XỨ BẮC HÀ THỜI LÊ MẠT- Hồi 5

 KIẾN HÀO

Hậu vận của Triều Lê :

Xứ Bắc Hà vẫn tự hào ngàn năm văn hiến, gọi Tây Sơn là “giặc mọi” hay “giặc lông đỏ”*, nhưng thực ra khi ấy (cuối thế kỷ XVIII) Thăng Long đang lâm vào cảnh loạn lạc, ly tán, tàn phai và thoái trào. Đạo đức suy đồi, các giá trị truyền thống bị đảo lộn, nạn mua quan bán tước, nhũng nhiểu hoành hành, khắp nơi đều là chiến trường. Những kẻ tự xưng trí thức khoa bảng chỉ thập thò nơi cung vua phủ chúa, gây bè kéo cánh, chăm chăm bắt bẻ lời nói của nhau hoặc kể tội người khác để lập công, bọn võ quan khi ở triều đình thì bẻm mép, giặc đến thì lủi nhanh hơn “heo bị lang đuổi”, có mấy ai còn ý thức vì dân vì nước.

Trong cung đình thì rặt một bọn khoác lác, đón ý chúa mà mưu cầu lợi riêng. Chốn hậu cung thì bọn thái giám, phi, tần cũng góp phần vẽ nên bức tranh vân cẩu, thật là làm trò cười cho hậu thế. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, trách bọn kiêu binh làm quá thì cũng phải trách những kẻ đã góp phần tạo ra kiêu binh. Có thể xem câu nói của tên cường đạo Nguyễn Trang “ sợ thầy không bằng sợ giặc, quý chúa không bằng quý thân mình ” là tuyên ngôn xử thế lúc ấy của nhiều người, cũng là cây đinh cuối cùng đóng vào nắp quan tài chế độ Lê-Trịnh.

Vua Lê Chiêu Thống lên ngôi trong lúc chính sự đổ nát, lòng người ly tán, lần lượt từng gương mặt loạn thần lộng quyền hiện ra trên sân khấu chính trị như một trò hề, từ Hoàng Phùng Cơ, Đinh Tích Nhưỡng, Dương Trọng Tế, Trịnh Bồng… rồi đến đệ nhất gian hùng đất Bắc là Nguyễn Hữu Chỉnh đuổi chúa, hiếp vua, tự chuyên mọi chuyện. Đến khi Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, rồi đến lượt Vũ Văn Nhậm chuyên quyền bị Nguyễn Huệ giết chết, vua Lê bỏ kinh thành mà trốn đi, trong nước không có người làm chủ… Nhân đấy Nguyễn Huệ cắt đặt lại quan chức, cho Sùng Nhượng công Lê Duy Cận tạm quyền Giám quốc (bù nhìn), Ngô Văn Sở coi việc quân sự toàn cõi Bắc Hà, các quan cựu thần triều Lê thì đa số trốn tránh hoặc chạy theo vua Lê, chỉ một số ít ra nhận quan tước của Tây Sơn như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan …độ sáu bảy người. Ấy là do tư tưởng chính thống trung quân còn nặng, mọi người đều coi Tây Sơn là kẻ ngoài, một số lại coi như thù địch .

Chính quyền lúc ấy là chính quyền của Tây Sơn, quân đội là quân đội của Tây Sơn, quan chức do Tây Sơn đặt để, quyền điều hành mọi việc đều do tướng Tây Sơn là Ngô Văn Sở quản lĩnh. Đến đây thì xem như nhà Lê đã cáo chung, mặc dù thực tế sau đó Lê Chiêu Thống có theo chân quân xâm lược nhà Thanh về nước (tháng 12 năm 1788), nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi đó lại chỉ lo trả ân trả oán, vả lại trên giấy tờ công văn gởi đi đều ghi niên hiệu Càn Long chớ không dám ghi là Chiêu Thống vì ngại Tôn Sĩ Nghị.
Sau trận đại thắng quân Thanh rung trời chuyển đất mùa Xuân năm 1789 của Hoàng Đế Quang Trung, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Trung Quốc, tháng 10 năm Quý Sữu (1793) thì mất, hưởng dương 29 tuổi. Năm Giáp Tý 1804 (Gia Long năm thứ 3), di hài được đưa về an táng ở lăng Bàn Thạch (Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay).

Triều Hậu Lê, kể từ Lê Thái Tổ mở nước dựng nghiệp đến Lê Chiêu Thống, trên danh nghĩa là được 360 năm, nhưng chỉ có 100 năm đầu là có quyền lực thực sự. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra triều Mạc, sử cũ gọi là ngụy triều. Năm 1533, Nguyễn Kim phò Lê Trang Tông lên ngôi tại Thanh Hoa, bắt đầu giai đoạn triều Lê Trung hưng mà các vua Lê chỉ là bù nhìn, quyền chính đều nằm trong tay họ Trịnh. Cuối thời Trịnh Sâm trở đi thì đất nước rơi vào loạn lạc, chia rẽ trầm trọng, sử gọi là thời Lê mạt.

