Chương 43-44-45

Chương 43

Vợ Tôi Nói Tiếng “Giã Từ!”

Sau lần thăm nuôi đầu tiên thì vợ và con tôi thường lên thăm tôi khoảng hai hoặc ba tháng một lần. Chúng tôi bắt đầu có dịp để nói được những điều mà chúng tôi muốn nói. Cán bộ phụ trách nhà thăm gặp lần lần dễ dãi hơn. Hắn ta không còn ngồi ở bàn nữa và còn cho chúng tôi được gặp nhau dài hơn hai mươi phút như thời hạn mà trại ấn định vì cũng không còn nhiều trại viên thăm gặp như lần đầu nữa.

Kể từ khi ấy, tôi cảm thấy chút nào đó gần gũi với vợ tôi hơn trước. Nhưng tôi lại thấy một vài điều gì đó chia cắt chúng tôi, những điều mà tôi không thể giải thích được. Vợ tôi trông cũng “mỏng manh”, ít nhất là diện mạo bên ngoài, vẫn là người mà tôi yêu, nhưng tôi nghĩ có lẽ cô ấy đã thay đổi. Cô ấy có vẻ tự tin hơn trước, và tôi nghĩ cô ấy thật sự không còn “mỏng manh” như trước nữa. Cô ấy không còn cần tôi nữa. Ngược lại chính tôi mới là người cần cô ấy! Tôi cũng không biết rằng vì tình yêu hay chính là những quan niệm cổ xưa đã là sợi dây trói buộc chúng tôi với nhau. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho vợ tôi đã phải uổng phí cuộc đời vì tôi. Đôi khi tôi bảo vợ tôi rằng mặc dù tôi vẫn rất yêu thương cô ta nhưng tôi không muốn cô ấy phụ thuộc vào tôi nữa vì tôi không thể biết bao giờ tôi mới được thả ra. Tôi rất mong việc ấy, nhưng mọi cái đều không còn tùy thuộc vào tôi nữa! Tôi chỉ mong cô ta hãy nuôi dạy con chúng tôi trở nên người tốt trong xã hội mới này mà thôi.

Cuối năm 1983, trại bắt đầu cho phép những trại viên mới về từ trại Tân Lập được thăm nuôi qua đêm. Điều này trước đây chỉ áp dụng cho những trại viên thuộc diện đặc biệt như các “đội trưởng”, “ban thi đua”, và các trại viên làm trong các “bộ phận lẻ”. Vợ tôi bảo tôi tìm cách hỏi cán bộ để chúng tôi được gặp nhau qua đêm ít nhất một lần để chúng tôi có dịp nói những điều xảy ra trong thời gian dài mà tôi xa nhà. Không hiểu tại sao tôi lại cảm thấy chút nào đó lo lắng về ý định này của vợ tôi.

Cán bộ quản giáo của đội lúc ấy tên là Tư. Hắn ta cũng đang nhờ tôi làm một vài công việc riêng. Hắn ta bảo tôi rằng hắn chỉ có thể giúp tôi được việc này nếu tôi là đội trưởng hay đội phó mà thôi vì đó là quy định của ban giám thị trại. Hắn ta dựng ra một chức vụ mới cho tôi là “đội phó đặc trách về đời sống” cho trại viên trong đội, và đó là lần đầu tiên mà tôi được gặp vợ tôi qua đêm vào tháng mười năm 1983.

Nhà thăm gặp cho trại viên và gia đình ở qua đêm là một căn nhà lá nằm trong vòng rào đối diện với khu thăm nuôi. Nó có bốn phòng ở hai đầu nhà để thăm gặp và một căn phòng ở giữa dành cho cán bộ. Phòng thăm gặp là một phòng nhỏ hình vuông mỗi cạnh khoảng ba thước, vách lá và nền đất. Chỉ có một cái giường nhỏ với chiếc chiếu cói và một cái bàn không có ghế ở bên trong phòng. Một bóng đèn điện treo phía dưới mái nhà cung cấp một ánh sáng vàng vọt cho căn phòng.

