Thăm Thẳm Trời Xanh / Chương 26

 

Nhiều lúc tôi nghĩ mà mừng thầm: số mạng mình kể cũng lớn thật! Trong đời, tôi chỉ đi củi rừng hai chuyến mà chuyến nào cũng xảy ra chuyện chết chóc! Những tai họa khủng khiếp đã đến với những đồng bạn làm tôi dao động tinh thần không ít. Tôi là người đàn bà yếu đuối, vụng về hạng nhất, thế mà tai họa đã chừa tôi ra quả thật là điều đại phước! Nếu tôi lâm phải hoàn cảnh đó thì mẹ chồng tôi, các con tôi sẽ ra thế nào? Chắc chắn suốt đời tôi khó mà quên hai lần thoát khỏi tai họa chết người trong gang tấc này được. Càng suy nghĩ tôi càng thấy hãi hùng! Tôi tự hứa từ nay tôi sẽ không bao giờ đi củi rừng nữa!

Lúc này công việc đồng áng ngày càng chật vật hơn trước vì nhân số lao động bị giảm đi nhiều. Một số người đã bỏ đi vùng kinh tế mới, một số khác lại kiếm đường buôn bán bay nhảy. Ngoài ra, tập đoàn còn phải chia từng toán ba người một lần lượt tăng cường cho đội công tác thủy lợi. Thế là bao nhiêu công việc cứ đè nặng lên vai những người còn lại. Những con trâu của hợp tác xã vì phải làm việc quá sức cũng chết dần. Tình trạng này khiến tập đoàn phải lựa những người mạnh khỏe để kéo cày bừa thay trâu nên vấn đề nhân lực càng rối ren. Ủy ban nhân dân xã thì cứ một mực động viên, khuyến khích, kêu gọi mọi người gắng sức để khắc phục những khó khăn. Ủy ban hứa nay mai sẽ có máy cày thay thế trâu bò nhưng nay mai là lúc nào? Căn cứ vào đâu để tin được những hứa hẹn này? Giả như chuyện ấy sẽ có thật, liệu tôi còn sức để đợi đến ngày đó không? Số lương thực mà hợp tác xã cấp chỉ đủ cho gia đình tôi sống cầm hơi. Trong khi đó công việc hằng ngày chỉ thấy tăng mà không thấy giảm. Đuối lắm rồi, tôi cảm thấy bi quan hết sức! Vì thương chồng, vì cố giữ ngôi nhà, vì miếng đất hương hỏa của nhà chồng, tôi phải cố gắng ở lại gắng sống với hợp tác xã. Nếu không có những ràng buộc đó chắc tôi sẽ đi vùng kinh tế mới ngay!

Làm sao để thoát khỏi cái hợp tác xã tiên tiến này? Không đi kinh tế mới thì chỉ còn nước đi buôn! Nhưng đi buôn cũng trầy vi trật vảy mấy lần rồi, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn ngán! Vả lại, muốn đi buôn cũng không được, nguồn vốn ở đâu? Trước đây tôi đã làm mất tiêu một số vốn do ông bà ngoại cho, giờ nghĩ lại còn thẹn. Tôi đâu dám mở miệng than vãn với ông bà nữa? Tôi chỉ còn biết trông mong ở anh Hảo. Nếu anh ấy bảo lãnh được ông bà ngoại sang Pháp, tôi sẽ có chút lộc làm căn bản để xoay xở. Đó là chút hi vọng duy nhất còn lại trong tôi!

Nghĩ đến công tác đào hồ thủy lợi tôi càng run sợ. Việc đào đất đào đá, vận chuyển đất đá từ chỗ này sang chỗ khác, sức tôi mỗi ngày mỗi tàn dễ gì làm nổi? Tôi càng nản khi nghe thiên hạ xôn xao bàn tán về vụ làm ăn gian dối của gia đình Lê Búa. Không biết họ bốc dời ra sao mà để xương cốt còn sót quá nhiều. Hiện giờ đào xuống bất cứ chỗ nào cũng có thể gặp xương! Lúc này người ta mới biết gia đình Lê Búa chỉ làm dối trá qua mắt mọi người để lấy lúa! Người ta đã vỡ lẽ vì sao Lê Búa có thể làm việc thành công vượt dự tính của ủy ban nhân dân xã dễ dàng như thế! Những gia đình có mồ mả người thân để lại cho chính quyền di dời càng hối hận, đau lòng. Ai cũng nguyền rủa gia đình Lê Búa thậm tệ. Chuyện những hồn ma hiện về than van, khóc lóc hoặc hăm dọa người thân thế này thế nọ, cả cái chết của cô Ánh nữa, đã lắng dịu khá lâu, nay có dịp lan truyền trở lại.

