CON   CHIM   MÙA

Kính tặng thầy Dương Văn Xuân

NVT

 

Khi những cơn nắng gay gắt của mùa khô đã qua, mỗi sáng sớm đã có những đám mây xám giăng khắp, khí trời trở nên lành lạnh, trên sân bãi xe lunch nơi Trung làm việc lại xuất hiện một giống chim mùa. Giống chim này chỉ kiếm sống ở đây cho đến cuối mùa mưa. Khi trời chuyển hẳn sang mùa nực thì chúng hoàn toàn biệt dạng. Thân hình chúng nhỏ hơn con gà mái mẹ một chút nhưng đuôi và cánh lại dài hơn. Hầu hết đều mang sắc lông trắng xám, thỉnh thoảng mới có vài con lông rằn. Chúng ăn nhiều, ăn bạo và rất ưa chất béo. Chúng hay tranh nhau nhặt những miếng dầu cặn khô, những miếng french fried chiên, những miếng mỡ do các người đầu bếp rẻo bớt từ thịt quăng ở các thùng rác. Những bánh mì, bánh ngọt rơi rớt đều được chúng rỉa ra, nghển cổ nuốt những miếng thật lớn. Nhiều khi cả một khoảnh dầu mỡ lung tung thế mà chúng xúm lại rỉa một chốc là sạch sẽ. Phần vụn vặt còn lại sẽ được những đàn chim nhỏ ở địa phương dọn tiếp. Chính nhờ chúng, công việc của Trung cũng giảm bớt một phần. Những lần rỗi việc, Trung hay bẻ bánh mì ném cho chúng ăn. Dần dần chúng thành dạn dĩ gần Trung như gà đối với chủ. Quen đến nỗi nhiều lúc Trung đang bận cũng có vài con đứng lấm lét nhìn Trung đợi chờ trông rất dễ thương. Mỗi lần Trung ném bánh là chúng ào ạt tranh nhau ăn. Một vài miếng bánh rớt xuống chân Trung chúng cũng sấn tới đớp luôn. Bình thường chúng dạn dĩ đến thế nhưng nếu có người khác bắt chước Trung ném thức ăn theo là chúng dè dặt cảnh giác ngay. Gặp trường hợp đó chúng thường ngưng ăn tránh ra chỗ khác, vài con còn dè dặt hơn, vỗ cánh bay lên trời. Nhưng tránh thì tránh, chúng vẫn lượn quanh quẩn ngó chừng cả thức ăn lẫn người ném. Hễ người đi khuất chúng liền tranh nhau xáp lại ăn ngay. Có khi chúng xuống ăn đông san sát trông như một đàn vịt. Mỗi lần có động dụng, chúng lại bay lên đậu từng hàng trên nóc các tòa building kế cận, quay mặt nhìn vào sân bãi đợi chờ yên tĩnh lại đáp xuống. Cho tới giờ, Trung vẫn chưa biết rõ tên của giống chim này. Nhớ chừng có ai đó gọi là nhàn nên Trung cũng tạm gọi là nhàn.

Một hôm, trong lúc lũ nhàn đang tranh nhau nhặt mồi bỗng mấy tiếng oác oác thất thanh nổi lên. Bầy nhàn hoảng loạn bay tứ tán. Trên sân chỉ còn lại một con vừa lết vừa kêu. Một thanh niên tay cầm súng săn hớn hở chạy ra. Con nhàn hoảng sợ càng lết nhanh nhưng không thoát được! Nó đã bị thương ở cánh trái. Thanh niên dung một sợi dây nhỏ trói đôi chân nó lại, để trước mặt ngắm nghía chốc lát rồi lại đem để lên thùng đựng những bánh xe cải tiến. Lúc ấy con nhàn chịu phép nằm im lặng nhưng chốc chốc lại nghển cổ nhìn trời. Trên không thì đàn nhàn cứ liệng quanh rợp cả một vùng. Chúng cứ liệng mãi, khoảng hơn hai giờ sau chúng mới chịu bay tản đi. Không một con nào đáp trở lại sân bãi nữa. Trong lúc đó các giống chim nhỏ như sáo, cu, sẻ, quạ… qua vài phút hoảng hốt liền trở lại sân ríu rít kiếm ăn như không có việc gì xảy ra.