Đêm ấy, vợ tôi đã nói rất nhiều về cuộc sống của cô ấy kể từ khi rời trường Chu Văn An để về nhà, và điều chính yếu là cô ấy muốn tôi nói với gia đình tôi để cô ấy được phép về sống với gia đình ba má cô ấy. Tôi cũng đã biết về những sự xung khắc giữa vợ tôi với gia đình tôi từ lâu, nhưng tôi nghĩ cô ấy có thể vượt qua được những điều ấy. Vợ tôi luôn luôn dễ hòa hợp với mọi người! Ở lại với vợ tôi, tôi đã không thể ngủ được, suốt đêm nằm nghe những điều cô ấy nói cộng với tiếng dế và tiếng côn trùng rên rỉ bên ngoài phòng. Trở vào trại vào chiều ngày hôm sau, tôi suy nghĩ rất nhiều về những điều mà vợ tôi đã tâm sự và bỗng cảm thấy một cái gì đó không ổn mà tôi sẽ phải đối phó trong những ngày sắp tới. Đó không đơn giản như mọi việc bình thường. Tôi không thể từ chối những yêu cầu của vợ tôi, nhưng tôi biết rằng tôi sẽ mất cô ấy. Tám năm chờ đợi đã quá dài đối với cô ấy; tôi không thể nào ích kỷ! Cô ấy phải có cuộc sống riêng, ngay cả không có tôi trong đó. Cô ấy có thể làm việc ấy một mình, nhưng cô ấy đã hỏi tôi trước, chính điều này khiến tôi lâm vào tình trạng tiến thối lưỡng nan. Tôi vẫn còn yêu vợ tôi quá nhiều, nhưng tôi lại không muốn cô ấy bỏ phí cuộc đời vì tôi. Cô ấy có thể bắt đầu làm lại cuộc đời ở cái tuổi ba mươi hai; nếu không thì sẽ quá trễ! Với ý nghĩ ấy, tôi đã viết thư cho gia đình tôi.

Hai tháng sau, vợ tôi lại lên thăm tôi lần nữa. Cô ấy cảm ơn tôi về quyết định của tôi. Chúng tôi ở lại với nhau đêm ấy, và đó cũng là lần cuối cùng! Cô ấy đã dời trở về nhà với cha mẹ.

Ba tháng sau đó, vợ tôi lại lên thăm tôi. Nhưng lần này thì cô ấy không muốn ở lại và chỉ cho tôi biết cô ấy đang sửa soạn đi ra nước ngoài với người “anh họ” của cô ấy. Theo lời vợ tôi cho biết thì ông anh họ ấy đã di tản sang Mỹ vào năm 1975, và hiện đang có ý định bảo lãnh cô ấy sang đó với anh ta. Tôi hoàn toàn không biết gì về ông “anh họ” này, và tôi nghĩ tôi cũng không cần phải biết. Điều duy nhất tôi biết là lần ấy sẽ là lần cuối cô ấy lên thăm tôi. Cô ấy trông có vẻ xa xôi đối với tôi mặc dù vẫn đang ngồi gần nhau trong nhà thăm gặp. Cô ấy ăn mặc cũng có vẻ sang trọng hơn những lần trước. Và cô ấy nhất định quay về nhà sau giờ thăm gặp mặc dù tôi đã xin được ở lại đêm ấy. Vợ tôi chưa nói tiếng “từ giã” nào cả, nhưng qua thái độ của cô ấy tôi biết đó là lời nói giã từ. Tôi phải chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra cho tôi vì “đất nước mất vào tay Cộng Sản là mất tất cả.”

Trong lần gặp nhau cuối cùng ấy, vợ tôi đã nhờ tôi ký tên vào giấy cho phép con tôi đi với cô ấy ra nước ngoài. Tôi đợi tờ giấy ấy, nhưng mãi vẫn không thấy. Tôi biết tôi cũng sẽ mất cả con tôi một khi tôi ký vào giấy ấy. Tôi luôn luôn sẳn sàng chấp nhận mọi mất mát, và chỉ cầu mong cho vợ con tôi được một cuộc đời khá hơn. Tôi đã viết rất nhiều bức thư cho vợ tôi nhưng rồi lại xé đi! Tôi không muốn cứ mãi làm một vật cản đường tiến của cô ấy. Cô ấy phải được đền bù cho những mất mát mà cô ấy đã phải chịu suốt tám năm trường!

