TUỔI GIÀ “ÔN CỐ TRI TÂN”

 

Lê Phương Lan

Những ngày tháng cuối năm tôi ngồi xuống tính sổ cuộc đời mình. Thứ tự  của các giai đọan này theo cụ Khổng được diễn nghĩa một cách nôm na thì con người bắt đầu lập thân từ năm ba mươi tuổi:

Tam thập nhi lập: Đến tuổi 30 thì sức tự lập mới bắt đầu vững vàng.

Tứ thập tri bất hoặc: Đến 40 thì có thể hiểu được lý lẽ, phân biệt phải trái.

Ngũ thập tri thiên mệnh: 50 thì hiểu biết mệnh trời dành cho mình.

Lục thập nhi nhĩ thuận: 60 khi nghe thấy điều gì “nghịch ý” sẽ không cảm thấy khó chịu nữa.

Thất thập cổ lai hy: sống đến 70 xưa nay hiếm.

Bát thập đắc hi hi: sống đến 80 là vui lắm, cười tối ngày!

Cửu thập siêu thọ: sống đến 90 là “siêu” thọ rồi!

Bách thập niên giai lão: 100 tuổi thì quả là quá cỡ thợ mộc!

Ngẫm lại phận mình từ khi “lửa binh lan tràn”, ba mươi tuổi chưa kịp tự lập cho cuộc đời thì đã phải sống trong cảnh “ nước mất nhà tan”! Hơn bốn mươi tuổi mới có được cơ hội làm lại cuộc đời. Nhân ngày đầu xuân tự nghĩ chỉ nên chia xẻ những gì vui thôi. Cho nên câu chuyện “ôn cố” này sẽ bắt đầu từ giai đoạn “tứ thập”. Nghĩa là từ khi bước chân ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất, ngồi trên phi cơ, nhìn thành phố thân yêu xa dần … vào những ngày cuối của tháng 5, 1991.

“Quân tử phòng thân” gia đình chúng tôi với kinh nghiệm đi thăm nuôi có sẵn nên đã chuẩn bị đem theo mấy nắm cơm, một lon “gô” muối mè và thịt chà bông vì thời gian đó những người được đi định cư tại Mỹ còn phải ở lại trạm chuyển tiếp Thái Lan ít nhất là một tuần. Vào đến trại thì mấy nắm cơm đã bị thiu phải vất đi. Nhưng hai món “phòng thân” còn lại có lý vô cùng! Đám người “quân tử” chúng tôi chẳng được như cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa “Ngày hai bữa vỗ bụng rau bình bịch. Người quân tử ăn chẳng cầu no”. Ngày đó chúng tôi “Ngày ba bữa vỗ bụng trứng gà bình bịch”. Không hiểu Cao Ủy Tỵ Nạn lúc đó chi trả cho nhà cầm quyền Thái Lan bao nhiêu mà đám người Việt chờ đi định cư chúng tôi ngày ngày lãnh ba suất cơm, bị biến thành đám gà mái dầu cục ta cục tác hết ráo!

Thế rồi chúng tôi cũng được đặt chân lên vùng đất mà trước đó không khi nào dám mơ ước tới. Hai cháu bé nhất của chúng tôi lần đầu tiên thấy được cánh cửa kiếng tự động ở phi trường San Francisco thích quá cứ chạy tới chạy lui để đi qua cánh cửa tự động ấy. Chúng tôi đi Mỹ theo diện “đầu trọc” nghĩa là không có thân nhân bảo lãnh. Cơ may đến với gia đình chúng tôi là sau khi được cơ quan USCC    (United States Catholic Charity) giới thiệu, hai người bảo trợ cư ngụ tại San Pablo, California đã nhận giúp đỡ chúng tôi trong thời gian đầu. Họ là hai gia đình người miền sông nước Hậu Giang rất thật thà, chân chất. Những ngày đầu tiên đưa chúng tôi đến các cơ quan để làm giấy tờ nhập cư, họ mặc quần áo rất giản dị trong khi chúng tôi vốn quen kiểu ăn mặc chỉnh tề khi đến nơi “công đường” đã khiến các nhân viên sở di trú và DMV không biết là ai bảo trợ ai?!

