CHO   TÔI   SỐNG   LẠI MỘT NGÀY

 

Năm Kỷ Mão, sau khi tiêu diệt xong triều đại Nam Tống, nhà Nguyên chính thức mở rộng cuộc xâm lăng sang các nước Đại Việt, Chiêm Thành… Lúc bấy giờ một số tàn quân và dân chúng Nam Tống không chịu sống dưới sự cai trị của Mông Cổ đã theo đường biển chạy ra các nước ngoài xin tị nạn. Trong số chạy sang Đại Việt có vài cựu tướng lãnh quân đội như Triệu Trung, Tiêu Đình Long… Họ tự nguyện cởi giáp, hòa nhập với thường dân Đại Việt để lo kế sinh nhai, chờ ngày phục quốc.

Năm Giáp Thân, nhà Nguyên đem 50 vạn quân chia làm hai mặt rầm rộ tiến đánh Đại Việt. Đường bộ do Thái tử Thoát Hoan chỉ huy đánh vào Lạng Sơn rồi tiến thẳng xuống kinh đô Thăng Long. Thủy quân Mông Cổ thì phát xuất từ Quảng Châu, do Hữu Thừa Toa Đô chỉ huy vượt biển đánh thẳng vào Chiêm Thành, sau đó quay ngược đánh chiếm luôn Quảng Bình, Nghệ An và Thanh Hóa của Đại Việt. Trước khí thế dũng mãnh ban đầu của quân Nguyên, vua tôi nhà Trần phải bỏ kinh thành lánh về Hải Dương. Chiêu Minh Vương Thượng Tướng Trần Quang Khải và Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là những vị có trách nhiệm trấn giữ phía nam Đại Việt, một mặt cố giữ chặt những phần đất còn lại, mặt khác cho người kêu gọi mọi thành phần dân chúng ra lính để cứu nước.

Thấy tình trạng đó, Triệu Trung, Tiêu Đình Long đã cùng nhau xin yết kiến Chiêu Văn Vương, xin phép được kêu gọi chiêu tập những người Tống đang thất tán sung vào quân đội Đại Việt. Chiêu Văn Vương chấp thuận. Thế là không bao lâu Triệu Trung đã tập hợp được cả nghìn người. Chiêu Văn Vương thân hành đến an ủi khuyến khích họ. Ngài cùng Tiêu Đình Long rảo khắp trại quân, đến với từng toán nhỏ. Gặp một người Tống tác hơi già, ngài hỏi :

  • Anh bao nhiêu tuổi rồi?
  • Bẩm Đại Vương, tôi 45 tuổi.

  • Liệu anh có còn sức để xông xáo trước lằn tên mũi dáo không? Anh là người nước ngoài mới tới không ai ép buộc anh. Vì sao anh lại tình nguyện ra lính?

  • Bẩm Đại vương, vợ tôi, con cái tôi đều bị giặc Mông tàn sát. Tôi còn lưu cái thân là để chờ ngày hôm nay. Tôi muốn trả thù bằng mọi giá. Tôi sẽ cố gắng hết mình.

  • Ta sẽ giúp anh hoàn thành nguyện vọng. Chúc anh may mắn!

Đi đến một toán khác thấy một thiếu niên mặt non choẹt, Vương hỏi :

  • Em bao nhiêu tuổi? Nhà nước tuy cần người nhưng đâu kiệt quệ đến nỗi phải đưa những người như em ra mặt trận!
  • Bẩm Đại Vương, con tuy mới 14 nhưng con không còn chờ đợi được nữa. Cha con bị giặc Mông giết, mẹ con bị chúng hiếp rồi bắt làm nô lệ. Những anh trai của con đều đã hi sinh. Con phải trả thù! Cúi xin Đại Vương thấu hiểu lòng con!

  • Em là người có chí khí. Ta sẽ lưu tâm giúp đỡ em.

  • Vương đến thăm hỏi nhiều người khác nữa và biết được rất nhiều trường hợp tương tự như thế.

    Qua cuộc tiếp xúc, Chiêu Văn Vương nhận xét thấy đám người Tống này thù hận người Mông Cổ rất sâu sắc, không thể đội trời chung với giặc Nguyên. Nhân đó, ngài đã nghĩ ra được một kế hoạch vừa nung nấu tinh thần quyết chiến của họ, vừa hạ một đòn sấm sét quyết liệt vào tâm lý quân Mông Cổ. Ngài bí mật cho may một loạt cờ Đại Tống kể cả loại cờ lớn. Đồng thời ngài cũng cho góp nhặt và sắm thêm rất nhiều áo giáp cùng vũ khí theo kiểu của binh sĩ nước Tống. Sau đó, ngài sai đem ra trang bị cho số lính người Tống mới tuyển cùng một số dũng sĩ Đại Việt. Thế là một đội quân Tống thành hình. Vương bí mật cho người phao rầm lên là quân Tống đã đuổi được quân Mông Cổ ra khỏi Trung Hoa và đã kéo sang giúp sức quân Đại Việt. Một số tù binh Mông Cổ cũng được giao cho các tướng Tống phủ dụ, mục đích là để chúng thấy sự hiện diện của của quân Tống trên đất nước Đại Việt. Sau đó những tên tù này lại được thả ra. Thế là cái tin sốt dẻo người Tống đã diệt được quân Mông Cổ trên đất Trung Hoa không mấy chốc lan truyền trong hàng ngũ quân Nguyên. Chúng đâm ra bồn chồn nghi hoặc mất ăn mất ngủ lo lắng không yên.

