Thăm Thẳm Trời Xanh / Chương 21

 

Non một nửa diện tích của xã Thiện Trường là khu rẫy bái tiếp giáp với rừng Trường Sơn. Ranh giới giữa khu nhà cửa và khu rẫy bái là đường xe lửa Xuyên Việt. Trong phần đất rẫy ấy, có một khoảnh giáp chân ngọn núi Sam được dân làng dùng làm nơi chôn cất mồ mả đã lâu đời, thường gọi là cồn mồ hay quần mồ như tôi đã nói trong một chương trước. Khu này hiện tại ít có mồ mới chôn vì không còn đất trống. Vùng đất chung quanh đó đã có người chiếm làm đất rẫy cả. Gần đây dân làng hay chôn người thân ở chính rẫy mình hoặc ở các vùng rú hoang tùy theo sự thuận tiện. Diện tích cồn mồ rộng ước chừng bảy tám mẫu tây, mồ mả lớn nhỏ, cao thấp không đều. Trong số đó có một số lăng mộ trông rất cổ kính, thành và nền đều tô một hỗn hợp vôi đặc biệt, có thể đã được xây đâu từ thời chúa Nguyễn Hoàng dựng nước. Những lăng mộ ấy hầu hết có dựng bia. Tuy vậy, phần lớn những bia chí ấy đã bị thời gian, mưa gió cùng sự phá phách của bao nhiêu thế hệ mục đồng làm hư hỏng, phai mờ, không còn đọc được mấy. Rải rác còn có vài ngôi mộ rất lạ, có thể còn xa xưa hơn nữa. Nhiều người vẫn cho đó là mộ của người Thượng, người Chàm hay một sắc dân nào khác. Có ngôi mộ chỉ là một khối đá ong vuông vức, trên dưới một màu đen tuyền như một khối than đá, không ghi khắc gì. Một ngôi mộ khác thì cây cỏ phủ đầy, chung quanh thấy toàn những hòn đá dị dạng cùng những hũ gốm cũ kỹ vỡ sứt nằm ngổn ngang, lâu lâu lại chịu một trận cháy. Số mộ bình thường nấm được đắp đất, một số có thành xây đá, chiếm khoảng 80%, hầu hết không có bia chí gì cả. Người thân nhớ được những ngôi mộ này là nhờ ôn đi ôn lại qua những lần đi chạp hàng năm. Thói thường, các vị gia trưởng phải gánh vác cái việc khó khăn đó. Các vị thường lấy một hốc đá lớn, một cái lăng, một ngôi mộ đặc biệt hay một lối mòn nào đó làm chuẩn để xác định vị trí mồ mả của người thân. Vì thế, gặp trường hợp vị gia trưởng mất khả năng quản lý mồ mả bất ngờ, người kế nhiệm sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Từ đó nẩy sinh ra những vụ chạp lộn mồ. Đó cũng là nguyên nhân khiến số mồ vô chủ ngày càng tăng. Cho nên các vị gia trưởng biết lo xa luôn cẩn thận dặn dò con cháu – nhất là những người có thể kế việc mình – phải chú ý ghi nhớ vị trí những mồ mả ấy trước. Trong khi đi chạp, các vị gia trưởng ấy thường nói cho con cháu biết rõ từng ngôi mộ, vai vế của người nằm dưới mộ, người đó thuở còn sống đã có công nghiệp gì v.v… Tuy thế, chỉ qua trí nhớ và lại truyền qua nhiều đời, con cháu về sau thường khó mà nhớ chính xác lý lịch của thân nhân được.

Khoảng giữa năm 1976, có một phái đoàn các viên chức chính quyền huyện H.T. đến thăm viếng xã Thiện Trường. Họ đã đi qua vùng cồn mồ này với sự tháp tùng của viên bí thư xã Hồ Hoạch và viên chủ tịch xã Phạm Bá Lâm. Khi gặp con suối chảy qua ôm một phần chân cồn mồ thì phái đoàn dừng lại. Đây là một con suối có nước chảy quanh năm. Thấy ven bờ con suối đó có người canh tác vài mảnh ruộng nhỏ, viên bí thư huyện ủy ngắm nghía một hồi rồi hỏi viên bí thư xã Hồ Hoạch:

  • Khu này có con suối chảy mạnh chắc có mạch nước dồi dào. Sao người ta không ngăn đập giữ nước để canh tác những thửa ruộng lớn hơn mà chỉ tạo được những mảnh tẻo tẹo thế kia? Ngoài ta thì không để phí đất như vậy được đâu!