Tôi phải ở trong trại bao lâu nữa đây? Không ai biết được điều này. Cô ấy đã hoàn toàn đúng khi viết cho tôi trong một bức thư sau đó rằng cô ấy phải “thực hiện những điều thật tế trước mắt chứ không thể mất thời giờ để chờ đợi một sự viễn vông!” Đó là một lời “từ giã” mà tôi nhận được từ vợ tôi. Để ghi khắc điều này, tôi quyết định bỏ hút thuốc. Tôi trao lại cho bạn bè tất cả thuốc hút mà tôi có và nói với họ rằng kể từ giờ phút ấy sẽ không bao giờ tôi đặt một điếu thuốc lên môi. Điều ấy quả là một điều không dễ dàng đối với một người nghiện thuốc lá như tôi, nhưng tôi quyết phải làm được việc này để chứng tỏ cho mọi người thấy tôi sẽ làm được cái mà nhiều người vẫn thường cho rằng họ chỉ có thể “bỏ được người yêu chứ không thể bỏ được thuốc lá.” “Cô ấy đã bỏ tôi; tôi sẽ bỏ hút!” Tôi nghĩ đó có lẽ sẽ là chấm dứt cho chuyện tình của mình, nhưng rồi nó vẫn đeo đẳng tôi mãi mãi trong suốt thời gian tôi ở trong trại cải tạo. Nó chỉ mới là lời “từ giã” chứ vẫn chưa phải là lời “vĩnh biệt”!.

Chương 44

Đội Mộc.

Vào đầu năm 1984, tôi được chuyển về đội làm mộc của trại Z30D. Các trại viên làm ở đội này thường là những người tình nguyện khi trại có nhu cầu tuyển một số trại viên có tay nghề để bổ sung cho đội. Lần này thì tôi không tình nguyện vì tôi cảm thấy làm nông nghiệp ở trại Z30D cũng không đến nỗi quá nặng nề như ở trại Tân Lập và nhất là chỉ làm rẫy, không có những con đỉa mà tôi kinh khiếp nhất. Thêm vào đó, đi làm nông nghiệp còn có cơ hội để thu nhặt được những thức ăn cải thiện nữa! Tuy nhiên chính cái lịch sử làm mộc ở trại Tân Lập đã đưa tôi vào đội mộc của trại Z30D.

Nhà ở của đội nằm cuối khu trại, gần nhà bếp và đó cũng là nhà ở cho các trại viên làm trong đội bếp. Đó là một dãy nhà lá dài và không ngăn riêng thành từng phòng giam. Vách nhà làm bằng lá buông đắp vào lớp tre đan và những song cửa sổ làm bằng những thanh tre dọc. Đây quả thật là một kiến trúc rất sơ sài đối với một nhà giam.

Khoảng một trăm năm mươi trại viên thuộc ba đội được nhốt trong căn nhà giam dài khoảng sáu mươi thước ngang sáu thước. Các trại viên thuộc đội bếp ở một đầu nhà, đội mộc ở giữa, và đội xây dựng ở đầu kia. Có hai nhà vệ sinh ở hai đầu nhà. Các trại viên nằm ngủ trên những vạt đan bằng tre và đặt lên một khung gỗ hai tầng. Cách bố trí trong nhà giam cũng tương tự như ở trại Tân Lập chỉ có điều mọi thứ vật liệu được làm rất cẩu thả. Chúng tôi không có kệ để đồ đạc cho nên phải đặt ngay trên đầu chổ nằm. Căn phòng tuy thế vẫn còn chỗ trống cho nên chúng tôi cũng không đến nỗi quá chen chúc! Điều tệ hại nhất là nền nhà bằng đất nên trong nhà rất bẩn thỉu. Ba đội ở trong nhà giam này thường làm từ sáng đến tối mới về phòng để ngủ, vì vậy cũng không ai quan tâm nhiều đến vấn đề vệ sinh này!

Khi về đây, tôi gặp lại những người bạn và những sếp cũ của tôi, những người đã ở lại trại Thủ Đức khi tôi bị chuyển ra trại Tân Lập năm 1977. Họ đều làm ở đội bếp. Trong thời gian sống ở đây, tôi chỉ nhớ có một người bị chết vì bệnh, đó là ông Cựu Tổng Trưởng Phát Triển Sắc Tộc của nội các cuối cùng của chính phủ Nam Việt Nam. Một số khác thì đã ở trại Z30D với tôi cho đến đợt thả rộng rãi năm 1988 như Lương, cựu trưởng ban A10, Trang, cựu trưởng ban A8, và một số khác thì ở lại trại với tôi cho đến chung cuộc như Cang, nguyên Đặc Ủy Trưởng, Nghi, nguyên trưởng toán đặc nhiệm Cảnh Sát Đặc Biệt.

Đội mộc là đội có số trại viên đông nhất toàn trại Z30D, nó được chia ra làm bốn nhóm: nhóm mộc, nhóm xây dựng, nhóm xẻ gỗ, và nhóm rèn.

Nhóm làm mộc và nhóm xây dựng khoảng ba mươi trại viên thường làm việc hỗ trợ nhau trong những công việc như đóng đồ mộc trong nhà, làm cửa nhà, và làm những công việc của xây dựng như gắn cửa, gắn đòn tay và vì nhà, và làm nhà bằng cây gỗ hay tre nứa.