Khi tạm xong công việc, Trung đem một ít mỡ rẻo, french fried và bánh mì đến cho con nhàn bị nạn ăn. Nhưng nó nhất định không ăn mà mổ dữ dội vào tay Trung. Đem nước đến nó cũng phản ứng như vậy. Buổi chiều Trung lại định cho ăn lần nữa nhưng con nhàn vẫn kháng cự quyết liệt. Khi sắp ra về, Trung để ý thấy mấy con mèo hoang mon men lại gần chỗ con nhàn. Ở sân bãi này hàng trăm con mèo hoang vẫn thường hoạt động nhộn nhịp suốt đêm, nhất là ở thùng rác chính. Trung nghĩ chắc trong đêm ấy con chim bị thương đó thế nào cũng làm mồi cho lũ mèo. Nhưng biết làm sao được? Thôi kệ nó! Đâu phải tội mình gây ra!

Nhưng hôm sau trở lại, Trung rất ngạc nhiên thấy con nhàn vẫn còn đó. Trung lại định cho nó ăn nhưng vẫn bị nó tiếp tục chống đối kịch liệt. Chốc sau bầy nhàn lại đến nhưng vẫn không con nào đáp xuống sân. Chúng lại bay liệng trên không hơn một tiếng đồng hồ. Có lẽ chúng muốn dò tìm con chim bạn không may để chào từ biệt. Sau chuyến bay liệng này cho đến rất lâu về sau, tính gần một năm, không còn một con chim nhàn nào thấp thoáng ở sân bãi này nữa.

Buổi sáng kế tiếp Trung lại đến thăm thì con nhàn vẫn còn sống nhăn, vẫn giữ thái độ kháng cự quyết liệt. Sức mạnh của nó cũng kỳ lạ! Bị thương nằm một chỗ, nhịn đói nhịn khát đã hơn hai ngày mà tinh thần vẫn hiên ngang.

Đến gần trưa thì người thanh niên bắn con nhàn đến cởi trói thả nó ra. Nó chập choạng đứng dậy chốc lát rồi thất thểu bước đi với cái cánh bị thương xệ xệ. Bốn năm người đứng nhìn theo nó, một người nói đùa:

  • Thật giống một anh tù cải tạo mới được thả về!

Trung chạy theo ném cho nó một ít bánh nhưng nó không ăn mà cố bước nhanh với những bước xiêu vẹo. Trung định bắt nó lại để ép ăn thì nó hoảng hốt chun qua hàng rào. Nhưng có lẽ vướng cánh đau quá, nó phải thụt lùi. Trung thấy tội nghiệp quá đành để yên. Nó đi vào góc cuối sân bãi nơi có mấy chiếc xe hư đậu. Hàng rào sân bãi rất cao và dày. Lúc này chắc hẳn nó không thể nào bay qua, cũng không thể chun lỗ rào được. Thế nhưng khi rảnh việc Trung lại đến tìm nó thì không còn thấy nó đâu nữa. Trung nghĩ nó có thể chun vào một chỗ nào đó. Trung hơi lo ngại vì khi mọi người ra về hết thì trời đã tối mà giống chim này lại không thể ăn đêm. Trung nghĩ trước sau nó cũng chết thôi. Nhưng năm bảy ngày qua đi Trung vẫn không hề nghe một chút mùi thối. Lũ mèo đã chia xác nó rồi chăng? Điều khó hiểu là hằng ngày Trung vẫn dọn rác ở đó mà chẳng hề bắt gặp một cái lông? Rồi ngày qua tháng lại, chuyện con chim mùa không nghe ai nhắc tới nữa.

