Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng (Chương 4, 5 , 6 và 7)

sách-đầu voi phất ngọn cờ vàngCHƯƠNG 4

Năm Ất Tỵ (225), Phạm thị sinh hạ thêm được một bé gái. Triệu Thành vui mừng khôn xiết, đặt tên cô bé là Triệu Thị Trinh. Khi ấy Quốc Đạt đã lên mười một tuổi.

Bé Trinh rất chóng lớn, càng lớn càng xinh đẹp. Năm mới lên bốn, một lần ra sân sau chơi, tình cờ bé Trinh thấy thầy Lữ đang dạy võ cho Quốc Đạt. Đứng nhìn qua chốc lát, bé Trinh liền bắt chước làm theo những động tác của anh mình. Thấy cô bé múa men uyển chuyển dễ thương quá thầy Lữ bèn gọi bé lại chỉ cho bé tập thử vài đường. Bé thích quá, làm theo lời thầy Lữ không một chút ngập ngừng. Sự tiếp thu có vẻ bén nhạy của bé đã làm thầy Lữ vừa ngạc nhiên vừa thích thú.

Buổi tối thầy Lữ đem việc này kể lại với vợ chồng Triệu Thành. Nghe xong cả hai đều tròn mắt lên thích chí lắm. Nhưng rồi Triệu Thành thở dài:

-Giá mà Quốc Đạt được vậy thì hay biết mấy! Cháu Trinh lớn lên bất quá chỉ lo việc nội trợ bếp núc đâu cần học võ để làm gì?

Thầy Lữ cười mà nói:

-Ông nói vậy chứ có tài năng cháu cũng có thể làm nên việc lớn thua kém gì đàn ông? Trước đây hai trăm năm nước ta đã từng có hai Bà Trưng khởi nghĩa chống Tàu đuổi được tên Thái thú Tô Định giành lại độc lập cho nước ta được mấy năm, đàn bà như thế cánh đàn ông mình mấy ai bì nổi? Sau đó nhà Hán đã phải cử danh tướng bậc nhất của họ là Mã Viện kéo mấy vạn tinh binh sang đánh dẹp mới xong. Nếu không có tên Mã Viện này biết đâu sự nghiệp của hai Bà lại chẳng tồn tại đến bây giờ?

Phạm thị nghe thầy Lữ nói cười dòn:

-Chàng thấy chưa? Cần gì phải phân biệt con trai con gái? Cứ nhờ thầy dạy cho bé Trinh học võ đi! Con trai học không nên thì cho con gái học cũng được chứ mất gì?

Triệu Thành lại thở dài:

-Đáng tiếc là Quốc Đạt dở quá! Thôi thì nhờ thầy dạy luôn cho cháu Trinh xem sao!

Thầy Lữ vui vẻ nói:

-Vâng. Với cái năng khiếu đã hiển hiện ở cháu, tôi tin chắc cháu Trinh sẽ thành công về nghiệp võ.

Sáng hôm sau, khi thầy Lữ đang ngồi uống trà với Triệu Thành thì Phạm thị dắt bé Trinh ra đứng chắp tay trước mặt hai người và thưa:

-Thưa thầy, hôm nay vợ chồng con chính thức xin gởi gắm bé Trinh nhờ thầy dạy dỗ cho cháu như thầy đã hứa. Con thấy tuổi hạc thầy cũng xấp xỉ tuổi ông ngoại của bé nên con xin thầy cho phép bé Trinh được coi thầy như ông ngoại, như vậy thầy thấy có gì bất tiện không?

Thầy Lữ tươi cười nói:

-Nếu ông bà đã định vậy thì thật vinh hạnh cho tôi! Tôi xin nguyện sẽ hết lòng dạy dỗ chăm sóc cho cháu nên người!

Phạm thị vui mừng bảo bé Trinh:

-Con hãy quì xuống lạy thầy hai lạy và thưa: “Cháu là Triệu Thị Trinh kính xin ra mắt ông ngoại”!

Bé Trinh quì xuống lạy và thưa như lời Phạm thị dạy. Thầy Lữ cười vui vẻ khoát tay mà nói:

-Thôi, ông ngoại cho phép cháu đứng dậy đi chơi! Từ nay cháu cứ ngoan ngoãn nghe lời ông ngoại dạy bảo là đủ rồi!

Từ đó thầy Lữ bắt đầu ra công dạy võ cho bé Trinh. Trước kia thầy Lữ thất vọng vì cậu bé Quốc Đạt bao nhiêu thì nay thầy lại vui mừng tin tưởng vào bé Trinh bấy nhiêu. Thấy thể chất bé Trinh có vẻ khác thường, có năng khiếu tiếp thu đặc biệt, thầy Lữ thương quí bé lắm. Thầy đã thật sự đóng vai ông ngoại để săn sóc và ráo riết truyền nghề cho cháu. Được thầy Lữ gần gũi dạy dỗ hằng ngày, bé dần đâm ra quyến luyến thầy Lữ còn hơn cả quyến luyến bố mẹ. Triệu Thành vì bận rộn công việc, rất ít khi để ý đến việc luyện tập của bé. Ngược lại, Phạm thị lại luôn gần gũi khuyến khích, cổ động bé Trinh trong việc luyện tập. Những khi rảnh rỗi Phạm thị hay khiến bé múa để xem. Mỗi lần xem bé Trinh múa võ xong Phạm thị lại ôm lấy bé hôn hít say sưa mà nói:

-Mẹ vô cùng hạnh phúc khi thấy con của mẹ ngoan ngoãn như thế này! Mẹ rất mừng vì con đã cố gắng luyện tập rất đều đặn! Con chắc chắn sẽ trở thành người giỏi. Người càng giỏi lớn lên càng hữu ích cho đời!

Một hôm Phạm thị nói với chồng:

-Ngày mốt đây là ngày giỗ mẹ thiếp rồi. Chàng có định về ngoại dự như năm ngoái không?

Triệu Thành nói:

-Lẽ ra mình cũng nên đi cả nhà cho vui. Nhưng năm nay công việc còn bề bộn quá, ta đi thật chẳng tiện chút nào. Cả thằng Quốc Đạt nữa, cũng cần ở nhà giúp ta một tay. Thôi, hai mẹ con nàng và bé Trinh đi đại diện cũng được. Nhớ cáo lỗi với phụ thân giùm ta nhé.

Phạm thị vui vẻ nói:

-Chàng yên chí. Phụ thân cũng biết chàng bận công việc, người không trách đâu!

Triệu Thành dặn:

-Lấy con ngựa hồng mà đi, biểu Quốc Đạt thay cái yên ngựa mới mà cỡi. Xong việc nàng cứ ở lại vài ba hôm để bé Trinh chơi với lũ con của mấy cậu nó lâu lâu cho thoải mái. Cả năm nay nó cứ chuyên vào việc học võ cũng tội nghiệp. Sang bên đó nó múa võ cho ông ngoại và các cậu nó coi chắc mọi người thích lắm!

Bé Trinh nghe bố dặn vậy sung sướng vỗ tay:

-Vậy là về nhà ngoại con tha hồ chơi với mấy em. Con sẽ múa võ cho ông ngoại và mấy cậu xem. Nhưng đường về nhà ông ngoại cũng xa mẹ nhỉ?

Phạm thị âu yếm:

-Đi bộ thì mất hơn một ngày nhưng mình đi ngựa lo gì con!

Hôm sau Phạm thị cỡi con ngựa hồng cùng bé Trinh lên đường. Con đường đi về nhà thân phụ của bà là một lối mòn không rộng lắm, năm nào bà cũng đi lại một hai lần. Nhưng những lần trước Phạm thị vẫn đi với chồng, lần này chỉ đi một mình với bé Trinh nên bà cũng thấy hơi ngờ ngợ. Được gần nửa đường, ngựa Phạm thị đang chạy bon bon bỗng một tên lính bảo hộ cầm mã tấu xuất hiện đón đầu. Phạm thị hoảng sợ, bối rối vì từ trước tới nay bà chưa hề gặp tình trạng này. Bà vừa định quay ngựa trở lại thì một tên lính bảo hộ khác đã chận đằng sau. Hai tên lính bảo hộ buộc hai mẹ con Phạm thị phải xuống ngựa và hỏi:

-Đi đâu đây? Không biết chỗ này quan lớn đang cho tiễu trừ bọn giặc cướp hay sao?

Phạm thị run run đáp:

-Thưa các ông, mẹ con tôi ở Hương Vân, về giỗ thân phụ tôi ở làng Kế An. Xin các ông cho mẹ con tôi đi kẻo trễ.

Một tên lính nói:

-Không được. Hôm nay quan lớn có lệnh phải lùng soát khu vực này để bắt cho được mấy tên phiến loạn. Không ai được quyền qua lại trên đường cả. Mẹ con bà phải vào đây ở tạm đợi lúc nào quan lớn có lệnh mới được đi!

Thế rồi một tên kéo hai mẹ con vào một ngôi nhà lá, một tên dắt con ngựa đi chỗ khác. Phạm thị hoảng hốt kêu lên:

-Dắt ngựa của tôi đi đâu vậy? Nếu không cho đi thì cho mẹ con tôi trở về nhà chứ?

Một tên lính quát:

-Không đi đâu nữa cả. Lệnh quan lớn nội bất xuất, ngoại bất nhập!

Tên lính đẩy mẹ con Phạm thị vào ngôi nhà lá. Ngôi nhà chỉ mở một cánh cửa bên. Trời đang buổi trưa nên bên trong cũng khá sáng sủa. Khi bước vào Phạm thị thấy bốn phụ nữ và hai đứa trẻ đang ngồi dồn lại ở một góc. Một trong bốn phụ nữ là một cô gái trẻ rất đẹp. Trông mặt người nào cũng đầy vẻ lo lắng, sợ hãi. Phạm thị ngồi lại gần những người này để hỏi thăm mới biết họ cũng đều vừa bị lùa vào đó chưa bao lâu.

Một lát sau thì một viên quan Tàu Ngô (1) cùng hai tên lính bước vào nhà. Tên lính đem một chiếc chiếu trải ngay xuống đất ở căn giữa. Viên quan Tàu Ngô đứng nhìn đám đàn bà một lát rồi chỉ cô gái trẻ nói:

-Cô bước ra đó! – Y chỉ tay về chiếc chiếu.

Cô gái run sợ bối rối nhìn quanh. Một tên lính quát:

-Bộ muốn chết sao quan biểu mà còn chần chờ?

Tiếng quát làm đám đàn bà con nít đều run sợ. Cô gái tái mặt đứng dậy bước tới chiếc chiếu. Viên quan Tàu Ngô bảo hai tên lính:

-Chúng bay ra ngoài canh cửa. Có gì tao gọi.

