TỀ VƯƠNG KIẾN VỚI CHỦ TRƯƠNG TRUNG LẬP

tevuongVua nước Tề Điền Kiến hay Tề Vương Kiến là vị vua cuối cùng của nước Tề, một trong số bảy nước lớn thời Chiến Quốc. Tề Vương Kiến lên ngôi vua khi nước Tề đang ở trên đà suy yếu. Tánh ông lại ham chơi, không biết lo xa. Kiến thức chính trị của ông rất nghèo. Lại gặp buổi nhân tài khan hiếm, dưới trướng ông không có mấy bề tôi giỏi để giúp ông lo việc trị nước. Trong lúc nước Tần mỗi ngày mỗi cường thịnh đe dọa cả thiên hạ, ông vẫn thản nhiên vui chơi. May thời gian đó bốn nước có biên giới tiếp giáp với Tề là Yên, Triệu, Ngụy, Sở đều bận tập trung binh lực để đối phó nước Tần nên nước Tề vẫn được yên ổn. Trong triều, Tề Vương Kiến thích nhất một viên quan gian tham nhưng khéo nịnh hót tên Hậu Thắng. Y luôn tìm mọi cách để làm vừa lòng ông. Ngược lại, ông cũng luôn tìm cớ để cất nhắc y. Một thời gian sau, từ một viên quan nhỏ không giỏi văn trị, không lập được công trạng ở chiến trường, Hậu Thắng vẫn vượt qua các đồng liêu để bước lên địa vị Tướng quốc nước Tề. Từ đó mọi việc quan trọng trong triều đều do tay Hậu Thắng thao túng.

Nước Tần bấy giờ đã đến hồi cực thịnh, đang lăm le thôn tính lục quốc. Kinh nghiệm qua những lần trước, cứ mỗi lần Tần đánh nước nào nước đó lại cầu cứu các nước lân cận. Nhiều nước lại đem quân giúp sức nước lâm nguy. Vì thế những cuộc chinh phạt của Tần rất ít khi được thành công như ý. Gặp lúc quan Khách khanh Lý Tư vừa tiến cử một tân khách mà Lý cho là nhân vật đại tài tên Úy Liêu, Tần Vương bèn đem việc đó hỏi thử, Úy Liêu đáp:

-Cái thế trong thiên hạ chẳng khác một bó đũa. Từng chiếc thì bẻ gãy, bó lại thì không làm gì nổi. Tô Tần tuy đã chết nhưng thuyết hợp tung của ông ta thì bất diệt. Các nước chư hầu lúc bình thường hay mâu thuẫn nhau nhưng lúc nguy biến họ lại hợp sức chống lại kẻ mạnh. Nước Tần muốn phá cái thế liên kết đó không cách gì khác hơn là phải tìm cách lũng đoạn nội bộ của từng nước mới được!

Tần Vương hỏi:

-Lũng đoạn nội bộ từng nước là thế nào?

-Làm cho mỗi chiếc đũa phải bị sâu mọt từ bên trong thì cả bó đũa bị mọt không còn khó bẻ nữa!

-Vậy bây giờ ta nên làm cách nào?

-Mỗi nước đều có một quyền lợi riêng và bề tôi riêng không giống nhau. Đa số những kẻ tham chính đều vì lợi hơn vì nước. Đại Vương chớ nên tiếc của kho, hãy xuất nhiều vàng bạc đút lót cho bọn hào thần hiếu lợi ấy để họ tự làm loạn nước họ. Chỉ cần bỏ ra ba chục vạn cân vàng là thực hiện được kế hoạch.

Tần Vương nghe theo, cho nhiều gián điệp ra nước ngoài để thực hiện kế hoạch của mình. Những gián điệp này thường mang lốt du khách hoặc thương gia. Hễ gặp dịp thuận tiện là họ sẵn sàng bỏ vàng bạc ra đút lót mua chuộc những trọng thần của các nước để lợi dụng. Khi đã đã bị mua chuộc, những con rối này có nhiệm vụ gieo rắc mối nghi kỵ hiềm thù lẫn nhau giữa các quan trong triều đình nước họ làm tan nát sự đoàn kết nội bộ các nước này. Những nước khá mạnh như Tề, Triệu, Sở đều vấp phải tình trạng ấy.