Riêng Trung thì không thế. Ngày nào chàng cũng có mặt tại sân bãi suốt mấy năm nay. Chàng đã quen với những cảnh sinh hoạt rộn rịp của từng loài chim, của từng đàn mèo, từng đàn chuột cống qua từng mùa. Sự vắng teo bóng dáng của đàn chim thiên di trên sân bãi giữa mùa mưa là một sự thay đổi quá lớn. Chúng là bạn và cũng là những kẻ giúp đỡ Trung một phần trong công việc. Nghĩ tới chúng, Trung thường liên tưởng tới cả một thời quá khứ của mình khi còn ngồi ở ghế học đường. Một vị thầy học đã gieo một ấn tượng cao đẹp về loai chim thiên di vào đầu óc Trung thuở ấy. Thầy học đã giảng giải và tự tay đánh nhịp khi tập bài “Có một đàn chim” cho cả lớp hát. Tiếng hát vang rân hùng hồn của một lớp thiếu niên như thổi vào tim óc mỗi người: Hãy sống hùng, sống hiên ngang, sống vị tha, vì tổ quốc, vì đồng bào! Những câu hát thật khí khái như “Hỡi Á Châu đang khổ đau! Ta đứng lên vì người! Vì hòa bình!”, hoặc “Thanh niên ơi nào cùng chim tung bay…!”, hoặc “Xé biên cương chim bay không hề mong chi ngày về…”. Từ đó Trung đã coi giống chim thiên di như một biểu tượng cho chí ngang trời dọc đất. Hàng năm mỗi khi chuyển mùa Trung vẫn ưa ngắm nhìn những đàn chim di chuyển trên trời và liên tưởng tới chúng đã vượt qua bao nhiêu rừng sâu núi thẳm, qua bao nhiêu đại dương bao la…

Ở quê Trung cũng có một số người làm nghề bẫy chim mùa. Trung đã thấy một số chim bị bắt có tên như tiết đồn, tiết lửa, roi, đột… Loại chim tiết đồn có con nặng tới 7, 8 ký. Cứ thời tiết chuyển đổi là chúng thay đổi chỗ ăn ở. Khi di chuyển chúng thường bay theo đội hình chữ V mũi nhọn đi trước. Lời vị thầy học đã điểm xuyết cho hình bóng đàn chim thành ngôi sao bổn mệnh của Trung. Ước vọng là có một thời tung bay ngang dọc như những đàn chim vượt biển băng rừng. Nhưng chí nguyện của Trung chưa thành một chút mảy. Bây giờ sức đã vơi, hơi đã cạn, lây lất kiếm sống giữa quê người, Trung làm sao không suy nghĩ được! Mỗi lần thấy chim bay từng đàn qua bầu trời Trung chỉ còn biết ngước mắt nhìn để mơ màng nuối tiếc. Lúc ấy hình bóng vị thầy học yêu quí lại hiển hiện trong đầu óc Trung với bao nhiêu bâng khuâng xao xuyến.

Một hôm đang nằm đọc sách, Trung bỗng thấy một ánh chớp xẹt qua cửa. Một con nhàn từ đâu không biết đáp xuống giữa nhà. Trung ngạc nhiên ngồi bật dậy.

  • Chào bác Trung! Bác còn nhớ tôi không? Nhân tiện đi ngang qua đây ghé thăm bác một chút luôn!

Trung chưng hửng biến sang cảm tưởng mình đang đối diện với một con người.

  • Chào Nhàn! Vết thương Nhàn lành rồi hả? Lâu nay tôi vẫn mong gặp lại Nhàn và các bạn nhưng chẳng hiểu sao các bạn lại biệt tăm?
  • Cám ơn ý tốt của bác Trung! Tôi không thể đến nơi đó nữa đã đành, các bạn tôi cũng không muốn, hay không dám trở lại đó nữa đâu!

