Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 3

th (1)

Vụ cướp ngôi của Trà Hòa Bố Để đã diễn ra thật êm ả. Hoàng tử Chế Mỗ thấy mình cô thế quá, không dám có một phản ứng nào. Ông chỉ biết khóc lóc, ôm mối phẫn hận nằm miết trong điện, phó mặc cho số mệnh đẩy đưa…
Sau khi đăng quang, vua Bố Để hội triều thần để bàn định kế hoạch trị quốc. Trên thực tế vua Bố Để đã cầm quyền từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên ông chính thức ngự trên ngai vàng để ban hiệu lệnh cho quần thần. Nhà vua mở đầu:
-Từ đây ta là chủ tể của nước Chiêm, ta sẽ dốc hết sức hết lòng để gây dựng một nước Chiêm thật hùng mạnh. Châm ngôn có câu “dại hai người hơn khôn một mình”, nếu không có các ông hợp sức, ta sẽ không làm gì được! Ta rất cần sự hợp sức, góp ý của các ông! Vậy, ngay từ giờ phút này, ai có kế hoạch gì hay cứ trình bày ta nghe thử. Nếu dùng được, ta sẽ thưởng, nếu dùng không được, ta cũng chẳng quở trách đâu!
Vua Bố Để nói xong thì một viên quan tâu:
-Thần là La Khâm xin thưa: Tiên vương vốn là người do Đại Việt lập nên, lâu nay hằng năm nước ta vẫn triều cống Đại Việt. Nay Tiên vương đã qua đời, bệ hạ lên kế nghiệp, tưởng ta cũng nên cử sứ sang Đại Việt báo tang cho phải phép và xin phong vương cho bệ hạ luôn thể. Nếu không làm việc đó, thần sợ sẽ bị Đại Việt bắt bẻ làm khó cho ta.
La Khâm nói xong thì tướng quân Lạc Thích tiếp lời:
-Việc báo tang và xin phong vương là việc rất cần thiết, không thể bỏ lơ được. Tuy thế, sự tồn tại của hoàng tử Chế Mỗ cũng là một trở ngại lớn. Nếu Đại Việt hỏi tại sao không lập con mà lại lập rể vua cũ lên kế vị, ta biết trả lời sao? Theo thần nghĩ, ta nên giải quyết vấn đề Chế Mỗ cho êm ấm trước đã!
Vua Bố Để hỏi:
-Theo ông, ta nên giải quyết như thế nào?
Lạc Thích nói không ngần ngại:
-Chắc bệ hạ đã từng nghe câu ngạn ngữ “trảm thảo trừ căn” của người Trung Hoa? Vì việc lớn của quốc gia, đâu cần câu nệ một điều nghĩa nhỏ! Thần nghĩ ta cứ đặt Đại Việt trước một sự đã rồi vẫn là thượng sách!
Lão tham mưu Chế Hồng Phúc vội ngăn:
-Bệ hạ không nên nghe lời ấy! Dân Chiêm vẫn còn nhiều thiện cảm với Tiên vương. Hoàng tử Chế Mỗ chưa làm gì nguy hiểm đến nỗi bệ hạ phải xử sự như thế! Ngoài ra hoàng tử lại là em của hoàng hậu, chẳng lẽ bệ hạ không sợ hoàng hậu đau lòng? Nếu có chuyện không hay xảy đến cho hoàng tử thần sợ dân chúng sẽ bất mãn, sẽ nghi ngờ đến đức lớn của bệ hạ. Bệ hạ nên cho người bảo vệ an ninh, khuyên lơn, an ủi hoàng tử chắc hẳn mọi việc sẽ tốt hơn! Còn với Đại Việt, ta chỉ cần báo với họ hoàng tử trí óc không được bình thường không coi việc nước được cũng xong! Theo thần biết, sau khi Huệ Vũ vương Quốc Chẩn bị giết, quân đội Đại Việt đang ở trên đà suy yếu. Hiện nay họ không muốn gây hấn với ai đâu. Thần nghĩ dù biết ta báo cáo không thành thật, họ cũng sẽ lờ đi cho yên chuyện.
Mọi người đều khen Hồng Phúc nói có lý. Vua Bố Để phán:
-Ý kiến của Chế Hồng Phúc hay lắm! Cứ như vậy mà thi hành!
Vua lại nói với La Khâm:
-Ông giúp ta việc đi sứ Đại Việt nhé! Ta sẽ chỉ thị lo mọi chuyện cần thiết giúp ông. Ông chuẩn bị để lên đường càng sớm càng hay!
Giao việc cho La Khâm xong, vua Bố Để hỏi Chế Hồng Phúc:
-Ông lo việc thuyết phục hoàng tử Chế Mỗ được không?