Hai tên lính vừa ra ngoài thì viên quan Tàu Ngô tự cởi tuốt hết quần áo quăng một đống rồi tồng ngồng tiến lại phía cô gái. Cô gái hoảng sợ hét lên “cứu tôi với!”. Cùng lúc đó trong đám người bị giữ cũng vang lên một tiếng hét hãi hùng của trẻ con. Đó chính là tiếng hét của bé Trinh. Mọi người nhìn lại thấy bé Trinh đã ngất xỉu. Mọi người hoảng hốt xúm lại lo cấp cứu bé. Phạm thị ôm bé Trinh khóc ầm lên:

-Con tôi chết rồi trời ơi! Con tôi chết rồi trời ơi!

Cảnh tượng này đã làm viên quan Tàu Ngô lúng túng, khó chịu. Y vẫn giữ chặt cô gái nhưng ra lệnh:

-Hãy thả bọn kia ra hết đi!

Một tên lính hỏi lại:

-Bẩm quan, còn con ngựa hồng?

-Phải giữ con ngựa lại. Trả về để nó đem ủng hộ bọn phản loạn sao?

Hai tên lính bèn ra hiệu cho đám người kia ra khỏi cửa. Nhưng đám người kia vẫn còn xúm quanh bé Trinh. Một tên lính giục:

-Quan lớn đã có lệnh cho các ngươi về nhà. Đi mau lên nếu không quan lớn đổi ý thì mệt đó!

Thấy đám người kia còn dùng đằng trước cảnh cô gái đang bị hiếp và Phạm thị đang ôm con khóc lóc, bọn lính quát:

-Các ngươi không chịu về phải không? Muốn ở lại cho ở lại!

Nghe tên lính dọa giữ lại, mọi người sợ quá đành tuôn ra ngoài. May lúc đó bé Trinh cũng vừa tỉnh lại. Phạm thị mừng rỡ ôm thân bé đang run bần bật mà hú hồn hú vía cho bé và bước ra khỏi ngôi nhà sau cùng.

Phạm thị phân vân: Đương nhiên bà không còn bụng dạ nào để đi tiếp được nữa. Nhưng trở về nhà bà lại phải cõng bé Trinh lội bộ vì bọn lính không chịu trả con ngựa. Chúng cũng giữ luôn những thứ bà mang theo. Nhưng nếu mở miệng đòi lại bà lại sợ chúng đổi ý giữ bà lại. May bà còn giữ được một gói xôi để phòng ăn dọc đường và một ống nước. Cuối cùng bà tự nhủ: thôi, chừng ấy cũng tạm đủ. Thế là Phạm thị quyết định phải xa rời chốn hang hùm. Bà bế xóc bé Trinh trên vai mà đi. Đi được một đỗi Phạm thị đã thấm mệt và thấy đói. Bà bèn ngừng lại bên đường cùng bé Trinh ăn uống. Thấy bé Trinh có phần tỉnh táo trở lại Phạm thị rất mừng. Ăn uống xong bà định bế bé Trinh lên để đi tiếp thì bé nói:

-Thôi, mẹ để con đi bộ như mẹ cũng được.

Nỗi lo ngại trong Phạm thị đã giảm nhiều, bà đáp:

-Ừ, cũng được. Khi nào con mệt thì nói để mẹ cõng.

Từ lúc đó, nhờ thể chất khỏe mạnh, bé Trinh đã tự đi bộ về tới tận nhà không cần mẹ cõng nữa. Khi hai mẹ con bước vào nhà khi trời đã tối mịt. Triệu Thành thấy hai mẹ con về đột ngột quá ngạc nhiên hỏi:

-Sao về làm gì gấp vậy?

Phạm thị bèn kể lại hết sự việc đã xảy ra cho mọi người nghe. Ai nghe cũng lo lắng, thương hại cho cô gái kia không biết số phận cô rồi sẽ ra sao.

Mọi chuyện tưởng đã qua đi, không ngờ đêm ấy giữa giấc ngủ bé Trinh đã la hét bất thần đến ba lần. Mấy hôm kế tiếp bé Trinh vẫn tiếp tục la hét một hoặc hai lần giữa giấc ngủ như vậy. Triệu Thành lo sợ kể chuyện đó với thầy Lữ. Thầy lo lắng nói:

-Khổ lắm, cái ấn tượng nhơ nhớp kinh tởm đó rất khó phai mờ trong đầu óc của cháu. Nhất là hạng người có tính “ái khiết úy ô” ấn tượng trên sẽ gây cho họ nhiều rắc rối về sau. Nó có thể di hại đến cả việc hôn nhân của cháu sau này. Muốn cho cháu chóng xóa nhòa ấn tượng này phải tuyệt đối đừng bao giờ nhắc lại những gì liên can tới chuyện đó nữa. Mặt khác, phải tìm cách để hướng sự chú ý của cháu về một việc khác hấp dẫn hơn mới hi vọng cháu có thể quên chuyện cũ!

Từ đó Phạm thị hay ôm ấp bé hơn và thường khuyên nhủ bé chuyên tâm về việc học văn và học võ nghệ. Qua một thời gian, khi thấy những vụ la hét trong giấc ngủ của bé Trinh thưa dần rồi dứt hẳn ai nấy đều mừng.

Nhưng chẳng bao lâu lại có một nỗi bất hạnh khác to lớn hơn nhiều giáng xuống gia đình họ Triệu: Phạm thị qua đời sau một trận dịch tả. Lúc ấy bé Trinh mới bảy tuổi. Bé Trinh đã đau xót bỏ ăn bỏ ngủ khóc thương mẹ suốt mấy ngày.

Cũng may gặp thầy Lữ đã khéo an ủi, biết cổ động tinh thần đam mê võ nghệ của bé, luyện tập cho bé nhiều hơn để bé luôn bận rộn mà giảm bớt nỗi đau lòng. Nhờ vậy nỗi buồn mất mẹ của bé Trinh cũng dần dần phôi pha.

Triệu Thành vì công việc quá nhiều, rất ít khi gần gũi săn sóc con. Mọi sinh hoạt hằng ngày của bé Trinh chỉ trông cậy ở tay ông ngoại Lữ sắp xếp. Lòng thương yêu của một người già cuối đời thiếu vắng con cháu ruột thịt đã được dồn cho đứa cháu nuôi thiếu mẹ khiến bé Trinh vẫn tiếp tục lớn nhanh như có phù phép.

Bé Trinh càng lớn càng say sưa luyện tập võ nghệ làm thầy Lữ rất thỏa lòng. Triệu Thành cũng vui mừng không kém. Một hôm khi hai người cùng chứng kiến bé Trinh múa võ, thầy Lữ nói với Triệu Thành:

-Cháu Trinh thể chất kỳ diệu rất hiếm có, các thế võ khó khăn đến đâu cháu cũng thích nghi được cả. Tôi sẽ cố gắng truyền những ngón võ đặc biệt quan trọng cho cháu trước khi tôi về chầu ông bà. Cháu sẽ trở thành nữ võ sĩ vô địch trong thiên hạ.

Triệu Thành nghe thầy Lữ nói vậy vui mừng khôn xiết. Khi bé Trinh nghỉ múa, ông gọi bé Trinh mà khen:

-Con của bố giỏi quá, sau này con có thể lập được sự nghiệp như hai bà Trưng, làm vẻ vang cho gia đình họ Triệu ta đó!

Bé Trinh ngạc nhiên hỏi lại bố:

-Hai bà Trưng đã làm sao hở bố?

Triệu Thành nói:

-Hai bà Trưng nhờ giỏi võ nên đã đánh đuổi được giặc mà làm vua. Con hãy hỏi ông ngoại Lữ đi! Ông ngoại Lữ sẽ nói cho con nghe.

Bé Trinh nói với thầy Lữ:

-Ông ngoại kể cho cháu nghe chuyện Hai Bà Trưng đi!

Thầy Lữ bật cười:

-Cháu cũng muốn làm vua hở? Chuyện này nói với cháu bây giờ cũng hơi sớm, nhưng cháu đang thích nghe nên ông ngoại cũng kể luôn. Hồi đó nước ta đang bị giặc Tàu đô hộ cũng giống như bây giờ vậy. Tên Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định đã đối xử rất độc ác với dân bản xứ. Giặc Tàu tha hồ bóc lột dân ta, bóc lột đến tận xương tận tủy. Thấy ai có hành động gì đáng nghi ngờ là chúng tìm cách tiêu diệt ngay. Chúng muốn giết ai thì giết, giết không gớm tay. Tô Định đã giết người con trai của viên lạc tướng đất Chu Diên là Thi Sách vì nghi ông này rục rịch nổi dậy. Vợ Thi Sách là Trưng Trắc quá tức giận nên đã cùng em là Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa đánh lại Tô Định. Dân ta vốn đã quá phẫn uất vì chính sách cai trị tàn ngược của giặc Tàu nên đã nhiệt liệt ủng hộ Hai Bà. Vì thế chẳng bao lâu Hai Bà đã chiếm được 65 thành, Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải. Bà Trưng Trắc bèn tự lập làm vua tức Trưng Nữ Vương. Nhưng Bà Trưng mới làm vua được ba năm thì nhà Hán cử viên tướng giỏi nhất của họ là Phục ba tướng quân Mã Viện đem hai vạn kỵ binh sang đánh dẹp. Hai Bà thua trận nên đều nhảy xuống sông Hát mà chết…

Nghe đến đây bé Trinh khóc nức nở:

-Tội nghiệp Hai Bà Trưng quá! Mã Viện chắc giỏi võ hơn Hai Bà phải không ông ngoại Lữ?

Thầy Lữ vuốt tóc bé tù tốn giải thích:

-Chuyện này cháu chưa hiểu đâu! Võ nghệ thật ra chỉ dùng để giữ mình chứ không phải chuyện gì cũng đem võ nghệ ra để giải quyết được! Võ giỏi cách mấy đi nữa mà ít người cũng khó địch nổi số đông. Võ giỏi cách mấy mà thất thế cũng thua kẻ đắc thế! Giữa chốn chiến trường mưu chước càng già dặn càng dễ chiếm ưu thế! Mã Viện là một viên tướng nhà nghề, làu thông binh thư, nhiều kinh nghiệm chiến trường. Quân sĩ của Mã Viện lại được tuyển lựa toàn thứ đã quen xông pha chiến trường. Mã Viện đã từng đánh bại nhiều danh tướng của Vương Mãng là kẻ thù của vua Hán. Trong khi đó Hai Bà Trưng chưa có mấy kinh nghiệm về chiến trường. Quân của Hai Bà lại chỉ là một quân đội ô hợp, chưa được luyện tập kỹ càng. Như vậy việc Hai Bà Trưng không chống nổi Mã Viện chỉ là lẽ tất nhiên!