  • Có gì mà Nhàn giận dai dữ vậy? Người lỡ làm Nhàn bị thương đã biết hối hận rồi! Thật tâm có ai muốn hại Nhàn đâu? Cả một sân bãi đầy lương thực, các bạn Nhàn tha hồ no, sao không trở lại?

  • Bác Trung thấy đó! Chúng tôi là loài chim thượng đẳng, đâu phải như hạng cu, sẻ, sáo, quạ… thấy nơi nào có lương thực là cứ chui đầu vào! Lũ chúng bị mèo vồ chó chộp đã nhiều lần mà cứ qua ngày lại quên ngay. Thành thử chúng cứ bị chết lớp này đến lớp khác mà không biết tởn. Chúng tôi thì khác. Chúng tôi đã đi khắp bốn phương trời, nhìn xa hiểu rộng đâu còn dại mãi!

  • Nhàn nói Nhàn đã đi khắp bốn phương trời thế Nhàn có nghe biết gì về nước Việt Nam tôi không?

  • Nước Việt Nam hả? Biết chứ! Đồng loại chúng tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm xương máu về Việt Nam. Đồng ruộng Việt Nam có nhiều loại cá là món ăn thích khẩu nhất của chúng tôi. Vào tiết mưa lạnh, trên cánh đồng mênh mang nước, người bẫy chim thường lấy bèo kết thành từng gò nổi vuông hoặc tròn rộng chừng hơn nửa thước vuông. Rải rác một số gò người ta đặt lên đó một con chim mồi. Con chim mồi chân bị buộc lại không thể bước ra khỏi gò. Mắt chim bị người ta dùng chỉ khâu lại nên không thể thấy gì hết. Khi cho ăn, người ta đút thịt rắn hoặc thịt chuột vào miệng chúng. Thỉnh thoảng chúng cũng được cho ăn tôm ươn cá thúi. Những đàn chim di chuyển trên bầu trời nhìn xuống thấy đồng loại đứng trên những gò có vẻ an nhàn ở một địa bàn lý tưởng thì tranh nhau đáp xuống các gò trống vừa nghỉ chân vừa kiếm mồi. Chúng đâu biết trên các gò đều có giương sẵn những cái bẫy kẹp bằng sắt. Bẫy thường xếp lại thành hình bán cung gồm hai nửa vành sắt. Khi giương ra nó thành hình tròn hay hình thuẫn. Chim đậu lên cò bẫy thì bẫy sập, hai nửa vành cung sắt kẹp cứng lấy chân chim. Có những con chim nặng tới 7, 8 ký và rất mạnh. Để đề phòng những con chim bị nạn có thể bay mất mang theo cả bẫy, người đánh chim thường buộc chặt bẫy vào các gò bèo. Khi thấy đồng loại mắc nạn, những con chim khác hoảng hốt bay đi. Những người đánh chim từ chỗ ẩn núp bước ra thu hoạch chiến lợi phẩm rồi giăng bẫy lại đợi những đàn chim khác. Những đàn chim di chuyển sau cũng tiếp nhau để lại một số đồng loại trên các cánh đồng lý tưởng đó. Đàn này qua đàn khác, năm này qua năm khác, sự việc cứ tiếp diễn như thế. Những giống đó so sức mạnh thì loài nhàn chúng tôi không bằng. Sự nhanh nhẹn tháo vát họ cũng hơn hẳn chúng tôi. Tiếc rằng họ chỉ hữu dũng vô mưu lại quá dễ tính. Riêng chúng tôi thì đi đâu cũng quan sát thật kỹ. Chúng tôi thường dễ dàng phân biệt được người nông phu và gã thợ săn. Cho nên chúng tôi thường ít bị tổn thất tính mạng trong khi làm ăn. Lần tôi bị hại mới đây chẳng qua là vì tính chủ quan. Chúng tôi cứ tin ở Mỹ người ta không bắn giết sinh vật vô tội. Ai ngờ ở đây lại có dân Á Châu tị nạn gây ra nỗi này?