Ở nước Tề, khi nghe tin nước Tần sắp đánh nước Triệu, quan Đại phu Chu Hoắc tâu với Tề Vương Kiến:

-Tâu Đại Vương, nay thiên hạ đang xôn xao vì cái tin Tần sắp đánh Triệu hoặc Hàn. Nếu chuyện xảy ra thật, khi lâm thế nguy cấp tất Triệu hoặc Hàn phải cầu cứu các nước lân cận. Thiết tưởng Đại Vương cũng nên cho chuẩn bị binh lương sẵn để khi cần thiết ta có thể đáp ứng tình hình kịp thời!

Tề Vương Kiến nói:

-Việc đó ta đã giao cho quan Tướng quốc lo!

Tướng quốc Hậu Thắng tâu:

-Thần thiết nghĩ việc binh chỉ là việc bất đắc dĩ. Nước Tần tuy hiếu chiến thật nhưng đối với nước Tề ta mấy mươi năm nay vẫn giữ tình hòa hiếu với nhau. Tần muốn đánh nước nào thì mặc họ, họ không động đến mình thì thôi. Tại sao ta phải đưa quân lính của mình lăn thân đi giúp các nước, tình nguyện chết thay cho các nước để chuốc lấy sự bất bình, thù hận với Tần? Tốt hơn hết là ta nên tiếp tục giao hảo với Tần! Tề không có lòng hại Tần thì Tần nỡ nào nghĩ đến việc hại Tề? Xin Đại Vương chớ bận tâm về việc chém giết nhau của thiên hạ. Cứ việc giữ mình cho yên là đủ rồi!

Tề Vương Kiến nói:

-Tướng quốc nói thật hợp ý ta. Nước Tề đang hưởng thái bình như thế này tại sao ta phải tự gây xáo trộn? Ta nhất định giữ thế trung lập. Mình không tính chuyện hại Tần thì Tần đâu nỡ hại mình? Từ nay không ai được nói tới việc giúp nước nào chống quân Tần nữa! Ai trái lệnh ta chém đầu!

Cái tin nước Tề quyết giữ vai trò trung lập trong cuộc chiến sắp đến đã khiến các nước yếu thất vọng. Riêng nước Tần thì rất vui mừng!

Thấy tình hình đã thuận lợi, Tần Vương quyết định đánh Triệu trước tiên. Tướng quốc nước Triệu là Quách Khai lúc ấy đã ăn nhiều của đút của bọn gián điệp nước Tần. Do lo ngại Triệu có thể cho danh tướng Liêm Pha đang bị thất sủng cầm quân trở lại thì Tần khó thắng nên gián điệp Tần đã yêu cầu Quách Khai phải vô hiệu hóa Liêm Pha trước. Quách Khai bèn gièm với Triệu Vương khiến Triệu Vương bỏ hẳn Liêm Pha luôn rồi dùng tướng Hồ Tiếp chỉ huy quân đội! Thấy đã loại trừ được Liêm Pha, tướng Tần là Hoàng Xỉ liền kéo quân tiến vào đất Triệu. Quân Triệu bị thua lớn, tướng Hồ Tiếp bị giết. Triệu Vương hoảng sợ một mặt sai Nhâm Viên sang Tề cầu cứu, một mặt triệu tướng Lý Mục thay Hồ Tiếp cầm quân. Nhờ giỏi chiến thuật, Lý Mục đã đánh bại quân Tần làm Hoàng Xỉ phải bỏ chạy về nước. Tần Vương giận quá sai Vương Tiễn và Dương Đan Hòa đem quân đánh Triệu tiếp. Nhưng quân Tần sợ Lý Mục đa mưu nên ngần ngại chưa dám tiến gấp. Thấy thế Tần Vương lại sai Vương Ngao tăng cường giúp sức. Vương Ngao lại chỉ thị cho Quách Khai ra tay một lần nữa. Quách Khai lại gièm với Triệu Vương, Triệu Vương nghe theo bèn bãi chức Lý Mục, cho Triệu Thông lên thế. Sau đó Lý Mục bị giết chết ở dọc đường. Thấy Lý Mục đã chết, quân Tần lại tiến đánh Triệu và giết được Triệu Thông. Phó tướng là Nhan Tụ phải đem quân chạy về thủ đô Triệu là Hàm Đan cố thủ.