Nãy giờ Triệu Thành vẫn ngồi nghe, đột nhiên ông cao hứng nói vào:

-Chuyện này trước đây tôi chỉ biết mập mờ, nay nghe thầy giải thích tôi mới rõ tại sao Mã Viện thắng Hai Bà nhanh đến vậy! Tiện đây xin thầy cho nghe luôn tại sao trước đó cũng chỉ là quân đội ô hợp ấy mà Hai Bà Trưng lại thắng Tô Định quá nhanh đến vậy?

Thấy Triệu Thành cũng thích nghe, thầy Lữ hứng chí lên giọng:

-Việc thành bại trong thiên hạ xưa nay vẫn do ba yếu tố quan trọng chi phối: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Mã Viện thắng Hai Bà là nhờ yếu tố thiên thời, lúc đó nhà Hán vừa diệt được Vương Mãng khí thế đang lên quá. Còn tại sao Hai Bà thắng Tô Định quá dễ dàng lại là chuyện khác. Tô Định chỉ là một tên quan tham tàn mù quáng dốt nát nên đã làm mất lòng người quá đáng. Ngay cả những người dưới quyền Tô Định cũng chán ghét cái lòng tham vô đáy của Tô Định nữa. Chúng không muốn chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của một tên tham tàn. Toàn dân Giao Châu thì không ai khỏi căm phẫn Tô Định. Hai Bà đã kết hợp thù nhà với nợ nước, khai thác được tối đa lòng phẫn hận của toàn dân đối với giặc Tàu để vùng dậy. Sức mạnh đó đã giúp Hai Bà thắng Tô Định dễ dàng. Đó là nhờ yếu tố nhân hòa vậy. Đáng tiếc là sau khi thành công, nước ta không có đủ nhân tài để giúp Hai Bà trong việc tổ chức trị an và huấn luyện quân đội. Sự yếu kém đó đã đưa đến thất bại sau này…

Triệu Thành thở dài:

-Nếu lúc đó có một số người như thầy ra giúp Hai Bà thì chắc nước ta đỡ hơn!

-Cũng có đó chứ sao không. Nhưng đối với nước ta lúc bấy giờ con số đó quá ít không đủ để đáp ứng những đòi hỏi của tình thế. Cũng bởi chính sách nhận chìm nhân tài người Tàu đã áp dụng ở nước ta mà ra cả. Vì quá lo ngại nhân tài nước ta phát triển nên họ đã cấm hẳn dân ta dạy võ và học võ.

Triệu Thành rầu rầu nói:

-Nếu chính quyền đô hộ cứ giữ mãi chính sách này chắc nghề võ nước mình sẽ hao mòn dần cho đến ngày biến mất. Đáng buồn quá phải không thầy?

Thầy Lữ lắc đầu mà cười:

-Đáng buồn thật, nhưng không phải là tuyệt vọng. Chính sách của triều đình Tàu Ngô là vậy nhưng bọn thống trị làm sao kiểm soát toàn bộ dân bản xứ được? Gặp cái khó tự nhiên ló cái khôn. Như việc dạy võ nhà mình đây người ngoài làm sao biết? Tôi tin chắc còn rất nhiều nhà khác trong thiên hạ cũng đang âm thầm làm cái việc như chúng ta đang làm vậy. Nhất định sẽ có một ngày nào đó dân ta lại vùng lên.

Triệu Thành lộ vẻ mừng:

-Phải vậy mới được chứ! Nghề võ nước mình không bị diệt thì nước mình cũng còn hi vọng có ngày vùng lên!

-Thật ra võ nghệ không phải là yếu tố quyết định thắng bại trong chiến tranh đâu. Như xưa kia Hạng Vũ là người vũ dũng vô địch, dưới tay Hạng Vũ cũng có các tướng vũ dũng phi thường như Bành Việt, Anh Bố, Long Thư… Trong khi đó Lưu Bang võ nghệ thua kém Hạng Vũ rất xa nhưng nhờ được lòng dân hướng về, nhờ mưu hay kế giỏi nên cuối cùng Lưu Bang đã đánh bại Hạng Vũ. Một kẻ chỉ giỏi võ mà không biết mưu kế vẫn thường bị người đời chế nhạo là “hữu dũng vô mưu”. Những kẻ đó chỉ có thể làm tiểu tướng mà thôi. Muốn trở thành đại tướng phải giỏi binh thư, phải có văn hóa, phải có bộ óc phải đầy mưu lắm kế, biết tổ chức, biết quyền biến mới được. Xét về cháu Trinh nhà mình, tôi thấy cháu không những có năng khiếu đặc biệt về võ nghệ mà còn có chí khí, có mưu trí, đó là một triển vọng đáng mừng. Từ nay tôi sẽ dạy lần cho cháu về binh thư…

Triệu Thành vui mừng nói:

-Thôi thì trăm sự chúng tôi trông cậy vào thầy cả. Tài năng của cháu Trinh là do thầy Lữ un đúc, đào tạo, công lao của thầy rất lớn. Sau này nếu cháu Trinh làm nên được công nghiệp gì hẳn thầy Lữ cũng được tiếng thơm lây.

-Ông Triệu cứ yên chí. Tôi một đời lưu lạc khắp thiên hạ đã mệt mỏi mà ước vọng vẫn chưa thành. May mắn cuối đời lại gặp được vợ chồng ông và trở thành tri kỷ, tôi thỏa dạ lắm. Chúng ta đã tin tưởng nhau mà trao đổi, ký thác những ước vọng cho nhau tôi còn ngại gì mà không đem hết mình lo cho tương lai của cháu Trinh? Nhất định cháu Trinh sẽ nên người!

*

Ngoài việc dạy võ, dạy văn, dạy binh thư, thầy Lữ còn có ý dạy cả y thuật cho bé Trinh nữa. Những lần lên núi hái thuốc, thầy thường dắt bé Trinh đi theo để chỉ dẫn cho bé quen dần với các loại cây thuốc.

Ngày kia, hai ông cháu đến hái thuốc ở ven một dòng suối. Thầy Lữ đi trước, bé Trinh đi sau. Thình lình bé Trinh bỗng hét lên một tiếng kinh khiếp quá. Thầy Lữ giật mình nhìn lại thấy bé Trinh đã nằm sóng soải bên bờ cỏ. Thầy Lữ hoảng hốt nghĩ ngay tới một loại rắn cực độc! Nhưng rồi thầy định thần lại ngay. Kinh nghiệm cho thầy biết một con rắn độc bình thường không thể nào cắn gục được một người trong chớp nhoáng như thế. Với bé Trinh lại càng khó gục hơn vì thể chất của bé rất mạnh mẽ. Hơn nữa, một người bị độc vật cắn thường phải giãy giụa chứ đâu dễ nằm im ngay như thế. Thầy Lữ đến chỗ bé Trinh nằm quan sát kỹ nhưng không thấy một dấu hiệu nào khả nghi và cũng chưa kịp tìm ra vết thương nào trên thân thể của bé bỗng nghe tiếng hỏi lớn:

-Cô bé bị chuyện gì mà hét dữ như thế?

Thầy Lữ ngạc nhiên nhìn về phía tiếng hỏi. Thấy bốn năm người đàn ông vừa tắm suối lên đang mặc lại quần áo, thầy Lữ trả lời:

-Tôi cũng chưa biết tại sao cháu nó hét dữ như vậy nữa! Mấy ông coi thử giúp tôi với, cháu đang bị bất tỉnh nhân sự.

Hai người đã mặc lại áo quần xong vội vã chạy sang. Thấy thầy Lữ đang bắt mạch cho cô bé, một người hỏi:

-Không phải bị con gì cắn chứ? Cụ biết bắt mạch ư? Liệu cháu có sao không?

Thầy Lữ đáp:

-Vâng, tôi là thầy thuốc. Không có con gì cắn cả. Mạch cháu không sao, một lát cháu sẽ tỉnh lại thôi. Điều khó hiểu là không biết nguyên cớ nào làm cho cháu xúc động đến thế?

Người kia lại hỏi tiếp:

-Hay là cháu bị động kinh? Lâu nay cháu đã bị như vậy lần nào chưa? Hai đứa tôi vừa tắm xong mới bước lên chưa đứa nào kịp mặc quần bỗng nghe tiếng hét kinh quá!

Câu nói của người đàn ông đã làm thầy Lữ hiểu ra ngay nguyên nhân đã làm bé Trinh ngất xỉu. Thầy vừa bắt mạch cho bé và trả lời:

-Không sao. Trước đây cháu đã bị ngất như vậy một lần rồi. Ban đầu tôi hoảng quá vì sợ cháu bị rắn cắn nhưng bây giờ thì yên chí không phải. Cám ơn hai ông, một chốc nữa cháu sẽ tỉnh lại thôi.

Khi hai người đàn ông đi khỏi thì thầy Lữ bắt đầu bấm huyệt cho bé Trinh. Lát sau bé Trinh tỉnh lại. Thầy Lữ hỏi:

-Cháu thấy trong người có khó chịu không?

Bé Trinh im lặng quay mặt không trả lời. Thầy Lữ hiểu ý nói:

-Thôi, hôm nay ông cháu hái như vậy là đủ rồi. Mình ngồi nghỉ một lát rồi về.

Rồi thầy Lữ đem cơm bới theo ra hai ông cháu cùng ăn. Vừa ăn thầy Lữ vừa nói chuyện vui cho bé Trinh nghe. Ăn xong thì hai ông cháu ra về.

Buổi tối ấy thầy Lữ kể lại chuyện đã xảy ra cho Triệu Thành nghe. Triệu Thành lo lắng than thở:

-Tội nghiệp con gái tôi quá! Chuyện xảy ra đã mấy năm rồi không ngờ trong đầu óc cháu vẫn còn lưu lại cái ấn tượng khốn nạn đó. Liệu sau này lấy chồng cháu có bị có trở ngại gì không?

Thầy Lữ trầm ngâm giây lát rồi nói:

-Ấn tượng này có lẽ cũng thuộc về chứng “ái khiết úy ô”. Từ nay chúng ta phải làm sao gắng giữ gìn đừng để cháu gặp lại chuyện tương tự như thế một lần nữa. Hi vọng khi cháu trưởng thành cái ấn tượng đó sẽ lạt phai!