  • Thế Nhàn có hận chúng tôi không?

  • Không đâu. Tôi chỉ thương hại các người thôi! Tôi biết người bắn tôi không có chủ ý hại tôi mà chỉ vì chút máu thợ săn vẫn tồn tại trong người hắn. Trong giai đoạn này tôi rất sợ cái máu thợ săn của người Trung Quốc và người Việt Nam. Giới lãnh đạo của hai nước này hiện tại hầu hết là những tên thợ săn lành nghề. Từ tuổi thanh niên tới già họ chỉ thuần thục hai công việc là đánh giặc và đàn áp cai trị. Công việc của người thợ săn chỉ là tổng hợp hai công việc nói trên. Những khả năng kinh tế Việt Nam bên ngoài nhìn vào đầy hấp dẫn cho những ai muốn đầu tư, cũng có thể hình dung như những cánh đồng mênh mang nước tiềm tàng bao nhiêu tôm cá bên dưới với những thuận lợi như có sẵn những gò bèo trên mặt nước… để chim nghỉ chân. Đất nước Việt Nam tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào, tiếc rằng lại lọt vào tay bọn thợ săn chuyên nghiệp quen thói gài bẫy vơ vét không chừa hậu. Do đó nền kinh tế Việt Nam bị kẹt cứng không thể nào vươn lên được, cái khổ cứ đè nặng trên vai đám dân cùng.

  • Cám ơn Nhàn đã nghĩ đến Việt Nam chúng tôi với lòng thông cảm. Trước những đau khổ của đồng bào tôi, tôi thật sự xấu hổ chẳng biết mình nên làm gì.

  • Tôi có thể giúp gì cho bác Trung đây? Tôi nhận xét lúc này lớp trẻ Việt Nam mới thành công trên quê người rất ít kẻ sốt sắng nghĩ tới đồng bào mình ở cố hương. Nếu họ làm được gì cho đất nước đau khổ của họ thì quí giá biết bao! Đáng tiếc đa số lớp trẻ này lại tưởng đất nước họ đói khổ là do tài nguyên ít ỏi, đất kém mầu mỡ, trí thức khan hiếm, người dân thiếu vốn, chứ đâu biết chính bởi bọn thợ săn chóp bu một mặt vơ vét tài sản quốc gia làm của riêng, một mặt tận tình kiềm hãm sự nẩy nở của ý thức dân chủ tự do để dễ bề cai trị gây ra! Bên ngoài những kẻ tiếm quyền rất giỏi làm mặt, nói ngọt như đường, giành hết mọi lẽ phải. Những người thông thái bậc nhất của thế giới cũng vẫn bị mắc lừa như thường. Bác Trung không thấy hội đồng chấm giải Nobel năm 1973 đã trao giải tìm kiếm hòa bình cho hai tên lưu manh siêu hạng Kissinger và Lê Đức Thọ đó sao? Âm mưu tiêu diệt quyền sống của một dân tộc mà lại được trúng giải tìm kiếm hòa bình, than ôi! Đáng tiếc hơn nữa, một số người có phương tiện thoát thân sớm trong biến cố 1975, có cơ hội lập lại cuộc đời sớm, chưa hề sống với Cộng Sản một ngày, bây giờ ra vẻ cởi mở, huênh hoang áo gấm về làng, đã có một số làm mòng cho bọn thợ săn rồi đó. Tuy là chim, nhưng chúng tôi hãnh diện không có ai tự nguyện làm chim mồi. Còn về người, chúng tôi đã thấy một số, kể cả hạng từng ở hàng ngũ lãnh đạo trước đây giờ lại tự nguyện hay ớm ý xin làm mẫu mồi rồi.

  • Thôi Nhàn ơi, Nhàn quá lời rồi! Ta đau lòng lắm! Giờ ta phải làm gì đây?

