HIỂU ĐÚNG HAY NGỤY BIỆN

 

Gần đây, theo tin từ báo chí trong nước, thành phố Hà Nội đang có dự án lấy tên Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dung) và Mạc Thái Tông (tức Mạc Đăng Doanh) đặt tên cho hai con đường mới tại thành phố này. Việc làm này đang bị dư luận chỉ trích, lên án và gây ra nhiều tranh cãi bênh và chống.

Theo sử sách, Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đời nhà Trần. Mạc Đăng Dung là vị vua đầu tiên của nhà Mạc (1527 – 1592). Ông là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách), tỉnh Hải Dương. Mạc Đăng Dung hồi nhỏ làm nghề đánh cá, lớn lên nhờ có sức khoẻ thi đỗ đô lực sĩ được sung vào quân túc vệ của nhà Hậu Lê đời vua Lê Uy Mục rồi từ đó thăng tiến giữ những chức vụ trọng yếu trong triều đình.

Lợi dụng lúc nhà Hậu Lê suy yếu, các tướng tranh giành quyền lực, và bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung đã nhân cơ hội dẹp được loạn thâu tóm hết quyền bính rồi ép vua Lê Cung Hoàng viết chiếu nhường ngôi lập ra nhà Mạc năm 1527.

Việc Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Hậu Lê là một việc tuy đáng trách nhưng có thể châm chước vì tình hình nhà Hậu Lê lúc đó qúa suy đồi, dân tình ly tán, loạn lạc; nhưng điều đáng phê phán là trong 65 năm cai trị, nhà Mạc mà cụ thể là Mạc Đăng Dung đã để lại một vết nhơ trong lịch sử không thể nào gột rửa.

Theo sách sử còn ghi chép, Mạc Đăng Dung làm vua lấy hiệu là Mạc Thái Tổ, nhưng chỉ trị vì trong ba năm, đến năm 1530 thì nhường ngôi cho con trai lớn là Mạc Đăng Doanh tức Mạc Thái Tông. Nhưng Mạc Thái Tông cũng chỉ làm vua đến năm 1540 thì mất, con lớn của Mạc Đăng Doanh là Mạc Phúc Hải đã được Mạc Đăng Dung đưa lên kế vị. Đầu năm 1541, biết nhà Minh lăm le đem quân xâm lăng nước ta, lấy cớ phạt tội họ Mạc soán ngôi nhà Lê, nên Mạc Đăng Dung đã tự trói mình trước phủ của quân Minh ở trấn Nam Quan, nhục nhã nạp dâng vàng bạc và 6 động: Tế Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liêu Cát, An Lương và La Phu cho nhà Minh để đổi lấy sự cầu hòa được nhà Minh che chở. Sau đấy, Mạc Đăng Dung tự thấy nhục nhã về việc cúi mình dâng đất tại Nam Quan (Lạng Sơn), nên về nhà ngẫm nghĩ hối hận rồi lâm bệnh chết cùng năm (1541).

Việc làm của Mạc Đăng Dung như trên từ lâu đã bị mọi người lên án. Sử gia Trần Trọng Kim, tác gỉa Việt Nam Sử Lược, đã phê phán: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần, trói mình, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch, để cầu lấy cái phú quý cho một thân và cho một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.”

Từ trước đến nay, mỗi khi nhắc đến nhà Mạc, không ai lại không nghĩ đến hành vi ô nhục này. Ấy vậy mà những người cộng sản ở trong nước nay lại đang muốn dùng tên hai cha con Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh để đặt tên cho hai con đường mới ở Hà Nội. Họ ngụy biện rằng, cần phải “hiểu đúng” việc đánh gía nhà Mạc và việc coi nhà Mạc là “ngụy triều” là không xác đáng vì đó là do xét đoán chủ quan của các sử quan nhà Lê. Họ còn nói rằng, các sử gia từ trước đến nay đều căn cứ trên các sử quan nhà Lê như vậy nên đã bỏ qua những đóng góp to lớn (?) của nhà Mạc đối với lịch sử dân tộc.

