XUÂN ĐẾN CHO TUỔI GIÀ ĐI

Lê Phương Lan

Trong một buổi hội thảo dành cho các sinh viên y khoa tập sự tại một Đại học Mỹ, một câu hỏi trắc nghiệm được đưa ra:

Đâu là tính chất quan trọng nhất của tuổi già mạnh khỏe?

  1. Giảm gánh nặng cho xã hội.
  2. Sống bằng những phương tiện của cá nhân có thể có.
  3. Duy trì sức khỏe tốt.
  4. Gia tăng tuổi thọ.

Hầu hết các sinh viên đã chọn câu C. Thế nhưng theo diễn giả câu trả lời đúng nhất lại là câu A. Rất nhiều sinh viên phản đối. Với các sinh viên đầy nhiệt huyết và lý tưởng này, những người lớn tuổi trong xã hội hôm nay, nếu có được sự chăm sóc để duy trì một tuổi già khỏe mạnh là như một phần thưởng đương nhiên, để đền bù cho những ngày tháng cực khổ họ đã trải qua suốt thời trai trẻ để xây dựng cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, câu trả lời “chính xác” theo diễn giả phản ánh một thực tế mà không những cho nước Mỹ mà còn cho cả thế giới đang hết sức quan tâm. Một thực tế do tuổi thọ của người cao tuổi đang gia tăng nhất là tại các nước tiên tiến.

Tân niên là thời điểm trọng đại của tất cả mọi người. Đây là lúc chúng ta kiểm nghiệm lại quá khứ và hướng tới tương lai. Tương lai của mỗi người nếu may mắn là cuộc đời của họ được đi nhẹ nhàng qua hết các chặng đường của chu kỳ “sinh, bệnh, lão, tử”. Có nghĩa là sống “Thọ” mà không phải chiến đấu gay gắt để đến được “trạm” cuối cùng vẫn được coi là một biểu tượng may mắn.

Như vậy, chúng ta thử tìm hiểu để về tuổi già trước hết là qua những con số của các thống kê về hiện trạng của những người cao niên trong xã hội Việt Nam đang sinh sống trên đất Việt. Kế đến là những thống kê về người Mỹ cao niên và hiện tình người Việt cao niên đang sống tại Mỹ cùng với những cảm nhận, chia xẻ của người viết về cái tuổi hoàng hôn của một đời người.

Ngày xưa, tại Việt nam, tuổi 80 được gọi là “trượng triều”. người sống đến 80 tuổi có quyền cầm gậy”trượng”đi vào triều đình “triều”để dâng kiến nghị thẳng lên vua. Vì vào tuổi đó mà còn sáng suốt, còn quan tâm đến việc nước, không vì tư lợi, thì vua và triều đình phải lắng nghe. Truyền thống trọng kính người già được lưu lại qua những thành ngữ quen thuộc như “kính lão đắc thọ” hay “yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho”.  Nhưng truyền thống tốt đẹp đó nay có còn nữa không? Hy vọng là vẫn còn lại trong một số gia đình người Việt cố gắng giữ gìn truyền thống cho con cháu.

Ngày nay, tại Việt Nam số người già tăng lên trong khi số sinh giảm xuống khiến tỷ lệ người già phát triển mau hơn bình thường. Dự tính vào khoảng năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ gấp ba lần hiện nay, từ 8,9 phần trăm lên tới 30 phần trăm (khoảng 32 triệu người), tức là trên 6 phần trăm dân số.

Người già cần sự săn sóc. Theo cuộc điều tra dân số năm 2011, hơn một nửa số người già (56% dân số) phải tự lo lấy sức khỏe của mình và bị coi là sức khỏe yếu. Số này chiếm tới 49,4%. Người già tại Việt Nam phải tự lo việc sinh sống của mình. Phần lớn họ rất nghèo. Năm 2013, tổ chức nghiên cứu về Human Development Index (Chỉ Số Phát Triển Con Người) đã xếp loại Viêt Nam vào quốc gia thứ 121 trên tổng số 187 nước chỉ có chưa đầy 29% dân số người già được hưởng trợ cấp người già (Seniors Pension) và bảo hiểm xã hội ( Social Insurance Support). Cần phân biệt ba thành phần được hưởng “trợ cấp” khác nhau: thành phần “cách mạng”, thành phần “có công”, và cuối cùng là dân chúng. Trợ cấp và ưu đãi cũng theo cấp số nhân tính từ dưới lên trên!

