KẺ MAN KHAI

Thân tặng các bạn Cựu SVSQ/HV/CSQG ngạch TSV k1, k2, k3

NVT

-Cách mạng nhận thấy tờ tự khai của anh rất mập mờ. Sự thiếu thành thật chỉ làm cho tội anh nặng thêm. Bây giờ tôi hỏi lại một số điểm. Anh chuẩn bị tinh thần để nghe kỹ và trả lời cho chính xác. Anh cải tạo lâu hay mau đều tùy thuộc vào buổi hỏi cung này. Anh đã hiểu chưa? Đã sẵn sàng chưa?

-Tôi đã sẵn sàng, cán bộ cứ hỏi.

-Anh vào Cảnh sát bao giờ? Huấn luyện bao lâu? Tại đâu?

-Tôi vào Cảnh sát cuối năm 1965. Huấn luyện hơn 6 tháng tại Học Viện CSQG đóng tại đường Lê văn Duyệt Sài Gòn.

-Ra trường mang cấp bậc gì? Được bổ nhiệm làm công tác gì? Ở đâu?

-Thẩm sát viên ngạch tập sự. Tôi được cử nắm Trung đội trưởng ở đại đội  CSDC X tỉnh A. Đầu năm 1967 tôi làm Đại đội trưởng đại đội này.

-Thẩm sát viên là cấp bậc gì? Anh làm C trưởng bao lâu?

-Thẩm sát viên sau này đồng hóa Thiếu úy. Tôi làm Đại đội trưởng được 3 năm, đến đầu năm 1970.

-Hết làm C trưởng anh thăng cấp bậc gì? Nhiệm vụ mới là gì? Ở đâu?

-Tôi vẫn ở đại đội cũ, vẫn là Thẩm sát viên, trở lại làm Trung đội trưởng.

-Tại sao? Anh phạm kỷ luật hay đánh trận thua?

-Không. Tôi không phạm kỷ luật, cũng không thua trận.

-Láo! Thật là vô lý khi anh không phạm lỗi gì mà lại bị giáng chức! Nhưng để đó đã. Tôi hỏi tiếp: sau đó anh làm những nhiệm vụ nào nữa?

-Hai năm sau tôi được đổi qua tỉnh B. Bấy giờ ngạch Thẩm sát viên đã được chuyển thành Thiếu úy. Tôi tiếp tục làm Trung đội trưởng cho đến năm 1975.

-Cấp bậc cuối cùng của anh là gì?

-Thiếu úy.

-Thiếu úy mai bạc có gạch đít hả? Trong đời Cảnh sát anh được khen thưởng mấy lần? Khen thưởng thế nào?

-Hai Anh dũng bội tinh ngôi sao đồng của Tiểu khu, một Cảnh sát danh dự bội tinh hạng 3 của Bộ Tư lệnh CSQG.

-Anh bị kỷ luật mấy lần? Kỷ luật ra sao?

-Không có.

-Anh không tự thấy mâu thuẫn à? Anh chỉ có khen thưởng, không bị kỷ luật, lý do sao anh phải giữ cấp bậc Thiếu úy gần mười năm? Chức vụ lại C trưởng xuống B trưởng? Anh vẫn ngoan cố cho cán bộ cách mạng là mù cả phải không? Lần chót tôi cho anh suy nghĩ lại. Ngày mai nếu còn tiếp tục ngoan cố, anh đừng có trách.

*

Hôm sau Sản được đưa vào một căn phòng nhỏ vuông cạnh chừng 4 mét. Phòng lợp ngói đã quá lâu ngày bể sút tả tơi trông lên thấy cả trời. Nền phòng tráng xi măng nhưng hơn nửa phòng lớp da tô đã tróc lộ ra những khoảnh cát loang lổ. Trên phần xi măng chưa tróc đã đặt sẵn một cái bàn, hai cái ghế dựa. Gần đó là cái ghế vuông nhỏ được đặt trên một khoảnh cát. Lần này bên cạnh cán bộ hỏi cung còn có một cán bộ võ trang tay cầm cây roi mây. Sản thấy hơi nhợn. Không hiểu chúng hù hay có thể làm gì đây!

Viên cán bộ hỏi cung ngồi xuống cái ghế dựa, tay lật xấp hồ sơ ra. Gã võ trang ngồi tréo chân ở cái ghế dựa còn lại.

-Anh ngồi xuống đó! – Cán bộ hỏi cung chỉ cái ghế vuông.

Sản vừa ngồi xuống thì kiến lửa túa ra đầy dưới chân. Hai gã cán bộ cắn răng xoay mình cố ghìm một trận cười. Thì ra cái ghế được bố trí sẵn trên một ổ kiến lửa.

-Anh không được cử động! Khi nào chịu khai xong sự thật anh mới được rời ghế!

Đàn kiến cắn dữ quá. Phản ứng tự nhiên Sản vừa phủi vừa gãi.

Bốp! Bốp! Hai cái tát nảy lửa giáng vào mặt Sản. Gã hỏi cung sừng sộ:

-Cấp bậc cuối cùng của anh là gì? Giữ nhiệm vụ gì?