Chế Hồng Phúc thưa:
-Thần sẽ cố gắng. Nhưng xin bệ hạ cho một chỉ thị thật rõ ràng để thần dễ ăn nói với ông ta!
-Được. Ông hãy yêu cầu hoàng tử thực hiện các điểm sau đây: Thứ nhất, không được rời khỏi kinh thành nếu không có sự đồng ý của ta. Thứ hai, không được tự ý gặp gỡ các quan chức lớn nhỏ trong triều một cách riêng tư, lén lút. Thứ ba, tuyệt đối không được tiếp xúc với bất cứ sứ đoàn ngoại quốc nào khi họ đến Đồ Bàn. Nếu hoàng tử giữ được ba điều kiện ấy thì bỗng lộc của hoàng tử vẫn được giữ nguyên như cũ. Sẽ không có một ai được xâm phạm đến một cọng lông chân của hoàng tử và những người trong gia đình ông ta.
Chế Hồng Phúc lộ vẻ vui mừng:
-Bệ hạ đã cư xử độ lượng như thế thần tin mọi việc sẽ êm đẹp cả!
Việc thương thuyết với Chế Mỗ không gặp khó khăn gì. Vừa nghe Chế Hồng Phúc phân tích sự lợi hại giữa hai con đường hòa hay chiến, Chế Mỗ liền đồng ý tuân thủ những điều mà Bố Để đã đưa ra. Khi Chế Hồng Phúc báo lại tin này, vua Bố Để khen:
-Ông quả là tay nhìn xa thấy rộng! Ta hi vọng vụ đi sứ Đại Việt của La Khâm cũng sẽ thành công như ông tiên liệu!
Vấn đề nhân sự đã tạm ổn, Trà Hòa Bố Để bắt đầu lo việc chấn chỉnh guồng máy cai trị mới.
Ba tháng sau La Khâm trở về Đồ Bàn cùng với một sứ đoàn của Đại Việt. Không ngờ cuộc đi sứ này đã mang lại kết quả vượt ngoài sự mong muốn của Trà Hòa Bố Để: Nhà Trần chẳng hề cật vấn La Khâm về việc chàng rể nối ngôi bố vợ mà lại còn ân cần cử sứ giả theo La Khâm sang Chiêm viếng tang và phong vương cho Bố Để nữa.
Thế là vấn đề Đại Việt coi như yên, Bố Để nói với Chế Hồng Phúc:
-Những điều ông tiên liệu quả không sai. Nếu Đại Việt không gặp chuyện bất thường, chẳng đời nào họ dễ dàng phong vương cho ta như thế!
Ông lại quay sang hỏi La Khâm:
-Ông được yết kiến thiên tử mấy lần? Ta nghe nói ngài còn trẻ lắm, trông diện mạo ngài như thế nào?
-Thưa, hai lần. Thiên tử còn rất bé, theo thần biết ngài chỉ mới lên bảy, vui vẻ hồn nhiên lắm. Khi thần dâng biểu, viên thị thần tiếp nhận biểu chưa kịp dâng lên, ngài đã khoát tay tươi cười nói “cho sứ giả bình thân”.
-Thế Thượng hoàng có được khỏe không?
-Thưa, mấy lần thần vào chầu đều chẳng gặp được ngài mà chỉ gặp ấu vương và các quan đại diện, có thể ngài đang se mình.
Trà Hòa Bố Để hớn hở nói:
-Nhà Trần suy rồi! Thượng hoàng thì già yếu bệnh hoạn, ấu vương thì chưa biết việc nên chẳng ai quan tâm đến việc thay ngôi đổi chủ ở Chiêm Thành cả. Đây chính là cơ hội tốt cho nước Chiêm lo việc chấn chỉnh nội bộ, phục hồi sức mạnh để chờ ngày rửa hận! Các khanh phải gắng giúp ta, chớ bỏ lỡ cơ hội quí báu này!
Chế Hồng Phúc thưa:
-Tâu vâng, chúng thần sẽ ra sức giúp bệ hạ phục hồi sức mạnh của nước Chiêm, chờ ngày rửa hận!
Các quan đồng loạt nói:
-Chúng ta phải ra sức phục hồi sức mạnh nước Chiêm, chờ ngày rửa hận!
Lúc bấy giờ hoàng tử Đạt Vân mới mười ba tuổi cũng theo cha ra triều lên tiếng:
-Con cũng xin ra sức giúp cha rửa hận cho dân tộc!
Bố Để mừng rỡ nói với mọi người:
-Con ta còn nhỏ mà cũng có ý chí như thế thì quả thật lòng trời cũng muốn giúp ta!
