BÀN VỀ LIÊM CHÍNH

 

KIẾN HÀO

Buổi sáng, mình đi bộ dọc theo bờ kè sông Chợ để hít thở không khí trong lành và ngắm mặt trời lên từ hướng Đông, bắt đầu từ những vệt mây ửng hồng cuối chân trời rồi lan dần ra thật nhanh. Không gian thật yên tĩnh, tít trên cao có ánh đèn chớp lóe của chiếc máy bay đang hạ độ cao,  chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhứt. Mãi một lúc sau mới nghe tiếng rì rì của nó, khi những ánh chớp đã gần khuất sau mấy tàng cây cao. Phố thị đang thức giấc, chỉ trong chốc lát những đàn ong thợ cần mẫn sẽ đổ ra đường, chen nhau hít thở làn khói bụi mù mịt với những lo toan đời thường.

Người đi bộ thể dục thường ngày đã quen mặt nhau dù không biết tên tuổi, một cái gật đầu cười mỉm thay cho lời chào. Thỉnh thoảng thấy vắng một vài khuôn mặt, không biết do đổi lộ trình hay ốm đau phải nhập viện. Hôm nay tình cờ gặp một người quen, bạn không học chung trường chung lớp nhưng chung lứa tuổi. Dân Bồ Đề và dân Trịnh Hoài Đức vốn dĩ quen biết nhau nhiều. Một vài câu xã giao rồi chuyển sang thời sự hồi nào không biết. Bạn “phang” một câu làm mình hết hồn :  “ Đời bây giờ có “ăn” cứ “ăn”, không “ăn” là ngu. Mày chỉ cho tao coi từ nam chí bắc có thằng nào không “ăn”. Không “ăn” là văng ra ngoài “quỹ đạo” liền”. Một câu phát biểu rất ngắn nhưng chứa tới năm từ “ăn”, chứng tỏ bạn đã nghiền ngẫm nhiều, thậm chí là ám ảnh với cái khái niệm rất mơ hồ mà cụ thể đó.

“ăn” là gì ? Câu hỏi xưa như trái đất, vậy mà cũng hỏi. Người xưa có nói : “Dĩ thực dưỡng sinh, phi dĩ sinh cầu thực” nghĩa là ăn để sống, không phải sống để ăn. Nhưng bạn tôi dùng từ “ăn” ở đây theo nghĩa bóng, có nghĩa là hành động ăn hối lộ, ăn của đút của những người đang cầm quyền trong các lĩnh vực quản lý, một hành động trở thành thông lệ hiện nay, người “ăn” coi như chuyện hiển nhiên, người đút “ăn” coi như đạo lý ở đời phải thế. Không có gỉ xấu hổ. Bây giờ người ta “ăn” đều trời, đến nỗi bạn tôi mới cảm thán như thế. Không “ăn” mới lạ.

Từ điển Hán –Việt của Đào Duy Anh chú từ LIÊM : “ Trong sạch, không tham của người”, còn CHÍNH là “ Ngay thẳng, thích đáng”. Cũng có thể diễn giải liêm chính có nghĩa là thanh liêm và chính trực, cả hai từ đều để chỉ cái đạo đức của ngưởi tham chính. Xét về tự hình, hai từ này có thế đứng thật vững chắc, có lẽ cũng là một ngụ ý của người xưa chăng ? Rủi thay bây giờ ngày xuân đi xin chữ, người ta chỉ muốn “tài”, “lộc”, “phúc”, “đạt”, “tường” chứ không ai thèm “liêm”, “chính”, “nhẫn”, “nhân”, “ân” …

Chu Văn An, người thầy muôn đời của dân tộc Việt Nam, cũng là tượng đài vĩ đại về liêm chính, được Đại Việt Sử Ký toàn thư chép như sau : “ An ( người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắng, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm Hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm hỏi thầy thì lạy ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy lảm mừng lắm.Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la thét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy…”.