Và “Cái thuở ban đầu ngớ ngẩn ấy. Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”! Sau tuần lễ đầu để cho người bảo trợ đi chợ nấu ăn cho mình cũng thấy ngại quá. Hai vợ chồng tôi bảo nhau tìm cách học đi xe bus để tự đi chợ mua thức ăn Việt Nam. Đang đứng chờ ở trạm thấy chiếc xe bus chạy chữ Oakland trờ tới hai đứa bảo nhau:” Đúng rồi! Oakland có mấy ngôi chợ bán đồ ăn Việt Nam lận đó!” Thế là vội vàng nhảy lên xe! Vào trong xe, tôi đưa cho bác tài tờ giấy hai chục đồng! Bác tài lắc đầu:”No change!” Đi suốt từ hàng ghế đầu tới hàng ghế cuối để hỏi hành khách xin đổi tiền lẻ, ai cũng lắc đầu y chang như bác tài! Hai đứa phải nhảy xuống trạm kế hỏi mấy người đang đứng chờ xe bus. May quá có người có tiền lẻ! Leo trở lại lên xe tôi vội vàng đưa tiền, bác tài chỉ ngón tay vào kẽ hở nhận tiền. Tôi cẩn thận gấp tờ 1đ làm 4 nhét vô! Bác tài lắc đầu quầy quậy cầm lấy tờ tiền vuốt thẳng thớm nhét vô êm ru!

Mua thức ăn xong xuôi, hai đứa đi trở lại trạm xe bus, gần chục chuyến xe bus chạy ngang qua, nhìn đỏ con mắt mà không thấy xe nào có hàng chữ Oakland hay San Pablo cả! Sau cùng tôi leo đại lên một chiếc, hỏi tài xế là xe có chạy qua San Pablo không, ông gật gật cái đầu. Thì ra lúc đi về xe bus cùng chuyến không chạy tên hai địa điểm chúng tôi biết mà chạy chữ Richmond!

Ở đấy một thời gian ngắn thì bạn bè biết tin đến tận nơi đưa chúng tôi về San Jose để định cư. Thời gian đầu lập nghiệp tuy rất vất vả, chắt chiu từng đồng nhưng cũng lắm kỷ niệm vui để nhớ hoài! Ngày đó cả nhà chỉ có một chiếc xe Buick khủng long! Hai đứa tôi và cháu lớn ghi danh học ESL tại Evergreen Valley College. Sáng sớm cháu trai lái xe chở tôi đi học. Đến chiều ông xã đi xe bus mua vé “daypass” – trước đó hai cha con đã ”thông qua” nơi cất giấu vé xe – Đến trường, anh giấu vé xe bus vào nơi chỉ định. Cháu học xong ra lấy vé đi xe bus để đi về nhà,  tôi vào thư viện học bài để chờ đi về với ông xã!

Nói đến lái xe lại thêm một chuyện để nhớ hoài. Số là chú em rể của tôi qua Mỹ sau chúng tôi cũng theo diện HO hen mua được chiếc xe cũ nhưng chưa học lái xe. Một hôm ông xã tôi dùng chiếc xe đó chở tôi cùng vợ chồng chú ấy đi công chuyện. Giữa đường thì bất chợt cơn mưa đổ xuống! Kiếng trong xe mờ mịt không thấy đường! Vì xe lạ nên không ai biết MỞ heat để làm khô hơi nước ở tấm kiếng trước mặt! Quýnh quáng hai chị em ngồi băng sau xé tờ báo cũ vò ra trao cho chú em. Chú ngồi kế bên liên tục “động viên” ông xã:”Anh bình tĩnh! Anh bình tĩnh lái xe đi! Để em chùi kiếng xe cho!” Cứ thế người xé, người chùi hết tờ tuần báo Thằng Mõ và bác tài đã bình tĩnh vượt qua giông bão đưa mọi người đến bến bình an!

Cái nút nhỏ xíu của cái máy heat một lần nữa lại làm phiền ghê đi! Đó là lần chúng tôi dọn đến căn nhà mới thuê. Hôm trước chủ nhà giặt thảm nên mở heat cho nhà mau khô. Hôm sau gia đình dọn vào đúng ngày nóng nhất của mùa hè – gần 100 độ F – khiến cho mọi người gần biến thành những ổ bánh mì nóng dòn. Đến gần tối trời mát dịu lại mới phát giác ra nguồn hơi nóng để đi tìm nút TẮT heat!

Buổi đầu đi học trở lại những bỡ ngỡ về ngôn ngữ cũng như văn hóa đã khiến xảy ra nhiều kịch bản “cười ra nước mắt”! Tôi còn nhớ ngày đó làm quen được một cô bạn Mỹ rất dễ thương. Tôi muốn khen cô bạn mình là: “You are my best friend.” Nhưng phát âm chữ “best” không chịu “xì gió” hai âm cuối nên cô nghe “bết, bát” sao đó ra thành “bad” bèn mặt mày đổi sắc! “What are you talking about?” Nghĩ bụng chắc mình phát âm trật duột chi đây! Bèn cười giả lả đánh vần chữ “BEST” cho cô ta nghe!