Thế rồi Bố Để ráo riết đốc thúc việc tập luyện quân đội. Hàng trăm con voi cũng được ra công dạy dỗ thuần thục sẵn để sử dụng trong trận mạc. Ông còn chỉ thị cho thợ đóng hàng trăm chiến thuyền để tăng cường cho thủy quân. Mặt khác, ông cho đốc thúc dân chúng chăm lo việc chăn nuôi, trồng trọt, dự trữ lương thực để chờ lúc dùng tới. Thế lực nước Chiêm càng ngày càng vững mạnh. Các nước lân cận như Chân Lạp, Lào, Java thấy thế đều nể nang, không còn dám gây hấn, quấy nhiễu như trước.
Trà Hòa Bố Để thấy công việc mình làm đã có nhiều kết quả, ông vui mừng lắm. Trong một buổi chầu, ông nói với các quan:
-Lâu nay chúng ta ngày đêm vất vả luyện tập quân đội, thúc đẩy toàn dân ra sức làm việc, sản xuất lúa gạo, chăn nuôi dê gà, tất cả chỉ nhắm mục đích làm cho nước Chiêm mạnh lên. Nay mọi mặt đã có vẻ khả quan, các khanh liệu bao lâu nữa chúng ta đủ sức đánh Đại Việt?
Chế Hồng Phúc thưa:
-Theo nhận xét của thần, nước ta nay quả thật đã mạnh lên nhiều. Tuy thế, việc đánh Đại Việt, thần nghĩ chớ nên tính vội! Vua Đại Việt tuy thơ ấu thật, nhưng nay vẫn còn có Trần Mạnh (Thượng hoàng) còn được dân Việt qui phục đang nắm giữ quyền hành. Chúng ta cứ tiếp tục làm sao cho nước Chiêm mạnh thêm, năm ba năm nữa khi Trần Mạnh qua đời, chúng ta lo gì không quật ngã được Đại Việt!
Vua Bố Để chưa kịp nói gì thì hoàng tử Đạt Vân hăng hái nói:
-Thấy đủ sức thì cứ làm chứ biết bao giờ ông ấy qua đời?
Vua Bố Để lộ vẻ mừng nói với hoàng tử:
-Con cũng biết nóng ruột vì chuyện này ư? Anh dũng như thế mới xứng đáng con ta chứ!
La Khâm thưa:
-Đây là việc lớn của quốc gia, phải đắn đo thật kỹ! Khi thần đi sứ sang Đại Việt thì Trần Mạnh đang bệnh. Tuy vậy, ông ta mới ngoài bốn mươi, việc sống chết cũng khó mà liệu được. Thần nghĩ, bây giờ chúng ta thử thăm dò sức mạnh của họ trước xem sao rồi hãy tính!
Một vị quan hỏi lại:
-Thăm dò sức mạnh của Đại Việt bằng cách nào?
-Dễ lắm! Cứ việc bỏ lơ việc triều cống một thời gian xem họ phản ứng như thế nào. Nếu họ cho người sang khiển trách ngay tức là họ còn mạnh, còn quan tâm tới việc ngoài cõi. Ta chỉ việc xin lỗi vì lý do mất mùa túng thiếu nên triều cống trễ là xong. Nếu họ lờ đi hoặc chậm trách hỏi, rõ ràng đó là một thái độ dè dặt, lúng túng. Qua các thái độ ấy, ta có thể phỏng đoán sức mạnh của họ. Khi đó chúng ta quyết định cũng kịp!
Trà Hòa Bố Để khen:
-Ý kiến của La Khâm hay lắm! Ta cứ thử ngưng việc triều cống xem Đại Việt phản ứng thế nào rồi tính!
Trước đây Chế Mỗ nghe theo lời Bố Tân nên đã qui hàng Bố Để. Lúc bấy giờ Chế Mỗ chưa có thế lực nào hậu thuẫn, nếu không qui hàng làm sao tồn tại được! Hơn nữa, ông vẫn tin Đại Việt không bao giờ chấp thuận Bố Để làm vua nước Chiêm vì Bố Để không phải là con vua Chế A Nan do Đại Việt lập nên. Tới khi thấy Trà Hòa Bố Để được vua Đại Việt cử sứ sang phong vương, Chế Mỗ mới hỡi ôi! Quá phẫn uất về việc này, ông liền gọi Bố Tân đến trách:
-Ông khuyên ta tạm hòa với Bố Để để chờ thời, bây giờ Đại Việt đã phong Bố Để làm chúa Chiêm Thành, ta biết làm sao đây?
