CHIẾN LƯỢC CỦA HOA KỲ THỜI OBAMA

GS Nguyễn Thanh Liêm

Trong mấy năm gần đây tuy kinh tế Mỹ có phần suy yếu, nhưng địa vị lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới vẫn không bị lung lay sụp đổ. Tới giờ phút này vẫn chưa có một siêu cường nào có thể qua mặt Mỹ hay thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo nói trên. Về kinh tế, Mỹ vẫn có nền kinh tế lớn nhất, phát triển nhất và năng động nhất thế giới. Về quân sự, Mỹ vẫn là nước có khả năng nhất thế giới, với những khí giới tối tân nhất, với những hạm đội hùng mạnh nhất. Quyền lực mềm của Hoa Kỳ có giá trị nhất thế giới. Về chính trị, nền dân chủ tự do đa đảng của Mỹ vẫn được nhiều quốc gia tân tiến trên thế giới hướng tới.

Trong mấy thập niên qua sự trổi dậy của Trung Quốc đã đưa nước này đến tình trạng một siêu cường chỉ đứng sau Mỹ. Nếu TQ vẫn tiếp tục phát triển như trong các thập niên qua, thì rất có thể siêu cường này sẽ vượt qua Hoa Kỳ trong vòng năm hay mười năm tới. Theo đà đó, vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ sẽ rơi vào tay Trung Cộng. Cho nên có thể nói thế lãnh đạo của Hoa Kỳ đang bị Trung Cộng thách thức. Muốn giữ vững thế lãnh đạo thế giới của mình, Mỹ phải thành hình một chiến lược mới có thể giảm bớt sự bùng dậy mãnh liệt của Trung Quốc và có thể khoá chặt sư bành trướng mau lẹ và nguy hiểm của siêu cường này đối với các nước láng giềng và các nước khác trên thế giới. Từ đầu thập niên 2010 Obama đã duyệt lại tình hình chung, thiết lập chính sách/chiên lược mới để đương đầu với tình thế mới, để giữ vững vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ đã có từ bấy lâu nay. Một số những điểm chính trong chiến lược này đã được Jeffrey A. Bader nói đến trong quyển “Obama And China’s Rise” của ông, xuất bản năm 2012, mấy tháng trước khi Obama tái đắc cử Tổng Thống Mỹ. Theo Bader, chiến lược Obama gồm một số những nét chính sau đây:

Đặt ưu tiên lớn nhất vào vùng Á Châu Thái Bình Dương,

Phản ứng một cách cân bằng đối với sự trổi dậy của Trung Quốc

Củng cố mối liên hệ đã có với các nước đồng minh, và xây dựng những liên hệ với các đối tác mới

Mở rộng sự hiện diện của Mỹ ở vùng Tây Thái Bình Dương, và đẩy mạnh sự hiện diện đó đến mọi nơi trong vùng

Tham gia vào các cơ chế (các tổ chức) trong vùng mà trước đây Hoa Kỳ đã không tham gia

Tuyên ngôn và hành động một cách minh bạch về tính cách phổ quát của nhân quyền trên hoàn vũ, trong khi vẫn phải thấu hiểu và lưu ý tới sự khác biệt giữa các xã hội về vấn đề này.

