Phát Triển Mối Quan Hệ Giữa Cha Mẹ và Con Cái: Chìa Khóa của Việc Giáo Dục

Cô giáo Lan Lê

Thời gian qua vun vút. Mới ngày nào chúng tôi đã vất vả nuôi dạy các con mà nay chúng đã trưởng thành và đang gánh vác trách nhiệm làm cha mẹ. Nghĩ lại quãng thời gian dài mình đã trải qua, rồi so sánh bổn phận và trách nhiệm của chúng tôi với thế hệ của các con tôi, tôi thấy có nhiều sự khác biệt. Thế hệ chúng tôi trưởng thành trong chiến tranh, tiếp theo là thời gian chịu sự đọa đầy, trả thù của chế độ cộng sản,  và rồi nỗ lực làm lại cuộc đời nơi miền đất mới. Nhưng chính sự thiếu thốn, khó khăn đó lại trở thành động lực thúc đẩy ý chí vượt khó, quyết tâm vươn lên để đi đến thành công của các con tôi. Lòng thương yêu, tri ân cha mẹ cũng đã đến sau những ngày tháng cơ cực, cam go ấy.

Ngày nay, sự khó khăn của người làm cha mẹ không còn là phải lo lắng cho các con có đủ cơm ăn áo mặc mà là vấn đề giáo dục con cái thế nào đây giữa một xã hội dư thừa vật chất và tiến bộ vượt bực nhất là trong lãnh vực tin học tạo nên quá nhiều lôi cuốn và cạm bẫy. Những điều vẫn được coi là khuôn vàng thước ngọc trong nền giáo dục chúng ta đã được hấp thụ “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” dường như cũng cần phải thay đổi.  Thay đổi vì không phải chúng không còn giá trị mà là tìm ra một sự lựa chọn khôn ngoan, hài hòa trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, hầu tránh được những xung đột vẫn thường xảy ra trong hầu hết các gia đình Việt Nam tại hải ngoại. Xung đột đó đã tạo ra sự ngăn cách sâu xa giữa hai thế hệ. Trầm trọng hơn nữa là đã khiến cha mẹ phải bất lực nhìn đứa con sa ngã hoặc đành đoạn mất đi đứa con mà mình đã đặt hết kỳ vọng vào nó.

Sự xung khắc này sẽ được trình bày qua hai lá thư mà tôi đã được đọc trong tập san Song Nguyền của chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình rất hữu ích do linh mục Chu Quang Minh khởi xướng được tổ chức liên tục hàng năm tại miền bắc California từ năm 1991. Trước hết xin mời các bạn đọc lá thư nói lên những suy nghĩ của một người cha về cô con gái và nỗi lo lắng của ông về tương lai của cô bé:

Con yêu của bố mẹ,

Hôm nay bố phải viết thư cho con bởi vì bố không thể nói chuyện với con bằng lời được. Mỗi lần nói chuyện với bố, hình như con không chăm chú lắm vào câu chuyện chúng ta đang nói. Mắt con như đang ngóng chờ ai hay thái độ của con như đang vội vàng lắm hoặc là đang có một cú phone của một người bạn nào đấy. Điều này làm cho bố mẹ rất buồn.  Bố mẹ thông cảm với tuổi của con qua những năng nổ tìm kiếm những cái mới, những cuộc vui với bạn bè..Nhưng bố mẹ nghĩ là quá đáng.  Bố mẹ thấy đối với con bạn là trên hết, cả ngày chỉ có bạn, hết party này đến họp mặt khác.  Con có biết là con đã làm cho gia đình lo lắng cho con nhiều như thế nào không? Chắc con lại nghĩ là con đã lớn rồi, con tự quyết định được rồi, gia đình không cần phải lo cho con nữa phải không?  Con có biết mỗi lần con đi chơi khuya, bố mẹ có ngủ được đâu, dù rằng sáng mai phải dậy sớm để đi làm nhưng con chưa về làm sao bố mẹ ngủ cho được?