Như vậy, liêm chính không phải là lá diêu bông, liêm chính có thật từ ngàn xưa chứ không phải là một sản phẩm hư cấu để lừa mị. Chính liêm chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đạo đức của người tham chính trong suốt ngàn năm lịch sử nhân loại, nhất là ở phương Đông, nơi mọi kẻ làm lại đều thấm nhuần Nho giáo. Bảo rằng vua quan chế độ phong kiến thối nát,  ừ thì có đấy, nhưng làm sao nó đứng vững trong mấy ngàn năm lịch sử nhân loại trong khi các chế độ khác chỉ vài trăm năm, thậm chí chỉ vài chục năm là chết yểu. Cái gì giúp cho nó tồn tại nếu không phải có thực chất cai trị hữu dụng phù hợp lòng người như nước nâng thuyền. Liêm chính phù hợp cả nhân trị và pháp trị.

Nhớ một lần gặp nhau, trong buổi hàn huyên có bạn hỏi mình sao trông mày ốm hơn trước, có bệnh gì không?. “ Không, chỉ là tao thiếu “ăn” thôi”. Không ngờ vậy mà có ai đó bị chạm nọc, mắng (lén) mình là đồ hâm, đồ gàn giống y thời đi học. Lại một lần chủ đề “ăn” trở đề tài thời sự nhân vụ một số quan tham bị đút vào lò, một bạn đang là quan chức cấp trung cao, nói một cách hậm hực rằng dư luận thổi phồng quá đáng, mấy con sâu đó đâu phải đại diện cho tất cả… Mình hiểu bạn muốn đánh đồng kiểu ở đâu cũng có con người tham lam, đừng có thần thánh hóa xã hội phương tây và thành kiến với xã hội đương thời. Nhưng sao chỉ có vài ba con sâu mà phải sắm cái lò lớn thế ?

Có thể bạn nói đúng là chế độ nào cũng có con người tham nhũng. Nhưng vấn đề là những văn bản lập pháp và những định chế hành pháp có khuyến khích tham nhũng trở thành mạng lưới từ trên xuống dưới, thành chổ dựa cho sự tồn tại của chế độ, của một thiểu số phe nhóm (lợi ích nhóm) cầm đầu hay không , hay đó chỉ là hành động đơn lẻ trộm cắp vặt của những cá nhân biến chất, lợi dụng hoặc vận dụng sơ hở của luật pháp để kiếm chác làm giàu cho bản thân, cho gia đình và phe cánh. Theo mình biết, ở những quốc gia có nền dân chủ thực sự, Quốc hội là nơi tập trung ý chí toàn dân, là nơi làm ra luật pháp, điều chỉnh luật pháp để hoàn thiện bộ máy cai trị do dân cử. Và nhiệm vụ của Quốc Hội chính là bịt lại những sơ hở khiếm khuyết ấy, những lổ rò rĩ làm xói mòn lòng tin người dân. Thế chân vạc : lập pháp, hành pháp và tư pháp kiềm chế, giám sát lẫn nhau (sau này còn thêm một thế mạnh khác tuy không phải do dân cử là truyền thông) hình thành nên nền dân chủ pháp trị ở các quốc gia văn minh.

Vừa rồi, trên báo chí chính thống có người đề nghị nâng lương để tránh tham nhũng, được không ? Ai dám bảo đảm nâng lương rồi sẽ hết tham nhũng ? Lòng tham con người có nguồn gốc từ bản năng tư hữu, bộc lộ ngay từ khi còn bú mẹ. Xưa vua cấp tiền dưỡng liêm để khuyến khích quan lại, nhưng kèm theo đó là hình pháp phạt rất nặng tội tham ô. Vua Minh Mạng ra lệnh chặt bàn tay kẻ thủ kho bòn rút công khố, hậu thế phê phán hành động bất nhân, nhưng tác dụng răn đe là khó chối cãi. Chưa chắc người ta ham tiền dưỡng liêm, nhưng vì kinh sợ hình pháp nhiều hơn. Còn ở Việt Nam, dự luật chống tham nhũng có điều khoản tịch thu hoặc đánh thuế nặng số tài sản bất minh của các quan chức “bị lộ” mới đưa ra thì bị Quốc Hội bác cái rụp! Hết bàn.