Những nét chính trong chiến lược này không có gì thay đổi sau khi Obama tái đắc cử. Ngày 15 tháng 11 vừa qua, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Obama, ông Thomas Donilon, có buổi thuyết trình tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) về chánh sách ngoại giao của chánh quyền Obama trong bốn năm tới, cũng lập lại những nét chính trên đây. Thật ra đây chỉ là những điều phải làm để đối phó với sự lớn mạnh nhanh chóng và nguy hiểm của Trung Cộng. Mỹ đã không còn đứng ở thế chủ động trong chánh sách ngoại giao của mình, mà phải đứng ở thế bị động. Trước đây Hoa Kỳ nghĩ rằng mình đã chủ động trong việc cổ động sự hợp tác của Trung Cộng trong việc phát triển kinh tế, canh tân chính trị, hướng dẫn Trung Cộng đi theo con đường dân chủ, tự do của Mỹ, để cùng Hoa Kỳ góp phần đem lại hoà bình, thịnh vượng chung cho nhân loại. Nhưng Mỹ đã sai lầm. Trung Cộng không đi theo con đường dân chủ kiểu Mỹ, Trung Cộng chỉ muốn nhờ Mỹ để được mạnh lên về kinh tế, về quân sự để có thể đánh gục Mỹ, và thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới với mẫu chánh trị Trung Quốc. Mẫu chánh trị đó là Cộng Sản với đặc tính Trung Hoa. Từ ngữ “trổi dậy trong hoà bình” chỉ là một thứ mỹ từ về ngoại giao để che đậy chiến lược thật sự (nguy hiểm cho cả nhân loại) là thôn tính thế giới bằng kinh tế, bằng sức mạnh quân sự khi có thể, hay bằng chính trị, văn hoá. Chiến lược này được thực thi trước nhất là đối với các nước láng giềng như Việt Nam, Cambodia, Lào, Miến Điện, và đối với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, mở rộng ra đến nhiều quốc gia Phi Châu và cả đến Nam Mỹ. Trung Cộng đi dần đến chổ thay Mỹ làm siêu cường số một để lãnh đạo thế giới theo mẫu Trung Quốc. Hoa Kỳ trỡ thành bị động trước đà tiến triển đó của Trung Cộng. Hoa Kỳ phải tìm đường đối phó. Những điểm chiến lược của Obama đã nêu trên đều nhắm vào mục tiêu đối phó với sự trổi dậy của Trung Cộng. Bằng cách nào đây?

Trước nhất là be bờ, làm một bức vách chắn thật vững chắc, ngăn chặn sự hung hăng bành trướng của Trung Cộng. Be bờ, làm vách chắn chỉ là để ngăn chặn sự lan tràn, sự bành trướng của Trung Cộng chớ không có nghĩa là tấn công, gây hấn, khiêu chiến với Trung Quốc. Cũng không thể be bờ hay làm vách chắn bằng một mình Hoa Kỳ. Cần có sự tiếp tay của một số nước khác như Nam Hàn, Nhật, Đài Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan, Singapore, v v.. . Do đó mà Mỹ cần củng cố, siết chặt mối liên hệ với các nước đồng minh, xây đắp liên hệ với các nước/các đối tượng khác trong khối ASEAN. Mỹ cũng vận động các quốc gia có cơ sở vững mạnh khác ở Á Châu đứng vào hàng ngủ vách chắn của mình như Úc Châu, Ấn Độ. Sự be bờ làm vách chắn này cũng có tính cách bao vây Trung Cộng về quân sự/chính trị vậy. Mặt trận chống Trung Quốc bắt đầu ngay từ vùng Á Châu Thái Bình Dương. Vách chắn phải được dựng lên ngay tại đây.

Nhưng be bờ chỉ là cách thủ thành, không phải là cách đột nhập, tấn công địch quân. Ngoài vách chắn, be bờ, Mỹ còn phải nghĩ đến chiến lược tấn công địch. Mặt trận tấn công không thuộc lãnh vự quân sự. Mỹ sẽ không dùng phi cơ oanh tạc các thành phố Trung Quốc, không phóng hoả tiển vào đại lục Trung Hoa, không đánh phá bằng quân sự. Mặt trận chống Trung Quốc chỉ có thể là kinh tế, chính trị, văn hoá. Tại Singapore gần đây ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết chiến lược của Washington chuyển hướng tập trung xây dựng quyền lực kinh tế. Bà bảo là quyết tâm của Tổng Thống Obama là tái lập vị trí quan trọng của Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương, đặt trọng tâm kinh tế vào chánh sách ngoại giao của Mỹ, thực hiện cho được Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (transPacific Partnership, gọi tắt là TPP). TPP có vẽ như một cách be bờ, một tấm vách chắn về kinh tế nhưng trên thực tế đây là một mặt trận tấn công Trung Quốc về kinh tế. Trong hai năm qua kinh tế Trung Quốc đang trên đà đình trệ bởi không xuật cảng được nhiều như trước. Nay nếu TPP thành hình, kinh tế Trung Quốc càng gặp nhiều khó khăn hơn vì phải thu hẹp thị trường rất nhiều. Kinh tế suy yếu xã hội sẽ loạn ly, chế độ khó đứng vững.