Nhóm xẻ gỗ khoảng mười lăm trại viên có nhiệm vụ xẻ gỗ bằng cưa vòng và cưa mâm, cung cấp gỗ thành phẩm cho mộc và xây dựng.

Nhóm rèn khoảng mười trại viên chuyên làm dao cho đội lâm sản, làm và sửa cuốc cho các đội nông nghiệp.

Nhà lô của đội mộc nằm gần con suối. Đó là bốn căn nhà lá nằm trong một khoảng đất độ một mẫu, rào quanh bởi dây kẽm gai: một láng dành cho nhóm mộc và xây dựng, một dành cho nhóm rèn và xẻ, một dành cho những trại viên ở lại làm vào buổi trưa, và nhà cho các cán bộ. Căn nhà duy nhất có vách là nhà ở cho các cán bộ. Láng xẻ và rèn nằm song song với một con đường đất sét đi từ K1 sang K2 và nằm đối diện với nhà bếp (bếp sau đó dời vào một nơi khác). Căn nhà dành cho cán bộ nằm cạnh cổng chính đi vào khu mộc và gần với láng rèn và xẻ. Nhà dành cho trại viên ở lại làm buổi trưa nằm thẳng góc với nhà dành cho cán bộ, và căn láng mộc và xây dựng nằm cuối khu đất, song song với láng rèn và xẻ. Tất cả các cấu trúc được làm theo hình chử U với khu đất trống ở giữa dùng để chứa cây gỗ.

Làm công việc xây dựng ở trại Z30D tương đối dễ dàng hơn ở trại Tân Lập vì cây gỗ đã được cắt sẳn theo hình dáng và kích thước với cưa xẻ và cưa mâm. Chúng tôi không phải đẽo và bào tròn. Các lỗ mộng thì hình vuông và dùng đinh để đóng, do đó cũng đơn giản hơn làm mộng đuôi cá.

Đầu tiên thì chúng tôi chỉ có nhiệm vụ làm và sửa chữa các nhà lô của các đội, sửa chữa các nhà của khu trại và khu cơ quan. Khoảng sáu tháng sau, một cán bộ tên là Nhu nắm quyền điều hành đội và mọi việc đều bắt đầu thay đổi. Trại viên phải làm việc nhiều hơn tám giờ mỗi ngày và đôi khi còn phải làm cho tới tối mịt. Tổng số trại viên của đội lên tới con số trên một trăm người. Nhu đốt các căn láng trong khu mộc và cho xây dựng mới, và nhà ở cho trại viên làm ngoài giờ được trang bị lại với những sàn ngủ vì chúng tôi không những phải làm trưa mà còn phải ở lại làm đêm. Căn láng xẻ và rèn được xây hai tầng: tầng trên dành cho cán bộ canh gác láng mộc và tầng dưới thì đặt máy cưa và làm phòng cho những người làm mũi cưa. Một căn nhà hình bát giác nằm cạnh cánh cổng được xây dựng cho Nhu mỗi lần đến kiểm tra công việc của đội và sau đó dành cho Giới, trại viên phụ với Nhu trong công tác xây dựng.

Khi công việc của đội quá nhiều, Nhu đã thành lập ba nhóm cưa xẻ gồm một nhóm của các cán bộ để liên tục xẻ gỗ hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Trại viên phải ở lại nhà lô và thay phiên nhau làm việc. Buổi tối, Nhu buộc các trại viên trong các đội khác chuyển mạt cưa đem đổ dấu vào các ruộng mía. Đội kiểm lâm của tỉnh Thuận Hải cũng thường đến kiểm tra về việc phá rừng, nhưng không thể tìm thấy dấu vết. Đôi lúc họ cũng đã bắt giam các trại viên đi lấy gỗ, nhưng rồi cũng phải thả ra vì họ không thể giử các trại viên đang ở trong trại cải tạo. Khoảng chừng sáu tháng sau, rừng quanh trại hoàn toàn bị khai phá. Nhu cho các trại viên trồng cây bạch đàn xen lẫn với mía để thế vào. Gỗ quý được xẻ và chuyển đi nơi khác. Nhu càng lúc càng giàu và càng có thế lực.