Số người tập đoàn 9 tăng cường cho đội công tác thủy lợi trong đợt 1 và đợt 2, mỗi đợt nửa tháng, đều là người tình nguyện. Đến đợt 3 không còn người tình nguyện nữa nên tập đoàn phải quyết định cho bốc thăm. Nghe tin này tôi bủn rủn cả chân tay. Như thế chẳng sớm thì muộn tôi cũng dính! Khi đem ý nghĩ của mình nói ra tôi mới biết hầu hết đàn bà đều mang tâm trạng như tôi…

Trong một buổi họp tập đoàn, khi vấn đề bốc thăm để lấy phiên đi đào hồ thủy lợi được đưa ra, chị Vàng đã phát biểu:

  • Thưa bà con, việc đào đất, chuyển đất là công tác nặng nhọc, phần đông chị em phụ nữ chúng tôi không kham nổi. Lại nghe nói xương cốt người ta đào còn sót quá nhiều, bọn phụ nữ chúng tôi yếu bóng vía mà gặp phải xương cốt lại càng mất tinh thần. Nếu giao cho phụ nữ công tác ấy tôi nghĩ hiệu năng công tác sẽ kém đi nhiều. Vậy, tôi xin đề nghị các bậc nam nhi đại trượng phu mạnh mẽ gan dạ gắng gánh vác luôn cho công việc đó, chị em phụ nữ sẽ gắng làm công việc khác bù lại!

Tất cả đàn bà đều vỗ tay nhiệt liệt. Ông Nhiêu thấy thế lên tiếng:

  • Bà Vàng nói như thế không đúng lắm đâu. Tại sao các công trình thủy lợi trước đây đàn bà đều tham gia được hết? Thời này mà còn tin ma quỉ! Hiện giờ đang lúc làm đất mà trâu lại thiếu, người phải kéo cày thay thế, số đàn ông không đủ, liệu các bà có  kéo cày nổi không? Ruộng cạn thì không nói làm gì, các bà có thể làm như đàn ông được. Nhưng tập đoàn chúng ta còn có rất nhiều ruộng sâu. Có thể khi mình bước xuống ruộng nước đã ngập tới rốn. Khi kéo cày lại phải rướn mình tới, thân mình càng hạ xuống nước càng ướt lên cao hơn. Tôi chưa nói đến sức khỏe, liệu các bà có chịu nổi với những con đỉa tinh quái cứ tìm chỗ hiểm để hút máu không? Kinh nghiệm qua cái chuyện đã xảy ra cho bà Ngọc các bà còn nhớ chứ? Các bà sợ đào thủy lợi hay sợ đi cày?

Nghe ông Nhiêu nhắc chuyện cũ tôi lại rùng mình! Bao nhiêu con trâu khỏe mạnh của hợp tác xã đã lần lượt đuối sức mà chết vì việc cày bừa! Đàn ông kéo cày còn có lý, đàn bà sức đâu để kéo cày? Lại thêm cái giống đỉa tinh ma kia nữa! Giờ biết tính sao đây? Tôi đang phân vân bỗng nghe chị Lâm phát biểu với giọng bực bội:

  • Ông an ninh nói vậy chứ thời nào mà chẳng có ma quỉ? Chuyện đỉa chuyện ruồi khi đã biết thì chúng ta cũng đề phòng được! Đào đất đuối sức cũng chết, kéo cày đuối sức cũng chết! Nhưng kéo cày nếu chưa chết thì về nhà còn ngủ yên được chứ đào đất gặp xương cốt như thế về nhà tất bị ma quỉ ám ảnh liệu chịu nổi không? Nếu bắt buộc phải chọn một trong hai đường đó, chúng tôi đành chọn kéo cày thôi!

Ông Nhiêu nghe nói nổi giận sẵng giọng mắng:

  • Có gì mà chị nói đến chết chóc? Làm việc là để mình ăn, không làm lấy gì ăn? Bà không được buông ra những lời vô trách nhiệm để làm mất tinh thần người khác! Nếu ai còn ăn nói bừa bãi như vậy tôi sẽ đề nghị đưa lên xã để kiểm thảo!

