Hạnh Phúc Ở Đâu?

Cô hạnh phúc gớm tôi chờ cô mãi,
Xây dựng cô sứt mẻ những bàn tay!
(Thơ Xuân Diệu)

Hạnh Phúc không phải chỉ có nhà thơ Xuân Diệu mà từ bao đời nay nhân loại từ thuở xuất hiện trên trái đất này đã nỗ lực tìm kiếm. Trong hàng tỷ con người này và cũng trong lòng hàng triệu người dân Việt tôi cũng đã mải mê đi tìm hạnh phúc. Đâu là hạnh phúc thật? Giải đáp cho câu hỏi này đã nằm trong lời chỉ dạy của các tôn giáo nên người viết không dám lạm bàn chỉ xin chia xẻ những nhận định có được qua những thăng trầm trong cuộc đời.

Trước hết với tôi hạnh phúc là sự cảm nhận.  Ngày xưa khi còn bé trong gia đình thỉng thoảng bị bố mẹ rầy la. Anh em đôi lúc cũng cãi nhau chí chóe. Tôi đã cảm nhận được hạnh phúc khi có bố mẹ, anh em còn sống với mình. Đó là khi đọc tin tức và xem hình ảnh trên một tờ nhật báo, tôi đã thấy và đọc được niềm đau trong đôi mắt thất thần của một cô bé cũng vào cỡ tuổi tôi là người sống sót duy nhất trong ngôi nhà sau vụ pháo kích của Việt cộng vào thành phố Sài Gòn.

Hoàn cảnh càng ngặt nghèo, sinh mạng càng mong manh thì cảm nghiệm về sự cần thiết có nhau càng mãnh liệt. Khoảng thời gian sau ngày mất nước, thuốc tây trị bệnh rất hiếm hoi, không gì hạnh phúc hơn khi một mình trong bệnh viện Nhi Đồng được ôm chặt đứa con vừa thoát lưỡi hái của tử thần sau cơn bệnh sốt xuất huyết hiểm nghèo! Cảm nhận đó lại có được trong một lần thăm nuôi, nước mắt lưng tròng, tôi lặng nhìn một người vợ tù đồng hành lặng lẽ cắt mái tóc dài như muốn gửi qua lòng đất tình yêu và lời hẹn ước của mình trên nấm mộ tiêu điều của chồng bên ngoài trại tù Xuân Phước. Cảnh tượng đó đã khiến tôi không còn cảm thấy những chuyến đi thăm nuôi bố, thăm nuôi chồng là gian khổ nữa!

Thời gian trôi qua, sau những tháng ngày vất vả nỗ lực ổn định cuộc sống nơi quê hương thứ hai, hạnh phúc là những xúc động trong những ngày lễ ra trường của các con. Nỗi xúc động rưng rưng cũng đã đến với tôi trong ngày thành hôn lần lượt của từng đứa con. Khi được chứng kiến đôi trẻ nắm lấy tay nhau trên bàn thờ để nói lên lòng chung thủy như nhắc nhớ lại ngày chúng tôi đã từng tuyên hứa với nhau. Lúc này đây, cảm nhận về hạnh phúc rất đơn sơ đang có trong những lần hai chúng tôi cùng đi bộ, cùng đọc kinh và cùng hít thở không khí trong lành nơi công viên gần nhà mình.

Như vậy hạnh phúc không nhất thiết đến từ cảnh giàu sang, phú quý mà là những cảm nhận có được dù là đang sống trong gian nan, khốn khó. Cảm nhận về hạnh phúc đến khi chúng ta nhận được giá trị những gì đang có trong tay thay vì mải đuổi theo những tham vọng ảo ảnh, những thú vui ích kỷ, chóng qua.

