ĐỌC CHUYỆN XƯA: THƯƠNG ƯỞNG

Cuối đời nhà Chu bên Tàu, nước Tần là một nước chuyên áp dụng chính sách bá đạo trong việc giữ nước, trị dân. Triều đình nước Tần luôn dùng bạo lực cùng sự dối trá lường đảo không những để đối phó với các lân bang mà còn áp dụng luôn với chính thần dân của họ nữa. Nhờ bộ máy cai trị kềm kẹp giỏi, người dân dù uất ức mấy cũng chẳng làm gì được! Dân chúng bị dối gạt đến nỗi về sau chính quyền hứa hẹn thế nào cũng chẳng còn mấy người chịu tin.
Đến đời Tần Hiếu Công, vua được Thương Ưởng, một chính khách rất sáng giá ra giúp. Thương Ưởng vốn người nước Vệ nhưng lại chê đất tổ nhỏ bé không đủ tầm cho mình thi thố tài năng. Ông bỏ nước sang nước Ngụy cầu được làm quan. Vì nước Ngụy không trọng dụng ông, ông lại chạy sang nước Tần. Sau mấy lần bàn việc chính trị với Thương Ưởng, Tần Hiếu Công biết tài ông nên cất ông lên làm Tả thứ trưởng.
Được vua Tần giao quyền trị nước, Thương Ưởng liền soạn thảo một chính sách Pháp trị cứng rắn để đem ra áp dụng. Bảy điều luật ông chuẩn bị ban hành đều rất hà khắc, trong đó điều thứ 7 là hà khắc nhất: trong 10 nhà nếu có một nhà phạm pháp mà không ai báo thì cả 10 nhà đều bị giết.
Vì chính quyền nước Tần lâu nay vẫn chuyên “nói một đường làm một nẻo”, giờ cần lấy lại lòng tin của dân chúng để thi hành 7 điều luật Pháp trị mới này thật khó. Thương Ưởng đã nghĩ ra một cách phương cách khá ngoạn mục và cũng khá hao tốn: Ông cho dựng nhiều cây gỗ nhẹ dài khoảng ba trượng ở cửa Nam thành kinh thành rồi thông báo: “Ai vác nổi một cây gỗ này từ đây sang cửa Bắc sẽ được thưởng 5 lượng vàng”. Suốt ngày hôm đó không có ai vác. Hôm sau ông lại cho thông báo: “Ai vác được một cây gỗ này sang cửa Bắc sẽ được thưởng 10 lượng vàng”. Hôm ấy cũng chẳng có ai vác. Hôm sau nữa Thương Ưởng lại cho thông báo như cũ nhưng thay vì thưởng 10 lượng thì giờ lại tăng thành 50 lượng. Dân chúng thấy kỳ lạ chưa biết ý của quan Tả thứ trưởng muốn gì. Một người ăn mày nói:
-Cây gỗ nhẹ tưng thế này, vả từ cửa Nam sang cửa Bắc cũng chẳng bao xa. Để tôi vác thử sang xem quan Tả thứ trưởng xử sự ra sao?
Và người này đã vác thật! Khi vừa để thanh gỗ xuống cửa Bắc ông ta liền được người của quan Tả thứ trưởng mời vào trong trao tặng 50 lượng vàng thật! Những người khác thấy vậy cũng kéo sang cửa Nam vác gỗ sang cửa Bắc và cũng đều được lãnh thưởng 50 lượng.
Thực hiện xong việc lấy lại lòng tin của quốc dân, Thương Ưởng liền ban hành pháp lệnh mới để chính quyền cùng dân chúng thi hành.
Sau khi pháp lệnh được ban ra, chính quyền bắt đầu triệt để thực hiện. Từ các bậc công hầu cho tới hàng thứ dân hễ ai phạm lỗi đều bị trừng phạt đúng mức. Thái tử Doanh Tứ vì chê tân lệnh không đúng cũng bị trừng phạt. Vì Thái tử là vị vua tương lai không thể phạt trực tiếp, hai vị thầy dạy của Thái tử là Công Tử Kiền đã phải chịu cắt mũi và Công Tôn Giả đã phải chạm vào mặt. Thế là từ đó dân nước Tần tin hễ nhà nước nói sao thì làm vậy. Thật tình đối với mọi giới, việc tuân hành pháp lệnh mới chẳng qua chỉ vì sợ bị hình phạt chứ ai cũng bất mãn. Pháp lệnh mới áp dụng được 5 năm thì nước Tần mạnh lên thấy rõ. Nhiều người thấy thế thì tỏ lời khen ngợi chính sách của Thương Ưởng. Thương Ưởng nghe được lại cho bắt những người ngợi khen ấy đày ra biên giới hết với lý do “Bổn phận làm dân, nhà nước ra lệnh nào phải thi hành lệnh nấy chứ không được khen chê gì cả. Khen hay chê đều là mầm mống của tai họa!”
