Thăm Thẳm Trời Xanh / Chương 19

 

Cuối vụ thu hoạch sắn, ở tập đoàn 9 đã xảy ra một chuyện tức cười nhớ đời. Hôm ấy ông Nhiêu cầm đầu một toán mười người, trong đó có cả con gái ông là cô Thanh, đi nhổ đám sắn cuối cùng của tập đoàn. Trong đám sắn này có xen lẫn một số gốc sắn “canh nông”, một giống sắn nổi tiếng ngon nhất. Nghe nói giống sắn này trước đây do ty Canh Nông cấp nên người địa phương vẫn quen gọi như thế. Đáng tiếc sắn canh nông ít củ, ít bột, cân nhẹ nên rất ít người trồng. Ai thích thì trồng để ăn thôi, tính đến sản lượng là thua. Chỉ cần nhìn qua củ sắn người ta đã phải phát thèm. Có lẽ những người trồng sắn trước đây trồng giặm thêm những gốc sắn ấy cũng chỉ có mục đích để cho những người thu hoạch bồi dưỡng. Ngặt nỗi sự có mặt của ông Nhiêu, một người lúc nào cũng tỏ ra nghiêm khắc, trong sạch, không bao giờ tơ hào đến của công nên không ai dám đụng đến.

Trước đây đã có một lần, toán nhổ sắn này đã thực hiện một vụ ăn cắp tập thể trót lọt. Ông Nhiêu ở trong toán nhưng vì còn kiêm thêm công tác an ninh nên khi đi khi không. Lợi dụng lúc ông Nhiêu vắng mặt, chúng tôi đã chừa lại một vồng sắn ngắn, chỉ chặt gốc mà không nhổ. Mấy hôm sau vào dọn cây ở khu này, cũng gặp lúc ông Nhiêu vắng mặt, chúng tôi đã nhổ số sắn đó lên để chia nhau. Muốn êm chuyện, chúng tôi trám miệng cô Thanh bằng cách chia cho cô hai phần, tức là có cả phần của ông Nhiêu. Thật ra cô Thanh cũng túng thiếu nên cô chỉ vờ vĩnh từ chối một lát rồi cũng nhận. Lần ấy chúng tôi kiếm được mỗi người khoảng năm ký.

Lần thu hoạch này cô Ánh là người lo việc tách củ ra khỏi gốc. Khi tách những củ sắn canh nông, cô chắt lưỡi than:

  • Sắn này luộc ăn ngon hết cỡ!

Vài người khác nhìn theo phụ họa:

  • Trông dễ thèm quá hả!
  • Nếu được chia một ít đem về hấp cơm thì tuyệt!

Có người thì thầm:

  • Giá không có mặt ông Nhiêu mình ăn cắp vài củ về ăn cho đỡ ghiền hỉ!
  • Cái lão Tẩn ấy lúc nào cũng tỏ ra liêm chính trong sạch vặt làm khổ cả tập đoàn! Mấy tập đoàn khác người ta ăn cắp như điên, mình gặp thần giữ của đành chịu thiệt!

  • Hay đề nghị với lão nướng một ít để ăn hàng lỡ?

  • Lão không chịu đâu, đừng có nói mỏi miệng!

  • Chúng tôi nhổ được một chốc thì có một anh du kích mang súng đến. Tưởng có chuyện gì, hóa ra anh ta cho biết xã mời ông Nhiêu về có việc. Thế là toán nhổ sắn chỉ còn chín người. Cô Thanh nghiễm nhiên trở thành người điều khiển công việc. Chúng tôi tự nhiên cảm thấy không khí buổi làm việc cởi mở dễ chịu hơn hẳn. Nhiều người lại thì thầm bàn tán. Lát sau cô Ánh nhỏ nhẹ nói với cô Thanh:

    • Chị Thanh ơi, ở đây có nhiều gốc sắn canh nông ngon quá ai thấy cũng thèm, cuối mùa rồi, chị linh động cho mỗi người lấy vài củ về hấp cơm nhé!

    Cô Thanh quay lại gắt:

    • Thèm cái gì mà thèm! Phạm một lần rồi bây giờ lại muốn phạm nữa sao? Của nhân dân mình đòi ăn bớt trước không sợ hổ thẹn với lương tâm ư?

    Cô Ánh năn nỉ:

    • Mọi người ai cũng muốn có vài miếng ăn cho vui miệng đáng gì mà chị nặng lời thế? Vài ba củ thôi! Tôi chịu trách nhiệm việc này nghe! Xong việc mình sẽ chia ra mười phần, phần của bác trai chị cũng sẽ lấy như lần trước!

    Cô Thanh có vẻ thẹn nhưng vẫn lắc đầu:

    • Chuyện cũ nhắc làm chi nữa? Không được đâu! Cha tôi mà biết thì chết!