Hạnh phúc còn là sự bình an trong tâm hồn qua những biến động. Như sự bình yên ngay trong vùng tâm điểm của một cơn lốc xoáy “the eye of a tornado”, tôi nghĩ rằng để có được sự bình an đó sức mạnh của tâm linh đã giúp cho chúng ta rất nhiều. Nhạc sĩ tài hoa Văn Cao qua bao đầy đọa vẫn sống yên lòng với một chữ ”TÂM” vẫn được treo trang trọng trong nhà ông. Ông nội tôi cụ Lê Toại, người bạn đồng chí với cụ Nguyễn Hải Thần tư tưởng Phật học của cụ hiển hiện trong bức hoành phi vẫn được treo trên căn gác thờ của ông bà hai chữ “TỰ TẠI”. Chú tôi ông Lê Biên, một sĩ quan trong chính quyền quốc gia ở lại miền bắc sau 1954 trong tập hồi ký “Gian Truân Đời Thợ” qua bao gian truân, bức bách đã kết luận rằng:” Đứng trước mọi khó khăn người có tư tưởng Phật giáo không chỉ biết khóc than oán hận, họ có Trí và có Dũng! Chính nhờ trí tuệ và lòng dũng cảm mà người ta có thể vượt thoát mọi tình huống gian nan, qua cả được những thử thách giữa sống và chết.” Trong cơn lốc xoáy bạo tàn ông đã tìm ra hạnh phúc trong vùng tâm điểm bình an đó. Ông viết:”Hạnh phúc là ta được sống trên cuộc đời này, biết yêu thương và được yêu thương lại. Trong cái nhỏ bé của một đời người, con cái trưởng thành là một hạnh phúc vô bờ. Trong cái lớn của một quốc gia, đất nước hưng thịnh phát triển, trên dưới tin nhau, đồng lòng nhất trí, phong cảnh tươi tốt là một hạnh phúc vô bờ cho dân tộc đó.” Ông mất năm 2017, thọ 92 tuổi để dành suốt tuổi già của mình làm thơ, viết lại câu chuyện “Tình Yêu Cổ Tích” với người vợ hiền cả một đời đảm đang, hy sinh cho gia đình.

Bản thân tôi đã được sinh ra trong một gia đình chịu ảnh hưởng tư tưởng của hai tôn giáo lớn: gia đình bên nội tôi là những Phật tử thuần thành và gia đình bên ngoại tôi lại là những con chiên ngoan đạo. Do đó những tư tưởng minh triết về tu thân, từ bi hỷ xả của Phật giáo đã thấm đậm trong tôi. Tôi cũng đã được nghe lời dạy của Khổng Tử trong cách xử thế với mọi người:”Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – Điều gì ta không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho họ – Nhưng Đức Giê Su lại dạy tôi tích cực hơn:”Điều gì con muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho họ trước đã.” Và tôi đã chọn con đường “nhập thế hành đạo” của ngài. Niềm tin tôn giáo vững mạnh không những đã giúp tôi vượt qua gian nan thử thách trong cuộc sống muôn vàn khó khăn sau ngày mất nước mà còn giúp tôi vượt qua được giai đoạn bị trầm cảm “anxiety attack”trong thời gian còn đang dậy học do sự tấn công kỳ thị của người hiệu trưởng tại quê hương mới này.

Sau nữa hạnh phúc còn đến trong hy vọng. Ánh sáng hy vọng đã nuôi giấc mơ thoát được chế độ cộng sản của chúng tôi thành hiện thực. Ngày nay ánh sáng hy vọng vẫn rất cần thiết cho chúng ta. Mặc dù được sống trong một quốc gia đang dẫn đầu thế giới về nhiều mặt nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề xảy ra trong đó có những đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con cháu chúng ta là ma túy và bạo lực súng đạn. Đất nước này đã cần cả trăm năm kể cả cuộc nội chiến nam bắc để bãi bỏ chế độ nô lệ, đã cần những cuộc phản đối, biểu tình bất bạo động có lúc quy tụ được hàng trăm ngàn người Mỹ da màu, nhất là cái chết của mục sư Martin Luther King Jr. mới dẫn đến việc chấm dứt nạn kỳ thị chủng tộc. Hiện nay đất nước này cũng đang cần sự kiên trì của sức mạnh lá phiếu và tiếng nói của người dân trong đó có cộng đồng chúng ta với hy vọng đem lại những thay đổi cần thiết trong xã hội. Cùng ngồi chung với các sắc dân khác trong con thuyền Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chúng ta nên chọn phương cách chung tay tu sửa, bảo trì để đưa con thuyền đến bến bờ hạnh phúc thay vì tiếp tay hoặc tệ hơn nữa là tự tay đục khoét con thuyền đang cưu mang chúng ta.