Đây là vương triều kéo dài nhất nước ta, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, trong một giai đoạn có nhiều biến cố mang tầm vóc lịch sử như lãnh thổ không ngừng mở rộng về phía Nam, định hình một dải giang sơn hình chữ S đến nay, nhưng cũng chứng kiến sự chia rẽ đất nước bởi các thế lực cát cứ, thành hình ba miền Bắc Trung Nam, vừa mang đặc điểm chung vừa có các yếu tố riêng biệt vùng miền. Triều Lê với sự xuất hiện của vị minh quân Lê Thánh Tôn (1460-1497), là giai đoạn nền quân chủ Việt Nam đạt đến sự phát triển cực thịnh, bang giao mở rộng đến cả các nước trong vùng Đông Nam Á. Tiếc rằng vương triều Lê kết thúc trong hoàn cảnh bi đát, tang thương và vị vua cuối cùng là Chiêu Thống phải chết cô độc nơi đất khách quê người.

Đoạn kết của vua Lê Chiêu Thống (Mẫn Đế)

Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, đuổi sạch quân xâm lược trốn chạy trối chết về phương Bắc. Lê Chiêu Thống và đám triều thần cũng chịu chung số phận , phải tạm nương náu ở Quế Lâm (Trung Quốc) nhưng vẫn còn nuôi chí phục thù. Lúc bấy giờ Tôn Sĩ Nghị đã bị bãi chức, Tổng đốc Lưỡng Quảng mới là Phúc Khang An vốn là một văn quan cận thần trong triều, không thạo chinh chiến, lại thấy tận mắt đám tàn quân nam chinh lôi thôi lếch thếch chạy về trong lòng không khỏi ngán ngại nên quyết tâm theo kế chủ hòa. Từ đó thường xuyên thư từ qua lại với viên văn quan nước Việt là Ngô Thì Nhậm, mọi việc phối hợp nhịp nhàng khiến việc binh đao hai nước phải tạm lui. Cùng với Phúc Khang An, viên đại thần triều Thanh là Hòa Khôn đã nhận được nhiều vàng bạc đút lót nên khi tiếp tờ biểu cầu hòa dâng lên Càn Long, đã chủ động “ bàn lui ” khiến vua Thanh không còn nuôi mộng phục thù mà hoan hỉ giảng hòa, lại khiến vua Quang Trung sang diện kiến, nhận làm nghĩa tử. Hai nước thông hiếu, Quang Trung được phong vương, nhân dân hai nước hưởng thái bình, các quan giữ được ghế và có thêm vàng bạc, binh lính không còn bị chết chóc ám ảnh nữa. Duy có một người, vẫn còn mơ hồ ôm mộng đồ vương, ngày đêm trông ngóng quân thiên triều khởi binh mà không biết lịch sử đã sang trang. Đó là cựu vương Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng triều hậu Lê.

Nguyên khi mới sang tá túc ở Quế Lâm, vua tôi nhà Lê bị Phúc Khang An dùng mẹo lừa, dùng lời hứa hão mà gọt đầu gióc tóc tất cả và bắt ăn mặc như người Mãn Thanh. Sau đó hắn làm một tờ biểu kín tâu với vua Thanh, đại ý nói vua An Nam không còn muốn về nước nữa, chỉ muốn sống yên ổn trên đất Trung Quốc. Còn Hòa Khôn thì cũng lựa dịp xin phong vương cho vua Quang Trung. Các lời tâu đều được chuẩn y nên năm sau (1790) có chiếu chỉ vời vua cũ và các cựu thần về Yên Kinh. Tại đây, vua Lê được ban cho chức quan hờ và không còn được đoái hoài gì tới, dần dần hiểu ra thân phận và lấy làm hết sức căm giận.

Sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục chép : “ … nhà vua căm giận vì bị nhà Thanh lừa gạt, bèn cùng bọn bề tôi là Phạm Như Tùng, Hoàng Ích Hiểu, Lê Hân, Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Quý Thích, Nguyễn Đình Miên (Cẩm) , Lê Văn Trương, Lê Tùng và Lê Thức tổng cộng mười người cùng nhau uống máu ăn thề rồi thảo tờ biểu dâng lên vua Thanh xin viện binh, nếu không thể thì cũng xin đất hai châu Tuyên Quang và Thái Nguyên để có chỗ thờ cúng tổ tiên, hoặc lẽn về Gia Định nương nhờ triều ta (triều Nguyễn) để dần dà kiếm kế khôi phục, chứ nhất quyết không chịu sống thừa ở đất Bắc ”.