Hồ Hoạch cũng người miền Bắc mới nhập cư xã Thiện Trường, tuy chưa am tường về thổ nhưỡng vùng này lắm nhưng ông cũng nói cương:

  • Tấc đất tấc vàng, ngoài ta đâu có hoang phí thế này được! Nhưng trước đây vùng này do Ngụy kiểm soát nó đâu biết gì về thủy lợi mà làm! Để rồi em sẽ nghiên cứu một kế hoạch khai thác thủy lợi xem sao! Nếu em trình kế hoạch lên, xin các anh trên chiếu cố ủng hộ nhé!

Viên bí thư huyện ủy mỉm cười nói nửa đùa nửa thực:

  • Đồng chí mà làm được việc ấy thì nhất! Thời gian này cả nước đang phát động kế hoạch thủy lợi, gia tăng được hàng ngàn hecta ruộng vào mùa khô. Nếu đồng chí biến được khu này thành một hồ thủy lợi thật lớn để trữ nước dùng cho mùa khô thì cả tỉnh phải lác mắt ra đấy!

Đó chẳng qua chỉ là một lời nói cho có nói. Nhưng không ngờ nó lại thổi vào đầu óc viên bí thư xã Thiện Trường một luồng ý nghĩ thật táo bạo. Sau khi tiễn phái đoàn huyện ra về xong, Hồ Hoạch hỏi chủ tịch xã Phạm Bá Lâm:

  • Đồng chí là người địa phương chắc biết rõ, con suối chảy bao dưới chân cái cồn mồ ấy hàng năm có khi nào khô nước không?

Chủ tịch xã Phạm Bá Lâm đáp:

  • Ngày còn nhỏ tôi vẫn hay đi câu ở con suối ấy, chưa hề thấy nó khô. Thời gian sau này tôi đi tập kết không rõ nó thế nào, tới giờ thấy nó vẫn chảy như xưa!

Hồ Hoạch quay sang hỏi viên phó chủ tịch đặc trách nông nghiệp kiêm chủ nhiệm hợp tác xã Phan Cẩn:

  • Đồng chí có biết con suối chảy ven chân cồn mồ xã ta không?
  • Dạ biết chứ, em sống ở đây từ nhỏ đến lớn mà!

  • Có bao giờ nó bị khô nước không?

  • Dạ không, chỉ có nước chảy mạnh hoặc chảy yếu thôi, không khi nào khô!

Vẻ mặt Hồ Hoạch trở nên rạng rỡ khác thường, ông vui vẻ nói lớn:

  • Tốt lắm! Tốt lắm! Xã ta sẽ lập được một thành tích lớn!

Chủ tịch Lâm hình như cũng vui lây với cái vui của viên bí thư, ông cười hỏi:

  • Đồng chí định cho đào hồ thủy lợi như sự gợi ý của đồng chí bí thư huyện ủy à?
  • Đúng vậy! Xã ta sức lao động đâu có thiếu mà không dám làm! Tỉnh huyện có phụ cấp kinh phí cũng tốt, không phụ cấp mình cũng tự túc được thôi! Đây là một việc làm rất có lợi cho các thế hệ mai sau. Chúng ta sẽ được lưu danh thiên cổ!

  • Thế là Hồ Hoạch bắt tay ngay vào việc vận động các thành viên trong ủy ban nhân dân xã ủng hộ kế hoạch đào một cái hồ thật lớn để trữ nước dùng cho mùa khô do ông nghĩ ra. Mấy ngày sau ông triệu tập một hội nghị gồm các viên chức xã ấp lớn nhỏ để bàn luận. Ông đã sửa soạn kỹ một bài diễn văn lý luận rất hùng hồn để đọc trước hội nghị đại lược như sau:

    “… Như chúng ta đã biết, nơi nào có nhiều khe suối tất dưới lòng đất phải có nhiều mạch nước, càng đào sâu ta sẽ gặp mạch nước càng mạnh. Tôi đã quan sát dòng suối chảy gần cồn mồ thôn 3 Thiện Trường và thấy rõ ở đó có các mạch nước rất tốt. Đào càng sâu thì mạch nước sẽ càng chảy mạnh hơn. Ta có thể đào khu cồn mồ thành một cái hồ rất lớn để trữ nước. Với những mạch nước có sẵn ấy, nguồn nước sẽ không bao giờ khan hiếm.