Với tôi thì chị Lâm đã nói đúng! Chuyện người mà phải kéo cày thay trâu tuy vượt ra ngoài sự tưởng tượng đối với cánh đàn bà thật, nhưng nếu chỉ được lựa chọn giữa việc đào xương hốt cốt và việc kéo cày thay trâu thì chúng tôi đành chịu kéo cày thôi!

Trong khi cánh đàn bà phát biểu về những khó khăn của mình trong việc đào thủy lợi và kéo cày thì cánh đàn ông cũng bàn tán về vụ đó với một thái độ thông cảm.

Sau khi dọa nạt cho đã, ông Nhiêu lại trấn an:

  • Các bà không dám đào hồ thủy lợi thì phải đi cày thôi. Nhưng tôi nghĩ các bà cũng không nên lo lắm! Việc người kéo cày thay trâu ngày nay đã được cải tiến nhiều chứ không phải như thời phong kiến đâu! Xã ta đã có “phát minh Ngưu Từ” được coi như là một phát minh mới mẻ, thuận lợi cho việc cày ruộng sâu cũng như ruộng cạn. Các bà chỉ cần dùng một phần sức lực là có thể kéo chiếc cày trên ruộng nhẹ nhàng như đi chợ. Cố gắng một thời gian ngắn nữa thôi! Mai mốt đây đến thời kỳ cơ giới hóa nông nghiệp, chúng ta sẽ có máy móc để cày bừa, để đập lúa, khi đó chúng ta sẽ tha hồ thảnh thơi!

Ông Nhiêu lại làm con vẹt nữa rồi – tôi cười thầm! Có lẽ chẳng ai để ý đến lời ông, ông ta muốn nói cứ việc nói thoải mái. Cú kêu miệng cú, xôi thịt vẫn quỷ thần hưởng! Ai cũng biết có đề nghị, có tranh luận cũng không thay đổi gì được. Cũng chẳng ai muốn tìm hiểu cái phát minh Ngưu Từ ngưu bi gì đó lại có thể kéo cày dễ dàng như đi chợ. Người ta chỉ mong sao cho buổi họp chóng kết thúc để về nghỉ dưỡng sức!

May thay! Cuối cùng, có lẽ nhờ tinh thần trượng phu vẫn tồn tại trong huyết quản, cánh đàn ông, tuy còn rất ít họ vẫn thuận gánh vác cả hai việc tăng cường cho đội thủy lợi lẫn việc kéo cày!

*

Sau đây tôi cũng xin nói sơ qua cái “phát minh Ngưu Từ” kéo cày thay trâu dễ như đi chợ mà ông Nhiêu đã nói. Ngưu Từ vốn là một nông dân gốc Bắc đã từng đi bộ đội. Sau ngày thống nhất, ông ta đem gia đình vào Trung rồi cư ngụ tại xã Thiện Trường. Lúc bấy giờ ở xã này đã thành lập hợp tác xã. Tất cả trâu cày cũng như thuyền bè của tư nhân trong xã đều đã được hóa giá để hợp tác xã sử dụng. Có một điểm đặc biệt về sự hóa giá này là hợp tác xã không trả tiền mặt hay tài sản khác ngay cho thân chủ mà chỉ trả dần bằng lúa qua nhiều mùa theo lối nhỏ giọt. Khi có chuyện khẩn phải dùng đến tiền bạc như cưới hỏi, tang ma… thân chủ phải làm tờ trình lên xã để xin lấy bớt nợ. Những người có tài sản bị hóa giá chịu ngậm đắng nuốt cay đã đành, những con trâu vô tội cũng mang tai họa lây! Những đợt thi đua làm ăn vượt chỉ tiêu giữa các tập đoàn được phát động gần như thường xuyên đã bòn rút cùng kiệt sức lực của chúng. Cỏ rơm thiếu, việc lại quá nhiều, có khi cày cả ngày, tối còn đạp lúa đến nửa đêm. Chúng đã trở thành của chung nên không còn mấy ai chú ý săn sóc chúng. Người ta đã sử dụng chúng một cách vô tội vạ, miễn sao cho chạy việc. Thậm chí có kẻ còn mong chúng chết để có thịt ăn. Vì thế, những con trâu vô phước ấy cứ lần lượt gục xuống. Vài ba con đã ngã gục trong khi đang làm việc giữa đồng. Con trâu nào cày càng giỏi càng chóng chết! Người thương tiếc trâu rất ít mà người mừng vui khi trâu bị nạn lại quá nhiều! Lý do đơn giản là có khi người ta được chia thịt hoặc được mua rẻ hơn giá thị trường – dù chỉ một phần nhỏ nhoi. Cái chất thịt lúc bấy giờ quá quí ai mà chẳng ao ước? Những ông lớn lại chỉ nghĩ đến chuyện đạt thành tích chứ đâu có quan tâm đến điểm tâm lý này! Khi ủy ban nhân dân và ban điều hành hợp tác xã nhận ra điều đó thì đã quá muộn. Trâu cày thiếu tất nhiên việc cày ruộng trở nên khó khăn.

