“Rằng Trăm Năm Cũng Từ Đây…”

Cô giáo Lan Lê

Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc. Noam Chomsky, một nhà ngữ học người Mỹ rất nổi tiếng đã nhận định rằng:” Language is not an abstract construction of dictionary makers, but is something arising out of the work, needs, ties, joys, affections, tastes of long generations of humanity.” (Ngôn ngữ không phải chỉ là một cấu trúc trừu tượng được viết trong tự điển, mà là những gì nảy sinh ra từ những sinh hoạt, những nhu cầu, những gắn bó, niềm vui, cảm xúc,sở thích trải qua nhiều thế hệ của con người). Quả thật, tự thuở hoang sơ tại vùng châu thổ sông Hồng, ngôn ngữ và chữ viết của giòng giống Lạc Việt đã được tổ tiên gìn giữ, lưu truyền để chuyển tải tình  yêu nước và quyết tâm giữ nước của dân tộc.

Về nguồn gốc văn hóa dân tộc, trong bài “Chữ Việt của Đức Thánh Trần Hưng Đạo” Luật sư Nguyễn Công Bình đã chứng minh rằng dân Lạc Việt đã có tiếng nói và chữ viết. Để tiếng nói và chữ viết ấy được trường tồn là cả một công lao khó nhọc mà nhiều phen đã phải trả giá bằng máu và nước mắt của tiền nhân. Tương truyền rằng từ 2000 năm trước công nguyên cho đến đời nhà Trần chỉ một chữ “Việt” thôi, một chữ nhưng là một biểu tượng cho nòi giống Việt kiêu hùng đã năm lần được tổ tiên ta viết lại trên các văn kiện để phản kháng âm mưu thâm độc của người Tàu khi sang đô hộ nước ta đã xóa đi, đục bỏ, và viết lại để nhục mạ dân tộc ta.  Chữ Việt thứ I được viết với hình tượng đàn chim Lạc mang cánh bay cao.  Chữ Việt thứ II được viết mang hình lưỡi cày.  Chữ Việt thứ III mang hình Tiên Rồng. Chữ Việt thứ IV mang hình trống đồng.  Và chữ Việt thứ V mang hình cày cấy.  Người Tàu từ khi áp đặt chế độ đô hộ tại nước ta vào năm thứ III trước công nguyên đã cố tình hạ nhục người Việt bằng cách viết chữ đó ghép thêm bộ “tẩu” hàm ý dân Việt khiếp nhược, hễ thấy quân Tàu là tháo chạy.  Đến đời nhà Trần, Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã cho xóa bỏ quá khứ mất gốc đó bằng chữ Việt dạng mới.  Từng nét viết trong chữ Việt của Đức Trần Hưng Đạo đều có ý nghĩa.  Ngài muốn làm sống lại trong lòng dân Việt lịch sử oai hùng của nước Việt và đòi hỏi ta lòng thành kính biết ơn tổ tiên và các đấng anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước.  Đức Lê Lợi cùng công thần Nguyễn Trãi cũng đã dùng chữ Việt thiêng liêng lịch sử này để viết trên các văn kiện đánh đuổi giặc Minh.  Sau đó năm 1479, vua Lê Thánh Tông đã trịnh trọng cho viết chữ Việt của Đức Thánh Trần Hưng Đạo đầy uy linh ngạo nghễ vào trang bìa sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Ý thức gìn giữ, lưu truyền tiếng Việt còn được thể hiện qua cách sáng chế ra chữ Nôm.  Với chủ đích tránh cho con cháu không thể quên tiếng Việt, các cụ ngày xưa đã mượn xác chữ Tàu có âm gần với tiếng Việt rồi ghép thêm vào đó nét viết để chỉ ý nghĩa của chữ đó. Nhờ sáng kiến ấy mà tiếng Việt đã được ghi chép thành văn bản và nâng lên hàng thi ca.  Bài “Văn Tế Cá Sấu” của Hàn Thuyên đã được ghi nhận như bài thơ chữ Nôm đầu tiên.  Và ngôn ngữ Việt mượt mà, phong phú đã được thiên tài Nguyễn Du chuyển đạt bằng chữ Nôm qua tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh” bất hủ.

Biến cố 30 tháng tư 1975 đã đẩy đưa hàng triệu người dân Việt định cư trên toàn thế giới.  Sau khi đã ổn định đời sống trên các quê hương mới, tình hoài hương trong lòng người Việt hải ngoại thúc đẩy nhu cầu phải duy trì tiếng Việt cho các thế hệ sau.  Với tinh thần chống cộng tích cực,  đồng bào hải ngoại rất dị ứng với những gì do chính quyền cộng sản chủ trương hay xử dụng.  Một lần tôi tình cờ nghe được mẩu đối thoại giữa hai bà đứng tuổi.  Một bà nói:”Tôi nói với vợ chồng thằng Tân là không được cho con nó học Việt ngữ tại một trung tâm nọ vì tôi nghe thằng nhỏ đánh vần theo kiểu “a, bờ, cờ” của tụi Việt cộng!”