Với hy vọng cho một tương lai tốt đẹp cho thế hệ con cháu chúng ta, trước sự xâm thực của làn sóng đỏ trong lòng quê hương thứ hai với những hàng hóa, sách vở, báo chí, những tiệm ăn, những shows trình diễn ca nhạc v.. v… chúng ta cần xử dụng vũ khí “TẨY CHAY”để không còn nguồn tài lực duy trì  sự có mặt của chúng. Để tiếp sức cho sự lớn mạnh về chính trị của cộng đồng Việt Nam, chúng ta cũng có trong tay vũ khí qua những lá phiếu bầu chọn những người đại diện xứng đáng, qua việc ủng hộ các kiến nghị, dự luật cần sự tiếp tay, thu thập được nhiều chữ ký để đem lại những nghị quyết, luật lệ có lợi cho cộng đồng người Việt chúng ta.

Thế nhưng còn tổ quốc thân yêu của chúng ta bên kia bờ đại dương thì sao? Ánh sáng hy vọng có nuôi được hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào cái nhìn và hành động của người dân trong nước cũng như hải ngoại. Trong cuộc chiến đấu giữa lương tâm và tội ác dưới cái nhìn tích cực thì qua lịch sử xã hội loài người, các chế độ hung tàn, bạo ngược rồi cũng đã phải đi vào con đường suy vong, sụp đổ.  Đề cập đến cái nhìn tích cực, tôi xin trích một đoạn trong sách “Cấm Than Phiền” của Salvo Noè do Marta An Nguyễn dịch :”Lạc quan không có nghĩa là mọi việc đều tốt, nhưng có nghĩa là mọi việc đều có cách giải quyết”. Ông Alex Zarnadi, tay đua xe hơi người Ý bị tai nạn ở chân trong một cuộc đua, ông nói :”Khi tôi thức dậy và thấy không còn chân, tôi nhìn phần chân còn lại chứ không nhìn phần chân đã mất.” Cũng theo tác giả thì :”Tất cả những gì xảy đến với chúng ta sẽ không có ý nghĩa, chúng ta cần cho chúng một ý nghĩa. Nếu bạn chỉ tập trung vào những gì không làm được thì nó sẽ trở thành một thực tế của bạn. Những người tích cực chú tâm vào khả năng làm, giải quyết, xây dựng của mình chứ không chú tâm vào sự bất lực để rồi loại đi khả năng có thể thay đổi sự việc.” Về phương diện hành động cho dân nước, chúng ta đã có rất nhiều tổ chức, phong trào, đóng góp thế nào cho hữu hiệu thì tùy sự nhận định, suy xét, tùy khả năng và lương tâm của mỗi người.

Tư tưởng lạc quan sẽ hướng dẫn hành động tích cực và mở ra con đường hy vọng. Con người là một sinh vật xã hội. Trên phương diện thể lý những nhu cầu vật chất chúng ta có được hàng ngày khi còn bé nhờ vào sự cung cấp của cha mẹ, người thân. Khi trưởng thành ta có được những nhu cầu này là do sự trao đổi dịch vụ trong xã hội. Vì vậy hạnh phúc cá nhân không thể tách rời khỏi hạnh phúc của môi trường sinh sống quanh ta. Do hạnh phúc cá nhân sẽ viên mãn khi được hòa tan trong hạnh phúc gia đình và xã hội cho nên để đạt được hạnh phúc chúng ta sẽ vẫn mãi xây dựng dù cho có phải “sứt mẻ những bàn tay”.

Lê Phương Lan