Chính lúc đó anh nông dân Ngưu Từ đã đưa ra cái “phát minh” mới mẻ của mình!

Người ta dùng một chiếc ghe (loại tròng nhỏ đan bằng tre, trát nhựa rái hay dầu hắc), trên thân ghe buộc hai đoạn thân tre rỗng lòng nằm ngang, hai bên thừa ra ngoài vừa tầm cho mỗi bên một người có thể cầm hai tay để đẩy hay buộc dây vào quàng lên vai để kéo tùy ruộng sâu hay cạn. Hai đoạn tre phải sử dụng tới bốn người đẩy hay kéo. Đằng sau ghe buộc một cái cày do một người thứ năm điều khiển. Nhờ thân ghe nhẹ và trơn, có thể trợt trên đất cày hay nổi trên mặt nước, lại với sức đẩy hoặc kéo của bốn người… thấy cũng khí thế lắm…

Nhưng “phát minh Ngưu Từ” chỉ áp dụng được một thời gian ngắn. Nghe cổ động có vẻ xôm tụ lắm nhưng đi vào thực tế thì không mấy ai hài lòng. Người ta đã đo lường thành quả bằng một cuộc cày thi. Hai lưỡi cày “trâu người” không thể nào theo kịp một lưỡi cày “trâu thật”. Nói chung, mười người cày không bằng sức một con trâu với một người cày. Đó là chưa kể những tai nạn đã xảy ra liên tiếp cho những “con trâu người” này. Người kéo cày đâu có thể cúi mặt nhìn dưới chân mãi được! Mà có nhìn cũng khó nhìn kỹ được vì đất ruộng mấy khi không có nước? Thế là họ cứ đạp nhằm mảnh chai mảnh chén, liềm hư cuốc gẫy… Dù vết thương không nặng nhưng cũng tốn ít nhiều thuốc men, có khi phải nghỉ mất vài ba công lao động…

Cánh đàn bà chúng tôi thật tình rất biết ơn sự hi sinh của cánh đàn ông trong việc kéo cày này. Nếu việc đó giao cho bọn đàn bà chúng tôi, chắc hẳn sự khó khăn và rủi ro sẽ không biết đâu mà nói.

Kiểu cày Ngưu Từ đã dần dần làm cho người ta sợ hãi. Nhiều nông dân sợ tình trạng ấy kéo dài bèn lần lượt bỏ làng đem gia đình đi vùng kinh tế mới hoặc tìm nơi khác sinh sống. Rồi một nông dân tên Đạt ở tập đoàn 6 trong khi kéo cày chân trái anh ta dẫm phải một mảnh sắt vụn, bị làm độc phải đưa đến nhà thương. Kết quả cái chân ấy bị cưa! Sự việc này xảy ra đã khiến không còn ai muốn kéo cày nữa. Từ đó “phát minh Ngưu Từ” tuột dốc rồi bị khai tử!

*

Cũng may, cùng tắc biến, biên tắc thông!

Thấy tình trạng nông vụ của hợp tác xã có thể lâm cảnh trì trệ, ủy ban nhân dân xã Thiện Trường bất đắc dĩ phải thực hiện việc vay tiền ngân hàng để mua một số máy cày về sử dụng như đã hứa với nông dân.

Giữa lúc tôi đang hết sức bi quan thì những chiếc máy cày đã xuất hiện trên cánh đồng như những thiên thần cứu rỗi! Sức máy cày đã vượt xa sức trâu không biết bao nhiêu lần. Những thửa đất được dùng máy cày xới xong lại bừa nhuyễn từng khoảnh ruộng lớn một cách dễ dàng. Nông dân chỉ còn việc phụ cuốc, băm ở các góc ruộng, ven bờ, những nơi dùng máy bất tiện. Những chiếc máy cày đã thật sự đem lại niềm vui cho mọi người. Mấy người trước đây kéo cày nay cũng về làm chung với chúng tôi khiến công việc trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Tôi lại hi vọng dung thân ở tập đoàn này thêm một thời gian nữa để đợi chờ tin vui từ anh Hảo!