Công việc xây dựng trong trại cũng được tiến hành để thay thế các căn nhà lá. Đầu tiên thì nhóm xây dựng chỉ phụ các nhà thầu làm nhà trong khu B của trại. Sau đó, chúng tôi phải tự xây nhà lấy. Những căn nhà được xây lên rồi phá xuống rồi xây lại nhiều lần. Tôi không biết tại sao, nhưng vài cán bộ cho biết rằng Nhu làm như thế để thu tiền của “nhà nước” về cho “trại”, vì hắn ta sẽ báo cáo tổng số diện tích xây dựng lên trên để nhận ngân khoản.

Trong thời gian ấy thì Giới, một trại viên trước là thiếu tá dù của VNCH, phụ cho Nhu trong công tác xây dựng và nắm hết mọi quyền hành mặc dù Tứ là đội trưởng của đội mộc. Tôi cảm thấy không an toàn chút nào trong công tác xây dựng vì công việc làm rất cẩu thả, do đó tôi đã nói với Tứ chuyển tôi về nhóm xẻ gỗ. Trong nhóm này, tôi phụ đẩy máy cưa và đôi khi đi đo và tính gỗ do đội lâm sản chuyển về khu đất bên cạnh khu mộc. Cây gỗ hầu hết là loại gỗ quý như Cẫm Lai, Trắc, Gỗ Tếch, Gõ Đỏ vân vân được đem về quá nhiều đến nỗi đôi khi tôi phải đo cả ngày và tối lại mới có thời giờ để tính toán khối lượng.

Làm việc trong đội mộc, tôi không thể thu hoạch được thêm thức ăn như lúc làm trên các cánh đồng. Nhưng được cái là nhà lô của đội nằm gần bờ suối, do đó tôi làm một số câu cắm đặt ở bờ suối và bắt cá góp thêm vào bửa ăn. Đôi khi tôi có thể dùng buổi trưa để đi câu ở suối nữa.

Cho đến năm 1986, khi nhiều nhà đã được xây dựng, Nhu chuyển tôi về làm công việc vẽ tranh để trang trí nội thất, tuy nhiên tôi vẫn thuộc nhân số của đội mộc.

Chương 45

Nhu Và Sự Thay Đổi Của Trại Z30D

Cuộc sống của chúng tôi ở trại Z30D tuỳ thuộc rất nhiều vào một cá nhân. Tên hắn ta là Trịnh Văn Nhu. Hắn ta điều hành trại theo đường lối riêng của hắn, và là một bóng ma không những đối với trại viên mà cả đối với cán bộ nữa.

Trại trưởng trước của trại là Đoàn Mạch, người đã từng làm trại trưởng của trại Thủ Đức từ những năm 1975. Khi tôi mới chuyển về trại Z30D thì Mạch vẫn còn là trại trưởng và Phúc là trại phó. Trưởng phân trại K1 là Ninh. Nhu lúc ấy chỉ là trung úy phụ trách về hậu cần. Ban Giám thị trại lúc ấy điều hành trại theo một đường lối mà tôi vẫn thấy ở trại Tân Lập với mục đích là giữ cho trại viên trong một kỷ luật và lao động như thường lệ. Chúng tôi làm lao động tám giờ một ngày và chỉ làm công việc lao động hàng ngày trên những cánh đồng bắp nhỏ hay làm việc trong các nhà lô. Khu vực quanh trại vẫn còn hoang vắng; cây cối và bụi rậm còn mọc dầy đặc. Trại lúc ấy còn có vẻ rất tạm thời ngoài các kiến trúc ở khu A.

Nhu bằng với tuổi của tôi, lúc ấy khoảng bốn mươi, nhưng hắn trông có vẻ già hơn. Hắn ta lùn, ốm, và có diện mạo trông rất rõ ràng là của một người bần nông miền Bắc mặc dù hắn đã cố tìm cách che đậy bằng mọi phương tiện! Da ngâm đen, và hàm răng hô được gắn rất nhiều vàng, điều mà chúng tôi thường nói đùa lén với nhau là “khi hắn ta cười thì cả bầu trời này đều rực rỡ.” Cái kỳ cục nhất của hắn ta là cách ăn mặc khác thường. Khi tôi gặp hắn ta lần đầu ở nhà kho, hắn ta mặc một bộ vét màu xanh lá mạ rất rực rỡ mặc dù trời hôm ấy rất nóng. Tôi cũng thấy nhiều lần khác hắn ta mặc đồ pi-da-ma đi khắp nơi trong trại cũng như trong các hiện trường lao động của trại viên. Khi nói chuyện với các trại viên lớn tuổi, hắn ta cố dùng những từ ngữ thân thiện, nhưng tư cách thì lại tỏ ra rất mất dạy.