    Tháng tư năm Ất Dậu thời tiết nước ta chuyển đổi dị thường. Nhiều ngày ánh mặt trời chiếu gay gắt như muốn thiêu đốt cả mặt đất. Đội quân xâm lăng nhà Nguyên quen sống ở xứ lạnh chịu đựng cái nóng này không nổi, cứ sinh ra nhiều thứ bệnh tật. Vào thời điểm đó, quân Đại Việt bắt đầu phản công.

    Đã có tin đồn đi trước, khi những đội quân mang cờ Đại Tống xuất hiện ở mặt trận, quân Nguyên lại càng hoang mang hoảng sợ. Những chiến sĩ người Tống đã dồn tất cả hận thù lên mũi đao kiếm, lăn xả vào quân Nguyên. Họ reo hò vang động, chém giết hết sức tàn bạo. Quân Nguyên lớp đang bệnh hoạn, lớp đang mệt mỏi vì thiếu ăn, mất ngủ, thần kinh căng thẳng quá độ, không thể nào chống nổi, đã bị đánh tan tác dễ dàng. Danh tướng bậc nhất của Mông Cổ là Toa Đô đóng quân ở Tây Kết bị quân Đại Việt bao vây rồi bị giết.

    Cái chết của Toa Đô đã làm cho quân dân Đại Việt vô cùng phấn khởi. Thế thắng bại của đôi bên đã phơi bày trước mắt. Để tưởng thưởng, khích lệ binh sĩ, Chiêu Văn Vương cho mở tiệc khao quân trước khi tiến ra Bắc hợp sức với đại quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ngài cũng đặc biệt thưởng riêng cho đội quân người Tống một bữa tiệc liên hoan chiến thắng và chính ngài làm người khách danh dự. Để tranh thủ thời gian, ngài cho phép quân sĩ vừa ăn vừa nghe ngài hiểu dụ:

    -Hỡi các Tướng lãnh, quân sĩ và con dân gốc Đại Tống có mặt ở đây! Thừa mệnh Hoàng Đế Đại Việt ta thành thật tán thán: Các ngươi là những con người trung thành với chính tổ quốc mình nhất! Các ngươi là những kẻ có tinh thần bất khuất, dũng cảm nhất! Vì không muốn đội trời chung với kẻ thù, các ngươi đã không chịu cúi đầu, đã hi sinh tất cả để lưu lạc đến Đại Việt. Nước Đại Việt vô cùng hân hoan để đón nhận những con người cao quí xứng đáng như các ngươi. Ta muốn cái gương trung, dũng, tiết, nghĩa của các ngươi được truyền đời, được duy trì mãi với con cháu các ngươi khi sống trên tổ quốc thứ hai này. Còn gì cao đẹp hơn? Khi vết thương lòng của các ngươi chưa kịp mím miệng, thân thể các ngươi còn nhừ nhuyễn, cuộc sống của các ngươi chưa được ổn định, thế mà thấy tổ quốc thứ hai của mình lâm nguy, các ngươi không cần suy tính hơn thiệt, hăng hái đầu quân. Các ngươi đã lao vào giặc như những hung thần để làm tan nát nhuệ khí của kẻ thù, để truyền tinh thần can đảm phấn chấn cho toàn quân toàn dân ta. Ta rất vui sướng! Ta rất hài lòng! Đợi dẹp xong giặc Mông Cổ ta sẽ tâu với Hoàng Thượng tưởng thưởng thật xứng đáng công lao của các ngươi. Ta tin tưởng các ngươi và con cháu sau này mãi mãi xứng đáng là những con dân gương mẫu của nước Đại Việt. Hoặc biết đâu, ta lại được hân hạnh giúp đỡ cho các ngươi hồi hương trong vinh quang khi bóng quân Mông Cổ không còn! Hôm nay tuy vui mừng chiến thắng, nhưng ta đừng ngủ quên trên chiến thắng! Ngày mai chúng ta còn phải Bắc tiến để quét sạch quân tham tàn! Vậy, các ngươi hãy cùng ta hô khẩu hiệu để nhắc nhở công việc mà chúng ta chưa hoàn tất:

    • Sát Thát!
  • Sát Thát!

  • Sát Thát!.

  • Tiếng hô Sát Thát vang động cả một phương trời.

    Sau lời hiểu dụ của Chiêu Văn Vương Nhật Duật, tướng Triệu Trung xin thay mặt đám quân dân người Tống bày tỏ lòng tri ân:

    “Thái Thượng Hoàng Hoàng Đế Đại Việt vạn tuế! Vạn vạn tuế!

    “Hoàng Đế Đại Việt vạn tuế! Vạn vạn tuế!