Bố mẹ cũng đã suy nghĩ nhiều lắm mà không biết phải làm sao để giúp con chú tâm vào viêc học để chuẩn bị cho tương lai của con. Nếu bố mẹ cấm con không cho con đi ra ngoài nhiều thì con sẽ bực mình, con sẽ thoát ra bằng cách đi ở riêng, vì con nghĩ là con đã lớn rồi. Mà nếu không cấm cản con thì bố mẹ rất sợ con rơi vào cạm bẫy của cuộc đời và rồi tương lai sẽ ra sao, học hành không tới đâu, nghề nghiệp không có, cuộc sống chắc chắn sẽ khổ lắm.  Biết bao người khi còn trẻ vì ham chơi, đã vội đi làm với đồng lương quá thấp và rồi tương lai chẳng có gì trong khi bạn bè đồng trang lứa đều thành công . Khi biết mình đi sai đường thì đã quá muộn. Bao nhiêu em đã bỏ nhà ra đi để tìm cho mình sự tự do. Nhưng đã sa chân vào những hố sâu tội lỗi, khi nhận biết thì đã tàn phá hết cuộc đời!

Con hãy bình tâm lại. Con đã thấy đó. Không nơi nào bằng nhà mình. Không ai yêu con bằng bố mẹ. Ra đường muốn làm cái gì thì cũng phải có tiền, mà tiền thì đâu có dễ kiếm? Nhất là khi chưa có một nghề vững chắc trong tay … Bố mẹ lo cho con đi học để sau này khi ra đời con có thể nuôi sống con và gia đình. Nhưng con không mấy chăm chú vào việc học, mà chỉ thấy con dành quá nhiều thì giờ cho bạn bè, phone, internet…

Mong con hiểu được nỗi băn khoăn của bố mẹ mà thay đổi lối sống hiện nay để lo cho tương lai của con.

Bố mẹ rất thương yêu con.

Sau đây là lá thư dài xin đăng nguyên văn để bạn đọc thấu hiểu tâm trạng của một teenager.

Dear Bo Me,

I have a lot of thoughts kept inside me for quite sometimes now. And for some reasons, I feel it is easier writing you a letter than telling you in person. You might have noticed there are often times when I act differently, I might seem quieter… barely talk to anyone or may be just kind of isolating myself in my room.  The reason for that Dad is because I am sad.  Sometimes I wonder why I get depressed so easily but when I think about it… I have many reasons.

I understand that lately I have not been the best daughter you could ask for. You think I go out too much.  I care too much about my friends and not enough about family.  You think I have everything but I take it for granted and I don’t appreciate anything you give me. You think that I have too much fun that I cannot focus on school. You feel that my behavior will not lead me to a successful future.  I understand all your points Dad… but I’m here to tell you that NOT ALL OF THAT IS TRUE.

I know I like to go out and have fun. I am just the type of person who likes to experience new things. I don’t know how many times I have to tell you that I cannot spend all my time with a book in my face. That’s just NOT me.  My view of life is a lot different from yours. YOUR VIEW IS JUST TO STUDY, STUDY, STUDY AND BE SUCCESSFUL IN THE FUTURE. My view is to get my education WHILE having fun… ENJOY MY LIFE and in the end… do something that I truly love that makes me happy.

Dad, even though you might not think I care about school, but I DO CARE. And I DO PLAN on study hard this year in school and doing well in college. I hate that you doubt that of me. It’s just really unfair when you use SCHOOL as a reason to not let me go out. My friends can stay out A LOT later than me or do a lot fun things and still do well in their school. I’m jealous of those who have all that freedom.  You will never understand that I need that freedom to do my own things instead of missing out all the time on new experiences.  I‘m not a little kid anymore.  I‘m smart enough to make my own choices. I am old enough to THINK FOR MYSELF and know what’s right and what’s wrong. It just feels like the more you try to hold me back and stop me from doing the things I want to, the harder I’m going to try and break out and get away…

You know it’s really hard for me when I feel that way. I know you and mom care a lot about me and that is why you do the things you do.  But at times I feel that I don’t deserve it. You give me so much and I appreciate everything. But it’s a shame to know that this is what you think of me “There is nothing about you that I am proud of”. Do you remember saying that to me Dad? Well you did. Those words hurt me more than anything. There’s nothing more I can say except that I am trying to do well at school and be productive and helpful around the house.  I know that it makes you and mom very sad when I don’t listen.  And I’ll admit it… at times I am very stubborn. BUT WHEN YOU AND MOM ARE SAD IT MAKE ME SO DEPRESSED because I feel I am so useless!