    Ánh thấy Thanh đã có vẻ cắn câu bèn làm tới:

    • Bộ tụi tôi ngu sao mà để cho bác trai biết! Chị Thanh cứ yên chí, chị sẽ được hai phần và chính tôi sẽ đem về tận nhà cho chị!

    Cô Thanh nhỏ giọng:

    • Khi nào cũng ép người ta, tôi không biết gì hết đó nghe!

    Thế là Ánh tự động vét sâu một đường rãnh rồi gom một mớ sắn canh nông đổ xuống. Tiếp đó Ánh cào đất dập lại kỹ càng. Muốn cho chắc ăn, Ánh còn cẩn thận ôm các đống cây sắn chất lên phần đất ấy. Làm xong, Ánh hí hửng nói với mọi người:

    • Xong cả rồi, có khó khăn gì đâu! Mỗi phần được cả chục ký đấy!

    Chị Lâm cười đùa:

    • Bây giờ có ai phản đối việc làm của cô Ánh không?

    Anh Hòa, một cựu thương binh cười:

    • Tôi phản đối, cô Ánh lấy như vậy là quá ít!

    Chị Hiền nói:

    • Thôi, thế là đủ rồi, ăn ít no lâu ăn nhiều tức bụng!

    Bác Tám gái cười ha hả:

    • Lần đi họp ở xã này anh Nhiêu đã mang lại kết quả lợi ích thiết thực cho nhiều người trong tập đoàn mình đấy, phải không cô Thanh?

    Thanh chỉ im lặng làm nghiêm. Chị Lâm lại dí dỏm:

    • Người ta làm lớn người ta bồi dưỡng xôi thịt ở xã, ở huyện, mình làm nhỏ mình bồi dưỡng vài ba củ sắn ở rẫy đâu có gì là quá đáng!

    Nhờ hơi hướm của mấy củ sắn canh nông, mọi người làm việc hăng hái, vui vẻ lên thấy rõ. Giữa lúc đó bỗng có hai người từ phía mấy cây bạc bà xăm xăm tiến lại. Đó là một cán bộ trong ban kế hoạch của hợp tác xã tên Nguyễn Phan và một anh du kích. Nguyễn Phan ra vẻ tươi cười hỏi:

    • Sao, sắn thu hoạch có được nhiều củ không?

    Cô Thanh cười giả lả:

    • Cũng kha khá chú Phan. Năm nay nhờ trời xã mình trồng gì cũng trúng!

    Phan tiếp tục cười cười:

    • Những lúc thu hoạch thế này các người có bao giờ cất giấu bớt sắn để đem về nhà không?

    Nghe câu hỏi thẳng thừng ấy ai nấy đều chột dạ. Cô Thanh nói:

    • Ai mà dám cất giấu bớt chú Phan?

    Anh du kích cười:

    • Mấy người làm gì chúng tôi ngồi chót vót trên ba cây bạc hà kia lại chẳng thấy sao?

    Phan xăm xăm đi thẳng lại chỗ Ánh vừa chôn sắn. Anh ta đá hất mớ cây sắn Ánh vừa chất hồi nãy ra. Gã bẻ một cây sắn làm dụng cụ để khều đất lên. Mọi người tái mặt nhìn nhau. Một lát, Phan đắc thắng kêu lên giọng châm biếm:

    • Mấy người nhổ cách nào mà để sắn sót lại nhiều dữ vậy?

    Vừa nói Phan vừa vẫy tay gọi anh Tường lại gần, gã bảo:

    • Anh lấy hết số sắn này lên cho tôi ngay! Đây là một vụ ăn cắp tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng, tôi phải lập biên bản để trình lên trên xử lý!

    Cô Thanh mặt tái mét nhăn nhó nhìn cô Ánh với vẻ bất bình. Cô Ánh lật đật chạy lại trước mặt Nguyễn Phan, gượng nở một nụ cười rồi nói:

    • Anh Phan ơi, mùa sắn sắp hết rồi, thấy mấy gốc sắn canh nông ngon quá nên chúng tôi định kiếm một người vài củ để hấp cơm ăn chơi chứ nhiều nhặn gì đâu! Nếu anh không cho thì tụi tôi xin trả lại tất cả. Anh Phan bỏ qua cho nghe!

    Nguyễn Phan tỏ vẻ cương quyết:

    • Bỏ qua sao được mà bỏ qua! Đây là một vụ ăn cắp có tổ chức, nếu không tìm ra gốc gác sự việc, nếu không trừng phạt đích đáng để làm gương cho người khác thì làm sao bảo vệ được tài sản của nhà nước? Toán này ai là người điều khiển?

    Cô Ánh đáp:

    • Buổi sáng đi thì bác Nhiêu điều khiển, nhưng làm nửa chừng bác Nhiêu lại phải đi họp ở xã nên mọi người đều trách nhiệm chung cả.