Vào năm 1985, tôi nghe nói rằng Nhu được bầu vào chức vụ Bí thư của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản của trại, đó là một chức vụ quan trọng ở cơ quan trại. Trong quốc gia của Cộng Sản, luôn luôn có hai tổ chức trong cùng một đơn vị: tổ chức chính quyền và tổ chức Đảng (Đảng Cộng Sản). Ở cơ quan trại thì có hai đơn vị chính là Ban Giám Thị và Hội Đồng Cán Bộ, và hai tổ chức Đảng của hai đơn vị này là Đảng Bộ và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản.

Do nhu cầu xây dựng trại, Nhu bắt đầu nắm lấy quyền điều hành đội mộc. Hắn ta không làm Cán Bộ quản giáo, nhưng vì là Cán Bộ hậu cần và là Bí Thư đoàn Thanh Niên, hắn ta điều hành hết mọi công việc của đội. Cán bộ quản giáo lúc ấy chỉ là bù nhìn! Nhu thay đổi cán bộ quản giáo của đội bất kỳ lúc nào. Hắn ta tái tổ chức đội, đặt hai tổ mộc và xây dựng lại với nhau, và biên chế nhiều trại viên vào đội. Đội mộc trở thành một điểm nóng của toàn trại với tổng số trại viên lên đến trên một trăm người. Hắn ta buộc trại viên làm việc nhiều hơn là tám giờ một ngày, và đôi khi hắn ta lấy đồ vật trong nhà kho của cơ quan để “bồi dưỡng” cho trại viên. Chẳng ai dám phê bình hắn vì hắn ta là cán bộ hậu cần, và hắn cũng thường bảo rằng: “thủ kho to hơn thủ trưởng.”

Nhu nổi lửa đốt nhà lô của đội mộc rồi cho xây dựng mới. Căn nhà dành cho các trại viên làm ngoài giờ được làm vách và đặt sàn nằm vì hắn ta buộc trại viên của đội làm cho đến tối mịt và không được nhập trại vào buổi trưa. Căn láng của máy cưa xẻ thì được xây hai tầng; tầng trên dành cho cán bộ canh gác khu nhà lô ngày lẫn đêm, và tầng dưới thì để máy cưa. Một căn nhà cho cán bộ quản giáo ở gần cổng và một căn nhà hình bát giác ở cạnh đó dành cho riêng hắn ta mỗi lần đến nhà lô.

Sau khi đội mộc đã được tái tổ chức, Nhu bắt đầu nắm lấy đội xây dựng. Đội này đang phụ với các nhà thầu xây dựng căn nhà ở khu B của trại. Khi đội xây dựng đã được tái tổ chức, Nhu đuổi các nhà thầu và cho đội xây dựng tự làm các nhà trong khu B. Những căn nhà này được làm rất cẩu thả so với các nhà khác với tường mười thay vì hai mươi phân, và các sàn nằm thì xây bằng xi măng thay vì lát gạch. Nhu không quan tâm đến chất lượng xây dựng mà chỉ chú ý đến thời gian. Đôi khi hắn ta buộc trại viên phải hoàn tất công việc trong một hai ngày không kể ngày đêm hay phẩm chất tốt xấu. Hắn ta thường xuyên hiện diện ở các điểm nóng. Hắn ta thưởng cho những trại viên làm việc siêng năng và xử phạt các trại viên tỏ ra lười biếng. Những tưởng thưởng này chỉ là một ít thịt, một ít đường, hay đôi khi là một bộ đồng phục tù, nhưng chúng tôi cũng phải ra sức lao động vì không ai muốn bị nhốt kỷ luật.

Trong thời gian này, trại viên nằm đầy trong các phòng giam kỷ luật. Các cán bộ đôi khi phải dời các trại viên ở quá lâu trong ấy về cùm ở phòng giam để dành chỗ cho những trại viên mới vào. Một khi trại viên bị nhốt kỷ luật, họ phải ở trong đó cho đến khi Nhu nhớ và thả ra. Đôi khi cán bộ trực trại còn phải nhắc Nhu về những trại viên bị cùm quá lâu. Nhu thưởng phạt trại viên một cách rất bất thường. Tôi nghĩ rằng hắn ta muốn cảnh cáo cho những trại viên khác để họ làm lao động tích cực hơn. Ngoài ra, hắn ta cũng muốn chứng tỏ cho các trại viên biết rằng hắn ta có quyền hành vô giới hạn; hắn ta có thể làm mọi việc mà không cần biết đến giới hạn của luật pháp.