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

Chú thích:

(1)                    Tàu Ngô: Chuyện này xảy ra vào thời Tam Quốc nên gọi là Tàu Ngô để phân biệt với Tàu Ngụy, Tàu Thục.

 

 

CHƯƠNG 5

 

Sau khi đã mãn tang của Phạm thị, Triệu Thành bắt đầu lo việc vợ con cho Quốc Đạt. Ông kết sui gia với một vị hào trưởng khác, người họ Đỗ. Ông Đỗ cũng là nhà giàu có trong vùng. Đỗ thị vợ Quốc Đạt vì được gia đình nuông chiều từ thuở nhỏ nên đã bị lậm phải một số thói quen không tốt. Khi về nhà chồng Đỗ thị vẫn giữ thói hống hách kiêu mạn của mình. Cô luôn tỏ ra hỗn láo, xấc xược với mọi người nên kẻ ăn người ở trong nhà không ai phục. Cha con Triệu Thành cũng khó chịu vì chuyện đó nhưng không khuyên răn gì được.

Lúc bấy giờ thầy Lữ đã ngoài bảy mươi. Sức khỏe của thầy ngày càng sa sút. Một hôm thầy gọi bé Trinh đến, trao cho bé mấy cuốn sách và dặn:

-Hôm nay ông ngoại Lữ muốn nói với cháu một chuyện rất quan trọng. Trước đây ông ngoại Lữ vẫn mong tìm được vài người có tâm huyết với dân tộc để truyền sở học về nghiệp võ của mình cho họ. Ông ngoại Lữ nghĩ nếu may mắn gặp thời cơ, những người này có thể đứng lên giành lại quyền tự chủ cho đất nước. Thế nhưng vì người Tàu không cho người Việt dạy võ và học võ riêng, họ kiềm chế quá kỹ, nên ông ngoại Lữ phải bó tay. Tưởng đã tuyệt vọng, không ngờ cuối đời ông ngoại Lữ lại gặp được cháu. Như thế là ông ngoại Lữ đã được thỏa nguyện. Với chí khí và tài nghệ của cháu, ông ngoại Lữ hi vọng cháu có thể nối chí Hai Bà Trưng làm nên nghiệp lớn. Dù công nghiệp của Hai Bà không truyền được dài lâu nhưng sự việc đó cũng biểu hiệu được tinh thần bất khuất của dân tộc Việt. Đó là một sự cảnh tỉnh, một sự nhắc nhở lòng dân rất cần thiết. Điều gì Hai Bà đã làm được thì con cháu của Hai Bà cũng sẽ làm được. Nay ông ngoại Lữ đã ở tuổi gần đất xa trời, mưa nắng bất thường, sợ không kịp dạy dỗ cháu tới nơi tới chốn. Bình thường ông ngoại Lữ có sưu tập được vài cuốn sách ghi chép về những thế võ đặc biệt. Ông ngoại cũng sưu tầm được một cuốn binh thư mà ông ngoại Lữ đã dạy cháu được một phần nhỏ rồi. Nay ông ngoại Lữ giao hết những cuốn sách này cho cháu để lỡ nửa chừng ông ngoại Lữ có bề nào thì cháu còn phương tiện để tiếp tục học hỏi. Ông ngoại Lữ tin tưởng cháu sẽ nối được chí của người xưa.

Bé Trinh quì xuống bái nhận và thưa:

-Cháu cám ơn ông ngoại Lữ đã hết lòng dạy dỗ cháu và giờ đây lại trao tặng cháu những quyển sách quí giá này. Cháu xin nguyện sẽ cố gắng hết mình để thực hiện những ước vọng của ông ngoại Lữ.

Thầy Lữ vui mừng nói:

-Ông ngoại Lữ rất vui được nghe cháu hứa những lời ấy và ông ngoại Lữ tin tưởng cháu sẽ thực hiện được những ước vọng đó. Cám ơn cháu!

Hôm ấy thầy Lữ kêu mệt, không dạy bé Trinh. Hôm kế tiếp thầy cũng cho bé Trinh nghỉ. Bé Trinh lo lắng luôn ra vào chăm sóc cho thầy nhưng thầy chỉ bảo hơi mệt một tí, cứ để cho thầy tịnh dưỡng. Điều không ai ngờ được chỉ qua hai hôm thầy Lữ qua đời.

Từ khi Phạm thị mất, đối với bé Trinh, thầy Lữ đã kiêm luôn hai vai trò: vừa là vị thầy đáng kính vừa là mẹ hiền. Bé Trinh vô cùng kính trọng, tin yêu thầy Lữ. Vì thế, cái chết của thầy Lữ là một sự mất mát quá lớn đối với bé Trinh. Bé Trinh đã bỏ ăn bỏ ngủ, vật vã thân xác khóc thương liên miên đến độ người nhà đều lo ngại…

Triệu Thành đã nhờ thầy địa lý chọn chỗ đất tốt để an táng và tổ chức lễ tang cho thầy Lữ rất trọng thể. Bé Trinh được bố cho phép để tang cho thầy Lữ một thời gian 5 tháng theo lệ cháu để tang ông bà ngoại thời bấy giờ.

 

Sau khi đã nguôi ngoai bớt nỗi đau buồn, bé Trinh lần lượt đem những cuốn sách thầy Lữ trao lại ra nghiền ngẫm. Bé Trinh bắt đầu ghiền đọc sách. Say mê đến nỗi ngoại trừ việc ôn luyện võ nghệ hằng ngày, bé Trinh như quên hết mọi trò vui chơi khác để tập trung trí óc vào sách. Triệu Thành thấy con gái ham đọc sách và chuyên rèn luyện võ nghệ thì càng mừng, không cấm cản.

Rồi hai năm sau Triệu Thành lại lâm bệnh qua đời. Bé Trinh lại trải qua một chuỗi ngày đau xót. Triệu Quốc Đạt trở thành hào trưởng. Lúc này bé Trinh đã bắt đầu được coi như người lớn, người chung quanh dần đổi cách xưng gọi từ bé Trinh thành ả Trinh. Một hôm Đỗ thị than phiền với chồng:

-Hồi bố còn sống công việc trong nhà bố lo gần hết. Nay bố mất rồi, công việc búi như tơ làm không xuể, sao chàng lại cứ để ả Trinh ngày nào cũng hết tập luyện lại đọc sách như thế chứ? Không làm nhiều cũng phải làm ít mới có cái ăn chứ không ai làm cho mà ăn mãi? Lớn ngồng ngồng rồi chứ còn nhỏ nhoi chi nữa mà đợi người ta nhắc?

Tuy vợ nói thế nhưng ban đầu Quốc Đạt phần vì thương em, phần cũng muốn em học thành tài nên cứ làm ngơ. Đỗ thị thấy thế nổi giận nên cứ tìm cách gây sự với chồng.

Cuối cùng Quốc Đạt bắt buộc phải khuyên ả Trinh nên giảm bớt việc luyện tập để tập sự làm ăn. Biết tính chị dâu khó chịu, ả Trinh bắt đầu phải giới hạn sở thích riêng để phụ lo công việc trong nhà. Lúc bấy giờ ả mới mười bốn tuổi nhưng lại lớn xồ như các cô gái mười sáu mười bảy. Ả bắt đầu tham gia vào nhiều công việc trong nhà. Và ả cũng bắt đầu gặp phải những vụ đụng chạm trực tiếp với bà chị dâu.

Càng lớn ả Trinh càng lộ rõ đầu óc thông minh, lanh lợi, tánh tình càng lộ rõ vẻ cứng cỏi, ngang tàng. Nhờ tính thẳng thắn, ghét sự gian dối, bênh vực lẽ phải nên ả rất được kẻ ăn người ở trong nhà mến chuộng. Một tính đặc biệt nữa là ả Trinh rất thích nghe tiếng sáo. Trong nhà lại có một người làm công già tên Đinh Huấn thổi sáo rất hay. Ả Trinh thích lắm nên cứ đòi lão Huấn dạy cho ả học. Lão Huấn nể tình cô chủ nhỏ nên những khi ít việc lão cũng dành năm ba phút để chỉ dạy cho cô. Nhưng vợ Quốc Đạt thấy vậy không hài lòng, một hôm Đỗ thị nổi giận nói với lão Huấn:

-Nhà tôi mướn ông tới đây để làm việc chứ mời ông tới đây để chơi âm nhạc sao? Ông về nhà mở trường dạy âm nhạc đi!

Mắng lão Huấn xong Đỗ thị lại quay sang nói với ả Trinh:

-Còn cô, con gái lớn rồi phải lo tập tành công việc làm ăn chứ hay ho chi cái thứ âm nhạc lãng mạn đó mà học? Con gái mà lãng mạn có mấy ai được nên thân đâu? Nếu cô không nghe tôi sẽ mách với anh cô đó!

Ả Trinh bực mình lắm nhưng phải nín nhịn. Cũng từ đó lão Huấn không còn dám dạy ả Trinh thổi sáo nữa. Có lần ả Trinh mon men lại gần lão Huấn, lão chỉ biết cười mỉm mà lắc đầu. Thấy Đỗ thị không có mặt, một người làm công nói:

-Tội nghiệp ả Trinh thích học thổi sáo quá mà bà chủ không cho. Chắc là ả buồn lắm. Cũng tại có người ưa sáo, mê thổi sáo đến quên cả công ăn việc làm bà chủ mới ghét chuyện thổi sáo như vậy phải không bác Huấn? Tôi đã từng thấy một ông kia đang làm rẫy mà cứ làm một hồi lại bỏ cuốc cầm sáo lên thổi, vì thế việc người khác làm một ngày thì xong nhưng ông ta làm tới ba ngày chưa xong…

Lão Huấn tức cười mà nói:

-Đúng, có nhiều người mê sáo lắm chứ. Mê sáo đến bỏ cả công ăn việc làm thỉnh thoảng cũng có. Không phải chỉ con người mình mê sáo thôi đâu, các giống vật như rắn, lợn, voi, khỉ, đười ươi chi cũng đều thích nghe sáo hết.

Nghĩ là lão Huấn nói đùa, người kia hỏi lại:

-Bác nói chơi đấy chứ! Các giống vật biết gì mà thích nghe sáo?

Lão Huấn cười:

-Anh không tin ư? Có dịp tôi sẽ kể cho anh nghe!

Ả Trinh đứng nghe chuyện có vẻ thích thú lắm nhưng lão Huấn ái ngại nói:

-Bà chủ đã không thích bác tập cho cháu thổi sáo cháu cũng nên hiểu cho bác. Đừng buồn bác nhé. Bác hứa lúc nào thuận tiện bác sẽ dạy cho cháu thổi những bài sáo thật hay.