At times I feel trapped and I don’t know which way to go. I can’t make you happy.  I just wish you would understand that I really care about you guys even though I might not act like this.  I do like to spend more time with family but I feel weird because I always feel you are always disappointed at me! I just wish you knew how frustrated it is for me as a teenager trying to grow up and having to deal with such strict parents.

DAD, I KNOW YOU MEAN WELL AND WANT GOOD THINGS FOR ME. I KNOW YOU AND MOM ARE THE BEST PEOPLE IN MY LIFE. I JUST WISH YOU TRY AND SEE IT FROM MY POINT OF VIEW AND I AM GROWING OLDER…I NEED THAT FREEDOM TO MAKE MY OWN CHOICES.

Hopefully you understand what I‘m trying to say.

Your love daughter

Lá thư của người cha và lời trần tình của cô con gái cho ta thấy nỗi lòng của cả hai bên. Trong lá thư thứ hai những giòng chữ viết hoa là ý của cô bé muốn nhấn mạnh cho bố mẹ. Những giòng được in đậm là những ý nghĩ mà người viết bài này muốn nhắn gửi cho các bậc làm cha mẹ thông cảm cho các cháu trong tuổi mới lớn. Trong một xã hội mà những khái niệm về tự do, dân chủ đã được đề cao và bảo vệ một cách tuyệt đối đến mức khó chịu thì chúng ta cũng đừng trách tại sao con cái chúng ta, những đứa trẻ đã được hấp thụ những tư tưởng này từ khi bước chân vào trường học, luôn đặt ra những câu hỏi đòi hỏi tự do và được đối xử công bằng.

Để giải quyết vấn đề này tôi đã tìm đọc tài liệu của tiến sĩ giáo dục Jenna Sethi trong đó bà đã đặt câu hỏi “Điều gì xảy ra khi cha mẹ và thanh thiếu niên học cách chia xẻ quyền hành?” (What happen when parents and preteens learn to share power?” Jenna Sethi PhD Qualitive Research Associate, Search Institute.  Chẳng những các bậc cha mẹ người Á Châu nói chung từ bao lâu nay chưa quen với cách “chia xẻ quyền hành” với con cái.  Ngay cả những cha mẹ người Mỹ cũng thấy e ngại về việc này.  Một người chia xẻ:” Tôi trở lại việc chia xẻ quyền hành. Tôi nghĩ đó chính là điều làm tôi trăn trở nhất vì nó thật đáng ngại đối với tôi. Nhưng khi vấn đề đó được đặt ra tôi lại cảm thấy có nhiều thực quyền hơn. Có thể là do nó đã đem đến sự tôn trọng nhau nhiều hơn giữa cha mẹ và con cái.” (I keep going back to the share power thing. I think that something I struggle with most because it was scary to me, but putting that out there. I do feel more powerful actually.  I guess because it just opened up the respect on both ends a lot more.) 

Tiến sĩ Jenna Sethi qua công cuộc nghiên cứu đầu tiên với nhiều đối tượng tham dự đã khám phá ra rằng chia xẻ quyền hành trong gia đình đã đem lại kết quả rất tốt trên các em thanh thiếu niên. Bà cho biết   ” Chia xẻ quyền hành không có gì đáng ngại hay quá khó khăn.  Nó có thể trở thành khí cụ đem lại một sự tôn trọng lẫn nhau sâu xa hơn, một sự tin cậy và quan hệ gần gũi hơn. Cảm giác được dự phần ngày càng nhiều vào những quyết định khiến các cháu rất phấn khởi và cha mẹ sẽ không khỏi ngạc nhiên một cách hài lòng khi thấy con cái tỏ ra trưởng thành qua thử thách và trách nhiệm mới. (Sharing power doesn’t have to be “scary” or overwhelming. It can be a tool for bringing a deeper level of mutual respect, trust and closeness to a relationship.  Kids feel engaged and excited about their growing role in decision-making and parents are often pleasantly surprised at how maturely their kids take on new and challenging responsibilities.) Để thực hiên được điều này tác giả đề nghị phụ huynh thực hiên các bước sau đây:

  1. Listen: Lắng nghe để hiểu con thay vì chỉ luôn luôn đưa ra ý kiến hay mệnh lệnh.
  2. Ask: Đặt câu hỏi để chúng phát triển suy nghĩ và phát huy sáng kiến.
  3. Attend: Tham dự các buổi họp phụ huynh- giáo viên (nếu được cả hai bố mẹ thì rất tốt) và các sinh hoạt trong nhà trường là cách tốt nhất để theo dõi việc học và biết được bạn bè con giao tiếp.
  • Set clear boundaries & expectations: Đặt ra rõ ràng những giới hạn và điều mong muốn của cha mẹ.