Để bênh vực cho nhà Mạc, một số mang danh học gỉa, nhà nghiên cứu của nhà sản đã ra sức bào chữa, chứng minh Mạc Đăng Dung không thực sự đầu hàng nhà Minh, không phản quốc. Theo quan điểm của họ, việc nhà Mạc lật đổ một nhà Lê đã suy tàn để lập ra một vương triều mới là một quy luật tất yếu của lịch sử. Còn việc Mạc Đăng Dung tự trói mình và dâng đất cho nhà Minh chỉ là một hành động “tượng trưng”, một sự “nhún mình” – tuy hơi qúa đáng – của một nước nhỏ đối với một nước lớn trong điều kiện tương quan chính trị ngày xưa. Các sử gia nhà Sản biện giải, hành động của Mạc Đăng Dung như vậy là khôn khéo, vì cùng một lúc nhà Mạc không thể chia sẻ lực lượng để chống lại hai thế lực: nhà Minh ở phía Bắc và liên minh Lê – Nguyễn ở phía Nam. Nhờ vậy mà dân Việt mới thoát khỏi sự thống trị của ngoại nhân.

Không chỉ bênh vực cho việc làm của Mạc Đăng Dung như vậy, Việt cộng còn ngụy biện cho rằng việc họ Mạc dâng đất cho nhà Minh, nhưng chỉ nộp toàn những đất khống (tức là chỉ có địa danh mà không có thực?), hoặc là đất của nhà Minh đã chiếm từ trước rồi. Để bào chữa cho lập luận này, cái gọi là Viện Sử Học của cộng sản Việt Nam còn có công văn (66/VSH-QLKH) nhận định rằng, “Sau khi nghiên cứu tài liệu, Viện Sử Học nhận thấy với việc thành phố Hà Nội đặt tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông cho đường phố mới ở Hà Nội là một việc làm đúng đắn nhằm giáo dục truyền thống và ghi nhớ công lao của tiền nhân.” (!)

Rõ ràng những sự giải thích như trên chỉ là những lời ngụy biện của những kẻ đồng hội đồng thuyền, cá mè một lứa, chẳng khác gì “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Một sự đầu hàng và cắt đất dâng ngoại bang nhục nhã như vậy mà bảo là để “giáo dục truyền thống” và “ghi nhớ công lao của tiền nhân” thì thật là hết nước nói.

Thật ra, việc nhà Sản bào chữa cho nhà Mạc cũng là bào chữa cho chính chúng vì đã từ lâu chúng vẫn bị cộng đồng người Việt ở hải ngoại và nhiều sử gia lên án chúng là những kẻ bán nước (cầu vinh) qua việc chúng đã nhượng bộ Trung Cộng qúa nhiều trong việc ký kết hiệp định về biên giới ở phía Bắc. Vào tháng 2 năm 1979, giữa Việt Cộng và Trung Cộng đã xảy ra một cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu (chỉ kéo dài trong một tháng) dọc theo biên giới hai nước. Đây là cuộc chiến mà Trung Cộng nói để dạy cho đàn em Việt Cộng một bài học. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, Trung Cộng đã không rút hết quân về mà vẫn chiếm cứ một số lãnh thổ của Việt Nam để rồi sau đó đã được hợp thức hóa qua việc ký kết hiệp định về phân định biên giới giữa hai nước vào năm 1999.

Theo một số nhà nghiên cứu, con số lãnh thổ VC đã nhượng cho Trung Cộng căn cứ theo hiệp định này chiếm khoảng 720 km². Đó là chưa kể Việt Nam còn bị mất đến 3.200 hải lý vuông (khoảng 11 ngàn km²) trên Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, bằng chứng bán nước của CSVN rõ rệt nhất, cụ thể nhất, không thể chối cãi là cái công hàm bán nước do Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9, 1958, gởi Tổng Lý Quốc Vụ Viện (tức Thủ Tướng) Chu Ân Lai của Trung Cộng. Trong bức công hàm này, Phạm Văn Đồng, khi đó là thủ tướng, đã thay mặt  đảng và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt), xác nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Trung Cộng trong khi vào thời điểm đó, hai quần đảo này đang thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam Việt Nam).