Điểm đặc biệt về thống kê cho thấy hầu hết những người cao tuổi ở Việt Nam có gia đình nhưng có đến hơn 40% sống trong tình trạng góa bụa (widowed). Sự chênh lệch về phái tính thấy rất rõ trong thành phần người già tại VN: cứ mỗi lão ông trên 80 tuổi thì lại có 2.39 lão bà cùng tuổi. Đa số người già sống ở các vùng nông thôn và vùng cao nguyên xa thành phố (72,5%).

Trong khi đó những thống kê cùng cho thấy rằng tại Mỹ số người từ 65 tuổi trở lên cũng gia tăng rất cao hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử Hoa Kỳ. Theo Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia ( National Census Bureau) thì so với 35 triệu người trong năm 2000 tính đến năm 2010, con số người từ 65 tuổi trở lên đã lên đến 40.3 triệu người. Con số gần nhất cho thấy sự bùng nổ về dân số người già: từ 43 triệu trong năm 2012 sẽ lên gần gấp đôi tính tới năm 2050 là 83.7 triệu người!

Phụ nữ tại Mỹ cũng được xem là sống thọ hơn nam giới. Tuy nhiên khoảng cách giữa các lão niên nam nữ đã tiến gần hơn: Từ con số sống thọ của 88.1 nam/100 nữ trong năm 2000, đã tiến đến 90.5 nam/100 nữ trong năm 2010. Thống kê này  cho thấy sự tiến bộ trong y khoa, phương tiện truyền bá kiến thức y tế hữu hiệu, cũng như những “kinh nghiệm đau thương” phải trải nghiệm từ những căn bệnh hiểm nghèo gây ra do thuốc lá và rượu bia cộng với đời sống phóng túng đã giúp làm giảm tỷ lệ tử vong trong nam giới tại Hoa Kỳ.

Tuy rằng số lượng người cao tuổi đang gia tăng nhưng nhờ vào hệ thống an sinh xã hội, tinh thần làm việc tích cực, đời sống năng động đã giúp người Mỹ cao niên có cái nhìn lạc quan về tuổi già của họ. Năm 2012, Penn Schoen Berland đã thực hiện một cuộc khảo sát The United States Aging Survey  qua 3,250 cuộc phỏng vấn bằng điện thoại trên khắp các tiểu bang từ ngày 10 tháng 5 đến 20 tháng 6 năm 2012. Cuộc khảo sát cho thấy 70% người Mỹ cao niên cho rằng cuộc sống khoảng 20 năm về trước dễ dàng, thoải mái hơn hiện nay. 69% nói rằng họ vẫn còn đi làm toàn hoặc bán thời gian. 76% yêu thích làm việc (tại công, tư sở hay thiện nguyện) để được cảm thấy mình còn năng lực, còn hữu ích (productivity). 15% cảm thấy không yên tâm về mặt tài chánh trong quãng thời gian về hưu. 8% chưa chuẩn bị gì cho kế hoạch về hưu. Hầu hết người Mỹ cao niên đều xem Medicare là nguồn bảo hiểm y tế tốt và hợp túi tiền nhất. Hầu hết cho  rằng sự trợ giúp gia cư (housing) là cần thiết và hữu hiệu. 60% tập thể dục đều đặn và có khả năng tự phòng chống bệnh tật. 1/3 người Mỹ cao niên sống tự lập hoặc ở gần với gia đình và con cháu. Tuy nhiên 1/4 cho rằng họ không đủ điều kiện chi trả cho các chương trình săn sóc dài hạn tốt (quality long term care).