Thế nhưng niềm vui đó không kéo dài được lâu! Xã lúc nào cũng có nhiều công việc chờ sẵn. Mọi người hân hoan chưa trọn một tuần lễ thì ủy ban xã đã ra lệnh cho các tập đoàn tăng cường người để xây dựng nhà kho, thiết lập các sân phơi mới.

Trước kia, khi hoạt động nông nghiệp ở xã mới nâng cấp từ cá thể lên tập đoàn, người ta vẫn dùng các sân tư nhân để trâu đạp lúa hay phơi lúa, phơi rơm. Tất nhiên người ta phải lựa những cái sân lớn, thường là loại sân được xây bằng gạch. Nhưng đem của chung mà phơi phong ở sân tư nhân thường khó tránh khỏi sự thất thoát, gây nhiều bất tiện cho việc quản lý. Vì thế, khi đưa cơ giới vào hoạt động nông nghiệp, xã cho tiến hành ngay việc xây dựng 4 nhà kho và 4 cái sân rất lớn cho 4 thôn.

Người ta đã tính kỹ việc tập trung này sẽ tạo được nhiều tiện lợi cho hợp tác xã:

-Thứ nhất, lúa gặt tập trung về một chỗ dễ quản lý, việc phơi phong, việc xuất nhập đều thuận tiện.

-Thứ hai, dễ áp dụng lối đạp lúa bằng xe cơ giới vừa kỹ vừa đỡ tốn công sức rất nhiều so với lối đạp lúa bằng sức trâu hay đập bồ.

Thật sự đường lối tập trung quản lý này đã được xã dự tính từ trước nhưng tới giờ mới thực hiện. Để có những sân rộng lớn theo nhu cầu, xã đã tìm đủ cách để thuyết phục nhiều gia đình hi sinh khu gia cư của họ đã sống qua nhiều đời dời đi nơi khác, nhường đất lại cho xã. Công việc thuyết phục này cũng gay go lắm.

Riêng ở thôn 3 cuối cùng vẫn có một gia đình nhất định không chịu dời chỗ ở. Nhưng sự liều lĩnh này cũng không ngăn trở được quyết tâm xây nhà kho và sân phơi của xã. Lấy lý do bảo vệ của công, xã cho rào quanh khu gia cư của gia đình này lại, chỉ chừa cho họ một lối ra vào…

Thế rồi công việc lại đến tới tấp với mọi người. Rốt cục đâu vẫn hoàn đấy. Chúng tôi lại chỉ biết cười với nhau:

  • Thôi, để khi nào mọi việc hoàn thành hết chúng ta sẽ tự do hưởng thụ!

*

Năm ấy nhờ mưa thuận gió hòa đã giúp nông dân xã Thiện Trường nhiều thuận lợi trong công việc. Phần khác, tuy chỉ xuất hiện vào cuối mùa cày, nhưng ngành cơ giới đã hoạt động khá hữu hiệu trên cánh đồng. Vụ lúa đó xã Thiện Trường lại trúng, so ra vượt trội những vụ trước khá xa. Cả một cánh đồng lúa trĩu hạt lồ lộ như một tấm thảm vàng khổng lồ xưa nay chưa từng thấy!

Ban truyền thông xã ngày đêm không ngớt ca ngợi cái thành quả do sự lãnh đạo sáng suốt và tài điều hành của ủy ban nhân dân cùng ban quản lý hợp tác xã tạo nên. Ban truyền thông cũng cho biết sắp tới xã cũng sẽ cho áp dụng lối đạp lúa bằng xe đạp lúa vừa nhanh vừa đỡ tốn kém, nhất là lúa lại được tuốt kỹ hơn so với các lối đạp lúa cổ điển như điều khiển trâu dẫm hay đập bồ.

Bắt đầu vụ gặt tháng tám Đinh Tỵ hợp tác xã Thiện Trường chính thức sử dụng các nhà kho, các sân phơi lớn mới xây dựng.

Khu nhà kho thôn 3 chúng tôi rộng khoảng trên 4 mẫu tây. Trong bước đầu, chưa có đủ tiền để xây sân bằng xi măng hoặc tráng nhựa, xã đã cho đắp nền sân bằng một thứ đất vôi đặc biệt. Mặt sân được cán thật nhẵn bởi bánh xe ru-lô, rộng thênh thang mới trông qua tưởng nó như là một phi trường.