    “Vào mùa khô lòng sông Lợi Nông thường rất cạn, không đủ nước để cung cấp cho cả cánh đồng Thiện Trường. Hồ thủy lợi này sẽ cung cấp được một phần cho nhu cầu của xã ta. Nhất là nó ở thế cao, rất tiện cho việc dẫn nước.

          “Tôi biết khi đưa ra đề nghị này sẽ có người thắc mắc tại sao phải đào cái cồn mồ để làm hồ thủy lợi? Xin trả lời, ngày xưa các cụ ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh. Bây giờ là thời đại khoa học, chúng ta đã hiểu biết thêm nhiều về vấn đề ô nhiễm môi trường sống. Thử nghĩ, để một cồn mồ ở gần khu dân cư, nhất là dưới cồn mồ đó có nhiều mạch nước, chúng có thể chảy ra các giếng nước mà chúng ta đang dùng. Quí vị thấy có ớn không?

          “Vì thế, cho dù không có kế hoạch thủy lợi, chúng ta vẫn nên tìm cách giải tỏa cái cồn mồ này. Vậy tại sao chúng ta không nhân làm một việc này lại lợi thêm một việc khác, gọi là nhất cử lưỡng tiện?

          “Mùa xuân sắp đến, công việc đồng áng tương đối rảnh, xã sẽ rất dễ dàng huy động tối đa nhân lực để thực hiện kế hoạch. Năm này chưa thành, năm sau ta sẽ làm tiếp. Bác Hồ dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, phá núi và lấp biển, quyết chí ta làm nên!”. Khi hồ thủy lợi đã thành công, không những một số ruộng lúa được cung cấp nước, ta còn có thể tưới thêm được một số dưa hay rau cải trồng trên đất cao. Một số đồng bào sẽ có thêm công việc để cải thiện cuộc sống trong mùa khô. Ta chỉ tốn công một lần thôi mà chính đời ta và con cháu đời sau sẽ mãi mãi hưởng lợi… Tại sao ta không làm?

          “Về vấn đề mồ mả, ta chỉ cần ra một thời hạn, kêu gọi nhân dân tự túc di dời những những mồ mả của người thân mình. Sau thời kỳ hạn định đã ra, những mồ mả còn lại tức là mồ mả vô chủ, chính quyền sẽ cho người di dời và quần táng ở một vùng đất không khai thác sản xuất được! Kế hoạch tôi đưa ra như vậy, có đồng chí nào phản đối không? Hoặc có điều gì cần bổ khuyết, vì lợi ích cho nhiều thế hệ mai sau, xin các đồng chí cứ thẳng thắn góp ý xây dựng!…”

    Sau khi nghe lời trình bày của bí thư Hồ Hoạch, toàn thể hội nghị đều vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Chỉ có vài người nêu ra thêm ít lời bổ túc nhỏ. Tuyệt nhiên không có ai phản đối. Thế là ủy ban xã quyết định trình dự thảo kế hoạch lên thượng cấp xét duyệt.

    Dự thảo kế hoạch đào hồ thủy lợi của xã Thiện Trường đưa ra đúng thời điểm đang lên của kế hoạch lớn nhà nước, lại không đòi hỏi trợ cấp kinh phí bao nhiêu nên đã được thượng cấp chấp thuận dễ dàng.

    Khoảng hơn một tháng sau bí thư Hồ Hoạch đã cầm tờ chứng thư hớn hở khoe với những người trong ủy ban xã:

    • Kể từ hôm nay chúng ta cứ đường đường chính chính thực hiện kế hoạch! Công sức lao động chúng ta đâu có thiếu! Các đồng chí biết ông bí thư huyện ủy nói sao không? Ông ta nói: “Tôi chỉ nói chơi thôi, không ngờ đồng chí lại bạo gan làm thật! Vậy thì phải cố gắng cho đạt mục đích!”. Mình đã quyết tâm thì xoay trời cũng chuyển, lo gì!

    Thế là ủy ban nhân dân xã Thiện Trường bắt tay vào một công trình vĩ đại. Bước đầu, ủy ban xã phải chọn một người lo việc điều nghiên để chuẩn bị thực hiện công trình. Hồ Hoạch hơi đắn đo khi đề cử người gánh vác trách nhiệm này. Ông vốn là một anh bộ đội giỏi lăn lộn giữa chiến trường nhưng công việc này thì ông chẳng thông thạo mấy. Nếu giao cho viên chủ tịch xã Phạm Bá Lâm thực hiện, uy tín lão này có thể tăng cao khi công trình thành tựu, rất bất lợi cho ông. Nếu giao cho bất cứ người nào khác, có thể việc khó thành hoặc ông khó lái họ làm theo ý mình. Sau khi suy tính hơn thiệt, ông quyết dùng con người do chính ông nâng đỡ, đào tạo nên: đó là Phó chủ tịch đặc trách nông nghiệp kiêm Chủ nhiệm hợp tác xã Thiện Trường Phan Cẩn.