Đó là một vài con số về người Mỹ cao niên bản xứ. Còn về phần người Việt chúng ta thì sao? Chúng ta chưa có được nhiều tài liệu nói về tình trạng người Việt cao niên trên toàn nước Mỹ. Thống kê chỉ ra  rằng từ năm 2000 cho đến 2010 dân số người Việt cao niên sẽ gia tăng 44%. Là một trong những sắc dân mới định cư tại Hoa Kỳ, người Việt đã nhanh chóng hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ với những thành công đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự thành công và hội nhập đem đến từ những lớp người trẻ thuộc thế hệ một rưỡi và thế hệ thứ hai. Trong khi đó vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn cho thế hệ thứ nhất nay đã và đang trở thành những người cao niên trong xã hội Hoa Kỳ.Trong năm 2012, Chương Trình Khảo Sát và Đánh Giá Cộng Đồng (Community Assessment and Research Program) tại Seattle đã tìm hiểu, khảo sát và đưa ra những nhận xét về nhu cầu và trở ngại cho người Việt lớn tuổi như sau:

  • Trở ngại về ngôn ngữ: đã khiến người Việt cao niên bị thiệt thòi về quyền lợi khi không tiếp cận được với những dịch vụ, thông tin, những cơ quan trợ giúp trong lãnh vực y tế, xã hội, và pháp lý. Điều này cho thấy nhu cầu cần rất nhiều người tuy lớn tuổi nhưng vẫn có khả năng tình nguyện giúp, hay khuyến khích giới trẻ tham gia vào công tác dịch thuật. Một điều thực tế và dễ thực hiện là chúng ta cần tích cực tham gia bầu cử để ưu tiên tranh đấu cho quyền lợi trước hết là được có thông dịch hay bản dịch tiếng Việt cho các dịch vụ cần thiết.
  • Khoảng cách ngày càng xa giữa hai thế hệ: do nhu cầu cấp thiết cho việc xử dụng Anh ngữ, sự thiếu hiểu biết, đánh giá thấp về lợi ích – về cả tri thức lẫn tâm thức- trong việc duy trì tiếng Việt cho con cháu, nhất là sự tiện dụng của tiếng Anh trong đối thoại với bọn trẻ khiến rất nhiều bậc cha mẹ để cho con cái đánh mất di sản qúi báu này, tạo nên một bức tường vô hình gia tăng sự cô độc của người già trong gia đình! Sự cô độc đưa đến những ẩn ức, tổn thương về tâm lý, những căn bệnh tâm thần, trầm cảm cho người già.
  • Lệ thuộc vào các trợ cấp xã hội: Người Việt cao niên đa số không bị lệ thuộc quá nhiều vào con cháu như những người già ở Việt Nam. Nhưng lại lệ thuộc nhiều vào các trợ cấp xã hội mà họ được cung cấp. Nguồn trợ cấp này vô cùng cần thiết cho họ. Tuy nhiên cuộc khảo sát cho rằng những nguồn trợ cấp miễn phí dễ đưa đến sự lạm dụng cũng như có thể dẫn đến sự lơ là, ỷ lại của người thân khiến xảy ra những trường hợp bị chấn thương trầm trọng, hay bịnh trở nên quá nặng vì thiếu sự phát hiện, chữa trị kịp thời.
  • Thiếu sự lãnh đạo: Nhận xét được ban nghiên cứu cho là “interesting” (lý thú) này thật ra không có gì đáng ngạc nhiên. Nó chứng tỏ tinh thần đoàn kết trong cộng đồng Việt Nam đã diễn ra như thế nào dưới cái nhìn của người bản xứ. Xin trích nguyên văn:”There have been difficulties developing leadership within the Vietnamese elderly community. The first waves of refugees who arrived in the US were highly educated, but later waves of refugees did not have the same level of education. They often came from the countryside and were farmers. The in-group differences in educational achievement present unique challenges in leadership.” “Đã xảy ra tình trạng khó khăn trong việc phát triển lãnh đạo trong cộng đồng người Việt cao niên. Đợt người Việt tỵ nạn đầu tiên đến nước Mỹ là những người có học thức cao. Những người Việt tỵ nạn sau này không có cùng trình độ học vấn. Họ là những người đến từ các vùng nông thôn và là những nông dân. Sự khác biệt về học vấn trong nhóm người Việt với nhau đã đưa đến những thách đố trong việc lãnh đạo.” Từ đó đưa đến nhận xét:”This is especially important for service providers who want to directly outreach to and engage with Vietnamese seniors. Developing strong and trusting relationships is critical to effective outreach within the Vietnamese community.” “Điều này đặc biệt quan trọng cho những nhân viên phục vụ nào muốn trực tiếp tiếp cận với cộng đồng người Việt cao niên thì điều tối cần là phải xây dựng mối quan hệ vững mạnh và đáng tin cậy với họ.” Xin được trích nguyên văn điều nhận xét trên để thấy những gì chúng ta cần xây dựng cũng như xóa bỏ để không làm nản lòng những người dấn thân tham gia vào những công việc cộng đồng, xã hội.

