XỨ BẮC HÀ THỜI LÊ MẠT- Hồi cuối

 

Tâm trạng của sĩ phu Bắc Hà thời Lê mạt :

Xứ Bắc Hà hậu bán thế kỷ XVIII, chỉ trong một thời gian ngắn mà xảy ra dồn dập bao biến cố mang tính dấu mốc lịch sử, mà điển hình là sự trổi dậy của phong trào Tây Sơn, chỉ một lần ra Bắc đã quét sạch một chế độ đã tồn tại suốt hơn hai trăm năm, khiến mọi định chế, quy ước của thượng tầng kiến trúc phong kiến rung rinh tận cội rễ, nên sự hoang mang của sĩ phu Bắc Hà là điều dễ hiểu. Một số từ chối cộng tác với triều Tây Sơn, chấp nhận ở ẩn để giữ tròn khí tiết, giữ vẹn tấm lòng trung quân ái quốc với triều Lê, bởi vì phần nhiều đã từng hưởng lộc, chịu ơn mưa móc của vương triều cũ trải qua nhiều đời. Một số ra cộng tác với triều đại mới, hy vọng lập công, tạo sự nghiệp để đời, vì đã sớm thấy sự mục ruỗng, thối nát vô phương cứu chữa của chế độ Lê-Trịnh.

Số ít ra cộng tác với Tây Sơn vì vốn đã bị thất sũng hoặc mang tội với triều trước, hoặc chịu ảnh hưởng từ tài nhìn người tinh đời của Nguyễn Huệ. Điển hình là hai nhân vật Phan Huy Ích và Ngô Thời Nhiệm (Ngô Thì Nhậm). Ngô Thời Nhiệm bị Trịnh Tông truy bắt khi lên ngôi chúa vì tội tố cáo chúa mưu phản để lập công năm 1780. Nhiệm trốn về quê nương náu, khi Tây Sơn bố cáo chiêu an thì Nhiệm là người ra trình diện chính quyền mới sớm nhất. Do đó được Nguyễn Huệ trọng dụng, cho làm Tả thị Lang bộ Lại, tước Tình Phái hầu.

Phan Huy Ích là tù binh của Nguyễn Hữu Chỉnh, khi Chỉnh bị diệt thì Ích được Vũ Văn Nhậm trả tự do nhưng kể như bị thất nghiệp. Khi Tây Sơn chiếm Thăng Long, Phan Huy Ích ra “trình diện”, được Nguyễn Huệ phong làm Tả Thị Lang bộ Hộ tước Thụy Nham Hầu, đưa theo về Phú Xuân để coi việc giấy tờ. Cả hai đều bị Chiêu Thống đục bia Tiến sỹ (năm 1788), và Nguyễn Gia Long nọc ra đánh đòn (1802) ở Văn Miếu vì tội theo giặc. Trong thời gian an trí ở quê cho đến khi mất (1822), Phan Huy Ích có công hoàn chỉnh bản dịch Chinh Phụ Ngâm nổi tiếng trong văn học (tác giả Đặng Trần Côn), mà người diễn Nôm đầu tiên là Đoàn Thị Điểm. Tưởng cũng nên biết thêm : Phan Huy Ích vừa là học trò, vừa là con rể của Ngô Thì Sĩ, còn Nguyễn Thế Lịch là bố vợ của Phan Huy Chú, con Phan Huy Ích.

Nhưng số lớn vẫn là giữ thái độ thù địch, coi Tây Sơn như đạo quân xâm lược, hãy nghe những lời đối đáp của Ngô Thời Nhiệm với Ngô Văn Sở, khi khuyên vị tướng này nên lui quân về Tam Điệp để bảo toàn lực lượng :

“…Xưa kia, nước ta bị phụ thuộc vào Trung Quốc, quân Minh buông tuồng làm điều tàn bạo. Người cả nước ai cũng muốn đuổi chúng đi. Cho nên vua Lê Thái Tổ chỉ gọi một tiếng là xa gần hưởng ứng, hào kiệt cả nước kéo đến như mây tụ. Mỗi lúc đánh nhau với giặc, người trong nước chỉ lo quân mình bất lợi. Mỗi khi có tin thắng trận, ai nấy đều hết sức vui mừng. Lòng người như thế, nên hễ chỗ nào có quân mình mai phục, thì người ta đều dấu kín cho, khiến cho giặc không hề biết. Sở dĩ thắng được giặc đều bởi cớ ấy. Ngày nay, những người bề tôi trốn tránh của nhà Lê, đâu đâu cũng có, nghe tin quân Thanh sang cứu, họ đều nghểnh cổ mà trông. Sĩ dân cả nước, giành nhau mà đón chúng. Quân ta (Tây Sơn –KH) mai phục ở đâu, địa thế hiểm hay không, số quân nhiều hay ít, quân giặc chưa biết thì họ đã báo trước với chúng…Quân ta có ai được sai phái đi đâu, vừa ra khỏi thành là đã bị bắt giết. Số người Bắc Hà thuộc vào số quân của ta, hễ gặp dịp sơ hở là trốn liền…”.

Khi thua trận Đầu Mâu – Nhật Lệ, vua Quang Toản rút lui về Thăng Long nhưng sức đã cùng, lực đã kiệt, lại không nhận được sự ủng hộ của người dân Bắc Hà nên lâm vào cảnh không chốn nương thân :

“ …Ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Quang Toản tự liệu thế không chống được, cùng em là Quang Thùy, Quang Thiệu và bọn bầy tôi sang qua sông Nhị Hà chạy lên miền Bắc, chạy đến Xương Giang, đêm ngũ trọ lại, dân thôn mưu bắt. Quang Thùy tự thắt cổ chết, Toản bị dân huyện Phượng Nhãn bắt được, đóng cũi đưa đến Bắc Thành”.