Bố Tân nói:
-Thật khó hiểu tại sao Đại Việt lại xử sự nông nổi như vậy? Điện hạ có lỗi gì với họ đâu mà họ nỡ bỏ rơi để phong vương cho Bố Để? Tôi nghĩ chắc hẳn Bố Để báo cáo gian với Đại Việt!
Chế Mỗ bực bội nói:
-Đại Việt đã bỏ rơi ta, ta chỉ còn biết nổi loạn thôi!
-Xin Điện hạ phải cẩn thận, không nên nóng nảy! Bố Để đã có âm mưu đoạt ngôi từ trước nên hắn đã mua chuộc và cấy người của hắn khắp nơi. Mình rục rịch là hắn biết ngay. Tốt hơn hết phải tìm cách cho người sang Đại Việt tìm hiểu nguyên do. Nếu quả Bố Để đã khai gian về vấn đề người kế tự của Tiên vương để đoạt ngôi, ta phải khiếu nại. Như vậy mới mong Đại Việt buộc Bố Để trả ngôi cho Điện hạ. Nếu không có Đại Việt hỗ trợ, sợ trong nước không ai dám theo ta đâu! Đã không có người theo ta làm gì được?
Chế Mỗ khẩn khoản nói:
-Theo ông nghĩ ta nên sai ai đi Đại Việt bây giờ?
-Trước hết ta phải lựa người khéo léo mới gánh vác nổi việc này. Và cũng phải đợi lúc Bố Để với Đại Việt có sự xục xịch nào đó đã mới dễ ăn nói. Một điều cần thiết nữa là ta phải sắm lễ vật thật nhiều. Chứ Bố Để mới cho người sang xin phong, đương nhiên nó phải đút lót hậu hĩ những kẻ có quyền thế trong triều đình Đại Việt. Họ mới ăn của Bố Để đó, giờ ta đòi truất phế Bố Để dễ gì họ nghe?
-Đã tới nước này trăm sự nhờ ông liệu giúp ta vậy!
-Điện hạ đã muốn thế, tôi nào dám từ nan! Tuy nhiên, xin Điện hạ kiên nhẫn, thư thả cho một thời gian. Ta cũng cần chuẩn bị trước phần nào về mặt nhân sự. Nếu không, giả như Bố Để trả lại ngôi, không lẽ Điện hạ dùng lại toàn bộ người của Bố Để? Hoặc giả nếu quân Đại Việt sang hỗ trợ cho Điện hạ, thấy ta không có người để sai khiến họ cũng sẽ coi thường!
Chế Mỗ hỏi lại:
-Theo ông, bây giờ ta phải làm gì trước?
-Tôi sẽ tiếp tục công việc trước kia, tìm những người còn trung thành với Tiên vương để thuyết phục họ sẵn sàng ra phò tá Điện hạ khi Điện hạ cần đến.
-Ông nghĩ thời gian làm công việc đó khoảng bao lâu?
-Thưa, không thể đoán trước! Chúng ta đâu có hoạt động công khai được mà dễ tính toán? Xin Điện hạ ráng chờ đi! Người có lòng chờ đợi thì cơ hội sẽ đến!
Chế Mỗ thở dài:
-Ông gắng giúp ta nhé! Ta sốt ruột lắm rồi!
-Thưa vâng, tôi sẽ vì Điện hạ mà gắng sức!
Tuy đã ước hẹn vậy, nhưng cứ vì lẽ này lẽ nọ cản trở, Bố Tân vẫn chưa thực hiện được gì. Lòng hi vọng vào một ngày phục quốc của Chế Mỗ cũng héo mòn dần theo năm tháng.
Trong khi ở Chiêm Thành Trà Hòa Bố Để cướp ngôi của em vợ thì ở Đại Việt tình hình cũng chẳng mấy sáng sủa. Những viên quan có tài chính trị nổi bật như Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chung, Đoàn Nhữ Hài đều không còn nữa. Thượng hoàng Minh Tôn tuy chưa già lắm nhưng hay bệnh hoạn, nhất là chứng đau mắt luôn hành hạ ngài. Vua Dụ Tôn thì còn quá nhỏ. Vì thế, khi thấy Chiêm Thành bỏ cống ngang xương, Thượng hoàng chỉ nói:
-Có thể năm nay nước Chiêm mất mùa. Nó mới phạm một lần cứ tạm bỏ qua đi. Nếu sang năm nó không triều cống nữa sẽ trách luôn cũng không muộn!