Thấy đại quân Tần đã thắng lớn quân Triệu, Tần Vương sai tướng Nội Sử Đằng đem quân đánh luôn nước Hàn. Hàn Vương thấy Triệu đã thua, liệu sức chống không nổi bèn xin hàng. Tần Vương lấy lãnh thổ của nước Hàn sát nhập vào đất Tần đặt thành quận Vĩnh Xuyên.

Trong khi đó Nhâm Viên đã tới Lâm Tri, thủ đô nước Tề, xin ra mắt Tề Vương trình bày hoàn cảnh nguy khốn của nước Triệu và xin Tề cứu viện. Tề Vương chưa kịp lên tiếng Tướng quốc Hậu Thắng đã nói:

-Đại Vương ta đã quyết định không đưa quân đi cứu viện một nước nào hết. Xin quí quốc hiểu cho!

Nhâm Viên lạy dập trán xuống đất mà khóc:

-Xin Đại Vương xét lại! Xin vì tình nghĩa láng giềng mà cứu nước Triệu đi. Nếu để nước Triệu mất rồi thì nay mai nước Tần cũng sẽ đánh tới nước Tề thôi!

Hậu Thắng nổi giận nạt:

-Sứ Triệu không được nói lời vô lễ với Đại Vương ta!

Nói xong Hậu Thắng truyền võ sĩ kéo Nhâm Viên ra ngoài. Nhâm Viên vừa khóc vừa thối lui. Sau đó không biết Nhâm Viên đi đâu.

Hai cánh quân của Vương Tiễn cùng Dương Đan Hòa thì ráo riết đuổi theo Nhan Tụ rồi bao vây kín thành Hàm Đan. Tình hình nước Triệu càng nguy ngập. Quách Khai nhiều lần khuyên Triệu Vương đầu hàng nhưng đều bị các trung thần của Triệu phản đối kịch liệt. Quách Khai thấy vậy bèn lén đem thư báo với Vương Tiễn “Triệu Vương đã rất sợ oai nước Tần. Nếu Tần Vương ngự giá đến Hàm Đan tôi có thể khuyên Triệu Vương đầu hàng được”. Vương Tiễn liền cho người mang thư ấy trình lại Tần Vương. Tần Vương khen phải và ngự giá tới Hàm Đan. Thấy cờ hiệu của Tần Vương xuất hiện, người Triệu càng thêm hoảng hốt. Triệu Vương bất đắc dĩ nghe lời Quách Khai mở cửa thành đầu hàng. Một số chiến sĩ kiên cường không chịu khuất phục Tần bèn phò vương thân Triệu Gia – anh của Triệu Vương – chạy về đất Đại dựng nên nước Đại để tiếp tục kháng chiến.

Tần Vương lấy đất Triệu đặt thành quận Cự Lộc. Triệu Vương bị đưa đi an trí ở vùng rừng núi Phòng Lăng một thời gian ngắn rồi mất trong sầu hận.

Quách Khai nhờ có công lớn, được Tần Vương cho theo về Hàm Dương phong làm Thượng khanh. Sau đó y xin phép trở lại Hàm Đan chuyển gia tài về Hàm Dương. Nhưng trên đường về, trong khi chuyển vận của cải, y bị kẻ cướp chận lại đoạt hết và giết sạch cả nhà. Có kẻ cho bọn cướp này là quân Tần giả dạng, cũng có kẻ lại cho là gia khách của Lý Mục trả thù cho chủ.

Thấy Tần đã diệt được Hàn và Triệu ba nước Sở, Ngụy và Yên đều rúng động. Tề Vương Kiến cũng lấy làm lo, hỏi Tướng quốc Hậu Thắng:

-Trước kia ta với Tần ngang sức nhau, nay Tần đã mạnh hơn ta. Trước hai nước còn cách trở bởi nước Triệu, nay Tần đã tiếp giáp với Tề, ta thật lo ngại lắm!