Với những kinh nghiệm học và dạy qua ba môi trường giáo dục: được đào tạo và dạy trong nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, rồi 3 năm dạy trong nhà trường Xã Hội Chủ Nghĩa, nhất là 20 năm dạy tại các trường công lập tại Hoa Kỳ, tôi đã được biết rằng ngôn ngữ được thể hiện qua âm thanh và chữ viết. Victoria Fromkin và Robert Rodman trong sách “An Introduction to Language” đã viết rằng:”Knowing a language is knowing that certain sound sequences signify certain concepts or meaning.”(sự hiểu biết về một ngôn ngữ là hiểu biết về những chuỗi âm thanh biểu thị những khái niêm hay ý nghĩa nhất định.) Những âm thanh ấy được biểu thị bằng những nét vẽ như những chữ viết tượng hình của người Trung hoa, Ả rập v…v… hoặc được ký hiệu bằng những mẫu tự như chữ viết của hầu hết các nước Âu Tây.  Dân tộc ta được thừa hưởng công lao sáng tạo của cố Alexander Rhode (người Việt gọi là cha Đắc Lộ) mà có được thứ chữ quốc ngữ rất tiện lợi để chuyển tải ngôn ngữ và văn hóa. Theo cách dạy trẻ học ngôn ngữ tại nhà trường Mỹ thì phải dạy các cháu cả hai yếu tố căn bản là: ngữ âm (phonetics) và mẫu tự (alphabets). Ở đây tôi không đi sâu vào ngữ học mà chỉ nói qua phương pháp dạy đọc để các phụ huynh yên lòng khi thấy các thày cô tại Mỹ mà lại dạy các cháu học vỡ lòng tiếng Việt đánh vần theo kiểu “a, bờ, cờ”.

Trước 1975, chúng ta đã được dạy đánh vần theo mẫu tự.  Ví dụ: chữ “tiền” được đánh vần như sau: tê- i-ê- en-nờ- tiên huyền tiền. Cách đánh vần như thế thực sự khó nhưng vì là tiếng mẹ đẻ, nghĩa là các cháu học sinh đến trường khi đã biết nói tiếng Việt rồi nên không cảm thấy khó khăn. Sau 1975, trong cách dạy học tại nhà trường XHCN  các mẫu tự được phiên âm thành a, bờ, cờ, dờ, đờ và rồi ghép vần theo các âm đó mà đọc thành chữ.

Khi dạy học tại các nhà trường Mỹ, chúng tôi được huấn luyện phải dạy song song ngữ âm và mẫu tự. Trong tiếng Anh các cháu sẽ được học alphabets A,B,C,D,E,F,G cùng với  phonetic alphabets – the correspondence between one sound to one letter – (sự liên hệ giữa một âm thanh và một chữ viết). Do vậy, khi  một bé được học để biết đọc và viết chữ “cat” thi sẽ được dạy là: hãy phát âm (sound out k/a/t/), hãy đánh vần (spell out xi-ây-ti) và hãy viết (write- cat-). Theo phương pháp này thì phải bắt đầu dạy trẻ ghép vần từ các phụ âm và nguyên âm đơn. Ví dụ: cat, dog, hut, sit … rồi mới đến các phụ âm và nguyên âm kép như: mate, dough, huge, sight …Với di sản chữ quốc ngữ các mẫu tự tiếng Việt chúng ta cũng có cách ghép vần tương tự như Anh ngữ. Dĩ nhiên là khó hơn một chút vì ngoài số nguyên âm nhiều và phức tạp hơn, các cháu còn phải học các dấu giọng khi học Việt ngữ.  Kinh nghiệm dạy Việt ngữ cho thấy các cháu gặp khó khăn nhiều nhất là phần bỏ dấu cho đúng khi viết cùng như khi đọc.

Diễn giải như thế để  các phụ huynh yên tâm khi thấy thày cô dạy Việt ngữ được huấn luyện tại Mỹ dạy các cháu theo phương pháp ngữ âm + mẫu tự.  Tuy nhiên, nhu cầu học tiếng Việt thì rất lớn mà các lớp Việt ngữ đa số do các thày cô dạy thiện nguyện phụ trách.  Vả lại, các lớp Việt ngữ chỉ được dạy vào cuối tuần.  Mỗi tuần chỉ dạy được tối đa từ 2 đến 3 giờ đồng hồ.  Do đó, nếu không được sự hướng dẫn, dạy kèm của phụ huynh thì e rằng kết quả sẽ không mấy khả quan.  Để gữi lấy văn hóa dân tộc cho con cháu thiết tưởng phụ huynh cần phải tìm hiểu thêm qua các tài liệu, sách vở, nhất là cần nói chuyện bằng tiếng Việt thường xuyên với các cháu. Tôi cũng muốn nhắc lại câu:”vô tri bất mộ” hay nói rõ ra là không biết tiếng Việt thi không thể yêu mến tiếng Việt được.

“Rằng trăm năm cùng từ đây. Của tin gửi một chút này làm ghi” Vâng, cần 100 năm nữa để xây dựng lại cơ đồ Việt Nam cũng đang bắt đầu từ đây.  Công cuộc chuyển tải lòng yêu nước của người Viêt hải ngoại cho các thế hệ sau phải được bắt đầu từ những bài học đánh vần, học cách đặt câu, đọc truyện, để tiến lên trình độ đọc được và hiểu biết văn thơ. Học giả Phạm Quỳnh đã đánh giá rất đúng tầm quan trọng của thơ ca Việt Nam mà biểu hiện tuyệt vời là truyện Kiều. Ông đã quả quyết:” Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Di sản văn hóa mà cha ông chúng ta dã dày công gầy dựng, vừa qua đã được chính tổng thống Obama xử dụng trân trọng trong bài diễn văn hết sức thu phục nhân tâm. Vậy chúng ta, thế hệ người Việt thứ nhất,thứ hai đã có “ của tin gửi một chút này làm ghi” cho con cháu chúng ta hay chưa? Xin đừng để rồi ra “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp ‘Việt Nam‘” vì chưng đến lúc đó  “Thế giới này đã không còn Việt Nam”!