    Phan nói với giọng gay gắt:

    • Không thể nói luôm uôm như vậy được! Cô Thanh, cô đem cái cân lại cân xem số sắn ăn cắp này được bao nhiêu ký? Rồi đây các người sẽ phải họp để kiểm điểm về việc làm sai trái này. Các người sẽ phải trả lời trước nhân dân và phải đền bù xứng đáng cho nhân dân những gì mà các người định cướp đoạt! Đây chỉ mới là lần bị bắt đầu tiên thôi. Từ trước tới nay các người đã ăn cắp bao nhiêu lần rồi? Của cải của nhân dân đã mất không biết bao nhiêu về tay các người? Xã hội chủ nghĩa không thể dung chứa những con người gian dối như thế!

    Mọi người thấy sự việc muốn nổ lớn, chỉ biết khuyên nhau:

    • Thôi thì mỗi người chịu khó năn nỉ anh ta một tiếng may ra yên việc!

    Thế rồi tất cả đều xúm lại quanh Phan to nhỏ ỉ ôi xin bỏ qua. Nhưng Phan gần như chẳng để ý đến lời ai. Số sắn cân được 91 ký, Phan cẩn thận tô đậm con số 91. Thế rồi chẳng thèm chào ai một tiếng, Phan hậm hực khoát tay ra hiệu cho anh du kích bỏ đi.

    Phan vừa đi khỏi cô Thanh liền quay lại mắng cô Ánh:

    • Chỉ vì lòng tham của cô mà gây nên nỗi này! Bây giờ biết ăn nói sao đây?

    Ánh bực bội trả lời:

    • Ăn chung chứ một mình tôi à? Nhưng chị đã nói vậy tôi sẽ nhận tội một mình!

    Nhiều người cùng nói:

    • Cô Ánh nhận tội một mình cũng không ổn đâu! Chẳng lẽ tám người cùng làm việc ở đây lại không ai thấy cô chôn cả trăm ký sắn vậy sao?

    Cô Thanh vùng vằng:

    • Nhưng tôi đã nói tôi không hay biết gì cả ai cũng nghe phải không?

    Chị Lâm nghe thế bèn cười:

    • Thế sao sau khi cô Ánh chôn sắn xong tôi hỏi có ai phản đối việc này không cô Thanh lại im lặng?

    Mọi người đều cười ồ lên. Chị Lâm cố hòa giải:

    • Chúng ta cùng nhận tội hết cho xong! Bất quá xã cảnh cáo một hai lời là cùng chứ mỗi người định lấy 9 ký sắn đã trả lại rồi chẳng lẽ họ còn bắt đền?

    Anh Tường đề nghị:

    • Tôi nghĩ thằng Phan nó chưa trình vụ này lên xã đâu! Chiều này nhờ ba chị nào ăn nói hay hay tới nhà nó năn nỉ một lần nữa chắc nó cũng bỏ qua thôi!

    Bàn qua tính lại, cuối cùng chị Lâm, chị Hiền và cô Ánh tình nguyện làm theo lời đề nghị của anh Tường.

    Tối đó tôi vừa mài bột vừa nóng lòng chờ đợi chị Hiền về để hỏi thăm kết quả. Vừa thấy bóng chị bước vào sân là tôi chạy sang nhà chị ngay:

    • Sao chị Hiền, nó chịu bỏ qua không?

    Chị Hiền nói với giọng thiểu não:

    • Chắc không xong! Nó bảo cứ về đi, chuyện đâu còn đó, pháp bất vị thân! Mụ cô cha nó báo hại tôi, trời tối không thấy đường tôi trợt trặc chân trầy cả da đây này!

    Chị vừa nói vừa bước lại cầm ngọn đèn bóng nhỏ đưa lên soi. Tôi nói:

    • Lo rửa ráy rồi xức thuốc đi kẻo nhiễm trùng thì khốn đó!

    Thế rồi tôi trở về tiếp tục làm công việc mình.

    Hôm sau cả toán chúng tôi lại được điều đi dọn đất để chuẩn bị trồng trọt vụ tới. Thấy ông Nhiêu vẫn làm việc bình thường, không hề nói năng gì đến vụ ăn cắp sắn, chúng tôi hơi mừng. Chúng tôi suy luận với nhau: Chẳng lẽ cô Thanh không nói gì với ông Nhiêu đến nỗi ông không biết gì cả? Việc này liên can tới con gái ông, tất nhiên cũng liên can tới ông, chắc hẳn ông đã dàn xếp để chuyện được bỏ qua. Nghĩ như thế nên ai nấy đều yên tâm coi như chẳng có chuyện gì xảy ra.

    Nào ngờ buổi chiều, khi làm việc trở về rửa ráy chưa xong tôi đã nghe tiếng loa thông báo mời toàn thể đoàn viên tập đoàn 9 tập trung ở nhà ông Nhiêu trước 7 giờ để họp kiểm thảo vụ ăn cắp sắn. Hóa ra chạy trời cũng không khỏi nắng!