 

  1. Talk to your kids the way you want them to talk to you: cho con biết cách thức cha mẹ muốn con nói chuyện với mình.
  2. Look for other caring adults: Tìm xem những người lớn có tư cách tốt trong họ hàng, trường học, đoàn thể để có thêm sự hướng dẫn, hỗ trợ.
  3. Compliment on the good things and give feedback on the negatives: Khen thưởng những điều tốt và góp ý những điều chưa tốt. Hướng dẫn cách sửa chữa. Tuyệt đối không sỉ nhục, thách đố làm tiêu tan hy vọng hàn gắn lại của con.
  4. Do volunteer work with your kids: tham dự cùng con trong các sinh hoạt vui chơi lành mạnh và những công tác thiện nguyện.
  5. Admit your mistakes: Thừa nhận những thiếu xót của mình để dạy con bài học khiêm tốn, thành thật, cầu tiến.
  6. Ask your kids to help with planning a party or other events: cho con cơ hội bày tỏ ý kiến trong các sinh hoạt gia đình: trang hoàng nhà cửa, góp ý cho các bữa tiệc , sửa soạn các buổi cắm trại, hay đi nghỉ mát v…v…

Cùng với những đề nghị trên, chúng ta cũng cần hiểu rằng khi các cháu bước vào tuổi dậy thì là thời kỳ mà thể chất, tâm lý, sinh lý chúng biến đổi và phát triển. Cơ thể phát triển nên các cháu cần có những hoạt động thể lý lành mạnh.  Tâm sinh lý phát triển nên chúng có khuynh hướng “thuộc về” (belonging) để tìm kiếm bạn bè và để được “công nhận”(recognizing). Để điều chỉnh ảnh hưởng của bạn bè (peer pressure) đi đúng hướng, thanh thiếu niên rất cần sự cân bằng về tâm linh để tự trong chúng có được tiếng nói lương tâm nhắc bảo đi theo đường ngay nẻo chính; tiếng nói lương tâm sẽ ngăn cản bàn tay chúng nhúng vào tội ác; sẽ đưa những bước chân lầm lạc đi hoang quay trở về.  Những đạo đức chuẩn mực “làm lành, lánh dữ” cần được cha mẹ giáo dục ngay từ bé để làm thành nhân cách khi lớn lên.  Chúng ta rất đễ phát hiên những căn bệnh thể lý nơi con cái và vội vã ra sức chữa trị.  Nhưng những căn bệnh tinh thần như: buồn tủi, lo âu, hằn hoc, nóng nảy, ích kỷ, tham lam, buông thả … cũng cần được phát hiện và điều trị kịp thời.  Chỉ có sự gần gũi mật thiết được xây dựng từ khi các cháu còn thơ ấu, mối quan hệ khắn khít này sẽ khiến chúng tin cậy để nói lên những tâm sự sâu kín nhất.

Những bi kịch của gia đình sẽ tránh được một khi tâm tư tình cảm của cha mẹ và con cái được tỏ bày qua những bữa cơm chung, qua những trò chơi, những buổi picnic, cắm trại, nghỉ mát … ngay cả qua thư từ, emailing, texting…

Các bậc phụ huynh thân mến! Công sức của các bạn cho sự chăm sóc con cái sẽ được đền bù bằng những khắn khít, yêu thương chan hòa.  Những con số trong chương mục nhà băng chỉ có thể giúp bạn mua được ánh mắt nụ cười xã giao, sự săn sóc trong bổn phận. Nhưng không thể mua được sự quan tâm chăm sóc tận tâm, ánh mắt nụ cười trìu mến cho các bạn lúc tuổi già. Vòng tay dắt con vào đời sẽ đem đến bàn tay nâng bạn lên trên giường bệnh. “Gieo hạt giống tốt sẽ nhận được hoa trái lành”! Cầu chúc các bạn thành công!