-Thiếu úy Trung đội trưởng CSDC.

-Không được! Anh phải là Thiếu tá! Cùng lắm cũng Đại úy.

Gã võ trang đưa cây roi mây quậy mạnh vào khoảnh cát dưới chân Sản. Kiến túa ra đỏ cả một vùng. Chúng bò tràn lên cái ghế Sản ngồi, lên thân thể Sản, bò lan sang cả phía hai viên cán bộ ngồi. Sản cứ rùng mình thon thót. Mắt chàng cay xé, đỏ ngầu, nước mắt sống cứ tuôn ra nhòe nhoẹt.

-Tôi hỏi lại, cấp bậc cuối cùng của anh là gì?

-Thiếu…úy…

Sản nói đến đó thì ngã người xuống đất cùng với cái ghế. Trên người Sản đỏ rặt cả kiến.

-Đưa tên man khai này vô nhà đá!

Gã võ trang vẫy tay và hai anh tù trật tự chạy lại. Chúng đẩy Sản vào một phòng biệt giam. Gã võ trang tự tay khóa cửa. Mùi ẩm mốc, mùi nước tiểu, mùi phân người bốc lên làm Sản tỉnh hẳn người. Biết đây là phòng dơ bẩn, nhưng người quá mệt, Sản cứ nằm bừa. Chàng thấy vừa ngột ngạt, vừa buồn mửa. Hai tay chàng thì không ngớt xoa giết lũ kiến.

Cánh cửa sắt bít hết ánh sáng nên dù đang buổi trưa, trong nhà đá cũng chỉ thấy mờ mờ. Chừng hai giờ sau, khi cán bộ tới mở cửa cho tù ẩm thực đưa thức ăn vào Sản mới biết gần ngoài cửa có một cái cà mèn dơ để đựng thức ăn và một lon sữa bò rỉ để đựng nước dùng. Cửa vừa khóa, Sản liền cầm ngay lon nước. Đang cơn khát, nước lại mát quá, chàng núc gần hết lon. Sản lại tiếp tục giết kiến. Giết liền tay cả buổi mà kiến vẫn còn. Toàn thân Sản bây giờ chỗ nào cũng sần lên, dày lên, sờ đến như sờ mo cau.  Sản cảm thấy trong mình ớn lạnh, chớm sốt. Sự ớn lạnh khiến Sản sờ đến cục bột sắn mà rùng mình, không dám ăn dù từ chiều hôm qua đến giờ Sản không có chút gì trong bụng. Chàng lại thấy khát nhưng lon nước đã sạch trơn rồi. Mấy tiếng kẻng báo tối đã thật sự làm cho Sản sợ hãi. Trại này rất ít khi giải quyết gì cho tù về ban đêm. Sản còn nhớ trong phòng giam mấy lần có người bị bệnh nặng, tù nhân tranh nhau kêu cứu nhưng chỉ đựợc trả lời “nặng mấy ký” hoặc “câm cái mõm chó lại” rồi lờ đi. Sản biết rằng cơn sốt của mình đang chuyển mạnh.

Chàng thấy buồn ói dữ dội, khó chịu vô cùng, nhưng không cách gì ói nổi. Chàng muốn kêu lên để cầu may bên ngoài có ai nghe nhưng chàng thất vọng phát giác tiếng mình đã yếu lả đi. Chẳng lẽ lại chết oan ức thế này? Sản vốn tính nhút nhát, an phận, không ưa dối trá. Trong những buổi bị hỏi cung, chàng đã trả lời khá thành thật. Hết dùng được tiếng nói để báo ra ngoài tình trạng nguy hiểm của mình, Sản nghĩ chỉ còn cách đá đạp vùng vẫy để tạo tiếng động.

Thình lình Sản vùng người dậy. Bất ngờ đầu chàng va mạnh vào cái trần phòng quá thấp làm chàng choáng váng. Chàng ôm đầu nằm vật xuống. Bỗng chàng nghe từ đâu đó một điệu nhạc hay lạ lùng. Càng lúc, Sản càng thấy say sưa điệu nhạc đến mê mẩn. Suốt đời chàng chưa bao giờ lại nghe được một điệu nhạc tuyệt vời như thế. Lạ một điều là kèm theo điệu nhạc chỉ có một lời hát “Trung úy đăng quang, Trung úy đăng quang, Trung úy đăng quang…”

Bỗng nhiên Sản thấy từ hai vai mình tỏa ra vầng ánh sáng rực rỡ dị thường. Chàng quay nhìn thì thấy trên vai mình một cặp lon hai mai vàng chói! Trời ơi! TA ĐỢI NÓ GẦN MƯỜI NĂM RỒI! Chàng thấy mình mặc cái áo CSDC mới toanh! Nhưng kỳ lạ thay, chàng lại bận xà lỏn, đi chân không. Chàng hoảng hốt cố tìm quanh nhưng chẳng thấy quần và giày đâu hết. Thì ra chàng vừa được Bộ Tư Lệnh CSQG thăng cấp Trung úy. Nhưng nước đã mất, đất không còn thăng cấp để làm gì đây? Nỗi mừng thoáng chốc chuyển sang cái buồn rười rượi. Khúc nhạc tiên tuyệt vời vẫn cứ lập đi lập lại “Trung úy đăng quang, Trung úy đăng quang …”

Nửa khuya Sản tỉnh lại. Chàng lạnh run cầm cập. Toàn thân chàng sưng vù, nổi mận gồ ghề, chỗ nào cũng ngứa ngáy. Chàng quơ tay tìm lon nước vất vả cầm lên nhưng nó không còn một giọt.