    Phan Cẩn là người địa phương, từ nhỏ đến lớn chỉ ở trong xã. Vì là con một trong một gia đình tương đối khá giả nên trước đây Cẩn được miễn đi lính. Nhưng tính Cẩn lại lêu lổng nên không được chính quyền địa phương đương thời cho tham gia vào các chức việc ở thôn xã. Vợ Cẩn, Phạm Thị Liên, cũng thuộc hạng lười biếng không nhường ai. Cái gia tài vốn khá giả của cha mẹ Cẩn để lại chẳng bao lâu cũng ráo hoảnh. Đến nỗi có hai đứa con nhỏ Cẩn cũng không đủ sức cho đến trường. Quá túng quẩn, vợ Cẩn đã có lần có hành vi không tốt giữa chợ. Vì thế gia đình Cẩn không được bà con xóm giềng nể trọng gì.

    Khi xã Thiện Trường được giải phóng, Phan Cẩn là một trong những người đầu tiên ở xã đã tham gia ủng hộ cách mạng với tất cả nhiệt tình. Vốn mang sẵn mặc cảm bị xóm làng coi thường, Cẩn đã nhân cơ hội này ra sức trả đũa cuộc đời cho lại gan. Cẩn đã chỉ điểm cho cách mạng biết nhà nào có ai làm việc gì trong chế độ cũ, ai giàu, ai nghèo, ai xấu, ai tốt một cách rành mạch. Nhờ thế, chỉ cần một thời gian ngắn cách mạng đã nắm vững tình hình nhân sự trong xã.

    Từ một con người ăn chơi lêu lổng, ánh sáng Mác Lê đã biến Phan Cẩn thành một người đầy thiện chí, phục vụ cách mạng năng nổ đến không ai ngờ. Khi ủy ban nhân dân đầu tiên của xã được thành lập, Phan Cẩn được đề cử làm ủy viên hộ tịch. Một thời gian sau Phan Cẩn được đề cử làm phó chủ tịch đặc trách nông nghiệp. Thời gian đó cũng là lúc chính quyền xã phát động chiến dịch thu mua sản phẩm nông nghiệp. Phan Cẩn đã không quản ngại ngày đêm dò tìm, dẫn người đến từng nhà để vận động dân bán lúa cho nhà nước. Những gia đình cố tình thu giấu, chôn lúa dưới nền nhà hay trong bếp, ngoài vườn, đều bị cặp mắt tinh vi của Phan Cẩn khám phá ra, đào lên hết. Nhờ thế, Cẩn càng được viên bí thư xã Hồ Hoạch tin tưởng…

    Khi xã Thiện Trường lên hợp tác xã, Phan Cẩn được bí thư Hồ Hoạch giao thêm trách nhiệm Chủ nhiệm hợp tác xã này. Giờ đây Hồ Hoạch lại muốn giao việc điều hành công tác đào hồ thủy lợi Thiện Trường cho Phan Cẩn nữa. Nhưng ông còn hơi ngại về khả năng của Cẩn. Một hôm ông gọi riêng Cẩn đến hỏi:

    • Nếu tôi giao việc nghiên cứu và điều hành việc thực hiện cái hồ thủy lợi của xã cho anh, anh liệu làm nổi không?

    Như chộp được cơ hội đi lượm vàng, Phan Cẩn đáp không ngần ngại:

    • Nếu đồng chí bí thư tin tưởng mà giao phó cho em công tác ấy, em nhất định sẽ gắng hết mình để xã mình lập cho được một thành tích tuyệt hảo!

    Hồ Hoạch nắm tay Phan Cẩn xiết chặt:

    • Tôi tin anh, nhưng anh vẫn nên suy nghĩ lại cho kỹ. Vài ngày nữa hãy trả lời dứt khoát để tôi còn định đoạt!
  • Dạ, xin đồng chí bí thư cứ tin em! Sáng mai em sẽ trả lời dứt khoát!