Hậu Thắng trấn an:

-Đại Vương đừng bận tâm về việc đó. Khi Tề không can thiệp vào các cuộc chiến do Tần phát động tức là Tần đã chịu ơn Tề rồi. Chẳng lẽ Tần còn đòi hỏi gì ở Tề nữa? Thần đã nghĩ ra một diệu kế mà thần tin chắc là Tần Vương sẽ rất vui lòng. Đại Vương hãy cử ngay một viên sứ giả mang lễ vật sang Hàm Dương chúc mừng thắng lợi để tỏ tình thân thiện với Tần là xong.

Tề Vương Kiến nghe theo liền cử quan Đại phu Chúc Huấn đi sứ sang Tần để chúc mừng. Tần Vương cho tiếp đãi Chúc Huấn rất nồng hậu. Sau đó Tần Vương lại sai sứ sang Tề đáp lễ. Trong số quà biếu Tề Vương Kiến có một đôi ngọc rất quí và mười con ngựa tốt, coi như chia sẻ chút chiến lợi phẩm. Tề Vương Kiến vô cùng cảm động và càng tin tưởng mối thiện cảm đối với Tề của Tần Vương.

Sau khi Tần diệt xong Hàn, Triệu một thời gian thì xảy ra vụ Kinh Kha ám sát hụt Tần Vương ở Hàm Dương. Kinh Kha là sứ giả nước Yên do Thái tử Đan sai phái sang Tần. Tần Vương giận quá bèn đòi Yên Vương phải nộp thủ cấp của Thái tử Đan, nếu không Tần sẽ tiến quân tiêu diệt Yên ngay. Yên Vương hoảng quá cho người kêu cứu với Tề nhưng Tề làm ngơ không tiếp sứ. Bất đắc dĩ Yên Vương phải đứt ruột giết Thái tử Đan để nộp đầu Tần Vương mới chịu hoãn binh.

Tạm gác việc nước Yên, Tần Vương sai Vương Bí đem mười vạn binh đánh Ngụy. Ngụy lại sai sứ sang Tề cầu viện nhưng Tề vẫn cương quyết không giúp. Vương Bí tiến quân vây kín thủ đô Đại Lương. Gặp mùa mưa, Vương Bí sai quân khai cừ ở phía tây bắc, dẫn nước hai sông Hoàng Hà và Biện Hà chảy vào thành. Thành Đại Lương bị ngâm nước ba ngày nhiều chỗ bị lở. Quân Tần đã theo chỗ lở tiến vào bắt trọn cả triều đình nước Ngụy. Ngụy Vương chết bệnh dọc đường khi đang bị dẫn giải về Hàm Dương. Tần Vương lấy đất Ngụy đặt thành quận Tam Xuyên.

Tề Vương Kiến nghe tin lại sai sắm lễ vật rồi cử Chúc Huấn sang Tần chúc mừng. Lần này Chúc Huấn cũng được trọng đãi như lần trước. Tần Vương cũng cho sứ sang Tề đáp lễ và biếu Tề Vương Kiến năm mươi con ngựa tốt và nhiều bảo vật. Tướng quốc Hậu Thắng vui mừng tâu với Tề Vương Kiến:

-Đại Vương thấy chưa, ta chỉ cần xử sự giỏi thì ngồi ở nhà vẫn được hưởng chiến lợi phẩm như thường.

Tề Vương Kiến khen:

-Tốt lắm, tốt lắm! Trong khi dân các nước đều khốn khổ vì nạn binh đao thì nước Tề hoàn toàn nằm ngoài. Ta được ngồi vững như bàn thạch hôm nay, dân Tề khỏi bị chết chóc vì chiến tranh thế này đều là nhờ tài lo tính cao xa của Tướng quốc cả! Tướng quốc quả là “viên ngọc thái bình” mà trời đã ban cho ta!