Dù đang ở trạng thái đau đớn tột cùng, Sản cũng phải tức cười nghĩ tới lời nhạc trong mơ. Thường thường tiếng đăng quang chỉ dùng vào việc ra mắt của một ngôi vị rất quan trọng như Tổng Thống nhậm chức, Thái tử lên ngôi… còn Trung úy đăng quang là nghĩa lý gì? Hay là tiềm thức chàng uất ức đến nỗi điểm cho chàng cái cấp bậc mà thực tế chàng chưa bao giờ đạt tới như cả một việc đăng quang để trêu ngươi?

*

Sản đậu tú tài I ban B năm 1963. Năm Sản học đệ nhất, rất nhiều biến cố đã dồn dập xảy ra cho đất nước. Nào Phật giáo đồ đấu tranh đòi tự do bình đẳng tôn giáo, nào sinh viên học sinh xuống đường đòi chính phủ thể hiện quyền dân chủ, không đàn áp đối lập chính trị. Hai cái chết của nhà sư Thích Quảng Đức và nhà văn Nhất Linh là hai mồi lửa mạnh góp phần làm cháy rụi nền Đệ nhất Cộng Hòa. Tiếp theo đó là những xáo trộn về quyền lãnh đạo đất nước. Sản dù thông minh chăm chỉ vẫn không thể không bị chi phối bởi tâm trạng thất thường khi rạo rực hăng say khi ê chề chán nản trong việc học hành. Rốt cục Sản rớt tú tài 2 năm 1964. Với ý nghĩ đất nước đang lâm thời chiến tranh, thanh niên tất phải ra lính, cùng lắm cũng vô được trường SQTB/Thủ Đức, Sản không đoái hoài đến việc thi cử nữa.

Năm 1965, Việt Nam Cộng Hòa mở khóa đào tạo Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia chính qui đầu tiên gồm hai ngạch Biên tập viên và Thẩm sát viên. Sản và Tâm rủ nhau thi vào ngạch Thẩm. Sản trúng tuyển được nhập học, Tâm không may lại rớt, trở về nộp đơn tình nguyện vào trường SQTB Thủ Đức.

Học Viện CSQG lúc đầu đặt tại đường Lê Văn Duyệt Sài Gòn. Viện Trưởng đầu tiên là một vị Quận Trưởng Cảnh Sát thâm niên, mẫn cán, đạo đức: ông Đàm Trung Mộc. Nhiều sinh viên sĩ quan vẫn gọi ông theo một danh xưng đầy kính mến: cha già. Những cán bộ dưới quyền ông gần như cũng chịu ảnh hưởng của người lãnh đạo, ít có vị nào tỏ ra khiếm khuyết đáng kể về tư cách.

Suốt thời gian thụ huấn, từ việc học tập đến việc ăn ngủ trong Học Viện không có một điều đáng tiếc xảy ra. Kỷ luật nhà trường cũng ở trong tình trạng thuận lợi. Những người chọn ngành này hầu hết đã có tinh thần kỷ luật tự nguyện. Do đó chuyện trách phạt có nặng cũng chỉ coi như kỷ niệm đẹp ở sân trường. Bởi thế, khi tung cánh ra bốn phương trời, dù gặp tình huống nào, những cựu sinh viên vẫn hướng về Học Viện với những cảm tình nồng hậu. Điều làm Sản suy nghĩ là trường quá thiên về lý tưởng khi dạy dỗ. Sinh viên sĩ quan được nhồi nhét quá kỹ về tinh thần vì dân vì nước, tinh thần hi sinh vô vị lợi mà lại ít nói rõ đến những tình huống thực tế. Trường cứ coi những địa phương sinh hoạt tương lai như là vùng đất hứa có thể làm cho những sĩ quan lý tưởng thỏa chí tang bồng.