Tờ biểu thảo xong, bọn họ đến báo trước cho viên quan nhà Thanh là Kim Giản, người này lựa lời an ủi rồi bàn với Hòa Khôn phân tán mỗi người một nơi. Phạm Như Tùng ở Hắc Long Giang, Hoàng Ích Hiểu ở Y Lê, Lê Hân ở Phụng Thiên, Nguyễn Quốc Đống ở Cát Lâm, Nguyễn Viết Triệu ở Nhiệt Hà… Vua Lê nghe tin lấy làm buồn rầu căm phẫn, sáng sớm đi ngựa vào nhà Kim Giản muốn phân trần việc thống khổ của bọn bề tôi. Khi ấy Kim Giản đã vào chầu vua Thanh ở vườn Viên Minh, vua Lê bèn phi ngựa luôn tới cửa vườn, bị lính canh giữ ngăn lại, giằng lấy ngựa rồi bắt vua xuống bộ, định đưa đi nơi khác. Người dắt ngựa của vua là Nguyễn Văn Quyên bèn níu lấy cương ngựa mà mắng rằng :

– Đồ vô lễ, dám làm nhục vua ta à ?

Nói rồi liền lấy đá ở sân ném bừa vào bọn chúng. Đám lính này bèn kéo đến đánh Văn Quyên một trận gần chết, xong đem về giam ở tòa Thận Hình, hơn tháng sau thả ra thì Văn Quyên chịu đau không nổi mà mất. Bấy giờ là mùa hè năm Tân Hợi (1791). Từ đấy vua Lê không còn dám nói đến việc xin quân cứu viện nữa nhưng lòng oán hờn tích tụ lâu ngày, sinh ra bịnh nặng. Qua năm sau, con trưởng của vua lên đậu rồi mất, nhân thế bệnh vua càng thêm nguy kịch. Các bề tôi bị an trí nơi khác nghe tin đều dâng biểu về vấn an.

Tháng 10, mùa đông năm Quý Sửu (1793), nhà vua trở bệnh nặng, bèn cho gọi bọn thị thần Lê Duy Khang, Phạm Đình Thiện, Đinh Nhã Hành tới nhận lời trăn trối :

–  Vận nước suy vi, ta không thể giữ được xã tắc, phải nương tựa nơi đất khách quê người hòng tính kế khôi phục nhưng không ngờ bị bọn quyền gian lừa gạt, uất hận khôn xiết. Sau này nếu có ai trong bọn ngươi được về nước thì nên đèo nắm xương tàn của ta về táng cạnh lăng tiên vương (Bàn Thạch- Thanh Hóa) để tỏ cho người trong nước biết tấm lòng mong mỏi (trở về) của ta.

Các bề tôi đều khóc lạy xin vâng mệnh. Chốc lát vua mất, thọ 29 tuổi. Vua ở ngôi 2 năm (1786-1788) **, là vị vua thứ 26 *** và cũng là vị vua cuối cùng nhà Hậu Lê, triều đại kéo dài hơn 360 năm trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử Việt Nam.

Năm Bính Thìn (1796), Lê Thái hậu thấy các bề tôi ở nơi đất khách khổ sở mà ngày về mờ mịt, bèn dâng tờ biểu xin cho các quan được lấy vợ bản địa (người Trung Quốc), vua Thanh thuận cho, lại cấp thêm tiền bạc làm lễ cưới. Ba năm sau, Thái hậu cũng mất tại Yên Kinh.

Năm Giáp Tý (1804), vua Gia Khánh đồng ý cho đưa di hài vua Lê, Thái hậu và các quan tùy tùng về táng quê nhà, chu cấp lộ phí và sai các quan địa phương giúp đỡ đưa ra khỏi ải. Mùa thu, di hài về đến Thăng Long, các quan cựu thần đến tế. Cuối đông năm đó, vua được táng cạnh lăng Hiển Tông trên núi Bàn Thạch (Thọ Xuân – Thanh Hoá).

(còn tiếp)

***

Chú thích:

  • Đầu mũi giáo hoặc ngọn cờ Tây Sơn thường buộc một túm lông đỏ.

** Thông thường năm vua mất vẫn giữ niên hiệu đến hết năm. Nên năm Bính Ngọ (1786) vẫn tính là niên hiệu Cảnh Hưng của vua Lê Hiển Tông. Năm Đinh Mùi (1787) mới được coi là năm thứ nhất của niên hiệu Chiêu Thống.

*** Hai mươi sáu vị vua triều Lê gồm : Thái Tổ Lê Lợi (1428-1433), Thái Tông (1434-1442), Nhân Tông (1443-1459), Thánh Tông (1460-1497), Hiến Tông (1497-1504), Túc Tông (1504), Uy Mục (1505-1509), Tương Dực ( 1510-1516), Chiêu Tông (1516-1522), Cung Hoàng (1522-1527), Trang Tông (1533-1548), Trung Tông (1548-1556), Anh Tông (1556-1573), Thế Tông (1573-1599), Kính Tông (1600-1619), Thần Tông (1619-1643) và (1649-1662), Chân Tông (1643-1649), Huyền Tông (1663-1671), Gia Tông (1672-1675), Hy Tông (1676-1705), Dụ Tông (1705-1728), Lê Đế Duy Phương (1729-1732), Thuần Tông (1732-1735), Ý Tông (1735-1740), Hiển Tông (1740-1786), Mẫn Đế (1787-1789). Có ba vị vua Lê bị các chúa Trịnh giết là Anh Tông, Kính Tông và Lê Đế Duy Phương.