    Phiên họp hôm ấy chỉ là phiên họp có tính cách nội bộ tập đoàn. Ngoài ông Nhiêu là cán bộ an ninh thôn mà cũng là đoàn viên của tập đoàn, không có cán bộ thôn xã nào khác tham dự. Sau khi tập đoàn trưởng Sự tuyên bố lý do buổi họp, ông Nhiêu hùng hổ bước ra tiếp lời:

    • Đây là một vụ ăn cắp của công vô cùng nghiêm trọng. Nó không thuần túy là một vụ ăn cắp vì thiếu đói, thèm khát, mà là một vụ ăn cắp có hậu ý, có tổ chức do những kẻ bất hảo chủ trương nhắm mục đích phá hoại kinh tế, gây xáo trộn xã hội để thủ lợi! Sự việc này nếu không do những tên ngụy quân ngụy quyền trốn tránh cải tạo còn lẩn lút quanh đây nhúng tay vào thì do ai?

    Khi nói câu này ông Nhiêu nhìn chằm chằm vào mặt tôi rồi nhìn sang chị Phụ. Tôi và chị Phụ đều có chồng là sĩ quan mất tích sau biến cố 1975 nhưng tôi bị liên can trong vụ ăn cắp sắn còn chị Phụ thì không. Ông Nhiêu ngưng một lát rồi gằn giọng:

    • Tôi biết cô Ánh trẻ người non dạ chỉ vì tham chút lợi nhỏ nên bị người ta xúi giục. Chôn giấu sắn ở rẫy rõ ràng là cố ý để dành sẵn cho bọn tàn quân đợi đêm xuống về lấy chứ còn gì nữa? Nếu cô Ánh chỉ rõ ai là kẻ xúi giục cô, đương nhiên cô sẽ được tha thứ. Nếu như cô Ánh ngoan cố giấu giếm, khi việc đã được làm sáng tỏ, cô sẽ phải gánh chịu một hậu quả khó lường!

    Không ngờ chỉ mấy củ sắn vớ vẩn lại biến thành một vấn đề to tát như vậy! Rõ ràng là ông Nhiêu cố tình hù dọa cô Ánh và gợi ý để cô Ánh đổ tội cho tôi. Tuy biết Ánh là người ngay thẳng, vả lại, trong vụ ăn cắp sắn trên tôi chẳng hề phát biểu một lời nào, thế nhưng tôi vẫn hết sức lo sợ.

    Có lẽ thấy ông Nhiêu đã đi quá trớn, anh Sự ngăn lại:

    • Vấn đề an ninh bên an ninh sẽ điều tra sau. Hôm nay là buổi họp của tập đoàn mục đích để kiểm điểm về vụ ăn cắp sắn, xin những người có liên can vấn đề trình bày sự việc để tập đoàn giải quyết! Trước hết mời cô Ánh!

    Cô Ánh đứng lên:

    • Kính thưa tập đoàn, tôi là Nguyễn Thị Ánh là đoàn viên của tập đoàn 9, vào ngày…, trong khi đào sắn tôi đã thừa lúc mọi người không chú ý, lấy cắp 91 ký sắn của tập đoàn đem chôn giấu. Việc sai trái này do một mình tôi làm, những người khác không liên can tới. Nhưng trời không dung gian, việc làm của tôi đã bị cán bộ kế hoạch Nguyễn Phan phát hiện. Vậy, nay tôi xin chịu nhận mọi hình phạt do tập đoàn đưa ra.
  • Bây giờ xin cô Thanh trình bày tiếp sự việc!

  • Cô Thanh đứng lên:

    • Kính thưa tập đoàn, tôi là Lê Thị Thanh, đoàn viên của tập đoàn 9, vào ngày… trong khi đào sắn cho tập đoàn, tôi vì cặm cụi chăm lo công việc nên đã không để ý đến một đoàn viên bất hảo đã chôn giấu gần một tạ sắn. Nay tôi xin thành khẩn nhận lỗi sơ ý và xin hứa từ đây về sau tôi sẽ vừa làm vừa để mắt theo dõi chung quanh để phòng kẻ gian ăn cắp tài sản của nhân dân.
  • Bây giờ xin chị Lâm trình bày sự việc!

  • Kính thưa tập đoàn, tôi là Phùng Thị Lâm, thuộc tập đoàn 9. Vào ngày…, trong khi đào sắn cho tập đoàn, chúng tôi thấy có một số sắn canh nông quá ngon mắt. Hầu hết các đoàn viên đều thèm thuồng. Vì thế, cô Ánh đã đề xướng lên việc lấy cắp mỗi người ít củ về hấp cơm. Tôi không cổ võ nhưng cũng không ngăn cản, nghĩa là lặng lẽ đồng ý. Việc đã bị phát giác, tôi xin tình nguyện chịu hình phạt giống như cô Ánh!

  • Bây giờ tới lượt anh Tường!