Khi thấy sức mạnh quốc gia đã vững, Thương Ưởng khuyên Tần Hiếu Công đánh nước Ngụy. Vua Tần phong cho Thương Ưởng làm tướng kéo quân sang Ngụy. Vua Ngụy sai Công tử Ngang đem quân chống giữ. Vì hồi còn ở nước Ngụy, Thương Ưởng rất thân thiết với Công tử Ngang, nay thấy Công tử Ngang đem quân chống nhau với mình, Thương Ưởng liền viết một bức thư gởi Công tử Ngang như sau:
“Ưởng này vốn quen thân với Công tử không khác tình ruột thịt, nay nỡ nào lại đánh nhau? Ý tôi muốn ước với Công tử hai bên đều bỏ binh xa và giáp trụ, dùng y quan cùng nhau họp mặt ở núi Ngọc Toàn để cùng nâng chén rượu chung vui rồi kéo quân về. Như thế hai nước thoát khỏi nạn thịt nát máu rơi, nghìn thu sau còn khen tấm tình thân của hai ta chẳng khác nào Quản Trọng, Bảo Thúc khi xưa. Nếu bằng lòng xin Công Tử cho biết”.
Lời lẽ ngọt ngào đầy tình nghĩa của Thương Ưởng đã làm Công tử Ngang rất cảm động. Công tử Ngang đọc thư xong hỏi ý các thuộc hạ. Có người nói:
-Người Tần hay dối trá, không nên tin mà mắc mưu họ.
Có người lại nói:
-Không sao đâu! Từ khi Thương Ưởng làm Tể tướng, nước Tần nói sao làm vậy chứ không còn dối trá nữa. Vả lại Công tử với Thương Ưởng lại là bạn cũ, ông ta đã nghĩ tình mà đề nghị như vậy hẳn chẳng dối trá đâu! Đây là cơ hội để giữ hòa bình hai nước không nên bỏ qua!
Công tử Ngang nghe nói có lý bèn vui vẻ nhận lời, hẹn ngày hai bên gặp nhau.
Tới ngày hẹn, Công tử Ngang dẫn một toán tùy tùng đến núi Ngọc Toàn để ký hòa ước thì thấy Thương Ưởng đã đến đó trước. Hai bên mừng rỡ gặp nhau rồi cùng dự tiệc rượu. Nhưng Công tử Ngang mới uống được mấy hớp thì một đám võ sĩ đã phục sẵn đổ ra vây gọn ông cùng đám thuộc hạ. Công tử Ngang hoảng hốt kêu lên:
-Ông lừa tôi chăng?
Thương Ưởng cười đểu giả:
-Tạm lừa một lần! Còn rộng rãi thì giờ để tôi cáo tội với Công tử.
Thế rồi Thương Ưởng cho nhốt Công tử Ngang vào xe tù. Liền đó, Thương Ưởng xua quân tấn công quân Ngụy. Vì thiếu chủ tướng, lại bị đánh bất ngờ, quân Ngụy bị thua to. Vua Ngụy buộc lòng phải nhường một phần lãnh thổ rất lớn cho nước Tần để được ngưng chiến. Từ đó nước Ngụy suy yếu hắn và nước Tần thêm cường thịnh…
Khi đã đạt đỉnh cao danh vọng, một hôm, trong một bữa tiệc tại gia, Thương Ưởng hãnh diện nói với các gia thần:
-Ta là kẻ chi thứ nước Vệ, sang làm quan nước Tần, đem tài năng làm thay đổi chính trị khiến cho nước Tần trở nên giàu mạnh, nay lại lấy đất Ngụy hơn 700 dặm, được hưởng đất phong hầu hơn 15 thành, kẻ đại trượng phu như thế kể cũng là đắc chí lắm vậy!
Tất cả gia khách đều khen ngợi, chỉ riêng một vị thượng khách Triệu Lương nói:
-Nghìn lời a dua không bằng một lời nói thẳng. Chẳng lẽ các người mang ơn Thương quân bảo bọc cứ dùng lời dua nịnh mãi sao?
Thương Ưởng hỏi:
-Tiên sinh thử xét tài trị nước của tôi hiện nay so với Ngũ Cổ đại phu trước kia ai hơn?