Ả Trinh hiểu ý lặng lẽ bỏ đi nơi khác.

Từ khi thân phụ qua đời, Quốc Đạt luôn bận rộn điều hành công việc bên ngoài. Mọi việc trong nhà đều do một tay Đỗ thị coi sóc. Đỗ thị được thể càng lên nước, đôi khi bà sai khiến ả Trinh chẳng khác chi sai kẻ ăn người ở trong nhà vậy. Do đó khoảng cách tình cảm giữa chị dâu và em chồng mỗi ngày mỗi rộng thêm.

Năm mười sáu tuổi ả Trinh đã thành một thiếu nữ xinh đẹp và cao lớn khác thường. Ả cao hơn ông anh Quốc Đạt đến cả một cái đầu. Trước đây Đỗ thị vẫn quen dùng uy lực của một người chị dâu thay mặt ông anh để khống chế, dạy dỗ cô em chồng. Nay ả Trinh đã cao lớn ngồn ngộn làm Đỗ thị phải e dè không còn dám thẳng tay hiếp đáp nữa. Tuy vậy, tình cảm giữa hai chị em vẫn không thể nào hàn gắn được.

*

Để khỏi gặp mặt chị dâu hàng ngày, ả Trinh đã tự ý bỏ đi hái dâu như một người làm mướn. Ngay cả việc ăn uống, ả Trinh cũng tự túc lo lấy. Triệu Quốc Đạt phần nể vợ, phần sợ hai chị em gần nhau quá có thể sinh chuyện xung đột đành chiều ý em gái, không ngăn cản. Từ đó hàng ngày ả Trinh cùng bốn năm người bạn làm chung một toán.

Trong số bạn làm chung với ả Trinh có ả Nuôi là một người xa xứ mới đến xin việc. Ả Nuôi siêng năng làm việc và rất ít chuyện trò với ai. Một hôm khi đi làm ả dắt theo một cô bé khoảng mười một mười hai. Cô bé mặt mũi khá đẹp nhưng buồn rười rượi, không cười, không nói gì cả. Ả Trinh thấy vậy hỏi:

-Em ả Nuôi đấy phải không? Tên gì?

Ả Nuôi đáp:

-Em út tôi đó, nó tên Hướng Dương.

Nhìn vẻ mặt buồn chảy của cô bé, ả Trinh hỏi:

-Sao em trông buồn dữ vậy?

Ả Nuôi trả lời thay em:

-Nó nhớ làng xóm cũ và nhớ ông anh cả của chúng tôi đó. Chị em tôi đến đây mới hơn ba tháng chứ mấy. Tội nghiệp nó còn con nít. Thấy nó buồn quá nên mẹ tôi bảo tôi dẫn lên đây chơi cho nó khuây bớt.

Ả Trinh hỏi:

-Ông anh cả của ả Nuôi lại đi đâu mà Hướng Dương nhớ?

Ả Nuôi bỗng xịu mặt buồn bã:

-Anh ấy bị bắt đi phu rồi vì không chịu nổi cảnh khổ nhọc nên đã chết dọc đường. Nghe người khác thấy được báo cho biết vậy chứ gia đình chúng tôi vẫn chưa tìm được xác anh ấy để đem về quê.

Ả Trinh thở dài tỏ dấu thông cảm với bạn rồi nói lảng sang chuyện khác. Lát sau ả gọi Hướng Dương lại cho mấy chiếc bánh và nói chuyện bâng quơ với cô bé một hồi. Ả tỏ vẻ thích bé Hướng Dương lắm.

Từ đó thỉnh thoảng ả Nuôi lại dẫn bé Hướng Dương theo ra nương dâu chơi. Lần nào ả Trinh cũng cho Hướng Dương quà và nói chuyện vui vẻ. Một lần ả Trinh hỏi Hướng Dương:

-Hướng Dương có thích chị Trinh không?

Hướng Dương cười mà trả lời:

-Sao lại không thích được? Bé thương chị Trinh nhất. Thương như thương chị Nuôi vậy.

Ả Trinh cười mà hỏi lại:

-Hướng Dương thương ả Trinh nhất sao? Thế thì Hướng Dương ghét ai nhất?

Hướng Dương chợt trở giọng phẫn nộ:

-Bé thù ghét nhất là bọn giặc Tàu Ngô!

Ả Trinh có vẻ khoái trá hỏi lại:

-Vì sao bé lại ghét bọn giặc Tàu Ngô?

Hướng Dương nghiến răng nói:

-Bởi vì bọn giặc Tàu Ngô bắt anh cả của bé đi phu, bắt làm việc nhiều mà lại không cho ăn uống nên anh của bé bị đói khát đến kiệt sức mà chết!

Ả Trinh giả vờ ngạc nhiên hỏi lại:

-Tại sao Hướng Dương lại biết rõ như vậy? Bọn chúng ác như thế Hướng Dương có định làm gì bọn chúng không?

Hướng Dương chưa kịp trả lời thì ả Nuôi khoát tay ra hiệu ngăn em lại không cho nói nữa. Ả Trinh cười mà trách ả Nuôi:

-Ả Nuôi sao nhát gan dữ vậy? Ở đây có ai nữa đâu mà ngại? Để xem bé Hướng Dương nói ra sao chứ sợ cái gì?

Ả Nuôi cười mà đáp:

-Tai vách mạch rừng không sợ sao được? Để nó nói quen miệng rồi bạ đâu nói đó có khi rước họa vô cho gia đình mình chứ chơi sao?

Ả Trinh nhìn Hướng Dương rồi nói với ả Nuôi:

-Con bé dễ thương thật! Tánh nó khảng khái gan dạ như vậy mình chịu lắm. Ước gì mình có được một đứa em như thế nhỉ. Hay cho nó làm đệ tử mình đi! Mình sẽ dạy võ nghệ cho nó để khi lớn lên nó đánh bọn Tàu Ngô mà trả thù cho anh cả.

Quay sang Hướng Dương, ả Trinh tiếp:

-Chị Trinh nói vậy được không Hướng Dương?

Hướng Dương vui mừng reo lên:

-Chị Trinh cho em làm đệ tử đi! Em muốn học võ để giết bọn Tàu Ngô tàn ác mà trả thù cho anh cả.

Ả Nuôi nghe em nói đâm hoảng vội nạt:

-Câm ngay cái mồm! Quan trên đã có lệnh cấm mà nó cứ bô bô cái mồm như vậy có ngày chết cả đám chứ ngồi đó mà sư phụ với đệ tử!

Ả Trinh cười với ả Nuôi:

-Mình thích con bé này quá. Khi đi làm ả Nuôi cứ dắt nó đi làm phụ mình trả công cho. Con nít tính theo công con nít, đừng ngại!

Hướng Dương nghe ả Trinh nói lại mừng rơn lên:

-Chị Trinh nói thật chứ? Cho em đi làm với nghe.

Ả Trinh vui vẻ nói:

-Thật chứ! Hôm nay em tập việc đi. Ngày mai đi làm chị sẽ tính công cho em.

Ả Nuôi tỏ vẻ ái ngại:

-Ả Trinh thương Hướng Dương mà nói vậy nhưng biết bà chủ có bằng lòng không? Hơn nữa Hướng Dương không thể đi làm thường xuyên được đâu vì nó còn lo giúp công việc ở nhà nữa.

Ả Trinh nói giọng dứt khoát:

-Ả Nuôi khỏi lo chuyện đó. Ngày nào Hướng Dương đi làm mình cứ tính công ngày đó. Điều quan trọng là Hướng Dương phải nghe lời chị bảo. Hướng Dương có chịu vậy không?

Hướng Dương vui mừng nói lớn:

-Cám ơn chị Trinh, chị bảo gì em cũng chịu nghe cả.

Ả Trinh tươi cười xoa đầu Hướng Dương:

-Em nhớ giữ lời hứa nhé. Ngày mai em cứ theo chị Nuôi đi làm.

Tuy đã được ả Trinh chấp thuận nhưng ả Nuôi vẫn không chịu cho Hướng Dương đi làm. Lâu lâu ả mới chịu dắt Hướng Dương đi theo chơi một lần. Dù vậy, từ đó ả Trinh và Hướng Dương ngày càng gắn bó thân thiết với nhau chẳng khác gì tình chị em…

 

CHƯƠNG 6

 

Càng ngày Quốc Đạt càng khổ tâm vì sự xung khắc ngấm ngầm giữa bà vợ và cô em gái của mình. Hai chị em cứ như mặt trăng với mặt trời, rất ít khi chịu gần nhau. Quốc Đạt rất chiều vợ, nể vợ nhưng cũng rất thương em gái. Tánh tình Đỗ thị quá khắt khe, ích kỷ và cũng rất đa nghi. Có khi chỉ vì Quốc Đạt dặn dò ả Trinh vài điều cần thiết trong công việc mà kết quả cũng biến thành một vụ gây gổ lớn giữa hai vợ chồng. Cứ thấy Quốc Đạt và ả Trinh nói chuyện với nhau là Đỗ thị nghĩ ngay đến việc hai anh em tụ họp để nói xấu bà. Vì vậy mỗi khi trong nhà vì lẽ gì vắng bớt một trong hai người ấy Quốc Đạt mới thật sự có được chút thoải mái.

Lần ấy Đỗ thị xin chồng dắt con về thăm cha mẹ mấy ngày. Khi Đỗ thị trở về Quốc Đạt hỏi:

-Bố mẹ và các em vẫn khỏe cả chứ? Có chuyện gì lạ không?

Đỗ thị vui vẻ nói:

-Cám ơn chàng, bố mẹ thiếp và các em vẫn khỏe cả. Bố mẹ cũng gởi lời thăm ả Trinh và cũng có nói chuyện về ả Trinh.

Quốc Đạt ngạc nhiên hỏi:

-Bố mẹ nói chuyện gì về ả Trinh?

-Cũng chuyện thường tình thôi. Chuyện chồng con đó mà! Thiếp thấy bố mẹ thiếp có vẻ thích và muốn nâng đỡ ả Trinh lắm. Mình cũng nên mừng cho ả Trinh.

Quốc Đạt càng ngạc nhiên hơn:

-Chuyện chồng con? Ả Trinh đã có gì đâu mà bố mẹ lại đề cập tới? Bố mẹ nói sao?