  • Thưa, tôi cũng giống như chị Lâm, tôi xin nhận hình phạt…

  • Tới phiên tôi, tôi cũng trả lời như chị Lâm. Những người còn lại cũng đều trả lời như vậy cả. Ông Nhiêu nghe xong liền nói:

    • Qua sự trình bày của những người liên can đến vụ ăn cắp sắn hôm trước, ta biết được có đến 8 người nhận tội, như vậy coi như cuộc họp kiểm thảo đã có kết quả tốt đẹp. Bây giờ yêu cầu 8 người phạm tội mau chóng lên ký vào biên bản để buổi họp kết thúc sớm cho bà con còn về nghỉ!

    Nhưng lời kêu gọi của ông Nhiêu không được ai đáp ứng. Không có ai bước lên ký tên nhận tội. Ông Nhiêu bực mình hét lên:

    • Đã phạm tội ăn cắp bắt người khác phải thức khuya lây, giờ nhận tội rồi sao không chịu ký vào biên bản? Bà Lâm nghĩ sao?

    Chị Lâm đứng lên thủng thẳng thưa:

    • Có lẽ hôm qua làm chung một toán 9 người mà bây giờ chỉ đòi 8 người ký vào biên bản nên họ ngại đấy!

    Ông Nhiêu hỏi lớn:

    • Ai phạm tội thì ký chứ người không phạm tội cũng bắt ký nữa sao?

    Anh Sự thấy vậy bèn hỏi lại:

    • Sao, bây giờ quí vị đã nhận tội có chịu lên ký vào biên bản không?

    Cử tọa rầm rì bàn tán, cười cợt có, phẫn nộ có. Đợi một hồi vẫn không có ai chịu lên ký cả, anh Sự bèn tuyên bố:

    • Nếu không ai chịu lên ký thì cuộc họp đến đây tạm ngưng. Đêm mai chúng ta sẽ họp tiếp tục!

    Ông Nhiêu có vẻ rất bực bội trước thái độ dễ dãi của anh Sự đối với những người sai phạm. Anh Sự không có một lời thúc giục, dọa dẫm hay trách móc ai cả. Mọi người còn ngơ ngác anh Sự lại tiếp:

    • Bế mạc rồi, bà con cứ về nghỉ đi!

    *

    Tối hôm sau chúng tôi lại phải tiếp tục họp để giải quyết vấn đề. Thái độ hiền hòa của anh Sự trong buổi họp hôm trước đã khiến chúng tôi nghĩ chuyện này có thể được bỏ qua. Nào ngờ sau khi anh Sự vừa tuyên bố buổi họp mở màn ông Nhiêu lại hùng hổ bước lên phát biểu:

    • Chỉ vì mấy cá nhân tham lam gian giảo ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa mà cả tập đoàn 9 chúng ta phải thức một đêm vừa qua, hao tốn biết bao nhiêu sức lực lao động của nhân dân. Hôm nay tôi yêu cầu những người đã phạm tội đó phải biết điều, lập tức lên ký vào biên bản ngay để tập đoàn trình lên thượng cấp!

    Ông Nhiêu vừa dứt lời thì bà Dục lên tiếng:

    • Thưa tập đoàn, theo tôi nghĩ, dám làm thì dám chịu! Mấy người dám cả gan ăn cắp, đã bị bắt quả tang, đã chịu nhận tội, bây giờ còn đợi gì nữa mà không chịu ký vào biên bản? Tại sao mình muốn ăn cho đầy miệng mà lại bắt người khác phải họp hành khổ sở thế này? Tôi yêu cầu, nếu những người phạm tội ấy vẫn còn ngoan cố, tập đoàn phải có biện pháp trừng trị thích đáng không thể tha thứ được!

    Bà Dục vừa nói xong thì bà Huy cũng xin nêu ý kiến:

    • Thưa tập đoàn, mình phạm lỗi rồi biết lỗi là chuyện tốt. Mình phạm lỗi mà muốn người khác khổ theo thì không nên. Xin quí vị đã phạm lỗi lên ký vào biên bản một chữ ký cho xong. Chẳng lẽ mỗi người lấy năm ba ký sắn ai bắt tù bắt tội gì mà sợ?