Triệu Lương nói:
-Ngũ Cổ đại phu giúp Mục Công ba lần bắt được vua Tấn, kiêm tính 20 nước làm cho nước Tần trở nên bá chủ ở Tây Nhung. Thế mà không hề coi thân mình làm trọng, nắng không lọng che, mệt không đi xe, đến ngày chết dân chúng thương khóc như cha mẹ. Nay ngài làm tướng nước Tần đã 8 năm, pháp lệnh dẫu làm được, nhưng giết hại dân chúng quá nhiều. Dân bị áp bức buộc phải nghe theo hơn là tự giác. Như vậy là nước mạnh mà không bền, dân yên mà không vui. Thái tử giận ngài cắt mũi chạm mặt các sư phó, oán hận chưa nguôi. Những gia đình vì chính lệnh của ngài mà cha mẹ con cái phải thiệt mạng vẫn mang lòng phẫn uất. Lỡ vua Tần qua đời, ngài có thể giữ mãi cái phú quí ở Thương Ô này không? Theo tôi, ngài nên tìm người hiền giao lại việc quốc chánh rồi từ chức lui về cày cấy, may ra bảo toàn được tánh mạng.
Thương Ưởng giận không thèm đáp lại. Nửa năm sau Tần Hiến Công lâm bệnh rồi qua đời. Thái tử Doanh Tứ lên ngôi tức Huệ Văn Công. Quả nhiên vị vua mới này nhớ lại oán thù cũ, tịch thu tướng ấn của Thương Ưởng bắt về đất phong Thương Ô. Thương Ưởng từ giã triều đình với nghi trượng xa giá rần rộ, các quan đưa tiễn rất đông. Có người trình lại việc ấy với Huệ Văn Công, Huệ Văn Công nổi giận sai Công Tôn Giả dẫn 3000 võ sĩ đuổi theo bắt Thương Ưởng. Những kẻ oán ghét Thương Ưởng cũng nô nức kéo theo. Lúc đó Thương Ưởng mới tỉnh ngộ, biết chuyện nguy hiểm đã đến với mình. Ông liền vứt bỏ áo mũ, một mình chạy trốn.
Khi Thương Ưởng đến Hàm Quan thì trời tối, Thương Ưởng bèn vào quán xin ngủ trọ. Chủ hàng hỏi giấy chiếu thân, Thương Ưởng không có, chủ hàng nói:
-Lệnh của Thương Quân không cho phép chứa những người không có giấy chiếu thân! Nếu tôi vi lệnh sẽ bị tội chém!
Thương Ưởng than thầm:
-“Ta đặt ra phép ấy, không ngờ ngày nay phép ấy lại hại ta!”
Liền suốt đêm ấy cố lén sang nước Ngụy. Vua Ngụy giận Thương Ưởng hại nước Ngụy trước kia, muốn bắt đem trả về cho vua Tần. Thương Ưởng sợ quá lại chạy trở lại đất Tần. Ngặt nỗi trốn đến đâu cũng chẳng có ai dung chứa, cuối cùng Thương Ưởng cũng bị bắt và phải chịu hình phạt năm ngựa xé xác.
*
LẠM BÀN: Đọc đoạn truyện trên, chắc hẳn độc giả nhận ra trong bối cảnh đương thời có khá nhiều điểm giống với hiện trạng nước Việt Nam ngày nay. Đảng cầm quyền CSVN từ trước tới nay vẫn chuyên dùng chính sách lừa dối, áp bức để trị dân. Từ năm 1945 đến nay không biết bao nhiêu người Việt yêu nước đã phải chịu số phận như Công tử Ngang!
Ngày 25 tháng 11/2011 vừa qua, trong cuộc chất vấn của Quốc Hội, lần đầu tiên Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã xác nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam tức là ngang nhiên phủ nhận những lời tuyên bố láo khoét của bọn lãnh đạo Bắc Kinh. Lời tuyên bố của ông Dũng lần này hoàn toàn hợp với chân lý. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng vốn là người cầm đầu của một chính quyền chuyên “nói một đường làm một nẻo”, người dân không thể nào vội tin đó là lời phát ra tự đáy lòng ông ta được! Chính Nguyễn Tấn Dũng là người đã cương quyết mời người Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên bất chấp sự phản đối của toàn dân Việt Nam! Thủ tướng Dũng cũng thả lỏng cho giới lãnh đạo của các tỉnh tự tiện cho người ngoại quốc thuê đất rừng mướn đất với những thời hạn 50 năm trở lên. Đó toàn là những hành động rước giặc vào nhà, sẽ gây mối họa khôn lường cho tổ quốc! Nếu Thủ tướng Dũng đã thật sự nhận ra lầm lỗi nghiêm trọng ấy, thật lòng muốn cứu nước, phải chuộc lại lòng tin của quốc dân đã! Vì không có sự đoàn kết của quốc dân, công việc rất khó thành! Muốn chuộc lại lòng tin của quốc dân, Thủ tướng Dũng cần phải thể hiện thêm nhiều động thái tương tự nữa mới được! Chẳng hạn như thả bớt tù chính trị, cho dân được biểu lộ lòng yêu nước trước hành động xâm lược của Trung Quốc, hủy bỏ chính sách miễn chiếu khán nhập cảnh đối với dân Trung Quốc để ngăn chận họ di dân lậu vào VN v.v… Nếu Thủ tướng Dũng làm được những việc như thế, lẽ nào toàn dân Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại không ùn ùn đổ sức đổ tài chánh ra ủng hộ ông để bảo vệ chủ quyền đất nước? Ông sẽ trở thành vị cứu tinh của dân tộc không mấy hồi!