Lần khác một bà giáo Mỹ của tôi vào cuối giờ muốn gọi tôi lên gặp bà để giúp tôi sửa vài câu trong bài luận văn. Người Việt mình muốn gọi ai thì ngoắc các ngón tay với bàn tay úp xuống. Trong khi đó người Mỹ gọi người khác đến lại ngoắc các ngón tay với lòng bàn tay ngửa lên. Khi bà ngoắc tay kiểu đó, tôi cũng đang vội ra về bèn hồn nhiên vẫy tay “Bye, bye” bà! Lần sau gặp lại bà tỏ vẻ không vui hỏi:”Why you didn’t come when I wanted to see you?”! Thế là lại phải một màn “thanh minh thanh nga” về cái sự bất đồng văn hóa trong “sight language”!

Vui nhất và cũng “quê” nhất là một lần “xém” rớt bài thi của lớp computer là một môn tôi sợ nhất trong các môn học thời đó! Bài thi gồm 10 câu. Tôi làm bài mà sao sau câu nào thì cũng thấy nhảy ra comment “terrific!” Tôi làm đi làm lại vẫn cứ thấy “terrific!” Toát mồ hôi hột! Gần hết giờ thi, ông thày thấy tôi khổ sở quá, ghé lại hỏi thăm cho biết sự tình! Thấy tôi muốn khóc với cái comment này ông phá lên cười mà rằng:”Terrific means excellent!”! Thì ra tôi cứ nghĩ “terrific” là “terrible”! Mặt mày đang tái mét thảm não đổi sang đỏ như gấc chín! Hú hồn thiệt tình!

Vui buồn của thời cắp sách qua hai Đại học Evergreen Valley College và San Jose State University trong tuổi “tứ thập” rồi cũng qua đi! “Ngũ thập” quả là “tri thiên mệnh”! Vào nghề dạy học tại xứ này để cho biết “đời đá vàng!”“Gõ đầu trẻ” Mỹ, Mễ không dễ chút nào! Cũng “đoạn trường tân thanh” hết biết! Cái thân của người giáo viên ở trong tình trạng: Nằm dưới búa của ngài hiệu trưởng cùng các mệnh lệnh thay đổi học trình tới tấp từ học khu! Chính giữa là đám học trò hiếu động như bầy khỉ con xổng chuồng! Nằm trên đe của các bậc phụ huynh đa số chỉ xem giáo viên như mọi người công chức bình thường mà thôi. Bạn sẽ muốn “quit job” ngay nếu trong lớp có vài tay phụ huynh bắp thịt cuồn cuộn với nét xâm chằng chịt, lúc nào cũng sẵn sàng bênh con! “sue” giáo viên tới bến!

Nhưng nhờ trời thương!  Và nhờ thời gian qua như “tên lửa đầu đạn hạt nhân”! Tôi canh đúng ngày sinh nhật của mình vừa đủ đến năm năm sau của tuổi “lục thập”, khi được nhà nước cho hưởng Medicare là tôi “rửa tay gác kiếm”, lui ngay về nhà “vui thú điền viên”! Lúc này “nhĩ thuận” vô cùng! Ghi nhớ lời dạy của cổ nhân rằng” Mật ngọt chết ruồi, những nơi cay đắng là nơi thật thà.”Nên chi nghe điều gì “nghịch nhĩ” thì cứ “tai này bỏ qua tai kia” là xong ngay! Cứ thế hai chúng tôi sống tà tà qua “tuổi ngọc” thật giản dị, gọn gàng, tiết kiệm! Mà xấp nhỏ của tôi rất ngại sự gọn gàng của ông bố! Thấy chúng bầy bừa, bố già cặm cụi dọn dẹp, cất đồ kỹ đến nỗi khi chúng cần đến thì chịu thua vì bố gắt lên:”Tao còn kiếm không ra nữa là chúng mày!”

Chúng tôi sống rất tiết kiệm! Ông thì ngày tối lò dò theo lũ con cháu để tắt quạt, tắt đèn, tắt heat! Bà thì lo thu gom các thùng bột giặt cũ chứa nước rửa rau để tưới cây! Tuy nhiên, đã có hai người qua mặt tôi về mục tiết kiệm nước: một bà bạn thì sai con cháu thiết kế bồn rửa chén, rửa rau cỡ lớn như của nhà hàng ở phía sau hè dẫn ra một hệ thống tưới tiêu cho cây cảnh! Cô bạn khác còn “siêu” hơn! Cô nhờ người thiết kế dẫn nước từ máy giặt ra thùng chứa làm nước lau nhà! Sau này tôi đến chơi hỏi thăm về hệ thống thoát nước thì cô vội ngắt lời:”Đừng nhắc nữa! Bỏ rồi! Ảnh bị trơn trợt té gẫy tay phải vô cấp cứu!”