Nhưng năm sau Chiêm Thành vẫn tiếp tục bỏ triều cống. Lại nhằm lúc Đại Việt mất mùa, đói kém, trộm cướp xảy ra khắp nơi. Vài nơi đã có những đám giặc lớn nổi lên. Phần lớn những phần tử gây biến loạn này lại là những gia nô của các vương hầu. Vì thế Thượng hoàng luôn bận rộn việc đánh dẹp để chỉnh đốn vấn đề trị an. Những năm kế tiếp tình hình trong nước cũng chẳng khá hơn. Cứ vất vả với việc nội trị như thế thì giờ đâu mà lo việc bên ngoài! Thế là Chiêm Thành cứ tiếp tục bỏ việc triều cống.
Mãi đến năm Bính Tuất* Trần triều mới sai Phạm Nguyên Hằng sang Chiêm trách hỏi. Bố Để viện lẽ mấy năm nước Chiêm mất mùa liên tiếp nên không đủ sức triều cống. Phạm Nguyên Hằng biết Bố Để nói dối nhưng phải giả làm ngơ, chỉ dùng lời lẽ phải trái để khuyên Bố Để nên tránh chuyện tranh chấp giữa hai nước. Cuối cùng Bố Để xin hứa sẽ cho sứ sang cống như trước.
Tin này lọt đến tai Bố Tân, ông mừng rỡ thưa với Chế Mỗ:
-Cơ hội tốt của Điện hạ đã đến rồi đó! Nghe Bố Để đã tự ý bỏ triều cống Đại Việt bốn năm năm nay. Có lẽ trong thời gian này Đại Việt cũng không được yên nên họ cũng phải giả lơ. Nay họ đã cho người sang trách hỏi việc ấy. Rõ ràng là hai bên không còn mặn nồng với nhau nữa! Điện hạ phải nhân cơ hội này cho người sang Đại Việt tố cáo sự dối trá của Trà Hòa Bố Để thế nào cũng được việc!
Chế Mỗ nghe nói rất mừng, nhưng rồi ông lại lo lắng:
-Người để sai đi thì có rồi, nhưng lễ vật tính làm sao đây? Ta chỉ còn giữ được một ít vàng, chuyến này chắc sạch kho quá!
Bố Tân rất hiểu nỗi khó khăn của Chế Mỗ. Trước kia ngoài phần bổng lộc, ông còn được các quan lớn nhỏ nay biếu mai tặng để lấy lòng nên chuyện vàng bạc đối với ông không thành vấn đề. Nhưng nay những vụ biếu tặng lễ lạt đó hoàn toàn không còn nữa. Trong thời gian gần đây Chế Mỗ lại phải chi ra quá nhiều để ông lo việc vận động nhân sự. Lần này nhất định phải hao tốn gấp bội những lần trước. Nhưng lẽ đời “tiếc tiền mua cá không tươi”, không chịu chi ra làm sao mong nên việc? Bố Tân vừa an ủi vừa thúc đẩy Chế Mỗ:
-Thưa, lúc cần hao tốn thì phải hao tốn. Đây là lúc Điện hạ cần chi tiêu nhất. Việc nên hay hư có thể được quyết định trong lần này đấy!
Nghe Bố Tân nói thế, Chế Mỗ phải quyết định sai Lan Đồ Thu đi sứ Đại Việt. Nhưng khi Lan Đồ Thu đến Thăng Long thì sứ giả của Trà Hòa Bố Để là A Thích đã có mặt ở đó rồi. Lan Đồ Thu sợ đụng đầu với A Thích, buộc lòng phải tạm trú ở ngoại ô Thăng Long để đợi, chưa dám vào thành chầu thiên tử. May lúc đó A Thích cũng đã xong việc, sắp về nước nên Lan Đồ Thu khỏi mất công lẩn tránh lâu.
Số là cuối năm ấy sứ đoàn Chiêm do A Thích dẫn đầu sang triều cống Đại Việt. Vì biết lúc này Đại Việt đang suy yếu, không muốn gây hấn với ai, nên Trà Hòa Bố Để chỉ cống lấy lệ, lễ vật rất đơn bạc. Các quan nhà Trần thấy thế đều giận, họ nói:
-Chiêm Thành lúc này lên mặt quá đáng! Mấy năm đã bỏ cống, bây giờ bất đắc dĩ phải cống lại thì chỉ cống qua loa chiếu lệ, quả là nó muốn thách thức triều đình ta!
Lúc bấy giờ Thượng hoàng vẫn là người quyết định mọi việc trong nước. Trước khi quyết định các vấn đề, Thượng hoàng vẫn hay hỏi ý Cung Tĩnh vương Nguyên Trác. Có nhiều việc ngài còn giao hẳn cho Nguyên Trác quyết định luôn. Nay nghe các quan bàn tán như vậy, Nguyên Trác nói với Thượng hoàng:
-Mặc nó, mình cứ lún cho nó kiêu rồi sẽ có cách trị nó.