Còn nếu chỉ tuyên bố suông vài lời đó rồi lại lặng lờ, người dân sẽ chỉ coi đó là một hình thức “bớt củi dưới nồi” (“phủ để trừu tân”: một trong 36 kế) khi thấy nồi nước sôi sắp tràn!
Dân Việt Nam đã trải qua kinh nghiệm các vụ lập chính phủ liên hiệp chống thực dân Pháp năm 1946, vụ Trăm Hoa Đua Nở trên đất Bắc (55-58), vụ đòi lập chính phủ hòa hợp hòa giải, vụ hưu chiến Mậu Thân 1968, vụ mời quân dân cán chính miền Nam đi học tập 10 ngày 1975… đã mấy ai quên? Nhất là vụ ông Hồ Chí Minh dạy dỗ quốc dân “Vua Hùng dựng nước, bác cháu ta cùng nhau giữ nước” ngọt ngào như vậy rồi chính ông Hồ lại chỉ thị cho Phạm Văn Đồng ký công hàm nhường đảo nhường biển cho đế quốc Tàu! Đó là mối nhục, mối hận thiên thu của người Việt!
Trong câu chuyện Thương Ưởng chuộc lại lòng tin trên ta còn thấy một mặt trái nữa: Lợi dụng chính cái việc chuộc lại lòng tin này làm mồi để thực hiện một vụ lường gạt khác to lớn hơn triệu triệu lần! Viên thống soái của nước Ngụy là Công tử Ngang chỉ vì quá quá tin chính sách đổi mới của nước Tần, quá tin vào tình bằng hữu, đã bị lừa đút đầu vào hang rắn. Sự ngây thơ của ông này đã đưa nước Ngụy một thời hùng mạnh đi đến chỗ suy vong!
Hiện nay đã có kẻ (có thể là cò mồi thân Cộng) dựa vào lời tuyên bố của ông Dũng để gân cổ kêu gào “hãy xóa bỏ thù hận quá khứ, đoàn kết chống xâm lăng” đấy! Xin cẩn thận, đừng tự nguyện làm con mồi chun đầu vào hang rắn như Công Tử Ngang của nước Ngụy kia!
Điểm chót: Suốt thời gian cầm quyền của mình, Thương Ưởng chỉ hoàn toàn dựa vào pháp luật để trị dân mà không hề dùng tới đức. Ông đã đặt ra nhiều luật lệnh khắc khe, buộc cả nước phải tuân theo. Bầu không khí chính trị trong nước lúc nào cũng ngột ngạt. Dân oán thán là chuyện đương nhiên! Thương Ưởng đã có công làm cho nước Tần càng mạnh thêm, dân Tần cũng no đủ hơn thật đấy. Thế mà chỉ vì lòng dân oán hận, cuối cùng, khi thời thế đã thay đổi, Thương Ưởng không còn một nơi chốn nào để dung thân được! Thân xác ông đã bị năm con ngựa xé tan! Cả dòng họ ông bị tiêu diệt sạch!
Những kẻ cầm quyền CSVN hiện nay, vốn thừa hưởng tinh thần của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng… Một mặt họ tiếp tục cắt đất nhường biển cho giặc Tàu để mua thế dựa lưng, một mặt chèn ép mọi quyền tự do con người, đàn áp tôn giáo, triệt để bóc lột, bòn rút xương thịt toàn dân như kiếm cớ tịch thu đất ruộng, xuất khẩu dân đi lao động ở nước ngoài để thu lợi v.v… Việc làm của đảng CSVN xét ra còn tệ hại hơn Thương Ưởng nhiều! Vậy thì lòng dân đối với họ thế nào ai chẳng đoán được!
Hiện tại, cả nhân loại đang có xu thế hướng về chế độ dân chủ. Các chế độ độc tài đang lần lượt bị triệt tiêu như ta đang thấy! Không sớm thì muộn Việt Nam cũng sẽ đi đến ngày ấy! Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những nhà lãnh đạo CSVN, nếu ai thật lòng xét lại, chờ đợi gì nữa mà không trở cờ? Các ông muốn trở thành những anh hùng cứu quốc hay muốn làm những tên tội đồ bán nước muôn thuở?

Ngô Viết Trọng

Trở về Trang Ngô Viết Trọng

 Nguồn : khoahocnet