Những con số thống kê, những điều nhận xét từ các cuộc khảo sát cho chúng ta thấy rõ nét đặc thù của tuổi già trong ba môi trường xã hội khác nhau.

Tuổi già tại Việt Nam rõ ràng là quá bất an, khổ cực nhất là đối với những người dân nghèo phải sống trong một chế độ bất công, tàn ác.

Ở vào cái tuổi hoàng hôn của cuộc đời với những suy thoái trong các chức năng của cơ thể, những suy giảm trong khả năng suy nghĩ, nói năng … Nhưng người Mỹ cao niên lại có được cái nhìn tích cực nhờ vào bản chất năng động, tinh thần tự lập trong cuộc sống, tinh thần trách nhiệm trong công việc làm, tinh thần dấn thân phục vụ và sự chuẩn bị cho tuổi già của mình.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta, những người Việt cao niên tại Hoa Kỳ cần thích ứng ra sao một khi cho dù đang sống trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì môi trường sống này cũng là nơi ao ước của hàng triệu con người. “Ăn cây nào, rào cây ấy”, xin đừng làm người khách trọ quá vô tình với một đất nước đã và đang cưu mang mình! Dù với niềm tin tôn giáo nào thì luật “nhân quả” trước sau gì cũng sẽ đem lại hiệu quả cho những gì ta đã làm, cũng như sẽ đem đến hậu quả cho những gì ta đã gây ra. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên quá mặc cảm với những tiêu cực trong cộng đồng mà cần ghi nhớ là người Mỹ có những điều hay cần học hỏi thì chúng ta cũng có những di sản tinh thần rất đẹp cần mạnh dạn cho con cháu biết để giữ gìn.

Theo qui luật tuần hoàn của đất trời “hoa nở rồi tàn, mây hợp rồi tan”. Cho dù chúng ta có dùng các phương pháp giải phẫu thẩm mỹ, uống đủ các loại “dược thảo thần kỳ” thì cũng không thể níu kéo tuổi xuân lại được. Chi bằng cố giúp cho mình học được ba điều tâm niệm của tuổi già:” thể chất khỏe mạnh, tâm hồn bình an, tâm linh ổn định”. Tuổi già chúng ta không thể nào thay đổi vòng sinh hóa “sinh, bệnh, lão, tử” nhưng vẫn có thể phần nào chuẩn bị cho những bước đi cuối cùng. Đức Phật đã dậy rằng:”Đời là bể khổ!”. Chúa Giê su cũng đã phán:”Ngày nào có cái khổ của ngày ấy!” Không tránh được cái khổ thì tìm phương thức “hoán cải” nó bằng những tư tưởng tích cực, lạc quan, dưới ánh sáng của những hướng dẫn tâm linh trong sáng, cao thượng. Tuổi nào cũng có nét đẹp của tuổi đó. Cái đẹp của tuổi già không còn được thể hiện bằng những nét hấp dẫn của thể chất được nữa, mà lại được tỏa ra từ bề dầy của những kinh nghiệm sống, từ nét đẹp tinh thần qua cách sống, cư xử với gia đình, người thân, giao tiếp với bạn bè, xã hội, từ những chữ “nhẫn” không dễ gì học được ở tuổi thiếu niên và trung niên. Có được cái nhìn khoan dung, chấp nhận những gì khác với mình ở tuổi cao niên giúp cho các mối giao hảo thêm tốt đẹp. Quà tặng từ những giao hòa đó dù là vật chất hay tinh thần cũng giúp làm nhẹ đi gánh nặng khi “vượt trạm” cuối của chu kỳ sinh hóa.

Mỗi lần xuân về là thời điểm báo cho ta biết mình đang đi về cùng đích của cuộc đời. Nhìn lại câu hỏi của buổi hội thảo cho các sinh viên y khoa thực tập, có lẽ chúng ta nên đề nghị diễn giả thêm vào một chọn lựa cho phần trả lời là  E). Thể chất khỏe mạnh,tâm hồn bình an và tâm linh ổn định, cho trọn vẹn “ba điều tâm niệm” của tuổi già. Các bạn có đồng ý không?