái lăng mỗi cái một dạng cũng dễ phân biệt. Đó đây còn có nhiều bụi cây dại cao thấp thưa rậm cũng khác nhau. Ngoài ra lại thêm vài lối mòn tưởng cũng dễ quen mắt, mình căn cứ vào đó để xác định vị trí mồ mả của mình! Nhưng vì mình để chậm quá, bây giờ mấy cái lăng người ta đã đập ra hết. Nhiều ngôi mộ khác cũng đã được dời mất. Các bụi cây dại đã bị phát dọn sạch. Các lối mòn thì giờ đây ngang dọc mọc thêm ra quá nhiều. Cha con em không làm sao mà tìm được dấu cũ. Mồ của mình thì không bia, bây giờ còn hàng mấy trăm mồ không bia cái nào cũng như cái nào, làm sao mà nhận ra?

  • Giờ thì tôi đã hiểu, nhưng tôi chỉ biết thở dài:

    • Em thử cố nhớ vị trí mấy cái lăng xem sao, dù đập ra rồi thì mớ xà bần vẫn còn đó, lăng lớn lăng nhỏ cũng còn phân định được chứ?
  • Nếu mấy đống xà bần còn đó thì cũng còn chút cơ may, nhưng người ta dọn sạch cả chị ạ! Xà bần của các lăng, đá lớn của các mộ hễ cứ phở ra bao nhiêu lại được ông trưởng ban điều hành công tác đào hồ thủy lợi cho hốt sạch để chuyển tới chỗ đắp con đập của hồ bấy nhiêu. Những tảng đá nằm tự nhiên đã bao đời cũng bị xới lật lên lấy hết. Trí nhớ ba em đã kém, em lại quá tin vào ông nên giờ mới khổ thế này! Không phải chỉ gia đình em mà rất nhiều gia đình khác cũng lâm tình trạng như vậy. Nhất là những người ít viếng thăm mộ, những người cư ngụ tha phương về muộn lại càng hoang mang, lúng túng. Em nghe nhiều người đòi thả liều rồi. Chắc nhà em cũng phải liều như họ thôi! Khốn nạn cái ông bác nhà em lại không hề giúp được gia đình em một tí gì. Nhà cửa của tổ tiên dành hưởng một mình mà mồ mả của tổ tiên lại không ngó ngàng tới!

  • Việc quan trọng như vậy liều sao được mà liều?

  • Cũng có người nói như chị vậy. Nhưng bây giờ làm sao tìm được chính xác mồ của nhà mình? Bốc lầm mồ người khác lại càng thêm mang tội! Đã có người bốc mồ mà không tin hẳn đúng mồ của mình lại đâm ra hối hận không yên lòng. Thôi, thà bị ông bà quở phạt còn hơn phạm nhằm mồ người khác. Khổ lắm chị ơi! Chị Hiền đã hẹn ngày mai đưa tiền cho em! Em rất cám ơn chị ấy nhưng bây giờ em dùng tiền để làm gì nữa? Vậy nhờ chị giải thích giùm kẻo chị ấy lại nói em lôi thôi nghe chị!

  • Chị chẳng biết khuyên Ánh làm sao nữa. Thôi, để chị nói lại với chị Hiền cho!  – Tôi buồn rầu nói.

  • Cám ơn chị nhiều lắm!

  • Nói xong Ánh sụt sịt khóc mà ra về.

    *

    Mấy hôm sau tập đoàn 9 lại được điều vào các rẫy hoang cắt phân xanh. Tiện đường tôi ghé nhà Ánh đợi Ánh cùng đi. Lần này trông mặt Ánh có chút sắc vui. Ánh rót cho tôi một đọi nước chè rồi nói nhỏ:

    • Sáng nay em không đi được chị Ngọc ơi. Cha em mới dò được một chỗ có “ri” sắt. Em phải lo giúp ông đào gấp không lại hỏng như lần trước! Phải kiếm một ít gạo kẻo vài ngày nữa lại đi củi đò rồi!
  • Thế thì chị đi nghe. Chúc Ánh giúp ông già đào được nhiều “ri” sắt!

  • Thế rồi tôi theo tập đoàn đi cắt phân xanh.

    Chiều về, ngang qua nhà Ánh tôi ngạc nhiên thấy nhiều người đang tụ tập ở nhà Ánh. Lại có tiếng khóc cả đàn bà lẫn đàn ông. Chuyện gì xảy ra đây? Tôi tiến vào và giật mình thấy một người nằm ngửa bất động trên giường. Tôi bàng hoàng sửng sốt vì người đó chính là Ánh! Mặt Ánh được đắp một tờ giấy tinh, thân Ánh được đắp một tấm vải trắng. Chú Bến đang đứng cạnh mếu máo:

    • Ông bà ơi, sao ông bà nỡ quở phạt con cháu nặng nề tới mức này? Cũng tại việc nhà nước quá gấp, con cháu lại quá nghèo nên không dời mộ của ông bà được chứ đâu phải con cháu dám bỏ liều sao ông bà không hiểu cho con cháu nhờ?

    Thím Bến cũng kêu gào thảm thiết:

    • Cũng tại con hết, sao ông bà không phạt con lại phạt cháu nó đang đầu xanh tuổi trẻ đâu có tội tình chi? Ông bà sao không bắt con đi mà lại bắt cháu ông bà ơi?