    Trong các buổi họp để giải quyết những vụ phạm lỗi của đoàn viên, những người không dính líu đến sự việc thường chỉ dự một cách bất đắc dĩ. Hầu hết đều thờ ơ không muốn quan tâm đến những lỗi lầm đó, hoặc có quan tâm chẳng qua cũng chỉ vì tính tò mò. Tôi nghe nhiều người vẫn nói với nhau: “Trường kỳ đói khổ thế này thằng chó nào mà chẳng phạm lỗi? Chẳng qua đứa nào rủi bị bắt quả tang phải chịu đứng ra làm bia cho người ta chửi, đứa nào chưa bị bắt quả tang thì cứ còn tốt thôi!”. Ngoài ban tự quản và vài người hiếu sự, ít có đoàn viên chịu mở miệng góp ý trong các vụ xét xử. Ban tự quản muốn nắn vuông vê tròn cứ mặc ý! Riêng trường hợp này có sự bất công nổi bật là cô Thanh con ông Nhiêu cũng ở trong toán phạm lỗi lại thoát tội nên nhiều người thắc mắc, bất mãn. Một anh cựu thương binh cụt cả hai giò làm nghề hớt tóc là Đặng Huấn ít khi tham gia họp hành không hiểu sao đêm nay cũng có mặt. Đời anh đã tận cùng, anh chẳng còn biết sợ ai nữa. Hằng ngày anh đã quen lấy chuyện tiếu lâm để làm vui khách hàng và làm vui chính mình. Sau khi nghe những lời phát biểu có vẻ thúc bách trên, anh cũng đưa tay xin nêu ý kiến. Anh Sự ngạc nhiên hỏi:

    • Bữa này ông Huấn cũng ý kiến nữa à? Nói gì cứ nói đi!

    Anh Huấn chậm rãi:

    • Thưa tập đoàn, theo thiển ý của tôi, làm việc gì cũng vậy, làm tốt thì có thưởng, làm hư thì phải có phạt, thế mới công bằng, ai nấy mới vui lòng. Vừa rồi những người kia phạm tội, họ đã nhận tội nhưng còn dật dờ chưa muốn ký tên vào biên bản, có lẽ là vì họ thấy chưa có sự công bằng…

    Tiếng vỗ tay bôm bốp nổi lên. Ông Nhiêu hằm hằm nhìn anh Huấn nhưng anh ta vẫn chậm rãi nói tiếp:

    • Tục ngữ ta dùng câu khen hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, ngụ ý  khen những người ở trong những hoàn cảnh xấu mà không bị ảnh hưởng bởi những thói hư tật xấu chung quanh. Trường hợp cô Thanh cũng vậy. Cô ở chung một toán 9 người, trong có đến 8 người ăn cắp, thế mà cô vẫn giữ mình trong sạch, đó không phải là một người phi thường sao? Tại sao tập đoàn không đề nghị trên khen thưởng cô ấy để làm gương cho kẻ khác noi theo? Tôi nghĩ nếu chúng ta đề nghị khen thưởng cô Thanh chắc hẳn những người kia sẽ vui lòng lên ký tên ngay!

    Tiếng vỗ tay lại nổi lên một hồi lâu hơn cả lần trước.

    Ông Nhiêu giận dữ chỉ thẳng vào mặt anh Huấn:

    • Mày là thằng ngụy ba đời, cách mạng đã dung tha cho cái mạng hèn hạ của mày, sao không biết thân phận mình mà dám phát biểu linh tinh như vậy?

    Anh Huấn cãi lại:

    • Ông thử nghĩ tôi có nói một lời nào phản động không? Tôi có nói xấu gì cách mạng không? Chẳng qua tôi chỉ góp ý để xây dựng thôi, ông gay gắt với tôi làm gì?

    Tiếng người ồn ào nổi lên khắp nơi. Anh Sự liền lớn tiếng:

    • Yêu cầu mọi người im lặng! Yêu cầu mọi người im lặng!

    Khi bầu không khí buổi họp đã lắng dịu, anh Sự nói:

    • Như vậy là đêm nay cuộc họp vẫn chưa kết quả. Bà con cứ về nghỉ, tối mai chúng ta sẽ tiếp tục!

    Bên dưới có tiếng đàn bà phản đối:

    • Sao không giải quyết cho xong bắt chúng tôi họp hoài như vậy làm sao chịu nổi?

    Anh Sự nói:

    • Tranh cãi ồn ào thế này làm sao mà giải quyết? Đêm mai tôi sẽ mời xã về để giải quyết mới được!

    *

    Hôm sau, khi tôi đang làm việc thì anh Sự đến, anh hỏi:

    • Để giải quyết công bằng vụ ăn cắp sắn, tôi xin chị thẳng thắn trả lời những câu hỏi của tôi sau đây. Chị có chịu thẳng thắn trả lời không?

    Thấy giọng anh ta có vẻ nghiêm chỉnh, tôi đáp:

    • Anh hỏi về vụ đó đương nhiên tôi sẵn sàng trả lời!
  • Vậy, có phải trong toán nhổ sắn hôm đó thật sự chỉ có 8 người đồng ý việc ăn cắp sắn không?

  • Dạ, thật sự không có ai mở miệng đồng ý cả. Tất cả chỉ lặng thinh, coi như ngầm chấp nhận việc làm của cô Ánh thôi!

  • Thế côThanh có ở trong trường hợp lặng thinh chấp nhận việc làm của cô Ánh không?

  • Tôi nghĩ là có.

  • Vì sao chị biết là có?

  • Tôi có nghe cô Ánh đề nghị thẳng với cô Thanh sẽ chia cho cô Thanh hai phần, tức là có cả phần của ông Nhiêu, cô Thanh chỉ trả lời: Tôi không biết gì hết đó nghe!