Nguyên văn bức công hàm bán nước trên như sau:

“ Thưa đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958 …”

Bức công hàm có đề cập đến bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Cộng trong đó bọn Tàu Cộng đã ngang nhiên xác lập chủ quyền về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của chúng và cả các quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Khi bức công hàm bị kết tội là một bằng chứng bán nước, CSVN đã ngụy biện rằng đó chỉ là một thủ thuật ngoại giao của chúng trong thời chiến để thu phục sự hậu thuẫn của Trung Cộng để tiến hành cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam”. Hơn nữa, vào lúc Phạm Văn Đồng ký bức công hàm vào năm 1958, cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc quyền quản lý của Bắc Việt mà là của Miền Nam (VNCH). Bắc Việt giải thích, chúng không có thẩm quyền đem “bán” hay đem “cho” cái mà mình không có. Điều này cũng giống như việc chúng giải thích việc Mạc Đăng Dung đã quỳ dâng đất cho nhà Minh chỉ có tính cách tượng trưng vì những đất đó là những “đất khống”, chúng không phải của Việt Nam mà là những phần đất đã thuộc về nhà Minh từ lâu rồi.

Thế nhưng mặc dù VC giải thích bức công hàm chỉ mang tính tượng trưng như vậy, nhưng chính Trung Cộng ngày nay lại đang dùng cái công hàm này như một bằng chứng về chủ quyền của chúng đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Thật đúng là “bút sa gà chết”, Việt cộng đang “há miệng mắc quai”.

Trở lại cái dự án lấy tên Mạc Thái Tổ (tức Mạc Đăng Dung) và Mạc Thái Tông (tức Mạc Đăng Doanh) đặt tên cho hai con đường mới ở Hà Nội liệu nó có được thông qua không? Mặc dù đã có vài tiếng nói phản đối việc đặt tên này nhưng có lẽ cuối cùng nó vẫn sẽ được thông qua. Đó là cách mà VC vẫn làm từ trước đến nay. Những ý kiến phản biện được nêu ra chẳng qua chỉ là một màn trình diễn cho có vẻ dân chủ, chứ thực tế, một khi nó đã là dự án thì sớm hay muộn nó sẽ được thi hành. Chẳng hạn như những dự án sân bay Long Thành, nhà máy điện nguyên tử, nhà máy lọc dầu Dung Quất, v.v…

Không những vậy, để bào chữa cho việc đặt tên đường này, báo Thể Thao & Văn Hóa của CSVN còn nói rằng, nhiều tỉnh, thành trong nước trong đó có cả thành phố Sài Gòn (đã bị chúng đổi tên thành HCM) đã có tên đường phố Mạc Đăng Dung. Điều này không biết có đúng không vì người viết không có điều kiện về Sài Gòn để kiểm chứng. Tuy nhiên, tìm kiếm trên bản đồ theo google, người viết không thấy có một con đường nào ở Sài Gòn mang tên Mạc Đăng Dung cả; chỉ có một con đường nhỏ ở vùng Tân Định mang tên Đặng Dung. Nhưng, Đặng Dung và Mạc Đăng Dung là hai người khác nhau. Đặng Dung là một vị tướng đời nhà Hồ (Quý Ly) bị giặc Minh bắt trên đường giải về Tàu đã cùng Trần Quý Khoách nhẩy xuống sông tự vẫn (năm 1413). Mặc dù vậy, một khi nhà Sản đã nói ở Sài Gòn có con đường mang tên Mạc Đăng Dung thì sớm hay muộn nó sẽ có thôi. Thật đáng buồn cho Hòn Ngọc Viễn Đông của chúng ta.

NHƯ NGÃ