Do nhu cầu xây dựng, đội lâm sản sau đó đã bị Nhu nắm lấy quyền hành. Nhu đốt khu rừng phía bên kia suối nơi đội lâm sản dựng nhà lô. Hắn ta cho xây lại nhà lô của đội lâm sản ở khu vực K3, gần chân núi Mây Tàu. Hắn ta biên chế thêm trại viên vào đội này và cho nhiều cán bộ vào cùng làm với các trại viên đồng thời quản chế trại viên luôn. Đội lâm sản đôi khi phải ở luôn trong rừng cả ngày lẫn đêm. Cây cối được hạ và chuyển về nhà lô đội mộc dấu ở khu đất trống bên cạnh. Rừng chung quanh trại bị phá quá nhanh cho nên toán kiểm lâm của tỉnh Thuận Hải thường vào để kiểm tra trại. Nhu cho trại viên đem dấu mạt cưa trong các ruộng mía, và che dấu các cây gỗ bằng lá buông và mía. Hắn ta tổ chức tiệc tùng cho các nhân viên kiểm lâm mỗi khi họ đến kiểm tra trại, và rồi dần dần các toán kiểm lâm này đã bị mua chuộc.

Kể từ khi Nhu nắm lấy đội mộc thì trại Z30D cũng bắt đầu thay đổi. Đầu tiên các khu nhà giam tạm thời của khu B và C bị hạ. Khu D biến thành khu B với bốn căn nhà mới xây thêm. Khu nhà bếp mới được xây dựng ở gần với khu B, và khu bệnh xá ở gần khu A. Khu trại được rào quanh bằng tường gạch và chỉ có một vọng gác nằm thẳng với hội trường giửa hai khu A và B. Khu nhà giam kỷ luật nằm phía sau hội trường. Hai bức tường ngăn cách khu A và B với khu hội trường. Khu đất nằm giữa khu nhà bếp và khu bệnh xá được dùng làm khu vực tập họp trại viên đi lao động. Sau đó Nhu cho xây dựng một thư viện ở gần bệnh xá, đào và xây hồ nuôi cá vàng, và làm một vườn hoa bên cạnh. Muốn đi vào bệnh xá, mọi người đều phải đi qua một cây cầu bắt ngang hồ nước. Thư viện được làm hai tầng: tầng dưới làm thư viện còn tầng trên thì làm phòng nơi Nhu tiếp khách vào thăm trại. Hai kiốt nằm hai bên đường vào hội trường dùng làm “căn tin” bán đồ đạc cho các trại viên có tiền. Khu hội trường sau đó biến thành cái gọi là “khu vui chơi.”

Không những ở trong trại mà cả khu cơ quan và khu vực chung quanh trại cũng hoàn toàn thay đổi. Trại viên phải đào ao trong khu cơ quan và xây cầu cùng các nhà nổi trên các hồ nước. Khu vực phía trên suối được đào để làm hồ nước thủy điện. Lòng suối thì được cẩn bằng đá lấy từ núi về. Rất nhiều công viên được thành hình ở hai bên suối. Nhu cho xây lại khu thăm nuôi phía bên kia suối, cất nhiều nhà cho thân nhân ở lại qua đêm để thu tiền và làm một căn tin để bán đồ cho thân nhân. Mọi việc đều được thực hiện bằng lao động nặng nhọc của trại viên.

Sau khi các kiến trúc của trại gần hoàn chỉnh thì Nhu đưa một số trại viên đi xây những căn tin và khách sạn ở lề đường của Quốc Lộ Số Một và đi xây đập thủy điện ở thị xã Tân Xuân, cách trại khoảng sáu mươi cây số. Cùng khi ấy thì đội lâm sản được dời vào khu mới để hạ cây gỗ và phá rừng để trồng mía và bạch đàn. Khoảng sáu tháng sau thì khu vực rừng rậm chung quanh trại khoảng trên mười lăm cây số đều bị tàn phá. Cây bạch đàn được trồng vào để thay thế cho các loại cây gỗ quý đã được trồng hàng trăm năm trước. Nhu càng lúc càng trở nên giàu có và có thế lực!