Ngay khi tôi đang viết dỡ bài này thì truyền thông và dư luận đang ồn ào vì vụ cướp tiền trạm thu phí Dầu Giây. Ngài giám đốc bị việt vị vì lỡ mau mồm khẳng định một ngày đêm thu mãi lộ được hơn một tỷ đồng (khoảng 44 ngàn USD), dè đâu số tiền công an thu hồi vượt trên hai tỷ (!), ông bèn nói chữa đó là số tiền của nhiều ngày gộp lại. Người dân cũng biết sở dĩ các trạm thu phí không muốn bỏ thu tiền mặt chuyển sang quẹt thẻ tự động là để tránh bị lộ doanh thu. Đó là một bí mật mà chỉ có công ty và cơ quan chủ quản cấp trên biết mà thôi. Toàn bộ các công trình xây dựng-kinh doanh  đường cao tốc ở Việt Nam đều là chỉ-định-thầu, không có mời thầu, đấu thầu gì ráo trọi. Chỉ tội người dân biết hết mà không (dám) nói, nên bị ngài giám đốc coi là ngu, nên mới phát ngôn lấp liếm như vậy.

Bây giờ ở Việt Nam, liêm chính như hạt giống khô vùi sâu trong cát, chờ mưa thuận gió hòa sẽ nảy mầm hồi sinh. Nhưng bao giờ ? Không biết, chỉ chắc một điều không thể có trong tương lai gần. Đôi lúc mình tự nghĩ không lẽ những giá trị tinh thần đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức người Việt lại dễ dàng bị hư hoại bởi thứ chủ nghĩa duy lợi từ ngoài đó đem vào. Thế hệ cựu học sinh chúng ta may mắn (hay bất hạnh) sống qua nhiều thời kỳ biến động nên có cơ hội so sánh, kiểm nghiệm lại những tốt xấu, hay dỡ của nhiều chế độ; nhất là thởi kỳ Đệ nhất cộng hòa. Từ chuyện vụn vặt như các mối giao tế đời thường trong gia đình và ngoài xã hội, đến phạm trù vĩ mô như thái độ ứng xử cộng đồng và quản lý trật tự xã hội. Tất cả đều chịu sự chi phối của một nền tảng văn minh nhất định.

Trở lại chuyện “ăn”nói trên, mình chỉ đáp lời bạn, số đông không phải là tất cả, chúng ta đã có tuổi, thế giới quan, nhân sinh quan đã định hình, phải giữ vững lập trường, không nên chạy theo xu hướng, dao động trước thời cuộc. Mình định đùa thêm là bạn đang “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhưng dừng lại vì thật ra cả hai chưa phải là bạn thân. Bạn không nói gì, có lẽ chưa hẳn hài lòng nhưng lãng sang chuyện khác để giữ hòa khí. Còn mình hôm đó đúng là buồn năm phút, tới phút thứ sáu thì hết buồn vì phải tập trung chú ý để băng qua đường. Ngã tư có đèn xanh đèn đỏ nhưng chẳng ai tuân thủ vì trời chưa sáng rõ, mình đi đúng luật nhưng cũng phải đề phòng những người chạy xe …không đúng luật.

Mong sao phát biểu đó chỉ là sự lên gân trong một lúc cao hứng chứ trong bản chất bạn cũng còn giữ lại một phần thiện lương của một người may mắn từng hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng, vì cũng như nhiều bạn khác, thế hệ bọn mình được học hành và hình thành nhân cách trong một giai đoạn xã hội ổn định, các giá trị đạo đức và nhân văn được tôn trọng; trước khi vào đời và bị cuốn vào cuộc chiến tranh đang “mùa hè đỏ lửa”….