Các vụ trước, tập đoàn chúng tôi thường gặt lúa về cho trâu đạp ở nhiều sân khác nhau. Việc chất lúa thành giã cho trâu đạp thường chỉ giao cho một hay hai người quen việc chuyên lo. Giã lúa có thể được chất nhiều hơn thời làm ăn cá thể phần nào nhưng bao giờ cũng được giải quyết trong ngày hoặc trễ lắm là hôm sau.

Giờ đây, trên cái sân rộng thênh thang mới hoàn thành của thôn, người ta đã chất một giã lúa to lớn chưa từng thấy. Ngày đầu, khi gánh lúa về, tôi đã thấy sẵn một giã lúa của tập đoàn nào đó chất sẵn. Thấy ông thư ký thống kê của hợp tác xã cũng đang có mặt ở đó, ông Tuất là người chuyên chất lúa của tập đoàn 9 hỏi:

  • Bây giờ chúng tôi chất lúa ở đâu?

Ông thư ký thống kê chỉ tay vào giã lúa có sẵn:

  • Cứ chất tiếp vào đó!

Ông Tuất tỏ vẻ ngạc nhiên nói:

  • Tập đoàn 9 gặt cũng nhiều rồi. Chất tiếp vậy giã lúa có lớn quá đi không? Tôi thấy hình như ai chất trước đây lộn xộn quá ông thống kê ơi!
  • Lo gì mấy cái chuyện lẻ tẻ đó. Cứ chất vào đi. Đạp lúa bằng xe cơ giới mà sợ gì! – Ông thống kê hất hàm.

Ông Tuất có vẻ không bằng lòng. Khi chất xong gánh lúa của mình, ông bỏ đi uống nước. Viên thống kê thấy tôi và mấy người khác sau khi trút hai bó lúa xuống gần giã lúa, còn dật dờ chờ đợi liền bảo:

  • Mấy ông mấy bà cứ chất đại vào đi!

Thế là chúng tôi chỉ biết nghe lời, lúa của ai nấy chất. Khi đi gánh gánh khác, ông Tuất nhún vai nói:

  • Tôi sợ rồi khó mà xảy rơm đó!

Có lẽ những người khác nghĩ ông Tuất muốn quan trọng hóa cái việc chất lúa của mình nên không thấy ai tán thành ý kiến ấy. Giã lúa đã quá lớn mà người ta cứ tiếp tục cho chất mãi, chất mãi. Nhiều người ngạc nhiên hỏi nhưng ông thống kê trả lời:

  • Đã đạp lúa bằng xe cơ giới mà còn ngại gì nữa? Tôi sẽ cho chất lúa của cả hai chục mẫu ruộng vào một giã đó. Vừa rộng đường cho máy đạp di chuyển vừa đỡ tốn dầu nhớt.

Thật là một giã lúa vĩ đại! Đó là một giã lúa to lớn chúng tôi mới thấy lần đầu tiên trong đời!

Rất nhiều người trông đợi xe đạp lúa sắp đến để xem nó như thế nào, làm việc ra sao. Khi chiếc xe đạp lúa xuất hiện tôi mới thấy mình quê một cục. Thì ra đó chỉ là cái xe máy cày nhưng không gắn bộ phận lưỡi cày thôi. Nghĩa là chỉ có thay thế chân trâu bằng mấy bánh xe cao su có khía để xoáy nghiến cho lúa hạt rời ra khỏi nhánh chứ chẳng thêm gì khác!

Máy cày cũng chạy vòng vòng trên giã lúa như trâu nhưng tốc độ nhanh hơn. Máy chạy chưa khắp giã lúa thì một trận mưa ập đến! Trong lúc mọi người chạy tránh mưa người lái máy cày vẫn tranh thủ thời gian tiếp tục làm việc. Trận mưa kéo dài đến gần nửa giờ.

Khi thấy lớp lúa trên mặt đã rụng khá sạch, mấy ông có trách nhiệm bảo xe tạm nghỉ để trở rơm. Mọi người hăng hái cầm mỏ xảy xúm nhau làm việc. Nhưng chẳng mấy chốc mọi người đều kêu toáng lên:

  • Không xong! Máy cày dằn mạnh quá, lại bị mưa làm rơm dệt cứng với nhau, mỏ xảy móc lên không nổi.
  • Sao lạ vậy nè, thế này thì bao giờ mới trở xong rơm?

  • Ông Tuất lúc đó mới lên tiếng:

    • Không phải chỉ do máy cày dằn mạnh đâu, lỗi tại mấy người không biết chất lúa cứ chất đại lên không thứ lớp gì cả giờ mới thành ra thế này!

