GIỜ THỨ 24

 

Sau hiệp định Paris tháng 1/1973, bị Mỹ bỏ rơi, miền Nam bắt đầu bị mười một nước XHCN “bề hội đồng”. Cảng Hải Phòng ngày đêm chuyên chở vũ khí tấp nập, đường Trường Sơn xe mở đèn chạy đêm, đường ống dẫn dầu vô nam không cần ngụy trang …, trong khi miền Nam bị cắt đứt viện trợ, không thua mới lạ. Đầu tiên là thất thủ Phước Long, rồi  đến Ban-Mê-Thuột, Tây Nguyên, rồi cả một dãy đất miền Trung di tản như vết dầu loang dọc theo chiều dài đất nước …rồi cái gì phải đến đã đến. Buổi tối ngày 29.4 năm ấy, người dân nhìn về Sài Gòn phía chân trời sáng ánh đèn hỏa châu với những nổi lo âu mơ hồ, lệnh giới nghiêm vẫn còn được tuân thủ nhưng mọi người đều biết thượng tầng kiến trúc đã vỡ thì hạ tầng cơ sở sụp đổ chỉ còn là thời gian.

Lái Thiêu là một thị trấn hiền hòa thuộc miền Đông Nam-phần của Nam Việt-Nam, nơi được gọi là “đất lành chim đậu”, trải qua hai cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20 cũng chưa từng phải chịu những mất mát thống khổ như những vùng miền khác trong nước, hay ngay cả những nơi trong tỉnh như Dầu Tiếng (Trị Tâm), Phú Giáo. Những biến cố nho nhỏ thuộc loại “bão rớt” như vụ Việt Minh đốt chợ (1947) hay pháo kích chi khu (Mậu Thân 68) chỉ là “hên xui” mà thôi. Còn mấy vụ chặt cột đèn, đắp mô, treo cờ nửa xanh nửa đỏ dọc theo QL 13 là do mấy “ông” du kích muốn báo cho bàn dân thiên hạ biết còn có ta đây chớ có quên, chứ Lái Thiêu ít phải nếm mùi chiến tranh trực tiếp.

Vậy mà sáng ngày 30 .4 lịch sử đó, có một người nữ du kích áo đen với khăn rằn quấn cổ, ngồi trên tháp pháo T54 dẫn đường cho bộ đội tiến vào thị trấn. Sau này mới biết người con gái đó là chị Hai M., một du kích xã Vĩnh Phú hiếm hoi đã ra ngã tư cầu Ông Bố đón đợi “đồng chí” từ sáng sớm. Dù sao đó cũng là một chiến sĩ đúng nghĩa, chiến đấu vì lý tưởng đã chọn. Sau này, chị cũng không trả thù dù biết mặt biết tên những kẻ chỉ điểm và những binh sĩ nghĩa quân đã hành hạ mình năm xưa. Còn hơn nhiều kẻ mới hôm qua hãy còn chun dưới lu hay núp dưới hầm như những con chuột, sáng 30 tháng 4 đổ ra đường phố nghênh ngang với băng đỏ trên cánh tay, tham gia lục soát nhà cửa, tiếp quản công sở và đăng ký tù hàng binh. Đó là những kẻ cơ hội, hèn nhát, ích kỷ và nhỏ nhen, những kẻ huênh hoang trốn lính là “yêu nước”, chống lịnh tổng động viên là một hành động cách mạng (!). Gọi đúng nghĩa là những kẻ té nước theo mưa (ở những vùng xôi đậu cũng vậy, những kẻ trốn lính, tội phạm, buôn lậu …chạy vào vùng :giải phóng” để trốn càn, khi yên ắng thì lại mò ra vùng “quốc gia” để kiếm ăn). Sau ngày 30.4.75 bọn này hung hãn, tàn ác và bất nhân vô cùng, là thủ phạm của những vụ trả thù man rợ.

Chín giờ sáng, xe tăng Bắc Việt cắm cờ xanh đỏ trên pháo tháp lừ lừ tiến vào thị trấn từ hướng đông (Ấp Trưởng), vào đến Ngã Năm thì ngoặt lên theo hướng bắc để tiến vào “tiếp thu” Nhà Làng và dinh Quận. Nhà Làng tức là trụ sở Xã Tân Thới có kiến trúc thời Pháp thuộc rất đẹp, đã bỏ trống từ chiều ngày hôm trước. Hiên ngang tay cầm AK tay cầm lá cờ, những người lính tiên phong nhảy vào co chân đạp cánh cửa ngáng đường. Một tiếng nổ vang lên, quả lựu đạn gài trong khe cửa đã lấy đi sinh mạng của hai bộ đội khiến phe chiến thắng nổi điên, đốt cháy Nhà làng để trả thù và thị uy. Một trong những lý do khiến bộ đội nung nấu ý chí trả thù sau đó.