Vị Tổng Giám Đốc CSQG thời bấy giờ đã ví von người Cảnh sát là “hiệp sĩ áo trắng”. Thế nhưng khi nhập cuộc, với những tình huống phức tạp ở đời, nhất là chính trong ngành cảnh sát, một số sĩ quan lý tưởng chạm mặt thực tế liền ngã ngựa ngay. Người thì khi thi hành lệnh giới nghiêm, bắt luôn cả những trưởng phòng trưởng sở vi phạm mà không biết châm chước. Người thì khi thi hành lệnh bắt quân dịch hay hàng lậu được đút lót không nhận, lại đòi truy tố thêm tội mua chuộc nhân viên công lực. Kẻ to gan hơn, còn dám dựa vào phép công bắt cả những món hàng bất hợp pháp hoặc sòng bài, hoặc nhà chứa… do các ông lớn đỡ đầu. Kết quả là những tiểu tướng lý tưởng đó, những người muốn chính thức thi hành đức công minh liêm chính sớm muộn đều ấm ức khoác áo ra đi. Ban đầu gặp những dị ứng như vậy ai cũng đau lòng. Nhưng càng lâm cuộc càng gặp nhiều trường hợp tương tự, con người dần quen mắt ra, khôn ra, để coi như đó là việc tất nhiên. Ai tránh được cũng tốt mà ai hòa nhập cũng tốt thôi.

Trong thập niên 1960, hạ tầng cơ sở ngành cảnh sát, chủ yếu là vùng nông thôn, tuy chưa mở rộng, nhưng hoạt động khá hữu hiệu. Thời gian đó rất ít có quân nhân biệt phái cho ngành. Ngành cũng có cựu quân nhân nhưng hầu hết những người này đã chính thức gia nhập ngành cảnh sát sau khi giải ngũ.

Ngành cảnh sát vốn thuộc qui chế công chức nên việc thăng tiến bổng lộc rất chậm so với quân nhân thời chiến. Thường thường một cảnh sát viên công nhật muốn bước sang chánh ngạch phải qua nhiều điều kiện rườm rà, nhất là dưới thời đệ nhất Cộng Hòa, có thể nói là trầy vi tróc vảy. Các Trưởng Chi, sau này là Chỉ huy trưởng Quận, bấy giờ phần lớn là những người chỉ huy kinh nghiệm, thạo việc, tinh đời, có cái nhìn thấu suốt tình hình địa phương. Họ vươn lên những địa vị đó như những cột cờ được chọn trong những bó đũa. Kinh qua trường đời, tài năng họ phát huy mạnh mẽ theo chiều hướng tự phát thích hợp với hoàn cảnh. Quen nước, quen cái, họ lại khéo dùng những người cộng sự đắc lực. Những hoạt động của họ đã làm cho bọn giặc nằm vùng kinh hồn vỡ mật. Quốc gia đâu dễ gì đào tạo được một lớp cán bộ như thế?

Thế nhưng các vị Trưởng Chi đó thường chỉ mang ngạch Phó Thẩm sát viên, dù cao mấy ngạch lương cũng chỉ tương đương với hàng hạ sĩ quan cao cấp quân đội. Khi lớp sĩ quan cảnh sát trẻ ra đời, một số được đưa thay thế những người nói trên, những người già yếu hoặc giảm sút năng lực. Nhưng lúc ấy ngành cảnh sát vẫn còn giữ một bộ mặt riêng, uy tín riêng, hoạt động theo phương hướng truyền thống. Những khi làm việc chung với quân đội thì với tính cách thành viên phối hợp chứ không hẳn do quân đội chỉ huy hay chi phối.

Rồi tình hình đất nước biến đổi. Quân đội lần lượt sang nắm quyền dân chính. Hàng loạt quân nhân được biệt phái sang ngành cảnh sát. Bước ngoặt quan trọng nhất cho ngành là việc đổi lon theo quân đội. Lớp cán bộ giỏi của ngành được đào tạo bằng thực tế trường đời như lớp Trưởng Chi và một số Trưởng Phòng Trưởng Ban phần đông mang ngạch Phó Thẩm, vì lương thấp không được đồng hóa sĩ quan, họ bỗng trở thành mấy anh hạ sĩ quan già ngơ ngáo hết thời. Họ phải nhường quyền chỉ huy cho những người lớn cấp bậc hơn. Lớp thay thế họ thật sự có nhiều người chưa hiểu biết gì về ngành cảnh sát. Thậm chí còn nhiều người ngỡ ngành cảnh sát là nơi để an thân, hưởng thụ. Hoạt động của ngành cũng nhân đó mà dao động đổi thay quá nhiều….

Một hôm đi công tác ở xã H, tình cờ Sản được dịp hội ngộ cùng ba bạn học cũ: Điền, Tâm và Ý. Bốn đứa kéo nhau về nhà Điền uống rượu.

Khởi đầu cuộc rượu, Điền nói:

-Từ khi rời trường học, với hoàn cảnh đất nước ngút ngàn khói lửa, bạn bè đứa chết đứa thương tật còn thì ly tán hết. Thế mà giờ bốn thằng mình có dịp cùng ngồi bên nhau đây, quả thật là một đặc ân của Thựơng đế. Vậy chúng mình phải uống một bữa thật say để chúc mừng cho nhau, cho chính mình còn sống.