Diệt nước Ngụy xong, Tần Vương lại bàn với quần thần việc đánh Sở. Lão tướng Vương Tiễn nói muốn đánh Sở phải dùng ít nhất là sáu mươi vạn quân. Tướng Lý Tín nói chỉ cần hai mươi vạn là đủ. Tần Vương ngại phát quân cho một tướng đi viễn chinh quá nhiều không phải là điều tốt nên sai Lý Tín làm đại tướng. Lý Tín lãnh hai mươi vạn quân tiến vào đất Sở. Tướng Sở là Hạng Yên chỉ huy quân Sở đánh quá hăng nên Lý Tín bị đại bại mà rút lui. Tần Vương nổi giận cách chức Lý Tín rồi nài nỉ Vương Tiễn cầm quân đi đánh Sở trả thù. Vương Tiễn nhất định đòi phải phát đủ sáu mươi vạn quân mới chịu đi. Tần Vương bất đắc dĩ phải bằng lòng. Vương Tiễn vốn là một tướng tài dày kinh nghiệm chiến trường hơn Lý Tín nhiều, quân sĩ lại quá đông nên ông đã đánh quân Sở tan nát, bắt được vua Sở là Phụ Sô. Tàn quân Sở chống cự thêm được một thời gian ngắn rồi cũng tan rã.

Được tin Tần đã diệt Sở xong, Tề Vương Kiến lại sai chính em mình là Điền Giả sang Hàm Dương chúc mừng. Nhưng lần này sứ Tề không được đón tiếp nồng hậu như những lần trước. Điền Giả chỉ được tiếp đãi với tính cách chiếu lệ. Tần Vương chẳng có quà cáp gì tặng Tề Vương Kiến cả, cũng không cử sứ thần sang đáp lễ. Quan Khách khanh Lý Tư, người thay mặt cho Tần Vương chỉ nói với Điền Giả:

“Tần Vương rất cám ơn tấm thịnh tình của Tề Vương cùng triều thần đã dành cho nước Tần lâu nay. Nước Tần sẽ có dịp báo đáp ơn nghĩa đó. Nay tuy nước Sở đã dẹp yên nhưng hai xứ Yên, Đại vẫn còn lộn xộn, Tần Vương còn phải lo việc ổn định. Hẹn sau khi mọi chuyện đã vào nề nếp Tần Vương sẽ xin hội kiến với Tề Vương một phen cho thỏa tình mong ước!”.

Khi Điền Giả trở về báo lại sự thể, Tề Vương Kiến cảm thấy lo lắng lắm. Dường như có một mối bất ổn vô hình nào đó đang rình rập ông. Ông nói với triều thần:

-Lần này ta cử chính Vương đệ đi sứ, sao Tần Vương đối xử lạnh nhạt đến thế nhỉ? Nước Sở đã diệt xong thì Yên, Đại ăn thua gì? Đáng lý Tần Vương hân hoan lắm mới phải chứ! Những lời nhắn mập mờ của Tần Vương làm ta ái ngại lắm! Ta thật tình không hiểu nổi!

Tướng quốc Hậu Thắng tâu:

-Tề đâu có làm gì mếch lòng Tần mà Đại Vương lo? Tần Vương đã hứa sẽ hội kiến với Đại Vương tức Tần Vương cũng nể trọng Đại Vương lắm sao gọi là lạnh nhạt? Thần nghĩ chắc Tần Vương có một ý chi đây! Biết đâu Tần lại chẳng nẩy ý định chia cho Tề một vùng đất chiếm được của nước nào đó để đền ơn? Điều đó hợp lẽ lắm chứ! Nếu Tề nhúng tay vào cuộc chiến Tần đâu có thể thắng lợi dễ dàng đến thế?

Lâu nay quan Đại phu Chu Hoắc vẫn bất mãn với chính sách trung lập do Tướng quốc Hậu Thắng chủ trương nhưng vì yếu thế nên ông chẳng dám nói. Sự im lặng ấy thật sự cũng có một phần do tinh thần cầu an của ông nữa. Nay thấy nước Tần đã quá cường thịnh với bao nhiêu chiến thắng lẫy lừng trong khi đó nước Tề vẫn dậm chân tại chỗ nếu không nói là thụt lùi, ông đâm ra lo sợ. Đất nước thanh bình lâu quá đã khiến việc binh bị nước Tề gần như bị lãng quên. Tề Vương và vị Tướng quốc bất tài của ông không biết lo xa cứ lo thụ hưởng mà không chú ý đến tương quan lực lượng giữa Tần và Tề hiện tại đã chênh lệch quá lớn. Vả lại xưa nay người Tần vẫn luôn lật lọng, dối trá ai cũng biết. Nay Hậu Thắng vẫn chưa mở mắt mà nhìn thực tế, lại tiếp tục giở giọng đưa đẩy cho vui lòng Tề Vương. Thái độ của y đã khiến Chu Hoắc không còn nhịn được. Nếu không có ai chịu hi sinh vạch rõ việc này cho Tề Vương biết thì nước Tề nguy mất. Nghĩ thế rồi ông mạnh dạn nói:

-Lời Tướng quốc nói nghe viễn vông lắm. Mấy ai bắt dân mình lăn lưng vào chốn nguy hiểm chết chóc để giành giựt một cái gì đó rồi đem biếu không người khác đâu? Nếu có, bất quá cũng chỉ là một sự đổi chác thôi! Người Tần xưa nay thế nào thiên hạ đều biết cả sao Tướng quốc lại tin tưởng họ đến thế? Vả lại dẫu có tin họ không hại mình đi nữa mình cũng phải đề phòng chứ! Lỡ nước Tần lật lọng tấn công Tề bất ngờ tính sao cho kịp? Đại Vương chớ nghe những lời dối gạt của quan Tướng quốc nữa! Xin Đại Vương hãy cấp tốc cho điều binh ra giữ kỹ các mặt biên giới để đề phòng mới được!

Phản ứng của quan Đại phu Chu Hoắc đã làm mọi người sửng sốt. Hậu Thắng cũng đâm ra bối rối vì chính y biết y chỉ nói bừa cho qua chuyện mà chẳng có một lập luận chính xác để có thể thuyết phục được ai. Ai cũng thấy rõ y quá coi thường mối hiểm nguy đang đe dọa đất nước. Lâu nay nhiều người trong triều đã quá bất mãn với y nhưng vì sợ oai quyền của y nên phải nín lặng. Nay thấy có người mạnh mẽ phản đối y, họ cũng thấy hăng tiết lên. Họ nhìn y với những cặp mắt giận dữ, khinh miệt rồi đồng loạt tâu với vua:

-Lời quan Đại phu Chu Hoắc nói có lý lắm. Nước Tề đã thật sự lâm nguy! Xin Đại Vương cho cấp tốc điều binh tăng cường phòng bị biên giới kẻo muộn mất.

Hậu Thắng biết trong trường hợp này nếu không khéo léo y sẽ gặp rắc rối ngay. Y biết chính Tề Vương cũng đã nhận ra hoàn cảnh thực tại của nước Tề. Trước kia Tề không có chung một khoảng biên giới nào với Tần cả. Bây giờ thì hầu hết phần biên giới của Tề trên đất liền – ngoại trừ phần tiếp giáp với nước Yên đang hấp hối – đều đã tiếp giáp với đất Tần. Coi như nước Tề đã bị Tần bao vây! Hậu Thắng hoàn toàn không sợ chuyện nước Tề bị Tần thôn tính. Y nghĩ mình đã có công rất lớn với nước Tần khi thuyết phục được Tề Vương không can thiệp vào các cuộc tấn công xâm lược của Tần vào các nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở. Công lớn của y tuy chưa thuận tiện để công khai ra nhưng các gián điệp của Tần đều biết rõ, Tần Vương cũng biết rõ. Chính Tần Vương đã ban mật chỉ khen thưởng y cơ mà! Nếu Tề bị diệt, bất quá y hết làm quan nước Tề để làm quan nước Tần thôi, phú quí vẫn còn! Chỉ đáng sợ ở giờ phút hiện tại. Hậu Thắng biết nhiều vị quan trong triều rất bất mãn với y. Nỗi uất ức của họ bị dồn nén lâu nay có thể bất chợt bùng lên! Phải bớt lửa khi nồi nước đang sôi, phải giữ mạng sống của mình đã. Nghĩ vậy, y không chống lại ý kiến của quần thần mà mềm dẻo nói theo họ:

-Các quan nói rất có lý, có thể tôi đã mắc phải vài điểm sai sót. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều thì giờ để chỉnh đốn lại việc giữ nước. Ít nhất nước Tần phải dẹp xong Yên, Đại mới nghĩ tới nước Tề ta. Yên, Đại giờ đã quá yếu, ta khó mà vực dậy họ được. Nhưng từ giờ phút này tôi sẽ đôn đốc việc tuyển thêm quân lính, thúc đẩy việc huấn luyện, chọn lựa tướng giỏi ra trấn giữ những nơi hiểm yếu ở biên giới. Phòng hờ vậy thôi chứ ta vẫn giao thiệp hòa hiếu với Tần, Tần còn lâu mới trở mặt được! Xin Đại Vương và các quan cứ yên lòng!