Khi vua Gia Long đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước năm 1802 [1], ngài chọn Huế làm kinh đô, một lần nữa người dân lại một phen bỡ ngỡ vì Bắc Hà thay đổi chủ mới, Thăng Long mất vai trò là trung tâm kinh tế chính trị của cả nước; bị đổi tên là Bắc thành, chỉ là một đơn vị hành chánh cấp vùng, giống như Gia Định thành trong Nam. Kinh đô mới ở mãi trong Thuận Hoá, quan dân Bắc Hà khi có việc phải lặn lội đi xa hàng ngàn dặm.

Kể từ năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ định đô và đặt lại tên, Thăng Long đã trải qua 792 năm là kinh đô của các vương triều Lý, Trần, Hồ, (Hậu ) Lê, Mạc [2]. Từ vai trò đầu tàu cả nước, thật khó khăn để chấp nhận sự thật nay chỉ là một phiên trấn ! Tấm lòng luyến nhớ vua Lê, mặc cảm phiên thần, lòng tự hào bị thương tổn của sĩ phu xứ ngàn năm văn vật còn kéo dài một khoảng thời gian rất lâu [3].

Trong văn học, bài thơ “ Qua Đèo Ngang” nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan đã nói lên tâm trạng u uất, hoài cổ, nhớ thương nước cũ đã mất của các cựu thần triều Lê đó. Bàng bạc trong thơ là một tâm trạng bẽ bàng và phôi pha. Một tuyệt tác khác là bài “ Thăng Long hoài cổ ”, đọc xong có lẽ không ai trong chúng ta là không ngậm ngùi thương xót cho thân phận con người trước cảnh bể dâu của cuộc đời :

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại : trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

THĂNG LONG HOÀI CỔ

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

CHÙA TRẤN BẮC

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá ?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu

CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn ?
Đèo Ngang : Ranh giới giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Nguồn Wikipedia

Trường hợp điển hình khác là cuộc đời của thi hào Nguyễn Du. Vốn xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, cha anh đều là trọng thần của đương triều, nhận được nhiều sủng ái của chúa Trịnh, khi Tây Sơn chiếm Bắc Hà, ông tìm cách trốn vào Nam theo chúa Nguyễn nhưng thất bại, bị Tây Sơn giam lỏng một thời gian ở Bắc Thành. Sau này khi miễn cưỡng ra cộng tác với nhà Nguyễn, dù được vua Gia Long tín nhiệm nhưng ông vẫn giữ đúng thân phận một người được lưu dụng, mọi việc cốt sao càng ít nhắc tới càng tốt, khi dự việc triều chính thì giữ thái độ thụ động đến nỗi có lần vua Gia Long phải lên tiếng quở trách [4]. Tấm lòng hoài Lê, nhớ thương cố quốc theo ông suốt đời, cho tới khi nhắm mắt (1820). Truyện Kiều là một tiếng thở dài chua xót cho thân phận, cũng như tâm trạng bế tắc của ca nương, nhân vật chánh trong bài hành “ Long Thành cầm giả ca ” nói lên nổi lòng của một nhân tài, phải chịu mai một vì sa cơ lỡ vận… (Hết)

(Kiến Hào-2017)

Chú thích :

[1] Từ khi vào Thuận Hóa (năm 1558 ) các chúa Nguyễn đều xưng là phiên thần triều Lê , trên giấy tờ vẫn ghi niên hiệu của các vua Lê, mãi đến năm 1802 này mới chấm dứt.

[2] Cũng có ý kiến khác lấy mốc năm 1788 là năm vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân, chọn Nghệ An làm kinh đô; như vậy kinh đô Thăng Long đã kéo dài được 778 năm. Theo quan điểm của người viết (KH), kể từ năm Đinh Mùi 1787, khi tướng Tây Sơn Vũ văn Nhậm đưa quân nhập thành Thăng Long, đuổi vua Chiêu Thống chạy dài thì kể như chính quyền Lê-Trịnh đã bị xóa sổ rồi. Xứ Bắc Hà gồm cả Thăng Long thành khi ấy là một phần lãnh thổ của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ mà kinh đô là Phú Xuân.

[3] Về tâm trạng vừa tự ti, vừa tự tôn đó của giới sĩ phu miền Bắc, có lần vua Gia Long đã nhận xét “ …xứ Bắc Hà dân tình kiêu bạc…”. Năm 1854, Cao Bá Quát nhận làm quân sư cho Lê Duy Cự nổi lên chống lại nhà Nguyễn, lời hiệu triệu nhấn mạnh mục đích là lập lại vương triều Lê để mong nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân Bắc Hà. Tuy nhiên vượng khí Thăng Long đã hết nên không làm gì được.

[4] Đại Nam liệt truyện, chính biên, sơ tập, quyển 20 chép : “…Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến có vẽ sợ hãi như không nói được. Vua (Gia Long) thường bảo rằng: “Nhà nước dùng người, chỉ cần người hiền, vốn không phân biệt Nam Bắc, ngươi cùng với Ngô Vị đã được đối đãi hậu, làm quan đến bực Á khanh, nên biết thì phải nói để hết chức phận, khá nên do dự rụt rè chỉ cốt dạ vâng làm gì”.