Qua một đợt nâng ly, Tâm tiếp lời:

-Bây giờ gặp nhau đây, mình đề nghị các bạn kể cho nhau nghe chuyện sau ngày thôi học, đồng ý không? Mình cũng tình nguyện mở đầu luôn. Con người vốn ai cũng muốn an thân, ham sống sợ chết, ai cũng thèm quyền to của lớn, có phải thế không? Nhưng sự thành đạt ước mơ không phải do tài sức mình hết đâu, mà phần lớn lại phụ thuộc vào định mệnh. Như tao thi vô Thẩm sát viên cũng là mong tìm sự an thân, nhưng lại rớt, bất đắc dĩ tao phải nhào vô Thủ Đức. Ra trường tao may mắn được ở những chỗ khó chết, qua bốn năm cũng đeo lon Trung úy. Rồi tao được đưa làm Đại đội phó một đại đội Địa phương quân. Cũng may mắn nữa, tao gặp viên Đại đội trưởng là một Đại úy giỏi chiến trận, giỏi tổ chức, rất siêng năng, việc gì cũng bao biện được. Thế là tao cứ tà tà đi chơi. Một đêm tao lang thang bên ngoài đánh bạc, không ngờ đêm ấy Việt Cộng tấn công vào đơn vị. Nhờ sự bố phòng kỹ, binh sĩ chiến đấu dũng cảm, lại được pháo binh yểm trợ đúng mức, đơn vị tao đã đẩy lui địch với thành tích rất đáng kể. Nhưng đơn vị tao cũng thiệt hại nhiều. Chính ông Đại đội trưởng can trường của tao cũng bị thương nặng được trực thăng tới bốc đi. Tao tới sáng mới dám mò về căn cứ, cũng may là trước lúc ông Tướng xuống thăm chiến trường chừng nửa giờ. Dĩ nhiên tao là người đứng ra thuyết trình với phái đoàn ông Tướng về trận đánh. Điều làm tao hổ thẹn lúc ấy là tao được đặc cách thăng cấp Đại úy. Sau đó tao được cử chính thức nắm luôn đại đội này. Từ nấc thang này, tao lại đến với ngành cảnh sát trong chức vụ Chỉ huy trưởng Quận hôm nay.

-Đại đội trưởng Địa Phương quân mà sang nắm Chỉ huy trưởng Quận bên cảnh sát khỏe vậy à? – Ý hỏi.

-Dĩ nhiên là tao phải nhờ thêm một đường binh phụ. Chú vợ tao là một Đại tá biệt phái cảnh sát. Tao dại gì không khai thác kiếm cho mình một ông lộc hay một ông thọ!

Điền cười:

-May mắn đã đành, còn phải lanh lợi như mày mới được thế chứ! Như tao ở ngành cảnh sát đã lâu, ông thọ thì tạm coi như có thấp thoáng chứ có ông lộc nào chịu chơi với tao đâu? Nhưng mà mình quá quí ông thọ cũng không phải là điều hay đâu. Trung tâm huấn luyện tao có thời có một viên Thiếu tá biệt phái làm Chỉ huy trưởng, đã xảy ra vài việc rất khó quên. Trong một buổi sáng chào cờ, trước hàng quân, sau vài lời khiển trách một số thuộc cấp, ông hăng lên “Dưới mắt tôi một sĩ quan cảnh sát không có giá trị bằng một anh binh nhì quân đội”. Ông không nói rõ về khía cạnh nào. Cả mấy chục sĩ quan, hầu hết là sĩ quan cảnh sát gồm giảng viên, huấn luyện viên, cán bộ đại đội trở lên đều ngậm miệng mà nghe. Đêm sau ông lại ra lệnh cho một số từ Thiếu úy đến Đại úy tay cầm súng dài đi tuần tiễu quanh căn cứ và ông thân hành đi kiểm soát. Với hạng lính tráng thì ông luôn thị uy bằng đấm đá. Ông đã bị thuộc hạ bắn hụt hay bắn dọa nhiều lần, trong đó có một lần ngay tại thị xã Đà lạt. Điều tao không hiểu là với một con người như thế, nếu ra trận, ông làm sao sống được mà lên Thiếu tá? Còn nếu không ra trận thì ông lấy công gì mà lên Thiếu tá? Thế mà sau này tao còn nghe trong Bộ Tư Lệnh CSQG một số sĩ quan lớn tuổi đủ cấp Đại tá, Trung tá, Thiếu tá phải xếp hàng tập lại cơ bản thao diễn nữa. Lại nghe nói số sĩ quan cấp úy ở đó lúc nào cũng có thể bị tống nhốt vì những lỗi lầm không đâu. Chúng mày có tin đó là những chuyện thật không?

Ý cười ha hả:

-Thế thì có gì mà lại không tin! Thông thường có nhiều người vẫn quen dùng hư uy để chỉ huy. Chuyện không đáng giận cũng giả vờ giận điên lên. Chuyện không hề biết cũng giả làm ra vẻ thành thạo lắm. Sự dọa già bắt nọn đó có mục đích hỗ trợ việc thuyết phục cấp dưới. Tao cũng có một ông cậu là Đại tá cảnh sát chính cống. Qua ông và các bạn đồng nghiệp của ông, tao thấy họ sắc bén rành rõi nhiều mặt. Đưa một ông tướng – dù dày dạn chiến trường – qua chỉ huy mấy ông về mặt cảnh sát thì chỉ huy sao nổi! Từ văn hóa đến kinh nghiệm chuyên môn, đến khoa xử thế ông Tướng chắc gì hơn mấy ổng ngoại trừ cái sao trên cổ áo. Dĩ nhiên là ông Tướng phải tìm cách thị uy. Ông Tướng phải đem cái chắc nhất của mình có thể đè bẹp được đối tượng là môn cơ bản quân sự ra trấn áp chứ gì!  Cỡ mấy ông Bùi Văn Nhu, Đàm Trung Mộc… phải lép vế về môn này là cái chắc. Nhưng đó là bề mặt. Còn bên trong họ hiểu nhau chán đi chứ! Tao là Thiếu tá Dù, mới đây cũng bị thương chút ít, cũng có người gợi ý giúp tao qua ngành cảnh sát nhưng tao từ chối. Tao không yêu ông thọ ấy lắm đâu. Lính Dù được nuôi dưỡng bởi truyền thống kiêu hùng của binh chủng mình. Càng chiến đấu gian khổ tình huynh đệ chi binh càng nẩy nở, tình đồng đội càng gắn bó mật thiết. Tao không muốn rời đơn vị cũng vì lẽ đó. Hơn nữa, những điều kiện phụ, phụ mà chủ yếu để qua cảnh sát tao không ưa được. Phải nói là tao tởm nữa mới đúng. Cũng nhân đó tao nghiệm ra được tại sao mấy anh biệt phái đớp gấp bội mấy anh chính ngành: lo trả nợ. Lo nợ xong mấy anh lại thừa thắng xông lên quên sợ mọi hậu quả. Không phải tao có thành kiến ngành nào tốt ngành nào xấu đâu. Tốt xấu đều do bản chất từng cá nhân. Tuy có kẻ luồn lách hại người để mưu vinh thân phì gia thì cũng có người lấy con đường yêu nước thương dân làm phương hướng. Tao tự hào tao giữ mãi được con đường tao tự vạch ra từ thuở nhỏ khi học Quốc văn giáo khoa thư.

Ý xưa nay vẫn quen ăn to nói lớn, khảng khái, ngay thẳng. Nhìn nét mặt Tâm, Điền biết Tâm không ưa những lời Ý nói. Để giữ không khí vui vẻ, Điền xen vào:

-Ba đứa nói chuyện nhiều rồi. Giờ để cho thằng Sản nói.

Sản giựt mình. Chàng có cảm tưởng như mình là đứa học trò nhút nhát trước ban giám khảo trong một cuộc thi. Bốn đứa cùng lớp cùng ra sĩ quan khoảng thời gian như nhau, giờ lại cùng ngồi bên nhau: Một Thiếu tá, hai Đại úy, chỉ có Sản còn mang Thiếu úy. Danh phận chàng bị ràng ríu bởi những sắc lệnh, những quyết định hỗn văn hỗn võ chồng chéo nhau. Có thể chính những người đã ký những văn kiện đó không hề biết hay không thèm biết mình đã ký giấy gì. Sản nhớ ngay đến câu chuyện một anh bạn cùng khóa tên Thôi kể lại.

Thôi làm việc tại Quảng Trị. Một hôm Thôi đi công tác ở Đà Nẵng, tình cờ gặp được vị Tư lệnh Cảnh sát trong một bữa ăn trưa do BCH/CSQG khu 1 chiêu đãi. Tỏ vẻ ân cần lưu tâm tới thuộc cấp, vị Tư Lệnh nói với Thôi:

-Ông Thiếu úy ở vùng giới tuyến vào đấy à? Tốt lắm! Ngoài đó tuy mặt an ninh không ổn bằng những nơi khác, nhưng bù lại, sự thăng tiến lại nhanh chóng hơn. Làm việc nơi ít nguy hiểm thì bốn năm năm leo một cấp, còn ở chỗ nguy hiểm thì một hai năm leo một cấp. Đừng nản lòng, gắng lên!

Thôi đang rầu vì chuyện thăng tiến thật. Được nghe ông Tướng nói chuyện đó thì lòng như mở cờ, Thôi chộp lấy cơ hội:

-Kính thưa Thiếu Tướng, em ở Quảng Trị đã hơn năm năm, kể từ khi mới ra trường. Em luôn luôn được thượng cấp khen, không hề phạm kỷ luật, thế mà cứ giữ mãi cấp Thiếu úy cho tới giờ đấy!

-Ồ, sao lạ vậy? Thế thì cậu có vấn đề rồi! Hãy soát xét mình lại xem sao! Thượng cấp không lầm lẫn hay bất công đâu!

Nói thế xong, ông Tư Lệnh quay sang hỏi chuyện người khác. Thôi thấy không thỏa mãn gồng mình nói thêm:

-Thưa Thiếu Tướng, không phải riêng em gặp tình trạng này mà những người bạn đồng khóa của em đều chậm thăng cấp như thế cả.

Ông Tư Lệnh tỏ vẻ không bằng lòng:

-Thế thì anh chủ quan mất rồi! Một vài người khác cũng có thể có vấn đề riêng. Anh làm sao biết rõ được lý lịch cá nhân của họ. Anh nên xét lại bản thân trước đã!