Đỗ thị chậm rãi nói:

-Ả Trinh lúc này cũng lớn rồi, lấy chồng được rồi, chàng cũng nên lo việc đó đi cho tròn nhiệm vụ ông anh thế mặt cha. Bố mẹ muốn đứng ra làm mối dong cho ả Trinh đó. Mối này cũng vinh hoa phú quí đàng hoàng. Nhưng bố mẹ muốn hỏi ý chàng trước. Bây giờ bố mẹ mình không còn nữa, chàng đương nhiên có toàn quyền quyết định về việc hôn nhân của ả Trinh. “Quyền huynh thế phụ” đó mà. Nếu cuộc hôn nhân này mà thành tựu chàng có thể cầm chắc một chức huyện lệnh trong tay. Chàng nghĩ sao?

-Ta đã biết chuyện gì đâu mà hỏi ta nghĩ sao? Nàng hãy thuật hết lời bố mẹ nói ra sao cho ta nghe mới được chứ!

Đỗ thị tỏ vẻ khó chịu:

-Vậy thì chàng hãy lắng tai mà nghe: Nguyên quan Đô úy quận Cửu Chân là Lỗ Huỳnh nay đã ngoài bốn mươi mà chỉ sinh toàn con gái, người rất muốn kiếm một đứa con trai để nối dòng. Nghe ả Trinh tốt tướng lại xinh đẹp nên người muốn lập làm thứ thất. Nếu ả Trinh may mắn sinh cho người được một mụn con trai thì nhà mình cũng nhờ được lắm. Cái chức huyện lệnh đang chờ chàng đấy!

Triệu Quốc Đạt lắc đầu:

-Nàng cũng biết em ta tuy là phận gái nhưng tính nó lại ngang tàng chẳng thua sút bọn con trai. Nó vốn lại không thích người Tàu, nhất là hạng quan quyền. Nó vẫn có thành kiến là bọn này luôn hống hách, tàn độc, rất khinh thường dân bản xứ. Chắc nó chẳng chịu nghe đâu. Hơn nữa, bắt nó làm hầu làm mọn ta cũng không đành!

Đỗ thị phản bác ngay:

-Chàng nói sai rồi. Con nhà dân giả được chiếu cố như thế là may lắm còn đòi hỏi gì nữa? Còn bên kia người ta có hống hách tàn độc thì cũng do mình thôi. Nếu mình đừng tính chuyện chống lại người ta, họ bảo sao làm vậy thì họ lấy cớ gì để đối xử tàn độc với mình chứ? Nhà mình mà kết thân với quan Đô úy rồi thì chàng muốn gì mà chẳng được? Cái chức huyện lệnh sẽ đến tay chàng lúc nào không hay. Bộ chàng không muốn có quyền uy rực rỡ để ngẩng mặt với đời sao?

Quốc Đạt vẫn lắc đầu:

-Ta biết tính em gái ta khí khái lắm. Ta không muốn ép nó mà cũng không đủ sức để thuyết phục nó. Thôi thì ta nhường việc này cho nàng. Nếu nàng đã quyết lòng như vậy nàng cứ thử thuyết phục nó xem sao.

Đỗ thị nổi giận:

-Vậy thì quyền huynh thế phụ làm gì? Con gái lớn ngồng ngồng như vậy mà không chịu lo bán gả sau này xảy ra điều gì không đẹp chàng cũng mắc tội với bố mẹ chứ! Công danh phú quí đến tay mà còn làm bộ không muốn!

Quốc Đạt thấy vợ nổi giận bèn nhượng bộ:

-Thôi được. Tối nay lấy cớ đi thăm ngoại về, nàng hãy làm tiệc mời nó dự rồi vợ chồng ta cùng nói chuyện với nó vậy.

*

Chiều hôm ấy, khi ả Trinh về nhà, vừa thấy bóng Đỗ thị ả đã toan tránh qua lối khác. Nhưng Đỗ thị đã kịp đon đả chào hỏi:

-Ả Trinh hái dâu về đấy à? Chị và hai cháu cũng vừa đi thăm bên ngoại về đây. Cũng có vài chuyện hay hay. Chị mời ả tối nay ăn cơm cùng anh chị nhé. Mình sẽ nói chuyện với nhau cho vui.

Ả Trinh hết sức ngạc nhiên. Đã quá lâu tuy hai chị em ở chung một nhà nhưng họ khó mà tặng nhau được một nụ cười. Nay thấy bà chị dâu tỏ ra bả lả niềm nở với mình ả Trinh cũng thấy vui vui và cũng muốn tìm hiểu lý do vì sao nên sốt sắng nhận lời:

-Chị đã có hảo ý cho ăn lẽ nào tôi từ chối!

Đỗ thị vui mừng nói:

-Vậy thì quí hóa quá. Ả tắm rửa đi rồi lên ăn là vừa.

Cả ba người cùng ngồi vào bàn ăn. Quốc Đạt và Đỗ thị đều mở đầu bằng những chuyện vui nho nhỏ nên người nào cũng có nụ cười. Lần này Đỗ thị cứ ân cần gắp những miếng ngon bỏ vào chén ả Trinh và thúc giục ả ăn. Quốc Đạt cũng ưu ái rót rượu mời vợ rồi mời cô em gái. Không khí bữa ăn có vẻ đầm ấm, thân mật lắm. Đang ăn nửa chừng ả Trinh bỗng hỏi chị dâu:

-Hồi nãy chị nói chuyến về thăm bên ngoại cũng có nhiều chuyện hay hay bây giờ chị kể cho tôi nghe với được không?

Đỗ thị cười mà nói:

-Gấp gì. Mình ở trong nhà khi nào kể lại chẳng được? Ả Trinh này, lúc này trông ả trổ mã đẹp quá chừng. Sau này ả phải thành hạng phu nhân mệnh phụ mới xứng.

Ả Trinh lắc đầu mà cười:

-Chị chế diễu tôi thì thôi. Một ả hái dâu như tôi đâu dám mơ mộng cao xa đến thế. Chị tưởng ai muốn làm phu nhân mệnh phụ cũng được cả sao?

Đỗ thị cười bả lả:

-Ả Trinh tưởng chị nói đùa sao? Chị nghĩ chỉ cần ả ừ một tiếng là ngôi phu nhân mệnh phụ có thể đến với ả ngay!

Nghĩ là Đỗ thị nói chơi, ả Trinh đùa lại:

-Làm phu nhân mệnh phụ ai mà chẳng ham. Nhưng làm cách nào để chỉ ừ một tiếng mà được ngôi phu nhân mệnh phụ như chị nói chỉ cho tôi biết với!

Đỗ thị tươi cười giải thích:

-Thế ả Trinh chưa nghe câu ca dao “Đàn ông quan tắt thì chầy, Đàn bà quan tắt nửa ngày nên quan” sao? Trường hợp của ả có thể như vậy đó.

Ả Trinh lắc đầu:

-Chị nói sao tôi thật chẳng hiểu gì cả.

Đỗ thị vẫn giữ nụ cười:

-Rồi ả sẽ hiểu thôi. Chị hỏi thật, nếu bây giờ chị bày cho ả đi con đường tắt đó ả có chịu nghe không?

Ả Trinh cũng cười:

-Dại chi không nghe chị. Chị cứ nói tôi nghe thử!

Đỗ thị nghe ả Trinh nói vậy liền nghiêm nghị nói:

-Vậy thì ả Trinh nghe cho rõ này: Quan Đô úy quận Cửu Chân là Lỗ Huỳnh, năm nay người đã ngoài bốn mươi nhưng còn phong độ lắm. Vì chưa có con trai để thừa tự nên người đã quyết định lập ngôi thứ thất. Bố mẹ chị thấy ả Trinh vừa đẹp vừa hiền nên cũng muốn làm mai cho ông ta. Nếu ả may mắn sinh được cho ông ta một công tử thì suốt đời ả vinh hoa phú quí không ai bì nổi đâu. Đây là một cơ hội để ả trở thành phu nhân mệnh phụ đó. Không những ả được vinh sang rồi mà cả anh chị đây cũng được hưởng lây ơn phước của ả nữa!

Ả Trinh hơi nhíu mày. Suy nghĩ một lát ả từ tốn nói:

-Tôi chưa muốn lấy chồng đâu chị ơi!

Đỗ thị cũng hơi cau mày:

-Sao ả Trinh chóng thay đổi vậy? Vừa rồi ả bảo sẽ nghe theo lời tôi, giờ ả lại nói chưa muốn lấy chồng? Cơ hội này mà ả bỏ lỡ về sau hối hận không kịp đó.

Ả Trinh nhũn nhặn nói:

-Cũng chẳng có gì để phải hối hận cả. Từ từ tôi lấy một người dân giả cũng không chết chóc ai mà sợ.

Đỗ thị lộ vẻ bực mình hỏi gắt:

-Ả Trinh quả quyết như vậy rồi sao?

Ả Trinh trả lời giọng cương quyết:

-Vâng, tôi nhất quyết như vậy đó! Chị nên nói chuyện khác, đừng nói chuyện chồng con với tôi nữa!

Đỗ thị bỗng nổi giận đùng đùng:

-Ả ngon lành quá hả? Người ta là bậc quan quyền mà ả dám coi thường như thế hả? Rất tiếc tôi đã nghĩ lầm về ả rồi. Một đời lên xe xuống ngựa, mỗi bước có người đưa rước bẩm thưa ả không muốn vậy ả đòi hỏi cái gì nữa?

Ả Trinh bỏ đũa đứng dậy xẵng giọng:

-Nhưng tôi không muốn lấy cái ông quan Tàu Ngô ấy!

Đỗ thị cũng đứng dậy:

-Bộ ả da dát vàng thịt độn ngọc sao lại dám chê một vị quan chánh vắt vắt người Tàu như thế? Dân man ri mà không biết thủ phận lại dám chê người văn minh! Tôi hỏi tại sao ả không muốn lấy một ông quan Tàu hãy cho tôi biết? Ả muốn cái gì nữa đây?

Quốc Đạt thấy tình hình đôi bên đã căng thẳng cũng đứng dậy định can ngăn thì ả Trinh quay lại phía Quốc Đạt xá một xá mà nói:

-Xin huynh trưởng chớ phiền, em no rồi.

Rồi ả quay về phía Đỗ thị gằn từng tiếng:

-Tôi muốn gì hả? Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu cong lưng làm tì thiếp cho người ta!

Đỗ thị quay về phía Quốc Đạt gằn từng tiếng:

-Chàng nhớ làm chứng lời ả Trinh nói như thế đó! Làm chứng giùm tôi nhé! Ả muốn đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu cong lưng làm tì thiếp cho người!

Quốc Đạt hoảng hốt, lúng túng cố giảng hòa:

-Thôi, người nhịn đi một tí cho xong. Trong nhà đóng cửa dạy nhau chứ chuyện này lọt ra bên ngoài cũng chẳng hay ho gì.