  • Tuy trước mặt viên bí thư xã Phan Cẩn tỏ ra rất tự tin nhưng thật tình trong lòng anh ta cũng không khỏi lo ngại. Xưa nay Phan Cẩn chưa hề có kinh nghiệm nào về ao hồ sông hói cả. Bây giờ đi vào công việc này, lại với tư cách là người cầm đầu nữa, chẳng lẽ cứ nói bừa ra thì thuyết phục được ai? Dù có vì chút quyền lợi mà chấp hành mệnh lệnh, người ta cũng sẽ coi thường mình. Vả lại, nếu cấp trên hỏi đến mà ấm a ấm ớ cũng trơ đời, không chừng còn bị khiển trách hoặc mất việc nữa. Nhưng không sao, cha nó lú còn chú nó khôn! Vào lúc nghỉ trưa, Phan Cẩn lật đật đến quầy thịt heo của hợp tác xã dặn lựa sẵn cho gã một ít thịt và gan lòng thật ngon hẹn chiều ghé lấy.

    Chiều về đến nhà, Phan Cẩn lập tức bảo vợ làm món nhậu. Gã đích thân đi mời mấy vị lão nông quanh đó đến nhà uống rượu. Cẩn đã ân cần mời đến bảy tám vị nhưng cuối cùng chỉ có bốn ông đến. Cẩn chiêu đãi họ hết sức niềm nở khiến ai cũng ngạc nhiên.

    Trong chiếu rượu, Cẩn đem chuyện cái hồ thủy lợi tương lai ra nói. Mấy ông lão, nhất là ông trưởng Vũ, đã tỏ ra hết mình tán thành kế hoạch này. Cẩn ân cần hỏi han từng cụ về nhiều điểm và nhã nhặn lắng nghe từng lời giải đáp của các cụ. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời Cẩn đã triệt để học hỏi ở những vị “giảng viên vô tình” của gã. Khi thấy những điều cần biết đã tạm đủ, Cẩn nói thòng:

    • Nếu ủy ban xã giao cho tôi điều hành việc ấy, tôi có thể nhờ các bác làm cố vấn đó nghe!

    Ông trưởng Vũ cười:

    • Nếu chú Cẩn có điều gì cần hỏi, hễ biết được chúng tôi sẽ nói ngay, có gì đâu mà phải ngại. Cứ lâu lâu đãi chúng tôi nhậu một bữa như thế này là được rồi! Phải vậy không mấy bác?

    Chủ khách đều vui cười hỉ hả uống tiếp.

    Một hồi sau thì mấy ông lão đều chếnh choáng. Tiệc tan, ba vị lần lượt kiếu từ ra về, chỉ có ông trưởng Vũ ngồi nán lại. Chờ cho mọi người đi khuất, ông trưởng Vũ ra vẻ quan trọng nói với Phan Cẩn:

    • Tôi ngồi nán lại đây cũng vì muốn nói chuyện riêng với chú, có mặt mấy ông kia nói không tiện!
  • Thưa, bác cứ nói, cháu rất muốn nghe những lời bác chỉ bảo!

  • Ông trưởng Vũ nói chậm rãi:

    • Theo tôi đoán biết thì đây là một công trình dài hạn mà mọi người dân bắt buộc phải đóng góp công sức. Tôi coi chú cũng như con cháu nên tôi mới góp ý. Việc này nếu chú mà khéo điều hành thì bản thân chú và gia đình cũng không đến nỗi thiệt thòi. Tôi đề nghị với chú nên tuyển ngay một số người thân tín, phải tỏ ra năng nổ, biết hi sinh ít nhất là trong giai đoạn đầu để tranh thủ cảm tình với cấp trên. Khi đã được tin tưởng, không ai còn để mắt đến việc của mình thì chú sẽ được tha hồ làm theo ý muốn. Tôi nói thế chú có hiểu ý không?
  • Cám ơn bác đã cho những ý kiến rất hay, cháu xin ghi nhận.

  • Thế công việc đầu tiên có phải là di dời các hài cốt ở cồn mồ không?

  • Dạ đúng!

  • Việc này cũng không đơn giản đâu! Nếu cần, tôi có thằng cháu, thằng Búa đó, nó cũng là đứa lanh lẹ tháo vát, chú có thể bảo nó lo phần những cái mồ vô chủ không ai dời cho, cứ tính phải chăng với nó là được!

  • Phan Cẩn hơi tức cười: Tưởng giúp mình ý kiến gì, hóa ra lại lo cho cháu ông ta. Nhưng quả thật gã Lê Búa này cũng có khả năng lo việc ấy được. Cẩn nói hàng hai:

    • Dạ, bác cứ yên chí, cháu biết cách xử trí!
  • Có việc đừng quên thằng Búa nghe chú Cẩn, thôi, tôi về để chú ngủ!