Người ta thường nói với chữ “nếu” có thể bỏ Paris vô cái chai, thì tại Lái Thiêu sáng ngày 30 tháng 4 năm xưa, chữ “nếu” cũng có thể tiết kiệm được biết bao nhiêu sinh mạng : nếu Lái Thiêu “giải phóng” chậm hơn Bình Dương khoảng một tiếng, hoặc nói khác đi nếu Bình Dương “giải phóng” trước Lái Thiêu thì thảm kịch đã không xảy ra. Hoặc nếu Dương Văn Minh kêu gọi đầu hàng sớm hơn một tiếng. Một tiếng đồng hồ  ấy là quá đủ cho bộ đội bố trí đội hình với cây trung liên ba càng trên cầu Đúc, quạt đỏ nòng đám người thoát khỏi trận địa phục kích từ ngã ba Nhà thờ, ngã ba Cây Liễu chạy về. Nếu thoát qua được thì cũng còn bị đón lõng tại Ngã ba Thanh Yến (còn gọi ngã ba hàng dừa) và cuối cùng là tua 18. Tàn binh ngã chết như rạ, ở Ngã ba Thanh Yến ( còn gọi ngã ba Cảng hàng dừa), chiếc GMC đổ nghiêng với khoảng ba bốn chục thây người nằm rải rác, có người còn quặt quẹo rên siết nhưng không một ai dám tới gần. Thương tâm nhứt là hai vợ chồng viên sỉ quan, đứa con nhỏ và người lính cận vệ chết thảm ngay chân cầu Đúc kế bênh tiệm Công Tạo. Yêu cầu của bộ đội là xuống xe, giao nộp vũ khí và tự do ra đi. Không biết bên nào nổ súng trước, nhưng sau đó tất cả những người trên xe đều không một ai sống sót. Thê thảm nhứt là dòng người cứ lũ lượt đổ về, những người không còn ý chí chiến đấu, trong tay không một tấc sắt, như những tấm bia thịt, cướp đường chạy chết về Sài-Gòn mà không hề biết tử thần đang chờ (nếu gọi những người lính là “ngoan cố” thì mười bảy triệu dân miền Nam đều là ngoan cố cả : hể có đụng độ là kéo nhau chạy về nơi có cờ vàng cả, cũng như bây giờ gọi chế độ XHCN là ưu việt mà con em cán bộ cứ kéo nhau sang Mỹ du học, ít khi chịu sang Tàu hay Nga). Khi những tân binh của Trung tâm huấn luyện Huỳnh văn Lương (sư đoàn 5) tự động tan hàng, đổ ra đường phố như trẩy hội, và những chiếc Molotova chở đầy bộ đội tiến về Sài Gòn, cuộc chiến kể như chấm dứt.

Những cái chết giờ thứ 24 của cả hai phía ở Lái Thiêu là một tổn thất vô ích, và cũng là cuối cùng của cuộc chiến (vì xảy ra sau cuộc chiến ở cầu Rạch Chiếc cùng ngày hôm đó). Viết những dòng hồi ký này, tôi muốn cải chính những ngộ nhận: không có cái gì gọi là tổng tấn công, hay tổng nổi dậy ở Lái Thiêu cả. Mọi chuyện cứ tuần tự diễn ra như có sự sắp đặt của một bàn tay vô hình (đúng như nhận định của Leon Tolstoi trong Chiến tranh và Hòa bình về diễn tiến trên chiến trường). Có người ví von chiến thắng lịch sử 30.4 không làm rụng một cánh hoa hồng nhưng ở Lái Thiêu này đau đớn thay, hơn trăm con người đã bỏ mạng chỉ vì những sắp xếp cay nghiệt của số phận. Hoa hồng thì không thấy rụng thiệt, nhưng một dãy nhà dân ở mặt tiền quốc lộ 13 bị xe tông sập tường, sập rào dài từ Ngả ba Cây Liễu đến tua 18 (mãi đến tháng 6.1975, ở Ngả ba Cây Liểu cũng còn treo đầy ven rào hàng trăm thẻ căn cước của tử sĩ hai sư đoàn 5 và 25, chờ người thân tìm kiếm). Chưa kể chiếc sà lan bị đắm vì quá tải cũng sáng ngày hôm đó, tại đầu vàm sông Vĩnh Bình, ngay vị trí bây giờ là Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, kéo theo gần một trăm con người, kể cả người biết lội cũng bị níu kéo chết theo.

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, thương hải biến vi tang điền. Giờ thì mọi người đã rõ, thực chất đó là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, hăng say chém giết nhau trong lúc cả hai miền đều chưa làm ra được một viên đạn, một khẩu súng, một chiếc xe tăng. Thắng thua gì cũng người một nhà. Triệu người vui cũng có triệu người buồn. Người chiến thắng nếu có chính nghĩa thì nên độ lượng với cựu thù chứ không ai đi hằn học với những người thua cuộc. Các vị lãnh đạo ra nước ngoài gặp gỡ kiều bào, hô hào hòa giải, hòa hợp, đoàn kết dân tộc, nói những lời có cánh như “kiều bào là khúc ruột ngàn dặm” nhưng ở trong nước vẫn còn phân biệt đối xử, kỳ thị ngay cả với những “khúc ruột tàn tật” hoặc hằn thù đến cả những ngưởi đã chết nằm trong nghĩa trang Quân đội; cản trở lễ tưởng niệm vị tổng thống đã ba lần cải táng; gây khó cho thương phế binh lĩnh trợ cấp, giúp đở từ các nhà hảo tâm ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế – Kỳ Đồng Q3. Lời nói không đi đôi với việc làm.

Nghe nói Henry Kissenger còn sống, tôi xuất thân là một nhà giáo, đạo đức nghề nghiệp răn không được chửi thề, nhưng xin lỗi, một lần trong đời cho tôi chửi tên “son of bitchs” đó, tên hoạt đầu chính trị bán đứng đồng minh, đem thể diện nước lớn ra trả giá trên sinh mạng và sự thống khổ của hàng triệu người trên rừng dưới biển, trước và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Kẻ nhơn nhơn cầm mề đai Hòa Bình cười trước ống kính, mà vấy trên đó, máu và nước mắt của người Việt còn chưa khô. Những kẻ khốn nạn hèn hạ đâm sau lưng, như con đào chớp bóng và thằng thợ chụp hình chiến trường năm nào./.

KIẾN HÀO

(4/2018)