    Tôi rùng mình đoán ra lâu nay những người trong gia đình Ánh đều ray rứt khổ tâm vì cái vụ để thất lạc ba ngôi mộ đời trước! Nhìn xuống dưới chân giường tôi thấy bộ đồ Ánh mặc hồi sáng lấm đầy cát nằm một đống, bất giác tôi cũng khóc òa:

    • Ánh ơi! Mới gặp nhau hồi sáng chứ có xa đâu? Chị em mình mới hẹn nhau đi củi đò đó sao giờ đây cách trở âm dương rồi? Sao Ánh lại ra đi tức tưởi như vậy?

    Đang khóc tôi bỗng tôi nghe một giọng trách móc:

    • Tại chú ấy vụng về làm con chú chết chứ ông bà nào mà bắt? Thời buổi khoa học này mà cứ tin chuyện dị đoan!

    Tôi quay lại nhìn – đó là ông Lẹ, ông anh ruột của chú Bến.

    Sau khi nghe người ta nói tôi mới biết: Sáng nay sau khi đoàn người cắt phân xanh đi xong thì cha con chú Bến cũng lên đường. Hai cha con tìm đến một cái hầm do người Mỹ xây từ hồi chiến tranh. Hầm xây ở một vùng đất cát, được chắn bằng những tấm “ri” sắt, trên đắp bởi nhiều lớp bao cát, có lẽ dùng làm chỗ chứa đồ. Trải qua nhiều năm tháng, phần nhiều bao cát đã mục rách. Khi hai cha con dùng sức để bẩy tấm “ri” sắt ra, cả hệ thống bao cát trên mặt hầm bị chấn động. Rồi một tấm “ri” sắt bị bật hẳn ra, một số bao cát cũng bị bật ra theo, vỡ ra làm cát tuột chảy, nhiều bao cát khác mất thế tựa cũng tuột chảy mạnh. Vì đứng thất thế, Ánh cũng bị tuột chân xuống hầm. Chú Bến ở trên vụng về càng loay hoay càng làm cho cát tuột xuống thêm. Chỉ một lát cả khối cát lớn đã phủ trọn phần thân dưới làm Ánh hết cựa quậy. Cả hai cha con cố kêu cứu nhưng cũng chẳng ai nghe được. Cuối cùng chú Bến phải chạy đi tìm người đến giúp. Nhưng khi người ta tới nơi thì Ánh đã hết thở.

    Phải chăng cái chết của Ánh là một định mệnh? Vẻ mặt u ám và những lời chán đời Ánh nói về Thúy Kiều, về Xuân Hương hôm đi “trồng cây nhớ Bác” không ngờ lại là một cái điềm báo trước? Xuân Hương mới chết chỉ cách đây chừng mươi ngày, giờ lại tới phiên Ánh! Những cái chết đầy oan ức sao lại liên tiếp giáng xuống cho những con người trẻ tương lai còn đầy hứa hẹn như thế vì đâu? Vì đâu? Rồi đây sẽ tới phiên ai nữa?

    Xóm giềng và tập đoàn 9 đã cố gắng giúp đỡ gia đình chú Bến lo việc an táng Ánh vào hôm sau. Cũng như đám ma của Xuân Hương, đám ma của Ánh cũng được giảm thiểu mọi lệ cũ. Vì nhằm vào thời gian đầu năm, có nhiều người ngại huông xấu xui cả năm, thì giờ lại quá ít, nên số bà con đi đưa tiễn Ánh không được bao nhiêu.

    Trong khi đưa quan, có một người nào đó nói đùa:

    • Ông Sự mới lên cầm quyền hơn hai tháng tập đoàn đã có hai người chết! Chắc ông Sự có số sát quân rồi!

    Anh Sự cười trả lời:

    • Sắp tới đây tập đoàn mình phải cắt người luân phiên tăng cường cho đội thủy lợi chắc cũng do số tôi? Ngày mai xã chính thức thành lập đội công tác thủy lợi rồi! Cầm chắc công việc của tập đoàn từ đây sẽ “chăm” hơn nhiều! Đừng đổ điều đó lên đầu tôi mà tội chứ!

    Tôi không nghe ai nói gì nữa nhưng nhìn nét mặt tôi biết mọi người đều có một sự suy nghĩ lo âu như nhau. Công việc năm mới qua đã vất vả lắm rồi, năm nay còn gánh thêm cái công tác thủy lợi nữa, chắc hẳn dân lao động Thiện Trường càng khổ hơn!

    Đêm đó tôi cứ nằm suy nghĩ mông lung. Rồi đây cuộc sống của vợ chồng chú Bến sẽ ra sao? Hai mạng già tuy được nhà nước cho phép mua một mớ lúa điều hòa giới hạn hàng năm với giá chính thức nhưng lấy tiền ở đâu để mua? Gặp khi nhà dột phên mục họ làm sao có thể tự lo? Những khi trái gió trở trời bất thường ai dìu ai đỡ họ? Lo cho người rồi lại nghĩ tới mình. Chúi đầu vào hai vụ lúa đã vất vả lắm rồi, giờ lại thêm công tác đào hồ thủy lợi nữa, mình có kham nổi không? Làm mà có ăn thì còn chút an ủi, đã làm kiệt sức mà đói thiếu vẫn hoàn đói thiếu, ai không xuống tinh thần? Nếu cứ chúi đầu trong cái hợp tác xã nông nghiệp này đời mình sẽ đi về đâu? Đầu óc tôi lại xoay quanh vấn đề phải làm thế nào để tìm một lối thoát!

    Đọc tiếp Chương 24