Thế là Thôi im lặng. Anh không buồn vì ông Tướng mà buồn chung cho đất nước. Những người thành công về võ nghiệp lắm kẻ cứ cho sức mạnh là trên hết. Kinh qua lịch sử, bất cứ nước nào có giới võ biền cầm quyền thì nước đó có thể gặp những tai vạ động trời. Làm sao có thể kiến trúc một tòa lâu đài mà chỉ cần dựa vào mấy anh thợ rừng có tài xẽ gỗ hạ cây hoặc mấy anh thợ đá khéo đục đẽo! Nếu không biết tính toán độ bền, cân nhắc nặng nhẹ, nhất là không am tường về vùng đất, chất đất thì tòa lâu đài xây nên được dù nguy nga tráng lệ, ai tin được đại họa sẽ không đến bất ngờ! Đầu óc chủ quan, đầu óc công thần, lòng lo sợ kẻ dưới không trung thành, ngại kẻ khác thấy cái dở của mình, đó là nỗi khổ của bao người xưa nay. Để ngăn ngừa chung chung, họ thường giở chiêu “cả vú lấp miệng em” ra.  Hạng đó mà rơi vào giới lãnh đạo quốc gia nào thì quốc gia đó thật rủi ro!

Thấy Sản cứ ngẩn ngơ, Điền giục:

-Sao mày chẳng nói gì hết thế Sản?

-À…à… tao chẳng có gì đáng nói cả. Tao an phận thôi. Như bây thấy đó, đứa nào cũng ông này ông nọ còn tao chỉ là viên Thiếu úy quèn!

Tâm xen vào:

-Tại mày không chịu đua tranh thôi. Mày nhớ thằng Sương không? Nó cùng khóa với mày chứ gì! Tao mới gặp nó, nó cũng mang ba mai rồi!

Sản nghĩ rất nhanh về Sương. Thật là cả một màn kịch chua chát mà Sương đang đóng vai chính. Ra trường không bao lâu Sương đã được cử làm Đại đội trưởng một đại đội CSDC biệt lập. Theo cấp số ấn định, Sương được mang hàm Biên tập viên thượng hạng để chỉ huy. Sương đã chinh phục được một người đẹp tên Vinh. Vinh vốn kiêu kỳ, ôm mộng ước lớn, rất quan tâm đến việc chọn người bạn đời. Cuối cùng Vinh đã quyết định gởi thân cho người lính trẻ hào hoa của thành phố. Mấy năm sau, số Biên tập viên ra trường nhiều, được điều đi nắm giữ các chức vụ tương xứng, Sương cũng bị thay thế. Dĩ nhiên Sương phải cởi bỏ hàm nhiệm chức để mang lại ngạch trật thật của mình.

Ở đây phải nói đến một điểm khác biệt trong việc bổ nhiệm cấp chỉ huy giữa cảnh sát và quân đội. Ở quân đội, nếu một quân nhân được cử giữ một chức vụ mà cấp bậc người ấy thấp hơn cấp ấn định, thường chỉ tạm trong một thời gian ngắn. Còn nếu thời gian giữ chức vụ kéo dài hàng năm thì nhất định người ấy sẽ được chạy cấp bậc ít nhất gần đủ tư cách với nhiệm vụ được giao phó. Trường hợp người giữ nhiệm vụ tỏ ra bất xứng, nếu buộc phải thay đổi thì người đó thường được thuyên chuyển sang đơn vị khác để anh ta dễ làm việc. Ngành cảnh sát thì ít lưu ý đến chuyện đó. Một cảnh sát viên (lính trơn) với khả năng và do nhu cầu có thể được cử giữ một chức vụ đáng kể trong một thời gian dài. Khi có người thay thế, anh ta có thể phải trở lại giữ một phần hành thấp hơn nhiều ngay tại đơn vị cũ không phải vì bất lực hay lý do kỷ luật. Nói rõ, có thể có một viên Trung đội trưởng từng chỉ huy, cắt đặt, đề nghị thưởng phạt mọi người trong đơn vị, bỗng một hôm thực thụ trở thành anh lính gác cổng ngay tại đơn vị cũ.

Thật là một hình ảnh phũ phàng! Trong ngành cảnh sát có câu “cai hát bội, đội cảnh sát” là do vậy. Đã bao lâu cả gia đình lẫn bà con bên vợ Sương vẫn nghĩ Sương là một Biên tập viên thật. Thời gian huy hoàng của Sương khi nắm quyền chỉ huy mặt quân sự của ngành cảnh sát trong một tỉnh đã làm cho họ hãnh diện lây (có thể là chỉ do Sương nghĩ). Cho nên khi mất chức, Sương đâm ra hổ thẹn. Chàng có ý nghĩ như mình đã gian dối lường gạt. Đối với người vợ đẹp, Sương càng lo buồn hơn. Khổ nỗi người ta lại giữ Sương làm Trung đội trưởng trung đội CSDC thị xã đơn vị cũ. Từ đó Sương tối kỵ việc để bất cứ một người nào cùng đơn vị tới lui nhà mình. Trong người Sương luôn luôn có hai cặp lon, một cặp Thiếu úy, một cặp Đại úy, linh động tùy lúc mà mang. Sương phải luôn luôn tràng qua né lại trong suốt thời gian làm việc sau này. Lòng Sương cứ canh cánh không biết điều gì sẽ xảy ra khi vợ mình biết chuyện. Một viên Thiếu úy làm việc giỏi, từng nắm đại đội nhiều năm, không lỗi lầm, không bất lực, lại bị đưa trở lại làm Trung đội trưởng và cứ giữ miết cấp bậc Thiếu úy, ai mà hiểu được vấn đề? Nỗi khổ của Sương chỉ có những người bạn đồng cảnh mới thông cảm được….