Thượng hoàng nghe lời, cho nhận lễ vật và tiếp đãi sứ đoàn A Thích tử tế. Sau đó lại hậu thưởng để ủy lạo sứ giả rồi cho về. A Thích vừa rời khỏi Thăng Long thì Lan Đồ Thu xin vào yết kiến vua Minh Tôn. Nguyên Trác cười hớn hở tâu:
-Phụ hoàng thấy chưa? Đây chính là lúc ta trừng phạt Trà Hòa Bố Để đấy!
Thượng hoàng hiểu ý Nguyên Trác, ngài nói:
-Con nói có lý lắm. Việc đó trẫm giao cho con giải quyết.
Nguyên Trác cho tiếp đãi sứ đoàn Lan Đồ Thu rất chu đáo. Ông lại còn mở tiệc riêng đãi Lan Đồ Thu. Trong bữa tiệc này, Nguyên Trác đã dò hỏi rất kỹ về tình hình nước Chiêm. Lan Đồ Thu cũng trình bày nỗi uất hận của hoàng tử Chế Mỗ và những người còn trung thành với Tiên vương Chế A Nan đối với sự tiếm đoạt ngôi vua của Trà Hòa Bố Để. Lan Đồ Thu kết luận:
-Hiện nay dân Chiêm đang trông đợi thượng quốc cho quân sang giết Bố Để để trả lại ngôi vua cho hoàng tử Chế Mỗ. Nếu thượng quốc vì nghĩa lớn mà làm việc đó, dân Chiêm chúng tôi sẽ chẳng bao giờ dám quên ơn.
Cung Tĩnh vương Nguyên Trác nói:
-Cổ nhân có câu “mình giúp mình trước trời sẽ giúp mình sau”. Sứ giả của Bố Để vừa sang triều cống, nếu Đại Việt tiến quân đánh Bố Để liền thì hóa ra Đại Việt lật lọng quá, làm sao giữ trọn được chữ tín với thiên hạ? Ông nên khuyên hoàng tử vận động dân chúng nổi lên chống Bố Để trước đi. Khi đó Đại Việt sẽ có cớ để đưa quân vào đất Chiêm hòa giải cho hai bên. Trong dịp này, Đại Việt sẽ tùy cơ ứng biến tìm cách trả lại ngôi vua cho hoàng tử. Ông thấy hợp lý không?
Lan Đồ Thu thưa:
-Thượng quốc đã dạy bảo như thế, tôi sẽ trình lại với hoàng tử để người quyết định!
Cung Tĩnh vương tiếp lời:
-Ông cứ yên chí. Hễ ở Chiêm Thành có biến động thì quân Đại Việt sẵn sàng làm hậu thuẫn bảo vệ hoàng tử ngay.
Vì quá nóng lòng đoạt lại ngôi vua nên khi nghe Lan Đồ Thu thuật lại lời Cung Tĩnh vương Nguyên Trác, Chế Mỗ mừng rỡ lập tức ra lệnh khởi nghĩa bất chấp sự can gián của Bố Tân. Nhưng Trà Hòa Bố Để đề phòng cẩn thận quá nên phe Chế Mỗ nổi lên chỗ nào bị dập tắt ngay chỗ đó. Chế Mỗ cùng Bố Tân, Lan Đồ Thu phải bỏ cung điện kéo tàn quân chạy ra biên giới Đại Việt. Nhà Trần được tin liền cử Bảo Uy vương Trần Hiến xuất quân tiếp cứu Chế Mỗ. Biết tin Đại Việt đã ra quân, Trà Hòa Bố Để liền ra lệnh ngừng truy sát phe Chế Mỗ. Ông không muốn Đại Việt lấy cớ này để can thiệp vào đất Chiêm. Chế Mỗ nhân cơ hội đó, chấn chỉnh lại hàng ngũ, chiếm giữ một vùng đất giáp biên giới Đại Việt để làm căn cứ. Quân Đại Việt thấy Trà Hòa Bố Để không tiến nữa cũng án binh bất động. Khi tình hình đã tạm lắng dịu, quân Đại Việt rút lui dần. Chế Mỗ thấy mình sức yếu mà việc cầu viện Đại Việt lại không ra gì, bèn xin hòa với Trà Hòa Bố Để. Bố Để nể tình nhạc gia và vợ nên cũng chấp thuận.