  • Đêm đó hai vợ chồng Phan Cẩn bàn tính công việc tới khuya. Sáng hôm sau Cẩn chính thức xin nhận công việc với bí thư Hồ Hoạch.

    Mấy ngày sau ủy ban nhân dân xã Thiện Trường cho yết thị một thông cáo đại lược như sau:

    “… Để tránh tình trạng gây ô nhiễm cho nguồn nước uống có ảnh hưởng đến sức khỏe dân chúng trong xã, chính quyền sẽ cho giải tỏa khu cồn mồ kế cận khu gia cư thuộc thôn 3, tiếp giáp với thôn 2, trong thời gian tới. Những ai có mồ mả người thân thuộc khu cồn mồ nói trên, phải tự động bốc dời đi nơi khác trong thời hạn tối đa là ba tháng kể từ ngày ra thông cáo này đến ngày…  Sau thời hạn đã được ấn định, những mồ mả còn lại được coi như là mồ mả vô chủ. Chính quyền sẽ cho người bốc dời để qui táng tại một khu vực qui định, người thân không được quyền khiếu nại gì cả!…”

    Sau khi thông cáo được đưa ra, nếp sinh hoạt của dân chúng xã Thiện Trường trở nên xao động, căng thẳng lắm. Những gia đình có nhiều mồ mả thân nhân trong vùng đó lâm vào tình trạng khốn đốn. Giữa thời buổi khó khăn này, phải lo cải táng chừng mươi cái mả đã ngất ngư rồi. Dù vậy, dân quê phần quí trọng hài cốt người thân, phần sợ không làm tròn trách nhiệm sẽ bị người cõi âm oán mà quở phạt, nên ai nấy đều phải cố gắng chạy vạy xoay xở để kịp bốc dời. Những người có đủ điều kiện thuận lợi bắt tay vào việc sớm nhất. Những kẻ chưa làm được đều nóng lòng như lửa đốt. Nhiều người phải cưa cả ván đang nằm hay ván làm vách ra đóng quan tài…

    *

    Khi giao việc điều hành công tác đào hồ thủy lợi cho Phan Cẩn, Hồ Hoạch nghĩ mình có thể đã làm mất lòng viên chủ tịch xã. Ông thấy cần phải vuốt ve ông này một tí. Sau khi ra thông cáo cho dân xã dời mồ, Hồ Hoạch nói với chủ tịch Phạm Bá Lâm:

    • Xã mình đang lúc bốc dời mồ mả, thế nào người ta cũng cần tới quan tài. Đồng chí nên bỏ tiền đầu tư đúc một số quan tài bằng xi măng để sẵn đó, khi cần bán cho người ta dùng cũng kiếm được ít nhiều mà xài đấy. Xi măng trong kho mình cũng còn một ít, đồng chí có thể dùng luôn, để lâu nó đúc cứng thành đá vứt đi cũng vậy thôi.

    Hồ Hoạch nói rất có lý. Lấy danh nghĩa lo công vụ cho xã, được mua xi măng theo giá nhà nước để đúc quan tài làm sao không lời được? Lại được bí thư xã cho phép dùng luôn cả số xi măng của xã đang tồn kho, dại gì không làm? Ông Lâm không bỏ lỡ cơ hội:

    • Đồng chí bí thư đã nói vậy tôi cũng xin nghe theo!
  • Được, đồng chí cứ thế mà làm!

  • Thế là chủ tịch xã Phạm Bá Lâm vui vẻ xuất tiền túi tiến hành việc đúc quan tài bằng xi măng. Để tranh thủ sản xuất cho kịp thời điểm, ông Lâm đã cho kêu nhiều thợ làm việc. Chỉ một thời gian ngắn, ông Lâm đã có hàng trăm cái quan tài xi măng. Giá thành được tính tương đối rẻ.

    Hàng vừa bày ra người ta đã đến hỏi mua tấp nập… Thế nhưng số quan tài xi măng của ông Lâm chỉ bán được vài cái rồi khựng hẳn. Ai cũng chê quan tài quá nặng. Ông Lâm đã mắc một sai lầm là cho đúc các quan tài quá lớn trong khi hài cốt của một người chỉ cần một cái hộp nhỏ. Sự việc này đã làm cho ông Lâm bối rối, lo lắng lắm…

     

    Đọc tiếp Chương 22