    Một ông tập đoàn trưởng phụ họa:

    • Đúng rồi! Lỗi tại mình không cắt người chuyên việc chất lúa như thường lệ. Thế này thì công việc chậm trễ mất! Phải tìm cách giải quyết gấp mới được!
  • Chất lúa gì mà ham quá! Cứ nghĩ chất giã lúa càng lớn xe càng dễ xoay trở, đạp ít mất thì giờ! Nếu cứ làm từng giã vừa vừa đâu đến nỗi! – Một người khác than.

  • Nhưng ông Nhiêu vẫn tỏ ra hăng hái:

    • Chẳng lẽ chúng ta chịu thua sao? Tất cả hãy cố gắng làm lại xem sao!

    Mọi người lại hì hục làm việc. Kẻ dùng tay để lôi rơm, người gắng dùng mỏ xảy để móc. Nhưng rồi tốn sức một hồi lâu cũng chẳng ai làm được gì đáng kể. Khi ấy mọi người mới chịu khen ông Tuất là người có kinh nghiệm đã thấy trước vấn đề. Viên thống kê hợp tác xã nghe vậy bèn lên tiếng:

    • Thua keo này bày keo khác. Với tình trạng này dù tất cả mọi người có tập trung làm việc suốt đêm cũng chưa chắc đã trở xong giã rơm này. Xe thì ngày mai còn phải tranh thủ đi làm chỗ khác. Bây giờ cứ cho nó lên cán tiếp một tùa nữa rồi mình tìm cách giải quyết sau!

    Không ai có ý kiến gì khác. Thế là người lái máy cày lại cho xe chạy tiếp.

    Trong khi đó tất cả xã viên được mời vào nhà kho họp để bàn thảo, rút tỉa kinh nghiệm, phân chia công việc sắp tới. Nhiều người đã yêu cầu ông Tuất phát biểu về sự hiểu biết của mình cho mọi người cùng nghe. Ông Tuất bèn nói:

    • Thưa bà con, bà con đã hỏi không lẽ tôi không nói. Tôi không dám múa rìu qua mắt thợ đâu. Tôi biết ở đây có nhiều vị có kinh nghiệm làm nông hơn tôi. Tôi xin lỗi trước những vị đó. Tôi chỉ xin lấy tư cách của một người đi trước để nói chuyện với những người mới tập sự làm ruộng. Theo tôi, chất lúa vào giã để đạp cũng phải có kỹ thuật riêng. Phải biết chất từng lớp, thuận chiều, cứ bông lúa lên trên cuống rạ xuống dưới, chất từ trong ra ngoài trâu đạp mới tiện. Rơm cũng sẽ đi từng lớp, từng thớ, và như thế việc trở rơm mới dễ. Việc trở rơm rất quan trọng. Nếu chất lúa ngổn ngang không theo thứ lớp, khi trâu đạp rơm sẽ đan dệt vào nhau, búi beng, trở rơm rất khó. Sau khi dắt trâu đạp khắp mặt giã lúa xong, người ta thường cho trâu tạm nghỉ để thợ gặt trở rơm. Lúc đó mỗi người cầm một cái “mỏ xảy” để móc rơm lên. Mục đích của việc làm này là đảo lộn lớp lúa chất phía dưới lên phía trên vì lớp dưới chân trâu dẫm không tới, lúa chưa rụng hết. Đồng thời cũng là để giũ cho hạt lúa lọt xuống dưới. Khi đã đảo trộn toàn giã lúa xong, người ta lại dắt trâu dẫm lại đợt khác. Tùy theo lúa rụng sạch hay chưa, có khi người ta cho trở rơm rồi dắt trâu dẫm tiếp tới hai hoặc ba lần. Nếu đạp mà không trở rơm thì lúa không ra hết. Vì thế, thường người ta chỉ để một hai người thành thạo lo việc chất lúa thôi. Nay cứ mạnh ai nấy chất, trâu đạp mà còn dệt cứng vào nhau trở không nổi huống giờ đây cán bằng xe máy cày nặng hơn trâu biết bao nhiêu lần, lại gặp lúc có mưa nữa! Kinh nghiệm của tôi chỉ có bấy nhiêu, tôi nói lếu láo xin bà con đừng chấp.