Tuy nhiên đến cái “tuổi xưa nay hiếm” thì tình trạng “mất liên lạc” giữa các chức năng của hệ thần kinh gia tăng đáng kể! Từ trung khu suy nghĩ chuyển dịch sang trung khu nói năng trở nên chậm chạp, đôi khi còn chuyển dịch sai nữa! Để duy trì chức năng ăn nói, tôi thường khuyến khích bạn già:”Anh cứ việc nói! Anh nói trúng trật gì em cũng đoán ra được hết đó!” Ổng cũng “đồng thanh tương ứng” :”Anh cũng vậy, sống với em, càng ngày anh càng thông minh ra!” Tình trạng “mất liên lạc” càng trầm trọng hơn khi hai cái cell phone mà hai đứa con biếu bố mẹ – để được vợ cấp giấy phép cho mua phone mới –  thường được chúng tôi dùng để nói hơn là để nghe!

Vấn nạn xảy đến là khi hệ thống phòng thủ trong căn nhà được thiết lập: một cái then cài được đóng thêm vào bên trên hai ổ khóa và một cái alarm được gắn gần đó. Lần đầu, cô con gái sáng sớm đem thức ăn cho bố mẹ. Cô có chìa khóa nhưng không vào nhà được vì vướng cái then cài cửa! Thế là hệ thống báo động vang rền! Gọi phone nhưng cả hai bố mẹ đang tập thể dục không bắt máy! Cũng may hôm đó chúng tôi đi Gym về sớm nên alarm hú chừng khoảng nửa tiếng! Sau sự việc này xảy ra, tôi đi chợ Costco tìm mua được một cái quần tập thể dục có hai zippers ở hai bên túi quần. Mang kè kè cái cell phone trong túi bấy lâu nay mà chẳng ai thèm gọi tiếng nào! Đến đúng lúc mình xa rời nó y như rằng là có chuyện!

Chuyện kể rằng: “khi mùa đông đến” tác giả phải mặc cái quần thun dầy hơn khi đi Gym vào buổi sáng sớm. Túi quần lại không có “phẹc ma tua” nên cell phone phải cất vô giỏ để trong locker! Nhân vật chính cũng vẫn cô con gái lò dò đem đồ ăn đến cho bố mẹ. Lần này thì cô vào được trong nhà vì then cửa mở! Nhưng alarm thì hú lên inh ỏi! Hai con chó, mèo nuôi trong nhà kinh hãi chạy náo loạn cả lên! Gọi cho bố mẹ nhưng phone bố để ở nhà, phone mẹ nằm trong giỏ rồi! Hôm đó hai đứa tôi sau khi đi Gym còn đi ngân hàng! Lại hơi “rô men tít” một chút nên rủ nhau đi ăn sáng mất khoảng chừng hơn hai tiếng đồng hồ! Rõ khổ! Hệ thống phòng thủ được thiết lập để đề phòng “kẻ gian” đâu chưa thấy, chỉ thấy “người ngay” nhà mình lãnh đủ!

Nhưng dù cho trục trặc thế nào các cụ cũng nhất quyết phải giữ mối liên lạc với con cháu, với người thân và bạn bè. Khảo sát cho thấy vấn nạn trầm trọng nhất  trong các xã hội tiên tiến ngày nay là sự cô đơn. Đến nỗi tại nước Anh chính phủ đã phải lập thêm một bộ “cô đơn” để lo cho thành phần ngày càng trở thành đông đảo trong dân chúng. Thanh thiếu niên và người trung niên cô đơn thì sinh ra trầm cảm, nổi loạn, hại mình hại người. Người cao niên cô đơn thì sinh ra ẩn ức, lú lẫn. Theo báo cáo thì tình trạng cô đơn 75% xảy ra nơi người già. Khảo sát cũng chỉ ra rằng có nhiều người già thường không được nói chuyện với ai ít nhất là hơn một tuần, không chỉ vì họ sống một mình mà ngay cả khi sống với con cháu hay ở các viện dưỡng lão. Những bác sĩ về khoa tâm lý, tâm thần còn khuyến cáo rằng tình trạng cô đơn còn giết hại con người tệ hơn là việc hút 15 điếu thuốc lá một ngày! Họ khuyên người cao tuổi nếu còn đi lại được cần phải đứng dậy vận động, tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nói chuyện với mọi người để duy trì sức khỏe tâm thần và thể lý.

Bên cạnh đó cũng có lời khuyên “ Tiếng cười bằng mười liều thuốc bổ”. Cho nên nếu người viết đã có những “sáng tác” về những kỷ niệm đau thương, “hận Đồ Bàn” thì cũng nên có một “tối tác” lưu lại cho con cháu những mẩu chuyện vui để làm kỷ niệm. “Ôn cố” để rồi “tri tân” bằng cách nghiệm ra rằng rồi đây trong vài bước kế tiếp còn lại của tuổi đời, khi mình chỉ còn biết “tìm vui trong …lãng quên, lãng tai, lãng trí” trong ký ức lãng đãng đó vẫn còn nụ cười, vẫn “còn một chút gì để nhớ, để … quên”!

Đọc thêm … Trang Cô Giáo Lan Lê