Tuy đã được Bố Để cho ở yên, nhưng mối hận mất ngôi trong lòng Chế Mỗ chẳng bao gìờ nguôi được. Ông vẫn luôn cho người đi lại với trấn thủ Hóa Châu là Hưng Hiếu vương, đút lót vàng bạc để gây cảm tình, mong một ngày nào đó Hưng Hiếu vương sẽ khuyên vua Trần cử binh đánh Bố Để. Những việc làm thầm lén này đã không qua mắt được Bố Để. Thấy dung dưỡng Chế Mỗ mãi sẽ có ngày mang họa nên đầu năm Nhâm Thìn, Bố Để bất ngờ đem quân tấn công vào sào huyệt của Chế Mỗ. Lần này cả Lan Đồ Thu lẫn Bố Tân đều tử trận. Chế Mỗ cùng một nhóm thuộc hạ chạy thoát được, mang theo một con voi trắng, một con ngựa trắng và một số phẩm vật khác sang Hóa Châu xin cứu viện.
Hưng Hiếu vương bèn cho người đưa Chế Mỗ về Thăng Long trình bày sự tình với Thượng hoàng. Trong dịp này Chế Mỗ than phiền việc Cung Tĩnh vương Nguyên Trác đã hứa sẽ giúp ông lấy lại ngôi vua nhưng rồi không thực hiện. Thượng hoàng bèn cho một người hầu thân tín là Tước Tê năng lui tới với Chế Mỗ để an ủi ông ta. Một hôm Chế Mỗ kể với Tước Tê một chuyện cổ tích như sau:
“Ngày xưa có một ông vua nuôi một con khỉ lớn, rất yêu quí nó, muốn cho nó biết nói. Ông ta cho rao nếu người nào nuôi dạy con khỉ nói được sẽ thưởng một vạn lạng vàng. Có một người hứa sẽ dạy được. Vua mừng lắm, sai hắn nuôi con khỉ. Người ấy nói hàng tháng dùng thuốc phí tổn đến trăm lạng vàng, sau ba năm mới có kết quả. Vua nghe theo. Ý hắn nghĩ rằng vua, hắn và con khỉ trong ba năm sẽ có một kẻ chết, cứ lấy vàng của vua đã mà chẳng cần phải có kết quả. Chế Mỗ tôi tin tưởng lời hứa của triều đình mà theo về với chúa thượng. Thế mà trải bao năm tháng vẫn chưa nghe ngày được trở về nước. Sự thể của tôi cũng giống chuyện đó”.
Khi nghe Tước Tê thuật lại lời Chế Mỗ, Thượng hoàng thương tình bèn xuống chiếu chuẩn bị binh lương để đánh Chiêm Thành.
Năm Quí Tỵ*, đại quân của Đại Việt hộ tống Chế Mỗ theo đường bộ tiến vào đất Chiêm. Quân Chiêm giữ biên giới không dám chống cự, tránh lui hết. Tuy thế, quân Đại Việt tiến đến Cổ Lũy thì phải ngưng lại để đợi lương thực. Trong khi đó, đội thuyền chở lương đi đường thủy vừa gặp sóng bão dữ quá vừa bị thủy quân Chiêm Thành ra sức ngăn chận, quấy rối, không sao tiến lên nổi. Đại quân đi theo đường bộ đợi mãi không thấy đội thuyền chở lương thực đến, đành phải rút quân về. Chế Mỗ thấy việc không thành, quá thất vọng, buồn rầu mà sinh bệnh. Chẳng bao lâu sau thì Chế Mỗ mất.
Được tin Chế Mỗ mất, Trà Hòa Bố Để thở phào nhẹ nhõm nói với các quan:
-Thế là từ nay ta khỏi lo gì về mặt biên giới phía bắc nữa!
Các quan ngạc nhiên hỏi lại:
-Bệ hạ dựa vào đâu để tin chắc như vậy?
Trà Hòa Bố Để cười:
-Có chứ! Quân do thám đã cho ta biết rõ điều ấy. Thượng hoàng Đại Việt nay đã quá già, Trần Hạo (Dụ Tôn) thì còn trẻ con, nhân tài thì thưa thớt. Trong tình trạng đó Đại Việt giữ mình còn khó khăn, sức đâu để đe dọa nước khác?
La Khâm hào hứng thưa:
-Gặp cơ hội tốt này Chiêm Thành ta nên chuẩn bị đánh Đại Việt để lấy lại phần lãnh thổ đã mất là vừa! Nếu chậm trễ, lỡ Đại Việt có vua giỏi lên cầm quyền ta hối hận cũng không kịp!