    Bây giờ thì mọi người đã hiểu ra. Thật tình lần này vì quá tin tưởng vào khả năng của xe cơ giới như ủy ban xã đã đề cao, các tập đoàn lại muốn tranh thủ thời gian để có giờ nghỉ, nên khi đưa lúa về, họ cứ mạnh ai nấy chất. Trong đó lại có nhiều nông dân bất đắc dĩ mới đi làm ruộng lần đầu có hiểu gì về sự quan trọng của việc chất lúa đâu! Nhất là thợ gặt lại gom từ nhiều đơn vị về, mới gần gũi nhau nên còn vị nể nhau, không ai muốn phê phán hay chỉ bảo ai. Rốt cục, hợp tác xã đã vấp phải cái trở ngại đáng nhớ đời ấy.

    Một điều trùng hợp hi hữu là cả ba thôn khác của xã Thiện Trường hôm ấy cũng đồng loạt vấp phải một trở ngại như thế. Nghĩa là cả bốn giã lúa to lớn của cả bốn thôn đều lâm tình trạng bế tắc khi trở rơm.

    Sau này người ta mới biết là hợp tác xã đã phân công cho mỗi viên chức của mình chỉ huy việc đạp lúa một thôn. Có lẽ bốn người điều khiển đã hội ý với nhau trước khi ra quân. Vì hăng say thi đua vượt chỉ tiêu, cố tiết kiệm công sức, nhiên liệu, nhưng lại không rành việc nên  họ đã vô tình gây ra tình trạng khó khăn giống nhau.

    Hôm sau, vì còn cần người gặt nhiều nơi khác, hợp tác xã cho mỗi thôn cắt ở lại một toán để lo việc gỡ rơm ở giã lúa của mình. Nhưng suốt một ngày chẳng toán nào gỡ được bao nhiêu. Bất đắc dĩ ông chủ nhiệm Phan Cẩn lại phải cho hi sinh thêm một ngày nữa để các thôn tập trung người quyết tâm dứt điểm vấn đề trên. Nào ngờ kết quả vẫn hết sức khiêm tốn!

    Cuối cùng, ông chủ nhiệm Phan Cẩn chỉ biết lắc đầu:

    • Thôi, lúa đã đem về nhà dù có sao cũng vẫn còn đó. Giờ phải lo giải quyết số lúa còn ngoài đồng cho xong đã. Nếu không lỡ trời mưa xuống lại thêm khốn!

    Thế rồi những giã lúa kế tiếp được chất cẩn thận, có phương pháp trở lại và dĩ nhiên cũng lớn vừa phải chứ không quá “vĩ đại” như bốn giã lúa đầu tiên. Nhờ thế, việc rắc rối không xảy ra nữa.

    Cho tới khi đã thanh toán toàn bộ lúa ngoài đồng xong các tập đoàn mới có thì giờ để trở lại giải quyết những “giã lúa vĩ đại” đầu tiên. Trải gần một tháng nằm chịu trận qua mấy cơn mưa lớn nhỏ, lớp rơm dày cộm bị ủ đống lại nên sinh nhiệt, phần nhiều đã có phần rã mục. Hễ đụng đến là bốc hơi ngun ngút. Lúc này người ta đã có thể dùng tay lôi lên từng nắm rơm để giũ lúa hạt ra khá dễ dàng. Chỉ ngặt một điều lúa hạt đã đâm rễ trổ mầm khá nhiều. Sau khi hốt lớp lúa trên mặt đất, người ta còn thấy cả một lớp lúa khác lún sâu xuống lớp đất pha sét của mặt sân dày đến nửa tấc. Chúng tôi phải mất khá nhiều công hì hục cạy lên đem làm sạch phơi khô.

    Lúc đầu ban quản lý hợp tác xã ra lệnh các tập đoàn phơi riêng số lúa này để dành cho vịt ăn. Thế nhưng sau khi phơi khô khén, thấy lúa tuy hơi sậm màu nhưng hạt nào hạt nấy vẫn no tròn, ban quản lý lại đổi ý. Thế là các tập đoàn lại đem số lúa này chia cho một số xã viên.

    Số lúa này đương nhiên sẽ cho gạo không được tốt. Ban tự quản đã khôn khéo phân phối cho những người thật thà dễ tính, yếu thế. Chị Hiền cũng như tôi đều nằm trong số đó. Tôi vốn không mấy kinh nghiệm về lúa gạo, thấy được chia lúa khá đẹp thì cứ mừng. Tới khi đem xay giã thấy gạo ít tấm cám nhiều, cơm lại không được dẻo mới hiểu ra. Dĩ nhiên chúng tôi chỉ còn biết chửi thầm…

     

    Đọc tiếp Chương 27