Ả Trinh cúi mặt bước ra ngoài. Đỗ thị mặt hằm hằm nói với chồng:

-Nếu chàng có một cô em gái thuần nết như người ta thì cái chức huyện lệnh sẽ đến tay chàng như chơi! Đồ thứ con gái mất nết!

Quốc Đạt nói như van vỉ:

-Thôi, tôi xin nàng chớ nói nữa! Khổ lắm rồi!

Đỗ thị gằn từng tiếng:

-Gia đình này nuông chiều ả quá mới sinh hư hỏng như vậy! Nếu chàng không trừng trị được nó tôi sẽ nhờ quan trên trừng trị cho!

 

 

CHƯƠNG 7

 

Vào một buổi trưa, giữa đám ruộng dâu bát ngát, mấy cô gái hái dâu đang ngồi vừa ăn trưa vừa nói chuyện với nhau. Bỗng một ả đứng vụt lên, khum một bàn tay che vành tai ra vẻ nghe ngóng. Mọi người ngạc nhiên cùng chăm chú theo dõi:

-Chuyện gì đó ả Mộng?

Ả tên Mộng nói khẽ:

-Hình như có tiếng ai rên rỉ đâu đây? Các ả nghe thử nào!

Một ả khác cũng đứng lên:

-Phải rồi. Tôi cũng nghe như có tiếng ai rên!

Ả Trinh cũng đứng lên nghe ngóng rồi nói:

-Chắc hẳn có người nào bị rắn cắn hay đau ốm chi đây! Bọn mình thử tìm tới chỗ phát ra tiếng rên xem có ai gặp tai nạn gì để giúp người ta đi! Mau mau lên!

-Đúng rồi ả Trinh! Phải đem nước uống theo đôi khi gặp người ta khát để cho uống nữa! Cất cơm lại đã, lát nữa trở về ăn tiếp!

Nhưng ả thứ tư vẫn thản nhiên ngồi ăn, ả nói:

-Thôi, hái dâu cứ lo hái dâu, việc của thiên hạ mặc kệ người ta. Lành chành đôi khi ách giữa đàng lại mang vào cổ thêm khổ!

Ả Trinh nói:

-Ả Hậu không thích đi thì thôi. Ả Mộng, ả Nuôi đi với mình cũng được.

Thế rồi ba ả gói phần cơm của mình lại rồi kéo nhau đi. Cả ba cứ hướng về phía có tiếng rên rỉ mà tới. Không bao lâu họ đã đến gần nơi phát ra tiếng rên. Sợ sự xuất hiện bất ngờ của mình làm kinh động kẻ đang mắc nạn, ả Trinh dịu dàng lên tiếng trước:

-Ai đau ốm gì mà rên rỉ đó? Chúng tôi là những người hái dâu ở gần đây, cần chúng tôi giúp đỡ gì không?

Tiếng rên bỗng im bặt. Nương dâu hơi dày nên ba ả không biết người rên hồi nẫy phát ra ở chỗ nào. Ả Mộng đoán chừng người đau ốm sợ hãi mà im tiếng nên nói lớn:

-Ai đó đã gặp chuyện rủi ro gì xin chớ nghi ngại. Mấy chị em chúng tôi là những người hái dâu ở gần đây, vì nghe tiếng rên rỉ nên mới tìm đến. Xin lên tiếng để chúng tôi biết chỗ xem có giúp đỡ được gì không?

Một lát sau tiếng rên lại nổi lên cùng với tiếng nói:

-Xin mời mấy cô nương lại đây. Bạn tôi bị thương đang cần nước uống, mấy cô nương có giúp được không?

Ba ả hái dâu liền tiến về phía phát ra tiếng người. Trước mắt họ là một người bệnh đang nằm trên một mảnh chiếu rách trải dưới một gốc dâu. Người bệnh đầu tóc bù xù, râu ria lởm chởm, vẻ mặt xanh xao, mắt nhắm nghiền nhưng miệng rên ư ử. Chân phải của anh ta được băng bó nhiều chỗ, rõ nhất là bàn chân ấy đang sưng vù. Người thứ hai cũng đầu tóc bù xù, râu ria lởm chởm, ăn mặc rách rưới, ngồi bên cạnh người bệnh. Thấy mấy ả hái dâu đến, anh ta lộ vẻ mừng nói:

-Tôi tên Song, anh bạn tôi đây tên Nguyễn Thức. Anh ấy vừa qua cơn sốt, đang cần uống ít nước. Xin các cô nương giúp cho!

Ả Trinh vội vàng trao ống đựng nước của mình cho anh ta. Người đàn ông tên Song cầm lấy ống nước rồi đánh thức người bệnh dậy:

-Thức ơi, có nước đây rồi. Uống vài ngụm cho khỏe này!

Người bệnh được bạn cho uống mấy ngụm nước đã có vẻ tỉnh táo hơn. Anh ta mở mắt nhìn mọi người một lượt rồi lại nhắm mắt rên nho nhỏ. Ả Trinh thấy người đàn ông tên Song cầm ống nước có vẻ ngập ngừng thì hiểu ý nói:

-Tôi chắc ông cũng đang khát, nước chúng tôi còn nhiều, ông cứ uống đi!

-Cám ơn các cô nương – quả thật chúng tôi đang khát lắm!

Người đàn ông tên Song nói xong đưa ống nước lên miệng uống. Ả Trinh nhìn ông Thức xong lại nhìn ông Song rồi nói:

-Các ông ở đâu đến đây? Vì sao lại ra nông nỗi này? Chúng tôi còn một ít cơm, các ông có cần không chúng tôi đi lấy cho!

Ông Song mừng rỡ nói:

-Cám ơn các cô nương. Chúng tôi hết lương thực mấy bữa nay rồi. Nhưng người bạn tôi đây đang bệnh, nếu có được chút cháo thì đỡ hơn!

Ả Trinh quay lại bảo bạn:

-Ả Nuôi về mang phần cơm còn lại của bọn mình đến đây được không?

Ả Nuôi sốt sắng đi ngay. Trong khi chờ đợi ả Trinh hỏi lại ông Song:

-Xin ông cho biết vì sao hai ông lâm vào cảnh này? Chúng tôi không làm hại hai ông đâu mà ngại! Nếu hiểu rõ chuyện, biết đâu chúng tôi có thể giúp hai ông được gì cho hai ông?

Ông Song thở dài rồi nói:

-Nghĩa cử của các cô nương làm tôi rất cảm động. Các cô nương là người tốt, tôi không dám nghĩ là các cô nương làm hại chúng tôi đâu! Nhưng tôi ngại nếu có ai biết được cuộc gặp gỡ này các cô nương có thể bị liên lụy vì chúng tôi thôi!

Hai ả thiếu nữ cùng trố mắt ngạc nhiên:

-Hai ông làm gì mà lại sợ liên lụy đến chúng tôi?

Ông Song ngập ngừng một lát rồi buồn bã nói:

-Tới nước này tôi nghĩ không nên giấu giếm mấy cô nương nữa. Chúng tôi đang là những kẻ có tội đang chạy trốn. Chúng tôi đang gặp đường cùng. Hiện nay quận huyện đang có lệnh tầm nã chúng tôi ráo riết lắm nên chúng tôi không thể đi đâu được. Rủi ro người bạn của tôi lại bị mấy vết thương đang làm độc, càng khó khăn hơn nữa là lương thực của chúng tôi đã cạn mà tôi không thể len lỏi vào khu dân cư để kiếm ăn vì sợ bị lộ tông tích. Tôi chưa biết xoay xở ra sao đây.

Ả Trinh chợt rùng mình nghĩ đến những điều bất trắc có thể xảy ra. Ả hỏi:

-Nhưng vì sao các ông lại bị truy nã?

Ông Song chưa kịp trả lời thì ả Nuôi đã đem cơm đến. Ả Trinh nói:

-Trông ông có vẻ đói. Hãy vừa ăn cơm vừa nói chuyện cũng được. Chúng ta trích ra một phần để nấu cháo cho ông Thức.

-Để tôi lo việc đó cho!

Ả Nuôi vừa nói vừa trích một phần cơm để đem nấu cháo. Ả Trinh và ả Mộng ân cần mời ông Song ăn cơm. Ông Song chẳng khách sáo, cầm đũa ngay. Ăn được vài miếng ông bắt đầu kể tiếp:

-Chúng tôi vốn là dân đinh ở thôn Đại Lược huyện Triệu Sơn. Mới đây có lệnh của quan Thứ sử (1) Giao Châu, huyện cho lính đi mộ dân phu để đưa về phục dịch ở Long Biên. Trước đây 3 năm đã có một đợt tuyển mộ, cũng nói là đi phục dịch ở Long Biên, nhưng sau đó lại đưa lên mạn ngược phục dịch việc tìm sừng tê, ngà voi. Nhiều người đã phải chết vì thú dữ, vì bệnh sốt rét nên nghe chuyện đi phu chúng tôi đã hết hồn rồi. Vì nỗi ám ảnh do vụ bắt phu lần trước nên lần này chúng tôi đã phản ứng. Không ngờ trong đám phu chúng tôi có một số anh em quá khích đã làm chuyện nổ lớn. Bất đắc dĩ chúng tôi phải giết mấy tên lính của huyện. Đã lỡ phạm tội, năm chúng tôi phải dắt nhau chạy trốn. Tối hôm kia, đang trên đường đi trốn, không may lại đụng phải đội lính tuần phòng nào đó. Nếu để bị bắt lại tất nhiên chúng tôi không thể thoát được cái chết. Tình thế bắt buộc chúng tôi phải liều lĩnh chống cự lại thôi. Vì anh bạn Thức này bị thương sớm nên tôi phải cõng anh chạy trước. Vậy mà lại hóa may, hai chúng tôi nương nhờ bóng tối mà trốn thoát được. Còn ba anh bạn kia nếu không bị giết chắc cũng bị bắt lại rồi …

Ả Trinh thở phào:

-Thế mà lúc đầu tôi cứ ngỡ mấy ông đã làm gì trái đạo. Việc giết bọn giặc Tàu Ngô đi bắt dân phu chúng tôi tán thành lắm. Được rồi, ông anh cứ yên chí. Chúng tôi sẽ giúp đỡ lương thực cho hai ông anh để tạm trú ẩn ở đây một thời gian. Ông Song ráng săn sóc cho người bệnh qua đêm nay, ngày mai chúng tôi có thể kiếm thuốc chữa bệnh cho ông anh. Cầu cho hai ông anh sớm thoát khỏi hoạn nạn để trở về quê quán làm ăn!