Trà Hòa Bố Để khen:
-Ông nói rất phải. Thật tình ta cũng đã nghĩ đến điều đó. Song lo tính việc lớn quốc gia không thể cẩu thả. Trước đây ta từng muốn đánh Đại Việt nhưng lão quan Chế Hồng Phúc đã cản trở vì lý do chưa phải thời cơ. Trần Mạnh tuy đã già yếu nhưng uy đức vẫn còn vang vọng trong lòng thần dân của ông ta. Lòng dân Đại Việt chưa ly tán, ta chưa chắc làm gì nổi. Nhưng khỏi phải lo, ta nghĩ ông ấy chẳng còn sống bao lâu nữa đâu! Giờ chúng ta cứ việc huấn luyện binh sĩ thật tinh nhuệ, tích trữ lương thực thật dồi dào để chờ sẵn. Còn Trần Hạo chỉ là một đứa con nít ham chơi, khi y lên cầm quyền ta sẽ ra tay cũng chưa muộn.
Các quan đều nói:
-Bệ hạ liệu tính như thần! Lo gì việc lớn không thành!
Mùa xuân năm Đinh Dậu* Thượng hoàng Đại Việt lâm bệnh mà qua đời. Vua Dụ Tôn lúc bấy giờ đã hăm hai tuổi nhưng quá ham chơi, chẳng biết chăm lo chính sự nên kỷ cương triều đình trở nên hết sức lơi lỏng. Các nịnh thần bắt đầu tác oai tác quái, các vị trung thần chán nản rút lui dần. Một nhà đại nho nổi tiếng trung trực, đức độ là Chu An (Văn Trinh) dâng sớ xin chém đầu bảy nịnh thần nhưng vua Dụ Tôn không nghe. Chu An lấy làm buồn bèn xin cáo quan về ở ẩn. Trà Hòa Bố Để nghe được tin này mừng lắm. Ông nói với các quan:
-Thời cơ đã đến! Đây chính là lúc nước Chiêm ta thu hồi những phần lãnh thổ đã mất!
Trong mấy năm qua quân đội đã được huấn luyện thuần thục, lương thực đã được chuẩn bị đầy đủ, Chiêm Thành thừa sức để mở một cuộc Bắc chinh. Điều làm nhà vua phấn khởi nhất là hoàng tử Đạt Vân tuy còn trẻ đã trở thành một viên dũng tướng khó ai địch nổi.
Trước khi ra quân, vua Trà Hòa Bố Để cho tổ chức một cuộc duyệt binh lớn ở gần cửa Thị Nại. Trong dịp này dân Chiêm đã tận mắt chứng kiến sức mạnh của họ qua một cảnh tượng hết sức hùng tráng: Vua Bố Để và hoàng tử Đạt Vân trông lẫm liệt như hai vị thiên thần, ngự trên lưng hai thớt voi to lớn nổi bật giữa hàng trăm viên dũng tướng. Quân sĩ thì lớp lớp đông như kiến, cơ nào đội nấy, gươm đao sáng lòa. Hàng trăm con voi trận nhịp nhàng tiến thối theo hiệu lệnh, dũng mãnh, hùng hổ tưởng như phút chốc dẫm nát cả rừng già. Về mặt thủy, hàng ngàn chiến thuyền lớn nhỏ đội ngũ lớp lang, cờ xí nườm nượp rỡ ràng như uy hiếp cả sóng biển. Trước khí thế ấy, toàn dân Chiêm đều vui mừng tin tưởng chỉ một thời gian ngắn nước Chiêm sẽ rửa sạch mối thù hận cũ…
Nhưng người tính không bằng trời tính, ý chí quật cường của vua tôi nước Chiêm đã không được lòng trời tán trợ. Một trận dịch hạch đã bất ngờ đổ ập xuống nước Chiêm. Trọng tâm của trận dịch hạch lại chính là thành Đồ Bàn! Nhiều tướng lãnh và hàng ngàn quân sĩ đang chuẩn bị lên đường tòng chinh bỗng lần lượt ngã bệnh. Chính vua Bố Để, hoàng tử Đạt Vân, lão tham mưu Chế Hồng Phúc đều bị thần dịch hạch mó tay tới. Sau một thời gian vật lộn với cơn bệnh, vua Bố Để may mắn qua khỏi được. Nhưng hoàng tử Đạt Vân và lão quan tham mưu Chế Hồng Phúc đã phải lìa đời cùng với ngót một phần ba cư dân của kinh đô. Sự thiệt hại to lớn của lực lượng quân sự do chính ông đã dày công gây dựng và nhất là cái chết của hoàng tử Đạt Vân, đứa con thân yêu và là nguồn hi vọng tương lai của ông đã làm ông vô cùng đau đớn. Từ đó vua Bố Để không thể nào phục hồi tinh thần để chăm lo việc nước như trước

 

Chế Bồng Nga : Anh Hùng Chiêm Quốc – Chương 4