  • Anh Sự có vẻ khoái chí cười to:

    • Có cả phần ông Nhiêu nữa? Hay lắm! Nhưng không chừng lão sẽ chối biến và còn đổ tội cho chị vu khống đấy! Có gì làm bằng cớ không?

    Thấy chuyện đã lỡ, tôi tiếp:

    • Trước đây đã có một lần chúng tôi đã phạm tội như thế nhưng may mắn trót lọt. Sau khi về chia nhau, cô Thanh đã nhận hai phần!
  • Mọi người trong toán biết cả chứ?

  • Vâng, trong toán này ai cũng biết.

  • Thế ông Nhiêu có biết không?

  • Nói với ông ta không tiện nên chẳng ai nói gì với ông. Nhưng đã có cô Thanh đại diện cho ông ta.

  • Tốt lắm, tối nay họp chị cứ thật như vậy mà khai, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho chị!

  • Anh Sự đã không nói ngoa. Buổi họp tập đoàn tối hôm đó có cả ông chủ tịch xã Phạm Bá Lâm cùng cán bộ kế hoạch Nguyễn Phan đến dự. Sau khi anh Sự giới thiệu, ông chủ tịch xã đứng lên dõng dạc nói:

    • Tôi không ngờ một vụ vi phạm đã có cán bộ kế hoạch lập biên bản mà tập đoàn lại giải quyết đến ba bốn đêm chưa xong! Như vậy thì các anh làm việc ra thế nào? Tôi muốn trong đêm nay các anh phải kết thúc sự việc, không lý do gì để vấn đề tồn đọng nữa!

    Anh Sự chưa kịp thưa thì ông Nhiêu đã bước lên nói:

    • Thưa đồng chí chủ tịch xã, thưa tập đoàn, sở dĩ vụ ăn cắp sắn này tập đoàn chưa giải quyết được vì trong bọn ăn cắp còn vài người quá ngoan cố, nhất là những kẻ còn liên quan tới chế độ Mỹ Ngụy, không chịu ký vào biên bản nhận tội. Bây giờ có mặt đại diện của xã, chúng tôi xin kêu gọi các người một lần nữa, hãy lên ký tên ngay. Kẻ nào tiếp tục ngoan cố, xin xã thẳng tay trừng trị để làm gương!

    Thế rồi ông Nhiêu nhìn thẳng vào mặt tôi:

    • Yêu cầu cô Phan Diệu Ngọc lên ký tên vào biên bản nhận tội. Nếu không chịu ký, xin cô cho biết lý do!

    Tôi đã trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của ông Nhiêu! Giữa lúc tôi đang lúng túng thì anh Sự đưa tay ngăn lại:

    • Khoan, hôm nay là buổi họp của tập đoàn 9 có mục đích giải quyết những vi phạm của đoàn viên với tinh thần xây dựng. Nếu có cá nhân nào trong tập đoàn liên can đến vấn đề an ninh, xin bên an ninh cứ thẩm vấn riêng. Còn việc của tập đoàn, xin cứ để tập đoàn giải quyết. Sở dĩ vụ vi phạm vừa rồi tập đoàn chưa kết thúc được vì bên trong còn có nhiều uẩn khúc cần có thì giờ điều tra, tìm hiểu để giải quyết cho công bằng. Vậy, yêu cầu những cá nhân liên can đến sự việc chuẩn bị để trả lời những câu hỏi của tập đoàn.

    Nghe anh Sự nói thế, ông Nhiêu lại phát biểu:

    • Thưa đồng chí chủ tịch xã, thưa tập đoàn, tôi tuy phụ trách về an ninh thôn nhưng tôi cũng là đoàn viên của tập đoàn 9, tôi có quyền phát biểu trong tập đoàn. Theo tôi, vấn đề này đáng lẽ đã được thông qua từ lâu. Tại sao một vụ vi phạm mà các cá nhân vi phạm đều nhận tội cả rồi tập đoàn lại không thể bắt họ ký tên cho xong việc? Đây chính là lỗi do tập đoàn chỉ huy không cứng rắn. Bất cứ ai sau một ngày lao động cũng muốn có thì giờ để nghỉ ngơi, để hôm sau còn lao động tiếp, tại sao ta cứ ép họ phải ngồi ở đây để tranh cãi lôi thôi về một việc đã rõ ràng làm hao tổn sức người? Tôi xin tập đoàn phải cứng rắn giải quyết ngay để bà con còn về nghỉ.

    Ông Nhiêu vừa nói xong thì anh Sự đứng lên:

    • Ông Nhiêu nói hết chưa? Tôi đã nói vấn đề trên chưa giải quyết được vì nhiều người chưa chấp nhận về tính công bằng khi phân xử. Tuy rằng đã có 8 người nhận tội những cũng còn một người chưa nhận tội mà ngược lại còn muốn đòi khen thưởng nữa, đó là trường hợp cô Thanh! Bây giờ trước mặt đồng chí chủ tịch xã, xin mời chị Phan Diệu Ngọc tường thuật rõ về trường hợp cô Thanh cũng là đồng phạm trong vụ!