Thấy Sản không trả lời Tâm, Ý vô tình hỏi thêm:

-Ờ nhỉ! Thằng Sản đi cảnh sát lâu quá rồi mà chưa lên lon à? Tao thấy mày đâu đến nỗi tệ! Mấy anh lính chuyên biệt phái ngành giáo dục đâu có cầm súng thế mà vẫn cứ theo thâm niên mà lên Trung úy, Đại úy như thường! Cảnh sát tụi mày cũng góp máu khá nhiều đấy chứ!

Sản cười buồn:

-Thế đấy! Khi tụi tao đi bắt quân dịch thì người ta vẫn gọi tụi tao là trốn quân dịch. Khi tụi tao hoạt động tận thôn ấp trong bốn vùng, bao nhiêu đồng đội đền nợ nước, người ta lại cho là tụi tao tìm được chỗ an thân. Họ đâu có nhìn kỹ công việc của tụi tao đâu mà thông cảm! Cứ nhìn thử vụ Mậu Thân, bây thấy cảnh sát đã chiến đấu, đã góp máu như thế nào? Một việc tức cười khác, ngay trong gia đình tao, khi tao tốt nghiệp Thẩm sát viên tức Thiếu úy đó, thằng cháu tao đang học lớp đệ tam. Bây giờ nó cũng Trung úy rồi! Nếu bây giờ đổi qua ngành cảnh sát thì nó cũng thành cấp chỉ huy của tao thôi…

Điền ngắt ngang:

-Thôi, dẹp cái chuyện lon lá, quan nhất thời dân vạn đại đó đi! Tửu phùng cố hữu thiên bôi thiểu! Uống cái đã!

*

Sau lần hội ngộ đó, Sản không còn dịp gặp lại người bạn cũ nào nữa.

Ngày vào tù, nghĩa là hơn chín năm sau khi tốt nghiệp Thẩm sát viên tức Thiếu úy, Sản mới nghe đến Bộ Tư Lệnh Cảnh sát đã xét thăng cấp Trung úy cho toàn thể 3 khóa đầu tiên 1, 2 và 3 Thẩm sát viên Học viện CSQG. Một Trung Tá ở sở Nhân Huấn nói đó là sự sửa sai một thiếu sót của Bô Tư Lệnh. Nhưng quyết định thăng cấp không kịp ban hành trước ngày 30-4-75.

Ôi!  CHÍN NĂM!  Một thời gian định mệnh!

Chín năm toàn dân Việt Nam hi sinh biết bao nhiêu xương máu kháng chiến chống Pháp 1945-1954 để rồi gánh chịu một ách thống trị khác tàn bạo hơn nhiều!

Chín năm chính phủ Ngô Đình Diệm tranh đấu gay go cố giữ chủ quyền đất nước 1954-1963, kết quả đất nước lại mất chủ quyền không biết cho đến bao giờ!

Đằng sau hai cái chín năm to lớn ấy lại có thêm cái chín năm của một lớp Thiếu úy cảnh sát làm sân ga chứng kiến hàng ngàn lượt con tàu vượt qua đời mình 1966-1975. Những Thiếu úy đó đã gặp nhiều rắc rối khi khai lý lịch trong tù. Chẳng biết có bao nhiêu trường hợp được “thăng cấp trong cơn mơ” như Sản?

Sau một hồi sống lại với những kỷ niệm, Sản lại thấy buồn ói dữ dội, bụng lại quặn nhói liên hồi. Khi Sản không còn khả năng kiềm giữ được cả hai cửa khẩu, người chàng lại lả dần đi. Bỗng điệu nhạc thần tiên tuyệt vời lại vọng đến càng lúc càng rõ. Cũng không ngoài điệp khúc “Trung úy đăng quang Trung úy đăng quang…”  Chàng lại thấy thứ ánh sáng rực rỡ tỏa ra từ hai cặp bông mai vàng trên cầu vai mình…

*

Hôm sau có bốn người tù bưng một xác người đi chôn.  Họ thì thầm với nhau:

-Nói anh em coi chừng đó mà man khai cấp bậc!

 

Ngô Viết Trọng

 

Nguồn : tác giả

Trở về tập truyện Vết Hằn Mùa Xuân

Trở về Trang Ngô Viết Trọng