Tề Vương vốn tin yêu Hậu Thắng, lại không muốn xảy ra chuyện lôi thôi, bèn phán:

-Được, cứ tin vậy đi. Ta nghĩ Tướng quốc sẽ làm được như lời đã hứa. Chư khanh hãy nghe ta, giúp Tướng quốc mỗi người một tay.

Thấy Hậu Thắng đã nhượng bộ các đại thần cũng thỏa dạ phần nào. Lại biết Tề Vương có ý hòa giải nên họ cũng không muốn làm găng. Riêng Hậu Thắng thấy tình thế hiện tại bất lợi cho bản thân đành thỏa hiệp với phe đối lập để giữ mình. Y tâu với Tề Vương hạ chỉ cho các quận huyện tuyển mộ thêm binh sĩ. Y đích thân bỏ nhiều thời gian đi đây đi đó để đôn đốc, kiểm soát công việc này. Hậu Thắng cũng xin Tề Vương cử Vương đệ Điền Giả làm đại tướng lo việc chỉnh đốn quân đội. Y lại trình với Tề Vương mặt biên giới quan trọng nhất là ở phía Tây, cần phải cho đại quân trấn giữ ở đó. Tề Vương nghe theo sai Điền Giả đem tinh binh ra đóng ở mặt này. Thấy Hậu Thắng tỏ ra chăm lo việc phòng thủ biên cương, các quan đều có vẻ hài lòng.

Tướng Tần Vương Tiễn, sau khi diệt được Sở trở về, ông xin về ở đất phong để dưỡng già. Tần Vương vui vẻ chấp thuận.

Tiếp đó Tần Vương lại cử Vương Bí là con Vương Tiễn làm đại tướng đem quân đi đánh hai nước Yên và Đại. Quân Yên quá đơn độc, yếu thế, nên bị thua rất nhanh. Vương Bí bao vây Bình Nhưỡng bắt sống Yên Vương Hỉ rồi cho giải về Hàm Dương. Thừa thế chiến thắng, quân Tần đánh bại luôn quân Đại, Đại Vương Gia vị bắt bèn tự sát. Vương Bí gởi thư báo tiệp về Hàm Dương. Tần Vương mừng rỡ, tự tay viết bức ngự thư gởi cho Vương Bí như sau:

“Tướng quân một lần đem quân ra đi đã bình được Yên và Đại. Tuy nhiên từ Yên sang Tề nam bắc thuận đường, nước Tề còn lại ví như con người cụt cả tay chân, Tướng quân hãy đem cái oai thừa mà diệt nốt nước Tề, như vậy công của cha con Tướng quân không ai sánh kịp!”

Vương Bí nhận được lệnh Tần Vương dẫn binh tiến vào biên giới phía Bắc nước Tề. Mặt này quân Tề phòng thủ hơi mỏng vì tinh binh của Tề đã tập trung về phòng thủ mặt Tây cả. Vả lại, quân Tề đã trải qua một thời gian khá dài không gặp chiến tranh, ít luyện tập, không thể nào chống nổi quân Tần quá thiện chiến. Quân Tần tiến tới đâu quân Tề thua tới đó. Cánh quân của đại tướng Điền Giả nghe tin khiếp quá cũng tan rã lần. Không bao lâu quân Tần đã tiến gần Lâm Tri. Tề Vương Kiến nghe được hung tin hoảng hốt hỏi kế Tướng quốc Hậu Thắng. Lúc này các quan trong triều đều run sợ cả nên Hậu Thắng không cần giữ ý nữa. Y tâu:

-Tốt nhất là Đại Vương nên dâng biểu xin đầu hàng!