    Tôi nghe anh Sự nói muốn tá hỏa tam tinh lên! Tôi nghĩ chắc hai bên đã kình địch nhau vì chuyện gì đó nên mượn tôi làm bãi chiến trường. Không có cách gì khác hơn, tôi buộc phải trình bày từ đầu chí cuối về cả hai vụ ăn cắp sắn. Tôi cũng không quên nêu rõ trong lần ăn cắp trước, chúng tôi đã chia cả phần ông Nhiêu giao cho cô Thanh nữa. Và lần này, nếu việc trót lọt, cô Thanh cũng sẽ lãnh phần của ông Nhiêu…

    Sự việc trình bày chưa xong cả phòng họp đã vang lên tiếng vỗ tay cũng như tiếng cười reo. Anh Sự phải la hét một hồi mới lấy lại được sự im lặng. Tiếp đó anh quay lại nhìn cô Thanh rồi dõng dạc hỏi:

    • Bây giờ cô Thanh có chịu nhận tội với 8 người kia không? Hay cần phải dẫn thêm ai làm chứng cô là đồng phạm nữa?

    Cô Thanh cúi mặt xuống không nói gì. Ông Nhiêu nhìn đứa con gái mình với vẻ tức giận:

    • Đồ khốn nạn, mày dám qua mặt cả cha mày như thế à?

    Anh Sự nhìn ông Nhiêu với vẻ đắc thắng rồi nhìn xuống mọi người:

    • Bây giờ yêu cầu những ai đã nhận tôi lên ký vào biên bản!

    Nhiều người lục tục đứng dậy. Ông Nhiêu quay nhìn cô Thanh đang ngồi ủ rũ nạt lớn:

    • Thượng tổ thằng cha mày không lo lên ký còn ngồi lì đó nữa à?

    Sau khi mọi người đã ký xong, cán bộ kế hoạch Nguyễn Phan đứng lên nói:

    • Thế là tập đoàn đã làm ra lẽ vụ ăn cắp tài sản chung. Nhóm người này đã ăn cắp tới hai lần, nhưng lần trước đã qua lâu, hợp tác xã bỏ qua không cần truy cứu nữa. Còn lần này thì nhất định phải phạt nặng. Nếu không làm thế, người ta sẽ bắt chước nhau làm cái việc xấu xa ấy, của công sẽ vào tay kẻ gian hết. Hợp tác xã đã qui định luật phạt những vụ ăn cắp hẳn hoi. Cứ ăn cắp bất cứ thứ gì, khi bị bắt phải phạt đền gấp 14 lần trị giá của nó. Nay chín người ăn cắp 91 ký sắn, tức mỗi người cho 10 ký, sau khi qui ra tiền rồi qui trở lại giá lúa, mỗi người phải đền lại 29 ký lúa. Số lúa này hợp tác xã không thu liền mà sẽ khấu trừ vào phần lúa các người phạm lỗi được chia trong kỳ thu hoạch tới.

    Khi nghe Nguyễn Phan nói xong, bên dưới người ta nghe tiếng trạo nhau:

    • Đúng là ăn trái khế trả cục vàng!
  • Mười người ăn sắn mà chín người chịu!

  • Sao ông Nhiêu lần nào cũng dự phần mà lại được đứng ngoài làm quan án?

  • Đúng là chín người mười chọ!

  • Thấy vụ ăn cắp sắn đã được giải quyết, ông chủ tịch Phạm Bá Lâm gật gật tỏ ra hài lòng rồi lặng lẽ đứng dậy ra về. Kế đó tập đoàn trưởng Sự hân hoan hỏi cử tọa:

    • Giải quyết như vậy bà con còn ai thắc mắc gì không?

    Cả nhà họp vang lên tiếng hô đồng loạt:

    • Không!

    Có lẽ đó là tiếng hô thật lòng của mọi người, kể cả những người bị phạt. Dĩ nhiên trong đó không có tiếng hô của những người trong gia đình ông Nhiêu. Trên thực tế, phạt đền như vậy là quá nặng, nhưng lần này những người bị phạt cũng có chút gì thỏa mãn trong lòng.

    Sau vụ này, trong con người ông Nhiêu cũng có phần nào thay đổi. Ông không còn huênh hoang tỏ vẻ ta đây là cán bộ gương mẫu trước mọi người. Riêng câu nói “chín người mười chọ” của ai đó đặt ra với mục đích đùa cợt không ngờ lại trở thành câu thành ngữ dùng để chế nhạo sự ẩn mặt ăn có của những giới chức hữu quyền ngày càng lan rộng trong dân chúng.

     

     Đọc tiếp Chương 20