Sự thay đổi còn xảy ra trong nội bộ nhân sự ở cơ quan nữa. Sau khi trại trưởng Đoàn Mạch nghỉ hưu, “trung ương” cử Ý vào thay, và Nhu lên làm trưởng phân trại K1 mặc dù lúc ấy hắn ta chỉ mới mang lon trung úy. Nhu bắt đầu nắm hết quyền hành ở cơ quan và Ý chỉ là một bù nhìn. Trại phó Phúc thì là một bóng mờ, không ai để ý gì đến hắn ta. Ninh, nguyên trưởng phân trại K1 được chuyển đi nơi khác khi Nhu thay thế. Mọi việc từ K1 đến K2 đều nằm trong tay Nhu. Sau một thời gian thì cả hai phân trại K1 và K2 được nhập vào nhau và Nhu trở thành trưởng trại mặc dù lúc ấy hắn ta chỉ mới mang quân hàm đại úy. Sau khi nhiều trại viên được thả vào năm 1988, trại Z30C ở cách trại Z30D khoảng ba mươi cây số được sát nhập vào và Nhu biến thành trại trưởng của liên trại, lúc ấy thì hắn ta mang lon thiếu tá. Hắn ta leo lên bốn cấp chỉ trong vòng ba năm. Hắn đặt các “đàn em” vào các chức vụ trưởng phân trại K1 và K2 để dễ dàng hành động theo ý.

Các cán bộ cũng rất sợ Nhu. Các cán bộ quản giáo và vũ trang luôn phải canh chừng để loan báo cho các trại viên biết khi thấy Nhu đi đến từ xa vì nếu có điều gì đó xảy ra thì không những trại viên bị cùm mà các cán bộ cũng có thể bị chuyển đi. Có một lần tôi đi vẽ bức tranh tường ở khu cơ quan; các trại viên thì đang đào ao gần đó, và các cán bộ cũng đang làm lao động ở gần để chặt bỏ các cây xoài. Một cán bộ đang chặt nhánh một cây có đầy kiến vàng. Hắn ta nhảy ra xa để phủi kiến đeo đầy cổ. Tôi nghe Nhu la lớn lên: “Mày sắp là Đảng viên mà lại sợ mấy con kiến vàng à?” Tên cán bộ đành phải tiếp tục làm việc, một tay cầm dao chặt nhánh xoài còn một tay thì phủi mấy con kiến đang đeo ở cổ. Thật là một cảnh tượng mà tôi chưa hề trông thấy bao giờ! Nhu đối xử với các “đồng chí” của hắn ta còn như vậy thì đối với chúng tôi hắn ta sẽ đối xử ra sao?

Nhu lại là một con người rất mê tín. Hắn ta dùng riêng Văn như một người bói toán và coi địa lý. Trần Hồng Văn, một tên thọt và từng là một ký giả trong chế độ Cộng Sản, bị tù vì tội gì thì tôi không được biết. Hắn ta quả thật là một tên ba hoa! Văn được Nhu cho làm việc ở thư viện và được ở trong một căn phòng riêng ở gần thư viện. Hắn ta bảo với Nhu rằng dòng suối phía sau trại là một con rồng mà cái đầu rồng thì nằm ở gần với tảng đá phía sau khu láng mộc. Nhu cho xây một căn nhà hình bát giác ngay trên con suối ở đó cho riêng hắn ta, và xây một vườn hoa trông giống hình một ngôi mộ ngay trên bờ suối. Hắn tin rằng đó là mộ của hắn và khi nó được hoàn tất thì hắn ta sẽ đứng vào ngôi mộ ấy coi như hắn ta đã được chôn ở đó để kiếp sau được tốt. Tôi biết được điều này nên mặc dù không tin tôi cũng muốn phá ý đồ của hắn ta bằng cách đem chôn một con cá lòng tong mà tôi câu được trong dòng suối. Tôi khấn rằng nó sẽ biến thành một con kình ngư sau này thay vì Nhu biến thành vương tướng như ý hắn mong muốn!

Trong “thời đại” của Nhu, các trại viên phải làm việc rất nặng nhọc mà lại bị xử phạt một cách rất vô lý. Vài trại viên đã bị thương tật, bị chết, và vài người bị què khi khai thác vùng đất đầy mìn ở một đồn địa phương quân cũ phía bên kia Quốc Lộ Số Một, để trồng cây bạch đàn. Trại viên phải làm việc cả ngày lẩn đêm không đủ thời giờ nghỉ ngơi. Đội mộc phải làm việc hai mươi bốn giờ trong một ngày với hai nhóm làm việc thay phiên nhau trong ba ca. Những đội khác thì phải làm thêm những việc làm ban đêm như đào ao, đào hồ thủy điện, phụ đội xây dựng. Nhu tưởng thưởng những đội đi làm đêm bằng cách chiếu phim chưởng của Tàu và bắt buộc mọi người phải ở lại xem với hắn ta cho đến khuya rồi lại phải thức dậy sớm sáng hôm sau để đi lao động hàng ngày như thường lệ!

Chương 46-47-48