Tề Vương Kiến không biết tính sao nữa đành phải nghe lời. Hậu Thắng lộ vẻ sung sướng ra mặt. Y lại lập được thêm một công lớn nữa! Những công thần của nước Tần được mấy người có công lớn bằng y? Chính y đã thuyết phục Tề Vương không chịu cứu các nước khác khi bị Tần đánh! Việc làm này đã giúp Tần sớm đạt được thắng lợi. Chính y cũng đã bày kế cho Tề Vương tập trung hết quân tinh nhuệ ra biên giới phía Tây, lơ là việc phòng thủ ở phía bắc và bỏ ngõ cả Lâm Tri khiến quân Tần ít gặp trở ngại trên đường tiến quân. Và giờ đây y đã thuyết phục được Tề Vương đầu hàng! Y sẽ được tuyên dương công trạng, sẽ được Tần Vương cất nhắc vào một địa vị cao sang! Còn nữa, y sẽ thẳng tay trừng trị những viên quan mà mới đây đã dám chỉ trích hành động của y…

Khi quân Tần tiến vào Lâm Tri, Tề Vương Kiến cử Hậu Thắng thay mặt ra dâng hàng thư. Vương Bí cho giữ tất cả vua quan nước Tề lại rồi sai người chạy ngựa trạm về Hàm Dương báo tiệp. Trong khi mọi người bị canh chừng cẩn mật, âu sầu lo lắng thì riêng Hậu Thắng được tự do ra vào, gương mặt lúc nào cũng hớn hở, kiêu hãnh. Bấy giờ Tề Vương Kiến mới biết mình đã bị Hậu Thắng lừa. Không lâu sau đó Vương Bí nhận được chỉ của Tần Vương rằng:

“Đất mất, chúa không còn, ấy là lẽ tất nhiên. Song vì nghĩ Tề Vương qui thuận đã hơn bốn mươi năm, xét lòng trung thành ấy tha cho được toàn mạng. Vợ chồng Tề Vương Kiến từ nay coi như thứ dân, phải ra ở nơi Cung Thành. Quan Hữu tư tính ngày cấp lúa cho ăn đến trọn đời. Còn Hậu Thắng là một kẻ bán nước, không để làm chi, truyền chém đầu tại chỗ!”

Nghe đọc chỉ xong Hậu Thắng thảng thốt kêu lớn:

-Oan cho tôi quá! Tôi có công lớn với nước Tần chứ có tội gì mà giết tôi?

Vương Bí cười mà nói:

-Đây là lệnh của Tần Vương, ta chỉ có nhiệm vụ thi hành.

Hậu Thắng tiếp tục van lạy kêu oan. Vương Bí thét quân sĩ:

-Hãy đem tên bán nước này ra chém đầu!

Đao phủ tuân lệnh thi hành ngay. Trong chốc lát đầu Hậu Thắng đã được dâng lên.

Tiếp đó Vương Bí truyền áp giải Tề Vương Kiến ra Cung Thành cho ở trong mấy căn nhà lá. Đây là một nơi rừng rú hoang vắng. Ngoài vợ chồng Tề Kiến Vương và đứa con trai nhỏ cùng mấy cung nữ trung thành, không có một cư dân nào khác. Đứa nhỏ trước kia quen chăn êm nệm ấm, ăn uống đầy đủ, nay thiếu thốn mọi thứ, thường kêu khóc rất não nùng. Những lúc ấy Tề Vương Kiến chỉ biết kêu tên Hậu Thắng mà mắng chửi. Một thời gian sau ông sinh ra quẩn trí. Hàng ngày ông hay lang thang ra rừng khi cười điên dại khi khóc thảm thương. Thỉnh thoảng ông lại hét lên: Trung lập! Ta nhất định phải giữ thế trung lập! Mình không tính chuyện hại Tần thì Tần đâu nỡ hại mình?

Không lâu sau đó Tề Vương Kiến lâm bệnh mà mất. Mấy người cung nữ bỏ trốn hết, chỉ còn trơ lại hai mẹ con. Về sau không ai rõ số phận bà vợ Tề Vương Kiến và đứa nhỏ ra sao.

 

Ngô Viết Trọng

Trở về Trang Ngô Viết Trọng

 Nguồn : khoahocnet