Ông Song cảm động nói:

-Đa tạ các cô nương. Nhưng chúng tôi làm sao trở về quê quán được nữa! Đợi người bạn tôi lành mạnh rồi chúng tôi sẽ tính.

Ả Trinh lại cười:

-Tôi cũng quên khuấy chuyện hai ông anh đã thành tội phạm rồi. Như vậy ông anh có ý định làm gì khi rời khỏi nơi đây?

Ông Song ngẩn ngơ ra một lát rồi nói:

-Khi rời khỏi nơi đây chúng tôi sẽ đi đâu? Trời đất mênh mông mà tìm một chỗ dung thân cũng quá khó. Tôi nghe nói trên ngàn Nưa (2) có một số người bất mãn đang tụ tập làm giặc cỏ. Có thể chúng tôi phải lên trên đó nhập bọn với họ để tạm thời nương thân…

Ả Trinh im lặng một lát rồi thở dài:

-Thấy khổ thân các ông anh chưa? Bây giờ muốn làm người dân lương thiện ăn yên ở yên cũng không được nữa! Phải tìm đường lên núi…

Nói đến đây ả Trinh cảm thấy như mình đã quá lời, vội lảng qua chuyện khác:

-Thôi, cháo đã nấu rồi, bây giờ ông anh cho người bạn ăn đi. Chúng tôi phải trở về lo công việc. Ngày mai chúng tôi sẽ trở lại thăm hai ông anh.

Mấy ả vừa dợm bước thì ông Song lại nói:

-À, xin làm phiền các cô nương thêm chút nữa. Nếu các cô nương có vật gì đựng nước được xin cho một cái để tôi dùng múc nước cho bạn tôi rửa ráy bớt nhé. Cái nồi của chúng tôi nhỏ quá đựng không được bao nhiêu nước.

-Được rồi, chúng tôi sẽ kiếm giúp ông.

Thế rồi ba ả chào ông Song để trở lại khoảnh ruộng dâu đang hái. Vừa đi ả Trinh vừa dặn hai bạn:

-Cũng may là ả Hậu không đi theo chúng ta. Việc gặp mấy người bị truy nã này không nên cho ả Hậu biết, ả có thể gây rắc rối đó. Nhớ giữ ý tứ nhé! Tôi quên hỏi, khi nãy ả Nuôi về lấy cơm ả Hậu có nói gì không?

Ả Nuôi đáp:

-Tôi về gặp lúc ả Hậu đang nằm nghỉ. Thấy tôi lấy cơm đi ả hỏi tôi lấy làm gì, tôi nói lấy cho mấy người thợ săn đi lạc đường. Ả không hỏi gì nữa, lại tiếp tục nằm nghỉ. Mấy ông này còn sống được là nhờ can đảm dám làm liều. Ông anh cả tôi vì yếu đuối nhút nhát nên phải bỏ xác dọc đường. Nhà nào có người đi dân phu rồi mới biết. Đi mười về ba! Nói tới chuyện đi dân phu là thiên hạ rùng mình. Tiễn người thân đi dân phu đôi khi người ta khóc hơn cả tiễn lính ra trận. Lính đánh giặc còn có cái quyền của lính, còn có lúc thắng trận để trở về trong vinh quang chứ đi dân phu thì chỉ từ chết tới bị thương.

Ả Trinh thở dài:

-Thân phận của người dân bị trị như vậy đó. Nếu ai cũng làm được như mấy ông dân phu này thì đâu đến nỗi! Ngày mai mình sẽ mang thuốc và gạo đến giúp họ. Vụ lương thực để tôi lo hết cho, hai ả khỏi mang gì cả. Cũng may là họ ẩn núp ở khoảnh ruộng dâu của mình chứ nếu trốn nhằm chỗ khác biết đâu lại chẳng bị lộ tẩy! Nhớ đi sớm để về chỗ hái dâu cho kịp kẻo ả Hậu sinh nghi thêm phiền phức.

Ả Mộng nêu lên thắc mắc:

-Làm việc này là việc phước, dĩ nhiên mình không từ nan. Nhưng vừa rồi nghe ông Song nói họ có thể nhập bọn với lũ thảo khấu trên núi Nưa tôi thấy ngại lắm.

Ả Trinh trấn an:

-Ông ta nói vậy vì ông ta đang bí lối. Nhưng rồi đây bọn mình sẽ giúp ý cho ông ta chứ! Còn nhiều thì giờ, khoan lo đã.

*

Ả Trinh vốn quen biết với một ông thầy thuốc khá giỏi. Ả mang một số bạc đến gặp ông thầy này trình bày về tình trạng con bệnh và xin bốc thuốc. Ông thầy hỏi kỹ bệnh rồi bốc cho cả thuốc xức lẫn thuốc uống. Sau đó ả Trinh cũng lấy một ít gạo và thức ăn gói sẵn. Sáng hôm sau cả ba ả lại đến gặp hai người đàn ông đang lánh nạn. Cũng may là ông Thức nhờ ăn được chút cháo nên người đã hơi lại sức, mấy chỗ đau cũng bớt khó chịu…

Ả Trinh trao gạo và thuốc cho ông Song rồi dặn:

-Ông anh cứ yên chí cho ông Thức uống thuốc. Mai mốt khi thuận tiện chúng tôi sẽ ghé thăm. Nếu uống và xức lần này không kết quả tôi sẽ kiếm loại thuốc khác cho!

Khi ba ả trở về, ả Nuôi nói:

-Hồi hôm nghe tôi kể lại chuyện hai người đàn ông này, mẹ tôi và con Hướng Dương đã bật khóc thảm thiết. Nhất là con Hướng Dương, nó nghiến răng nói nếu nó có được võ nghệ như ả Trinh thế nào nó cũng nổi lên diệt bọn giặc Tàu Ngô. Nó cứ than thở nhắc đến ông anh cả của chúng tôi. Rồi nó lại trách tôi đã không để cho nó đi làm với ả Trinh để học võ.

Ả Trinh khen:

-Con bé này khí khái thật đáng nể! Ả Nuôi cấm nó thật chứ gì nữa? Tại sao ả cứ cấm cái sở thích của Hướng Dương vậy? Nó còn trẻ con nên không kềm được máu hăng. Năm nay nó mấy tuổi rồi nhỉ?

-Mười lăm.

-Ngày mai cho Hướng Dương đi hái dâu nhé!

-Thôi tôi cũng chiều nó. Nhưng ả Trinh nên buộc nó phải kín kín cái miệng một chút. Tôi rất sợ điều đó.

Đến đây thì họ đã trở lại nơi hái dâu. Thấy ả Hậu không hay biết gì về việc làm của ba ả, họ đều yên lòng.

*

Sau khi đã uống và xức mớ thuốc do ả Trinh trao cho, bệnh của ông Thức đã giảm khá nhiều. Cái bàn chân phải đang sưng vù cũng xẹp dần. Mấy ả hái dâu thấy vậy đều rất mừng. Năm ngày sau bệnh của ông Thức coi như tạm bình phục, có thể đi lại được. Ông Thức cám ơn và báo cho mấy ả biết hai hôm sau anh em ông sẽ lên đường.

Hôm ấy cả ba cô hái dâu đều đến thăm hai người bạn mới để tiễn đưa. Lần này ả Mộng, ả Nuôi đều có lén mang gạo theo tặng hai người để phòng ăn dọc đường. Ả Trinh bằng giọng cảm kích nói với họ:

-Việc làm dũng cảm của hai ông anh đã làm chúng tôi hết sức cảm phục. Đáng tiếc là bây giờ hai ông anh chưa tìm ra được nơi chốn để dung thân. Chúng tôi nghe hai ông anh có ý định lên ngàn Nưa gia nhập với đám người trên đó, trong lòng không khỏi lo nghĩ. Từ khi chúng tôi được tiếp xúc rồi quen biết với hai ông anh, biết được nguyên nhân đã đẩy hai ông anh vào cảnh hoạn nạn, chúng tôi rất thông cảm và nể phục hai ông anh. Chúng tôi nghĩ hai ông anh xứng đáng liệt vào hạng trượng phu. Vì thế chúng tôi mạo muội xin gởi một lời khuyên: Khi đã lên ngàn Nưa rồi nếu thấy họ làm việc nhân nghĩa, việc thiện thì cứ tạm dung thân ở đấy để đợi thời. Còn nếu họ tỏ ra gian tham tàn ác hai ông anh nên lánh đi chỗ khác để khỏi phải ân hận về sau. Chúng tôi xin góp một ít lương thực để hai ông anh dùng dọc đường. Cầu chúc hai ông anh gặp nhiều may mắn.

Ông Thức rớm lệ đáp lời:

-Nguyễn Thức này mà sống được cũng là nhờ ơn đức cao dày của các cô nương. Tiếc rằng trong hoàn cảnh của chúng tôi không thể làm cách nào để đền đáp được tấm ơn nghĩa đó được. Vì vậy, Thức này xin thề sẽ không làm cho quí cô nương phải buồn lòng đâu! Quí cô nương đã làm việc nghĩa trời thần sẽ ban phước lành cho quí cô nương. Đêm nay chúng tôi sẽ lên đường. Kính chúc quí ân nhân luôn được trời thần phù hộ để thực hiện mọi nguyện vọng, mọi ước mơ. Khi có cơ hội thuận lợi chúng tôi sẽ trở về thăm viếng quí ân nhân…

Ông Song nói tiếp:

-Tôi nghe người ta đồn những kẻ trốn lên ngàn Nưa phần đông đều có ý hướng chống lại giặc Tàu Ngô chứ không phải họ muốn làm đạo tặc. Hi vọng những lời đồn đó là đúng…

Ả Trinh lộ vẻ cảm động nói:

-Nếu quả như vậy thì chúng tôi an tâm lắm. Cầu mong hai ông anh chọn được chỗ tạm dung thân toại ý. Chúng tôi rất mong nhận được tin tốt lành của hai ông. Chúc hai ông anh thượng lộ bình an.

Cả hai người đàn ông đều nói:

-Xin trời thần phù hộ cho quí cô nương.

Ba ả hái dâu đều lộ vẻ bùi ngùi khoát tay chào hai người rồi trở lại với công việc.

 

–          – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –

Chú thích:

(1)   Thứ sử: Chức quan cai trị một châu. Châu có thể là một quận hay bao gồm nhiều quận.

(2)   Ngàn Nưa: Ngàn Nưa xưa là một khu rừng núi thuộc ba huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Phần lớn khu ngàn này thuộc lãnh thổ Nông Cống, trong đó có núi Nưa (Na Sơn) là đỉnh cao nhất.

Đầu Voi Phất Ngọn Cờ Vàng  (CHƯƠNG 8-9-10-11)