    “Chiêu Văn Đại vương thiên tuế!

    “Chúng tôi, những con dân nước Tống bất hạnh lâm cảnh nước mất nhà tan, phải đem thân lưu lạc cầu sống xứ người. May mắn chúng tôi đến Đại Việt, quả thật đã chọn chỗ không lầm. Chúng tôi được quân dân Đại Việt đưa bàn tay từ ái để đón nhận. Chúng tôi vô cùng tri ân tấm lòng cao cả của dân tộc Đại Việt. Chúng tôi hi vọng sẽ được sống quãng đời còn lại trong yên lành với sự che chở của quần chúng Đại Việt. Chúng tôi nguyện sẽ đem những tinh hoa chúng tôi hấp thụ được từ phương bắc đóng góp hòa nhập với địa phương để cùng nhau xây dựng một xã hội tiến bộ, để đáp ơn tri ngộ của tổ quốc Đại Việt. Nhưng chúng tôi ngồi chưa ấm chiếu thì kẻ thù đã tìm theo đến nơi. Vốn quen chiến đấu trong một quân đội oai hùng một thuở, khi đã buông vũ khí, khi lột bỏ quân phục, lòng chúng tôi đau đớn tan nát thế nào không thể dùng lời mà tả được. Nhiều người trong chúng tôi đã phải tự sát. Nhiều người trong chúng tôi đã phải phát điên. Nhiều người trong chúng tôi đã khóc chảy máu mắt. Chúng tôi nghĩ rằng từ đó không còn cơ hội, không ai cho phép mình cầm vũ khí theo đúng nghĩa một quân nhân nữa. Nhưng ông trời có mắt, chính Chiêu Văn Đại Vương, như một bậc cha già cao cả, đã đặc biệt cho chúng tôi một cơ hội ngàn vàng. Đại Vương đã cho chúng tôi sống lại một ngày mà ngàn đời chúng tôi không bao giờ quên được! Đó là ngày chúng tôi được chiến đấu với khí thế oai hùng của quân đội dưới cờ Đại Tống. Chính lá cờ, chính chiêng trống, chính quân phục, chính vũ khí, và chính kẻ thù cũng đều của Đại Tống đã khiến chúng tôi quên mình mà chiến đấu! Cám ơn Tổ quốc Đại Việt! Cám ơn Đại Vương đã cho chúng tôi sống lại một ngày! Một ngày mà chúng tôi không dám mong ước, không dám nghĩ tới! Một ngày mà chúng tôi tưởng như chỉ còn có trong mộng! Một ngày mà như một kiếp tái sinh! Chính ngày đó chúng tôi đã rửa được rất nhiều hận thù! Chính vì ngày đó nếu phải chết chúng tôi cũng thỏa mãn! Cám ơn Tổ quốc Đại Việt! Cám ơn dân tộc Đại Việt! Chúng tôi đã được sống một ngày rất đáng sống! Một ngày! Một ngày! …

    Tướng Triệu Trung còn muốn nói nhiều nữa nhưng nước mắt ông trào ra và giọng ông nghẹn ngào không cất lên được. Lúc đó giữa đám quân nhân cũng dậy lên nhiều tiếng thổn thức, nức nở xen lẫn nhiều tiếng hô:

    • Cám ơn Tổ quốc Đại Việt!
  • Cho tôi sống lại một ngày!

  • Cám ơn Chiêu Văn Đại Vương!

  • Cho tôi sống lại một ngày!

  • Số quân nhân còn giữ được bình tĩnh thì cứ vươn tay hô vang rân từng nhịp những câu tri ân nước Đại Việt. Sau đó phần đông trong số đó ôm nhau khóc nức nở…hoặc nhảy múa loạn cuồng. Người ta nghe những âm thanh uất nghẹn phát đi từ cuống họng những người quá xúc động vì sung sướng hay vì tiếc nuối:

    • Một ngày …
  • Ôi bao giờ ta gặp lại?

  • Một ngày …

  • Biết bao giờ có nữa!

  • Cho tôi sống lại một ngày!

  • Ngàn đời nhớ ơn dân tộc Đại Việt!

  • …                                                              *

  • Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật lặng lẽ nhìn đám quân nhân gốc Tống đang khóc cười nhảy múa thác loạn với vẻ mặt hiền hậu, bao dung, thông cảm. Ngài biết họ đang sống với cảm giác của những kẻ sắp chết chìm giữa biển cả bỗng thấy con tàu cứu tinh hiện ra trước mắt. Ngài nhớ lại câu ngài đã nói với họ “Biết đâu ta lại được hân hạnh giúp đỡ cho các ngươi hồi hương trong vinh quang?”. Có thể cái lời nói mang tính xã giao của ngài lại biến thành niềm tin tưởng của họ. Vương cảm động tự nhủ “Các ngươi có một ngày thì ta cũng có một ngày!”. Mắt ngài có vẻ cười nhưng cũng long lanh ngấn lệ.

    Ngô Viết Trọng

     

    Nguồn : tác giả

    Trở về tập truyện Vết Hằn Mùa Xuân

    Trở về Trang Ngô Viết Trọng