Chuyến đi của Tổng Thống Obama sang Miến Điện, Thái Lan, và Kampuchia, liền sau khi tái đắc cử, cũng nằm trong chiến lược hướng về ưu tiên một là Châu Á Thái Bình Dương của ông. Sự hiện diện của ông nói lên tầm quan trọng của sự kết chặt liên hệ với nước đồng minh, sự xây dựng liên hệ với đối tác mới, sự nối kết song phương giữa Hoa Kỳ và khối ASEAN, sự có mặt của Mỹ trong các cơ chế trong vùng (sự tham dự tích cực vào EAS) là Thượng Đỉnh Đông Nam Á.

Nguyễn Thanh Liêm

  • Bài này đã viết hồi năm 2012 (báo Viễn Đông). Sau hai năm, chiến lược của Abama vẫn không thay đổi. Nhưng chiến thuật rất có thể thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh hay môi trường cốt để được hiệu quả tốt đẹp nhất. Chiến lược dài hạng, của Obama, cũng như của phần đông người Mỹ, là giữ vị thế số một trên thế giới, không nhường bước (nhất là Trung Quốc). Dùng lá chắn (quân sự) bao vây Trung Cộng, tấn công (kinh tế) đối tác Thái Bình Dương (TPP). Chiến thuật Obama là củng cố các nước đã có ký kết với Mỹ như Đại Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, siết chặt liên hệ tới quốc gia Úc, Ấn Độ, một số Đông Nam Á. Riêng Việt Nam Cộng Sản là một thứ chiến thuật, có thể nghiên về Trung Cộng, hay có thể thiên về Mỹ và thế giới tự do. Trước đây VN Cộng Sản theo Trung Cộng. Gần đây có khuynh hướng chuyển sang Mỹ sau khi bị Trung Cộng xăm lăng trắng trợn (nhất là vụ Giàn Khoan Trung Cộng). Vấn đề còn lấn cấn giữa Mỹ – Việt là vấn đề nhân quyền, tự do ngôn luận, vấn đề tù nhân lương tâm, v.v. . . Rất có thể Mỹ sẽ chăm chước phần nào vấn đề nhân quyền, để đổi lại đối tác Thái Bình Dương cho Cộng Sản Việt Nam măc dù phần lớn người Việt (hải ngoại) và một số dân biểu nghị sĩ Mỹ quyết tâm đòi hỏi có nhân quyền trước. Có thể Mỹ nghĩ có lợi hơn khi được Cộng Sản VN gia nhập TPP. Rất có thể người Mỹ nghĩ rắng TPP sẽ thuận tiện cho chủ trương diễn biến hoà b́nh cho Mỹ ở Việt Nam. Chiến lược của Mỹ nhắm vào Mỹ, chớ không phải là Việt Nam. Nhưng trong chiến lược đó, Mỹ phải chú ý vấn đề chiến thuật bao gồm cả Á Đông và Đông Nam Á. Dĩ nhiên Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng này.   

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm

Cựu Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH

Chủ Tịch Lê Vă Duyệt Foundation

Chủ Tịch Phong Trào Đoàn Kết VNCH

 

Trở về đầu trang GS Nguyễn-Thanh-Liêm

Trở về trang Thầy Cô

HOME

 

Leave a comment