  • Bác phải sáng suốt để nhận định và phải sẵn sàng tư thế để lâm cuộc khi cần. Lòng dân đã biến thì không một sức mạnh nào cản nổi. Bác không thấy những đốm lửa muốn bùng lên bên trong cũng như bên ngoài đó sao? Phải vững lòng tin vào một này tươi sáng sắp đến!

  • Nhàn muốn an ủi tôi mà nói thế chứ! Bên trong đất, dân người ta nắm trong tay, bên ngoài thì Mỹ ngày càng gần gũi họ, mình làm gì nổi! Với cái mạng già vô dụng này, Nhàn bảo ta tin tưởng ở chỗ nào?

  • Bác Trung đừng bi quan thế! Bác không nhớ hai câu “Nhân tình tợ chỉ trương trương bạc, Thế sự như kỳ cuộc cuộc tân ” đó sao! Tình người như giấy mỗi trang mỗi mỏng, Chuyện đời như cuộc cờ, mỗi bàn mỗi mới. Trước đây Mỹ thân với Trung Hoa Dân Quốc rồi bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc. Sau đó họ thân với Việt Nam Cộng Hòa rồi cũng bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa. Chính vì họ không tìm được cái thế mạnh nắm được dân của các chính phủ đó. Những người lãnh đạo các chính phủ đó có một số ham lo chuyện vinh thân phì gia quá, ít lo cho dân nên ít được dân ủng hộ. Bây giờ tập đoàn lãnh đạo chính quyền hiện hữu còn tham nhũng thối nát gấp mười những kẻ lãnh đạo các chính phủ kia, chúng đã tự tách khỏi lòng dân thì chúng ôm chân Mỹ lâu dài sao được? Dân chúng đã phản ứng nhiều về tình trạng tham nhũng thối nát. Khi dân đã quyết thì đất trời cũng chuyển. Lê Lợi với một nhóm nghĩa quân ở Lam Sơn mà triệt hạ được cả bộ máy cai trị khổng lồ của nhà Minh không phải là dựa vào ý dân đó sao? Đó không phải chỉ dùng một đốm lửa mà đốt được cả rừng già sao? Vậy bác lo gì chuyện ít với nhiều! Cái thân già của bác vẫn còn rất hữu dụng. Người xưa dạy dùng người như dùng gỗ. Gỗ tốt làm rường làm cột, gỗ vừa làm phên làm vách, gỗ xấu làm củi, làm phân tro… Con người thì Trẻ hăng hái lăn thân vào chiến trận, Già giúp uy theo sau làm hậu thuẫn (thơ Thao Thao), có ai vô dụng đâu! Điều cốt nhất là phải có lòng. Bác phải tin tưởng lòng dân là yếu tố quyết định vận nước. Thôi chào bác Trung, tôi đi đây!

Một ánh chớp lóe lên và con nhàn biến mất.

Trung cảm thấy như mình vừa chia tay với một người tri kỷ. Cảm khái dâng tràn, Trung ngậm ngùi ngâm mấy câu thơ của Phan Khắc Khoan:

“Trần Can! Phạm Thái! ôi Kinh Kha!

      Bao nhiêu uất hận dày tim ta!

      Gươm bút một thời thôi để hận,

      Ngàn năm sự nghiệp há tiêu ma!”

Đang còn triền miên trong cảm xúc bỗng nhiên Trung nghe tiếng kêu bên tai:

  • Ba ơi, dậy ăn cơm mà chở mạ đi chợ, một giờ rồi!

Thì ra Trung vừa trải qua một giấc mộng. Đứa con nhìn Trung chăm hẳm rồi kêu:

  • Mạ ơi, vô coi kìa! Ba khóc!

Ngô Viết Trọng

Sacto, 1/98

 

Nguồn : tác giả

Trở về tập truyện Vết Hằn Mùa Xuân

Trở về Trang Ngô Viết Trọng